Thứ Tư, 3 tháng 10, 2007

Nhà đài của chúng ta tệ thật

Quên?

02-10-2007 00:43:34 GMT +7

Các cần cẩu đang bốc dỡ các trụ sắt để cứu nạn trong vụ sập cầu Cần Thơ vào ngày 27-9. Ảnh: Đ. KHÁNH

Đôi khi bạn cho phép mình quên đi, hoặc xuề xòa đơn giản một điều gì đó để phải lo những đại sự khác. Tuy nhiên, có những điều không được phép ứng xử một cách dễ dãi

1. Một câu hỏi nhỏ

Mấy bữa rày, đồng bào cả nước nóng ruột trước tin cầu Cần Thơ sập mấy nhịp trong khi chuẩn bị vươn mình ra dòng sông Hậu. Đây là một công trình báo hiệu sự phát triển vượt bậc của các tỉnh miền Tây sau mấy mươi năm chờ đợi. Những tin tức nóng về số người bị tử vong, mất tích có lúc đã hỗn loạn vì thông báo chính thức của Ban Tìm kiếm cứu nạn chưa có; các bà mẹ, người con... không kìm nổi nước mắt trong lo âu. Cảnh tang thương, xót xa cần được chia sẻ ấy lại thiếu vắng trên sóng truyền hình.

Vẫn là bản tin vắn trên chương trình thời sự bình thường, chỉ thêm thắt chút đỉnh bằng những hình ảnh muộn màng, mô tả hiện trường bằng những video clip đứt đoạn?! Không lẽ các đài sau nhiều năm được Nhà nước đầu tư lại thiếu phương tiện như xe chuyên dụng cho truyền hình trực tiếp? Tôi nhớ không nhầm, những phương tiện này vẫn thường được nhà đài dùng để cho lên sóng những chương trình “hoành tráng” như các cuộc thi hoa hậu, ca nhạc, bóng đá... Hay đã vô cảm trước nhu cầu “được biết” của nhân dân, bà con cả nước trước thảm họa bên bờ sông Hậu?

Không có buổi trực tiếp nào được thực hiện từ hiện tượng đổ nát ấy. Ngay cả buổi họp báo của liên doanh ba nhà thầu Nhật với Bộ trưởng Bộ GTVT cũng chẳng có, chỉ tường thuật trong bản tin buổi tối lúc 19 giờ thường nhật! Tại sao?

Đồng bào có tò mò không? Không phải. Họ muốn thấy tận mắt, nghe tận tai những gì đang xảy ra để chia sẻ nỗi đau với những người xấu số... Tại sao không bớt đi thời gian dành cho những phim đấm đá, tình cảm sướt mướt, đố vui có thưởng... vốn đang quá nhiều để dành cho sự kiện thương tâm này?

2. Giá trị sẻ chia không thể cân đong đo đếm

Tôi còn nhớ ba kỷ niệm sâu sắc về chương trình tuyền hình trực tiếp. Một lần từ mấy mươi năm về trước, khi Bác Hồ qua đời, đài truyền hình Nhật Bản lần đầu tiên truyền hình trực tiếp lễ tang từ Quảng trường Ba Đình - Hà Nội về Tokyo cho hàng triệu khán thính giả Nhật Bản theo dõi. Dưới cơn mưa đầu mùa thu ấy, mấy trăm nghìn người nghiêm trang lặng yên lắng nghe Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc Di chúc của Người, điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương. Và khi lời “xin thề...” nghẹn ngào trong nước mắt của Tổng Bí thư vừa dứt thì quảng trường như vỡ òa, hàng trăm nghìn con người đã hô to hưởng ứng lời thề trước vong linh Bác. Những tiếng khóc sụt sùi của các em học sinh, cụ già, thiếu nữ... khi bác Phạm Văn Đồng từ lễ đài tiến đến an ủi, nức nở trong vòng tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Những hình ảnh ấy sao mà diệu kỳ, thương tâm và bi tráng đến thế.

Hàng triệu người Nhật đã không cầm được nước mắt, đã chia sẻ với nhân dân Việt Nam và phong trào ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh vào những năm tháng sau đó đã trở nên quyết liệt, dứt khoát và bền bỉ cho đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn!

3. Giá trị của truyền hình trực tiếp là như vậy

Hình ảnh chiếc xe tăng xông vào Dinh Độc Lập trưa 30-4- 1975 qua màn ảnh nhỏ từ Sài Gòn đưa về, cảnh bà con nô nức đứng hai bên đường, các em học sinh (thanh niên xung phong) cầm cờ hướng dẫn giao thông, mũ cối, quân phục lính Sài Gòn vứt bỏ tứ tung... đã khắc sâu vào tâm khảm những người chỉ được theo dõi từ phương xa như chúng tôi... Đó là những phút giây cảm động nhất, hạnh phúc vô ngần trong đời.

Buổi trực tiếp truyền hình thứ ba khó quên là đêm ở Sài Gòn chứng kiến cảnh hai chiếc máy bay Boeing 767 đâm vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới... Xa Sài Gòn hơn chục nghìn cây số đường chim bay, song với phương tiện hiện đại, chúng ta vẫn được thông tin, những hình ảnh “vô tiền khoáng hậu” làm rúng động toàn cầu với niềm chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những người dân vô tội. Không phải chỉ lúc đó, mà suốt cả tuần lễ sau, nhân dân thế giới còn được xem cảnh đào bới, tìm kiếm, lễ truy điệu... một cách sít sao. Đó là sự cảm thông, chia sẻ nỗi đau mất mát mà có ý nghĩa không thể cân đong đo đếm được!

Vậy mà từ Cần Thơ đến Sài Gòn, Hà Nội, Huế... không bao xa nhưng... nhà đài của chúng ta lại quên trực tiếp. Chờ đến giờ đưa tin thời sự với những tin tức nguội lạnh, những tin mà chỉ cần một nhấp chuột, ta có thể biết trước đó mấy tiếng đồng hồ. Khói hương cho người đã khuất đã cháy hết mất rồi...

Hồng Lê Thọ (Tokyo)

Blogged with Flock

Không có nhận xét nào: