Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Tâm sự về nhạc phẩm “Lệ Đá”, sáng tác cùng Trần Trịnh



Nhà thơ Hà Huyền Chi có tên thật Đặng Trí Hoàn, sinh ngày 21/12/1935 tại Hà Đông, Hà Nội. Năm 1954 một mình đi vào Nam. Năm 1957 nhập ngũ theo đời binh nghiệp (Võ bị QG Đà Lạt), năm 1975 qua Mỹ và hiện cư ngụ tại Washington State, vùng Tây Bắc Hoa Kỳ.
Hà Huyền Chi tập làm thơ hồi còn rất trẻ, tác phẩm đầu tay của ông là “Saut” Đêm xuất hiện vào năm 1963. Đến nay ông đã in 22 tập thơ, 8 truyện dài. (Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật bộ môn Thơ, 1971). Đóng 8 phim và đạo diễn 2 phim (Giải Tượng vàng 1972, Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ môn phim tài liệu). Ông còn dùng nhiều bút hiệu khác như : Mậu Binh, Hồ An, Mã Tử, Hạc Bút Ông… Cũng tính đến nay, ông đã có 409 bản nhạc phổ thơ từ 48 nhạc sĩ. Nhưng nhạc phẩm được nhiều người ưa thích nhất là bài “Lệ Đá” do Trần Trịnh soạn nhạc và ông đặt lời, và bài “Goá Phụ Ngây Thơ” doTrần Thiện Thanh phổ nhạc sau này.
Tác phẩm Hà Huyền Chi đã xuất bản gồm Saut Ðêm (1963), Còn Gì Cho Anh, Khu Vườn Chim Sẻ, Những Nụ Gai Mòn, Rừng Ái Ân, Vũng Tối Ðầy (1970), Bước Ðam Mê, Mưa Ðêm Trong Chiến Hào (1971), Trên Cánh Ðồng Mây, Cho Mặt Trời (1975), Tên Nô Lệ Mới (1979), Như Ðá Ngàn Năm (1981), Cõi Buồn Trên Ta (1984), Ðời Bỗng Dưng Thừa (1987), Không Gian Vương Dấu Giày (1988), Hành Trình 30 Năm Thơ Hà Huyền Chi, Thơ Ðen (1991), Thơ Kẽm Gai, Tháng Một Buồn (1994), Thơ Trong Da Ngựa (1995), Một Túi Bình Sinh Một Túi Thơ, Ðồng Thiếp (1996), Bão Ðầy (1998), Bên Trời Mài Kiếm (thơ song ngữ-Anh,Việt 1999)
Theo nhà thơ Hà Huyền Chi cho biết, do tình cờ khi ông còn ở binh chủng Nhẩy Dù ông đã viết nhiều truyện ngắn và thơ. Có bài thường xuyên đăng trên báo quân đội, nên nhẩy vào nghề báo chí rồi nhẩy vào điện ảnh như một thử thách, vì có lúc ông làm phụ tá trưởng phòng Điện ảnh của cục Tâm Lý Chiến. Làm Đạo diễn trong Đạo diễn đoàn thuộc Nha Điện Ảnh của Bộ Thông Tin.
Nhà thơ Hà Huyền Chi vốn mê thơ, nên từ lúc ông còn đi học đã tập làm thơ, do nghĩ rằng làm thơ là lối đi dễ nhất để vào thế giới văn chương. Tuy nhiên theo ông tâm sự, để đi vào đường văn chương, bước đầu người ta nên tập viết truyện dài, sau đó tập viết truyện ngắn. Cuối cùng mới nên tập làm thơ, bởi thơ vốn là đỉnh cao nhất của văn chương. Còn ông đã đi ra khỏi cái quy luật thứ tự đó.
Có người thống kê, nhà thơ Hà Huyền Chi là thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất và người phổ thơ ông nhiều nhất là nhạc sĩ Mai Anh Việt, với 65 bài. Vì thế có người nhận xét “thơ Hà Huyền Chi mang nhiều chất nhạc”. Có lẽ khi ông làm thơ đã có ý niệm đem phổ nhạc, ý niệm này xuất phát từ khi nhạc phẩm “Lệ Đá” được ông đặt lời sau bản nhạc chưa lời của Trần Trịnh.
Luận về người làm văn chương – nghệ thuật
Khi nói về những người đang làm văn chương nghệ thuật hôm nay, theo nhà thơ Hà Huyền Chi cho biết :
- “Trước hết, chúng ta đang có tình trạng lạm phát số người muốn tự khoác cho mình chiếc áo thi sĩ, nhạc sĩ. Nhiều người đã tự bỏ tiền ra in thơ hay nhạc, mà trong lúc chưa nắm vững được kỹ thuật căn bản, nhập môn. Của niêm luật, vần điệu, thanh điệu, hợp âm và phối âm.
“Tình trạng trăm hoa đua nở này không có lợi cho sự tiến hóa chung của hai bộ môn nghệ thuật này. Nếu không muốn nói là có hại.
“Chúng ta hãy thử tưởng tượng, trên bất kỳ một sân khấu nào, ai cũng có quyền nhẩy lên ca, ngâm bạt mạng, thì sớm muộn gì cũng giết chết các sinh hoạt này”.
Rồi nhà thơ tâm sự tiếp : là một người thích sưu tập về thơ (collection, chưa là selection) mà ông không có cách gì mua được cho đầy đủ những thi tập được ấn hành ở hải ngoại. Có thể nói, mỗi tuần đều có “thi tập” mới ra lò. Về âm nhạc cũng vậy, các CD nhạc đang ở mức độ lạm phát, tràn ngập thị trường từ VN đem sang ở hải ngoại ấn hành. Nếu không nói các CD “thượng vàng hạ cám” đều xuất hiện hàng ngày. Chưa kể “trận giặc hạ giá” của các CD sản xuất từ VN gửi sang, đã tàn phá thị trường ca, ngâm. Có lẽ vẫn còn tình trạng lạm phát này dài dài.
CD hải ngoại bây giờ khó tiêu thụ, vì bây giờ gặp nạn các ca nghệ sĩ thường làm giá quá đáng, đòi “cát-sê” cao ngất từ 3 tới 5 ngàn đô cho một bài hát thâu âm, đang giết chết giới sản xuất. Giống như giới tài tử điện ảnh Mỹ đòi thù lao vài chục triệu đô cho mỗi phim, khiến hàng loạt các rạp chiếu phim phá sản vì giá vé cao. Cũng thế, ca sĩ hải ngoại đòi thù lao từ 3 tới 5 ngàn đô cho một bài hát thâu âm. Khiến giá bán một CD quá cao so với giá CD sản xuất từ VN, cho nên vẫn còn bế tắc, nan giải chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Nói về nhạc phẩm Lệ Đá trước đây, nhà thơ Hà Huyền Chi cho biết :
Ngó lui mấy chặng đường Lệ Đá
- Nhạc phẩm “Lệ Đá” trước hết không phải là một bài thơ phổ nhạc. Phải nói là tôi đã đặt lời cho bản nhạc (vốn không tên) của nhạc sĩ Trần Trịnh. Do một cơ duyên đặc biệt, do người bạn tên Đông chơi Clarinet, giới thiệu Trần Trịnh đến với tôi, khi đó Trần Trịnh (giữa thập niên 1960) chưa có nhiều tiếng tăm trong làng tân nhạc thời bấy giờ :
- Nhạc Trần Trịnh khá lắm, nhưng rất ít người biết đến. Xin anh giúp thằng bạn em một lần, đặt lời ca giùm cho nó.

Nhạc sĩ Trần Trịnh
Tôi liền lắc đầu : “Em biết là anh vốn mù nhạc mà !”
- Em biết chứ, nhưng em thành thực nghĩ rằng chỉ có anh mới giúp được nó.
Còn Trần Trịnh cười hiền lành nói thêm :
- Xin anh giúp cho. Tôi nghĩ là sẽ có cách…
Bấy giờ tôi thẳng thắn đặt điều kiện :
- Nể thằng em, coi như tôi chấp thuận trên nguyên tắc. Tuy nhiên, tôi cần nghe anh đàn bản nhạc này vài lần để có khái niệm về nhạc tính. Và tôi cũng cần ý kiến thẩm định về nhạc thuật của bài này với những Pianist như Dzương Ngọc Hoán (chồng Pianist, ca sĩ Quỳnh Giao)
Chúng tôi kéo nhau lên đài phát thanh Quân Đội, Trần Trịnh ngồi vào piano. Và điều ngạc nhiên là tôi ưa ngay cái âm hưởng buồn ngất ngây dịu nhẹ đó, rất Pianissimo ấy. Melody thật tha thiết, ngọt ngào, bắt nhĩ. Khi ấy Đông đã kéo Dzương Ngọc Hoán qua và Hoán khen bản nhạc này không tiếc lời, khiến tôi có ngay quyết định giúp Trần Trịnh. Tôi nghe Trịnh đàn thêm vài lần nữa và cố gắng nhập tâm cái âm hương của bản nhạc.
Hôm sau, tôi đem đến Trần Trịnh lời ca thứ nhất của Lệ Đá. Kết quả ngoài sức tượng tượng, là không biết bằng cảm hứng nào đó, tôi đã hòa được cái rung cảm đích thực của thơ tôi vào nhạc Trần Trịnh. Trần Trịnh mừng rỡ tới sững hồn. Anh và Hoán cùng hân hoan hát Lệ Đá khiến tôi cũng choáng ngợp trong niềm vui.
Lập tức tôi viết lời 2. Buổi trưa nắng gắt, dưới mái tôn thấp lè tè của quán cơm lính trong trại. Trên chiếc bàn bọc nhôm nóng bỏng, cáu bẩn, tôi thả hồn bay với Lệ Đá. Tôi viết thật dễ dàng, và khóc cũng dễ dàng với lời 2 này.
Tôi cứ vừa viết vừa khóc thế đó, như khi ngồi chép lại những dòng nàỵ Tôi bỏ dở bữa ăn, đem lời 2 lên đài Quân Độị gặp Nhật Trường trước phòng vi âm. Tôi đưa Lệ Đá ra khoe, Nhật Trường hát ngay với nỗi hân hoan bốc lửa. Hắn túm ngay lấy Trần Trịnh đòi soạn cấp kỳ hoà âm cho ban nhạc và 2 bè khác cho Mai Hương, Như Thủy ca. Khoảng nửa giờ sau Lệ Đá được thâu cấp kỳ. Nhật Trường, Mai Hương, Như Thủy, mỗi nguời trên tay một bản Lệ Đá “mì ăn liền” say mê hoà ca với nỗi xúc động đồng thiếp. “Take one Good take !” Hát và thâu hoàn chỉnh ngay lần thứ nhất.
Nhật Trường như bay ra khỏi phòng vi âm ôm lấy tôi và Trần Trịnh :
- Ông đặt lời thần sầu. Bản này sẽ là Top Hit.
Tôi nhún nhường:
- Top Hit được là nhờ nhạc Trần Trịnh bay bổng như diều đấy chứ.
Nhật Trường cướp lời :
- Nhưng ông là gió lớn. Đại phong mà…
Lời bài hát Lệ Đá (1) sáng tác cuối thập niên 60
Hỏi đá xanh rêu…bao nhiêu tuổi đời / Hỏi gió phiêu du…qua bao đỉnh trời / Hỏi những đêm sâu… đèn vàng héo hắt
Ái ân… bây giờ là nước mắt / Cuối hồn một… thoáng nhớ mong manh
Thuở ấy tôi như… con chim lạc đàn / Xoải cánh cô đơn…bay trong chiều vàng / Và ước mơ sao…trời đừng bão tố / Để yêu thương… càng nhiều gắn bó / Tháng ngày là… men say nguồn thơ
Điệp khúc
Tình yêu… đã vỗ… cánh rồi / Là hoa.. rót mật… cho đời / Chắt chiu… kỷ niệm… dĩ vãng / Em nhớ gì… không em ơi
Mầu áo thiên thanh… thơ ngây ngày nào / Chìm khuất trong mưa… mưa bay rạt rào / Đọc lá thư xưa…một trời luyến tiếc / Nhớ môi em…và mầu mắt biếc / Suối hẹn hò… trăng xanh đầu non
Lời bài hát Lệ Đá (2) sáng tác cuối thập niên 60
Tượng đá kiên trinh… ru con đời đời / Là nét đan thanh… nêu cao tình người / Là ánh chiêu dương… đẩy lùi bóng tối / Tháng năm xa… trùng trùng sóng gối / Ngóng nhìn từ… bát ngát chân mây
Bài hát ca dao… theo tôi vào đời / Và giữ cho tim… tôi xanh nụ cười / Nào biết trong em… còn nhiều trống vắng / Trái yêu đương… chỉ là trái đắng / Gã tật nguyền… buông trôi niềm tin
Điệp khúc
Tình yêu… đã vỗ… cánh rồi / Là hoa… rót mật… cho đời / Chắt chiu… kỷ niệm… dĩ vãng / Em nhớ gì… không em ơi
Tương đá kiên trinh… ôm con đợi chồng / Nhạc lá thu mưa… hay chân ngựa hồng / Lệ đá tuôn rơi… dòng dòng nối tiếp / Ngóng chinh phu… đời đời kiếp kiếp / Suối vọng tìm… trăng xanh đầu non
Cái ma kiếp của một bài ca được yêu chuộng thường yểu tử, và xuống cấp. Nhưng Lệ Đá thì không. Nó may mắn thoát khỏi định số ước lệ ấý. Vào những năm 67, 68 nhạc phẩm “Lệ Đá” được cất tiếng thường xuyên hầu như ở khắp mọi sinh hoạt văn nghệ mà thời kỳ này nhạc Trịnh Công Sơn đang được mọi người hâm mộ. Lệ Đá góp mặt hàng đêm ở các phòng trà, tiệm nhảy. Lệ Đá vào khuê phòng, ra máy nước. Rồi quán cà phê cũng Lệ Đá, phim ảnh cũng Lệ Đá với tiếng hát Khánh Ly, phim do Thanh Nga, Đoàn Châu Mậu diễn xuất, và Bùi Sơn Duân đạo diễn.
May sao, Lệ Đá vẫn chưa trở thành nhạc sến, nhạc đứng đường. May sao, tôi vẫn được yên thân, bởi vẫn giữ kín cơ duyên “nhảy dù” vào nghề viết lời nhạc. Để mọi người đều hiểu lầm rằng Trần Trịnh phổ thơ tôi.
Khi ấy tôi viết thêm lời 3 cho Lệ Đá khi đi công tác ở Sóc Trăng, Cà Mau. Nơi Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc với muỗi mòng dễ nể. Nhà văn Bình Nguyên Lộc dọa, chỉ cần quơ tay một cái là đã túm được cả chục con muỗí. Bạn bè hăm, trâu bò còn phải ngủ trong mùng. Khách sạn tỉnh lẻ không khá gì hơn mấy quán trọ trong phim Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long. Thực khách vừa nhâm nhi, vừa quơ chưởng, đuổi muỗí. Mới chập tối, tôi đã chui vô chiếc mùng thố. Và buồn tình tôi viết lời Lệ Đá 3:
Lệ Đá lời 3 (Tháng 9, 1968)
Từ những đam mê… xa trong cuộc đời / Từ những cơn vui… tan theo nụ cười / Từ phút trao đi… cuộc tình thứ nhất / Giá băng khi… tuổi hồng đã mất / Dấu bèo chìm… khuất sóng xa khơi
Dòng tóc mây thơ… trên vai rủ mềm / Mười ngón tay em… đan trong tủi phiền / Lời hứa cao bay… cuộc tình cút bắt / Giấc mơ hoa… đầu đời đã tắt / Có gì vừa… trôi qua tầm tay
Điệp khúc
Người đi… đi mãi… không về/ Thời gian… xoá vội… câu thề / Bóng anh… nhạt nhoà… bóng núi / Em với tình… yêu trăng soi
Lạy chúa ngôi… ba nghe con nguyện cầu / Và giúp cho con… quên đi tình sầu / Lời thánh ru êm… giọt đàn thống hối / Chúa trên cao… mỉm cười thứ lỗi / Những giọt đàn… vang trong trời tin
Sáng hôm sau, chỉ có Chúa ngôi ba mới biết được cơn sợ hãi của tôi đến cỡ nào khi thức giấc. Trong mùng tôi, cả trăm con muỗi đen đủi no căng đu mình say ngủ an bình !!!
Lệ Đá lời 4 (Riêng cho Khánh Liên, tháng 4, 1975)
Chiều 27/4/1975 tôi còn cái hẹn với người tình Khánh Liên ở Thị Nghè. Tình hình thời cuộc lúc đó biến chuyển cực nhanh, nên tôi không đến được với Khánh Liên, tôi đã không thể thu xếp để tới chỗ hẹn, nói lời từ giã cuối cùng với nàng. Nỗi buồn đeo cứng lấy tôi. Khi ngồi nín thở dưới hầm, khi ráng ngoi nhìn mặt sông Lòng Tảo lần cuối. Nhìn mặt sông cuồn cuộn đau, khi thấp thoáng nghĩ ngàn dặm sẽ chia lìa cùng Sài Gòn, quê hương và người tình Khánh Liên…
Nên bài lời 4 này khởi viết từ tháng 4 và được hoàn chỉnh vào tháng 7/1975.
Lệ Đá lời 4
Từ nỗi xa đau… như đêm và ngày / Mỏi cánh thư bay… bay trong mùa đầy / Hòn đá đeo trên… cuộc đời héo hắt / Mãi bơi trong… vực sầu nước mắt / Chút tình buồn… lãng đãng men say
Người lỡ chia xa… đôi bên địa cầu / Tình lỡ chia xa… hai bên đỉnh sầu / Người đã xa khơi… cuộc tình tách bến / Chút hương xưa… làm thành vốn liếng / Cũng cùn mòn… theo chân thời gian
Điệp khúc
Muà xanh… đã khép… mắt đời / Hè khô… nức nở… ma cười / Gió thu… liệm vàng… nỗi nhớ / Đông xám… màu tang… nơi nơi
Một nét sao bay… trên khung trời buồn / Ngọn lá me khô… lăn trên mặt đường / Tưởng tiếng chân quen… tìm về lối ngõ / Tiếng chân xưa… chỉ là tiếng gió / Gió thở dài… lung lay hồn trăng
Không rõ điều gì đã khiến tôi không xa rời được cái giao hưởng của Lệ Đá 1, 2, khiến đôi khi, khúc này hầu như là một phó bản, mô phỏng của khúc trước. Nó dẫn tôi quanh quẩn trong trình tự ấy không rời.
Lệ Đá lời 5 (Riêng cho Nguyệt Lãng)
Có lẽ tôi là một kẻ chung tình mang trái tim phản trắc. Năm 1992, tôi đắm hồn vào một tình yêu mới. Nguyễn Tà Cúc – Nguyệt Lãng – Ác Bà Bà, là Ba đại ác nhân và mỹ nhân, đã cho tôi hạnh phúc và hành tôi điêu đứng không cùng.
Nguyễn Tà Cúc thì không thể nào không… tà cho được. Nàng đến với tôi như một tiểu muội thứ thiệt. Rồi tôi đổ đốn đâm ra yêu tiểu muội, qua một phân thân của nàng là Nguyệt Lãng (sóng trăng).
“Tháng Một Buồn” in năm 1993, là thi tập ghi dấu tình tôi với nàng. Rồi Nguyệt Lãng lại phân thân, lần nữa. Từ cây bút hoa bướm hiệu đoàn, Ác Bà Bà soi kính chiếu yêu vào đời sống, văn chương. Và chứng tỏ năng khiếu trong lãnh vực phê bình văn học, và đàn hạch tư cách bất chính của nhà văn. Trong và ngoài văn chương.
Tôi xa nàng từ 1993. Dù cái tình của chúng tôi vẫn là ngàn đời chẳng thể chia xa. Và từ tháng Mười 1992 đến tháng Chạp 2002, đã là hơn 10 năm vèo qua trong thân tình, chúng tôi vẫn chưa hề giáp mặt nhau, dù chỉ một lần. Dù tôi đến Cali nhiều bận. Rất nhiều bận. Không gặp, phải chăng là cố gắng phi thường của chúng tôí. Để giữ cho tình mãi đẹp. Cho dù, những năm sau này, tiểu muội của tôi đã trong tình trạng không còn ràng buộc bởi hôn nhân.
Lệ Đá lời 5
Từ lúc yêu trăng… tiêu hoang cuộc đời / Từ phút say hoa… tương tư biển trời / Muội rót cho huynh… ngọt ngào suối biếc / Đắm say trên…từng hàng chữ viết / Cũng muộn phiền… suốt kiếp chưa vơi
Sợi tóc biên cương… xa hơn ngàn trùng / Nguyệt lãng sông chia... tang thương chẳng cùng / Là nhánh phong lan… vì người vẫy gió / Lúc trăng vơi… người còn mãi nhớ / Vẫn nồng nàn… thơm hương tịnh yên
Điệp khúc
Tình đau… lấp lánh… cuối trời / Ngàn khuya… gió thở… vai người / Tóc đêm… mượt mà… suối nhớ / Trăng đắm… hồn si... trăng trôi
Tình lỡ đăng quang… sông vui, dặm phiền / Còn chút dư hương… vương trên cỏ hiền / Để mãi thương nhau… đời này kiếp khác / Những đêm sâu… thảng lời gió hát / Khúc tình hoài… trăm năm, ngàn năm

Nguyễn Lê Quan

Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

THỐNG NHẤT TRONG CHIA RẺ

29.04.2017

Một đêm quá dài với quá nhiều suy nghĩ miên man trong những ngày cuối cùng của tháng tư…Cơn mưa rất lớn cuối đêm đầu sáng đã làm cho tôi chợt bừng tỉnh và kéo tôi ra khỏi những dòng suy tư tưởng như không có sự kết thúc ấy. Mùa mưa tại Sài Gòn năm nay đã đến quá sớm so với bình thường ngay từ tháng hai và tháng ba dương lịch. Có lẽ ông trời đã không còn có thể che giấu cảm xúc để mà đợi đến mùa mưa được nữa. Có lẽ cũng như đâu đó trong chúng ta, khi phải kiềm chế và bị đè nén cảm xúc quá nhiều, chúng ta chỉ mong muốn đi đến một nơi thật xa, để được sống, được đắm chìm trong nỗi đau riêng mình và để có thể hét lên thật to mà trút hết nỗi giận hờn buồn phiền chất chứa ở trong lòng. Có lẽ cũng vì thế mà càng gần đến ngày này, những cơn mưa xé rào tựa như những giọt nước mắt thịnh nộ, buồn đau mà đất Mẹ đang khóc thương cho dân tộc này càng làm cho tôi cảm thấy u uất…

Tôi thuộc thế hệ 8X sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tôi biết về lịch sử của dân tộc phần lớn qua những trang sách, qua truyền thông mở, qua nhiều nguồn nghiên cứu đa chiều và qua những chia sẻ của những chứng nhân mà tôi đã may mắn gặp được trên con đường đi tìm lại sự thật cho chính mình và cho quê hương mình. Ngày 30 tháng 4 cũng là một trong những chuỗi sự kiện quan trọng ghi dấu ấn lịch sử buồn nhiều hơn vui của dân tộc Việt Nam.

Cũng là những con người, cũng là một đất nước có chủ quyền, đáng lẽ sau 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước thì dân tộc của chúng ta đã phải được hưởng những giá trị tốt đẹp như bất cứ những dân tộc nào khác trên thế giới, ấy vậy mà chúng ta vẫn còn đang trong giai đoạn đi kiếm tìm ! Dù phải sống 1000 năm trong kiếp nô lệ của lũ giặc phương bắc nhưng cha ông của chúng ta đã luôn nung nấu ý chí, tìm cách đứng lên để lấy lại non sông bờ cõi, lấy lại danh dự cho dân tộc và đòi lại quyền làm người của chúng ta. Vậy mà sau 72 năm ở miền Bắc và sau 42 năm ở miền Nam, dân tộc tính của chúng ta đã bị đánh mất ! Chúng ta đâu có thua kém ai về trí tuệ ? Chúng ta đã từng là một dân tộc bất khuất, kiên trung quyết sống và chiến đấu cho đạo lý, chính nghĩa và danh dự của Tổ Quốc. Chúng ta đã từng là những con người có nhân cách, giàu lòng nhân ái, đoàn kết, đề cao lòng tự trọng và biết tôn trọng sự tự trọng của người khác.

Nhưng thay vì đấu tranh, chúng ta lại im lặng đớn hèn để rồi vô tình thỏa hiệp, tiếp tay cho cái xấu, cái ác, cái bất công phát triển và ngự trị trong xã hội. Chúng ta mặc nhiên coi đó là mặt trái hiển nhiên của sự phát triển. Không, đó chỉ là sự ngụy biện ! Tại sao các nước phương tây phát triển hơn chúng ta cả trăm năm mà họ lại dân chủ và nhân bản hơn chúng ta ? Tại sao các nước phương tây luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân nhưng họ vẫn có ý thức cộng đồng lớn mạnh hơn chúng ta ? Trên thực tế, sự phát triển luôn mang trong nó một ý nghĩa của sự đổi thay tích cực. Thời buổi truyền thông mở và kỹ thuật số lên ngôi nên mọi thông tin diễn ra trên thế giới hàng ngày đều được truyền tải đến chúng ta chỉ sau vài cú nhấp chuột. Là những con người có nhận thức và trách nhiệm, thay vì đổ lỗi cho sự phát triển và mặc nhiên công nhận mặt trái của nó, chúng ta phải biết phê phán, chỉ trích, thậm chí đấu tranh cho đến cùng để loại bỏ những quan điểm ngộ nhận về phát triển, những hành động theo trào lưu hiện đại sai trái với văn hóa và đạo lý làm người. Không phải vô tình mà Martin Luther King đã nói “Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng”. Cuộc sống là luôn luôn phải gắn liền với đấu tranh, dù ở thời chiến hay thời bình !

Hậu quả để lại cho đất nước của chúng ta hiện nay là mỗi ngày trên quê hương đều là một ngày 30 tháng 4 : thống nhất trong chia rẽ. Chế độ này đã thành công trong việc thống nhất lãnh thổ nhưng đã hoàn toàn thất bại trong việc thống nhất lòng người ! Khủng hoảng niềm tin đã khiến cho chúng ta phần lớn luôn phải sống trong đề phòng, ngờ vực và cảnh giác lẫn nhau. Vì không còn biết tin ai như thế đã khiến cho mọi cảm xúc của chúng ta đối với đồng bào mình, nhân loại mình trở nên bão hòa và dẫn đến sự thờ ơ, lãnh đạm. Thượng bất chính, hạ tất loạn. Trên thì mạnh ai người đó vơ vét khi còn tại vị. Dưới thì mạnh ai người đó sống vì sợ gặp rắc rối. Chúng ta cứ mãi mê đuổi theo những lợi ích cá nhân trong vòng tròn an toàn tự tạo ra của mình mà bỏ mặc đất nước, bỏ mặc xã hội theo thuyết tự điều chỉnh một cách sai lầm. Chúng ta sẽ làm gì khi vòng tròn vô trùng mà chúng ta tạo ra đã trở nên ngày càng nhỏ hẹp ? Phá vỡ nó và chấp nhận đương đầu với sóng gió ngoài kia hay là tự mình sẽ chết trong cái vòng an toàn đã trở nên quá ngột ngạt ?

Không ai có thể sống trong cô lập mãi được. Một quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa không thể phát triển khi đóng cửa với thế giới và tự đưa ra luật chơi của riêng mình. Khi xu hướng lấy quyền và những giá trị phổ quát của nhân loại là cơ sở cho hợp tác và hội nhập chung thì mọi sự thống trị dựa trên độc tôn quyền lực, độc tài chính trị và độc quyền kinh tế chỉ khiến cho đất nước đó bị đẩy ra khỏi quỹ đạo phát triển của sân chơi quốc tế. Và khi bị thế giới quay lưng thì việc tìm đồng minh lớn hơn bảo vệ trong thế bị động, bị cô lập chỉ khiến cho chúng ta mất đi sự độc lập và chủ quyền cần phải có của một quốc gia.

Tất cả những gì đang diễn ra hàng ngày được thể hiện đúng như kịch bản bi thương mà trong đó Tổ Quốc đóng vai nhân vật chính và nhân dân thì rất tận tình đóng vai quần chúng cổ súy cho cái bi thương đó một cách rất vô tình …Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại nhận thức, nhìn lại sự nhu nhược, sự yếu hèn trong con người của mỗi chúng ta. Là người con của nước Việt, chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm đạo đức với đất Mẹ đã sinh ra mình cũng như biết lên tiếng trước áp bức, bất công và gian trá.

Không bỏ công xây dựng sao có thành quả ? Chúng ta có thể có sự khác biệt nhưng chúng ta đừng để sự khác biệt đó chia rẽ chúng ta cũng như mục tiêu chung của chúng ta. “Bóng tối không thể xua đi bóng tối, chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không thể xua đi hận thù, chỉ có tình yêu mới có thể làm được điều đó”. Mọi sự thay đổi không bao giờ đến một cách tự nhiên, mà nó là kết quả của sự mong muốn, một quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ. Nếu chúng ta không thay đổi, nếu chúng ta không đứng lên đòi lại danh dự cho Tổ Quốc và những quyền phổ quát của con người thì chúng ta đã tự biến chúng ta thành những kẻ bị trị và sự im lặng cam chịu của chúng ta chỉ khiến cho nhà cầm quyền duy trì và củng cố sự cai trị của họ lên chúng ta một cách bền vững mà thôi.

Cuối cùng, xin mượn ý của Martin Luther King để nói rằng một đất nước hay một nền văn minh sinh ra những con người nhu nhược, đớn hèn thì đang tự tạo ra cho mình một cái chết tinh thần trong tương lai. Ngay từ bây giờ, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải gây dựng lại niềm tin trong chúng ta vì “Niềm tin là bước chân đầu tiên, cho dù bạn không thể nhìn thấy hết cả cầu thang” nhưng nếu không có những bước chân đầu tiên ấy thì chúng ta sẽ không thể về đến đích. Sau tất cả, tôi vẫn tin rằng tinh thần dân tộc mạnh mẽ vốn có của chúng ta vẫn chưa chết. Tôi vẫn hy vọng những gì mà tôi vừa nói, dù có vẻ bi quan, nhưng dứt khoát không phải là bản chất thực tế tiềm ẩn sau sự lãnh đạm đến từ sự sợ hãi của chúng ta nữa.

Sau cơn mưa ban nãy, trời đã sáng trở lại và cỏ cây nhờ nước mưa gột rửa giờ lại được khoác lên mình một lớp áo mới tươi xanh hơn, không vướng bận bụi trần và nhờ vậy mà chúng ta chợt thấy những búp non đang hiện ra lung linh khoe sắc dưới ánh mặt trời …!

FB VÕ HỒNG LY

ĐẢ TÀU ĐẠI CÁO

Từng nghe:

Việc ăn cám cốt để tăng cân
Quân bán thịt vẫn mong nhiều nạc
Như nước Lợn ta từ trước
Vốn cam làm gia súc đã lâu
Dưới trên, chủ tớ đã chia
Ăn tạp, ăn tinh cũng khác
Từ Dọi, Mông, Sấn, Giò… ăn vào tăng cường sinh lực
Cùng Tiết, Lòng, Điếu, Gan… mỗi mâm một bát tiết canh
Tuy nạc, mỡ có lúc khác nhau
Song siêu nạc thời nào cũng có.

Cho nên:

Dân ta gặm xương nên rất khỏe
Các quan xơi thịt được no nê,
Cửa chuồng nọ lũ lượt con buôn
Cổng trại kia xếp hàng đồ tể
Việc nay xem xét,
Chứng cớ còn ghi.

Vừa rồi:

Nhân bọn Tàu khốn kiếp lọc lừa,
Để trong nước hè nhau nuôi lợn.
Formosa thừa cơ gây hoạ,
Bọn gian thương cơ hội phất lên.
Nó mua vào những giá rất hời,
Đã thế còn không ngừng xuống giá.
Dối người nuôi đủ muôn ngàn kế,
Lừa kẻ ăn vẫn bán giá cao.
Bọn con buôn một vốn bốn lời,
Chủ trại lợn trắng tay phá sản.
Người bị chủ cám thúc trả tiền, đem xã hội đen ra dọa giết, ngán thay giá lợn rẻ bèo.
Kẻ bị ngân hàng đòi xiết nợ, dùng luật thế chấp để dỡ nhà, buồn trông tình người thạt thếch
Tàn hại cả lũ lợn sề, lợn dái,
Nheo nhóc thay đàn lợn cấn khốn cùng.
Nặng nề những nỗi phân gio,
Tan tác cả nghề chọc tiết.
Độc ác thay, bọn Tàu khựa, chín mươi triệu fabooker không ghi hết tội,
Dơ bẩn thay, lũ cơ hội, ba mươi triệu bãi phân lợn khó sánh được mùi.
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo lợn dân chịu được?

FB Phạm Lưu Vũ

Copy bên trang Tiểu Hàn Giang

TIẾNG VỖ TAY TRONG MỘT ĐÁM TANG

Đám tang ai mà có chuyện lạ vậy? Xin thưa, đó là đám tang tướng quân nhà văn Trần Độ tổ chức ngày 14-8-2002 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông.

Trung tướng Trần Độ là một vị lão thành cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước cũng như trong tổ chức quân đội, những năm cuối Đảng, bị chính quyền coi là phần tử nguy hiểm, và công an gây nhiều phiền hà.

Cho nên đám tang ông khiến mọi người rất quan tâm. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người ta chú ý xem lãnh đạo cư xử với đám tang ông ra sao?

Ông mất từ hôm mồng 9-8, việc đưa tin trên báo và tivi rất chậm. Mãi đến ngày 13-8 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13-8 cô phát thanh viên trên tivi mới đọc tin tang lễ.

Cô vẫn mặc áo màu hoa đẹp hàng ngày, không mặc áo tang đen. Đưa tin sát ngày như thế, thì người các tỉnh xa, trong đó có nhiều đồng đội, đồng nghiệp, và những người ái mộ ông không thể về kịp, vì ngày mai 14 đã lễ tang rồi.

Ngày 14, từ 8 giờ sáng bắt đầu lễ viếng. Tuy nhiên những người yêu quý ông Độ ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội đã về kịp. Họ đi cá nhân, hoặc thành nhóm. Không thấy những viên chức cao cấp đương nhiệm, hoặc các cơ quan đoàn thể đến viếng. Hình như có chỉ thị của Ban Bí Thư (có người nói của Bộ Chính Trị) gửi các cơ quan đoàn thể về tang lễ này, hạn chế sự tham gia.

Các vòng hoa đề chữ Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ bị ách lại từ ngoài cổng. Phải bỏ chữ Vô cùng thương tiếc và quân hàm trung tướng đi. Thắc mắc thì anh em nhà tang lễ giải thích: “Chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh ở trên”(!)

Vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp đề hàng chữ: “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ – Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cũng bị ách lại, đưa vào phòng đợi ngoài cổng, và đề nghị sửa (có anh em chuyên môn sửa ngay). Nghĩa là phải bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc, và các quân hàm trung tướng, đại tướng, chỉ còn là ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ. Thư ký của đại tướng là ông Huyên, phản đối. Chuyện đôi co lằng nhằng, hai bên đều phải xin ý kiến cấp trên của mình. Mỗi bên đều xuống thang một chút. Cuối cùng vòng hoa còn là: “Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Có lẽ (đó) là vòng hoa duy nhất được giữ gần như nguyên vẹn lời viếng.

Nhưng khi Ban Tang Lễ gọi loa đọc tên người viếng thì lại gọi là: “Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ”.

Những người đứng đợi trong sân nhà tang lễ, nghe thấy thế, đều xì xào bàn tán. Ông Kim Sơn, một lão thành cách mạng, tham gia từ hồi quân giải phóng, không chịu nổi đã tiến lên cự nự Ban Tang Lễ. Quân hàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là do Bác Hồ phong. Ai dám tự ý tước bỏ? Sao các anh làm ăn bậy bạ thế? Vòng hoa vẫn đề chữ đại tướng, mà các anh đọc sai đi là nghĩa sao?

Thì quân hàm trung tướng của ông Trần Độ cũng thế, muốn tước bỏ phải có quyết định của quốc hội hoặc chủ tịch nước. Báo chí vẫn đăng là trung tướng, mà tang lễ lại bỏ đi. Thật chẳng ra làm sao! Rõ là trống đánh xuôi kèn thổi ngược!

Lại nói đến vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền đề là đồng chí Trần Độ, cũng bị bỏ đi chữ đồng chí. Chắc sự chỉ đạo ở trên cho rằng, ông Trần Độ đã bị khai trừ khỏi Đảng thì không còn gọi là đồng chí nữa. Nhưng họ đã lầm, theo điều lệnh của quân đội, thì từ binh nhì đến tướng lĩnh đều xưng hô với nhau là đồng chí. Ông Lê Ngọc Hiền mặc quân phục, đeo quân hàm thượng tướng trang nghiêm, đến viếng ông Trần Độ, mà cũng chỉ được giới thiệu trên loa là ông Lê Ngọc Hiền đến viếng ông Trần Độ.

Trung tướng Nguyễn Hòa cũng quân phục, quân hàm, huân chương đầy đủ và cũng chịu cảnh ngộ như trên.

Vòng hoa của anh em dân chủ Hải Phòng đề là “Vô cùng kính phục và thương nhớ bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng” phải sửa thành “Kính viếng bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng”. Vòng hoa cá nhân Vũ Cao Quận, đi cùng đoàn Hải Phòng, đề “Kính viếng lão tướng Trần Độ. Người lính già Vũ Cao Quận” bị giữ lại. Tranh cãi hồi lâu, không có cụm từ vô cùng thương tiếc, không có trung tướng hay đồng chí, lại không có gì sai phạm về ngữ pháp tiếng Việt, vậy cớ gì phải sửa, ai sửa được đúng hơn, xin mời. Mãi rồi cũng được vào.

Những vòng hoa mẫu mực có băng chữ ghi phải là “Vòng hoa của ông Nguyễn Văn An kính viếng ông Trần Độ”, “Vòng hoa của ông Lê Đức Anh kính viếng ông Trần Độ”, “Vòng hoa của Văn phòng Quốc hội kính viếng ông Trần Độ ..v..v.. Không thấy vòng hoa của ông Nông Đức Mạnh.

Chúng tôi để ý thấy nhiều bức trướng chữ vàng trên nền đỏ vẫn đề trung tướng, tướng quân, danh tuớng ..v..v… không thể gỡ bỏ vì đã thêu bằng chỉ vàng bám chắc trên vải. Trong đó nổi bật bức trướng của các cụ dân chủ, trướng dài khổ to sát đất phải có gậy treo lên, thêu tám chữ vàng “Nhân văn danh tướng. Trung dũng vẹn toàn”. Bên dưới ghi tên tuổi các vị kính viếng. Trưởng đoàn là cụ Lê Giản, rồi đến các ông Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang ..vv…, hơn hai mươi ông. Mọi người xúm lại xem. Chụp ảnh. Quay phim. Có tiếng gọi bằng máy di động, đề nghị tịch thu. Rồi cũng không thấy gì. Mọi việc vẫn êm trôi. Tịch thu bức trướng trưởng đoàn là cụ Lê Giản thì cũng phiền đấy. Hơn nữa các cụ dân chủ đã đứng vây quanh bức trướng. Công an dùng bạo lực thì lôi thôi to.

Đoàn của các cụ dân chủ chỉ bị kìm lại thôi. Nhiều đoàn đăng ký sau đã vào trước. Ban tang lễ gây khó khăn cho các cụ phải đứng chờ dưới bóng cây, nắng chang chang, nhưng lại có cái hay là nhờ thế, mọi người hết tốp này tốp khác đến chiêm ngưỡng, bàn tán về các bức trướng. Bức trướng của nhà nghiên cứu Trần Khuê bị quản chế từ Sài Gòn gửi ra:

Công thần không làm phách

Danh toại chẳng cầu nhàn

Bút thần vung mấy độ

Ðáng mặt đại nghĩa quân.

(Ta chú ý bài thơ có chữ phách và chữ độ. Tên khai sinh là Tạ Ngọc Phách, tên tham gia cách mạng là Trần Độ).

Bức trướng của nhà thơ Bùi Minh Quốc bị quản chế từ Đà Lạt gửi ra, người anh ruột là cụ Bùi Minh Đức gần 90 tuổi, cựu chiến binh chống Pháp, thay mặt em mang đến:

Vì đại nghĩa nhân chân, thân mấy độ trần thân

Tướng dẫu không nguyên giáp, hồn vẫn vẹn tình dân.

(Tạm dịch: Người chân chính vì nghĩa lớn, cái thân mình bị mấy lần vùi dập.

Viên tướng không còn nguyên giáp, tâm hồn ông vẫn trọn vẹn tình dân).

Bức trướng của tiến sĩ khoa học Hà Sĩ Phu cũng bị quản chế, từ Đà Lạt gửi ra, viết bẵng chữ Hán, do các cụ trong nhóm thư pháp Cảo Thơm thực hiện:

Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm

Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng nhất đan tâm.

(Câu đối vế trên có Trần vế dưới có Độ. Trung tướng phong trần là trung tướng gian nan, lại có thể hiểu là ông Trần được phong trung tướng. Đại quân tế độ là đội quân cứu đời, tức quân giải phóng miềnNam. Đây nhắc đến việc ông Trần Độ là phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Vậy câu đối trên có thể tạm dịch là:

Văn võ dọc ngang, ông Trần được phong hàm trung tướng, việc đời hai vai gánh vác hai trách nhiệm lớn;

Nam Bắc vào ra, tướng Ðộ chỉ huy quân giải phóng, cứu nước một gậy trường sơn một trái tim hồng).

Bức trướng của nhóm Cảo Thơm trên nền giấy bồi khổ lớn đề 3 chữ đại tự “Vị dân tâm” (Tấm lòng vì dân), với hàng phụ đề bằng những câu thơ chữ Hán ca ngợi tướng quân Trần Độ. Ông Tú Sót mái đầu bạc phơ, trong nhóm thư pháp Cảo Thơm, luôn miệng giải thích cho mọi người rõ nghĩa:

Vô tình vị tất chân hào kiệt

Hữu độ phương vi đại trượng phu

(Nghĩa là : Sống vô tình (như chủ nghĩa MACKENO (Mặc-kệ-nó) bây giờ), không phải là người hào kiệt. Có đức độ (vì dân vì nước) mới đáng mặt gọi trượng phu).

Lại nghe được tin, cụ Độ vừa mất, công an đến đòi khám nhà, không có lệnh. Bà Độ phản đối. Công an đe dọa những người con, bắt hai con trai lên đồn, gây căng thẳng. Cuối cùng gia đình phải nộp 5 thùng sách vở của cụ Độ. Mọi người nghe tin đều phẫn nộ. Quá thể! Gia đình người ta đang tang gia bối rối. Thật nhẫn tâm!

12 giờ 15 phút, lễ truy điệu bắt đầu. Giới thiệu vị đại diện Văn phòng Quốc hội là ông Vũ Mão đọc điếu văn. Ông Mão có nhắc đến lý lịch, quê quán, ngày sinh, quá trình tham gia cách mạng và những chức vụ ông Trần Độ đã đảm nhiệm. Phần hai, ông ta nói rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng… Phần hai tuy không dài, nhưng cả hội trường lặng đi. Không khí như nén lại, ngột ngạt.

Đến mục gia đình lên đáp từ, người con trưởng cụ Độ là anh Thắng, sau khi kể những tình cảm về người bố, và sau khi cám ơn tất cả các cụ, các ông, bà, chú, bác, các anh chị… đến tham dự tang lễ, lời cuối của bài đáp từ là câu: “Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại diện Văn phòng Quốc hội” (Chưa bao giờ lại có chuyện như vậy, tang gia khước từ lời điếu của chủ lễ !!??).

Như một kho thuốc nổ được châm ngòi, cả hội trường vỗ tay ran lên tán đồng. Tiếng hoan hô lẫn tiếng vỗ tay nổi lên càng to, kéo dài không ngờ, như hội bắn pháo hoa. Các đợt liên tiếp cao hơn, to hơn, dài hơn, càng âm vang cộng hưởng hết cỡ trong vòm nhà hội trường tang lễ. Có cảm tưởng như nóc hội trường sắp bật tung. Nhiều tiếng hét đến lạc giọng, nghe không rõ. Loáng thoáng những từ hoan hô! phản đối! ngu dốt!, bất nhân!… lẫn trong những tràng vỗ tay rền vang như sấm động.

Những uẩn ức trong lòng mọi người bị dồn nén từ sáng đến giờ được dịp nổ tung. Tôi phải trèo lên chiếc ghế, đưa tay lên vành tai, nghiêng đầu lắng nghe. Một người hét to, giọng như người miền núi, tay giơ lên chỉ chỉ vào chiếc khung đen có hàng chữ Lễ tang ông Trần Độ ở trên cao, dưới là chiếc ảnh bán thân của ông mặc thường phục: “Ai cho phép chúng nó bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc đi. Chúng nó không vô cùng thương tiếc, nhưng chúng tôi vô cùng thương tiếc …”.

– Thật là bọn ăn cháo đá bát.

– Không có tướng Trần Độ và anh em chúng tôi thì làm sao có chúng nó ngày nay.

– Nghĩa tử là nghĩa tận, không có ai đi kiểm điểm người chết trước linh cữu cả.

– Chuyện này cổ kim chưa thấy bao giờ.

– Mà đã chắc là ai đúng, chắc là ai sai? Quan tòa là nhân dân.

– Chúng nó phỉ báng lên truyền thống dân tộc.

Nơi này, chỗ kia, ầm ầm những tiếng thét, tiếng quát tháo: Bọn phản nhân dân! Phản bội đường lối Hồ Chí Minh! Phản văn hóa! Đề nghị Bộ Chính Trị phải nghiêm trị!

Có ai nói khẽ: “Đây là chỉ đạo của Bộ Chính Trị”.

Tiếng quát to: “Nói láo! Bộ Chính Trị sáng suốt, không làm điều ngu dốt như thế. Nói thế là không đúng”.

Có ai đó lại hô lên: “Trần Độ muôn năm!”.

Nhân viên an ninh mặc thường phục vây quanh những người quá nóng nảy, đề phòng. Có tiếng hỏi:

“Vũ Mão đâu? Vũ Mão đâu?”.

“Hắn chạy rồi! Lủi ra xe rồi!” Thật là may cho Vũ Mão. Hắn ta đứng đực ra, mặt chảy xị, tái xám, ngơ ngác. Có ai giục, hắn như chợt tỉnh, vội lách ra phía sau, chuồn mất.

Cũng may cho đám tang nữa. Sự tức giận của khối người đông đảo trong hội trường này, mà túm được Vũ Mão, thì không biết rồi những gì sẽ xảy ra.

Các cụ dân chủ đều biết kìm mình. Trước đám tang vài ngày, cơ quan an ninh đã cử người đến dò la thái độ các cụ. Lo sợ các cụ dân chủ lợi dụng chiếm diễn đàn, cướp mi-crô, gây ra căng thẳng. Các cụ đã tin lại cho công an biết. Chỉ có đầu óc ngu tối mới nghĩ như thế. Những người yêu quý ông Độ, ai lại muốn phá rối đám tang. Chính lúc các cựu chiến binh, các lão thành cách mạng, bừng bừng nổi giận, thì các ông dân chủ lại bình tĩnh, tìm cách khuyên can, chứ không có thái độ quá khích nào cả.

Toàn là những người hiểu biết. Sự nóng giận liền dịu xuống. Tang lễ lại tiếp tục. Mọi người đều đứng rẽ ra hai bên làm thành một con đường để đội danh dự mặc lễ phục trắng khiêng linh cữu trong nhà tang lễ ra xe ô tô đã đỗ ở giữa sân. Lúc này nắng lắm!

Một số phóng viên người nước ngoài tranh thủ phỏng vấn, ghi âm mấy cụ còn chưa nguôi cơn giận.

Ai cùng đi đến nghĩa trang Hoàn Vũ (hỏa táng) thì lên xe. Tôi chậm chân nên xe tang đã ra ngoài cổng rồi, tôi vẫn còn trong sân để xe đạp xe máy. Gặp chị Ngọc, vợ ông Hoàng Minh Chính, hỏi tôi có đi nghĩa trang? Tôi trả lời sẽ đi bằng xe máy. Chị khuyên tôi nên đi ô tô, đỡ mệt. Các ông ấy đều lên ô tô cả. Tôi chạy vội ra cổng, thì đoàn xe đã đi xa. Lại gặp các cụ dân chủ đứng túm lại ở đầu cổng. Hỏi ra mới rõ, xe còn rộng chỗ lắm, nhưng lái xe không chịu mở cửa cho các cụ lên (đều do công an lái xe). Một cử chỉ nhỏ nhen! Các cụ bèn quyết định thuê tắc-xi đi.

Trên xe, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận định một cách tổng quát: “Chúng nó đểu một cách rất ngu, và đểu đến từng chi tiết”. Nhà báo đại tá chính ủy Phạm Quế Dương lại cười hề hề: “Trò đùa ấy mà! Có gì đâu!”.

Xe tắc-xi chạy nhanh, bám kịp đoàn xe tang lễ. Quả thật, nhiều xe rất vắng, mang biển số 80B. Biển số này là của công an, nhiều người biết. Hai xe cam-nhông chở đầy vòng hoa viếng, những vòng hoa bên ngoài đều bị bóc hết các băng chữ. Lại nhỏ nhen!

Dự hỏa táng xong, trở về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thì đã gần 3 giờ chiều. Chúng tôi lấy xe ra về, người mệt nhoài, vì nóng, vì nắng. Rủ nhau vào uống giải khát để lấy sức ngày mai còn đưa hài cốt hỏa táng cụ Độ về Thái Bình.

Sẩm tối mới về tới nhà, đã thấy mấy ông bạn cựu chiến binh đón từ đầu đường hỏi về chuyện đám tang ông Trần Độ. Thì ra chuyện ở đám tang trưa nay đã đồn ầm lên trong dân chúng. Giấu làm sao được nhân dân! Che làm sao được miệng thế gian! Và bản tin chiều của hãng BBC mãi tít nước Anh đã đưa tin về đám tang. Có cả tiếng nói của cháu Thắng và tiếng vỗ tay rền vang như sấm. Nhanh thật! Trái đất cùng chung một mái nhà.

Vài lời kết thúc:

Sáng sớm hôm sau (15-8-2002) chúng tôi tập trung tại 37 Lý Nam Đế, nhà ông Phạm Quế Dương, để di Thái Bình cho trọn tình trọn nghĩa. Công an mật đã đến lởn vởn trước cổng, từ 5 giờ sáng.

Chúng tôi gọi tắc-xi, đúng 6 giờ 30 sáng lên đường. Nhìn sang lịch ta là ngày mồng 7. Ông cha ta dạy: “Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3”. Chúng tôi biết là chuyến đi này sẽ gặp trắc trở đây.

Quả không sai, quãng đường hơn 100 km về quê cụ Độ bị 4 lần ách xe. Công an giao thông kiểm soát giấy tờ lái xe, phương tiện xe cộ có an toàn, để đảm bảo cho khách đi đường được yên tâm. Lại còn điều tra một tai nạn xe cộ, lái xe bỏ chạy, là một trong 300 chiếc tắc-xi của hãng này. Màu sơn này. Nên công an chúng cháu phải làm nhiệm vụ, mong các cụ thông cảm. Lần ách xe ở đất Thái Bình lâu nhất, mất gần 2 giờ đồng hồ. Đến nơi thì đã 1 giờ 30 chiều, tang lễ hạ huyệt đã xong. Tổng cộng mất hơn 7 tiếng đồng hồ mới đi nổi quãng đường hơn 100 km. Mọi người đang ăn cỗ. Phong tục nông thôn bà con xa gần kéo đến rất đông.

Chúng tôi thắp hương, dâng lễ vật ở bàn thờ gia đình và bàn thờ ông Trần Độ. Lại phải ngồi ăn cỗ, thôi thì chiều nay ra mộ thắp hương trước khi về.

Được gặp con cái cụ Độ, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu việc công an định khám nhà và lấy đi 5 thùng sách báo. Các cháu đều trả lời lấp lửng, không rõ ràng, hình như e ngại điều gì. Gặp cháu Thắng, con trai trưởng, người đã nói được câu tuyệt vời hôm qua, thì hôm nay cũng không đậm đà bắt chuyện, muốn lảng tránh câu hỏi. Có thể tối qua cơ quan nơi cháu làm việc họ đã ấn huyệt. Thôi, thông cảm cho các cháu. Các cháu cần làm ăn, cuộc đời các cháu còn dài.

Được biết thêm, có cả thảy 220 vòng hoa tang lễ ở Hà Nội. Các băng chữ bị lấy hết, gia đình chỉ giữ được 7 băng. Gia đình đòi lại được 5 cuốn sổ tang, một số trang bị xé rách.

Toàn là những cử chỉ nhỏ nhen!

Ngôi mộ ông Trần Độ được nằm cạnh ngôi mộ bà mẹ. Đó là ý nguyện của ông. Đây là nghĩa trang xóm làng, mỗi gia đình được một khoanh đất, để chôn cất những người thân trong gia đình. Ông Độ đã trở về với bà con xóm làng. Mộ ông cũng rất bình thường, như mọi ngôi mộ ở đây. Nằm ở đây thì yên ổn rồi, ấm lòng rồi. Chúng tôi tin chắc là ông Trần Độ rất thanh thản. Nhớ đến một đoạn thơ của ai đó:

Sống tranh luồn cúi vào ra,

Chết còn xí cả (cái) nhà mồ to

Phải là những bậc anh hào,

Sống thiêng – chết lại đi vào trong dân,

Mà to bia nhớn chẳng cần…

Những ngày tang lễ ông Trần Độ

Hà Nội, tháng 8-2002
Nơi gửi:
– Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
– Các cơ quan thông tấn, báo chí.
– Các bè bạn.

Tác giả: nhà văn Hoàng Tiến
Địa chỉ : Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc- Hà Nội.

Fb Hoàng Bình

Ảnh Đám tang Tướng Trần Độ



LUẬN THẮNG THUA

Thắng bại trong chiến trường hay trên ván cờ chính trị là cái nhìn hủ bại của bọn nho gia hay của kẻ vũ phu dũng mãnh muốn dựa vào sức mạnh và mưu trí, thủ đoạn để đè đầu cưởi cổ thiên hạ... Sao có thể mượn danh nghĩa yên dân hay là vì tổ quốc ?

Thấy người nghèo khổ đói rách tha phương cầu thực không thương xót, thấy biệt phủ xa hoa, tượng đài lộng lẫy bên cạnh chòi tranh rách nát, trẻ băng mình du dây vượt sông vượt suối đi học, thấy máu đồng bào vô tội đổ mà dững dưng sao dám nhận mình là người cộng sản ?

Hỏi chơi cho biết chớ thiệt tình sức đã đuối, lòng đã nguội và con tim cũng... vô cảm mẹ từ lâu rồi

Đi ngậm sâm đây ...

TRẦN PHONG VŨ
29/4/2017 




Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì? (Bài 7)


"Cái Thuở Ban Đầu Lưu Luyến Ấy
Nghìn Năm Chưa Dễ Mấy Ai Quên.."

Trong 6 bài trước tôi đã trình bày tâm trạng những người ra đi sau sự kiện 30 tháng Tư năm 1975. Buồn, cô đơn, tuyệt vọng, nhưng quyết tâm hội nhập, làm việc, và nhìn về tương lai để sống. Lúc đó Cộng Sản mạnh lắm, nên không ai có ý định trở về. Nhờ đó chúng tôi dấn thân mạnh mẽ chọn nơi này làm quê hương. Sau một số năm vất vã, cuộc đời chúng tôi tạm yên.

Các bạn mới đến Mỹ ngày nay dễ dàng hơn chúng tôi. Các bạn còn quê hương để trở về. Các bạn có cộng đồng người Việt đã lập nghiệp ở đây, nhiều quán ăn, nhiều tiệm bán thực phẩm Việt Nam, nhiều tình người Việt Nam nơi xứ lạ. Năm 1975 chúng tôi không có hoàn cảnh này. Cộng Sản coi chúng tôi là Ngụy, xấu, cần tiêu diệt. Chúng tôi nghèo, nhưng không xấu, và chúng tôi cố gắng sống xứng đáng, không thua chủng tộc nào đến Mỹ trước Việt Nam mình.

Sống 42 năm ở Mỹ có một lần tôi rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Lúc đó là tháng Tư mấy năm trước. Đáng lý tháng Tư là tháng buồn, nhưng năm đó hơn 50 người Mỹ gốc Việt quyết định đi cruise với nhau, đại náo vùng biển Caribe. Năm đó tàu Oasis Of The Sea vừa khai trương. Các bạn có nghe nói tới tàu này chưa? Đây là tàu lớn nhất thế giới, đã phá nhiều kỷ lục thế giới về tàu cruise.

Tàu cruise nầy lớn bằng 5 lần Nhà Trắng (White House) ở Washington DC, lớn hơn tháp Eiffel của Pháp, cao bằng nhà lầu 20 tầng. Tàu đã phá vỡ mọi kỷ lục về tàu cruise hiện nay.

Đêm thứ nhì của chuyến du hành trên tàu cruise này, hơn 30 tà áo dài Việt Nam tha thước lượn vòng quanh khu “Royal Promenade” (Lối đi dạo của Vua Chúa), vui quá. Du khách hơn 35 quốc gia trên thế giới dừng lại ngắm nhìn trầm trồ áo dài Việt Nam. Một người Mỹ hỏi tôi, mấy bà nầy mặc quần áo nước nào vậy? Tôi hãnh diện trả lời, chúng tôi dân Mỹ, nhưng áo này là áo dài Việt Nam. Ai cũng khen đẹp.

Khu Royal Promenade (Lối đi đạo của Vua) rất đặc biệt. Con đường này có 9 quán ăn, quán rượu và tiệm cà phê. Các bà thích mua sắm có thể đi bát phố xem quần áo thời trang, nữ trang và mỹ phẩm. Các ông có thể xem tiệm bán máy chụp hình và máy điện tử. Tổng cộng có 8 tiệm quần áo, mỹ phẩm, nữ trang và máy điện tử.

Ai không thích đi dạo, thích ngồi ngắm nhìn người đẹp đi dạo qua lại, các bạn có thể ngồi trước cửa các quán ăn, uống cà phê, ăn bánh ngọt và xem người đẹp lượn vòng quanh, cuộc đời đáng sống lắm. Người Việt Nam trên tàu gọi khu này là phố Bolsa, vì đa số nhóm du lịch lần này đến từ Cali. Bolsa là một khu phố nổi tiếng của Little Saigon (Phố Sài Gòn Nhỏ).

Tôi và người tình trăm năm gọi khu này là đường Bonard, gợi chúng tôi nhớ tới những ngày xưa thời tuổi trẻ ở Sài Gòn, lúc chiến tranh chưa phủ màu tang tóc trên miền Nam của tôi, lúc còn trẻ thời học trò, chúng tôi thường ngồi tại quán kem ở đường Bonard hẹn hò, ăn kem, và nhìn đám trẻ khác lượn qua lượn lại, vui sống tuổi trẻ.

Khu Royal Promenade này rất đẹp và đặc biệt. Vòm trời bằng kiếng cho phép các bạn nhìn thấy cây cối của Central Park (Công viên Trung Ương). Ánh nắng mặt trời tự nhiên rọi xuống làm chúng tôi tưởng như mình đang đi dạo phố ngoài trời thật sự vậy, chớ không phải ở trong nhà.

Ngoài ra có một quán rượu gọi là rising tide (thủy triều dâng lên), quán này có thể đi từ từ lên tầng lầu trên Công Viên Trung Ương, và từ từ trở xuống, giúp các bạn cảm thấy chơi vơi bay bỗng ngồi nhậu rượu, cảm giác tuyệt vời lạ thường.

Trong khu này có trưng bày một chiếc xe hơi thời xưa cũ nhưng mắc tiền, ai cũng đến chụp hình vì khó thấy được một chiếc xe như vậy ngoài đường phố. Xin chia sẻ với các bạn một vài hình ảnh áo dài Việt Nam tha thước trong khu Royal Promenade lúc vợ chồng tôi đi bát phố ở đây, trước khi đi ăn tối, và đi nghe nhạc khiêu vũ sau bữa ăn.

Trong bài trước  tôi đã nói về một vài ưu điểm của người Việt Nam ở Mỹ, nhờ đó chúng ta dễ thành công ở đây. Nước Mỹ là một nước của di dân, và cần chuyên viên xây dựng đất nước. Dân Việt Nam mình đúng là di dân gương mẫu. Chúng ta chịu khó, cần cù, cố gắng học hỏi, không câu nệ. Thế hệ người Việt Nam ra đi năm 1975 phần đông là trí thức ở Sài Gòn, nên dễ học lại những chuyên môn nước Mỹ cần. Nhờ đó phần lớn chúng tôi đã thành công.

Các bạn có biết yếu điểm của người Việt Nam là gì không? Theo tôi nghĩ, chúng ta "Việt Nam" quá, nên nhiều khi xung đột với xã hội Mỹ. Nếu các bạn đến đây ăn học, mà còn mơ giấc mơ bác Hồ, vượt Trường Sơn đánh Mỹ, tôi khuyên các bạn nên ở Việt Nam học thì hơn. Đến đây với thái độ đó sẽ xung đột với nhiều người lắm.

Có một lần một ông cán bộ đến Mỹ du lịch. Ông ta vô tiệm Phở ở đây ăn phở, mà miệng bô bô khoe mình có quyền và có tiền ở quê nhà. Suýt nữa ông bị đánh ngay tại tiệm. Đọc báo thấy thế hệ các Thái Tử Đảng thường mang tiền đến Mỹ xài ngông, tôi tội nghiệp cho họ, thấy họ không hiểu xã hội Mỹ quí trọng cái gì. Ở đây chúng tôi quí trọng những người cần cù làm việc. Không quí trọng những tay tham nhũng.

Thế hệ ra đi năm 1975 cố gắng quên quá khứ và bắt đầu lại. Cố gắng nhưng không phải ai cũng thành công. Những nơi cộng đồng Việt Nam đông đảo, người ta vẫn còn nhớ quá khứ nhiều. Chính vì vậy, họ khó thoát khỏi cộng đồng và hội nhập. Người Mỹ tôn trọng họ, vì ở đây xã hội tự do, nhưng sống quây quần với nhau nhiều quá, cũng có tác dụng không tốt. Chúng ta sẽ hội nhập chậm chạp vô xã hội. Sống chung trong cộng đồng Việt Nam, chúng ta vẫn giữ những thói quen tập tục người địa phương chống đối, như ăn thịt chó, cạo gió, đánh đập vợ con, v..v...

Tại New York, chúng tôi không ăn thịt chó, và cũng không có thịt chó để ăn. Tuy nhiên trong nhiều năm chúng tôi thích ăn tiết canh. Tôi có một người bạn, chuyên môn cắt cổ vịt sống, lấy máu để làm tiết canh. Mỗi lần anh nấu, anh mua sẵn con vịt, nhốt trong nhà. Khi anh cắt cổ vịt, con cháu thế hệ sanh ở Mỹ rủ nhau đến xem, và la lớn "Killer" (Kẻ giết người). Từ đó về sau chúng tôi quyết định không giết vịt trong nhà, dần dà bỏ ăn tiết canh luôn. Lẽ dĩ nhiên sau này chúng tôi đọc nhiều bài báo cho biết hãy cẩn thận ăn máu sống, như tiết canh.

Yếu điểm của người Việt Nam mình là văn hóa quá khác biệt với người Mỹ, và không muốn thay đổi để hòa đồng, hay thay đổi chậm quá, nên khó hòa đồng. Lúc đậu xong MBA và bắt đầu làm việc, tôi thường gặp khó khăn trong các buổi họp, hay trong tiệc tùng cần xã giao.

Người Mỹ thảo luận hay. Ngôn ngữ họ lưu loát. Tôi nói tiếng Mỹ cũng khá lắm, viết cũng được, nhờ học đại học ở đây. Tuy nhiên tôi cũng gặp khó khăn ăn nói và thảo luận trước công chúng. Lúc làm consultant (Cố vấn, chuyên viên) cho một hãng ở Phố Wall, tôi là trưởng Nhóm, đại diện hãng tôi. Với tánh cách trưởng Nhóm, tôi được quyền mời các chức sắc của hãng nơi tôi làm việc ăn trưa, đi xem thể thao buổi tối, và nhiều trò giải trí khác. Tôi rất khổ sở với những hoạt động này, không cảm thấy thoải mái.

Nhiều người dùng những từ ngữ dao to búa lớn như "Mỹ Hóa" để nói tới sự hòa đồng với xã hội địa phương. Họ dùng từ ngữ này để chưởi và miệt thị người Mỹ gốc Việt, muốn hòa động với xã hội Mỹ. 42 năm nhìn lại, tôi rất tiếc mình chưa Mỹ Hóa đúng mức, nên không thành công được như mong muốn. Những năm ở Phố Wall, nếu tôi hòa đồng giỏi hơn với xã hội, có lẽ tôi sẽ thành công hơn, chớ không phải sống cuộc đời trung bình trong bóng tối như ngày hôm nay.

Mặc dầu vậy, tôi cũng hãnh diện phần nào. Đặc biệt trong các buổi tiếp tân, khi có người hỏi tôi từ đâu tới, tôi nói Sài Gòn. Tôi làm việc cần cù ai cũng thương. Chính vì vậy có lần tôi giới thiệu văn hóa Việt Nam cho nhóm bạn Mỹ. Lần đó tôi đã hướng dẫn cả nhóm đến chợ Tàu, ăn cơm Việt Nam, giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho họ. Nghĩ lại cũng vui.

Có một lần tôi rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Mấy năm trước tôi đã lấy tour du lịch thăm viếng miền Tây nước Mỹ như một du khách. Năm đó vợ chồng tôi kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Anh hướng dẫn viên giới thiệu chúng tôi cho đoàn du khách quốc tế. Đây là Dân và Sophie. Họ là người Việt Nam. Họ đến từ New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ, để kỷ niệm 50 năm hôn nhân. Cả đoàn vỗ tay.

Tôi không đủ hiểu biết để khuyên các bạn trẻ. Tôi chỉ nói trường hợp riêng của mình, với mớ kinh nghiệm riêng trong 42 năm sống ở đây mà thôi. Suốt 42 năm nay, tôi hình như có hai con người, với hai bậc thang giá trị khác nhau, chưa hội nhập hoàn toàn vô xã hội Mỹ được.

Trước hết tôi là một người sanh ra ở Sài Gòn, với nhiều đức tánh Việt Nam. Khi tới Cali hay Texas thăm bạn bè, tôi hành xử như người Việt Nam. Nhưng khi đi làm việc, tôi hành xử như một người Mỹ trung bình. Nói đúng hơn tôi cố gắng hết sức để hòa đồng, và có được những đức tánh của người Mỹ. Sống 42 năm tại Mỹ, hai người này vẫn là hai, chưa thành một.

Thế hệ con cháu tôi khá hơn tôi ở điểm này. Cháu của tôi sanh tại Mỹ nói tiếng Mỹ trong điện thoại, các bạn không biết được nó là Việt Nam. Tụi nó hiểu được văn hóa Mỹ hơn tôi, hiểu được âm nhạc, thể thao, tất cả. Còn cái gì Việt Nam trong chúng không? Còn. Chúng thương ông bà cha mẹ từ Việt Nam tới. Đặc biệt chúng thích thức ăn Việt Nam, phở, bánh cuốn, canh chua cá kho tô, cơm tấm sườn bì chả, thịt bò lút lắc v.v.., tất cả các món ăn Việt Nam được cha mẹ cho ăn từ thời tuổi trẻ.   (Còn tiếp)

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 1)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113368655255/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 2)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113315321927/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 3)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113678655224/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 4)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113571988568/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 5)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/972470839552838/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 6)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/972468372886418/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 7)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=441719280100&set=a.441717470100.225936.753265100&type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 8)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.649266481873277.1073742212.441529119313682/649266521873273/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 9)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.864971980302725.1073742358.441529119313682/864972066969383/?type=3&theater

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10155486092875101&set=a.6236150100.9478.753265100&type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 10)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=6236530100&set=a.6236150100.9478.753265100&type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 11)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri03/photos/a.613459162099703.1073741852.491938480918439/613459222099697/?type=3&theater

ĐẠI ĐAO 500 NĂM TUỔI CỦA MẠC ĐĂNG DUNG - ĐÂU LÀ SỰ THẬT?


Mỗi năm có hàng vạn người đổ về Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, chiêm bái thanh đại đao nặng hơn 30kg, được cho là vũ khí xông trận của Mạc tổ Mạc Đăng Dung.

Tuy nhiên, không ít nhà nghiên cứu cổ vật, nghiên cứu lịch sử cho rằng chưa có cơ sở khoa học nào để khẳng định đây là thanh bảo đao của vua Mạc Đăng Dung, ngoài những câu chuyện truyền miệng của những người ít nhiều có liên quan đến dòng học Mạc.  

Chúng tôi về khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc vào những ngày cuối tháng 3. Mặc dù không khí lễ hội đầu xuân không  còn cao điểm nhưng nhân viên ban quản lý khu tưởng niệm vẫn không có cả thời gian ăn trưa. Từng đoàn khách nối nhau vào thăm viếng, khói hương nghi ngút; ai cũng muốn mục sở thị thanh đại đao bí hiểm tương truyền là của Mạc tổ Mạc Đăng Dung hơn 500 năm về trước.

Ông Ngô Minh Khiêm, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kiến Thụy, trưởng Ban quản lý di tích khu tưởng niệm các vua nhà Mạc kể về đại đao với những chi tiết đầy kỳ bí. Theo ông Khiêm, thời còn là tướng dưới triều Lê, Mạc Đăng Dung đã sử dụng thanh đại đao này để xông pha trận mạc và thắng lớn trong nhiều trận dẹp quân phản loạn. Khi ngài  băng hà, đại đao được thờ ở thái miếu Thăng Long, sau đó được rước về lăng miếu Cổ Trai (nay là Ngũ Đoan, Kiến Thụy).

Cuối năm 1592, Mạc triều thất thủ, trước đêm Trịnh Tùng tàn phá Dương Kinh, thân vương Mạc Đăng Thận đã dẫn quân mang theo đại đao, vượt biển tìm đến đất Kiên Lao thuộc phủ Thiên Trường (Xuân Trường, Nam Định nay) định cư và đổi thành họ Phạm. Mặc dù phải mai danh ẩn tích nhưng bảo đao của tiên đế vẫn được thờ phụng trang nghiêm tại từ đường chi họ Phạm gốc Mạc thôn Ngọc Tĩnh. Vì thế thanh đao này còn có tên gọi khác là Định nam Đao. Và không ít con của dòng họ này được sự phù trợ của đao thiêng mà nhiều lần ứng thí đỗ cao, được phong quan tước trong nhiều triệu đại sau.   Cảnh rước đao từ Nam Định về lại khu tưởng niệm tại Hải Phòng
Mãi đến năm 1821, Phan Bá Vành khởi binh chống lại triều đình, muốn dùng đại long đao của Mạc Thái Tổ để làm linh khí. Trước tình thế đó, chi họ Phạm đã chôn giấu thanh bảo đao và từ đấy thanh đao bị thất lạc.

Năm 1938, họ Phạm Ngọc Tỉnh trùng tu từ đường và vô tình tìm được thanh long đao sau 90 năm bị vùi sâu dưới lòng đất. Tại thời điểm phát hiện, mặc dù đã han rỉ, vỡ mẻ đi nhiều nhưng thanh đao được xác định dài 2,55 m, nặng 25,6 m và có trọng lượng trên 30kg.

So với niên tuổi và trọng lượng, kích thước của đại long đao trên, không lấy làm lạ khi vũ khí thiêng này được con cháu họ Mạc và người dân trong vùng tôn làm bảo vật. Anh Khiêm khẳng định thêm:
-“Hiện nay ở châu Á chỉ còn hai binh khí hiếm là vật thái bảo được lưu thờ đó là thanh long đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống và Đại đao 500 năm tuổi của Mạc Đăng Dung đang được thờ tại đây. Và thanh đại đao này về kích thước, trọng lượng cũng chẳng thua kém gì đại đao của Quan Vân Trường, một vị tướng tài trong tác phẩm văn học Tam Quốc Diễn Nghĩa bên Trung Quốc”.

Tôi rời Khu tưởng niệm nhà Mạc, mang theo nhiều băn khoăn về câu chuyện thanh đại đao được cho là của Mạc Đăng Dung. Nếu đúng là bảo đao của Mạc Đăng Dung 500 năm về trước thì quả là một niềm tự hào lớn không chỉ của riêng người dân Hải Phòng mà của cả lịch sử dân tộc. Và việc bảo vệ một cổ vật vô giá như thế tại một khu tưởng niệm nằm giữa cách đồng hoang vu có ổn không?   Bảo dưỡng đại đao định kỳ
Cần có cơ sở khoa học

Mang quan điểm và những đánh giá trên về đại đao tới trao đổi với các nhà sử học và khảo cổ học ở Hải Phòng, tôi bất ngờ nhận được những quan điểm khác.
Ông Nguyễn Bá Thanh Long, Phó Chủ tịch Hội cổ vật Hải Phòng, cho biết:
"Đến thời  điểm này thanh long đao đang được thờ tại Khu tưởng niệm triều Mạc vẫn chưa có kết luận chính thức của giới khoa học về niên đại và nguồn gốc.
Để làm được điều này không quá khó. Để khẳng định một vật đã tồn tại được bao nhiêu năm và thuộc triều đại nào, các nhà khảo cổ học, bảo tàng học và lịch sử học ở Việt Nam có thể đưa ra kết luận chính xác được. Vì mỗi triều đại phong kiến cũ, trên bảo vật của họ đều có chất liệu, hoa văn, kiểu dáng và họa tiết đặc trưng. Đó gọi là minh văn trên bảo vật, cổ vật.
Tuy nhiên đại long đao nói trên không hề có minh văn và cũng không có lấy một dấu tích vật thể nào để khẳng định. Lâu nay dư luận tôn vinh nó chỉ dựa vào những câu chuyện truyền tai nhau. Vì thế để tìm câu trả lời xác đáng cho giá trị và nguồn gốc của thanh đao này cần có sự vào cuộc nghiêm túc của các nhà khoa học.
Con số 500 năm tồn tại của thanh bảo đao đúng hay chưa? Đã gọi là bảo vật quốc gia thì phải có hồ sơ kết luận của cả một hội đồng giám định. Còn nếu không phải thì cũng cần công bố chính thức để tránh việc người dân hôm nay và các thế hệ mai sau hiểu sai lệch về lịch sử.
Điều này cũng giống như việc mấy năm trở lại đây người ta vẫn cho rằng Mạc Đăng Dung là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi, nhưng cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã khẳng định là không phải”.  

Thanh đại đao được cho là của Mạc Đăng Dung 500 năm về trước, hiện được thờ trang nghiêm tại Khu tưởng niệm vương triều Mạc.
Dưới góc nhìn sử học, Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hải Phòng cho rằng, việc khẳng định một đại đao đã tồn tại bao lâu, có giá trị thế nào, không phải là việc nhỏ. Cần dựa trên những kiểm chứng khoa học và những dấu tích của lịch sử. Báo chí đã thông tin nhiều và điều này cũng đã góp phần định hướng cho dư luận tin vào sự có mặt của một trong hai vũ khí quý nhất châu Á đang được lưu giữ ở Hải Phòng.

Chúng ta rất cần dựa vào những tiêu chí như gia phả, tộc phả hay thần phả của chi họ lâu nay giữ đao. Nhưng tất cả những chứng cứ lịch sử này đã không còn. Chỉ dựa và truyền ngôn, mà truyền ngôn thì khó tránh khỏi dị bản và đương nhiên ít thuyết phục nhất.

Tiến sĩ Sơn nêu quan điểm: “Theo cá nhân tôi, việc cho đây là đại đao của Mạc Đăng Dung từng xông pha trận mạc là không hợp lý. Nếu sau khi trưng cầu giám định, đúng là vật cổ có niên đại tồn tại cùng triều Mạc thì nên dừng lại ở góc độ là một thanh bảo đao biểu tượng cho sức mạnh, cho vương quyền của một triều đại. Một thanh đao nặng 30 kg, với sức vóc của người Việt Nam ở thế kỷ 16 thì dù có lực lưỡng cỡ nào cũng không thể mang được nó mà rong ruổi khắp sa trường”.

Hàng năm có hơn 2 vạn lượt khách đổ về Khu tưởng niệm để tham quan và chiêm bái đại đạo của Mạc Đăng Dung. Tuy nhiên, nguồn gốc của bảo đao đến giờ vẫn chỉ dừng lại ở góc độ giai thoại. Còn để khẳng định điều này như một cổ vật quý của lịch sử dân tộc thì còn phải chờ... Bởi lịch sử không thể kết luận dựa hoàn toàn vào những tin đồn. Thiết nghĩ, đã đến lúc các nhà quản lý văn hóa, các tổ chức liên quan cần vào cuộc một cách nghiêm túc để có thể đi đến một kết luận khoa học, để cổ vật được tôn vinh đúng tầm, hoặc chí ít cũng giải tỏa được những băn khoăn trong dư luận.

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì? (Bài 8)


“Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về…”

Sau khi đậu xong MBA, tôi làm việc ở Phố Wall, mua nhà, dọn ra khỏi Xóm Việt Nam, và bắt đầu cuộc đời hội nhập vô nước Mỹ. Thật ra ở New York, khí hậu lạnh và đời sống mắc mỏ, nên người Việt Nam mình không thích sống. Từ từ xóm Việt Nam không còn người Việt ở nữa. Ngày nay ở đó chỉ còn một gia đình chưa dọn đi mà thôi.

Rồi ngày tháng cứ lặng lờ trôi. Lúc đó tôi có một số bạn Việt Nam, cuối tuần nào cũng hợp nhau ca nhạc, đánh bài, uống rượu, sống vui, yêu đời. Nhờ có bạn Việt Nam cùng hoàn cảnh, nên cuộc đời chúng tôi càng ngày càng vui. Bạn của tôi đều là chuyên viên, cũng như tôi muốn quên quá khứ, bắt đầu lại và hội nhập. Chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm sống, nhờ vậy càng ngày càng hội nhập tốt đẹp hơn.

Một anh bạn nói đùa về Nhóm ăn nhậu nầy, đây là Nhóm Bụi Đời Miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Bụi đời, vì chúng tôi thương nhau như thời trẻ, lang thang bụi đời mỗi dịp cuối tuần. Miền Đông Bắc Hoa Kỳ, vì chúng tôi lang thang dự tiệc khắp nơi ở vùng này. Ở đâu có tổ chức tiệc tùng, ở đó có chúng tôi. Cuộc đời như vậy càng ngày càng vui. Trong tuần nói tiếng Mỹ, sống như Mỹ. Cuối tuần gặp bạn Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, nghe nhạc Việt Nam, sống như Việt Nam.

Con cái của tôi lần lượt lập gia đình và ra riêng. Ở Mỹ người ta sống khác với bên nhà. Khi con cái lớn khôn, chúng nó thích sống riêng. Tự do hơn. Ở Việt Nam mình khó mua nhà, nên hai ba thế hệ thường sống chung một căn nhà chật hẹp. Ở Mỹ đám con của tôi có hai hoặc nhiều nhà, nên ai cũng ra riêng. Gia đình tôi trở thành một "empty nest", một ổ chim trống vắng, không còn chim con chiu chít nữa.

Lúc con tôi sắp lập gia đình, chuẩn bị ra riêng, ở Việt Nam đói rách, nên nhiều người Việt liều chết ra đi. Đó là phong trào thuyền nhân. Lúc đó ở New York có một cơ sở công giáo kêu gọi giúp đỡ các cháu Việt Nam ra đi một mình, trong tuổi đi học, bơ vơ xứ người.

Vợ chồng tôi đã mở cửa nhà giúp vài cháu thuyền nhân này một vài năm. Ở chung nhà với chúng tôi giúp các cháu hội nhập dễ dàng hơn vô đời sống ở Mỹ. Ở chung nhà nẩy sanh tình thương. Lúc đầu thương các cháu là người Việt Nam đồng hương, không may mắn, cần giúp đỡ. Sau thương như con. Chúng tôi cũng giúp cho một cháu lập gia đình. 42 năm nhìn lại, thấy cháu hạnh phúc, tôi rất vui.

Từ chỗ khóc vì hoàn cảnh lưu lạc xứ người mấy năm đầu ở Mỹ, tôi từ từ tìm được niềm vui ở đây, giúp thuyền nhân, và giúp đỡ bên nhà nữa. Từ mấy năm đầu chúng tôi đã giúp gia đình qua cơn nghèo đói của chế độ Cộng Sản. Họ ngăn sông, cấm chợ, đổi tiền, đánh tư sản, miền Nam trở thành đói rách. Chúng tôi thỉnh thoảng gởi tiền và thùng đồ về để giúp bên nhà.

20 năm sau 1975, Clinton bỏ lệnh cấm vận. Vợ chồng tôi về thăm lại quê hương. Đời có nhiều bất ngờ quá. 20 năm trước khi ra đi tôi tưởng sẽ không có ngày về. Lúc đó Cộng Sản mạnh lắm. Đó là thế lực đang lên. Miền Nam cố gắng chận đứng họ. Nhưng miền Bắc được Tàu và Nga quyết tâm giúp đỡ, tiền, khí giới và cả nhân sự nữa, để đánh miền Nam, Cộng Sản hóa Đông Dương, và đe dọa cả Đông Nam Á. Năm 1975 tôi tưởng sẽ không có ngày trở về. Không ai ngờ bức tường Bá Linh sụp đổ, cả thế giới Cộng Sản tan rã, Việt Nam và Tàu phải đổi mới để tồn tại. Không ai ngờ chúng tôi có ngày trở về thăm lại quê hương, gặp lại gia đình, bạn bè, tìm lại được tình người Việt Nam với nhau.

Khi máy bay hạ cánh trở lại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi bật khóc. Đó là lần tôi khóc đầu tiên sau nhiều năm hết khóc, và vui sống ở Mỹ. Trước đây tôi khóc khi nghe Madonna ca "Đừng khóc cho tôi Argentina ơi..", tưởng như nghe "Đừng khóc cho tôi Sài Gòn ơi..". Ngày trở về, tôi thật sự khóc cho Sài Gòn, lúc đó Cộng Sản đặt tên là Hồ Chí Minh.

(Ông là một cán bộ Đệ Tam Quốc Tế, lãnh tụ của Cộng Sản Việt Nam, đã từng gặp Lenin (?), và được Cộng Sản đệ Tam cử về cố vấn cho Hồng Quân bên Tàu. Tên Hồ Chí Minh xuất hiện hai năm sau cùng ông làm cố vấn cho Hồng Quân ở Trung Quốc. Mời đọc chi tiết trong bài của tôi về Hồ Chí Minh. Tôi không muốn chưởi hay tôn thờ thần tượng hóa ông này. Ông là một nhân vật lịch sử, đáng được Lịch Sử nghiên cứu khách quan. Tôi chỉ muốn tìm hiểu sự thật về Ông mà thôi, không thương, không ghét.). 

Lần đầu tiên về thăm lại quê hương, tôi thật sự khóc cho Sài Gòn. Khi máy bay hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất, lòng tôi thấy vui buồn lẫn lộn. Vui vì đây là lần đầu tiên sau 20 năm, tôi trở về thăm lại cố hương. Buồn khi thấy phi trường lớn nhất Việt Nam thua xa các nước máy bay đã từng ghé qua, như Đại Hàn và Thái Lan.  (Tôi đã ghé thăm Bangkok 5 ngày trước khi về Sài Gòn). Năm 1975 miền Nam không thua hai nước này. Lý Quang Diệu có lần mơ ước Singapore được như Sài Gòn.

Lúc máy bay hạ cánh tôi nhìn ra cửa sổ, thấy một cháu lính Cộng Sản ngồi dưới lều che nắng bên cạnh phi đạo, bảo vệ an ninh cho phi trường. Thấy cháu cực khổ tôi thương cháu quá. Tôi thầm nghĩ, cháu nầy tưởng là mình đến giải phóng Sài Gòn và miền Nam đây. Cụ Hồ và đảng Cộng Sản đã nói với họ như vậy, và họ đã tin như vậy. Họ làm bổn phận, nghe lệnh cấp trên. Chắc chắn cháu không biết được những gì Cộng Sản không muốn cháu biết, sự thật.

Tôi về thăm lại quê hương, rồi đi. Tôi thấy không có bổn phận phải nói sự thật cho ai biết cả, kể cả gia đình và bạn bè của tôi còn sống ở quê hương. Nói cho họ biết chỉ làm khổ cho họ mà thôi. Tôi chỉ thấy tội nghiệp họ. 20 năm sau 1975, thế giới đã đổi thay, cháu lính Cộng Sản nầy vẫn ngồi phơi nắng, tinh thần không biết có còn mơ giấc mơ cụ Hồ như thế hệ trước hay không? Giấc mơ gì? Giấc mơ Cộng Sản Hóa Đông Dương, làm bàn đạp để Tàu và Nga đe dọa Đông Nam Á. Lẽ dĩ nhiên cụ chỉ nói giải phóng miền Nam, đánh Mỹ cứu nước, không nói thẳng thừng như tôi nói.

Tôi không tin cháu nầy hiểu rõ sự thật về cuộc chiến Việt Nam. Làm sao hiểu được sự thật, khi Cộng Sản nắm quyền tuyệt đối trên quê hương, nắm hết báo chí, truyền thanh, truyền hình, tất cả các hội đoàn, hay tổ chức dân sự v.v.. Cộng Sản giỏi về vấn để tuyên truyền. Họ thắng cuộc chiến nhờ tuyên truyền. Họ làm cho mọi người tin họ yêu nước, kể cả dân Mỹ. Không ai nghĩ chính họ đã cổng rắn cắn gà nhà, dọn đường cho Tàu hưởng mọi đặc quyền kinh tể ở Việt Nam như ngày nay. Ai nghĩ như vậy, họ sẽ gán cho nhản hiệu thế lực thù địch muốn xâm phạm an ninh quốc gia, và bỏ tù rục xương.

Năm 1994-1995, lúc tôi về, gia đình tôi thê thảm lắm. Phần lớn là vì cha mẹ đã làm công chức cũ, nên con cái thê thảm lắm. Cháu của tôi học xong đại học, ngồi sửa xe máy ngoài đường kiếm sống. Em tôi đã từng đậu cử nhân Luật đại học Sài Gòn, bây giờ bán nước mía, mì và hủ tiếu sống qua ngày.

Tôi trở về thăm lại quê hương năm Clinton "lift embargo" (bỏ lệnh cấm vận). Sau đó thỉnh thoảng một vài năm tôi lại trở về. Trước là thăm và giúp đỡ gia đình, sau là du lịch, tìm hiểu về quê hương Việt Nam tôi chưa bao giờ biết. Tôi sống ở Sài Gòn 38 năm trước khi đi Mỹ lập nghiệp. Nhưng do chiến tranh tôi chỉ sống lẩn quẩn ở thành phố, không du lịch được, không biết gì về quê hương Việt Nam. Nhờ trở về thăm lại quê hương tôi chứng kiến được sự thay đổi của đời sống dân chúng ở đây, nhờ bang giao Việt-Mỹ càng ngày càng đầm ấm.

(Nếu tiếp tục theo Cộng Sản và không đổi mới, bây giờ Việt Nam mình là một Bắc Triều Tiên thứ hai rồi). Phải thành thật nhìn nhận Việt Nam có thay đổi, có tiến bộ, mặc dầu chậm chạp hơn láng giềng ở Đông Nam Á, nhưng có tiến bộ.

Về thăm lại quê hương, tôi nhứt quyết không hỏi chuyện nhiều, biết rằng gia đình tôi sẽ nói dối, tìm cách dấu diếm sự thật. Họ không muốn tôi buồn, hay tức giận. Về thăm nhà vài ngày tôi sẽ ra đi, họ sẽ ở lại lãnh đủ mọi trừng phạt của Cộng Sản, nếu tôi biết sự thật. Tôi hiểu vậy, nên cũng không hỏi gì. Chính một người bạn thời trẻ của tôi, đã từng đi kháng chiến, nói riêng với tôi một câu úp mở, giúp tôi hiểu được sự tình. Mầy về chơi thì được, đừng ở lại.

Gia đình tôi mừng tôi trở về. Có thể nói thành phố này mừng tôi trở về. Có lần tôi thắc mắc không hiểu tại sao dân chúng ở đây biết tôi là Việt Kiều. Em tôi giải thích. Anh đứng giữa ngã tư phát tiền cho đám người ăn xin ở đây. Dân ở đây không ai có đủ tiền cho họ cả. Lúc đó tôi mới thấy mình không giống ai.

(Đó là những năm đầu đổi mới. Càng đổi mới, càng ngày càng có nhiều người Việt Cộng rất giàu. Bởi vậy người đời có câu: Việt Kiều không bằng Việt Cộng. Ý muốn nói Việt Cộng giàu và có quyền. Vừa có quyền, vừa có tiền. Ngày nay giấc mơ một vài cô gái ở Sài Gòn, là được lấy chồng Việt Cộng, thay vì Việt Kiều. Tôi sẽ bàn về vấn để tham nhũng ở một bài riêng.)

Nói ra thì mắc cở. Lúc ở New York tôi nôn nóng về thăm lại quê hương. Nhưng khi ngồi trên máy bay cất cánh khỏi phi trường Sài Gòn, tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm. Lúc đó tôi mới hiểu, Sài Gòn là nơi tôi sanh. Nhưng Mỹ mới là nơi tôi sống, phải sống, sống được cuộc đời đáng sống.    (Còn tiếp)

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 1)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113368655255/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 2)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113315321927/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 3)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113678655224/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 4)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113571988568/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 5)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/972470839552838/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 6)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/972468372886418/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 7)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=441719280100&set=a.441717470100.225936.753265100&type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 8)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.649266481873277.1073742212.441529119313682/649266521873273/?type=3&theater