Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

CHUYẾN TÀU ĐÊM (1).

Chuyến tàu đêm cuối năm con gà đưa tôi từ vùng đất văn chương nghệ thuật bay bướm nhưng hết sức lè phè của Paris trở về với nước Đức triết học kỷ luật chặt chẽ lý luận thâm sâu. Văn chương bay bướm hay triết học khô khan vốn từ lâu không thích hợp với những người Sài Gòn xuề xòa đơn giản thích ca vọng cổ: Thương em chẳng biết để đâu, để trong khẩu súng lâu lâu anh bóp cò.

Tàu chạy êm ru nhưng không thể ngủ được vì còn nhớ cảnh bạn bè cũ kỷ già chát chia tay lưu luyến run rẩy vì lạnh giá trên sân Gare de l’Est. Không thể ngủ được cũng vì khách đang ngồi tại băng ghế phía đối diện là hai anh chàng “rệp” mà xem ra dáng vẻ cũng chẳng được đàng hoàng. Mắt họ cứ láo liên nhìn lén tôi. Nhớ hôm còn ở Paris một người trong đoàn khi đi chơi phố một mình đã bị lấy mất chiếc điện thoại tại một trạm metro, người này kể lại có mấy người da màu làm bộ chen lấn lên tàu rồi ra tay móc túi. Cũng may không mất hộ chiếu, người này tự an ủi mà mặt buồn xo.

Một con mắt của tôi lim dim nhớ về những ngày xưa cũ, một con mắt lim dim để ý tới hai con “rệp” ngồi đối diện. Tôi rơi vào trạng thái triết học “song nhãn, nhị trùng”.

Nhìn mặt người mà bắt hình dong rồi suy ra tâm địa con người là không nên, nhưng biết làm sao bây giờ. Mấy người nhập cư da màu lúc này tung hoành làm ăn dữ lắm từ Pháp sang Đức. Tiếng Pháp của bọn chúng tôi khá lơ mơ, tiếng Đức thì mù tịt, còn tiếng Anh đủ để nghe và nói chớ viết thì hơi mệt. Nếu lỡ xảy ra chuyện gì mà phải trình báo với cảnh sát bằng văn bản tiếng Anh thì sẽ rất lôi thôi vì có khi làm cho cảnh sát hiểu nhầm: Mình bị móc túi mà cảnh sát tưởng mình là thằng móc túi.

Nhìn hai con “rệp” rồi nhớ lại hồi nhỏ còn đi học ở Sài Gòn tôi cũng không được bạn bè tôn trọng lắm do cái dáng vẻ bên ngoài không hay. Thuở ấu thơ nghịch ngợm bị té nên lưng tôi gù. Tự an ủi: Coi lù đù vậy chớ lớn lên thường vác lu chạy tới chạy lui.

Năm lớp tám lớp chín bạn bè đọc được cuốn tiểu thuyết Pháp dịch ra tiếng Việt của nhà văn Victor Hugo nên trêu chọc tôi là “thằng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris”. Mấy chục năm sau tình cờ có dịp gặp lại họ vẫn đùa như vậy nhưng tôi chẳng hề buồn, lại thấy nó hay hay. Dễ gì giống được một nhân vật trong tiểu thuyết Pháp suốt mấy chục năm dài như vậy?

Lên lớp 12 được học môn triết tôi có thêm cái tên khác là “Kant”. Kant một triết gia người Đức. Không phải tôi học giỏi môn triết như ông Kant, chẳng qua họ thấy hình dáng lúc đang tuổi dậy thì của tôi giống con Căng-gu-ru bên xứ Úc Châu, nên gọi tắt là Kant. Tôi cũng chẳng biết giận hờn, cũng chẳng thèm buồn. Ai muốn gọi tôi là “Thằng gù” cũng được mà gọi “Kant” cũng được.

Chương trình lớp 12 trung học ở Sài Gòn trước năm 1975 có dạy môn triết học (tư sản), đến sau năm 1975 thì chính quyền mới đã loại bỏ các môn học đó. Tùy theo từng ban A (sinh hóa), B (toán lý), C (văn chương), D (cổ ngữ)… mà số giờ triết học được dạy nhiều hay ít. Triết học hồi đó được phân ra các môn: đạo đức học, lý luận học, tâm lý học, siêu hình học. Hai thầy dạy triết năm 1974- 1975 tại trường VTT là thầy Nguyễn Phúc Lộc dạy lý luận và đạo đức, thầy Nguyễn Đình Sinh dạy tâm lý.

Môn siêu hình học chỉ dành cho học sinh lớp 12 ban C và ban D nhưng trường VTT vào niên khóa 1974- 1975 không đào tạo ban D, chỉ còn một lớp ban C rất ít học trò (khoảng mười lăm người). Mỗi lần tới giờ siêu hình học thì trường VTT gởi học trò ban C sang trường Petrus Ký (trường Lê Hồng Phong bây giờ) học nhờ vì tại trường VTT không có thầy dạy môn này.

Thú thực hồi trước 1975 học triết thì học cho sang vậy chớ chẳng học trò nào cùng lớp với tôi hiểu được gì. Hình như chương trình triết học lớp 12 là rập khuôn theo đúng chương trình của người Pháp để lại sau năm 1954 nên thuật ngữ triết học bằng tiếng Việt không được quen thuộc dễ nghe lắm với học trò trung học người Việt, nó lai giữa Tàu và Pháp. Học trò Pháp có tư tưởng triết học từ lâu, còn học trò Việt như bọn tôi hồi đó chắc chưa có.

Các thuật ngữ như: Bản ngã, tha nhân, nguyên nhân đệ nhất, hiện sinh, nhị trùng, siêu hình, phản đề, chính đề, tam đoạn luận… được đưa vào các đoạn văn dài lê thê rất khó nuốt. Nhà in in sai cũng nhiều chắc do thợ sắp chữ cũng không quen với mấy chữ lạ này.

Nếu để dành mớ sách vở triết học in trước năm 1975 cho tới tuổi bốn mươi chăm chú đọc lại thì may ra có thể hiểu được chút chút. Nhưng mà sau năm 1975 sách vở triết học in ở Sài Gòn bị coi như bất hợp pháp nên chắc chẳng học trò Sài Gòn nào dám giữ lại. Mà giữ lại chắc cũng chẳng ích lợi gì, chẳng thể hiểu thêm gì. Nhất là với hoàn cảnh cơm áo gạo tiền khó khăn sau năm 1975 thì việc đọc sách quả là xa xỉ.

Niên khóa 1974- 1975 trong chương trình lớp 12 còn có thêm được hai giờ Việt văn, trong khi ở các niên khóa trước thì lớp 12 chưa được học Việt văn. Thầy dạy môn Việt văn năm đó là thầy Lý Đức Cửu. Việt văn lớp 12 của niên khóa 1974- 1975 khác với các lớp dưới, có thể tạm gọi là “văn-triết”, tức pha giữa văn chương và triết học. Khổ nỗi, văn chương Việt vốn nghèo nàn còn triết học Việt thì coi như chưa bao giờ có, nên chương trình “văn-triết” là cái chi chi thì không trò nào hiểu được, mà chắc các thầy cũng bối rối chẳng biết phải dạy cái chi. Nhưng học trò phải ráng mà học gạo, vì cuối năm lớp 12 phải đi thi Tú tài, mà trước năm 1975 hễ thi cử thì phải thi đủ các môn chớ không phải chỉ thi ba hay bốn môn chính như thời bây giờ.

Ba thầy Lộc, Sinh, Cửu đều là người Bắc di cư đã tốt nghiệp trường Đại học Văn khoa và trường Đại học sư phạm tại Sài Gòn. Họ ăn nói rất lưu loát (người Bắc nhiều lý luận mà), trình độ sư phạm khá cao nhưng nói chung không thể nhét các thuật ngữ triết học hay văn triết lạ hoắc nửa Tàu nửa Tây vào đầu học trò được.

Sau năm 1975 tôi thấy chương trình triết học Mác-Lê và các chương trình lịch sử, kinh tế chính trị được dạy trong các trường đại học cũng vấp phải các khó khăn tương tự, do nguyên nhân và kết quả khá giống nhau: Cả thầy lẫn trò chắc chẳng ai hiểu được con mẹ gì hết để mà dạy và học!

Với lại... tại các nước khác như bên Nga hay bên các nước Đông Âu người ta đã từ bỏ hết, đoạn tuyệt hết với các môn học cà chớn kiểu đó lâu rồi, chỉ có nước mình là thích làm chuyện khác người ráng mà giữ lại. Nhiều người nói do đã mấy chục năm đào tạo ra quá nhiều giáo viên dạy mấy môn đó, nay bỏ đi thì số người dư dôi này biết nhét vô đâu?

Hồi học đại học sau năm 1975 mỗi lần thi các môn triết Mác-Lê hay lịch sử mới, kinh tế chính trị… bọn sinh viên chỉ mong được năm điểm, thầy giáo thường coi mặt mà bắt hình dong chấm điểm, thằng nào vào lớp chăm chỉ và tính tình dễ thương thì cho ngay năm điểm. Có thầy còn chấm điểm chữ đẹp và viết sạch nữa. Việc quay cóp viết bài thi y như trong sách cũng khá bình thường, các thầy biết hết nhưng làm lơ. Có thầy còn nói: Phải viết cho giống trong sách, đứa nào tự sáng tác mà sai quan điểm là coi chừng!

Bốn chục năm qua đường đời trắc trở, bọn học trò VTT niên khóa 1974- 1975 chỉ còn một ít ở lại Sài Gòn, số nhiều đã tìm cách qua Mỹ và Châu Âu sống. Cả thầy lẫn trò cũng có người hát “Ok, mình chia tay” với trần thế từ lâu lắm rồi, nhất là chết chìm ngoài biển trong thời gian có phong trào vượt biên. Thầy Lộc mất sớm vì ung thư, thầy Sinh và thầy Cửu hình như còn tiếp tục đi dạy nhưng xuống làm giáo viên cấp hai. Tôi cũng không gặp lại các thầy ấy sau năm 1975 vì phải bỏ Sài Gòn đi lao động kiếm cơm ở vùng xa khá sớm.

Học triết suốt một năm lớp 12 mà tới giờ tôi chỉ nhớ được một hai câu dễ nhớ. Đó là: “Triết học là môn học để đi tìm nguyên nhân đệ nhất” và “Chẳng ai tắm được hai lần trong cùng một dòng sông”. Năm 1985 bắt đầu làm nghề sông nước, ngày nào cũng chuổng cời tắm sông, có khi tôi tắm trên cùng một dòng sông tới mấy chục lần, nên chẳng hiểu tại sao người xưa dạy học trò cái câu chi mà lạ vậy?

Câu hỏi “nguyên nhân đệ nhất” hay những câu hỏi “tại sao” đeo bám cuộc đời của mỗi người học trò cho tới chết: Mình là ai? Là người hay là con Căng-gu-ru? Tại sao trên cuộc đời này lại hiện hữu cái mặt mốc xấu quéc của mình? Mình có thể thay đổi số phận và nhan sắc được không? Khi chết đi thì mình sẽ thành cái con gì? Trí thức có linh hồn thiêng liêng cao quí hay nói như Mao: Trí thức là cục cứt?

Năm nay đã sáu mươi rồi, những câu hỏi đó mình không thể tự trả lời mà cũng chẳng ai trả lời giùm, nên cứ thắc mắc và chắc chắn là thắc mắc cho tới chết. Lim dim nhìn hai con “rệp” lại tự hỏi: Ta sao ta với mi rất khác nhau? Tại sao ta nghi ngờ mi sẽ móc túi ta trong khi ta với mi cũng cùng là con người?

Những câu hỏi đó quả thực là những câu hỏi triết học, nó cùng với những câu hỏi đời thường chẳng ai giải thích được hay đã từng được giải thích nhiều lần rồi mà chẳng ai đồng ý với ai.

28/02/2018.
Momentatary

RẤT HAY... VỀ CHIẾC ĐIỆN THOẠI

Có thể bạn chưa biết hết về chiếc điện thoại di động của mình : Mở cửa xe khi bị kẹt chìa khoá ở trong xe , mất chìa khoá xe vẫn lái xe đươc , hết pin vẫn sử dụng điện thoại được..v.v.v.

Chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) ngày nay đã trở thành một điều cần thiết cho mỗi người chúng ta trong sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, khi sở hữu một chiếc ĐTDĐ người ta chỉ biết 2 chức năng chính là nhận cuộc gọi hoặc gọi đi, cùng lắm là “lướt” Web, chơi game, chat với bạn bè…


Theo ước tính, toàn thế giới hiện có đến khoảng 4,5 tỷ người dùng ĐTDĐ nhưng số người hiểu cho hết những chức năng của chiếc điện thoại có lẽ chỉ khoảng 10% số người sử dụng! Một số chức năng đó sẽ giúp chúng ta “thoát hiểm” một cách ngoạn mục nếu ta biết được những “tuyệt chiêu” của chiếc ĐTDĐ.




Trường hợp phổ biến nhất là lúc cần gọi hay đang gọi ĐTDĐ lại báo… hết pin! Đừng hốt hoảng khi bạn gặp trường hợp này ở những nơi không thể sạc pin. ĐTDĐ nào cũng được thiết kế với lượng pin dự trữ, tương đương với 50% dung lượng pin khi được sạc đầy. Vấn đề là biết được cách nào để khởi động nguồn pin dự phòng đó.


Đơn giản thôi, chỉ cần bấm: 3370#  và bạn sẽ thấy pin của bạn lại đầy 50% lằn vạch báo dung lượng… Lúc đó, bạn có thể tiếp tục các cuộc gọi ít ra trong vài tiếng đồng hồ nữa! Xin nhắc lại, chỉ cần 6 động tác trên bàn phím, khởi đầu là dấu hoa thị (), tiếp đến là 4 chữ số (3370) và kết thúc với dấu thăng (#): điện thoại của bạn sẽ báo đang có 50% dung lượng!


50% là phần năng lượng dự trữ trong máy điện thoại gọi là "Third Hidden Battery Power" để điều hành bộ phận báo hết pin của máy và lưu trữ các dữ liệu như ngày giờ, danh sách phone book... Khi bạn sạc lại pin, lượng pin dự trữ sẽ đầy lại trước khi lượng pin của máy được sạc đầy.




Ở Mỹ số Điện Thoại cấp cứu là 911 nhưng bạn hãy nhớ số điện thoại cấp cứu trên toàn thế giới là 112, số này được tất cả các ĐTDĐ công nhận. Nếu chẳng may bạn đi lạc vào rừng, trượt chân trên núi tuyết, bị lạnh cóng ở Bắc Cực hay bất cứ một nơi nào đó, nếu không có ai cứu thì bạn sẽ chết. Hãy bình tĩnh bấm số 112 trên điện thoại di động của bạn.


Khi bạn bấm số 112, ĐTDĐ của bạn sẽ tự động tìm bất cứ mạng khẩn cấp nào hoặc những số cấp cứu nào gần nhất và tự động nối mạng cho bạn với đường dây đó. Điều thú vị là con số cấp cứu 112 này có thể thao tác ngay cả khi bàn phím đang bị khóa mà bạn không biết mật mã để mở ra. Bạn cứ thử đi, nhưng ngay khi máy thông thì phải ngắt cuộc gọi kẻo lực lượng cấp cứu sẽ tìm đến bạn!




Trường hợp xe hơi của bạn có chìa khóa điện tử (tức là loại chìa khóa bấm để mở cửa hay khóa cửa xe) mà bạn sơ ý bỏ quên chìa khóa trong xe rồi xe tự động khóa cửa lại hoặc bạn làm mất chìa khóa xe. Bạn chớ vội lo.


Nếu bạn có một chìa khóa điện tử phụ đang cất ở nhà thì bạn nên dùng ĐTDĐ của bạn gọi về nhà cho thân nhân của bạn để nhờ người nhà giúp bạn mở cửa xe theo các bước như sau:


-      Bước 1: Bạn để điện thoại di động của bạn gần sát cửa xe của bạn.


-      Bước 2: Bảo người nhà lấy chìa khóa điện tử của xe để sát vào điện thoại di động của họ và bấm nút mở xe.


-      Bước 3: Khi người nhà bấm nút mở cửa xe thì xe của bạn dù đang ở một thành phố nào đi nữa sẽ được mở cửa.


Nếu chìa khóa xe bạn để quên trong xe thì bạn tiếp tục lái bình thường. Nhưng trong trường hợp bạn đã bị mất chìa khóa thì sau khi mở được cửa xe theo cách trên, bạn có thể rút dây điện nối ở phần start cho nổ máy xe và chạy tạm đến chỗ thợ làm chìa khóa để làm chìa khóa phụ!




Mỗi ĐTDĐ đều có “số căn cước” (serial number) hay còn gọi là ID của máy. Bạn cần làm ngay sau khi đọc bài này. Hãy bấm các phím #06# (xin nhắc lại: hoa thị (), dấu thăng (#), hai số 06 và kết thúc bằng dấu thăng (#)… lập tức màn hình điện thoại sẽ hiện lên một hàng số gồm 15 con số nối tiếp nhau. Đây là số căn cước của máy. Bạn phải ghi 15 số nầy vào cuốn sổ hay một miếng giấy bỏ riêng trong bóp của bạn để khi cần có thể lấy ra.


Trong trường hợp bạn bị mất máy điện thoại, hãy gọi cho công ty đang cung cấp dịch vụ nối mạng. Ở Việt Nam có các công ty như Mobifone, Vinaphone, Viettel, FPT… Thông báo cho họ biết số căn cước của máy. Công ty sẽ khóa ngay điện thoại của bạn và kẻ nào lấy chiếc điện thoại đó cũng không thể sử dụng được. Nếu khi bạn tìm lại được điện thoại thì nhớ gọi cho công ty cung cấp dịch vụ để mở khóa và bạn tiếp tục sử dụng.


Nếu bạn bị mất điện thoại di động và nghi có kẻ đang sử dụng máy của bạn, bạn chỉ cần mang số Serial Number gồm 15 con số này đến báo cho cảnh sát. Ở Việt Nam thì không biết như thế nào nhưng ở Mỹ và các nước tiên tiến khác thì cảnh sát và ngành An ninh Viễn thông sẽ dùng vệ tinh theo dõi số Serial Number để biết máy của bạn đang ở địa chỉ nào và cảnh sát sẽ đến đó lập biên bản tịch thu máy và người sử dụng máy của bạn sẽ bị mời về văn phòng cảnh sát để lấy lời khai và đưa ra tòa xét xử.


Nhiều trường hợp người đang sử dụng đã mua của một kẻ khác nên cảnh sát đã phanh phui được cả một đường dây tội phạm trộm cắp điện thoại. Nếu bạn đi ra Chợ Trời (Flea Market) để mua lại ĐTDĐ đã qua sử dụng, hãy nhớ bấm phím #06# để lấy ra hàng 15 con số. Yêu cầu người bán ký nhận có bán cho bạn cái máy điện thoại với hàng số đó để nhỡ có ai đi truy tìm thì bạn không phải là người ăn cắp!




Làm thế nào để biết nguồn gốc nơi sản xuất ĐTDĐ của bạn? Hãy đếm từ trái qua phải trên dãy số gồm 15 con số của Serial Number. Tại con số thứ 7 và thứ 8, bạn sẽ biết quốc tịch nơi sản xuất ra chiếc máy điện thoại của bạn đang sử dụng:


- Nếu số hàng 7 và 8 là số 02 hoặc 20 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Trung Quốc, điều này có nghĩa là chất lượng của nó khá tệ, không bảo đảm!


- Nếu hai số đó là số 08 hoặc 80 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Đức (Germany) nên chất lượng bảo đảm rất tốt.


- Nếu hai số này là 01 hoặc 10 thì máy điện thoại của bạn được sản xuất tại Phần Lan (Finland) theo tiêu chuẩn Âu Châu nên rất tốt.


- Nếu hai số kia là 13 thì đáng buồn cho bạn vì máy của bạn được sản xuất tại Azerbaijan với phẩm chất rất tệ ngang với… hàng mã để đốt cúng cô hồn! Nhiều người mua nhầm máy điện thoại có số 13 của Azerbaijan hay số 02 hoặc 20 của Trung Quốc nên khi sử dụng đã bị nổ, cháy khi sạc pin. Để tránh những trường hợp này, nên bấm số Serial Number của máy để biết xuất xứ sản xuất trước khi mua!


- Nếu hai số ở hàng thứ 7 và thứ 8 là hai số 00 tiếp nhau thì chắc chắn máy ĐT Di Động của bạn được sản xuất ngay chính quốc giả phát minh ra nó. Ví dụ: iPhone có số 00 là do Apple của Mỹ sản xuất; hoặc Galaxy có hai số 00 là do chính hãng Samsung của Nam Hàn sản xuất.


*


Trên đây là những lượm lặt nho nhỏ mà nhiều người sử dụng ĐTDĐ hầu như không bao giờ để ý đến. Bây giờ biết rồi nên cũng chưa muộn phải không bạn!!!

Vinh Diệp

Translate

Có nhiều comment cho biết đây có thể là thông tin giả vì nhiều người thử mà ko được