Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Hiểu về cuộc sống ở nước ngoài sao cho đúng ?


Với những người khác nhau, vị trí và sự thành đạt khác nhau, sở thích khác nhau thì cách nhìn nhận về cuộc sống ở nước ngoài cũng hoàn toàn khác.

Tôi hay đọc các bài viết trên mục Người Việt Năm Châu trên Vnexpress, cũng là một người Việt đang định cư tại nước ngoài, nên tôi hoàn toàn cảm nhận được những ý kiến trái chiều nhau của các anh, chị đã và đang sống tại Mỹ hay Canada
Trước khi đặt chân sang Canada, tuy rằng tôi cũng đã có kế hoạch hết sức rõ ràng trong việc hội nhập và tạo lập cuộc sống tại vùng đất mới nhưng khi đọc những bài viết và quan điểm của nhiều người về cuộc sống tại Mỹ và Canada tôi vẫn có những băn khoăn nhất định. Rõ ràng với những người khác nhau, vị trí khác nhau và sự thành đạt khác nhau, sở thích khác nhau thì cách nhìn nhận về cuộc sống ở nước ngoài hoàn toàn khác nhau. Để giúp cho các anh, chị đang đứng trước những lựa chọn muốn sống ở nước ngoài hay về nước sống, cũng như định hướng cho con cái của mình, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân tôi, đứng trên góc độ phân tích cả hai chiều về cuộc sống tại Canada.

Trước hết các anh chị phải xác định hết sức rõ ràng mục đích của các anh chị muốn ra nước ngoài sống để làm gì? Vì bản thân anh, chị là chính hay là vì tương lai của con cái.

- Nếu ra nước ngoài sống là vì bản thân mình là chính thì có một số điều cần lưu ý. Bất kỳ người nào khi từ bỏ môi trường mà mình đã sống quen thuộc sang một môi trường mới đều gặp không ít khó khăn cần phải vượt qua, ngay kể cả di chuyển trong nước chứ chưa nói tới việc tới việc sang một nước khác sinh sống. Những khó khăn đó là: Rào cản ngôn ngữ, quan hệ bạn bè, văn hóa và lối sống, trình độ học thức. Anh chị phải tạo dựng lại từ đầu tất cả những điều này để hòa nhập cuộc sống mới. Tuy nhiên, mọi thứ không đến nỗi quá khó khăn như nhiều người tưởng. Bởi vì Canada có một hệ thống trợ giúp những người mới tới rất hiệu quả và miễn phí, nhưng không phải ai khi sang Canada đều biết tới hệ thống này. Anh, chị được tham gia các khóa học để biết về ngoại ngữ, về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong công sở, quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà và cho thuê nhà, kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, kỹ năng quản lý tài chính gia đình... đồng thời nếu anh chị chưa có việc làm thì có những đơn vị của Chính phủ họ sẽ giúp anh chị soạn thảo CV và tìm kiếm các doanh nghiệp cần những đối tượng như anh, chị vào làm việc.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu anh, chị không có nhà ở do thu nhập quá thấp thì có thể xin chính phủ cấp nhà ở (miễn phi ) và thông thường anh chị kể cả không biết ngoại ngữ, không có trình độ bằng cấp gì thì có thể đi làm tại các hãng xưởng, có những công việc rất đơn giản cho lao động phổ thông nhưng với đồng lương đủ để có một cuộc sống khá thoải mái (nếu cả hai vợ chồng làm việc chăm chỉ lao động thủ công vẫn có thể mua nhà và mua ôtô được, con cái đi học tốt và có điều kiện). Đối với anh, chị nào không muốn lao động thủ công (lao động chân tay trong các hãng xưởng) mà muốn làm việc tại các văn phòng thì phải cố gắng rất nhiều vì trình độ học vấn của người bản địa có nền tảng ban đầu cao hơn và ngôn ngữ, văn hóa, cách làm việc của họ mình còn phải học và hòa nhập mất thời gian không nhỏ.

Nhiều anh, chị đang kiếm tiền tốt ở Việt Nam, ngại thay đổi về văn hóa, môi trường, hoặc ngại phải làm lại từ đầu thì không nên sang nước ngoài sống, không nên nghĩ cuộc sống ở nước ngoài là thiên đường mà không cần cố gắng cũng sống được một cách thoải mái, sung sướng. Canada chỉ có thể trợ cấp những người quá nghèo, không có khả năng làm việc, hoặc già cả, chứ không phải tất cả, ai cũng sẽ phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp.

- Nếu sang nước ngoài vì tương lai của con cái mình thì lại phải tìm hiểu xem anh, chị kỳ vọng gì ở con cái của anh chị và chúng phù hợp với lĩnh vực nào, môi trường nào. Hệ thống giáo dục tại Canada tương đối tốt và có nhiều ngành để lựa chọn. Điểm mà giáo dục ở đây hướng tới chính là muốn tạo ra những con người có khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ, có kỹ năng sống phù hợp với thực tế, tôi nghĩ đó là ưu điểm lớn nhất và cần có để giáo dục con người. Tuy nhiên, mức học phí cũng không rẻ, nếu là học sinh quốc tế thì tốn khá nhiều tiền, còn nếu là công dân hoặc thường trú nhân thì học phí rẻ hơn nhiều.

Đã cho con cái du học hoặc sang cùng con cái để chăm sóc con thì phải xác định chi phí được tính bằng tiền tỷ VND. Nhưng bù lại cái mà con cái anh, chị có thể được hưởng là tư duy, cách sống, khả năng làm việc xuyên quốc gia (bỏ được rào cản về ngôn ngữ và văn hóa), tiếp xúc với tri thức và khoa học công nghệ hiện đại của nước ngoài. Tất nhiên là nếu chỉ tính được mất theo hướng đầu tư cho con học hàng tỷ VND mà về làm việc lương chỉ được vài triệu VND/tháng thì điều đó là vô cùng, rất khó so sánh, vì không phải ai sang du học nước ngoài có bằng đại học hoặc cao học đều có thể có vị trí xứng đáng khi làm việc ở trong nước hay nước ngoài, vì còn phục thuộc vào bản thân con cái của anh, chị có biết tiếp thu và tận dụng các tri thức đó vào cuộc sống một cách hiệu quả và phù hợp hay không.

- Làm sao để hòa nhập nhanh hơn: Để hòa nhập nhanh hơn với cuộc sống mới thì các anh, chị cần tích cực tìm hiểu và tham gia các hoạt động cần thiết cho sự hòa nhập. Tại Canada cũng có rất đông người Việt và có tổ chức thành các Hội người Việt theo từng địa phương. Các anh, chị có thể tham gia để được giúp đỡ và học hỏi kinh nghiệm sống của những người đi trước. Ngoài ra với một hệ thống trợ giúp rất tốt và miễn phí của Chính phủ giúp anh chị dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới.

Về cuộc sống tinh thần tại nơi đây cũng khá phong phú chứ không phải buồn tẻ và cô đơn vì tại các địa phương, các lễ hội diễn ra khá nhiều, anh chị vẫn có thể “buôn chuyện” với bạn bè như ở Việt Nam, nhưng có điều phải tham gia vào các câu lạc bộ và “buôn chuyện” có mục đích và chủ đề rõ ràng chứ không phải ngẫu hứng, vì người Phương Tây cũng khá cởi mở nhưng điểm khác biệt là hạn chế nói về đời tư và các thông tin cá nhân, đó là điều hạn chế và khác biệt văn hóa. Nhưng nếu anh, chị chỉ tập trung vào đi làm kiếm tiền, ít tham gia hoạt động xã hội thì lại thấy cuôc sống rất buồn tẻ, lạnh lẽo, vì không có người đi lại tấp nập và không có quán xá mọc san sát hai bên đường.

Các dịch vụ và ăn uống ở Việt Nam có gì thì ở bên này có thứ đó, có thể đa dạng hơn vì hàng hóa nhập vào phục vụ nhiều sắc dân khác nhau và được kiểm dịch chặt chẽ hơn đảm bảo sức khỏe người dân. Nhưng muốn ăn uống hợp khẩu vị của mình thì phải biết nấu ăn, còn ra hàng quán thì sẽ ít tìm thấy những món ăn Việt Nam phù hợp với sở thích của anh, chị hoặc sẽ bị tính tiền khá đắt. Các yếu tố về y tế, phúc lợi xã hội, vệ sinh môi trường đều khá tốt. Riêng có một điểm đáng lưu ý là thời tiết vào mùa đông thường khá lạnh và kéo dài hơn Việt Nam, nên đi lại cần phải có xe ôtô và nên học lái xe, nếu không sẽ rất vất vả. Còn các siêu thị, trường học, cơ quan và chung cư vào mùa đông đều có nhiệt độ phù hợp vì có hệ thống sưởi ấm.

Người nước ngoài họ cũng không phải sống ít thiên về tình cảm như một số người suy nghĩ nhưng cách thể hiện tình cảm của họ khác với người Việt Nam. Họ có thể không gặp bạn mà hỏi thăm chuyện cá nhân bạn nhiều nhưng khi bạn gặp các khó khăn thì cũng rất nhiều người, nhiều tổ chức giúp đỡ. Người Canada có truyền thống làm từ thiện không chỉ đối với những người nghèo khổ trên đất nước họ mà cả với người nghèo trên khắp thế giới.

Trên đây làm một số chia sẻ của cá nhân tôi, hy vọng sẽ giúp được phần nào giải tỏa những tâm trạng phân vân của các anh, chị đang chuẩn bị sang định cư hoặc cho con cái du học nước ngoài.

Nguyen Hong Hai

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Nước Mỹ như tôi biết


(TNTS )Những năm cuối thế kỷ trước, hai nước Việt - Mỹ bang giao hữu hảo. Người Mỹ sang Việt Nam rất dễ nhưng người Việt qua Mỹ rất khó. Nhiều người đi phỏng vấn, mất toi hơn trăm USD vẫn không được đi mà không rõ lý do.
Có ai thắc mắc thì họ bảo “Người Mỹ mà”. Tôi ghét thái độ kẻ cả, cóc cần bạn của họ nên được rủ rê mấy lượt vẫn chối từ. Năm ngoái, tôi liền đi thử, xem thực hư thế nào mới vỡ ra nhiều lẽ.



Nước Mỹ có rất nhiều kẻ thù nên đi máy bay Mỹ là khổ nhất. An ninh săm soi từng chút, phải cởi cả giày, cả vớ, thắt lưng, đồng hồ, vòng tay, nhẫn, dây chuyền, bóp… qua máy soi. Chai dầu bé tẹo hay tuýp kem bằng đầu đũa cũng vứt vào sọt rác. Rõ khổ. Bù lại đi Mỹ được mang gấp 2,5 lần hành lý so với nhiều nước khác. Bay nội địa thì 6 giờ liền trên máy bay không có phục vụ ăn, uống! Phải ăn trước khi lên máy bay. So với tiếp viên Vietnam Airlines, tiếp viên Mỹ toàn những “bà ngoại” vừa già vừa xấu. Bù lại, họ làm việc chăm chỉ, có nhiều kinh nghiệm. Máy bay Mỹ cũng trễ chuyến liên tục, có điều họ lịch sự hơn. Kèm với thông báo là xin lỗi và trợ giúp cụ thể. Xuống sân bay, muốn lấy xe đẩy hành lý, xin vui lòng bỏ 3 USD vào giá xe. Đây là phí quản lý và thu gom xe đẩy về chỗ cũ. Họ tự giác nộp và tuyệt nhiên không lấy xe phía ngoài dù không tốn tiền.

Gần 1 tháng rong ruổi từ Chicago, New York qua New Jersey, Philadelphia rồi Virginia, Washington đến tận California, Los Angeles, San Jose, San Diego, San Francisco, Las Vegas… tôi hiểu ra nhiều điều về nước Mỹ. Tôi phục nhất là hệ thống xử lý nước thải của hơn 20 triệu dân New York mà dòng sông cùng tên vẫn xanh sạch. Họ xây dựng nhà cửa, cao ốc thế nào mà không thấy xà bần, bụi đá, không nghe tiếng ồn dù đó là những công trình khổng lồ như tòa Tháp Đôi “11.9”. Cũng không nghe ai nói về việc nứt tường, sập nhà bên cạnh! Tôi nể nhất việc biến hoang mạc cằn khô Las Vegas thành trung tâm giải trí số một của thế giới. Vào Hollywood mới thấy thương và tội nghiệp các nhà làm phim Việt Nam. Tôi mà làm đạo diễn chắc đi xem xong là về hết dám “liều mạng” làm phim kiểu ngăn đường và mượn nhà dân làm bối cảnh.

Tôi cũng hiểu vì sao nước Mỹ thua trận ở Việt Nam. Bởi đó là cuộc chiến của các nhà lãnh đạo mà không được nhân dân Mỹ đồng thuận. Bởi cuộc chiến chỉ làm giàu cho các tập đoàn công nghiệp chế tạo vũ khí và quân dụng. Người Mỹ có những trang trại lớn chứ không ai dám sở hữu nhiều nhà bởi ngoài thuế nhà, thuế đất hằng năm lũy tiến theo số lượng và nguồn thu chính của đất nước là thuế thu nhập cá nhân.

Tiếp xúc với nhiều người Mỹ lẫn người Việt ở Mỹ, tôi biết thêm nhiều chuyện. Người Mỹ vốn bình đẳng và minh bạch. Nếu nói rõ lý do bị từ chối visa thì thế nào cũng bị kiện cáo nên tốt nhất là im lặng. Ở những nơi công cộng, hễ có từ 2 người trở lên là phải xếp hàng, dù đó là dân thường hay tổng thống. Đi đâu chẳng sợ lạc đường vì bảng tên đường tổ chảng. Muốn đi đâu cứ việc lên mạng, search bản đồ hướng dẫn chi tiết điểm muốn tới rồi tự lái xe đến nơi mà không cần máy định vị. Tôi cũng rất thích lang thang khắp các bảo tàng sáp, các bảo tàng chuyên ngành độc đáo và phong phú mà tiểu bang nào cũng có. Tôi đã gặp một người Mỹ da đen mua vui kiếm tiền kiểu Mỹ bên bờ biển San Francisco. Anh chàng đen như cột nhà cháy, cầm một nhánh cây lớn và ngồi núp vào trong vỉa hè. Khách đi đường mải mê trò chuyện, đi qua là “được” hù. Nhiều người giật mình loạng choạng, hốt hoảng nhưng sau đó cười vui vì được giảm stress, nên gửi tặng anh mấy USD lẻ. Có người còn dạt ra đứng xem những “nạn nhân” kế tiếp rồi cười vang khoái chí. Ở Việt Nam, đùa kiểu đó chỉ có cách vào viện cấp cứu tức thì. Tại các thành phố tôi đã qua không thấy có nhà vệ sinh công cộng, ngoại trừ các điểm du lịch. Có nhu cầu, khách có thể vào các quán fastfood, các quán cà phê, các nhà hàng khách sạn để giải tỏa mà không cần mua hàng hoặc xin xỏ.

Người Việt ở Mỹ là những người hiếu khách nhất khi gặp bà con từ bên nước sang. Tôi có đứa học trò định cư ở Mỹ, gặp nhau ở Virginia, trò tha thiết mời thầy đi ăn sáng tại Little Saigon. Cứ tưởng như ở Việt Nam, ai dè phải chạy hơn 150 km mới tới chỗ ăn. Mối quan tâm hàng đầu của cả chính phủ và người dân Mỹ là An toàn thực phẩm và Vệ sinh môi trường. Những điều khác là thứ yếu. Ở Mỹ, lập đài truyền hình hay ra tờ báo riêng còn dễ hơn cả mua tủ lạnh ở Việt Nam. Cái chính là báo anh bán ai mua, đài anh ai chịu trả tiền để xem?! Tôi hiểu vì sao nhiều người Việt già ở Mỹ muốn về nước chết cho sướng. Tha hồ nghe nhạc ta nhạc tây, con cháu họp mặt mấy ngày và áo quan to đẹp. Ở Mỹ, mọi người chết đều phải vào bệnh viện, xác được mổ bụng, moi hết ruột, sát trùng và để trong hòm lạnh ở nhà tang lễ bệnh viện. Thân nhân chỉ đến viếng từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh môi trường. Tôi cũng hiểu vì sao một số bạn trẻ Việt Nam ở Mỹ không muốn lập gia đình - vì sợ phải chia gia tài. Không muốn có con vì “Tụi nó không phải con mình. Lúc nhỏ nó là con mình. Khi đi học thì nó là bạn mình. Tới tuổi trưởng thành thì mình là… con nó!”. Tôi biết đa phần người Việt ở Mỹ đều canh cánh nỗi niềm quê hương và niềm tự hào của nhiều người Việt trẻ hiện nay không phải vì con em họ học trường này trường nọ, được khen thưởng cái gì mà là con em họ nói tiếng Việt rất giỏi - “cháu nói sõi như người Việt Nam” chứ không phải ngọng nghịu kiểu “Mẹ ơi! Hôm nay con đi ỉa ngon lắm” (phải nói là đi cầu dễ lắm).

Đi chơi ở Mỹ thì thích thật chứ bảo ở luôn thì tôi chịu. Cho vàng cũng chịu. Tôi sợ cái sòng phẳng đến lạnh lùng của họ trong cuộc sống. Từ ly nước, bữa cơm cho đến tiền xe, tiền nhà của cả vợ chồng con cái. Tôi sợ cái vô cảm của con cái khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão dù nhà mình thênh thang và con cháu đề huề. Tôi sợ cái dửng dưng của hàng xóm và việc đụng một chút là kiện cáo kiểu để chó sủa, để cỏ trước sân mọc quá quy định… Tôi sợ phải làm người bỏ xứ, tha phương… Tôi cũng sợ thức ăn kiểu Mỹ. Nhưng tôi vẫn muốn trở lại du lịch một lần nữa. Bởi ở đó tôi học được rất nhiều điều thú vị.

Nguyễn Văn Mỹ

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Titanic có thể đã không chìm ? !

(24h) - Gần một thế kỷ qua, ai cũng nghĩ Titanic vẫn đang gặm nhấm số phận đen đủi của mình mà ít ai ngờ rằng con tàu tội nghiệp ấy đang... rủa thầm vì có thể Titanic sẽ không chìm nếu không có một "điềm báo" từ khi các nhà làm phim có ý định khởi quay bộ phim cùng tên ở... Việt Nam.

Đêm. Đại dương đen ngòm. Bầu trời đầy sao. Trên chòi cao, người hoa tiêu của tàu Titanic chăm chú nhìn về phía trước. Bỗng anh hốt hoảng:

- Có một núi băng phía trước tàu khoảng 10 km.

Tin đó lập tức được gửi tới phòng hoa tiêu trưởng. Ông này đang bận dự lễ cắt băng khánh thành câu lạc bộ bi-a trên tàu. Nhận được tin, ông lắc đầu:

- Phải mang ra phường xác nhận xem núi băng đó thuộc về ai thì tôi mới có hướng giải quyết.

Một bức điện cấp tốc được gửi về phường xin xác nhận ngay, nhưng cô văn thư giữ con dấu lại nghỉ vì nhà có đám giỗ, còn chủ tịch phường thì hiện đang đi nghỉ mát theo lời mời của Ban quản lý dự án giải phóng mặt bằng.

- Núi băng còn cách tàu 5 km - hoa tiêu lại báo xuống.

Tin được chuyển ngay xuống thuyền phó. Ông vội vã triệu tập một cuộc hội thảo với chủ đề "Băng trôi - Thực trạng và giải pháp". Giấy mời hội thảo đề 3 giờ sáng, nhưng tới tận 4 giờ vẫn chưa đủ số đại biểu vì còn lăn tăn là chưa rõ có được tiền ăn sáng hay không, đồng thời nhân viên cũng báo cáo lại là một số đại biểu đang mải chơi tú lơ khơ nên không thèm nhận giấy mời. Cuối cùng thì buổi hội thảo cũng vẫn được tổ chức lúc 4 giờ 30 sau khi chủ tọa tuyên bố sẽ có tiệc đứng sau buổi họp. Các tham luận đều không đưa ra hướng cụ thể gì, chỉ nhấn mạnh là cần phối hợp giải quyết nhịp nhàng và đây là trách nhiệm của tất cả các ban ngành. Cuối buổi, chủ tọa kết luận dõng dạc:

- Cuộc họp hôm nay chúng ta đã được nghe nhiều ý kiến phát biểu có giá trị cao về cả lý thuyết lẫn thực tế. Các ý kiến đã chỉ ra được tầm nguy hiểm của hiện tượng băng trôi và đưa ra một số giải pháp giải quyết. Các giải pháp tuy còn nhiều tính chất "trừu tượng" và đôi chỗ mâu thuẫn với nhau, nhưng thật khó để có thể kết luận ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai. Đây chính là tiền đề để chúng tôi tiếp tục tổ chức một buổi Hội thảo nữa vào ngày này năm sau. Xin cám ơn quý vị và mời quý vị dùng tiệc.

(Vỗ tay)

- Băng còn cách tàu 100m - hoa tiêu hét lên.

Tin này đến tai thuyền trưởng. Ông vội vã ra lệnh:

- Lái tàu, lùi lại.

- Dạ báo cáo anh, em chưa học lái tàu đi lùi ạ.

- Thế sao bảo có bằng lái tàu thủy???

- Dạ, thú thiệt là bằng này em... "mua" ạ.

- Hả???...

Sườn tàu va vào núi băng. Nước ào ào chảy vào các phòng.

Trên giường ngủ, diễn viên nam do DiCaprio thủ vai thức dậy trước tiên. Anh lay những người xung quanh:

- Dậy mau lên, nước ngập.

Mọi người ngái ngủ ngó xuống rồi càu nhàu:

- Mưa thì nước ngập, có gì đâu.

- Nhưng mà ngập đến đầu gối rồi!

- Bực quá, khu phố tôi ở mỗi khi mưa dù là mưa nhỏ mà đều ngập đến bụng cơ, thế này nhằm nhò gì. - Rồi họ ngủ tiếp.

Hốt hoảng, DiCaprio rút điện thoại di động gọi cho nữ diễn viên Kate Winslet để báo tin. Trong máy vang lên một giọng ngọt ngào: "Thuê báo quý khách vừa gọi hiện đang ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy, xin vui lòng liên lạc lại sau. The number you've called...".

Kêu trời vì thất vọng, DiCaprio chạy ào lên phòng người yêu, kéo cô chạy lên boong. Đôi tình nhân dìu nhau lên những bậc thang chật hẹp. Lúc này trong tàu đã nhốn nháo vô cùng.

Dòng người đang xô đẩy bỗng khựng lại:

- Kẹt xe.

DiCaprio cáu:

- Trong tàu thuỷ làm sau kẹt xe được?

Bà con giải thích:

- Được. Xe mấy ông thuỷ thủ nhập lậu giấu kỹ, bây giờ nước ngập ai cũng lôi ra nên kẹt cứng rồi.

Đôi uyên ương lao tới chỗ để xuồng cấp cứu. Còn rất nhiều chỗ trống. Hai người định nhảy xuống xuồng thì một nhân viên chặn lại:

- Yêu cầu anh chị mua vé.

- Chúng tôi mua vé tàu rồi mà? - Winslet kêu to.

- Vé tàu khác, vé xuồng khác - Anh nhân viên giải thích - Y như ở công viên, vé vào cửa đâu kèm vé trò chơi!

DiCaprio đành thò tay vào túi, rút ra tờ 100 USD. Người bán vé cầm lấy, điện thoại vào đất liền hỏi tỉ giá chính thức. Cô trực tổng đài cho biết là 8 giờ sáng mới có giá mới, còn nếu tính theo giá hôm qua thì DiCaprio bị thiệt 2 chục nghìn. Đang giằng co thì có một bà béo chạy lại đon đả:

- Anh giai để em đổi theo giá ngoài, vừa nhanh vừa cao hơn.

Tính ra theo cái "giá ngoài" đó thì DiCaprio chỉ bị thiệt có 18 nghìn mà thôi.

Đúng lúc nguy cấp thì điện tắt phụt. Thiên hạ la rầm trời đất. Thuyền trưởng chạy tới quay điện thoại hỏi lý do. Suốt tiếng đồng hồ máy bên kia cứ bận liên tục, cuối cùng thuyền trưởng phải cử thuyền phó xuống tận nơi thì được thông báo:

- Một con chuột chạy lụt mắc kẹt ở đường dây và đã bị nướng chín vàng khiến đường dây chập mạch. Phải tìm ngay một con mèo.

Lúc này mối nguy hiểm đã cận kề. Tàu Titanic kêu răng rắc như răng bà lão và gãy làm đôi. Tất cả tranh nhau xuống xuồng và tranh nhau phao cấp cứu. Lượng phao ít hơn lượng người nên đôi tình nhân chỉ được có một chiếc. Họ cứ nhường nhau, nước mắt đầm đìa rất cảm động. Âm nhạc nổi lên tha thiết. Hơn một ngàn rưởi hành khách sắp chết đuối vì thiếu phao. Tàu sắp chìm xuống đại dương. Bỗng nhiên thuyền trưởng vụt nhớ lại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của mình. Ông cởi chiếc phao trên thân, đưa vào máy photocopy nhanh chóng in ra hàng ngàn chiếc. Thế là hành khách ai cũng có đủ, thậm chí một người được dăm bảy loại phao. Một điều lạ là trên các loại phao này lại ghi chi chít những công thức toán học, các bài văn mẫu. Nhưng lúc nước sôi lửa bỏng thế này, có phao là tốt rồi nên cũng không ai để ý mà đều ôm phao nhảy ào xuống biển.

Titanic chìm xuống. Tất cả mọi người đều nổi lên. Pháo bông bắn rực trời. Trên nền trời đêm hiện lên dòng chữ: Tỷ lệ "nổi" đạt 100%. Caprio và Winslet ôm nhau hôn thắm thiết!

Bộ phim đã kết thúc và "ám quẻ" vào con tàu Titanic tội nghiệp như thế đấy.

Trích từ 24g.com

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Phỏng vấn cọp sổng chuồng

Phỏng vấn một con cọp sổng chuồng

(24h) - Phóng viên: Thưa anh cọp, cảm giác đầu tiên của anh khi ra khỏi chuồng là như thế nào?

Cọp: Thú thực giây phút đó tôi rất khoái. Tôi cảm thấy mình bay lên.

Phóng viên: Vượt qua hàng rào cao năm mét có khó khăn không, thưa anh?

Cọp: Chả khó khăn gì mấy. Tôi phát hiện ra chẳng phải rào cao, mà quan trọng ở chỗ mình có dám nhảy hay không.

Phóng viên: Thế lý do gì bao nhiêu năm qua anh không nhảy?

Cọp: Vì những con thú khác ở các chuồng bên cạnh cũng không nhảy.

Phóng viên: Xin lỗi anh, cọp đâu phải như những con thú khác. Cọp là cọp.

Cọp: Tiếu quá. Bây giờ tôi mới hiểu điều này. Nhưng thưa nhà báo, cọp suốt đời ở trong chuồng, thì cũng chỉ còn cọp một nửa thôi. Chớ có khắt khe quá.

Phóng viên: Tôi phải khắt khe với anh, Cọp ạ. Bởi vì cuộc sống khắt khe với tôi. Nhưng chúng ta hãy tiếp tục câu chuyện. Phút đầu tiên ra khỏi chuồng, anh làm gì?

Cọp: Tôi tiến tới gần một con người để chào. Và anh ta co cẳng chạy. Những kẻ khác cũng thế.

Phóng viên: Anh đừng trách họ. Họ chưa quen.

Cọp: Tôi có trách đâu. Tôi chỉ buồn cười. Khi tôi còn ở trong chuồng, sao họ vênh vang thế. Rõ ràng thái độ của nhiều kẻ đổi khác, tùy vào chỗ ta đứng trước hay sau một cái hàng rào.

Phóng viên: Chả có ai dám tới gần anh sao?

Cọp: Chả có ai. Họ sợ tôi ăn thịt. Trong khi họ chả hề biết, đã bao nhiêu năm qua tôi muốn ăn rau.

Phóng viên: Vô lý. Cọp mà ăn rau?

Cọp: Chả những ăn rau, cọp còn hái hoa, ngắm trăng và tắm suối. Tóm lại, cọp rất lãng mạn.

Phóng viên: Sao những phẩm chất này không được người ta phổ biến?

Cọp: Người ta giấu đi. Người ta muốn dùng cọp để dọa, chứ không muốn dùng để an ủi.

Phóng viên: Anh phải hiểu, con người có trí khôn. Và hễ ai khôn thì phải biết giấu đi những cái bất lợi cho mình.

Cọp: Khôn như vậy là khôn không hồn nhiên, không trong sáng.

Phóng viên: Thôi được. Thiên hạ chạy tán loạn nơi anh sổng chuồng ra. Rồi sao nữa?

Cọp: Rồi tôi nhìn theo. Và tôi cười ngất. Tưởng người chạy đi đâu, hóa ra cũng chạy vào những cái chuồng.

Phóng viên: Đâu phải chuồng. Nhà!

Cọp: Vô lý. Nhà gì mà kín mít và giống nhau đến thế.

Phóng viên: Kín ư?

Cọp: Vâng. Kín. Đủ thứ khóa, đủ thứ rào và đủ thứ song sắt. Ví dụ như chuồng cọp kín, tôi còn tin được, vì sợ cọp chạy ra. Chứ người thì phải vươn ra. Sao người lại tự giam mình?

Phóng viên: Anh còn non dại lắm, cọp ạ. Kinh nghiệm bao nhiêu năm đã dạy cho người nên ở trong các ngôi nhà đóng kín.

Cọp: Ối trời, họ sợ thú dữ vô sao?

Phóng viên: Không. Họ sợ người khác vào. Nói một cách đơn giản thì người đôi khi còn sợ người hơn sợ cọp.

Cọp: Lôi thôi quá nhỉ?

Phóng viên: Lôi thôi lắm anh ạ. Anh suốt đời ở trong lồng, nên chả hiểu được thế giới đâu.

Cọp: Được. Cứ cho rằng người phải chui vô nhà, và nhà phải được đóng kín đi. Nhưng tại sao họ lại xây nhà giống nhau đến thế?

Phóng viên: Giống ư?

Cọp: Phải. Tôi đi một dãy, và nhà nào cũng giống như cái hộp vuông vuông. Điều đó chứng tỏ trí tuệ của các anh không phong phú.

Phóng viên: Anh cọp ạ, ở ngoài này, trí tuệ phong phú nhưng tiền không phong phú thì cũng hạn chế rất nhiều.

Cọp: Tiền là gì?

Phóng viên: Một câu hỏi nói lên bản chất của anh. Một câu hỏi chứng tỏ cọp ở đâu cũng vẫn chỉ là cọp vì không biết đến tiền.

Cọp: Khoan đã, nhà báo định bảo ai không biết đến tiền là ngu sao?

Phóng viên: Tôi chả dại gì tuyên bố như thế. Tôi chỉ nói, những ai không biết tiền thuộc về một thế giới khác.

Cọp: Vậy thế giới ấy hoang dã hay hiện đại?

Phóng viên: Có thể bảo rằng, đó là thế giới thứ ba. Hoặc thế giới bên kia cũng được.

Cọp: Này, nhà báo. Mới tiếp xúc với người, cọp đã hơi thất vọng, khi người nói rất vòng vo.

Phóng viên: Nói vòng vo là một nghệ thuật đấy, anh cọp ơi.

Cọp: Nghệ thuật là gì?

Phóng viên: À, là nhiều lúc bảo thích cái này nhưng thực ra lại thích cái kia.

Cọp: A, như thế nghệ thuật là giả dối à?

Phóng viên: Thôi, hai ta chả nên đi sâu vào vấn đề này nữa. Hai ta quá khác nhau. Hãy quay lại. Phút sổng chuồng. Anh thấy thiên hạ chạy vô những căn nhà đơn điệu, rồi sao nữa?

Cọp: Rồi tôi tự hỏi: Tại sao người không như cọp, người không lấy bầu trời làm mái và mặt đất làm sàn nhà?

Phóng viên: Bởi vì người cần những khoảng riêng, cọp ạ.

Cọp: Rồi họ làm gì trong các khoảng riêng đó?

Phóng viên: Làm nhiều chuyện lắm. Kể cả… nấu xương cọp, nên anh thực sự muốn biết.

Cọp: Tôi nghĩ thế này đúng không nhà báo. Toàn bộ sự rắc rối của các anh nằm ở chỗ ai cũng muốn có một cái khoảng riêng!

Phóng viên: Đúng vậy.

Cọp: Và khi có các khoảng riêng rồi thì đáng buồn thay, ở trong đó họ lại làm những việc rất giống nhau.

Phóng viên: Nghĩa là theo anh, con người đã lãng phí các khoảng riêng của mình.

Cọp: Tôi tin là như thế đấy!