Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Đôi lứa xứng đôI

Chu Mộng Long: Chuyện Nam Cao chưa viết: Đôi lứa xứng đôi (Phần 1, 2, 3)
Trước khi gặp Bá Kiến, Chí Phèo bí mật cho người sang hỏi đội Tảo mượn xe kéo. Đội Tảo cười:
– Xe kéo của tao để đầy ngoài các sân bãi. Nhưng nếu cho mày mượn thì Bá Kiến nó biết, còn lâu nó mới cho mày tiền.
Vậy là anh Chí buộc phải chạy bộ xuyên suốt mấy ngàn cây số.
Khi đi qua nhà đội Tảo, đội Tảo bí mật cho người gặp Chí Phèo, dặn dò Chí Phèo:
– Đừng nhân nhượng với thằng Kiến. Cứ đưa dao ra trước mặt nó và hỏi tiền. Thằng Kiến sẽ bảo mày cất dao trước đã. Còn mày thì bảo thằng Kiến đưa tiền trước. Cứ thế rồi tính sau, nhé, nhé…
Nói xong, cho Chí Phèo mượn con dao.
Chí Phèo gặp Bá Kiến. Cả hai đều rất vui khi bắt tay nhau. Bá Kiến nói:
– Rất vui khi được gặp lại anh. Anh với tôi có họ với nhau đấy!
– Rất vui khi gặp lại cụ. Cụ cho con ít tiền uống rượu ạ!
Chí Phèo vừa nói vừa lăm lăm con dao trước mũi Bá Kiến. Bá Kiến mới thấy con dao đã nổi giận phừng phừng:
– Cất con dao đi, hoặc đem đến nhà thằng đội Tảo cho nó thưởng thức.
Chí Phèo cười ngặt nghẽo:
– Cụ cho con tiền trước đi đã rồi con mới đem dao về trả lại cho đội Tảo.
Nghe đến đó, Bá Kiến càng điên tiết, nhưng cố dịu giọng:
– Tiền tao chứ vỏ hến à? Anh nên nhớ câu “dao ai thì người đó dùng”. Thịt đội Tảo mềm hơn thịt của tao nhé.
Bá Kiến quyết không đưa tiền trước. Chí Phèo cũng quyết không mang dao về. Trung tâm hòa giải thì thấy dao là hoảng. Kệ mẹ chúng nó. Để hai thằng đó muốn làm gì thì làm, miễn sao dao đừng đâm trúng mình. Chỉ tiếc là cả Chí lẫn Kiến đều bỏ cơm, bữa tiệc dọn sẵn không có người ăn…
***
Phần 2
Nhìn con dao như thanh Ỷ Thiên trong tay Chí Phèo, Bá Kiến ớn quá không muốn gần Chí nữa. Bá Kiến né xa hắn ra và bỏ cả bữa cơm trưa. Cả làng Vũ Đại vây quanh, phỏng vấn Bá Kiến về kết quả cuộc gặp đỉnh cao với Chí Phèo.
Cụ Bá già đời lọc lõi, không muốn dây dưa với đám dân làng lắm chuyện, nhất là đám đàn bà tự xưng là trung tâm hòa giải. Cụ cám ơn dân làng Vũ Đại một câu cho lịch sự và tuyên bố cuộc gặp không có kết quả nào. Cụ cũng cố nở nụ cười cho dân làng thấy cụ với anh Chí vẫn là người có họ với quan hệ thân thiện. Xong cụ lên xe kéo, giục thằng kéo xe chạy nhanh. Thằng xe kéo nói:
– Bẩm cụ, trưa quá rồi. Con đang đói…
Cụ Bá cáu:
– Đói thì ráng nhịn về nhà mà ăn.
Thằng kéo xe chổng mông, tóp bụng kéo cụ chạy nhanh để thoát khỏi đám dân làng lắm chuyện. Đám đàn bà làng Vũ Đại vẫn không tha. Khi cụ ngồi trên xe, chúng vẫn điện thoại phỏng vấn. Đoạn hội thoại này không báo nào dám đăng.
– Thưa cụ Bá. Với quan hệ thân thiện như vậy, liệu có cuộc gặp đỉnh cao nào với anh Chí nữa không?
– Không. Tao không thích ăn dao!
– Nhà em có bữa tiệc chiêu đãi đủ các món đặc sản, nào thịt chó mắm tôm, nào hột vịt lộn, nào thắng cố H’mông… mời cụ ở lại dùng bữa, vội vàng gì?
– Tao không ăn được các món thổ dân đó.
– Vậy thì bún chả, bún thang, bún mộc…, cụ thấy thế nào?
– Mấy món đó tao ăn bữa trước rồi. Nhưng bây giờ thì…
– Thì sao thưa cụ?
– Bây giờ thì… những món đó rất độc hại.
– Dạ, bình thường dân ăn thì nhiều hóa chất độc hại, còn tiếp cụ thì đã kiểm soát kỹ rồi ạ.
– Tao đang nói thứ độc hại khác. Nhiều ruồi lắm. Trông ruồi bu phát ớn.
– Dạ, không có con ruồi nào đâu ạ.
– Tao nói chúng mày là ruồi đấy!
– Vậy cụ không đi một chuyến quanh làng, tận mắt xem dân làng có nhiều đổi mới sao?
– Ba cái món đổi mới cuộc sống đó hãy để thằng Chí đi xem mà học hỏi để làm người lương thiện. Tao xem để làm gì?
Nói đoạn cụ cúp máy và giục thằng xe chạy cho nhanh. Chiếc xe bị kẹt bánh, nhưng thằng xe vẫn phải chổng mông kéo chạy một hơi không dám ngoái cổ lại…
***
Phần 3
Cụ Bá không vui bỏ về sớm chứ anh Chí thì nghe thịt chó mắm tôm là khoái, sẵn sàng ở lại 3 ngày để thưởng thức cái món gia truyền ấy. Dân làng Vũ Đại cũng hứa sẽ đưa anh Chí đi dạo, tận mắt xem dân làng đổi mới cuộc sống.
Anh Chí khoan khoái ngồi vào mâm thịt chó, vừa nhìn bảy món chó thơm ngon, vừa khoái trá nghĩ, lão Bá Kiến trưa nay đói là cái chắc. Chí húp món tiết canh ruồi bu còn dính chân, bốc món dồi chó nhồm nhoàm nhai. Món này anh Chí chưa ăn bao giờ vì trò ăn quỵt ngày xưa khó mà với tới. Nay anh Chí ăn thỏa thuê vì dân làng chiêu đãi miễn phí. Song vì bệnh gout nên hơi lo. Lo rồi anh Chí vẫn cứ ăn lấy ăn để, khi chân tay đau lên thì cứ gõ đầu thằng thầy thuốc.
Ăn xong, dân làng đưa anh Chí đi xem phong trào đổi mới cuộc sống. Xem các công trình đô thị và xem xưởng ô tô hiện đại. Người hướng dẫn khoe, đó là thành tựu đổi mới cuộc sống suốt mấy mươi năm qua. Anh Chí trầm ngâm nghe và bảo bộ hạ ghi chép đầy đủ. Đến đoạn nhấn mạnh động lực đổi mới là nhờ kinh tế tư nhân, anh Chí phát cáu:
– Cụ Bá nhờ các người thực hiện diễn biến hòa bình à? Hay các người định chơi xỏ ta?
Anh Chí nhìn mấy cái thứ đổi mới cuộc sống đó như nhìn kẻ thù, lòng sôi sùng sục muốn châm lửa đốt sạch, nhưng chợt nghĩ đốt để làm gì? Không khéo lại gây sự với làng Vũ Đại. Anh Chí ra lệnh bộ hạ vứt hết sổ ghi chép và về, về thẳng! Sẵn ghé nhà trả dao cho đội Tảo rồi tính kế sau.
Dự kiến thăm làng 3 ngày, nhưng anh Chí quyết không thêm ngày nào nữa.
Dân làng Vũ Đại ngơ ngác nhìn cả đoàn anh Chí chạy bộ ra khỏi làng. Họ không hiểu vì sao cùng sinh ra ở cái lò gạch cũ mà anh Chí có thái độ khó hiểu như vậy?
https://baotiengdan.com/2019/02/28/chuyen-nam-cao-chua-viet-doi-lua-xung-doi-phan-1-2-3/

Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười

Văn học miền Nam 54-75 (542): Nguyễn Hiến Lê (kỳ 9)

Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười

Chương IX
MỘT MIỀN PHONG PHÚ

Miền Đốc Vàng.

Hai thời đại.

Rất mới mà rất cổ.

Những vụ cướp trâu ở một nơi biên cương.

Tinh thần ái quốc.

Các "ông đạo".

Sáng hôm sau, chúng tôi theo rạch Đốc Vàng thượng đi vào chợ Tân Thạnh. Rạch rộng chừng năm chục thước, uốn khúc giữa những rặng sao và vườn xoài. Sao cao vút và thẳng tắp, tựa những cây sào có úp nón lá trên ngọn. Xoài mọc sát mí nước, trái rủ xuống, chi chít và mũm mĩm, làm chúng tôi muốn với tay lên vuốt nhẹ. Nhà cửa sạch sẽ, có vườn trồng mai hoặc cúc.

Cánh hoa bằng lăng mỏng và nhẹ như lụa, phơn phớt tím, lả tả bay trong gió, từ từ hạ trên mặt nước trong veo và lờ đờ. Thực không khác cảnh Đào Nguyên.

Vừa đi tôi vừa nói:

- Tôi đã ở được miền này ít lâu. Dân tình đôn hậu, rất mến người phương xa mà đời sống thì an nhàn, khác hẳn thành thị.

Đây cũng thưộc cảnh Đồng Tháp mà rất phong phú. Cứ vài trăm thước lại có một ngôi nhà gạch và những nhà sàn vách ván coi tầm thường vậy mà mỗi năm góp cũng được vài ba ngàn giạ lúa, giá ba bốn ngàn đồng, hơn lương một công chức cao cấp. Miền này như vậy, thì khắp cánh Đồng Tháp đều có thể như vậy, đất hoang còn nhiều mà dân tộc ta cứ chen chúc nhau trong miền hạ du sông Hồng, thực khờ quá.

- Ai muốn chen chúc ngoài đó? Tại sự di dân chưa được tổ chức.

- Cũng có lẽ. Nhưng có sống chung với nông dân Bắc Việt mới thấy họ quyến luyến luỹ tre của họ ra sao.

Hai năm trước, tôi dắt sáu người bà con ở Bắc vào đây. Họ nghèo, tôi muốn giúp họ làm ăn, xuất tiền xe cho họ đi rồi gởi gắm họ với một ông chủ điền ở đây để họ làm ruộng.

Tôi dẫn họ đi coi làng xóm, chỉ những cánh đồng bát ngát, những đống lúa chót vót cho họ thấy. Họ đều trầm trồ khen: "Chà! Ruộng thật là thẳng cánh cò bay! Quả là lúa chất thành núi…".

Tôi lại dắt họ thăm những gia đình nghèo nhất ở đây: bữa ăn luôn luôn có có cơm và cá; quần áo có vài ba bộ bằng hàng. Họ nhận rằng dân miền này ít khi biết đói và rét, ít lắm. Vậy mà trong số sáu người chỉ có mỗi một người chịu ở hẳn trong này, nay sắp thành một thương gia nhỏ, còn năm người kia đi làm mướn một hai năm, dư được ít tiền rồi về Bắc thăm bà con, đình chùa, luỹ tre, cổng xóm và không vô nữa, chịu cảnh ăn khoai trừ cơm và bận áo đụp quanh năm. Họ nặng lòng với cố hương quá. Làm sao thay đổi được tinh thần đó nhỉ?

°     °
°

Chúng tôi bước dưới một cái cổng gỗ phủ đầy hoa tím. Tôi bảo anh Bình:

- Chúng ta vào thăm một tiểu điền chủ ở đây. Cụ là một người học rộng và từng trải, ưa nhàn hơn ưa tiền, thích hoa ngang với thích sách.

Qua một đường lát gạch, một khu vườn trồng đầy những chậu kiểng trồng lan, huệ, cúc, hồng…, tôi bước lên một nhà sàn.

Chủ nhân khoảng lục tuần mà còn tráng kiện, niềm nở tiếp chúng tôi ở ngay bên gốc mai.

Cụ pha trà mời chúng tôi uống rồi hỏi anh Bình về tình hình ngoài Bắc. Chúng tôi bàn về văn thơ, sau cùng kéo câu chuyện về Đồng Tháp. Tôi hỏi cụ:

- Cụ ở đây lập nghiệp đã lâu chưa?

- Gần ba chục năm rồi. Khi mới đến miền này còn hoang vu, đúng là nơi "khỉ ho có gáy". Ba bốn trăm thước mới gặp căn nhà lá, chung quanh lau sậy um tùm.

Hồi ấy dân cư nhàn nhã lắm. Phát vài công đất ở sau nhà, sạ một vài giạ lúa là có dư lúa ăn suốt năm. Cá nhiều tới nỗi con nít cầm một cây đinh ba nhỏ đi đâm một lúc về cũng được một xâu cá; đàn bà ngồi rửa chén, thấy cá lội ngang, thường cầm dao chén được những con cá lóc lớn bằng bắp chuối. Muốn đổi thức ăn, ra đồng bắt cò, bắt trích, và lượm rùa. Rau thì có bông súng mọc khắp nơi. Củi thì có tre, sậy và tràm lụt.

Anh Bình hỏi:

- Thưa cụ, tràm lụt là gì?

- Đi ngoài đồng người ta thường thấy những khúc cây tràm vặn vẹo vùi lâu dưới đất gần thành than. Có người bảo cánh Đồng Tháp này hồi xưa là rừng tràm. Sau trận lụt năm 1904, tràm trốc gốc bị vùi xuống một lớp phù sa. Giả thuyết đó chưa đáng tin vì lẽ gì chưa đầy mười năm sau, khi tôi tới đây, những gốc tràm ấy gần thành than rồi.

Vậy vấn đề ăn uống, củi lửa, khỏi phải giải quyết. Còn vấn đề quần áo? Xứ này không có mùa rét. Khí hậu rất dễ chịu, tôi đã có câu vịnh:

Một ngày đủ cả bốn mùa:

Sáng xuân, trưa hạ, đêm là thu đông.

Hàn thử biểu thường chỉ từ 25 đến 30 độ, nên mỗi năm mỗi người chỉ cần hai bộ quần áo. Đóng một khung vải, mua ít tơ ở Chợ Thủ về dệt trong một tháng dư đồ bận cho cả gia đình.

Đường giao thông không tiện lợi, đi đâu cũng phải dùng ghe; qua Long Xuyên thì mất một ngày, lên Gia Định thì mất một tuần, nên ít ai ra khỏi làng. Vật dục do đó bớt đi, cổ tục bảo tồn được đủ.

Đời nhàn quá. Suốt ngày các ông già ngồi nhai trầu hoặc dạo xóm nói chuyện cổ kim, đi năm ba nước cờ; còn thanh niên nam nữ thì đọc sách, quay tơ, câu cá, bẫy chim hoặc tập làm bánh trái.

Nhà không có hàng rào mà cửa đêm ngày đều bỏ ngỏ. Đời Nghiêu, Thuấn tả trong sử Tàu chắc cũng chỉ như vậy. Đó là thời dân cư thưa, đất đai nhiều, mưu sinh dễ dàng mà con người thuần phác.

Từ sau Đại chiến 1, một số người nộp đơn xin khẩn đất, mỗi khoảnh hàng ngàn công. Chế độ đại tư bản bắt đầu len lỏi vào. Không đầy mười năm sau, nhà gạch nền đúc nối tiếp nhau mọc lên, ít nhiều ống khói làm đục một khoảng trời, tiếng máy xay lúa vang lên cùng với ca nô trong kinh và đồng thời bên cạnh những lẫm lúa đồ sộ, nhà tranh vách lá xuất hiện, chật hẹp, tối tăm. Sóng văn minh cũng từ Sài Gòn, Long Xuyên tới Chợ Kinh, Chợ Thủ, qua con sông Tiền Giang và tràn vào đây; thiếu nữ bỏ những hàng Tân Châu đen mà bền, bận những hàng Bombay sặc sỡ mà mỏng dính; các cậu thì đua nhau mặc đồ Tây, hút thuốc Tây, uống rượu Tây, xí xồ tiếng Tây. Hết thảy đều có vẻ vội vàng và một số người bỏ làng lên Sài Gòn. Người ta bắt đầu thấy ngày ngắn mà công việc thì nhiều.

Những năm 1928-1929, lúa được giá, ghe hàng ngược xuôi trên rạch này suốt ngày, bán đủ đồ, từ phấn son tới cà vạt, từ máy may tới máy hát. Những bài vọng cổ văng vẳng từ mặt nước đưa lên, không phút nào ngớt và trong mười nhà thì bốn nhà có tiếng lách cách đạp máy Singer. Quả là một thời cực thịnh.

Thịnh không bao lâu thì kinh tế khủng hoảng. Lớp sóng kinh tế cũng từ phương Tây tràn qua, đánh đắm biết bao nhiêu sản nghiệp! Chủ điền nào cũng nhăn mặt, càng nhiều ruộng càng lo, càng làm ruộng càng lỗ. Lúa từ một đồng một gia xuống còn 8 cắc, người ta chê rẻ, không bán, ít tháng sau còn 7 cắc, 5 cắc; cuối cùng chỉ còn 2-3 cắc. Giá lúa như vậy nên lương bác sĩ, kĩ sư mới vô làm chỉ được năm chục đồng. Có người đã trào phúng:

Lúa bán hai hào dân mếu máo,

Quan ăn năm chục vợ ngầy la.

Nhà cửa thì tráng lệ, đồ đạc thì toàn là bảo vật: tủ thờ khảm xa cừ, bàn ghế bằng nu 2, nhưng trong những bộ chén Giang Tây rất cổ hoặc Limoges rất mới, khách chỉ thấy một thứ "nước trắng" tức là nước đun sôi. Không một điền chủ nào dám uống Trung Quốc kì chưởng, Martel, Cognac, còn thuốc hút thì không ai thấy Camel, Lucky nữa, mà toàn thứ thuốc trồng ngay ngoài bãi, y như râu bắp vậy, thực đúng với hai câu:

Đèn như đom đóm, thuốc như lông,

Khách tới pha trà, thấy nước trong.

Chưa bao giờ người ta nghèo tới mức đó.

Tới điền chủ cũng phải bận áo vá; xe hơi và tàu thuỷ đều cho nằm ụ, đi đâu thì cuốc bộ hoặc bơi xuồng:

Lục soạn tơi rồi, chầm vải tám,

Ca nô sét đó, nguậy chèo tay.

Một vài người thấy gia sản sắp bị tịch biên, mượn dòng nước hoặc viên đạn để kết liễu nỗi khổ. Tôi có làm một bài thơ vịnh thời ấy, nay chỉ còn nhớ hai câu:

Tiếng súng hội đồng nổ bớp bớp,

Cột cầu Bình Lợi nhảy đùng đùng.

- Thưa cụ, lúc ấy chắc cụ không phải lo lắng gì nên mới có giọng thơ như vậy được.

- Phải, tôi nhờ tri túc, không muốn mở mang lớn, nên chịu ít ảnh hưởng của kinh tế khủng hoảng và trong làng này chỉ có một mình tôi là tiếp tục cho con học ở nước ngoài được.

Cũng vì cuộc khủng hoảng ấy mà sự khai phá miền này mới ngừng lại, nếu không chắc đã tấn phát mau lắm. Con đường xe hơi từ Cao Lãnh lên Hồng Ngự mới đắp phải bỏ dở. Dân nghèo thì nhà nước tất phải nghèo.

- Thưa cụ, hiện nay cánh đồng này khai phá vào sâu bao nhiêu rồi?

- Trung bình được mười cây số. Nếu sở Thuỷ lợi đào một con kinh từ Gãy lên Cái Cái như dự định thì chỉ trong năm năm, miền này thành ruộng hết.

Hầu chuyện cụ một lúc, chúng tôi xin cáo từ, đi về phía chợ Tân Thạnh để làm công việc sở. Càng đi, càng vào sâu, rạch càng nhỏ, càng uốn khúc, nhà cửa càng đông đúc.

Gặp những già búi tóc mà đội nón Tây, anh Bình thấy lạ mắt lắm, chăm chú nhìn. Tôi bảo:

- Có người còn mặc một chiếc áo dài ta, một chiếc quần Tây, đầu đội khăn đóng mà chân đi giày ban. Trông cách ăn mặc đó, ta hiểu được ít nhiều tính tình phái cổ ở trong này. Họ nửa theo mới, nửa theo cũ; mới thì rất mới mà cũ thì cũng rất cũ.

Một nhà nho ở đây, mà cũng là một nhà cách mạng, cho con qua học bên Pháp học tám, chín năm trời, đậu kĩ sư, về nước gặp lúc kinh tế khủng hoảng, không có việc làm. Ghét sự ngồi không, ông ta bắt cậu kĩ sư phải đi đuổi bò và cậu không dám trái lời cha, phải đội cái nón lá, bận bộ đồ đen, cầm cái roi chạy theo đàn bò. Việc đó ở ngoài Bắc, ngay trong những gia đình rất cổ, cũng không khi nào xảy ra. Trong những nhà như vậy, gia huấn rất nghiêm mà chữ Hán rất được trọng dụng. Tôi được biết một ông huyện phải nằm sấp chịu đòn của cha, và một ông hương cả nọ muốn cho con là một cậu tú Tây, học thêm chữ Hán để đọc được bộ Ẩm Băng của Lương Khải Siêu.

- Thế thì chắc Tây học bị khinh rẻ.

- Không. Cũng vẫn trọng, song những gia đình cổ cho con cái học Tây chỉ để kiếm lợi và danh, còn Nho học mới đào luyện được nhân cách.

Cánh Đồng Tháp Mười mỗi năm ngập bốn năm tháng, nuôi trâu bò rất bất tiện. Dân các miền Tân Phú, Tân Thạnh, An Phong… phải mua trâu ở Cao Miên rồi lùa về. Cách đây nửa thế kỉ, trật tự không được hoàn toàn, đồn bót ở xa, tại Chợ Mới hoặc Long Xuyên, lính tráng ít khi mạo hiểm qua con sông Tiền Giang, nên cả dải đất từ Hồng Ngự tới Cao Lãnh sống dưới một chế độ gần như phong kiến và chỉ những vị hảo hán mới dám làm nghề buôn trâu.

Nói là buôn chứ kì thực là cướp. Người ta dắt mười tên gia nhân, băng qua đồng, lên tận Svay Riêng, giữa đêm vào sóc Thổ 3, đốt vài căn nhà lá cho dân chúng trong xóm lại đó dập lửa, rồi thừa cơ lùa từng đàn trâu đi. Tất nhiên là người Thổ đuổi theo và hai bên kịch chiến ở trong đồng. Có khi đàn trâu lùa về hai, ba lần, vì mình xuống cướp trâu của Thổ thì Thổ xuống cướp trâu của mình.

Các ông già bà cả còn kể nhiều chuyện đổ máu rùng rợn ở nơi biên cương này. Người cầm đầu các đảng cướp đều võ nghệ cao cường và có lòng nghĩa hiệp: chỉ cướp của Thổ, không hề cướp của người mình bao giờ; đối với bọn đàn em tuy nghiêm khắc, song cũng thân mật, tận tâm chia cơm sẻ áo với họ, xả thân cứu họ lúc lâm nguy.

Trâu lùa về được rồi họ dắt đi bán tại những nơi khác nhau như Long Xuyên, Cần Thơ… Chỉ hai, ba tháng một chuyến cũng đủ cho cả bọn sống phong lưu.

Nghề đó ngày nay không còn nữa và người ta phải giải nghệ, hoặc làm ruộng hoặc đi nơi khác buôn trâu một cách lương thiện.

Năm 1938, tôi còn gặp một cụ già hồi nhỏ làm đầu đảng cướp trâu. Cụ là con một vị cai tổng mà cai tổng hồi cuối thế kỉ trước như một vị vua nhỏ trong vùng, hống hách vô cùng, có quyền sinh sát đối với dân, không khác chi lãnh chúa thời phong kiến. Cụ thông chữ Nho, giỏi võ nhất vùng và gan dạ không ai bì, có trên hai chục bộ hạ cả Việt lẫn Thổ. Cụ thích mạo hiểm nên lựa nghề nguy nan đó, được tiền thường giúp đỡ bà con nghèo khổ. Trong nhà cụ hồi xưa ngày nào cũng có tiệc tùng, khách khứa ra vào rất đông và thường đấu gươm, đấu côn với nhau dưới bóng xoài, trong những đêm trăng.

°     °
°

Không hiểu có phải do ảnh hưởng cuộc khởi nhĩa của Thiên hộ Dương không mà từ Hồng Ngự tới Cao Lãnh, làng nào cũng có vài ba nhà ái quốc. Khi chế độ thuộc địa đã vững vàng rồi, nhiều người còn tính xuất dương mưu đồ đại sự, không được thì ẩn nhẫn ở nhà dạy con, liên lạc với đồng chí.

Chúng tôi vào thăm một ông Hương cả có tâm huyết, trong một ngôi nhà ngói rộng cất dưới tàn sao và ô môi. Khi hay tin anh Bình mới ở Bắc vào, ông hỏi thăm về cụ Dương Bá Trạc và nói:

- Hồi cụ Cử Dương bị cưỡng bách lưu trú ở Long Xuyên, tôi thường lại thăm cụ, trọng cụ như thầy học. Cụ ở nhà ông Năm Khách ở Cái Sơn, dạy chữ Nho và học tiếng Pháp.

Trong đảng Đông Kinh Nghĩa Thục còn hai cụ nữa bị cưỡng bách lưu trú ở Nam là cụ Huấn Quyền ở Bến Tre và cụ Cử Võ ở Sa Đéc. Hai thầy được biết hai cụ chứ?

Tôi đáp:

- Cụ Cử thật là người khẳng khái. Người ta kể chuyện có lần viên chánh tham biện Sa Đéc mời cụ ra toà bố 4, hỏi cụ có muốn khẩn ruộng không, nhà nước sẽ cho cụ một khu đất. Cụ đáp không. Lần khác lại mời lên, ngỏ ý muốn trợ cấp cụ mỗi tháng 10 đ 5. Cụ cũng từ chối.

Vì sự từ chối ấy mới có giai thoại sau này:

Một lần cụ bị một chú lính gọi lại xét giấy thuế thân. Cụ bảo:

- Chú về nói với chánh tham biện đóng cho tôi. Nhà nước mấy năm nay thiếu tôi mấy trăm bạc rồi.

Ý cụ muốn nói Nhà nước biếu cụ mỗi tháng 10 đ, cụ không lấy thì đừng nên bắt cụ đóng thuế thân nữa. Chú lính ngơ ngác không hiểu gì cả, nhưng thấy cụ ăn nói ngang tàng quá, làm thinh. Có lẽ khắp nước, chỉ có cụ khỏi đóng thuế thân, mặc dù không được miễn.

- Ngang tàng thì quả thật ngang tàng. Coi cái tướng của cụ cũng biết ngay. Năm ngoái tôi gặp cụ, đã bảy chục tuổi mà vẫn còn quắc thước, mặt xương, mắt sáng. Hai cái đặc sắc nhất trong con người cụ là giọng nói và cái lưng.

Giọng cụ sang sảng, vang mà ấm còn lưng cụ thì như một cây cột. Cụ không bao giờ khòm lưng và vẫn tự khoe với người thân:

- Chính cái lưng tôi nó không cong được nên tôi mới bị Hoàng Cao Khải nó sai lính quất tôi thì tôi chửi lại nó, rồi nó cũng chẳng làm cóc gì tôi được.

Một nhà nho miền này thường giao thiệp với cụ. Cụ có làm bài thơ và nhà nho đó hoạ lại. Để tôi đọc cho hai thầy nghe.

- Dạ, xin ông cho biết:

- Bài cụ Cử như vầy:

Ngao ngán lòng tôi tối lại mai.

Lòng tôi, tôi biết giải cùng ai?

Ngàn năm cố quốc hồn chưa tỉnh,

Hai chữ đồng tâm nét cũng sai!

Mài lệ chép thơ phơi trước mắt,

Coi tiền như mạng, bỏ ngoài tai.

Thôi thôi, biết nói chi cho hết!

Càng nói càng thêm nỗi thở dài.

Và bài hoạ lại:

Khí phách thường như buổi sớm mai,

Đường văn minh đó, hẹp chi ai?

Đạp vòng tớì đất chân cho vững,

Vẽ mặt giang san, bút dám sai?

Cọp bắt tay không đừng nói khoác,

Rắn theo tàn đuốc cũng công tai.

Anh em giữ lấy niềm hòa hảo,

Nòi giống về sau phúc lộc dài.

Đọc bài trên, ta thấy gần bảy chục tuổi mà cụ Cử còn hăng hái lắm. Thơ cụ biểu lộ rõ tâm hồn của cụ, không tài hoa nhưng khẳng khái.

Ông hương cả giữ chúng tôi lại dùng cơm, chúng tôi từ chối vì mắc việc sở. Ông sai gia nhân đưa chúng tôi vào đình làng Tân Thạnh giới thiệu chúng tôi với người giữ đình để được coi bộ xương cá đao dài trên thước rưỡi mà dân làng bắt được mấy chục năm về trước. Hồi ấy những con cá biển thường ngược dòng Tiền Giang lạc vào đây.

°     °
°

Ở đình ra, tôi tạt vào thăm thánh thất Cao Đài để anh Bình biết một tôn giáo mới chưa lan ra Bắc. Tôi giảng cho anh ấy nghe:

- Đạo Cao Đài mới lập mười mấy năm nay, thờ gần đủ các giáo chủ: Khổng, Lão, Phật, Giê-su… và cả những thi nhân, văn sĩ có lòng trong sạch, thương người, như: Léon Tolstoi, Victor Hugo, cả Lí Bạch nữa vì Lí Bạch được người đời coi là một vị tiên giáng phàm.

Tôn giáo đó tổ chức đàng hoàng, bành trướng khá nhanh, tỉnh nào cũng lập thánh thất; toà thánh ở Tây Ninh. Những ngày lễ, tín đồ bận đồ trắng, an chay, tụng kinh theo một điệu đều đều, không trầm, bổng, cứ hai tiếng lại ngắt lại.

Vào thánh thất, chúng tôi để ý ngay đến hình một con mắt lớn treo ở trên bàn thờ. Đồ thờ cũng như trong mọi các đình, chùa, nhưng chỗ đứng ngồi cho tín đồ thì phân biệt bên nam và bên nữ.

Anh Bình hơi ngạc nhiên về chỗ người giữ thánh thất, trong câu chuyện, nói trống không với chúng tôi. Trong đạo có lệ coi ai cũng như anh em; không phân biệt già trẻ, sang hèn, gọi nhau bằng anh chị hết. Đối với chúng tôi còn lạ, gọi anh thì không tiện, gọi thầy thì trái lệ, nên người thủ thánh thất phải dùng cách xưng hô ấy.

Ở thánh thất bước ra, tôi nói với anh Bình:

- Theo Chu Duy Chi, tác giả cuốn Trung Quốc văn nghệ tự trào sử lược, thì miền Nam Trung Hoa khí hậu mát mẻ, đất cát phì nhiêu, việc mưu sinh nhẹ nhàng, nên dân gian thường được nhàn hạ, có thì giờ không tưởng, suy nghĩ về lẽ huyền bí của Vũ trụ, tìm cách thoát tục tu tiên. Óc tưởng tượng của họ phong phú mà óc thực tế thì kém, văn chương lãng mạn phát đạt hơn văn chương tả thực. Trang Tử và Khuất Nguyên đều là người phương Nam, còn Khổng Tử là người phương Bắc.

Thuyết ấy áp dụng vào nước ta cũng có chỗ đúng. Như ở Nam Việt này, đạo Khổng không phát triển mạnh bằng đạo Phật.

Ngoài Bắc làng nào cũng có chùa, và phụ nữ thường đi lễ Phật đấy, song ít nhà có bàn thờ Phật và số người ăn chay không đáng kể.

Anh Bình mỉm cười:

- Anh quên rằng dân quê Bắc Việt suốt năm ăn chay sao? "Tứ thời rau muống, tứ thời tương".

- Ngay những nhà giàu ở thành thị cũng ít ăn chay, ít lắm, mà có ăn thì chỉ ăn tại chùa, trong những dịp có hội hè, lễ bái thôi. Trong này mười gia đình thì tám chín gia đình có bàn thờ Phật hoặc bàn thờ ông Thiên 6 và nhà nào cũng có người ăn chay.

Đi ghe trong các kinh, rạch, lúc vào sẩm tối, ta thường thấy hai bên bờ, cứ vài chục thước lại hiện những đóm đỏ, nhỏ như đom đóm; đó là hương thắp trước mỗi nhà. Có xóm vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ. Có miền tới ngày rằm, mùng một, không sao kiếm được ở chợ các món thịt, cá. Nhà nào cũng ăn chay và có nhiều người ăn chay trường. Cảnh ấy, ở Bắc Việt tuyệt nhiên không thấy.

Chùa chiền và cư sĩ phát không mỗi năm hàng ức vạn cuốn kinh. Nhiều chùa rất giàu, tuy không chứa vàng như các chùa Cao Miên nhưng có nhiều ruộng đất riêng và lộc của Phật thì dồi dào lắm: trái cây quí chất đầy bàn, bánh mứt chật tủ, nhang đèn đốt không hết.

Chẳng những các tôn giáo phát đạt, tới những đạo nhăng nhít cũng có một một số đông tín đồ.

Không một tổng nào trong năm, mười năm mà không nẩy ra một ông "đạo". Hễ khác người một chút – như cao quá, thấp quá, mập quá, gầy quá – hoặc có ít hành vi lạ lùng là thành ông đạo rồi. Chẳng hạn có ông đạo Cao, cao trên hai thước, đi tới đâu trẻ cũng bu lại ngó; có ông đạo Nằm, nằm suốt ngày, suốt năm, ăn uống cũng nằm, tiếp khách cũng nằm; có ông đạo Câm, ông không câm thật đâu mà không bao giờ mở miệng nói, cha mẹ hỏi cũng không đáp, ai trêu tức cũng làm thinh; lại có ông đạo đi rất chậm, khoan thai bước từng bước một và cứ đúng ba bước lại ngừng một chút, nhưng hình như có lần bị ông chủ quận sai lính quất, đạo ta chạy te te và mất chức đạo từ đó; rồi có "đạo Ớt" chỉ ăn cơm với ớt, có "đạo Rắn" luôn luôn có một con rắn quấn cánh tay, sau chết vì rắn…

Kì dị nhất là ông đạo Chó ở miền Đốc Vàng. Anh em, bà con không còn ai, đạo ta sống nhờ một chiếc ghe nhỏ mục nát đã kéo lên bờ, ngày ngày đi làm mướn, hoặc chèo ghe, hoặc lợp nhà. Tính tình siêng năng và thuần phác, chỉ có mỗi một tật là thờ Chó. Đạo ta nuôi một con chó đốm, mua thịt cho nó ăn, may áo cho nó bận, mỗi ngày hai lần thắp hương cúng nó, nhưng không phải dùng nó vào việc tìm vàng đâu, mà chỉ được cái vui là thờ nó thôi. Khi chó chết, đạo ta đóng một cái hòm (áo quan nhỏ) và táng nó long trọng như táng cha mẹ, cũng để tang, cũng khóc lóc thảm thiết.

Không sao kể hết hành vi điên khùng của bọn "đạo" ấy. Hầu hết họ đều vô học, ngu xuẩn mà được nhiều người nghe và phục chỉ vì họ được cái thuật nói úp mở, ai muốn hiểu cách nào cũng được. Tín đồ của họ có khi hàng trăm, hàng ngàn, cung phụng họ rất trọng hậu, may quần áo rất sang cho họ bận, nấu những món rất quí cho họ ăn, đem tiền bạc lại cúng cho họ tiêu, lái xe hơi lại rước họ về nhà, hầu hạ họ như hầu hạ vua chúa, chăm chú ghi chép lời nói của họ như những lời trong Thánh kinh; họ nhăn mặt là cả nhà sợ sệt, van lạy; họ mỉm cười là vợ chồng hoan hỉ như được Trời ban phước lớn.

Nhà chức trách biết rõ hành vi của họ, nhưng nghĩ họ không quấy rối sự trị an, nên làm ngơ, không muốn đụng chạm tới lòng mê tín của dân, vì dân càng mê muội càng dễ trị. Vả lại hơi đâu mà mua việc.

Bọn "đạo" ấy thường được sung sướng trong sáu tháng, nhiều lắm là một, hai năm rồi bỗng nhiên không ai nhắc tới họ nữa; họ đi đâu, sống hay còn, tại sao mà đi, tuyệt nhiên không ai biết, hoặc biết mà không nói ra. Ít lâu sau lại xuất hiện những "ông đạo" khác, cũng chỉ thịnh trong một thời ngắn.

Quả thật là người miền Nam có lòng tín ngưỡng rất mạnh, nhưng bảo rằng thiếu óc thực tế thì chưa chắc đúng hẳn. Nếu thiếu thì sao có những kẻ khéo lợi dụng lòng mê tín của đồng bào tới bực đó?

--------------------------------

1

Thứ nhất (1914).

2

Một thứ gỗ quí có vân rất đẹp.

3

Làng Cao Miên.

4

Tức ti hành chánh của tỉnh.

5

Mười đồng hồi trước 1930 bằng 1000 đ bây giờ (1954).

6

Một bàn thờ nhỏ đặt trên một cái trụ ở giữa trời tại giữa sân, trước nhà, để thờ Trời Phật.

https://vandoanviet.blogspot.com/2019/02/van-hoc-mien-nam-54-75-542-nguyen-hien.html#more

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

Tâm Lý : Người Mỹ - Người Việt

Fb Do Hung Viet

Kinh tế, khoa học, xã hội, văn minh của Mỹ và Việt cùng đi như tên lửa nhưng 2 chiều ngược nhau.
- Người Mỹ không thích người khác biết mình có tiền, người Việt thì tìm cách khoe của.
- Người Mỹ thả thú vào rừng, người Việt vào rừng bắt thú..
- Người Mỹ nói ít làm nhiều. Người Việt nói nhiều làm ít hoặc nói một đằng làm một nẻo.
- Người Mỹ khi ra nước ngoài thì tìm học cái hay. Người Việt thì tìm chỗ ăn chơi.
- Người Mỹ hôn nhau ngoài đường, đi tiểu trong toilet. Người Việt hôn nhau trong toilet, đi tiểu ngoài đường.
- Ở Mỹ, lễ tết sếp tặng quà cho nhân viên; ở Việt Nam, nhân viên tặng quà cho sếp.
- Người Mỹ ăn nhanh để đi làm, người Việt làm nhanh để đi ăn.
- Đàn ông Mỹ tan sở về nhà ngay; đàn ông Việt tan sở lê la quán nhậu.
- Người Mỹ yêu động vật, người Việt đấu trâu, đấu chó, chém lợn.
- Người Mỹ vừa dạo chơi vừa nhặt rác, người Việt vừa dạo chơi vừa xả rác ra đường.
- Người Mỹ đánh bắt hải sản thì thả mấy con nhỏ và con cái đang mang thai. Người Việt đánh bắt hải sản thì tóm toàn bộ không tha con nào hết.
- Người Mỹ va chạm nhau trên đường thì bắt tay xin lỗi, người Việt thì giơ nắm đấm ăn thua.
- Người Mỹ chủ nhật đem gia đình đi xa thành phố, người Việt thì đem cả nhà đến trung tâm thành phố.
- Mỹ nhà xa mặt đường thì đắt, Việt Nam nhà xa đường thì rẻ.
- Người Mỹ không uống rượu trước mặt trẻ em, người Việt uống rượu sai trẻ em đi mua thêm.
- Người Mỹ đến nhà hàng gọi ăn, uống vừa đủ. Người Việt sành điệu ăn uống phải bỏ lại nhiều (Người Mỹ bụng to hơn mắt, người Việt mắt to hơn bụng!)
- Yêu nhau người Mỹ hôn công khai, người Việt hôn trong bóng tối.
- Người Mỹ đến nhà thờ cầu nguyện cho yên bình, người Việt đến đền chùa để “hối lộ” và cướp phá..
- Người Mỹ đi du lịch thì mặc cốt sao thoải mái và khám phá văn hóa, người Việt đi du lịch thì mặc đẹp và chụp ảnh.
- Mỹ không thích hỏi tuổi, hỏi lương, người Việt là câu cửa miệng.
- Người Mỹ không bao giờ vứt rác sang nhà hàng xóm, người Việt không vứt được phải chịu.
- Người Mỹ không thích đàm đúm nói xấu cấp trên, người Việt như có gen di truyền.
- Người Mỹ sống thật không thích khoe mẽ, người Việt không khoe sợ người khác nghĩ mình nghèo...
- Người Mỹ mập ú mà sải bộ rất nhanh - người Việt nhỏ con mà chân bước chậm rề.
- Người Mỹ ra đường đàn ông tay xách nách mang, đàn ông Việt ra đường toàn ông kễnh.
- Ở Mỹ chặt một cây thì trồng 3 cây, ở Việt Nam chặt hàng trăm cây nhưng không trồng cây nào.
- Ở Mỹ lên xe là chạy, ở Việt Nam lên xe là bóp còi.
- Người Mỹ nuôi con theo ý họ, người Việt nuôi con theo chỉ đạo của mẹ chồng.
- Người Mỹ bàn xong thì làm, người Việt bàn xong thì bàn tiếp!
- Người Việt bị chỉ trích thì nhảy dựng lên. Người Mỹ bị chỉ trích thì tranh luận.
- Người Mỹ muốn đến nhà ai thì gọi điện trước, người Việt cứ đến nhà không thấy thì gọi điện hỏi.
- Người Mỹ luôn hỏi ý kiến con trước mọi vấn đề, Người Việt coi con trẻ là không biết gì, phải nghe theo mình.
- Ở Mỹ học nhiều tiến sĩ ít, Việt Nam học ít tiến sĩ nhiều (theo đầu người).

K. Minh (tổng hợp)

CÂU CHUYỆN CẢNH GIÁC


Fb Trung Phạm Salut Saigon

Chuyện hư cấu nhưng nội dung rất thật.
Post xong bài này thấy cái tít của báo tuoitre.vn giật mà hết hồn : TIỀN NHIỀU ĐỂ LÀM GÌ...?

(TPV)

Có một ông đã ngoài bẩy mươi, goá vợ mười mấy năm nay, con cái đã lập gia thất ở riêng, cháu nội ngoại đầy đủ cả.Sống cuộc sống đơn độc lẻ loi trong căn biệt thự từng là mái ấm của gia đình; như mọi người già khác,ông cũng tham gia lớp học dưỡng sinh,tại đây ông kết giao với một phụ nữ cũng ngoài năm mươi,hoàn cảnh goá bụa,vóc dáng còn gợi nhớ một thời hương sắc.

Sau một thời gian quen biết,thấu cảm được hoàn cảnh của nhau,hai người đã nảy sinh tình...già,họ quyết định cạp lại rổ rá của nhau.

Ông họp các con lại,thông báo ý định của mình đi thêm bước nữa! Ông phân trần rằng : Các con,cháu đã lớn,nhiều công,nhiều việc không có thời gian quan tâm đến ông, rằng ông mỗi ngày mỗi già yếu, phải tự mình lo cơm nước,thuốc men,rằng con chăm cha không bằng bà chăm ông..vv!!!

Tất nhiên các con ông phản ứng quyết liệt,chúng nại lý do là: Ba làm vậy mang tiếng với các sui gia,ảnh hưởng tới tình cảm các con cháu,nào là người ta chỉ thương căn biệt thự chứ ba già rồi thương yêu gì? Nào là đi thêm bước nữa, ba phải lao tâm,lao lực,mau tổn thọ; nếu ba có nhu cầu, chẳng thà ăn bánh trả tiền, bánh tây, bánh qui, bánh dừa,bánh dầy, bánh ích gì cũng được!

Ông cũng đã tiên liệu tình huống này..Ông đẻ ra tụi nó mà, ông gây dựng cơ ngơi cho từng đứa, chia tài sản cho tụi nó,ông chỉ giữ căn nhà và một số vốn để tự lo tuổi già,đến khi ông mất thì tụi nó lại hưởng tiếp chứ chạy đâu? Vậy mà tụi nó chỉ nghĩ đến bản thân mình, không chịu hiểu cho ông; còn biểu ông ăn bánh trả tiền.., Bánh gì thì bây giờ ông chỉ ăn nữa cái là ngoắc ngoải rồi,cái ông cần bây giờ cho tới cuối đời là nhu cầu tinh thần chứ đâu phải vật chất hay vật thể.

Ông tung nước cờ quyết định. Ông bảo,nếu các con đồng ý thì ông sẽ lập di chúc chia tài sản thừa kế đồng đều cho các con và mẹ kế, bằng không ông chấp nhận sống lẻ loi,và di chúc ông sẽ hiến tài sản cho tổ chức từ thiện để chăm lo cho người già đơn độc.

Vậy là ông đã chiến thắng. Các con,trai,gái,dâu,rể!

Một bữa tiệc nội bộ ra mắt được tổ chức!Sau đó ông bà hưởng tháng trăng mật bên nhau( với các cặp trẻ,vì còn công việc chờ đợi,nên chỉ hưởng tuần trăng mật,còn ông bà thì thời gian dư dả,hơn nữa nhịp sinh học cũng chậm lại rồi nên tận hưởng cả tháng cũng không sao)

Vừa trở về sau tháng trăng mật,được vài hôm,ông phải đưa vào bệnh viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm,mặc dù được các y,bác sĩ tận tình cứu chữa,nhưng ông đã không qua khỏi,để lại sự nghi kỵ của các con với bà mẹ kế. Họ xin giám định pháp y,để tìm ra nguyên nhân cái chết,vì loại thực phẩm gì?chất độc nào?có yếu tố phạm tội hay không?

Sau khi giám định,kết quả nêu rõ : Không có yếu tố đầu độc. Nạn nhân bị chết,vì dùng sữa quá date liên tục cả tháng nay!

Trung Phạm



Ảnh LM81 chỉ có tác dụng câu View


TIỀN ĐỂ LÀM GÌ

Việt kiều Mỹ 'cày' gì để có nhiều tiền: 'Tôi làm rửa chén, chùi toilet!'

Thanh Niên 22/02/19

Nếu Việt Nam đang có 'trend nóng hổi' từ câu hỏi 'Tiền nhiều để làm gì?' của ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì ở Mỹ, tôi cũng như nhiều người khác phải 'vật vã' trả lời cho câu đảo vế 'Làm gì để có nhiều tiền?'.

Làm nail là công việc được nhiều người Việt sang đây lựa chọn - Ảnh: PHAN QUỐC VINH
Rất nhiều người Việt Nam sang đây sống “phẻ” nhờ hồi ở nhà có nhiều tài lẻ hay từng làm công việc tay chân cộng với đức tính chăm chỉ của người Á Đông.
Có nhiều công việc khác nhau để mọi người tìm kiếm nhưng thường được chia thành 3 loại cơ bản: thứ nhất là kết hôn với người Mỹ rồi sang làm nội trợ, ở nhà chăm con; thứ nhì là bảo lãnh đoàn tụ gia đình sang định cư rồi được giới thiệu vào làm việc tại các hãng sản xuất, làm nail, phục vụ nhà hàng Việt hay điều dưỡng viên. Cuối cùng là sinh viên sang du học rồi xin được việc làm ở lại luôn.
Xin lỗi tôi không thể nhận cậu!
Riêng tôi thì không thuộc bất cứ vào diện nào kể trên cộng thêm với việc sinh sống tại thành phố Lubbock (tiểu bang Texas) không có nhiều cộng đồng người Việt Nam nên xin được công việc để mưu sinh không khác gì hái sao trên trời!
Cầm đơn xin việc khá hoành tráng với nhiều kinh nghiệm trong ngành dịch vụ du lịch, tôi đến gõ cửa không chỉ một vài mà đến gần... 50 nhà hàng, khách sạn trong thành phố.
Có nhiều “chướng ngại vật” khiến tôi chẳng thể lết “về đích” như: khai báo chủng tộc (làm sao người ta tuyển nhân viên châu Á vào phục vụ món Âu trong khi người Mỹ thất nghiệp đầy đường ra đó!), kinh nghiệm làm việc và mức lương (mới sang thì lấy đâu ra kinh nghiệm còn mức lương thì tính từ VND sang USD sẽ rất... buồn cười!), người giới thiệu (nhiều công việc nếu không có “bảo kê” thì không được xem xét hồ sơ), phương tiện đi làm phải tốt (chưa có việc làm thì lấy đâu ra tiền để mua xe xịn)...
Cũng được vài nơi chiếu cố cho lọt đến vòng... phỏng vấn sơ bộ nhưng cuối cùng chỉ là ánh mắt ái ngại và câu cửa miệng “I am sorry” (Xin lỗi tôi không thể nhận cậu!)
Rồi duyên việc làm cũng đến một cách tình cờ!

Tác giả được giám đốc công ty Texas Tech Club trao giấy khen - Ảnh: NVCC
Trong một lần đọc quảng cáo tuyển sinh viên làm phục vụ tại quán ăn Fat Tony Delicatessen chuyên bán hotdog, tôi quyết định tìm đến chỉ vì ông chủ ghi chú rằng phỏng vấn xong sẽ được tặng một phần ăn hotdog miễn phí mang về nhà ăn thử (một cách quảng cáo trá hình đây mà!)
Khi đến thì ông đang vật lộn với đống giấy tờ hóa đơn cùng với chiếc laptop cũ kỹ. Ông gọi tôi đến hỏi dạm “Mày giúp tao việc rác rưởi này được không?”.
Như cá gặp nước, tôi không kịp xắn tay liền nhảy vào gõ lia lịa, phân tích số liệu rõ ràng (10 năm kinh nghiệm văn phòng dư sức qua cầu với những công việc này - tôi hí hửng trong bụng).
Một thoáng sau thì mọi thứ hoàn chỉnh đúng như ý. Tony, ông chủ người Mexico, tỏ vẻ hài lòng nhưng không dám thể hiện (có lẽ vì sợ tôi... hét lương).
Tôi “chốt hạ”: Tối nay tôi sẽ thiết kế cho ông một bảng quản lý thu chi tài chính hàng ngày, liên kết với bảng chấm công và quản lý lương hàng tháng trên phần mềm Exel.
Trời về khuya cũng là lúc tôi gửi file và nhận được thông báo rằng sẽ bắt đầu đi làm từ ngày mai với mức lương tối thiểu của bang Texas là 8 USD mỗi giờ.
Ở Mỹ chẳng có việc gì là hái ra tiền cả
So với những nhân viên bản địa khác, tôi phải làm thợ đụng (tiếng Anh gọi là multi-position), đúng nghĩa: phụ bếp, rửa chén đĩa, phục vụ khi có khách. Còn khi vãn khách thì chùi toilet, vệ sinh phòng ốc rồi giúp ông chủ chấm công, nhập liệu thu chi, tổ chức sự kiện hay chăm sóc website của quán.

Tôi không muốn phàn nàn khi có rất nhiều người Mỹ đang thất nghiệp đứng đầy đường trong khi mình có việc làm -

Sau đó những kỹ năng “đụng” của tôi được phát huy thêm khi nhảy việc chuyển sang làm nhân viên phục vụ tại Texas Tech Club, một câu lạc bộ dành cho khách VIP có thẻ thành viên trả phí mới được vào ăn uống.

Ba đời giám đốc ở đây đều “kết” sự năng động, chịu khó và... liều lĩnh của tôi.

Do câu lạc bộ thuê mặt bằng của trường Đại học Texas Tech nên có gì hư hỏng vặt thì phải chờ đội bảo trì của trường đến xem xét sửa chữa mà nhiều khi chờ đến vài ngày ảnh hưởng đến việc kinh doanh của đơn vị. Thế là tôi tự mình sửa giúp ống nước, móc cống thông bồn xả, sửa dây kéo rèm cửa sổ hay vặn ốc vít mấy cái bản lề cửa.
Qua thời gian quan sát, ông giám đốc... đời cuối giao cho tôi công việc “có vị trí cao hơn” như là: leo thang lên thay bóng đèn bị cháy, quét mạng nhện, lau cửa sổ hay “áp lực lớn hơn” như sửa tủ làm đá, chỉnh trang bàn ghế... mà không nhân viên người Mỹ nào làm được.
Có lẽ vì vậy nên khi tôi nhảy tiếp sang làm cho Công ty Sodexo, ông vẫn nhắn tin tiếc nuối “Vin Diesel (tên nam tài tử người Mỹ được đồng nghiệp gắn cho tôi), nơi này không còn được như xưa khi thiếu cậu!”. Một tin nhắn giá trị hơn những giấy khen mà tôi được ông tặng trước đó.
Làm việc cho Sodexo, tôi lại tiếp tục được phát huy sở trường “đụng gì làm nấy”. Lúc thì làm ở bộ phận catering cung cấp suất ăn đồ uống cho sự kiện trong trường đại học, lúc thì bán hàng thức ăn nhẹ cho cổ động viên bóng chuyền. Khi thì phục vụ phòng VIP khách xem bóng bầu dục có khi bán bánh mì phục vụ sinh viên.
Mỗi nơi tôi đều học hỏi thêm nhiều điều thú vị trong công việc và không còn lạ lẫm với việc các đồng nghiệp Mỹ của mình thường phải làm thêm 2,3 công việc khác mới đủ sống.
Từ đó mà tự an ủi bản thân rằng: Ở Mỹ chẳng có công việc gì là hái ra tiền cả. Bởi nếu tôi biết rõ chỗ nào để hái thì chẳng phải ngồi gõ lóc cóc gửi bài như thế này rồi!

Phan Quốc Vinh

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

Công an như thế nên công lý… nghỉ hưu!

Trân Văn/ blog VOA: Công an như thế nên công lý… nghỉ hưu!
Nếu chỉ thấy “thưởng nóng” cho Phòng Trọng án thuộc Cục Hình sự của Bộ Công an, 14 cá nhân của Bộ Công an và Công an tỉnh Điện Biện, Công an huyện Điện Biên trong hoạt động điều tra vụ bắt cóc, giết cô Cao Mỹ Duyên là… không chấp nhận được thì vẫn là chấp nhận cho công an buộc công lý… nghỉ hưu.
***
Cho dù công chúng chỉ trích kịch liệt, Chủ tịch tỉnh Điện Biên, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên vẫn im lặng, không thèm lên tiếng giải thích tại sao lại “thưởng nóng” cho những cá nhân tham gia điều tra vụ bắt cóc, giết cô Duyên, ngụ ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.
Người ta phẫn nộ vì “thưởng nóng” rõ ràng là không thỏa đáng khi công an chẳng làm gì cả sau khi gia đình nạn nhân khai báo cô bị mất tích. Hai ngày sau, cả thi thể lẫn tang vật liên quan tới vụ án đều do dân chúng phát giác. Chuyện khám nghiệm tử thi được thực hiện cẩu thả tới mức, phải khai quật, khám nghiệm lại.
Ai cũng biết, khám nghiệm tử thi phải được thực hiện theo qui trình chặt chẽ, ghi nhận tất cả các biểu hiện từ bình thường đến bất thường trên và trong thi thể, tìm kiếm – thu giữ – lưu trữ tất cả các mẫu, đặc biệt là ngoại vật (lông, tóc, da, bụi, đất trong kẽ móng tay, móng chân, tinh dịch, DNA,…) để truy tìm, đối chiếu, kết luận buộc hay gỡ.
Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên xem công chúng như trẻ con khi tuyên bố, khai quật, khám nghiệm lại tử thi vì lời khai của những cá nhân mà công an xác định là thủ phạm, mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm tử thi trước đó nên cần thu thập thêm chứng cứ, củng cố hồ sơ (1).
Hóa ra các Điều tra viên của Công an huyện Điện Biên, Công an tỉnh Điện Biên, Phòng Trọng án thuộc Cục Hình sự của Bộ Công an đều hết sức non nớt về nghiệp vụ! Lẽ ra kết quả khám nghiệm tử thi phải là thừng để cột thì trong vụ án này, công an khai quật, khám nghiệm lại tử thi để minh họa cho lời khai của thủ phạm!
Đến giờ này, công an đã xác định có năm thủ phạm. Dù cuộc điều tra chưa kết thúc, tên, tuổi, nơi cư trú, nhân dạng của cả năm đã được công bố rộng rãi. Tuy công an chưa hoàn tất Kết luận điều tra nhưng thông qua những gì công an chủ động cung cấp cho báo giới, vụ án đã trở thành một câu chuyện hoàn chỉnh khiến công chúng choáng váng.
Lúc này, chưa thể khẳng định năm cá nhân bị cáo buộc là thủ phạm bắt cóc, cướp tài sản, cưỡng hiếp, giết cô Cao Mỹ Duyên có thực hiện những hành động phi luân, bại lý như công an tiết lộ hay không, song ít nhất chuyện lấy được lời khai tới đâu, vời báo chí đến cung cấp tới đó, dọn đường để “thưởng nóng”, rồi khai quật, khám nghiệm lại tử thi trong vụ án đau lòng này làm người ta rùng mình nhớ một số vụ án khác…
***
Tháng 7 năm 2013, Công an tỉnh Sóc Trăng loan báo đã bắt được bảy thủ phạm tham gia vụ giết ông Lý Văn Dũng – một người chạy xe ôm, ngụ tại xã Đại Ân, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Cả Trần Hol, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc và Nguyễn Thị Bé Diễm đều đã nhận tội.
Nhiều cá nhân, tập thể của Công an huyện Trần Đề, Công an tỉnh Sóc Trăng cùng được “thưởng nóng” vì phá án nhanh. Theo công an, Hol và nạn nhân vốn có hiềm khích cá nhân và Hol đã tập họp Cua, Đỡ, Phách, Mươl, Sóc giết ông Dũng. Diễm – bạn gái của Đỡ biết chuyện mà không tố giác nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tháng 12 năm 2013, cô Lê Thị Mỹ Duyên đến Công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM, đầu thú. Cô Duyên cho biết, cô và cô Phan Thị Kim Xuyến mới là thủ phạm giết ông Dũng để cướp tài sản. Vụ cướp bất thành, cả hai rời Sóc Trăng lên TP.HCM. Vì cô Xuyến có quan hệ tình cảm với người khác, cô Duyên đầu thú với hy vọng cả hai có thể ở bên nhau đến trọn đời trong… tù.
Chuyện cô Duyên đầu thú buộc hệ thống tư pháp Việt Nam phải xem lại toàn bộ vụ án giết người mà Hol, Cua, Đỡ, Phách, Mươl, Sóc đã nhận tội. Cũng phải tới lúc đó, việc cả sáu kêu oan, tố cáo bị tra tấn, đành phải khai theo kịch bản do các Điều tra viên soạn sẵn mới được xem xét. Tháng 4 năm 2014, Viện Kiểm sát Sóc Trăng phải phóng thích cả sáu.
Trong vụ án vừa kể, sự táo tợn không chỉ ngừng ở chỗ tra tấn – buộc sáu thanh niên lương thiện phải nhận đã “giết người” để được sống chờ nhận án tử hình: Công an còn “chủ động, sáng tạo” bị can thứ bảy, tống cô vào tù vì “không tố giác tội phạm” để tăng tính thuyết phục cho Kết luận điều tra, vô hiệu hóa những lời kêu oan.
Cho dù đã được giải oan nhưng nhiều nạn nhân vẫn phải gánh hậu quả không phải do lỗi của họ. Chỉ ít ngày trước khi Thạch Sô Phách được trả tự do, vợ anh đã bỏ con lại cho mẹ anh nuôi và đi theo người khác vì không đủ nhận nại nuôi con, chờ một người chồng “giết người” với hàng loạt tình tiết tăng nặng “có tổ chức”, “động cơ đê hèn”.
Trần Văn Đỡ thì ngậm ngùi cho mối tình giữa anh với Nguyễn Thị Bé Diễm. Cô dứt khoát không tha thứ chuyện Đỡ khai theo hướng dẫn của các điều tra viên, rằng cô biết “kế hoạch giết người” mà không tố cáo, khiến cô vướng vòng lao lý một cách oan uổng… (2).
Trong năm 2013, riêng tại Sóc Trăng còn hai vụ án oan khác theo kiểu như thế (3). Những vụ án được phá rất nhanh, được “thưởng nóng” đã tạo ra cơ hội cho nhiều sĩ quan công an thăng tiến. Khi chuyện vỡ lở, những sĩ quan này chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, nặng hơn thì cách chức, giáng cấp là… xong (4).
Do Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng phá hàng loạt vụ án nghiêm trọng, phức tạp, Đại tá Thái Văn Đợi Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng. Xem xét suốt ba năm, Tỉnh ủy Sóc Trăng mới ra được quyết định “cảnh cáo” ông Đợi về mặt đảng vì ông dính cả ba vụ án oan. Tuy nhiên Đại tá Đợi bất phục và vẫn còn đang chờ kết quả giải quyết khiếu nại (6) .
***
Công chúng hữu lý khi chất vấn, đòi công an trả lời đã tiếp nhận vụ cô Cao Mỹ Duyên mất tích thế nào (?), điều tra ra sao (?), tại sao lại “thưởng nóng” khi có hàng loạt dấu hiệu cho thấy công an tắc trách, non kém về nghiệp vụ (?) nhưng chừng đó chưa đủ. Lõi của câu chuyện là nhận thức và cách hành xử của bộ máy bảo vệ trật tự, trị an.
Nếu bất bình chỉ xoay quanh “thưởng nóng”, sẽ vẫn còn những oan án, những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long,… vẫn còn những chuyện như Trung tá Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đồn Công an Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), đụng chết người và bị xử lý bằng cách điều động về làm… Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đắk R’Lấp (7).
Cứ như thế thì bộ máy bảo vệ trật tự, trị an, vốn ngốn một phần không nhỏ nguồn lực quốc gia sẽ tiếp tục như thế: Hoạt động tùy tiện, kém hiệu quả, hành xử vô tâm, thiếu trách nhiệm với danh dự, sức khỏe tính mạng, tài sản công dân và chỉ chờ có dịp, thậm chí chủ động tạo cơ hội để khoác áo thụng vái lẫn nhau.
Chú thích
BAOTIENGDAN.COM
Công an như thế nên công lý… nghỉ hưu! Bởi AdminTD - 20/02/2019 Tweet Share 0 +1 Pinterest 0 Email Blog VOA Trân Văn 20-2-2019 Nếu chỉ thấy “thưởng nóng” cho Phòng Trọng án thuộc Cục Hình sự của Bộ Công an, 14 cá nhân của Bộ Công an và Công an t...

ĐẠI GIA Ở MỸ

( Tặng anh chị X. Houston, TX).

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Bà Xuân đã dọn dẹp nhà tươm tất, căn phòng apartment 1 phòng ngủ của hai vợ chồng bà ngày thường đã gọn gàng bà vẫn muốn gọn gàng hơn, lại có bó hoa tươi mới mua ở chợ về cắm để giữa bàn nên phòng khách chật hẹp bỗng tươi thắm và lịch sự hơn ngày  thường.

Bà sốt ruột ngóng nhìn mông lung ra khung cửa sổ và nói với chồng:

-Chắc anh chị Bảo sắp đến rồi.

Rồi bà bỗng ngại ngùng:

-Họ là đại gia ở Việt Nam nhà cao cửa rộng, tiền bạc bề bề, chúng ta tuy ở Mỹ nhưng ngược lại…

Ông Xuân hiểu ý vợ:

-Mỗi thời mỗi khác, ngày xưa nhà bà giàu có trong khi bà Bảo là con nhà công chức nghèo mà hai người vẫn chơi thân nhau đấy.

Ngày xưa bà Bảo và bà Xuân là bạn bè cùng lớp từ trung học đệ nhất cấp đến đệ nhị cấp,  cả hai cùng theo học anh văn Hội Việt Mỹ, cùng yêu thích tiếng Anh và thích một nước Mỹ xa xôi giàu đẹp.

Bà Xuân học năm thứ hai luật khoa thì lấy chồng. Ông Xuân cũng là sinh viên văn khoa vào đời lính. Chàng theo nghiệp đao binh bỏ dở học hành, nàng yêu lính sẵn sàng làm người vợ thời chiến. Cha mẹ bà Xuân cho vợ chồng bà một cửa hàng sửa xe gắn máy ở Đa Kao, nàng trông coi cửa tiệm với vài người thợ, chàng ở tiền đồn xa thỉnh thoảng về thành phố thăm vợ.

Bà Bảo không học đại học nào, bà đi làm công chức như cha, cô thư ký lương ba cọc ba đồng lấy chồng là một đồng nghiệp cũng chẳng khá giả gì. Hai người bạn có gia đình riêng, hai cuộc sống khác nhau. Dòng đời nổi trôi chia rẽ  mỗi người một hướng và cách xa.

Gia đình bà Xuân sang Mỹ diện H.O. Sau những năm tháng dài tù tội nơi núi rừng từ Nam ra Bắc, ông Xuân bệnh hoạn đau yếu, ông đi làm được một thời gian ngắn thì phải nghỉ ở nhà, bà Xuân cũng làm chẳng bao nhiêu, nghỉ ở nhà để chăm sóc chồng. Hai ông bà đang hưởng tiền trợ cấp của chính phủ.

Ông bà Bảo đi tour du lịch sang Mỹ, đến thành phố Houston tiểu bang Texas. Hai người bạn xưa mới vừa biết tin nhau qua một vài người quen. Thế nên mới có cuộc hẹn gặp nhau bất ngờ ngày hôm nay.

Ông bà Bảo đang đứng trước cánh cổng sắt của khu apartment trên đường Beechnut, phải bấm số mật mã mới liên lạc được ông bà Xuân để cổng mở.

Ông lẩm bẩm khen:

-Nhà khu chung cư có cổng an ninh tốt qúa, chẳng thua gì nhà mình ở Sài Gòn bà nhỉ.

Bà Bảo ngắm nghía tòa nhà và trầm trồ:

-Nhà chung cư cao tầng này vừa đẹp vừa mới, chắc giá thuê không rẻ đâu, anh chị Xuân vẫn phong lưu như ngày xưa..

Ông bà Xuân đã hớn hở tận tình đi ra cổng đón khách vào nhà, chào hỏi mừng vui ríu rít xong chủ và khách thong thả đi bộ qua những hành lang, bước lên những bậc thang sạch đẹp của chung cư. Bà Bảo cất tiếng khen:

-Khu chung cư cao cấp có khác, sạch sẽ không thấy một cọng rác.

Ông bà Xuân chưa kịp nói gì thì ông Bảo chỉ một bóng dáng bà Mễ đang lui cui quét dọn phía xa cuối hành lang:

-Bà nhìn kìa, có lao công quét dọn chăm chỉ thế cơ mà..

Nhà ông bà Xuân ở tầng hai, là một căn phòng nhỏ rộng khoảng 700 Sq Ft..Bà Xuân thành thật khiêm nhường:

-Hai anh chị ở Việt Nam là đại gia, nhà cửa cao sang rộng lớn thông cảm cho vợ chồng chúng tôi căn phòng hẹp này nhé. Nghe bạn bè nói anh chị có công ty lớn lắm…

Được dịp bạn hỏi bà Bảo hãnh diện:

-Nhờ trời chúng tôi ăn nên làm ra. Dù bận trăm công nghìn việc chúng tôi cũng Mỹ du một chuyến cho biết đó đây.

Mời khách ngồi xuống ghế xong bà Xuân pha trà rót nước và giới thiệu:

-Đây là căn chung cư bình thường chứ chẳng cao sang gì, được cái là mới xây dựng 6-7 năm nay, dành cho những người cao niên hưởng trợ cấp nhà nước. Chúng tôi chỉ trả tiền thuê với một gía rất rẻ.

Bà Bảo ngạc nhiên suýt xoa:

-Ô , thích nhỉ…

Ông Bảo thì thực tế thắc mắc:

-Vậy là anh chị đã đi làm đóng thuế cho nhà nước nhiều lắm mới được hưởng tiêu chuẩn này?

-Trái lại, chúng tôi đi làm ít lắm, lúc có lúc không, thậm chí không đủ credit về hưu nữa, nên nhà nước phải trợ cấp mọi chi phí như nhà ở, y tế và tiền mặt để sinh sống.

Bà Bảo hỏi ngay:

-Mỗi tháng hai anh chị được trợ cấp bao nhiêu? Có thoải mái chi tiêu không?

Ông Xuân tỉ mỉ:

-Ở Texas này tiền trợ cấp cho một người là 771 đồng, cho hai vợ chồng ở chung thì hơn 1,100 đồng, lại còn thêm mấy chục đồng tiền food stamp nữa.. Tuổi gìa chúng tôi ăn xài là bao nên vẫn có dư tiền thỉnh thoảng gởi giúp vài họ hàng nghèo khó ở Việt nam.Về mặt y tế chúng tôi đi bác sĩ hay vào nằm bệnh viện không tốn một xu nào cả..

Bà Xuân kể:

-Có lần ông ấy cảm thấy mệt khó thở tôi gọi 911 vài phút sau là xe cấp cứu đến chở thẳng ông vào bệnh viện. Ở với ông suốt buổi chiều, cô y tá biết là tôi đói nhắn nhân viên nhà bếp mang lên cho tôi một xuất thức ăn bữa chiều nóng sốt ngon lành.

-Thế chị Xuân có phải  “xã giao”  cho tiền cô y tá không mà họ đối đãi tốt thế? Còn tiền “lót tay” cho bác sĩ là bao nhiêu?

-Ở Mỹ không phải như Việt Nam đâu chị Bảo ơi, bổn phận bác sĩ, y tá là phục vụ người bệnh đến nơi đến chốn mà.

-Ô, thích nhỉ..

Bà Bảo kêu lên xong lại so sánh:

-Những bác sĩ mà vợ chồng Xuân đến khám bệnh, bệnh viện mà chồng Xuân nằm là niềm ước mơ cao xa của biết bao người ở Việt Nam, phải có thật nhiều tiền, phải xin đủ thứ giấy tờ thủ tục mới đến được nước Mỹ để chữa bệnh.

-Vâng, nhờ sống ở Mỹ, y tế của Mỹ chăm sóc mà sức khỏe ông Xuân nhà tôi mới được như ngày nay.

Ông Bảo thắc mắc sang chuyện khác:

-Nhưng người ta bảo ở Mỹ không có…tình người. Ngay con cái họ, đến tuổi trưởng thành cũng bị “đuổi” ra khỏi nhà. Quanh năm ta chẳng thấy mặt mũi thằng hàng xóm ra sao. Họ lại kỳ thị những sắc dân da màu.

-Văn hóa, cách sống, suy nghĩ của mỗi dân tộc khác nhau thôi anh ạ. Người Mỹ không có tình người sao các ông bà tỷ phú Mỹ đã hiến tặng bao nhiêu của cải cho tha nhân, cho xã hội. Chính phủ Mỹ cho chúng ta bảo lãnh thân nhân đoàn tụ diện vợ chồng, con cái cha mẹ đã đành, kể cả diện anh chị em, một người ở Mỹ bảo lãnh cả đàn anh chị em và con cái họ sang Mỹ đoàn tụ.

Bà Bảo tán thành:

-Phải đấy, ngay dân gian Việt nam mình còn có câu “Kiến gỉa nhất phận” anh em ai có phận nấy chứ có đùm bọc nhau mãi đâu. Người Việt mình còn kỳ thị với nhau nữa là, nào kỳ thị vùng miền, tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo..

Ông Bảo gật gù:

-Ừ nhỉ…suy ra mình còn kỳ thị mình nói chi ai, cho tới giờ này các diện bảo lãnh của Mỹ vẫn còn. Đúng là lòng bao dung nhân ái của nước Mỹ không ngừng nghỉ .

Bà Xuân nói:

-Nhìn những người handicap ở Mỹ là thấy tình người ra sao rồi, họ được đối xử tử tế và thân ái, mọi ưu tiên dành cho họ nơi công cộng.

Vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa, thì ra cô Lan đến. Bà Xuân dặn dò nhờ cô nấu cho bữa ăn chiều với hai người khách xong ra bàn tiếp tục chuyện trò. Bà Bảo tò mò hỏi:

– Anh chị thuê mướn người giúp việc nhà hả?

Bà Xuân giải thích:

-Đây là người của Home care đến giúp chúng tôi những công việc nhà như đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ v..v…. Mỗi ngày cô đến làm việc 6 tiếng. Chi phí thuê mướn nhà nước chi trả.

-Trời, thế thì anh chị như ông hoàng bà chúa rồi còn gì, được trợ cấp đủ thứ lại còn kẻ hầu người hạ .

Ông Bảo cũng ngạc nhiên:

-Sao mà nước Mỹ rộng lượng tử tế đến thế chứ. Tuổi ngoài 70 như anh chị Xuân bao người ở Việt nam còn phải nắng mưa dãi dầu kiếm miếng cơm manh áo. Hèn gì tôi từng nghe nói ở Mỹ là thiên đường của tuổi già, nhưng hôm nay tận mắt thấy tai nghe, chỉ đôi điều trong nhà anh chị thôi, tôi đã hiểu cái thiên đường ấy tốt đẹp thế nào.

Bà Bảo bỗng buồn buồn:

-Chị Xuân còn nhớ không? hồi chúng mình học Hội Việt Mỹ cả hai từng ngưỡng mộ nước Mỹ giàu đẹp. Xuân đã may mắn được đến nơi này còn tôi thì không.

Bà Xuân thành thật:

-Tuy ở Việt nam nhưng vợ chồng chị là đại gia giàu sang cũng sướng chán.

Bà Bảo càng thành thật hơn:

-Vợ chồng Xuân mới là đại gia ở Mỹ.

-“Đại gia” …. hưởng trợ cấp nhà nước hả chị Bảo.

-Tôi nói thật đấy, không bông đùa đâu. Những gì vợ chồng chị đang hưởng chẳng con cái nào chăm lo cho được dù chúng ở Mỹ hay ở Việt nam, dù chúng giàu có đến đâu.

Bà Bảo kể lể:

-Vợ chồng tôi đại gia thật đấy nhưng làm ăn ở Việt Nam lắm cạnh tranh, lắm thăng trầm, lúc được lúc thua, đâu phải chỉ toàn là những thành công tiếp nối thành công. Nhất là phải xã giao, biếu xén, hối lộ mới xong thủ tục đầu tiên, nhưng cũng là cái dây thòng lọng treo cổ mình bất cứ lúc nào. Hôm nay đại gia mai bị nhà nước hỏi thăm xập tiệm mấy hồi.

Ông Bảo tiếp lời vợ:

-Anh chị được hưởng đầy đủ mọi tiện nghi cuộc sống của xã hội và an toàn cho đến cuối đời, tha hồ thảnh thơi an nhàn vui hưởng tuổi già. Còn một gia tài vô gía khác là anh chị sống ở một đất nước tự do dân chủ hàng đầu thế giới. Nếu được chọn lựa thì tôi sẽ chọn lựa là “đại gia” ở Mỹ như anh chị.

Bà Bảo tiếc rẻ: 

-Giá mà ngày xưa chúng tôi được đi Mỹ như anh chị….

Cô Lan đã nấu xong và dọn cơm ra bàn, những món ăn quen thuộc của người Việt nam như cá đù ướp xả chiên, tôm rim và canh bí nấu tôm khô.

Bà Xuân nói với bạn:

-Mâm cơm toàn là sản phẩm ở Mỹ. Mời anh chị…

Bà Bảo lại so sánh:

-“Đại gia” ở Mỹ hơn hẳn đại gia ở Việt nam chúng tôi điều bình thường này nữa, hàng ngày được ăn những thực phẩm bảo đảm chất lượng. Ở Việt Nam có tiền cũng chưa chắc mua được những thực phẩm tươi sạch. Xã hội khiến người ta lọc lừa từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, chẳng biết tin ai.  Sang Mỹ du lịch ăn món gì tôi cũng cảm thấy ngon vì cảm giác tin tưởng yên tâm vào thực phẩm.

Cả nhà vui vẻ ngồi vào bàn ăn. Bà Xuân thấy vui hơn vì vợ chồng bạn cởi mở chân tình và nhận xét đúng như quan niệm của bà.

Nếu phải đánh đổi hiện tại đang là người nghèo ở Mỹ hưởng trợ cấp chính phủ để trở thành đại gia giàu có ở Việt nam như vợ chồng chị Bảo thì chắc chắn ông bà Xuân cũng không bao giờ chấp nhận.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
(Dec.26, 2018)
Nguồn : Cuocsongomy.com