Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

GIỜ HỌC VỀ VẦN...U...U.. !!!


  Buồn đời chưa chắc ... đi tU .
Nhưng ... buồn tè...đến thằng ngU ... cũng tè !
Các em trật tự ... lắng nghe
Hôm nay ta sẽ học về vần ... U !

Nếu không cố gắng ... tiếp thU
Thì đời tăm tối , mịt mÙ ... tương lai !
Vần U ... tuy ngắn ...không dài
Nhưng không thể thiếu vì ai cũng cần !

Cái "khU" nằm giữa ... hai chân
Cả nam , cả nữ đều cần ... đến U .
Cho dÙ nói thẳng ... nói "gÙ"
Cũng không tránh được vần ... U ... chỗ này !

"Cờ - U" ...là kiểu nói ..."ngay".
"Gật - gÙ" ...cũng nói chỗ này ... nhưng "queo" .
"CỦ" ...là lúc nó ... ngủ khèo ,
"TrỤ"...là lúc nó "lèo nhèo" ... đòi "ăn" !

Chị em vần đó ... càng cần
Kẻo đi khám"phỤ..." , vào nhầm..."chính khoa" !
"Mờ - U" ... là chỗ...ngã ba .
Mất "xU" ...là lúc mất "cha"... "ngàn vàng" !

Trong cuộc sống , trong nói năng
Còn rất nhiều thứ dùng bằng ... vần ..U..
Làm ngU...nhưng có ... "ô dÙ"
Cũng vẫn thăng tiến..vÙ vÙ... chẳng lo !

Học ngU nhưng "cỤ" ...làm to 
Chỉ sợ mỗi bọn "đầu bò" ... cộng ngU !
Nếu như không có ... vần...U.
Sao có sáng kiến cái LU ... để đời !

Hôm nay học đến đây thôi
Về làm bài tập tìm tòi ...vần U 
Nhớ là chăm chỉ , cần cÙ
Mới mong gặt hái bội thU ... sau này !🤪🤪
Sưu tầm

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

LÁ VỤ


Bài: Loan Ngẫn 
 
Dạo nài ông xuống tinh thần lắm, ăn ngủ thất thường mà khám bệnh không ra.

 Lác đác có vài ông bạn vừa hưu đã tạch,  khiến bà lo lắng đẫy.

Gặp ai, bà cũng than thở về bệnh tình của ông. Hôm rồi gặp lái xe cũ của ông trong một tiệc cưới, nhân chú lái xe hỏi thăm sức khoẻ ông thế là bà túm lại kể nể luôn. Lái xe mới cười cười bảo bà rằng ôi chị ơi, em biết bệnh của anh nhà rồi, chị về bảo anh cứ uống vài bát lá vụ là ổn hết...Nhưng trong thời gian uống lá này Sếp phải kiêng sinh hoạt vợ chồng. 

Bà về nói chuyện với ông, ông gạt phắt đi, ông bảo ông chẳng tin cái thứ lá lẩu lang băm ba lăng nhăng ấy. Bệnh viện bác sỹ giỏi còn chả ăn ai nữa là...

Bà thắc mắc lắm, không biết lá vụ là lá gì nhỉ. Chỉ nghe lá ngón, lá bòng lá bưởi thậm chí là lá diêu bông chứ lá vụ thì lạ quá. 

Thương chồng cứ ngày một sọm đi, hồi đương chức ông hồng hào hí hởn là thế. Hưu mới được hai năm, tiền còn cả đống mà...thế rồi bà mang ít bánh với chai rượu quí. Chiều ấy bà sang nhà chú lái xe, quà cáp xong nhưng bà không quên dúi vào tay mỗi đứa trẻ con tờ 500k xanh lè gọi là lâu bác không sang chơi cho mấy đứa mua bim bim. 

Cuối tuần chú lái xe thu xếp công việc ổn ổn nên chú có thời gian đến chơi và rủ ông đi câu cá...

Lạ thật, “lá vụ”là gì mà thần kỳ thế, sau hai ba lần đi uống lá vụ bệnh ông chuyển hẳn. Dù ông không được như xưa nói năng hùng hồn đanh thép và không bàn về chuyện này chuyện kia, nói xấu ông này ông kia mà ông vui vẻ, ăn được ngủ được hí hởn hẳn ra. Ông cứ khen chú lái xe công nhận ăn ở có trước có sau...

Đấy, không phải cứ bệnh gì cũng tây y được đâu. Có những thứ bệnh chỉ “lá vụ “mới chữa khỏi 
🤣🤣🤣

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

Kỹ thuật ngủ trong vòng 2 phút của quân đội Mỹ


Có bao giờ bạn muốn mình có thể chìm vào giấc ngủ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu nếu được yêu cầu? Một kỹ thuật của quân đội Hoa Kỳ được cho là sẽ giúp bạn làm điều đó, cho phép bạn ngủ thiếp đi trong vòng 2 phút sau khi nhắm mắt nếu thực hành thường xuyên.

Phương pháp này lần đầu tiên được mô tả trong cuốn sách Relax and Win: Championship Performance của Lloyd Bud Winter, xuất bản lần đầu vào năm 1981. Và trong một video TikTok thu về hơn 7,2 triệu xem, Justin Agustin, một huấn luyện viên thể hình với hơn 1,7 triệu người theo dõi đã mô tả cách thực hiện kỹ thuật ngủ này.

Trong video hướng dẫn khi đang nằm trên giường, Agustin nói: "Trước tiên, bạn cần phải an tĩnh cơ thể và thư giãn một cách có hệ thống và thả lỏng từng bộ phận của cơ thể từ đầu đến chân, theo đúng nghĩa đen”.

Anh nói thêm: "Bắt đầu bằng cách thả lỏng các cơ ở trán. Thả lỏng mắt, má, hàm và tập trung vào hơi thở. Bây giờ, hãy đi tiếp xuống cổ và vai của bạn. Hãy đảm bảo rằng vai của bạn không bị căng lên. Trùng xuống càng thấp càng tốt và để cánh tay buông lỏng sang hai bên, bao gồm cả bàn tay và các ngón tay”.

Sau đó, bạn sẽ có cảm giác ngứa ran ấm áp, tưởng tượng nó từ đỉnh đầu đến đầu ngón tay của bạn. Bắt đầu hít thở sâu, "thư giãn ngực, bụng, xuống đùi, đầu gối, chân và bàn chân", Agustino cho biết. Tưởng tượng lại cảm giác ấm áp đó, nhưng lần này là đi từ tim xuống tận ngón chân.

Anh nói tiếp: "Bây giờ trong khi bạn đang làm việc này, điều thực sự quan trọng là phải loại bỏ khỏi tâm trí của bạn bất kỳ căng thẳng nào".

Sau đó Agustino khuyến khích bạn nghĩ đến hai tình huống: nằm trong một chiếc ca nô trên hồ nước tĩnh lặng; hoặc nằm trên một chiếc võng nhung đen trong một căn phòng tối đen như mực.

Nếu bạn vẫn thấy mình bị phân tâm, anh ấy khuyên bạn lặp lại những từ này trong 10 giây: "Không nghĩ. Không nghĩ. Không nghĩ”.

Theo Agustino, nếu bạn thực hành điều này mỗi đêm trong 6 tuần, bạn sẽ có thể chìm vào giấc ngủ trong vòng 2 phút sau khi nhắm mắt.

Mặc dù không có nghiên cứu nào về việc liệu kỹ thuật này có thực sự hiệu quả hay không, nhưng nó có vẻ giống như một bài thiền tuyệt vời vào ban đêm để đầu óc bạn được thư giãn và có được một giấc ngủ ngon.

Theo Men's Health

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

ÁO LỤA HÀ ĐÔNG-THƠ NHẠC VÀ LỊCH SỬ

Câu chuyện ‘Áo Lụa Hà Đông’ 50 năm trước 

Những giai điệu trữ tình, mượt mà của ca khúc Áo Lụa Hà Đông của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, phổ từ thơ Nguyên Sa, đã làm lay động tâm hồn của người yêu nhạc trong nửa thế kỷ qua. 
Nhân dịp tròn 50 năm ra đời tuyệt phẩm trữ tình này, xin giới thiệu đôi điều về sự ra đời của bài thơ và bài hát.

Ngày nay, chắc ai cũng biết về quê lụa Hà Đông, đó là làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Hà Đông cũng từng được chọn để may trang phục cho triều đình.

Năm 1938, xứ Bắc Kỳ đã tổ chức cuộc thi người đẹp (giống như thi Hoa Hậu bây giờ) với những điều lạ: không phải diễn ra ở Hà Nội mà ở tỉnh Hà Đông; các cô gái bất cứ lứa tuổi nào, kể cả đã có chồng, ngành nghề gì cũng đều được tham gia (kể cả vũ nữ). Điều kiện duy nhất là phải mặc áo lụa của xứ Hà Đông.

Người đăng quang trong cuộc thi đó là người đẹp Lý Lệ Hà, xuất thân từ một nông dân nghèo tỉnh Thái Bình. Do cuộc sống mưu sinh, cô phải lên Hà Nội làm nghề vũ nữ và là hoa khôi một thời ở vũ trường Liszt tại Hà Nội. Vào giai đoạn 1936 – 1938, khu phố Khâm Thiên Hà Nội có 6 vũ trường và ở đường Bà Triệu có vũ trường Liszt nổi tiếng nhất. Lý Lệ Hà trở thành một trong hai vũ nữ nổi tiếng bậc nhất đất Hà Thành khi đó.

Cuộc thi người đẹp diễn ra rầm rộ nên Lý Lệ Hà sau khi đoạt giải lại càng trở nên nổi tiếng hơn. Đồng thời, cuộc thi cũng trở thành nguồn cảm hứng để gần 20 năm sau đó, nhà thơ Nguyên Sa sáng tác bài thơ và được người nhạc sĩ trẻ tài hoa Ngô Thụy Miên phổ thơ thành nhạc “Áo Lụa Hà Đông”.

Lý Lệ Hà có một nhan sắc được mô tả là rất quyến rũ và nóng bỏng với hàm răng đẹp như ngọc. 
   Sau khi đạt được ngôi Hoa khôi, cô trở lên nổi tiếng và là niềm mơ ước của biết bao công tử nhà giàu thời bấy giờ. Tuy nhiên, Lý Lệ Hà đã trở thành người tình của nhà vua Bảo Đại.

Về việc Lý Lệ Hà trở thành tình nhân của vua Bảo Đại có nhiều giai thoại khác nhau. Có giai thoại kể rằng, lúc ở vũ trường Liszt, Lý Lệ Hà thường nhảy với một người thanh niên tên là Hạnh. Hạnh là thợ may có tiếng ở số 10 phố Hàng Bông, mê nhảy đến mức 30 tuổi vẫn không lấy vợ.

Trong số bạn bè của Hạnh có ông Nguyễn Bắc (người sau này trở thành Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội từ 1954 -1979) – người hoạt động bí mật ở Hà Nội và cũng là người chắp nối liên lạc giữa các trí thức với chiến khu, kể lại rằng có một lần khi Hạnh đang nhảy với Hà thì có hai mật thám đến, ghé vào tai Hạnh bảo: “Tiên sư mày, muốn yên thân thì dừng ngay để bọn tao đưa cô lên hầu cụ (Bảo Đại)”.

Song cũng có câu chuyện khác nói rằng vũ nữ Lý Lệ Hà đã chủ động quyến rũ ông hoàng Bảo Đại vào những năm 1940. Chuyện là tin đồn về sắc đẹp của cô gái Lý Lệ Hà đã đến tai người anh em họ của nhà vua là Vĩnh Cẩn.

Vĩnh Cẩn đã đưa Lý Lệ Hà đến gặp Bảo Đại tại nơi ở tại Sài Gòn khi ông về đây để chữa chân gãy hai năm trước trong một cuộc đi săn ở Đà Lạt.

Khi vào đến Sài Gòn, Lý Lệ Hà vẫn tiếp tục đi nhảy đầm ở các vũ trường Sài Gòn và khiến rất nhiều chàng trai si mê. Cũng theo một báo cáo mật của Sở mật thám Pháp, vào thời điểm này, Lý Lệ Hà đã có chồng.  Nhưng đó không phải là sự trở ngại để cô vũ nữ mê nhảy đầm này từ bỏ thú vui, niềm đam mê của mình.

Nhan sắc tuyệt trần với răng trắng như ngọc của Lý Lệ Hà đã khiến cho Bảo Đại say mê. Không những vậy, với kinh nghiệm tình trường dày dạn, Lệ Hà liên tục có các chiêu tấn công độc đáo khiến ông hoàng Bảo Đại luôn luôn bị động, lúng túng và gục ngã vô điều kiện.

Sau khi chính thức là người tình của Bảo Đại, vũ nữ Lệ Hà và ông hoàng lúc nào cũng đi cùng với nhau. Trong suốt thời gian Bảo Đại ở Hà Nội (khi ông làm cố vấn tối cao của chính phủ CMLT VNDCCH), Lý Lệ Hà và đức vua gần như không rời khỏi nhau một ngày nào. Đi đâu, hai người cũng có nhau.

Sách “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” có ghi lại rằng: Bảo Đại quan hệ công khai với Lý Lệ Hà, đêm đêm đi dạo, ăn nhậu, lui tới các nơi ăn chơi, tiệm nhảy bất chấp dị nghị của mọi người xung quanh đang sống khắc khổ đạm bạc. Mối tình của Bảo Đại và Lý Lệ Hà đã khiến cho Nam Phương hoàng hậu cũng như thứ phi Mộng Điệp vô cùng buồn lòng. Sau năm 1946, Lý Lệ Hà cùng Cựu Vương Bảo Đại sống lưu vong tại Hongkong.

Ở đây, người vũ nữ dốc hết tiền tiết kiệm để Bảo Đại có thể chi tiêu một cách thoải mái. Thế mới biết rằng, trong lòng Lý Lệ Hà, mối tình với Bảo Đại không chỉ là cơn gió thoảng mà cũng thực sự sâu nặng.

Tuy nhiên, cuối cùng cuộc tình giữa Lý Lệ Hà và Bảo Đại cũng kết thúc vì Bảo Đại vốn là một người đàn ông đẹp trai, thông minh nhưng cũng vô cùng đa tình. Ông hoàng Bảo Đại đã tự động rời bỏ cô vũ nữ xinh đẹp để tiếp tục đeo đuổi những mối tình khác.

Theo một số tài liệu, Lý Lệ Hà đã sang Pháp, kết hôn với một người bản địa và sống tại một làng ngoại thành Paris. Lý Lệ Hà cũng không gặp lại đức vua Bảo Đại lần nào nữa từ khi sống ở đất Pháp.

Lý Lệ Hà từ một cô gái thuần nông trở thành một vũ nữ nức tiếng, sau đó đạt giải Hoa khôi rồi lại trở thành người tình của 1 đức vua nổi tiếng đa tình, những câu chuyện đó đã trở thành nhiều huyền thoại lưu truyền trong dân chúng. Đến hơn hai mươi năm sau, người đẹp Lý Lệ Hà cùng sự tích áo lụa của xứ Hà Đông vẫn trở thành một nguồn cảm hứng để thi sĩ Nguyên Sa đưa vào bài thơ Áo Lụa Hà Đông.

Dĩ nhiên là bài thơ này không phải viết về người đẹp Lý Lệ Hà, mà Nguyên Sa viết tặng một người tình học trò nào đó của ông:

gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
thơ học trò anh chất lại thành non
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

Tuy nhiên, cũng từ màu áo lụa Hà Đông nổi tiếng của năm xưa, thi sĩ Nguyên Sa đưa vào thơ, rồi được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chắp đôi cánh để biến nó trở thành những giai điệu tình ca bất hủ, sống mãi cùng năm tháng. Thơ và nhạc đã cùng hòa quyện, thăng hoa để làm đắm say bao thế hệ yêu nghệ thuật. Lúc đó Ngô Thụy Miên mới có 21 tuổi, còn Nguyên Sa đã 37 tuổi.

Nói về cái duyên của sự gặp gỡ này, Ngô Thụy Miên đã chia sẻ với báo chí là giữa ông và thi sĩ Nguyên Sa không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Ông đến với thơ Nguyên Sa không từ một chọn lựa, mà vì ông đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ qua những lời thơ ngọt ngào, tình tứ, tươi mát.

Bởi thế, khi gieo nhạc bài thơ này, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành một giai điệu bất hủ, sống mãi cùng thời gian:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng gì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại

Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Anh vẫn yêu màu áo ấy em ơi

Bài thơ, bài hát này cũng góp công lớn để nhiều người biết về làng lụa xứ Hà Đông. Nhắc đến Hà Đông, ai cũng nghĩ đến lụa đầu tiên. (Ngoài ra người ta còn nghĩ đến câu “Sư tử Hà Đông”, tuy nhiên sư tử Hà Đông đó là một sự tích bên Tàu thời Tống, chứ không phải Hà Đông ở Hà Nội ngày nay).

Nguyên văn bài thơ của Nguyên Sa:

Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
mà mua thu dài lắm ở chung quanh
linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
bày vội vã vào trong hồn mở cửa

gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
thơ học trò anh chất lại thành non
và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

em không nói đã nghe từng giai điệu
em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt

em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu
nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
em đi rồi, sám hối chạy trên môi
những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng

em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng

(Nguồn: nhacxua.vn)

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

LY KỲ BẢO VẬT TRIỀU NGUYỄN VÀ VỤ TRỘM ẤN HOÀNG HẬU CHI BẢO



Caophong Pham
Năm 2018, tôi đến Huế với một nữ phóng viên, kiêm đạo diễn truyền hình Pháp. Chị đã có nhiều bộ phim đoạt giải thưởng quốc tế, và năm nay lại vừa có một bộ phim nhận được huy chương vàng. Lần đầu về Việt Nam năm 2003, chị gặp phải những va chạm, châm chọc không đáng có để rồi mất đi hứng thú trở lại.

Tôi hy vọng bằng cách này hay cách nọ níu kéo "những hẹn hò từ nay khép lại" với Việt Nam của chị hồi tâm trở về. Nghệ sĩ vốn dễ tìm ra có một đời sống khác trong một thế giới không còn thuộc về mình nữa. Mong muốn của tôi, là trái tim nghi ngại của chị sẽ lên tiếng, để chị vác máy quay về Huế.
Thế giới trong mắt người tài nó đa tình, quyến rũ lắm, để người nước ngoài xem phim của chị "rớt xuống đời làm sóng lênh đênh", đến với Việt nam nhiều hơn nữa.

Huế thì cũng mơ ảo, nắng buồn hơn mưa, gợi về Versailles của Pháp, chốn cung đình vua Mặt trời Louis 14 xây dựng. Tới Paris mà không đến đây, thì cũng như về Việt Nam không đến thăm Huế.
Tôi cố gắng thẩm thấu cho riêng mình những cái tệ vụn vặt, vốn gặp thường nhật để bạn mình có ấn tượng tích cực về chốn kinh kỳ xưa.

Song phải thành thật mà nói, Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều để người đến vấn vương, để nhớ, để thương, để trái tim trổ bông hy vọng ngày hội ngộ tiếp theo.

Đằng sau những cách cửa Đại Nội Huế, là những bức tường không biết nói, những tủ kính trưng bầy chưa đánh thức sự tò mò hiếu kỳ. Những dấu vết Hoàng triều Nguyễn, của thật không có. Ấn tỷ vốn bằng vàng ròng được thay bằng những chiếc ấn làm bằng gốm, châu bản thì cũng chẳng biết giả trang bằng chất liệu gì nữa. 

Ở Pháp, mỗi Chủ Nhật đầu tiên trong mỗi tháng, từ tháng 11đến tháng5 và hai ngày cuối tuần vào tháng 9, được gọi là ngày "Di sản văn hóa". Trong những ngày này, người dân được thăm quan miễn phí tất cả mọi nơi, từ Phủ Tổng thống, lâu đài Hoàng gia Pháp, Bảo tàng viện v.v…Không có một cánh cửa nào đóng với bất kỳ ai, không phân biệt người sang, kẻ hèn, miễn xếp hàng thích vào xem đâu thì đến.

Đến Paris, chốn tứ phương tụ hội, ai cũng có thể rẽ đến thăm Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Quốc gia Pháp Guimet.
Nước Pháp kính trọng các nền văn hóa và dành cho nghệ thuật Châu Á vị trí hàng đầu ở Paris. Thả bộ vài bước từ tháp Eiffel, biểu tượng của thủ đô là đến Guimet. 

Bảo tàng được thiết kế như một trung tâm tri thức lớn về các nền văn minh châu Á ở trung tâm châu Âu. Ở Guimet có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật châu Á hoàn chỉnh nhất trên thế giới.
Việt Nam cũng có một chỗ đứng danh dự trong không gian dành riêng cho đất nước có những nét đặc sắc không kém ai ở đây.
Nhìn những hiện vật phong phú, được bảo quản chu đáo, ánh sáng, thiết kế trưng bầy tinh tế ở bảo tàng Quốc gia Pháp, tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng.

Không biết, có chủ quan hay không nếu nhận định, người Việt Nam ngay trên quê hương bị đối xử như công dân hạng hai.

ẤN "HOÀNG HẬU CHI BẢO" VẬY MẤT HAY CÒN ?

Tôi muốn kể dưới đây câu chuyện hẳn bạn đọc sẽ tự mình đánh giá về hiện thực về bảo vật quốc gia ở Việt Nam.

Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, nơi những khẩu thần công chĩa ra bốn phía như Bảo tàng Quân đội Pháp Invalides, tôi mua được một quyển sách hiếm. Chắc đi mòn Huế, dễ gì kiếm được cuốn sách như vậy.
Đó là cuốn "BẢO VẬT HOÀNG CUNG TRIỀU NGUYỄN (Royal treasures of the Nguyen dynasty) ", được xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, in bằng giấy lụa, ảnh chụp kỹ thuật cao, chất lượng.
 Một công trình tham khảo đáng trân trọng, được áp triện quốc gia của cựu Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

Quyển sách này có hai trang chụp trình bầy chiếc ấn "Hoàng hậu chi bảo".

Chú thích trong sách ghi:

 “Bạc mạ vàng. Đúc tháng Giêng, niên hiệu Bảo Đại thứ 9,1934. Cạnh 8,65 x 8,65 cm; cao 8,66 cm; dày 2,28cm.

Lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán: Phía trái “Xứng trọng kim ấn thập thất lượng” (Kim ấn nặng 57 lạng). Phía bên phải “Bảo Đại cửu niên chính nguyệt cát nhật tạo” (Đúc vào ngày lành tháng Giêng năm Bảo Đại thứ chín).

Mặt ấn chạm nổi 4 chữ triện trong ô viên: Hoàng hậu chi bảo (Bảo của Hoàng hậu). Ấn được vua Bảo Đại cho đúc để ban cho Hoàng hậu Nam Phương nhân lễ cưới”.

Cuốn sách được nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc in 1000 cuốn, ra mắt bạn đọc năm 2016. Đây được coi là sách giới thiệu chính thức của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, giá 2 triệu đồng Việt Nam.

Giới thiệu về bảo vật Hoàng hậu chi bảo trong sách, nhắc cho tôi câu chuyện về chiếc ấn "Hoàng hậu chi bảo" bị chôm chỉa trong lần đầu trưng bầy tại Hà Nội năm 1961.

Sự kiện này được ví như " chào 61, đỉnh cao muôn trượng", đang nắm tay em tán phần phạt, mặc cả "trái tim chia ba phần tươi đỏ", chia cho Đảng phần hậu hĩnh nhất, phần thứ hai cho thơ, để thiên hạ đọc chơi, thứ bét đến em. Đang vậy, mà phải buông tay em ra, đi tìm ấn. Thật không bực gì bằng?

Báo Công An Nhân Dân, đăng ngày 5.9. 2007 viết lại vụ án, dưới đầu đề "Khám phá vụ trộm ấn vàng tại bảo tàng lịch sử năm 1961" viết:

“Ngày 4/7/1961, khi kiểm tra các hiện vật trưng bày tại Phòng nhà Nguyễn thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử, các nhân viên quản lý Bảo tàng phát hiện mất một ấn vàng có đôi rồng chạm nổi ở tay cầm và hàng chữ "Hoàng hậu Chi Bảo", là ấn của Nam Phương Hoàng Hậu, nặng 4,9 kg và một âu đựng trầu thuốc bằng vàng nặng 0,5kg
“Vụ mất báu vật quốc gia nói trên làm xôn xao dư luận.Vụ án sau nửa năm điều tra, tốn nhiều công sức vẫn bế tắc.

Đúng lúc đó thì Sở Công an Hà Nội nhận được tin báo: Hồi 3 giờ ngày 5/11/1962, kẻ gian đã lọt vào Viện Bảo tàng lịch sử, lấy đi một số hiện vật quý cũng thuộc di vật của triều đình nhà Nguyễn, gồm một ấn bạc mạ vàng khắc hàng chữ “Cao Đức Thái Hoàng Thái Hậu” và hai quyển kim sách cũng bằng bạc mạ vàng, một quyển khắc chữ “Bảo Long” và một quyển khắc chữ “Khải Định thập niên”.
Sau đó tờ báo ghi lại lời khai của những kẻ bị bắt sau thời gian phá án:

“Dạo tháng 4/1961, Thợi và Trưng rủ nhau vào “tham quan” Viện Bảo tàng lịch sử, thấy nhiều đồ vàng bạc được trưng bày, liền bàn cách lấy trộm. Lợi dụng sơ hở của cán bộ bảo vệ, Thợi đã lấy được mẫu chìa khóa tủ trưng bày hiện vật rồi thuê thợ làm chìa khóa.
“Ngày 1/6/1961, lừa lúc vắng khách tham quan và sơ hở của nhân viên bảo vệ, Thợi đã dùng chìa khóa mở tủ trưng bày, lấy một ấn vàng giấu vào bụng, lấy một âu vàng đưa cho tên Trưng (cũng giấu vào bụng), rồi hai tên cùng lẳng lặng quay ra.
Khi ra đến cửa Viện Bảo tàng, Trưng dừng lại nói chuyện với nhân viên bảo vệ để lợi dụng thời điểm đó cho Thợi ra trước, còn Trưng thì khéo léo ra sau. Số vàng lấy được, hai tên mang sang Yên Viên chặt phá thành từng thỏi nhỏ rồi đưa đi tiêu thụ ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội...

“Vụ thứ nhất trót lọt, công của Thợi lớn, nhưng vì số vàng phải chia nhỏ cho cả bọn ăn theo nên Thợi chẳng được bao nhiêu. Vì thế nên trong vụ trộm thứ hai Thợi quyết định hành động một mình.
Khám nơi chứa chấp của gian tại nhà tên Đỗ Huệ ở Yên Viên, Cơ quan điều tra đã thu được một ấn bạc mạ vàng ghi “Cao Đức Thái Hoàng Thái Hậu” còn nguyên vẹn, nặng 74 lạng, 2,5kg bạc và 33 lạng vàng ta (kể cả số vàng mà các đối tượng thuê một hiệu vàng ở phố Hàng Giấy kéo thành nhẫn và số vàng thu tại nhà tên Nguyễn Sơn Trưng ở Bắc Giang).

Kết quả thật mỹ mãn:

“Vụ án sau một thời gian dài điều tra với bao nỗi gian truân, vất vả, có lúc tưởng hoàn toàn bế tắc, đã được làm sáng tỏ là chiến công xuất sắc của Công an Hà Nội với sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị nghiệp vụ của Bộ và Công an một số địa phương.
“Tất cả các đối tượng trộm cắp, chứa chấp và tiêu thụ của gian đều đã bị bắt. Ngày 3 và ngày 4/2/1964, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Nguyễn Văn Thợi tù chung thân. 19 tên đồng bọn bị xử từ hai năm án treo đến 11 năm tù giam về các tội phá hoại di tích lịch sử, trộm cắp tài sản quốc gia và tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Riêng tên Nguyễn Sơn Trưng (tức Bạt), trốn về quê ở Bắc Giang tiếp tục trộm cắp nên bị dân quân truy đuổi, bắn trọng thương rồi chết”.

Vụ án được coi là khép lại, tìm ra thủ phạm, xử án "công minh."

Song nếu chỉ dừng lại ở đây, thì như một dấu chấm xuống dòng, hết chuyện để nói.  Tuy nhiên, không hiểu sao, bài báo lại thòng thêm những chi tiết mà những người thích đọc kiếm hiệp hẳn phải gãi đầu.

“Một số người ở Viện Bảo tàng lịch sử, trong đó có ông Vũ Lai (còn có tên là Nguyễn Tiến Lợi), 59 tuổi, Trưởng phòng Bảo quản, sưu tầm và phục chế, đều cho rằng đây là vụ trộm nội bộ (vụ trộm do người trong Viện Bảo tàng gây ra). Vì vậy lãnh đạo Viện đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, kêu gọi ai đã trót lấy thì phải trả lại ngay, vì đây là báu vật có một không hai của đất nước.Công tác điều tra được tiến hành ráo riết trên diện rộng. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, các đối tượng cờ bạc, buôn lậu vàng bạc trên toàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận đều được lên danh sách để rà soát, sàng lọc.

“Tất cả cán bộ nhân viên đã từng làm việc ở bảo tàng, nay nghỉ việc hoặc chuyển ngành và các cán bộ đang làm việc cũng được xem xét, nhưng vẫn không phát hiện được đối tượng nghi vấn. Nhưng rồi có lần bị gọi hỏi, ông Vũ Lai - Trưởng phòng Bảo quản sưu tầm và phục chế của Viện - đã khai nhận là tự mình gây ra vụ trộm ấn vàng và âu vàng của Triều đình nhà Nguyễn.

Nguyên văn lời khai của ông Vũ Lai: 

“Vì tôi đã có tuổi, biết rằng chẳng làm việc được bao nhiêu lâu nữa sẽ phải nghỉ, chỉ biết nghề họa thì rồi mắt sẽ kém không vẽ được nữa nên rất lo lắng khi trở về tuổi già không làm được gì để sinh sống. Nhân dịp Bảo tàng có bày một số đồ vàng trên Phòng nhà Nguyễn nên có ý định sẽ lấy một vài thứ để dành cho sau này. Ý định này có từ đầu năm, nhưng còn đắn đo chưa dám làm, mãi đến trung tuần tháng 4 tôi mới lấy (tôi không nhớ rõ ngày). Ngày hôm đó lớt phớt mưa phùn nên tôi mặc áo đi mưa bộ đội, tới cơ quan làm việc. Đến khoảng 16 giờ, tôi xuống bảo anh Kiếm đưa cho tôi chìa khóa rồi lên gác, đến Phòng nhà Nguyễn và không gặp ai, có lẽ anh em làm việc ở phòng khác...
“Tôi mở hai tủ, lấy ở một tủ một cái ấn vàng, ở tủ khác lấy một hộp đựng trầu thuốc bằng vàng, lấy áo mưa bọc lại, cắp vào cạnh sườn đem xuống chỗ làm việc của tôi rồi đi trả chìa khóa cho anh Kiếm.Đến 17 giờ, hết giờ làm việc chờ anh em về hết, tôi lấy dây cột áo mưa bọc báu vật sau xe đạp, không về nhà mà đi ăn cháo lòng rồi ra bờ sông lấy que gỗ đào lỗ chôn xuống rồi đánh giấu.Độ nửa tháng, nghĩa là sang tháng 5, sợ ngập nước, ra đào thì đã bị mất, chắc chắn là có kẻ đã trông thấy tôi chôn và lấy đi mất rồi”. 
“Sau đó, để có chứng cứ, ông Vũ Lai còn bảo vợ là bà Nguyễn Thị Tỵ đem nộp cho cơ quan một áo bạt mưa kiểu bộ đội mà ông khai là đã dùng để gói vàng mang ra bờ sông...Sau khi tiếp nhận lời khai của ông Vũ Lai, Cơ quan điều tra xác minh khá công phu, nhưng vẫn thấy không có cơ sở để tin cậy.

Bộ trưởng Công An Trần Quốc Hoàn "đau đáu" về vụ án, khi chưa tìm ra thủ phạm, lại có người đứng ra nhận là ăn trộm, vậy mà "mần thinh ra răng" và tại sao " vẫn thấy không có cơ sở để tin cậy? ".
Hay ở một nước "Dân chủ Cộng hòa", có những người được độc quyền "dân chủ, Quan chủ", hơn những người khác?

Sau này bắt được mấy con tép riu thì lại cho lên báo ầm ĩ cả lên! Có bao nhiêu phần trăm sự thật ở đây?
“Nguyễn Văn Thợi tù chung thân. 19 tên đồng bọn bị xử từ hai năm án treo đến 11 năm tù giam về các tội phá hoại di tích lịch sử, trộm cắp tài sản quốc gia và tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có”.
Những bản án thật nặng nề! Cho chừa thói trộm cắp đồ Hoàng gia.Tù mọt gông thì toi cơ hội có ngày ra, hòng gì mà thỏ thẻ oanh vàng với báo chí! Sập nguồn truy tìm?

Những nhiễu loạn thông tin làm tôi băn khoăn.

Liệu vụ án có tìm ra đúng người, đúng tội, và thật sự ấn có bị mất?

Nếu không mất, thì đó có phải là chiếc ấn thoắt ẩn, thoắt hiện trong sách "Báu vật Hoàng triều Nguyễn"?
 
Tôi trích ở đây trang 18 cuốn sách:

"Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng ước tính trong 143 năm tồn tại, các vua triều Nguyễn đã cho đúc và sử dụng hơn 100 kim bảo, ngọc tỷ, bao gồm cả những chiếc ban kèm với kim sách khi tấn phong tước hiệu cho các thành viên hoàng tộc. Điều may mắn là hiện trong sưu tập bảo vật triều Nguyễn ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn giữ được 85 kim bảo, ngọc tỷ. Trong đó bao gồm hầu hết các kim bảo, ngọc tỷ quan trọng của triều đình, được chế tác tập trung vào các đời vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị. "

Cơ quan chủ quản, giữ trong tay cả hơn nửa thế kỷ mà dùng chữ "chưa có số liệu chính xác", chênh lệch đến cả chục chiếc, không biết là lọt sàng xuống nia cá nhân nào ?
Ấn Hoàng hậu chi bảo được giới thiệu rõ đẹp, rõ sang trong trang 44, 45 của cuốn sách, thì câu thơ của nguyên lão cựu Thủ tướng Tố Hữu hẳn đúng như "đời ta gương vỡ lại lành."

Nhưng khổ là sự thật, ấn bị “chặt phá thành từng thỏi nhỏ rồi đưa đi tiêu thụ ở Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội…” thì ấn vỡ lại lành ai làm, làm thế nào ?

Vậy những gì còn lại trong Bảo tàng Việt Nam là đồ thật hay đồ nấu lại?
Đến bao giờ người dân mới được biết còn gì, mất gì kho tàng đồ sộ của chế độ quân chủ để lại, không chỉ có báu vật của nhà Nguyễn, mà cả các triều đại khác.

Nếu về được Việt Nam, số phận của "Hoàng Đế chi bảo "số phận sẽ ra sao? Ai được nhìn, được xem, trưng bầy ấn ở đâu, hay sẽ chỉ có được xem ảnh?
Nhưng thôi, cứ đòi đã, về nhà đóng cửa bảo nhau?

Phạm Cao Phong
Bbc news


Chiếc ấn " Văn lý mật sát", thường được cho là vua đi đâu đều mang theo trông rất cục mịch. Một kiểu đúc vội, đúc cho qua. Nhìn chi tiết giống như dùng mũi khoan tỉa cho có cái gọi là vảy rồng.
Móng chân trong ấn chắc hồi đó chưa có nghề làm nail? 
Hẳn thợ kim hoàn hồi đó chê vua già, nhìn không ra, đưa một sản phẩm kệch cỡm như vậy.


.....

Cụ viết hay lắm, lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu... Chữ cứ tuôn ào ạt lôi người đọc đi xènh xệch. Thế nên bài của cụ có che tên tác giả tôi vẫn nhận ra văn cụ. Tuy vậy có chút lưu ý khi người gõ, mạch văn lôi cụ đi nên có khi gõ nhầm. "Tham quan" chứ không phải "thăm quan". Bài trước có chỗ nhầm "đánh giá" với "đáng giá". Cụ xem lại bảo cháu thơ ký chỉnh lại cho "tuyết sạch giá trong". Lại nói về cái  sự mất trộm ở bảo tàng. Cái lần tôi đến nghiên cứu bảo tàng bác cổ HN như đã nói lần trước với cụ, cái ông cai bảo tàng (trông cứ gian gian thế nào ấy), bảo tôi về thủ thuật đột nhập để ăn trộm bảo tàng: Dùng 1 cái bánh chưng vuông to bóc trần áp vào mặt kính cửa rồi 1 bàn tay dính vào cái bánh chưng giữ chặt, xong, dùng dao cắt kính xoáy 1 vòng tròn quanh cái bánh, rồi lôi cái bánh có dính miếng kính ra, thó tay mở chốt khóa. Sẽ chẳng có tiếng động nào. Chúng tôi sau đấy bảo nhau "Việc đếch gì phải lôi thôi thế. Các lão "làm chủ" ở đây, muốn thứ gì cứ lấy bính thường như lấy đồ trong tủ nhà mình. Bây giờ, như bài cụ viết thì loạn lên như thế "bậu cho vào túi bậu biết mô mà tìm". Cùng đành vậy thôi. Có ông bạn già  (trong đám nghiên cứu bảo tàng ngày ấy) luôn lo sợ bị hại vô cớ vì thấy có nhiều án oan sai quá, bèn bảo tôi: "Đừng đi đâu nhá, kẻo bị họ tóm tri hô lên: "A đây rồi, chính là lão đã làm vụ trộm XYZ gì đó giá trị hàng ngàn tỷ cách đây nhiều năm", rồi tống vào nhà pha, Khi được minh oan thì đã mồ yên mả đẹp từ lâu". Nhưng tôi thi tôi lại còn sợ có hôm người ta đến nhà xích cổ lôi đi vì tội gì đó mà chính họ cũng không rõ phải đang cố "làm rõ vụ việc".
Tristesse Vu

 

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Nhớ Lần Nhỏ Té



một con ruồi bay cũng làm rung rinh trái đất
huống chi nhỏ té một cái rầm
cơn đau dăm bảy hôm rồi sẽ hết
nhưng trái tim ta lúc lắc chín mười năm!...

NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG
.

THANH TỊNH

RỒI MỘT HÔM 
*Thanh Tịnh

Bài này trước đây thấy nhiều sách báo ở Nam ghi tựa "Rồi Một Hôm".
Sau này mới biết tựa chính thức khi bài thơ được đăng báo hồi 1936 là LỜI CUỐI CÙNG của Thanh Tịnh.

I
Rồi một hôm, nếu về, cha hỏi:
Mẹ ở đâu? con biết nói sao?
- Con hãy bảo: trông cha mòn mỏi
Mẹ từ trần sau mấy tháng đau.

II
Nếu cha hỏi sao nhà vắng vẻ?
Mẹ khuyên con hãy trả lời sao ?
- Con lặng chỉ bình hương khói rẽ.
Và trên giường chỉ đĩa dầu hao!

III
Nếu cha hỏi cặp đào trước ngõ
Sao chỉ còn một gốc ngả nghiêng ?
- Con sẽ chỉ một cây đào nhỏ
Bên cây tùng, rồi đứng lặng yên.

IV
Còn mồ mẹ, nếu cha muốn biết,
Phải hướng nào, con nói cùng cha ?
- Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc
Và bên trời chỉ nội cỏ xa!

THANH TỊNH
*Nguồn: Hà Nội báo số 5 ngày 5-2-1936
(copy lại từ thivien.net)
Bài thơ đạt giải nhất một cuộc thi thơ Hà Nội Báo tổ chức năm 1936, Thanh Tịnh phóng tác một bài thơ tiếng Pháp của tác giả Bỉ Maurice Maeterlinck, Nobel 1911.
Bài thơ về sau được khá nhiều người dịch. Ở đây ghi kèm bản dịch của nhà thơ Thân Trọng Thủy.

ET S'IL REVENAIT UN JOUR 

Et s'il revenait un jour
Que faut-il lui dire ?
- Dites lui qu'on l'attendit
Jusqu'à en mourir !

Et s'il m'interroge encore
Sans me reconnaître ?
- Parlez-lui comme une soeur
Il souffre peut-être

Et s'il demande où vous êtes
Que faut-il lui répondre ?
- Donnez-lui mon anneau d'or
Sans rien lui répondre

Et s'il veut savoir pourquoi
La salle est déserte ?
Montrez-lui la lampe éteinte
Et la porte ouverte...

Et s'il m'interroge alors
Sur la dernière heure ?
- Dites-lui que j'ai souri
De peur qu'il ne pleure...

Maurice Maeterlinck
(1862-1949)
---o---

NẾU MAI KIA CHÀNG TRỞ VỀ
*Thân Trọng Thủy

Nếu mai kia bỗng chàng về tới
Thì chị ơi, ăn nói làm sao?
Em cứ bảo,” Chị chờ anh mãi,
Đã mỏi mòn hoá đá từ lâu.”

Nếu lỡ ra chàng còn hỏi lại
( Giáp mặt em mà chẳng nhận ra )
Em cứ chuyện trò như em gái,
Hẳn chàng đang buồn khổ, xót xa.

Nếu chàng muốn biết chị nay đâu
Chị khuyên em nên trả lời sao?
Nhẫn vàng này, em trao giùm chị,
Tận tay chàng, đã đủ ngàn câu.

Nếu chàng vẫn chưa ngừng thắc mắc
Phòng ai kia trống vắng buồn thiu?
Hãy chỉ ngọn đèn dầu đã tắt
Và cửa phòng để ngỏ, gió hiu hiu.

Thế rồi nếu bỗng chàng hỏi đến
Phút giây thiêng lúc chị lìa đời
Em cứ nói chị cười mãn nguyện
Để chàng đừng ép giọt đầy vơi.

Thơ Maurice Maeterlinck
( 1862-1949 )
Bản dịch THÂN TRỌNG THUỶ.

./.

Nguồn: Xứ Thượng 
LeVanQuy share từ FB cô Phượng Hoàng 

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022

ĐỜI PHI CÔNG

TRUNG TÁ NGƯỜI VIỆT PHI CÔNG LÁI PHẢN LỰC CƠ CHO ĐỆ THẤT HẠM ĐỘI HẢI QUÂN HOA KỲ
BÀI NHÀ BÁO VAN LANG ( CALIFORNIA)

Ông Lê Hưng quê gốc Nha Trang, Việt Nam.
Cựu học sinh trường Collège Francais de Nha Trang và trường Kỹ Thuật Nha Trang.

Gia nhập Khóa Sinh Viên Sĩ Quan tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang hồi Tháng Bảy, 1972.
Qua Mỹ học Không Quân đầu năm 1973, tốt nghiệp thủ khoa trường phi hành tại căn cứ Webb Air Force Base, Big Spring, Texas, Tháng Tám, 1974.

Về nước 1974, thiếu úy phi công Không Lực Việt Nam Cộng Hòa lái phi cơ phản lực A37 thuộc Phi Đoàn 546 Thiên Sứ trong cuộc chiến Việt Nam.

Tháng Năm, 1975, trở qua Mỹ. Học và tốt nghiệp kỹ sư sáng chế trường ở đại học Texas Tech University, tiểu bang Texas, về ngành Mechanical Engineer vào Tháng Mười Hai 1981.

Gia nhập Quân Chủng Hải Quân Hoa Kỳ, bay trong các phi đội thuộc Đệ Thất Hạm Đội, 16 năm phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ.

Phi công lái máy bay S-3B Viking chuyên săn tìm tàu ngầm trên vùng Biển Đông, Thái Bình Dương.

Phi công lái phản lực chiến đấu, oanh tạc cơ A-6E trên các chiến trường Trung Đông và Đông Nam Á.

-Thiếu tá phi công Không Quân Hoa Kỳ năm 1992.
-Trung tá phi công Hải Quân Hoa Kỳ năm 1997.
-Về hưu, chuyên bay các loại phi cơ phản lực dân sự Hawker 900XP và Bombardier Challenger 605, chở khách VIP đi khắp thế giới.

Hiện đang sinh sống tại thành phố Garden Grove, miền Nam California.

Được bay bổng trong không gian thỏa thích là giấc mơ trai trẻ, nay lại được cất cánh bay lên và đáp xuống hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ trong những phi vụ chiến đấu luôn là niềm đam mê cháy bỏng của phi công Lê Hưng.

Ngồi tại công viên Bowling Green, Westminster, cựu Trung Tá Lê Hưng (Henry Le) kể tiếp về con đường trở thành phi công lái phản lực cơ chiến đấu trong Hải Quân Hoa Kỳ với phóng viên nhật báo Người Việt.

Ông Hưng cho biết tại căn cứ Hải Quân Corpus Christi, Texas, ông được dùng T-28 để huấn luyện căn bản, cất cánh, đáp, bay solo, sau đó là những kỹ thuật bay đêm, bay từ chỗ này qua chỗ khác, từ đó họ sẽ biết mình có thể bay được loại máy bay nào.

“Với số điểm cao, tôi được bay loại phản lực T-2 Buckeye, tập không xạ trên không, tập thả bom, quan trọng nhất là tập đáp xuống hàng không mẫu hạm, đáp xuống có móc và trở lại giàn phóng, cứ sáu lần đáp xuống lại sáu lần phóng lên. Về kỹ thuật đáp xuống hàng không mẫu hạm, ngày xưa thì sàn tàu loại thẳng, nhưng rút kinh nghiệm ở Đệ Nhị Thế Chiến, theo thiết kế cũ thì mỗi khi có máy bay cất cánh thì chiếc khác sẽ không đáp xuống được,” ông nhớ lại.

Vì sự bất tiện này nên hàng không mẫu hạm loại mới sau này được thiết kế lại, muốn đáp xuống và cất cánh cùng lúc đều không bị trở ngại. Theo đó, phải thiết kế phi đạo trên sàn tàu theo góc xéo 10 độ, để khi máy bay đáp xuống thì con tàu vẫn chạy tới, giữa tàu và máy bay cùng chuyển động theo một hướng, tốc độ đáp của máy bay sẽ giảm.

“Nói nghe như vậy, nhưng con tàu thì luôn chạy tới, rung lắc nhấp nhô lên xuống theo sóng biển nên có thể giạt một góc nào đó mà người phi công phải biết giữ đúng đường đáp theo ba tiêu chuẩn quy định thì mới đáp được, nếu không thì phải cất cánh lên và đáp xuống trở lại lần nữa. Hơn nữa phải nhìn đèn lineup màu trắng nằm ở góc của tàu, nếu nằm trên màu xanh thì biết đang ở cao, còn nếu đèn trắng lineup ăn khớp với đèn màu xanh thì đúng góc độ, còn dưới đèn xanh là đèn đỏ, phi công nhìn thấy đèn đỏ là nguy hiểm cho độ rơi của máy bay,” ông Hưng kể về kỹ thuật đáp trên hàng không mẫu hạm

Những nguy hiểm khi bay lên và đáp xuống hàng không mẫu hạm

Dù lên xuống hàng không mẫu hạm rất nhiều lần sau này, nhưng lần đáp xuống đầu tiên luôn để lại nhiều cảm giác ấn tượng khó quên nhất trong đời phi công. Ông kể một kỷ niệm vui: “Từ độ cao 800 ft trên trời nhìn xuống thấy sàn đáp quá nhỏ, ai cũng hồi hộp. Theo thói quen tôi đáp xuống theo kiểu Không Quân mình ngày xưa, đưa đầu máy bay lên cao (landing flare) để giảm sức rơi, đáp cho nhẹ. Thấy vậy người chỉ huy yêu cầu tôi bay lên liền, cảnh cáo nếu lần nữa còn bay như vậy sẽ bị học lại! Thế là phải bay vòng lại, đáp xuống an toàn, từ đó cứ thế đáp xuống nhẹ nhàng trăm lần như một!”

“Lần thứ hai khi bay lên thật thích thú vô cùng, khi phi cơ vọt mạnh về phía trước với vận tốc từ 0 cho đến 140 knots trong 2 giây mới đủ sức nâng cả chiếc máy bay cùng hàng tấn bom đạn và nhiên liệu bốc lên trời, lúc ấy mình cảm thấy nhẹ nhàng bay bổng lên trời cao, tưởng như phi hành gia khi phóng lên không gian,” ông mô tả lại cảm giác lâng lâng khi lần đầu cất cánh trên hàng không mẫu hạm.

Bay đêm cũng hồi hộp không kém khi đáp xuống, chung quanh tối đen chỉ còn đèn trên phi đạo, nhất là trong thời tiết xấu, tàu lên xuống nhấp nhô thì máy bay cũng khó đáp xuống. Trong trường hợp đáp bánh đã chạm sàn tàu, ông vẫn phải giữ ga thật lớn đề phòng trường hợp móc trật thì máy phản lực vẫn còn hoạt động, sẵn sàng bay vọt lên liền vì phi đạo quá ngắn, không có đủ thời gian khởi động máy để cất cánh như bình thường.

Ngoài ra ông còn phải học kỹ thuật tiếp xăng trên trời lúc đang bay cả ngày lẫn đêm, rồi kỹ thuật oanh tạc ném bom trên chiến trường, đánh không chiến trên không giữa ta và địch. Rồi còn phải học kỹ thuật đánh lừa hỏa tiễn của đối phương hoặc bị địch rượt đuổi. “Cả hai trường hợp đưa máy bay lên cao hoặc xuống thấp đều nguy hiểm, dễ bị rớt. Hoặc tránh né bằng cách đánh lừa hoặc phá tần số máy bay địch…” ông nói.

Phi công Lê Hưng đã từng phục vụ trên nhiều hàng không mẫu hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội, bay qua những chiến trường Iraq rồi vùng Ấn Độ Dương. Lúc đầu ông làm việc thuộc phi đoàn săn tìm tàu ngầm trong vùng Đông Nam Á từ năm 1984, đóng tại căn cứ Subic Bay, Philippines gần bốn năm. Rồi bay hoạt động ở vùng Đông Nam Á và Trung Đông, cứ bốn tháng ở Trung Đông thì bốn tháng ở vùng Biển Đông của Đông Nam Á, bay tuần từ đảo Hải Nam xuống tới Singapore.

“Cũng có những phi vụ bay tìm thấy những tàu của quốc gia Hồi Giáo tiếp tế cho Phi-Cộng vào những năm 1984-1988, nhất là lúc bay ngang qua quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, khi ấy chỉ là những đảo san hô hoang vắng, tuyệt nhiên không có bóng người. Khi đọc được những tài liệu cho thấy Trung Cộng đang chuẩn bị tiến hành xây dựng trên các đảo ấy, tôi có báo tin cho cộng đồng mình ở Little Saigon mà mọi người lúc đó không để ý lắm. Nhưng bây giờ lại là một chuyện quan trọng của đất nước mình! Thực tế hiện nay cho thấy rõ dã tâm của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, vậy mình phải đối phó thế nào, đó là câu hỏi tôi luôn canh cánh bên lòng,” ông tự vấn.u

Ông cho biết: “Tôi nghĩ đây là một kế nghi binh của Trung Cộng, thay vì chiến tranh ngay trong đất nước, họ kéo chiến tranh ra ngoài Biển Đông, dùng các đảo ngoài khơi để tạo xung đột, tránh thiệt hại bên trong nước Tàu nếu có xảy ra chiến tranh thật sự, luôn tiện chiếm luôn các đảo của Việt Nam để đặt căn cứ quân sự, theo dõi hoạt động của tàu bè các nước qua lại trên Biển Đông, khống chế luôn Việt Nam và các nước Châu Á. Nhất cử lưỡng tiện!”

“Nhưng tôi vẫn nói với bạn bè rằng đừng nghĩ rằng Mỹ sẽ đánh nhau với Tàu vì mấy cái đảo ấy, nếu có đánh Mỹ sẽ đập ngay đầu não trung ương, thì mấy cái đuôi biển đảo ấy không có ý nghĩa gì cả! Lúc ấy ai sẽ lấy lại Hoàng Sa và Trường Sa?” ông đặt câu hỏi.y

Cứu thuyền nhân Việt Nam trôi dạt 22 ngày trên biển

Lòng vẫn luôn nghĩ về đất nước và đồng bào nên những khi bay trên Biển Đông, phi công Lê Hưng hay để ý tìm kiếm những chiếc ghe vượt biển của thuyền nhân Việt Nam, để xem có thể giúp được gì cho họ. Ông cho biết trên đại dương mênh mông cũng hiếm khi nhìn thấy thuyền vượt biển, và trong đời phi công bay trên vùng Biển Đông, ông đã phát giác và giúp được ba chiếc ghe vượt biển. Nhớ nhất trong đời là chiếc ghe tả tơi trên biển chở theo 72 người.

Ông kể lại: “Cuối phi tuần, khi nhiệm vụ đã xong, lúc chuẩn bị về thì tôi bay sà xuống thấp hơn vì chỉ muốn tìm giây phút thoải mái sau nhiều giờ bay liên tục, bỗng người chuyên viên điện tử báo cho biết có một vật gì trên mặt biển qua hệ thống ra đa. Sau khi vòng lại, tôi thấy một chiếc ghe nhỏ trôi lềnh bềnh, không có dấu hiệu cầu cứu gì cả, tôi nghĩ chắc có gì lạ, bèn thả thiết bị định vị tọa độ xuống và gọi tàu tuần đến xem xét.”

“Vừa khi trở về đáp xuống hàng không mẫu hạm, ông hạm truởng kêu tôi theo trực thăng bay đến chiếc tàu tuần vừa vớt người vượt biển, để nhờ làm thông dịch viên. Lúc đó tôi mới biết chính chiếc ghe tôi đã thả tín hiệu gọi tàu đến cứu là ghe vượt biển, nên đã cứu sống được nhiều đồng bào đang vật vờ trong tình cảnh hết sức thương tâm, có nhiều người yếu sức không đứng nổi,” ông nhớ lại.

Ông cho hay, trong lúc mọi người luôn van xin đừng trả họ về Việt Nam, ông phải trấn an rằng Hải Quân Hoa Kỳ sẽ lo về y tế và đời sống hiện tại cho mọi người, và họ sẽ được chính phủ Hoa Kỳ chăm sóc đầy đủ, sẽ được đưa vô trại tị nạn để cứu xét đi định cư.

“Chuyện xảy ra ngay ngoài khơi, khi mọi người chưa hết bàng hoàng, họ kể lại chuyến đi hãi hùng khi ra khơi được bốn ngày thì ghe bị chết máy, phải lênh đênh trên hải phận quốc tế suốt 22 ngày đêm. Sau đó chỉ còn 21 người còn sống, họ phải ăn thịt những người đã chết để cầm hơi, hy vọng sẽ được cứu, may mắn được cứu kịp lúc nếu không chắc chết hết! Thật là câu chuyện hết sức thương tâm trong chuyện dài thuyền nhân Việt Nam,” ông buồn rầu kể lại câu chuyện năm xưa.

“Đó là một kỷ niệm buồn trong đời phi công khi gặp lại đồng bào trong tình cảnh của người vượt biển. Buồn vì đất nước quá tang thương khiến người dân sống không nổi phải liều chết bỏ nước ra đi tìm tự do. Khi gặp tôi, họ tưởng tôi là người Mỹ, hỏi tôi sao nói tiếng Việt giỏi quá vậy,” ông kể.

Cuộc sống nơi miền đất mới

Đã nhiều năm sống đời tự do trên nước Mỹ, cựu Trung Tá Lê Hưng, phi công Hải Quân Hoa Kỳ bồi hồi nhớ lại mới đó mà đã 45 năm trôi qua, đã gần nửa thế kỷ sống và làm việc tại Hoa Kỳ, nơi ẩn chứa những cơ hội, phải luôn học hỏi và phấn đấu vươn lên.

“Người Việt Nam không thua kém bất cứ dân tộc nào, hãy luôn chứng tỏ năng lực tuyệt vời của mình trong bất cứ mọi điều kiện,” ông hãnh diện nói.

Kể về những sinh hoạt cộng đồng tại Little Saigon, cựu trung tá đã thành lập Câu Lạc Bộ Phi Hành, từng chở những em nhỏ bay theo những chuyến bay ngắn, để chỉ dẫn cho các em muốn trở thành phi công, kết quả là hiện nay có những em trẻ là phi công bay cho những hãng hàng không dân sự. “Hãy luôn chứng tỏ mình là người Việt Nam!” ông kêu gọi.

Ông từng tổ chức những buổi nhảy dù biểu diễn trên bầu trời Little Saigon, và chính ông từng lái máy bay kéo theo đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa bay phất phới trong ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 Tháng Sáu hằng năm, những dịp diễn hành Tết trên đại lộ Bolsa hoặc biểu tình chống Cộng Sản tại Little Saigon.

Ông cũng từng bay phi diễn với các phi công Việt Nam Cộng Hòa trong Câu Lạc Bộ Phi Hành để thả khói màu. Đặc biệt ông là người khởi xướng phong trào mặc quân phục Việt Nam Cộng Hòa trong những dịp lễ hội, mang lại sắc thái mới trong văn hóa người Việt tị nạn nơi hải ngoại, tiếp nối đến tận hôm nay.

Với thế hệ trẻ gốc Việt, ông có lời nhắn nhủ: “Những con em mình trong tương lai nếu muốn gia nhập Không Quân Hoa Kỳ, phải cố gắng học để trở thành một phi công trước khi vào quân đội, khi chứng minh có nhiều khả năng giỏi, sẽ được ưu tiên tuyển chọn hơn, nếu không mình sẽ bị thiệt thòi. Nên có một căn bản trước sẽ dễ tiến thân hơn.”

Trong đời phi công Hải Quân Hoa Kỳ, cựu Trung Tá Lê Hưng luôn tự hào khi chứng tỏ mình chưa bao giờ làm tổn hại đến danh dự của người sĩ quan thuộc Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, luôn nêu cao tinh thần Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm khi bay qua nhiều vùng trời trên thế giới, và tình yêu Tổ Quốc-Không Gian luôn là kim chỉ nam của cuộc đời ông. (Văn Lan) [qd]