Thứ Hai, 1 tháng 10, 2007

Gặp người cảnh báo thảm hoạ sập cầu lớn nhất Việt Nam


PGS.TS Đặng Gia Nải: "Tiếc rằng lời cảnh báo đó đã trở thành quá trễ".

Thảm hoạ được báo trước

 

Tháng 6 vừa qua, khi đến công trường xây dựng cầu Thuận Phước (TP Đà Nẵng - PV), PGS.TS Đặng Gia Nải - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ, Viện phó Viện Khoa học và Công nghệ GTVT - đã cảm thấy rất ái ngại với cách áp dụng công nghệ đà giáo cố định như cách hiện nay ta đang áp dụng, trong đó có cầu Cần Thơ. Ngay khi trở về Hà Nội, ông đã viết một bài báo in trên tạp chí Cầu đường Việt Nam nêu lên một giải pháp khác, thay thế công nghệ này.

 

“Tôi đã viết bài góp ý với tinh thần trách nhiệm của một người đã ít nhiều có kinh nghiệm trong ngành cầu đường để mong được xem xét, tránh những điều mà mình nhìn thấy trước là có thể gây những thiệt hại không đáng có. Tiếc rằng lời cảnh báo đó đã trở thành quá trễ” - TS Nải cho biết.

 

Khi lời “cảnh báo” này được đưa ra, ông có nhận được ý kiến phản hồi nào từ phía Bộ GTVT không?

 

Điều này thì tôi… không biết. Ở trường hợp cầu Cần Thơ, như tất cả đã thấy, hai nhịp bị đổ sập đã tiến rất gần phần trụ chính của cầu dây văng nên độ cao thi công so với mặt đất là khá lớn. Ở độ cao này, rõ ràng phương án “đổ bêtông tại chỗ trên hệ giàn giáo cố định” không còn hợp lý vì đơn vị thi công phải huy động một lượng sắt thép rất lớn để dựng đà giáo. Chiều cao của hệ đà giáo cũng đồng thời tỉ lệ thuận với trọng lượng của nó. Một khi nền đất phù sa yếu đặc trưng (lại càng yếu hơn vào mùa mưa) của vùng ĐBSCL là rất yếu, không thể gánh nổi toàn bộ tải trọng đó thì lún là hiện tượng tất yếu phải xảy ra.

 

Càng cao bao nhiêu, đà giáo càng mất ổn định. Trong khi hệ đà giáo dần lún xuống đất làm suy giảm khả năng chống đỡ phần dầm cầu mà bêtông mới đổ vẫn chưa đạt tới cường độ cần thiết, lại xuất hiện thêm một số lượng công nhân lớn bất thường đã khiến hậu quả của vụ tai nạn thảm khốc ngoài dự tính. Đây cũng chính là khái niệm Perfect Storm (trận bão hoàn hảo) mà thế giới đã đưa ra để cảnh báo về vấn đề an toàn nói chung, khi rất nhiều những sự cố cùng đồng thời xảy ra, gây nên những hậu quả không thể lường trước được.

 

Thảm hoạ sẽ không thể xảy ra, nếu…

 

Vậy theo ông, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được thảm hoạ ngày 26/9?

 

Sự cố này sẽ không thể xảy ra nếu đơn vị thi công thực hiện tốt những biện pháp khảo sát, gia cố hệ thống đà giáo ổn định, tăng cường các thanh ngang và nhất là nếu chủ đầu tư chọn được phương án thi công phù hợp hơn với thực tế cầu Cần Thơ. Theo tôi, trong hoàn cảnh như vậy, phương án được coi là thích hợp nhất là phương pháp “đổ bêtông tại chỗ trên hệ đà giáo di động”…

 

Nhưng thưa ông, hai trụ cầu Cần Thơ bị sập có khẩu độ rất lớn, liệu rằng giải pháp này có thực sự thích hợp?

 

Công nghệ dùng đà giáo di động tương thích với trường hợp khẩu độ hai trụ cầu có khoảng cách 50m. Với trường hợp trụ cầu Cần Thơ, khẩu độ nhịp là 90m, chúng ta có thể dùng trụ tạm và hoàn toàn yên tâm về mặt an toàn cũng như những yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật cao của công trình.

 

Lãng phí tiền tỷ cho nghiên cứu bị bỏ quên?

 

Với công nghệ đà giáo như chúng ta đang áp dụng tại cầu Cần Thơ, nước ngoài còn sử dụng nữa không, thưa ông?

 

Theo tôi được biết, công nghệ đà giáo có chiều cao 20 - 30m, họ không còn sử dụng nữa mà thay bằng công nghệ đà giáo di động.

 

Được biết, đề tài đưa công nghệ đà giáo di động vào Việt Nam đã được nghiên cứu thành công từ năm 2003, nhưng tại sao cho đến nay vẫn chưa thể đi vào thực tiễn?

 

Có một thực tế là nhà khoa học nghiên cứu thì cứ nghiên cứu. Hàng năm, số tiền dành cho nghiên cứu cầu đường là nhiều tỷ đồng nhưng chủ đầu tư vẫn sử dụng công nghệ của nhà thầu.

 

Ngay như việc xây dựng cầu Thanh Trì (Hà Nội), việc sử dụng công nghệ đà giáo di động cũng là của nhà thầu nước ngoài, không phải do Việt Nam sản xuất. Viện Khoa học và Công nghệ GTVT rất muốn nhà nước giao cho quyền tự thiết kế và chế tạo những đà giáo di động này. Chúng tôi khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm được điều đó.

 

Phải chăng lý do chi phí khiến cho công nghệ đà giáo di động chưa thể áp dụng tại Việt Nam?

 

Hai đà giáo di động có mức chi phí khoảng 20 tỷ nhưng có thể tái sử dụng nhiều lần. Đó là chưa kể, đà giáo di động “second hand” mua của nước ngoài có thể rẻ hơn nhiều lần. Với đà giáo cố định, tiền chi phí có thể ít hơn một chút nhưng hiệu năng sử dụng lại rất thấp.

 

Thưa ông, các dự án lớn có nguồn vốn của nước ngoài như cầu Cần Thơ, Bộ GTVT là với tư cách là chủ đầu tư có từng lấy ý kiến của các chuyện gia trong nước?

 

Với những dự án trong nước Bộ GTVT cũng có tham khảo qua Viện nhưng với công trình vốn nước ngoài thì thường là không. Đơn vị nước ngoài họ chủ trì hết từ giám sát, thiết kế… Ngay như việc xây dựng cầu Thuận Phước, vốn của địa phương và Viện không được tham gia nhưng khi vấn đề căng kéo của cầu Thuận Phước có vấn đề, Sở GTCC Đà Nẵng mời tôi vào, tôi vào và thấy một rừng đà giáo tôi sợ bởi trụ cao quá.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phúc Hưng

Blogged with Flock

Không có nhận xét nào: