Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

TƯỚNG NHỚ MỘT NGƯỜI CHA

Rất đông độc giả liên lạc tòa soạn, hỏi về gia cảnh cố Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo, người mà chúng ta đã quá quen thuộc qua nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie,” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết gia đình bà quả phụ Nguyễn Ðình Bảo hiện sinh sống tại Sài Gòn. Bà Nguyễn Ðình Bảo nay 76 tuổi, vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Hai ông bà có ba người con. Trưởng nam, Nguyễn Bảo Tường, là một bác sĩ Nhi Khoa. Thứ nữ, Nguyễn Bảo Tú, làm việc tại Tòa Lãnh Sự Anh Quốc tại Sài Gòn. Con trai út, Nguyễn Bảo Tuấn, kiến trúc sư và đang giảng dạy tại một đại học ở Sài Gòn. Dưới đây là bài viết hồi năm 2012 của anh Nguyễn Bảo Tuấn, về thân phụ mình. Tòa soạn tìm thấy bài viết này trên trang Facebook riêng của Nguyễn Bảo Tuấn, xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

***

Trên FB tôi thấy đại đa số thường chọn hình mình hoặc hình con mình để làm avatar, ít hơn một chút thì lấy hình của người yêu, vợ hoặc chồng, hoặc một hình gì đó mà mình yêu thích. Riêng tôi thì tôi lại chọn một đối tượng khác mà hình như tôi thấy chưa một ai chọn giống như tôi: Một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi.Tôi sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh đầy phong ba bão táp. Cả nhà 6 người mà chỉ có một chiếc xe đạp thay phiên nhau đi, gạo thì chạy ăn từng bữa, anh trai tôi ngày ngày cứ 5 giờ sáng phải chạy lên Gò Vấp để lấy bánh đậu xanh về đi bỏ cho các tiệm bánh rồi mới về đi học trong suốt 7 năm trời, từ năm học lớp 11 đến hết năm thứ 6 Y Khoa. Khó khăn là vậy nhưng tôi vẫn trưởng thành một cách đầy kiêu hãnh. Ðôi khi nhìn lại tôi tự hỏi là điều gì đã giúp tôi mạnh mẽ mỗi khi đương đầu với những khó khăn? Và câu trả lời là do trong huyết quản tôi vẫn đang mang một dòng máu nóng trong mình và tôi đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ người đã cho tôi dòng máu ấy: Một người mà đã không giữ lời hứa với mẹ tôi.
Tôi cũng không biết tại sao tôi và người đó chỉ gặp gỡ và tiếp xúc trong có vài chục ngày, chính xác là từ ngày 6 tháng 1, 1972 đến ngày 25 tháng 3, 1972, mà tôi lại luôn luôn thương mến, cảm phục, tự hào và luôn lấy người làm tấm gương soi để tôi có đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Có lẽ là do cuộc sống của người quá vĩ đại và tôi đã được thừa hưởng một phần của nó. Mặc dù khi ra đi người đã không thực hiện được một lời hứa với mẹ tôi mà cho tới bây giờ tôi vẫn hỏi: “Tại sao?”

Charlie, tên nghe quá lạ!
“Toàn thể những địa danh nơi hốc núi, đầu rừng, cuối khe suối, tận con đường, tất cả đều bốc cháy, cháy hừng hực, cháy cực độ… Mùa Hè 1972, trên thôn xóm và thị trấn của ba miền đồng bốc cháy một thứ lửa nhân tạo, nóng hơn, mạnh hơn, tàn khốc gấp ngàn lần, vạn lần khối lửa mặt trời sát mặt…
Kinh khiếp hơn Ất Dậu, tàn khốc hơn Mậu Thân, cao hơn bão tố, phá nát hơn hồng thủy.

Mùa Hè năm 1972 – Mùa Hè máu. Mùa Hè của sự chết và tan vỡ toàn diện.
Nếu không có trận chiến mùa Hè năm 1972 thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum.

Charlie, “Cải Cách,” hay “C,” đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-Kơ và Ðường 14, đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim bay, đông-nam là Kontum, thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên.”
(Trích trong “Mùa Hè Ðỏ Lửa” của Phan Nhật Nam)
“Charlie bỗng trở thành một địa danh được nhắc nhớ từ sau 4,000 quả đạn pháo tới trong một ngày, từ sau người mũ đỏ Nguyễn Ðình Bảo nằm lại với Charlie.”
(Trích lời giới thiệu trong CD Chiến Tranh và Hòa Bình của Nhật Trường Trần Thiện Thanh)Cho đến bây giờ cũng ít người biết rằng tôi chính là “đứa bé thơ” với “tấm khăn sô bơ vơ “ trong bài hát “Người Ở Lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Và tôi lớn lên cùng với ký ức về một người Cha hào hùng như vậy.

Tôi không thần tượng Cha tôi từ một bài hát viết về người, cũng không thần tượng từ một hai trận đánh trong cuộc đời binh nghiệp của người, mà tôi thần tượng Cha mình từ chính cuộc đời của Người.
Trải qua biết bao thăng trầm đời binh nghiệp và cuối cùng người đã được giao làm tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn “Song Kiếm Trấn Ải” (biệt danh của Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù), một trong những tiểu đoàn được xem là thiện chiến nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Cha tôi là một người khát máu hung tàn, mà ngược lại hoàn toàn, mọi người đều nhớ về hình ảnh Cha tôi như là một võ sĩ đạo đúng nghĩa: Giỏi võ, dũng cảm và cao thượng.
Thời bấy giờ có mấy ai dám đánh một sĩ quan của Mỹ, vậy mà Cha tôi đã làm điều đó khi người sĩ quan đó dám làm nhục một người lính Việt Nam (chuyện này tôi được nghe bác ruột tôi kể lại). Có tiểu đoàn nào trong quân đội mà luôn gọi Tiểu Ðoàn Trưởng bằng tên thân mật “Anh Năm”?, nhất là trong binh chủng Nhảy Dù, việc phân chia cấp bậc luôn được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Vậy mà trong Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù, tất cả mọi người, từ lính đến sĩ quan, chẳng ai gọi Cha tôi là Trung Tá cả, mà luôn gọi là Anh Năm, và “Anh Năm” thường hay nói với mọi người trong tiểu đoàn rằng: “Tụi mày thì chẳng biết mẹ gì, nhưng tất cả tụi mày tao đều coi là em tao hết.”

“Anh Năm,
“Ngoài đời anh sống hào sảng, phóng khoáng và thật ‘giang hồ’ với bằng hữu anh em, còn trong quân ngũ, anh như một cây tùng ngạo nghễ giữa bão táp phong ba, Anh không nịnh cấp trên đè cấp dưới, anh chia sẻ vinh quang buồn thảm với sĩ quan và binh sĩ thuộc cấp.
“Anh sống hùng và đẹp như thế mà sao lúc ra đi lại quá phũ phàng!?

“Tôi về lại vườn Tao Ðàn, vẫn những hoa nắng tròn tròn xuyên qua khe lá, lấp loáng trên bộ đồ hoa ngụy trang theo mỗi bước chân. Cây vẫn xanh, chim vẫn hót, ông lão làm vườn vẫn lom khom cầm kéo tỉa những chùm hoa loa kèn, những cụm hoa móng rồng và những bụi hồng đầy màu sắc. Bên gốc cây cạnh căn lều chỉ huy của anh hồi tháng trước khi còn đóng quân ở đây, tôi thấy có bó hồng nhung đỏ điểm vài cánh hoa loa kèn trắng. Chống đôi nạng gỗ xuống xe, tiếng gõ khô cứng của đôi nạng trên mặt đường khiến ông lão ngẩng đầu và nhận ra tôi. Siết chặt tay ông cụ, trong ánh mắt già nua chùng xuống nỗi tiếc thương, chòm râu bạc lưa thưa phất phơ trước gió. Ông cụ đọc báo, nghe đài phát thanh nên biết anh đã ra đi, nên sáng nào cũng để một bó hoa tưởng nhớ và tiễn đưa anh.
Cụ mời tôi điếu thuốc Quân Tiếp Vụ, rồi ngồi xuống cạnh gốc cây, tay vuốt nhẹ trên những cánh hồng, sợi khói mỏng manh của điếu thuốc nhà binh quện trong tiếng nói:
“- Thuốc lá ông Quan Năm cho, tôi vẫn còn đủ dùng cho đến cuối năm. Mấy chục năm nay tôi mới gặp một ông quan nói chuyện thân mật và tốt bụng với những người dân như tôi. Người tốt mà sao ông Trời bắt đi sớm như vậy!?”
(Trích trong “Máu Lửa Charlie” của Ðoàn Phương Hải)

Cha tôi đã sống như thế nào mà những người ít ỏi còn sống sót trở về sau trận chiến tại đồi Charlie đều nói là họ thật hối tiếc khi không được nằm xuống cùng Cha tôi ở đó.
“Tô Phạm Liệu cảm thấy lẻ loi ở cái đại hội y sĩ có nhiều những người ‘mặc quần mới áo đẹp’ và ‘ăn to nói lớn,’ thích ‘nhảy đầm’ và ‘xếp hàng để lên hát’… Trong cơn say, anh nói là phải chi trước kia, mười mấy năm trước kia, anh được ‘ở lại Charlie’ với Trung Tá Nguyễn Ðình Bảo, với các bạn nhảy dù thì ‘sướng hơn nhiều.’”
(Trích trong “Tô Phạm Liệu: Người trở lại Charlie” của Phạm Anh Dũng)

Viên sĩ quan cố vấn Mỹ Duffy cho tới tận bây giờ vẫn còn luôn mang trong người những hoài niệm về Cha tôi và trận chiến tại Charlie. Mỗi lần tham gia các cuộc gặp gỡ của Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam (trong đó có một số hiện đang là tướng lãnh cao cấp trong quân đội Mỹ) ông ta đều hỏi mọi người, “Tụi mày có từng tham gia trận Charlie không, tụi mày có ai từng chiến đấu cạnh Colonel Bao (Trung Tá Bảo) chưa? Thế thì tụi mày còn xoàng lắm. Và hàng năm cứ mỗi lần sinh nhật của mình, ông ta đều đặt một ổ bánh kem làm hình một ngọn đồi và ghi chữ Charlie lên đó. (Chuyện này do chú Ðoàn Phương Hải khi về Việt Nam năm 2011 thuật lại cho tôi nghe).
Cha tôi đã sống như thế nào để một người Mỹ phải luôn khắc trong tâm khảm những hoài niệm như vậy?
Tôi chỉ có thể kết luận một câu: “Cuộc đời của Cha thật vĩ đại.”

Ngày hôm nay khi viết về Cha, tôi không biết viết gì hơn, chỉ xin dâng về hương hồn Cha một vài câu thơ nói về khí phách của Người và nơi mà Cha đã gửi lại thân xác vĩnh viễn cho núi rừng Charlie. Ở đây tôi xin dùng từ “Cởi áo trần gian” vì tôi tin rằng Cha vẫn đang khoác một chiếc áo khác và vẫn đang nhìn tôi từ một nơi rất xa…
Lặng lẽ ngàn năm chẳng danh xưng
Bỗng chốc một hôm hóa lẫy lừng
Charlie gầm thét trong lửa đạn
Gọi mãi tên người nước mắt rưng
Trai thời nỗi chết tựa trên lưng
Khí phách hiên ngang bước chẳng dừng
Charlie vẫy gọi người ở lại
Cởi áo trần gian tặng núi rừng
(Kính dâng tặng hương hồn Cha)

Sinh nhật mẹ tôi ngày 11 tháng 4. Trước khi hành quân vào Charlie ngày 25 tháng 3, Cha tôi đã đặt một chiếc bánh sinh nhật cho mẹ với lời hứa là sẽ về dự sinh nhật mẹ. Ðến ngày sinh nhật, mẹ đã không tổ chức mà vẫn chờ Cha về, và cho đến tận bây giờ mẹ vẫn chờ…

Tuy nhiên Cha đã thất hứa với mẹ vì ngày 12 tháng 4 Cha đã cởi áo trần gian và nằm lại vĩnh viễn với Charlie. Còn tôi, tôi chỉ biết hỏi là tại sao Cha lại không giữ lời hứa với mẹ tôi? Tại sao và tại sao…?

Fb Monghoa chia sẻ

10 GIAI THOẠI VỀ ĐỜI HOẠT ĐỘNG CỦA HÀ CHỦ TỊCH

Tác giả: Trần Giả Hà

Vừa là doanh nhân vừa là quan chức, ông trùm Bắc Hà luôn được xem là "con sói" trong giới ngân hàng, là nhân vật số hai dưới triều đại cũ. Quyền năng có thể coi là hô phong hoán vũ, sự ngạo mạn đã thành giai thoại.

Ông trùm có tật mê múa lửa, mê chân dài, bất cứ lễ động thổ, khởi công... nào có mặt là phải có màn múa lửa, về rượu thì mê Ballantine !

Sau đây là các giai thoại của ông ấy:

1. Một nữ nhân viên BIDV bước vào thang máy, ở đó đang có một người, "ông trùm" mà cô chưa kịp chào. Cô nhận ngay một trận chửi té tát.
- Cút ngay!

2. Trên một chuyến bay VN Airline, ông trùm tát thẳng cánh một nữ tiếp viên, bắt cô phải quì gối xin lỗi vì làm gã phật ý. Sau đó ông trùm cũng không tha làm nhục cả cơ trưởng.

3. Tại Sàn chứng khoán Tokyo, ông trùm hò hét tuỳ tùng trai thì "thằng" gái thì "đĩ" và yêu cầu được hút thuốc, dù có bảng cấm hút trong phòng giao dịch.

4. Một cuộc hội họp ở Bình Định, một PCT tỉnh vừa mở miệng phê phán thì bị ông trùm quát:
- Mày không đủ tuổi nói chuyện với tao!
Vị PCT vừa phản ứng thì lập tức nhận ngay một cú tát trời giáng, ôm mặt khóc giữa đám đông.

4. Lại có lần, xích mích chuyện đầu tư cảng Quy Nhơn, ông trùm hẹn Nguyễn Văn Thiện, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chơi golf. Khi Thiên tới, ông trùm vụt gậy golf tới tấp, Thiện gãy ba sườn, phải chở đi bệnh viện cấp cứu.

5. Đại hội BIDV có nhiều tai to mặt lớn. Một người hỏi:
- Tại sao nhân sự chủ chốt của ngân hàng đa phần là người Bình Định? Lập tức nhận được câu trả lời đốp chát của ông trùm:
- Đã có quá nhiều người hỏi câu này. Tôi xin trả lời luôn một lần: Vì tôi là người Bình Định!

6. Trên khoang thương gia, một lãnh đạo cao cấp đang đọc quyển tạp chí. Ông trùm bước tới giật phăng rồi cười ngạo nghễ. Vị quan to im lặng.

7. Có lần ông trùm chửi thẳng mặt một bộ trưởng:
- Tại sao mày xin chỉ đạo của thủ tướng vào lúc này? Cút ngay! Rồi quay sang bảo - Đi thôi anh Ba, trễ giờ bay rồi!

8. BIDV muốn thâu tóm Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB), ông trùm hỏi cộc lốc:
- Giao hay không?
Dù không muốn, nhưng sau đó lãnh đạo MHB buộc phải giao vì có "chủ trương bên trên".

9. Có lần, cả chuyến bay phải dừng lại chờ một nhân vật trễ giờ, nhân vật ấy là ông trùm. Bất chấp trên máy bay hôm ấy có ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng đương nhiệm.

10. Một lần đến Thành phố Pleiku dự một buổi liên hoan, Trần Bắc Hà đã chỉ tay chửi mắng, dọa đánh mấy diễn viên của đoàn nghệ thuật tỉnh Gia Lai - Kon Tum khiến đoàn trưởng Ymoan vốn chẳng sợ ai phải cự lại, và thách thức.

Anh hùng nào rồi cũng đến thời mạt vận.
Hôm nay, ông trùm chính thức vào lò.

Nguồn:Văn Lang”
(Copy từ Fb. Nguyễn Xuân Diện)
30/11/2018



Lời nói thực tế của một nhóm người già

Mình nhận được bài viết do 1 người bạn gởi, mà tác giả là ai mình không biết . Bài viết hay , nên mình đăng chia sẻ cùng các bạn .

Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi.


Lời nói thực tế của một nhóm người già


Chúng ta đã già rồi! Nhưng mà hiện tại sức khoẻ vẫn còn tốt, đầu óc hãy còn minh mẫn, già rồi trông cậy vào ai! Phải phân chia ra nhiều giai đoạn mà nói.

Giai đoạn thứ nhứt

Sau khi đã về hưu, tuổi từ 60 đến 70, sức khoẻ cũng như điều kiện hãy còn tốt. Thích ăn gì thì ăn, thích mặc gì thì cứ mặc, thích chơi đùa gì thì cứ chơi đùa, chẳng nên tự bạc đãi mình, vì những ngày giờ này sẽ không còn là bao lâu nữa, cần phải nắm lấy (cơ hội). Nắm giữ một ít tiền, giữ lại căn nhà, biết tự an bài tốt cho con đường sau cùng của mình.

Tình trạng kính tế của con cái được tốt là của chính chúng, con cái hiếu thuận là phẩm hạnh tốt của chúng. Chúng ta chẳng nên cự tuyệt sự giúp đỡ của con cái, không nên cự tuyệt sự hiếu kính của chúng. Nhưng quan trọng nhứt là phải biết tự nương tựa vào chính mình, tự an bài tốt cho sinh hoạt của chính chúng ta.

Giai đoạn thứ hai

Qua hết đoạn tuổi bảy mươi (tức ở vào tuổi bát tuần) mà không có bệnh hoạn gì, cuộc sống hãy còn được tự do, đó là không có những vấn đề gì lớn xảy ra, nhưng phải nên nhớ rằng mình đúng là đã già rồi, thể lực và tinh lực sẽ không còn tốt nữa, các phản ứng tự nhiên của mình cũng sẽ từ từ xấu đi.

Nên ăn cơm chậm lại để đề phòng mắc nghẹn; đi đứng cần chậm lại để đề phòng bị té ngã.

Chẳng nên tranh hơn người, cần biết tự chăm sóc cho chính bản thân mình!

Đừng nên đi "quán xuyến" việc này việc kia, lo lắng sinh hoạt của con cái. Có người còn đi giữ cháu nội cháu ngoại nữa.

Cần phải biết "ích kỷ" một chút để, tự chăm sóc, trông coi chính mình.

Mọi việc phải biết để cho nó hoà theo tự nhiên, phải làm tí công việc quét dọn rác, phải biết cố gắng giữ gìn cho cái trạng thái sức khoẻ của mình được lâu dài hơn.

Để cho cái năng lực tự chủ về cuộc sống của mình có thể kéo dài thêm, không phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác, thì có phải là tốt hơn không?

Giai đoạn thứ ba

Sức khoẻ đã suy yếu rồi, phải cần đến người giúp chăm sóc cho mình, việc này nhất định phải được chuẩn bị từ trước, tuyệt đại đa số con người ít ai tránh khỏi được cái cửa ải này.

Phải biết điều chỉnh tốt cho lòng mình, phải biết thích ứng với hoàn cảnh, sinh lão bịnh tử, với cái Tử là cái việc thường tình của đời người.

Ta cứ thản nhiên mà đối diện với nó, vì đó là cái đoạn cuối của đời người, chẳng có gì mà phải sợ nó, đã có chuẩn bị trước rồi, thì chẳng có chi mà cảm thấy phải khó chịu.

Hoặc là vào viện dưỡng lão, hoặc là mướn người đến nhà trông coi chăm sóc cho mình, lượng sức lượng tình mà làm, nhất định là phải có biện pháp.

Nguyên tắc là chẳng nên "làm khổ" con cái của mình, đừng để con cái mang nặng cái tâm lý không tốt, làm thêm nhiều công việc nhà, gánh nặng thêm sự tốn hao tài chánh hạn hẹp của gia đình.

Tự mình phải biết khắc phục thêm một chút, cái cuộc đời nầy của mình, cái gì khổ, cái gì khó khăn cũng đã qua rồi, hãy tin tưởng rằng cái đoạn đường nhân sinh cuối cùng cũng sẽ dễ dàng mà bước qua.

Giai đoạn thứ tư

Đầu óc ta minh mẫn, bệnh tật đeo mang không cách nào thoát khỏi, lúc mà cái phẩm chất của sinh mạng đến điểm tệ hại nhất, phải biết dám đối diện với cái chết, cương quyết không để người nhà phải lao khổ tái cứu sinh, không để bà con thân hữu phải chịu hứng chịu những hao tốn vô ích.

"Già rồi" trông cậy vào ai? Chính mình, chính mình, lại vẫn là chính mình.

Già rồi thì phải làm sao?

Tại sao lại có cái ý nghĩ nầy, đó là do bởi tôi luôn nhận thấy, người già trên 80, không cần phải hạn chế đồ ăn của họ phải thanh đạm, cũng không cần phải giảm cân, ăn được là quan trọng nhứt

Muốn ăn gì thì cứ ăn, có thể cho là ăn được những món ngon của thế gian nầy, để cho cuộc sống càng thêm vui sướng và thích thú. Hạn chế người già không được làm cái nầy, ăn cái kia là đi ngược lại cái nhân tính của con người, mà lại cũng chẳng có gì gọi là căn cứ khoa học cả.

Trên thực tế, càng ngày càng có nhiều hiển thị chứng cứ của khoa học là, người già cần ăn ngon thêm một chút, cần mập thêm một tí, để cho cơ thể họ có thêm năng lực để đối kháng bệnh tật, đối kháng tính trầm cảm.

Tôi mong ước là, các cụ lão niên đều có thể hưởng thụ được sự tốt đẹp của đoạn cuối con đường nhân sinh của chính mình, mà không phải lưu lại bất cứ một điều gì hối tiếc.

Có thể cũng đừng kỳ vọng chờ đợi để lại cho thế hệ kế tiếp.

Lời kết luận:

Câu nói đúng của tục ngữ: "biết lo về tài chánh thì không nghèo, có kế hoạch thì không rối rắm, có chuẩn bị thì không bận rộn". Chúng ta với tư cách là lão niên "dự bị quân" đã có ý tốt chuẩn bị hay chưa?

Chỉ cần sự việc chưa xảy ra, phải có chuẩn bị cho tốt, sau nầy sẽ khỏi phải lo lắng cho cuộc sống ở tuổi xế chiều.

Thứ nhất: Lão Kiện

Sự chuẩn bị trước tiên là cái khả năng làm cho sức khỏe tốt ở tuổi già, ngày thường cần chú ý đến "tam dưỡng":

1-ăn uống dinh dưỡng,
2-chú trọng bảo dưỡng,
3-phải biết tu dưỡng.

Thứ hai: Lão Cư

a/- Đối với sự việc cùng con cháu ở chung, phải rán nhẫn nhịn bằng cách im hơi lặng tiếng trong cuộc sống, chi bằng

b/- Vui sống hưởng thụ với cuộc sống đơn lẻ độc thân, bất luận là trong thành phố hay khu ngoại ô, những nơi thích hợp cho chính bản thân mình, đồng thời là nơi có những quán ăn gần nhà mà mình ưa thích nhứt...

Thứ ba: Lão Bổn

- Đã nuôi dưỡng được con cái, mà không thể có cách nào để dưỡng già. Là cha mẹ của người ta thì phải nhớ biết tự lập tự cường, chưa vào trong quan tài thì đừng bao giờ chia gia sản.

Thứ tư: Lão Hữu

- Có được một người bạn tốt, người hảo hữu cùng ăn chung và người bạn đời đều quan trọng như nhau, bình thường cần phải biết kết rộng thiện duyên, nhận thức nhiều về các loại bằng hữu, là để hưởng thụ được cái bí quyết của nhân sinh.

Nói tóm lại, dù bạn là một trường thọ lão ông hay lão phụ, cuối cùng, bạn cũng chỉ là một con người.

Cái câu nói nầy thật không bi thiết chút nào, lại cũng không có gì phải lo sợ, hoàn toàn do bạn tự an bài cách sống như thế nào, để coi bạn có hay không có cái tâm lý thành thục, có yêu thích cái gì đó thì rất đáng để bạn trực tiếp đi làm.

Có được cái sức khoẻ tốt hay hạnh phúc, cũng đừng hy vọng để lại cho con cái.

Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi.

Xin đừng có "nhân tại thiên đàng, tiền tại ngân hàng", cái gọi là "một mình rất buồn tẻ", "già rồi mà chẳng có ai phục dịch", những tín hiệu phiến diện v.v và v.v... đã là những câu nói lỗi thời từ lâu rồi.

Hãy nhận thức cách rõ ràng là: tiền tài, giàu sang chỉ là những số tự mà thôi, danh lợi cũng chỉ là một đoản kỳ tạm hư vinh, cuộc sống mới đúng là cái toàn diện của đời người,

Hãy là cái người "vui sống hưởng thụ cái cảnh già độc thân", thì cuộc đời mình sẽ có những mùa Xuân rực rỡ trở lại, với chính mình, điều kiện là: thân thể cường tráng, có tiền, có thì giờ, có bạn bè, lại cũng có cái không gian chuyên thuộc của riêng mình.

fb HIỆP TÔN THẤT chia sẻ


Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

CHA - CON TRAI

Người cha ngoài 40 tuổi sống tại Việt Nam, có cậu con trai 16 tuổi đang ở Mỹ. Con anh sang Mỹ năm 2008, đi cùng người mẹ theo diện kết hôn, tuy nhiên, hai cha con vẫn nói chuyện với nhau mỗi ngày qua các phương tiện liên lạc cá nhân. Anh chứng kiến mỗi ngày con lớn và vừa mừng vừa lo khi biết con trai anh tự lập một cách ngoài sức tưởng tượng của anh. Cậu bé làm tất cả mọi việc cá nhân, tự chọn điều mình thích, tự chịu trách nhiệm với cái mình chọn.

Nhiều lần anh tâm sự với bạn bè, việc con đi cùng mẹ đến một quốc gia mới là điều may mắn lớn nhất đời anh. Bởi anh chứng kiến ở Việt Nam, chưa biết đứa trẻ đã phải chịu những va đập của xã hội đến đâu, nhưng cha mẹ chúng là những người tổn thương trước. Từ môi trường sống bị ô nhiễm, đến môi trường giáo dục chứa đựng nhiều thứ phản giáo dục, đến môi trường đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng mang đến những thói quen tệ hại dễ tiêm nhiễm vào đứa trẻ... Dĩ nhiên, nói như vậy không có nghĩa nước Mỹ là thiên đường nhưng ít ra nơi đó, đứa trẻ còn được bảo vệ và tôn trọng như một con người đúng nghĩa.

Và việc của anh, từ trong ý thức là làm ra tài sản, để lại cho con anh thừa hưởng.

Kỷ niệm 10 năm hai cha con sống xa nhau, anh xin con một cuộc nói chuyện thật dài để cả 2 nói hết điều mình nghĩ. Ừ, thì 10 năm, một đứa trẻ 6 tuổi thành một cậu bé 16 tuổi, sống ở một môi trường khác sẽ có một cách nghĩ khác.
Và một người đàn ông ngoài 30 tuổi năm ấy, giờ đã hơn 40 tuổi, cũng có nhiều tâm sự chất chứa muốn chia sẻ với con mình. Câu chuyện hôm đó, anh dành cho con nói trước.
Tuy nhiên, người con nói: "Bố, 10 năm qua bố dạy con hãy giữ nề nếp người Việt, kính trọng cha mẹ và những người lớn tuổi hơn, nên con sẽ nhường bố nói câu chuyện của mình trước. Sau đó, con sẽ nói những điều con nghĩ từ câu chuyện của bố"

Ông bố tâm sự: "Đến lúc này bố biết mình bắt đầu già. Sức khoẻ của bố cũng dần đi xuống và bố không biết được bố sẽ đồng hành với con đến lúc nào. Thì dù có thế nào, con cũng phải sống cho tốt. Bố sẽ luôn nghĩ về con cho đến phút cuối"

"16 năm qua từ ngày có con, với bất cứ một quyết định nào trong cuộc đời của bố, bố cũng đều nghĩ cho con và vì con. Bố nghĩ đó là việc bố phải làm. Kể cả đến lúc này, bố lao động để làm ra của cải vật chất, tích góp lại để con có một khối tài sản ổn định về sau. Trên đường đời, nhỡ con gặp điều gì không may mắn thì con cũng có những chỗ dựa để không phải chông chênh".

"Con hãy hiểu và tôn trọng tinh thần Việt, bố muốn con sau này quay trở về Việt Nam, tiếp nối bố để tiếp tục xây dựng những cơ ngơi mà bố đã để lại đây. Nếu sau này bố qua đời, con nhớ hỏa táng bố, rải hết tro cốt xuống biển và không làm giỗ, không để lại bất cứ điều gì liên quan đến bố trong cõi đời. Để bố được thanh thản".

Và đây là suy nghĩ của người con:

"Con cảm ơn bố đã sống cả cuộc đời vì con và cho con. Nhưng ngày hôm nay, con cũng sẽ nói với bố rằng bố sống cho con và vì con như vậy đã đủ rồi. Bố hãy yên tâm một điều con đã là bạn của bố, đang là bạn của bố và mãi mãi là bạn của bố. Con yêu bố như một người bạn thân nhất trong cuộc đời con và con nghĩ con phải cư xử đúng với tình yêu ấy"

"Con nói cho bố một điều là bố đã vì quá yêu con đến mức tình yêu đó biến thành sở hữu. Ở Mỹ, những đứa trẻ như con rất sợ điều đó. Nhiều ông bố bà mẹ châu Á đã phải đi tù chỉ vì thương con quá mức cần thiết và muốn sở hữu con. Bố ạ, con thì khác, con là người Việt, nên dù có thế nào con cũng không làm tổn thương bố. Chỉ có điều, bố nên tôn trọng điều con nghĩ và điều con muốn"

"Đơn giản thôi, bố hãy để con tự quyết định cuộc đời mình. Con sẽ tự lớn lên, tự kiếm việc để làm, tự trưởng thành và bố chỉ cần tin con không làm việc xấu là được. Bố có con thì bố hãy vui mà sống. Bố có nhà thì bố cứ ở trong căn nhà bố. Bố lao động thì bố cứ lao động, có tài sản nếu xã hội cần, bố cứ tặng cho những người bất hạnh. Không sao cả, con chấp nhận và vui vì điều đó hơn là vì con mà bố cứ phải è cổ ra làm việc chỉ mong để lại tài sản cho con"

"Tại sao bố không sống vì bố mà bố cứ phải vì con? Lúc này đây bố hãy vì bố đi. Bố làm việc ít lại, đi du lịch nhiều hơn. Đi kiểm tra sức khoẻ và hãy nghĩ rằng, nếu vì con thì bố phải khỏe để làm bạn với con được nhiều hơn thay vì không lo cho mình và cứ phải chết vì lý do hy sinh cho con. Bố làm vậy con đâu có vui được?"

"Những gì của bố là của bố. Những gì của con ở phía trước, con không ngoảnh lại để trông chờ sở hữu cả cuộc đời của bố để lại đó cho con hưởng thụ. Nếu bố xem con là tài sản lớn nhất thì bố cứ vui sống với tài sản đó thay vì bố cứ phải vất vả khổ sở vì cái tài sản đó. Bố thì khổ, con thì buồn. Đâu nhất thiết. Không lẽ giờ con sẽ nói với bố là con sẽ không muốn thừa kế bất cứ điều gì từ bố mặc dù con biết con sẽ phải nói điều này. Không phải vì con hay vì bố mà vì chúng ta cần được vui vẻ để sống cùng nhau"

"Cuối cùng con chỉ nói với bố, việc về hay ở tùy thuộc vào tương lai. Có thể con về, cũng có thể con ở lại miễn là sống ở đâu con thấy vui. Đừng vì ngày đó để tiếp tục bố lại phải quên bản thân bố vì con. Tại sao bố cứ lấy lý do sống vì con để làm phương châm cho cuộc sống của bố vậy? Bố con mình từng tranh cãi câu chuyện cái mặt nạ trên máy bay, rằng khi nó rơi xuống thì người cha hay người mẹ phải đeo vào cho mình trước cơ mà? Bố phải vui phải khỏe thì mới sống lâu với con được chứ? Con muốn vui sống với bố được lâu dài và chúng ta sẽ nói những câu chuyện vui ở những ngày tiếp theo".

Người cha không nghĩ rằng con mình có thể nói những điều như thế và cũng không nghĩ rằng, mọi thứ hoàn toàn không theo lập trình của ông cho cuộc sống của mình và cho tương lai con theo cách mà ông nghĩ.

Chỉ biết rằng sau đó, người đàn ông trung niên bắt đầu làm việc ít lại, tập thể dục nhiều hơn, đi du lịch nhiều hơn, cũng như ông rời xa những bon chen công việc mà ông sẽ phải thắng bằng mọi cách như trước kia.
(St)

Chia sẻ từ fb Le Yuen và Dang Danh chia sẻ




Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2018

CÓ NHỮNG " NGƯỜI THẦY "NHƯ THẾ

Nguyễn Thị Bích Hậu

Nhìn tấm hình này, có thể thấy phong thái học hành tuyệt vời của Đại học Y khoa Sài Gòn trước 1975, khi sinh viên nghe như uống từng lời của giáo sư Phạm Biểu Tâm. khoa trưởng khoa Y VN đầu tiên của trường. Một chuyện đáng nhớ về giáo sư là vào đầu thập niên 60, trong kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Y khoa Sài Gòn, Ngô Đình Lệ Thuỷ (con của Cố vấn Tổng thống Ngô Đình Nhu) thi không đạt điểm đậu. Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Chủ tịch Hội đồng thi đã từ chối cho Lệ Thuỷ vào học, mặc dù có sự can thiệp của Bộ trưởng Giáo dục thời đó.

Giáo sư Ngô Gia Hy nói "Ở Sài Gòn, trong cương vị Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, khoa trưởng Đại học Y khoa Sài Gòn, quyền Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, Anh (GS Tâm) cũng vẫn tấm lòng đôn hậu, nhưng rất cương trực điều hành và cư xử tốt với tất cả mọi người. Anh đã cương quyết thực hiện công bằng trong các kỳ thi tuyển sinh vào trường y khoa, vượt qua những áp lực dựa vào quyền thế. Anh có đặc tính khiêm tốn, dù ở địa vị cao, mà Anh không hề nói xấu một người nào. Ngoài ra, Anh còn là người con hiếu thảo, là giáo sư nhưng mỗi khi về Huế, Anh vẫn mặc áo the thâm hầu hạ phụ thân đã cao tuổi như một người con nhỏ. Đối với những thầy cũ của mình, bất cứ ở đâu, trong trường hợp nào, Anh vẫn tỏ lòng kính trọng, lắng nghe…”.

Giáo sư Phạm Biểu Tâm học tiểu học tại Huế, và sau đó qua trung học phổ thông tại Vinh. Đến lúc trung học chuyên khoa (Tú tài), ông theo học tại Trường Quốc học Huế và Trường Bưởi (Hà Nội).

Năm 1932 ông bắt đầu theo học Trường thuốc tại Hà Nội. Khi đã tốt nghiệp, ông tiếp tục làm nội trú bệnh viện trong nhiều năm để học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 1947 ông đệ trình luận án tiến sĩ y khoa với đề tài là "Introduction de la Médecine occidentale en Extrême-Orient" (Sự du nhập của y khoa Tây phương vào các nước miền Viễn đông).

Năm 1948 ông trúng tuyển kỳ thi thạc sĩ y khoa (professeurs agrégés des universités, để làm giáo sư) tại Paris, đồng thời với bác sĩ Trần Quang Đệ, một nhà phẫu thuật lừng danh khác của Việt Nam. Ông trở về nước làm giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội suốt trong khoảng thời gian từ 1949 đến 1954. Ông cũng kiêm nhiệm chức Giám đốc Bệnh viện Yersin tại Hà Nội và sau đó là Phó giám đốc Trường Quân y.

Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào nam và trở thành Giám đốc kiêmTrưởng khoa Ngoại tại Bệnh viện Bình Dân. Một năm sau, ông trở thành khoa trưởng người Việt đầu tiên của Trường Đại học Y Dược Sài Gòn. Nhưng ít năm sau đó, ông từ chối lời mời làm Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, nhất quyết ở lại với Trường Y khoa để tiếp tục chương trình đã theo đuổi từ nhiều năm.

Sau 1975, giáo sư Phạm Biểu Tâm vẫn ở lại VN. Một học trò cũ của ông là Ngô Thế Vinh viết" thầy Tâm vẫn có được sự kính trọng và vị nể của chế-độ mới, vì đức độ tài-năng và nhân-cách đặc-biệt của Thầy. Thầy thì cứ như một nhà nông biết là thời tiết không thuận lợi, nhưng vẫn cứ cắm cúi vun xới thửa đất để cấy trồng. Trước sau, chưa bao giờ Thầy có phòng mạch tư, cuộc sống của Thầy rất thanh bạch. Hàng ngày toàn thời gian Thầy tới nhà thương Bình Dân khám bệnh, mổ xẻ và hết lòng chăm sóc người bệnh cùng với công việc giảng dậy cho các thế hệ môn sinh. Chế độ mới cần tới uy tín Thầy nhưng họ vẫn không bao giờ tin nơi Thầy. Bằng cớ là nhà của thầy Tâm ít nhất đã hai lần bị công an thành phố xông vào lục xét, và cứ sau một lần như vậy, không phát hiện được gì ..."

Thày Phạm Biểu Tâm mất năm 1999 tại Mỹ sau thời gian dưỡng bệnh. Tháng 12 hàng năm là dịp tưởng niệm ngày mất của thày. Mỗi khi nhớ tới thày, tôi rất xúc động, bởi thày thực sự là một tri thức Việt Nam rất hiếm có kể cả về tài năng, đức độ, nhân cách. Tiếc thay giờ đây ở ta rất khó tìm thấy những giáo sư như thày Phạm Biểu Tâm.

NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU
(Bài và ảnh)






Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

NGHỊCH LÝ VIỆT NAM

fb Nguyen Hoang Dung

Cái gì thì không dám nói chứ nghịch lý ở đất nước này thì vô thiên lủng, nhiều quá đếm không xuể. Chẳng phải vậy mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đã có một bài để đời đăng trên tờ Tuổi Trẻ năm 1988 với tựa đề: “Việt Nam Xứ Sở Của Nghịch Lý”(1). Tuy nhiên, những nghịch lý anh Chênh nêu vào thời gian đó vẫn chưa thấm tháp gì với nghịch lý mà tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu ra cho những người có trách nhiệm năm 2017: “TẠI SAO CHÚNG TA HỐT LẠI NHỮNG THỨ MÀ DÂN TỘC KHÁC ĐỔ ĐI?”(2), khi mà cho tới tận năm 2018, chúng ta vẫn quyết tâm kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin vốn đã bị cả người Đức lẫn người Nga vứt vào sọt rác lịch sử.

Khuôn khổ hạn hẹp của bài viết chỉ cho phép tác giả đề cập thêm đôi chút nghịch lý nữa trong đất nước Việt Nam hiện nay, hầu mong góp một giọt dầu loang, loang tới những chỗ cần loang, hoặc đơn giản chỉ là góp chút xíu gió bằng cái đập cánh của một con bướm nhỏ, để rồi cùng với hàng triệu con bướm khác đang ngày đêm vỗ cánh trong “Hiệu Ứng Cánh Bướm” nhiệm mầu, tạo nên một cơn bão đủ lớn quét sập những gì lẽ ra phải sập từ rất lâu rồi. Đó là những nghịch lý “Tù Nhân-Lương Dân”, nghịch lý “Đảng Cử-Dân Bầu”, và Nghịch Lý “Bạn Bè-Thù Địch”

Trong khi giới luật sư Nhật Bản đang đối diện với viễn cảnh thất nghiệp ngay trên đất nước mình vì người dân xứ sở “mặt trời mọc” có xu hướng tự hoà giải những mâu thuẫn với nhau mà không qua kiện cáo để đáo tụng đình(3), và các nhà tù của Hà Lan có thể sẽ phải đóng cửa trong nay mai vì không có đủ tù nhân để giam giữ do ý thức chấp hành pháp luật của người dân xứ này quá cao(4), thì Việt Nam lại đang xảy ra quá trình ngược: lạm phát "tù nhân"!

Chữ "tù nhân" được để trong ngoặc kép nhằm nêu lên một thực trạng là có rất nhiều lương dân, lẽ ra phải được ca ngợi, tôn vinh vì sự dấn thân cho tổ quốc và lòng yêu nước thương nòi, thì bỗng dưng lại bị trù dập, vu cáo và bỏ tù tại đất nước Việt Nam này với tội danh là "phản động", vốn phải được hiểu là "phản đảng" hay "chống đảng". Biểu tình chống Trung Quốc, chống luật đặc khu, phản đối Formosa xả thải trái phép, tham gia hội họp câu lạc bộ cắt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông No-U, hay viết blog, status trên facebook phản đối ôn hòa đường lối quá thân Trung của chính phủ cũng đều có khả năng bị quy kết là "phản động" hết vì quyết sách của đảng là “thân Trung”.

Tuy nhiên, tên gọi chính xác hơn cho những "tù nhân" như thế này phải là “lương dân” hay "tù nhân lương tâm" vì họ nói thay tiếng nói lương tri của mấy chục triệu người dân Việt, nếu không muốn nói là gồm hết thảy dân tộc này. Nhiều người trong số họ là "hiền tài", là "nguyên khí" quốc gia. Mỉa mai thay khi "nguyên khí" vừa bị nhốt trong "lồng cơ chế" vừa bị cảnh tù đày. Thật là một ách hai tròng! Nói gì thì nói, việc có quá nhiều nhà tù hiện hữu và nạn bắt bớ liên miên không thể nào là dấu chỉ của một xã hội ổn định văn minh, bàn chi tới hành động tự sướng là "thời đại rực rỡ nhất” (5) hoặc “có bao giờ được thế này chăng?” và “chưa bao giờ được như bây giờ”(6). Lẽ nào họ lại không phân biệt nổi đối nghĩa giữa “được” và “bị”?

Cứ nhìn thêm một khía cạnh nghịch lý nữa, khía cạnh chính danh của chính quyền trong cụm từ “Đảng Cử-Dân Bầu”. Không nói đâu xa, chỉ nói đến sự kiện Quốc Hội bầu chức danh Chủ Tịch Nước hôm 23/10/2018 vừa rồi thôi. Đảng đã “cử”mấy ứng viên để “bầu”? Chỉ mỗi 1 người cho 1 vị trí. Thật quá vô lý! Nếu cứ tiếp tục “bầu” kiểu như thế này thì người lớn phải biết giải thích ra sao cho những đứa trẻ về phép so sánh bằng, so sánh hơn hoặc so sánh nhất? Có phép so sánh nào mà không hàm chứa số nhiều từ 2 trở lên không? Ngay cả khi ta so sánh ta với chính ta theo biến số thời gian, thì số lượng nhân ảnh đương nhiên cũng là 2, vì vũ trụ vạn vật biến dịch, vô thường theo từng sát-na. Ta một sát-na trước và ta một sát-na sau là không giống nhau. Nhưng đây đang nói tới sự lựa chọn 1 người thích hợp nhất cho 1 chức vụ. Mà hễ “lựa chọn” thì dứt khoát phải là 2 trở lên, không thể khác được. Đó mới đích thực là bầu chứ! “Cử” có một người mà “bầu” thì phải nói là “cưỡng từ” mất rồi.

Hơn nữa, xét cho tận cùng, nếu đảng đã “cử” rồi, dù “cử” bao nhiêu người đi nữa thì dân có cơ hội nào mà “bầu”? Vì dân có thực sự cầm phiếu mà bầu lên một đại biểu quốc hội nào đâu? Đại biểu quốc hội toàn là đảng viên và vài người đảng chọn. Thử hỏi có người nào được phép tự ứng cử quốc hội chưa nếu như đảng không gật đầu trước? Chưa nói đến trúng cử làm gì cho xa vời. Vậy phải nên trung thực mà sửa cụm từ quá mị dân kia thành “Đảng Cử-Đảng Bầu” cho đúng với thực tế. Vì nếu cứ khăng khăng “Đảng Cử-Dân Bầu” thì đích thị là “đoạt ý” rồi còn gì. Cương lĩnh đảng còn đứng trên hiến pháp như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu (7) thì cớ gì không dám huỵch tẹt “Đảng Cử-Đảng Bầu”? Bệnh gì đảng phải cử ta?

Từ những việc tưởng chừng như là chuyện đương nhiên theo thông lệ quốc tế như minh bạch hoá quy trình “bầu” và “cử” mà chúng ta còn thực hiện chưa được, thì bao giờ chúng ta mới thật sự hội nhập vào dòng chảy văn minh thế giới đây? Chính vì vậy mà hàng triệu người Việt mới dán mắt vào màn hình máy tính, laptop, smartphone...suốt ngày hôm qua (6/11/2018) nhằm theo dõi cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, đâu phải họ chỉ quan tâm tới Tổng Thống Donald Trump và Đảng Cộng Hoà vốn có khuynh hướng “đánh” Trung Quốc, mà nó còn bày tỏ khát vọng truy tầm chân lý, và nỗi khát khao sự thật của người Việt. Không thật sao được khi bên kia lá phiếu của từng cử tri Mỹ thực sự quyết định ai thắng ai thua ở từng bang, đảng nào chiếm đa số ở Thượng Viện và Hạ Viện, rồi nó gay cấn và kịch tính đến phút cuối, hơn thua nhau sít sao từng phiếu một. Không giả sao được khi nhân dân bị tiếm danh, bị gạt ra bên rìa cuộc bầu cử để rồi kết quả là ai đó đã “trúng cử” trên 99% cả trước khi quá trình bầu cử diễn ra. Hình ảnh người dân Việt Nam chú tâm tới cuộc bầu cử giữa kỷ ở Mỹ còn là một sự bỉ bôi cay độc đối với hệ thống bầu cử diễn kịch nước nhà.

Thế nhưng, nghịch lý lớn nhất vẫn là quan niệm lẫn lộn lú lẫn “Bạn Bè-Thù Địch” của đảng và nhà nước Việt Nam đối với Trung Quốc, địch thủ ngàn năm phương Bắc. Trung Quốc là hiểm họa ngoại xâm lớn nhất và duy nhất của Việt Nam. Lịch sử đã chỉ rõ không cần thiết phải nhắc lại. Vấn đề cần bàn chỉ là nên giao hảo với chúng ra sao và đề phòng chúng như thế nào thôi. Ấy vậy mà lãnh đạo đảng chúng ta qua các thời kỳ cứ xem Trung Quốc là anh em, còn hơn bạn bè, theo kiểu “Huynh Đệ Chi Đảng”. Không chỉ ngây thơ ôm ấp cái “Đại Cục” tẩm đầy thuốc độc (8), tự trói mình với sợi đây “Bốn Tốt” (9) và đội lên đầu vòng kim cô “Mười Sáu Vàng”(10), lãnh đạo chúng ta còn quá ngây ngô khi cho bơm máu bẩn “Nhân Dân Tệ” vào cơ thể kinh tế èo uột của mình (11), mở toang cửa khẩu cho hàng hoá và người Trung Quốc tự tung chạy xe vào (12), và tệ hơn mới đây còn công khai ủng hộ chương trình “Sáng Kiến Vành Đai-Con Đường” của Trung Quốc.(13)

Do không thể hoặc không muốn xác định Trung Quốc là địch nhân cho nên đảng ta đã không đủ khôn ngoan lựa chọn bạn bè và đồng minh thích hợp mà kết giao nhằm đối trọng với kẻ láng giềng tham tàn này. Chỉ cần biết đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thì theo logic bình thường, đương nhiên đảng, nhà nước Việt Nam sẽ bắt tay làm bạn với Mỹ, Châu Âu, Anh, Nhật, Úc, Ấn, Hàn...chứ không thể nào lại đi ôm vai bá cổ Trung Quốc, kẻ luôn có dã tâm cướp đất cướp biển của ta cho được. Phải nói tất cả các hệ lụy lớn nhỏ xuất phát từ Trung Quốc đều có nguyên nhân xâu xa từ việc xác định sai “coi thù thành bạn” này. Hậu quả là chúng ta mất dần biển đảo từ Hoàng Sa tới Trường Sa, mất luôn hàng ngàn km2 đất biên giới nên Ải Nam Quan xưa giờ trở thành “Hận Nam Quan” nay, “Ải Chi Lăng” và “Thác Bản Giốc” giờ lùi xa vào trong lãnh thổ Trung Quốc, chưa kể tàu ngư dân bám biển của ta bị chúng đâm húc như cơm bữa, và rồi cũng đâu phải hèn hạ gọi chúng là “tàu lạ”, “nước lạ”, “máy bay lạ”, “cá mập lạ”..?

Trong bối cảnh đó, phát biểu của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội Chợ Thượng Hải ngày 4/11/2018 “Hoan Nghênh Sáng Kiến Vành Đai-Con Đường Của Trung Quốc” chỉ có thể được thông cảm phần nào nếu đây là câu ngoại giao cửa miệng. Thế giới đang lên án chương trình này của Trung Quốc vì tính gài bẫy bá đạo của nó. Xu thế chủ đạo trong khu vực bây giờ là “thoát Trung” như Malaysia, Indonesia và cả Philippines đang thực hiện. Xa ra hơn một chút là cả Bắc Hàn, Mông Cổ và các nước Trung Á...cũng ngày càng rời xa quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc nhờ vào sự rắn tay triệt hạ chính quyền Tập Cận Bình của Tổng Thống Donald Trump. Cho dù kết quả bầu cử giữa kỳ của Mỹ có như thế nào đi nữa, chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ vẫn không thay đổi. Vậy hà cớ gì Việt Nam ta không tận dụng thời cơ này để thoát Tàu, mà lại đi xích gần hơn với nó? Có nghịch lý không? Hỏi là đã trả lời.

Ủng hộ “Sáng Kiến Vành Đai-Con Đường” nghĩa là mặc nhiên phải cho thông qua Luật Đặc Khu 99 năm đầy nguy hại vì Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc nằm trên trục đường của sáng kiến này. Đây còn là cái bẫy “nhượng địa” mà Trung Quốc đã áp dụng thành công ở nhiều nước như Sri-Lanka, Pakistan, Etiopia, Lào, Campuchia...Điều này cũng có nghĩa là Luật An Ninh Mạng sẽ được áp dụng để trấn áp dư luận, hỗ trợ cho Luật Đặc Khu. Phải nhìn như thế này mới thấu rõ sự nguy hại của 2 bộ luật nêu trên: Luật Đặc Khu vô hình trung tiếp tay cho “Sáng Kiến Vành Đai-Con Đường” thâu tóm đất đai cảng biển núi đảo của Việt Nam cho Tàu, còn Luật An Ninh Mạng thực chất là một phần cấu thành của “Hiểm Họa Toàn Cầu Từ Nền Chuyên Chế Kỹ Thuật Số Của Trung Quốc” được xuất khẩu sang Việt Nam (14). Nguy hiểm và thâm độc là ở chỗ này.

Dù hết sức bi quan trước thái độ lụy Tàu của nhiều thế hệ lãnh đạo, cũng như vô cùng thất vọng trước mức độ tâm và tầm rất thấp của nhiều vị bộ trưởng đương nhiệm, nhất là ở các bộ Giáo Dục, Y Tế, Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch, với bao nỗi đau buồn qua các sự cố cướp đất trắng trợn ở như ở Thủ Thiêm và các tỉnh thành khác, cùng nhiều cuộc bắt bớ cấp tập gần đây, nhưng người dân Việt lại tràn trề hy vọng vì rằng đất nước đang cận kề vận hội đổi thay triệt để theo nguyên lý phổ quát của vũ trụ trong Kinh Dịch: "Cùng Biến Thông Cửu": “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu". Sự vật khi đi tới thái cực của nó (tận cùng phát triển, tận cùng hư hoại...) ắt sẽ đổi thay. Đổi thay để hanh thông. Hanh thông để trường cửu, nhất là khi yếu tố “Thiên Thời” đang đến rất rõ từ Mỹ, miễn là phải có sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc thật sự, có khi phải là nghĩa cử "tắm" cho nhau như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã làm cho Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải ngày xưa

Hy vọng lắm thay!

1. http://huynhngocchenh.blogspot.com/…/viet-nam-xu-so-cua-ngh…

2. https://www.facebook.com/100003703170197/posts/1193405307459564/

3. http://m.tinhhoa.net/luat-su-nhat-ngay-cang-ngheo-kho-vi-ti…

4. https://m.baomoi.com/quoc-gia-phai-dong-cua-…/c/26604450.epi

5. http://baoquangnam.vn/…/thoi-dai-ho-chi-minh-la-t…/index.htm

6a. http://m.vietnamnet.vn/…/nhin-tong-quat-dat-nuoc-co-bao-gio…

6b. http://m.plo.vn/…/giao-duc-cua-chung-ta-chua-bao-gio-duoc-n…

7. https://www.google.com.vn/…/tong-bi-thu-de-phong-the-luc-mu…

8. http://m.trandaiquang.org/dai-cuc-cua-trung-quoc-va-lua-cho…

9 & 10. http://toquoc.vn/khong-mo-ho-16-chu-vang-va-4-tot-99124137.…

11. https://m.dantri.com.vn/…/cho-phep-thanh-toan-nhan-dan-te-o…

12. https://news.zing.vn/hoa-qua-trung-quoc-sap-vao-viet-nam-vo…

http://m.baodatviet.vn/…/nhieu-hang-nhap-trung-quoc-thue-0…/

https://nld.com.vn/…/nguoi-trung-quoc-duoc-lai-xe-vao-viet-…

13. https://m.trithucvn.net/…/thu-tuong-hoan-nghenh-sang-kien-v…

14. https://www.google.com.vn/…/46d6d99c-dd40-11e8-b3f0-6260728…


fb Nguyen Hoang Dung