Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

GỌI HỒN THIÊNG

Ngươi có dám cùng ta quay về nhìn quá khứ
Ảm đạm hai mầu đen trắng rất phân minh
Dẫu có uy nghiêm mà cũng cực kỳ đầy khổ sở
Lịch sử buồn vẽ bởi những cái chết hiển linh

Mảnh khăn đen đội trên đầu quốc nhục
Và máu thiêng tưới tắm mảnh non sông
Ngươi có từng ngày và đêm thao thức
Thắp hương linh và quỳ xuống gọi hồn

Gọi tổ tiên, cha ông, gọi rừng và gọi biển
Hội tụ về đọc lại sử nghìn năm
Đừng nhảy múa hò reo như một bầy hãnh tiến
Rực rỡ huy hoàng ...
Lũ đồng bóng vô tâm

TRẦN PHONG VŨ
22/5/2017

Ảnh Tôn Thất Hân quan Thượng thư Bộ Binh ( tương đương bộ trưởng quốc phòng ngày nay ) triều Nguyễn

Nhìn cụ thấy... khổ quá



Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

CHUYỆN KHEN THƯỞNG HỌC SINH CUỐI NĂM

Khen thưởng để động viên khuyến khích học sinh là đúng.

Bộ Giáo dục đã quy định : những học sinh giỏi toàn diện ở tất cả các môn học và có phẩm chất, năng lưc. tốt (đạo đức tốt) thì khen thưởng hoc sinh xuất sắc. Đây cũng là một cách để hạn chế tình trạng khen thưởng tràn lan ở bậc tiểu học.

Nhưng tôi thấy ở rất nhiều trường, nhiều lớp gần như có những lớp 100% học sinh đều đươc khen thưởng cuối năm. ???

Tôi vừa tiếp một giáo viên, khi tôi hỏi vì sao đề xuất khen thưởng học sinh về thành tích vượt trội mà không có ghi chú rõ là vượt trội về cái gì ? (lý do khen) Giáo viên trả lời hết sức ngây ngô là định chỉ khen để động viên học sinh mà không cần ghi vào học bạ nên không ghi lý do... ?? Vậy là khen ảo ư ? GV nói thêm : vì thấy tội nghiệp học sinh, nó đóng tiền đầy đủ mà... Đến đây thì tôi hãi hùng... Tôi chưa cần hỏi là đóng tiền gì ? Đóng cho ai ? Chỉ thấy ngậm ngùi là nhận thức của giáo viên quả là rất kém dẫn đến việc chuyện khen thưởng như là trò chơi ảo trên game show.

Cái đinh đóng móng ngựa sút thì con ngựa té, viên tướng ngã và trận đánh kể như thua ( nghệ thuật nâng quan điểm) ... Ông nào từng hô hào giáo dục như trận đánh ( cũng nâng quan điểm ) Ông ... kể như thua rồi nhé... Ông ơi

TRẦN PHONG VŨ
Saigon 22/5/2017




Ảnh Hè rồi tranh thủ đi phượt thôi...




ĐẠI BÀNG ĐEN

Một ông giám đốc nuôi con vẹt biết nói, nó rất tinh khôn, ông thường treo nó lên cạnh phòng thay đồ của nhân viên nữ, hằng ngày ông thường hỏi nó nào là cô này mặc nội y màu gì, cô kia mặc màu gì... hôm nào nó cũng trả lời trúng phóc, rồi lão ra nói với nữ nhân viên của mình là tôi biết hôm nay từng cô mặc nội y màu gì, có muốn thử không, này nhé cô này mặc màu xanh, cô kia mặc màu hồng... nếu có sai tôi sẽ bao cơm trưa các cô, hihi.

Tất cả các cô đều rất ngạc nhiên, không hiểu sao lão lại biết tỏng tòng tong như thế.

Một hôm, vào giờ làm việc cô gái nọ xem xét rất kỹ phòng thay đồ xem lão có đặt camera hay có lổ thủng nào không, tuyệt nhiên ko có. Cô bèn nghĩ, hay là hôm nay mình không mặc gì cho lão bẽ mặt mà bao cơm.

Sáng hôm đó như thường lệ lão mang lồng vẹt xuống hỏi thì thấy con vẹt nằm thở hổn hển. Này hôm nay mày bị sao vậy? Lão hỏi. Con vẹt tỉnh lại nói: Tôi... tôi... vừa nhìn thấy một con Đại bàng đen thui... Ui, tôi sợ quá, xỉu luôn...

Thế là hôm đó lão Giám đốc vừa bẽ mặt, vừa phải bao cơm tất cả các cô.

(Fb Văn Chin Nguyễn).



Ảnh fb Mạnh Linh

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

CAN YOU SPEAK VIETNAMESE?!


Giáo viên dạy Anh nói chuyện với một giáo viên khác :
-"Tui không thể chịu nổi sao lại có đứa học trò thế này.
-Nó làm sao?!
-Chuyện là tôi có ra một bài làm là hãy kể một câu chuyện ngắn bằng tiếng Anh , rồi nó kể câu chuyện về hoàng tử và công chúa".
Giáo viên kia thắc mắc:
-Vậy có gì không ổn?
-Không ổn là bài làm của nó như thế này:
"Hoàng tử và công chúa gặp nhau tại lâu đài. Hoàng tử hỏi : '
'-Can you speak Vietnamese?'
Công chúa trả lời:
"-Sure'.
Thế là sau đó cả bài văn nó toàn viết bằng tiếng Việt hết!
Chết thật!!

fb Phạm Xen

NGỨA MỒM

Sáng ra ngứa mồm làm mấy cái gạch đầu dòng cho nó xả!
Gạch phát thứ nhất: Liên hoan phim với pano là cái đèo gì mà hoắng lên thế nhở. Mịa, cứ làm như quân ta sắp giải phóng Paris đến nơi không bằng! Bố tiên sư, cái sự tự mãn của dân An Nam nó lên cao kinh khủng, lúc nào cái mặt cũng nghênh nghênh tưởng như ta đây như là bố thiên hạ. Cái loại ấy mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được thì mới lạ. Chậc, nói chả bảo khoe chứ treo mẹ quả ảnh chân dung Trần Hồng Giang lên cửa chuồng gà rồi ngồi ngắm có nhẽ còn thú hơn.
Gạch phát thứ hai: Lèo mịa, hóa ra hơn 70 năm nay chúng ta toàn sống trong đêm tối thôi các anh các chị ạ! Giờ bình minh mới bắt đầu lên nhá, sướng chưa? Hân hoan phấn khởi chưa? Bố tiên sư, lại là một kiểu tự mãn nữa, cứ tưởng bố mày đang đứng ở cửa thiên đường rồi, chỉ chờ mỗi thằng gác cổng nó kéo barrie ra cái là bố mày lao thẳng vào thiên đường cho nó sướng cái thằng người. Tự tin thế chứ lị! Cơ mà... cái loại không biết mình là ai, không biết mình đang đứng ở đâu thì cũng vứt thôi. Cứ phải để thực tế nó đập vào mặt cho rồi lúc đấy mới há mồm ra kêu ối á. Cái loại xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng niềm tin như thế thì khác đếch mấy ông đánh dậm bảo, yên tâm, thế nào tao cũng bắt được cua dưới bể.
Gạch phát thứ ba: Ô hô... có nhõn 8000 ông cụ mà được gắn danh hiệu yêu nước hẳn hoi nhá. Sướng cái thằng người chưa? Nhẽ còn phải lên dăm bảy chục, một trăm thì cũng còn rẻ ý chứ. Thế mà cái bọn thối mồm nó lại đua nhau bảo là sưu cao thuế nặng, nó đem ví với cái thời anh chị Dậu nhà tôi ngày xưa, thế có khốn nạn không? Cứ cái kiểu ấy thì bảo sao chả lâu lên được chủ nghĩa xã hội nhể?! Sắp tới đây sẽ còn phải tăng thu ở các chỗ khác nữa. Tỷ dụ, món bún đậu mắm tôm sẽ thu thêm 2000 ông cụ, đi toilet công cộng sẽ thu thêm 750 ông cụ, vé xem Sơn Tùng MTV thì cao hơn chút, cỡ 200k ông cụ... Thế nhể!

FB TRẦN HỒNG GIANG

PS Giang dường như là thành viên của hội nhà văn Nam Định. Thú vị là lối chửi có vần điệu và không kém phần hài hước. Nhà văn vốn là một người có tật phải di chuyển băng xe lăn.

Bài viêt nay bắt nguồn từ mấy sự kiện đương thời :
1.Ông TT phát biểu tại hội nghi mong ước HN phải đep như Paris và "bình minh đang đến ở Nha Trang...
2. Ong Ruệ phát biểu về việc tăng thuế áp giá xăng 8000đ/lít : đóng thuế là yêu nước. Lý do thuế xnk về 0 thì phải tìm nguồn thu khác

CƯỜI RA NƯỚC MẮT

Một quan chức lãnh đạo ngành y tế sau khi hạ cánh an toàn đã mở phòng khám tư tại nhà, ghi biển :" Bác sỹ đa khoa Trần Y Đức, chữa tất cả các bệnh nan y, khỏi bệnh mới thu phí 100.000đ, không khỏi bệnh bồi thường cho bệnh nhân 500.000đ". 🐥 Một ông nạn nhân trước đây đã tán gia bại sản vì chữa bệnh đi ngang qua trông thấy biển hiệ u, nhận thấy đây là cơ hội tốt để kiếm ít tiền và trả thù đời. Ông ta bước vào phòng khám, nói với bác sỹ:

- Thưa bác sỹ, tôi bị mất thính giác, mấy hôm nay không nghe thấy gì sất cả.

🐺 Bác sỹ nhìn người đàn ông từ đầu đến chân, rút điện thoại ra bấm máy gọi: " A lô, em à! sao chúng mình cứ phải thì thào lén lén lút lút làm gì chứ nhỉ, thằng chồng em nó bị điếc rồi, nó đang ngồi trước mặt anh đây này".

Người đàn ông chồm lên giằng lấy điện thoại: Alô, Alô. Nhưng đầu dây bên kia không có ai.

- Chúc mừng ông! thính giác của ông đã khôi phục bình thường, xin ông nộp 100.000đ phí chữa bệnh.

Ông bệnh nhân đành hậm hực trả 100.000đ, trong bụng vẫn chưa cam tâm.

🐥 Mấy hôm sau, ông ta lại đến phòng khám: Bác sỹ ơi, tôi bị mất vị giác rồi, mấy hôm nay ăn cơm không có cảm giác mùi vị gì.

Bác sỹ: Y tá đâu, lấy cho tôi lọ thuốc số 36, nhỏ cho ông này 5 giọt vào mồm.

- Ối giời ơi, sao ông lại nhỏ nước tiểu vào mồm tôi thế này

🐺 Bác sỹ: chúc mừng ông! vị giác của ông đã bình thường, xin ông nộp 100.000đ chi phí chữa bệnh.

Ông bệnh nhân lại cắn răng rút 100.000đ trả cho bác sỹ, trong lòng vẫn rất ấm ức.

🐥 Mấy hôm sau, ông ta lại tìm đến phòng khám: Thưa bác sỹ, tôi bị mất trí nhớ rồi, tôi chả nhớ gì cả, xin chữa cho tôi với.

Bác sỹ: Y tá đâu, lấy cho tôi lọ thuốc số 36, nhỏ cho ông này 50 giọt vào mồm.

- Sao lại thế? thuốc số 36 là chữa vị giác cơ mà!

🐺 Chúc mừng ông! trí nhớ của ông bây giờ còn tốt hơn của tôi, xin ông nộp 100.000đ chi phí chữa bệnh.

Ông bệnh nhân lại phải móc 100.000đ trả cho bác sỹ, trong lòng vẫn chưa chịu thua.

🐥 Mấy hôm sau, ông bệnh nhân lại tìm đến phòng khám, lần mò dò dẫm bước vào: Tôi bị mù rồi, không nhìn thấy gì hết, bác sỹ làm ơn chữa cho tôi với!

🐺 Bác sỹ khám rất cẩn thận, rồi buồn bã nói:

- Thành thật xin lỗi ông! bệnh này tôi không chữa được, tôi xin bồi thường cho ông 500.000đ, đây xin ông cầm lấy!

- Sao lại đưa tôi tờ 20.000đ thế này?

🐺 Bác sỹ: xin chúc mừng ông! mắt ông bây giờ còn tinh hơn cú vọ, xin ông nộp 100.000đ chi phí chữa bệnh.

Lần này thì ông bệnh nhân đã tâm phục khẩu phục nộp 100.000đ, vái lạy ông bác sỹ ra về

🐤 Anh y tá trẻ khâm phục: Bác sỹ tài tình thật.

🐺 Bác sỹ vỗ vai y tá nói: khi nào cậu trở thành lãnh đạo ngành y tế như tôi, cậu sẽ hiểu một chân lý bất di bất dịch: bệnh nhân mãi mãi chỉ là bệnh nhân. Bầy trò móc túi lấy tiền của thiên hạ là nghề của chúng ta, chứ không đến lượt chúng nó.

fb võ tòng anh

NIỀM TIN


Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

DƯỢC VÀ MẤT GÌ KHI ĐỊNH CƯ Ở MỸ


Hiện tôi 51 tuổi, định cư Mỹ được một năm. Trước khi đi tôi là kỹ sư trưởng phòng trong một Tổng công ty thuộc Bộ. Tuy chức vụ bé xíu nhưng trong công ty, tôi chỉ dưới 3 người và trên 12 người. Tôi có hai căn nhà nội thành (Quận 1 và 3) – một để ở, một cho thuê. Tôi cũng đi công tác và du lịch một số nước. Vợ tôi làm kế toán cho công ty liên doanh. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 2500 USD (không tính khoản đột xuất).
Trước khi có hồ sơ phỏng vấn ở Lãnh sự Mỹ, tôi cũng rất phân vân. Bạn bè, người thân, cả cha mẹ tôi (vì tôi đi theo bên vợ) đều khuyên tôi nên ở lại Việt Nam. Sau khi suy nghĩ thận trọng và cân nhắc được gì và mất gì cho bước ngoặt của cuộc đời, tôi quyết định ra đi. Và hiện nay đối với tôi thì:
– Tôi mất đi công việc rất tốt mà nhiều người mơ ước và cuộc sống của một gia đình trung lưu ở Việt Nam.
– Tuổi đã chớm già mà phải làm lại từ đầu – đây là điều vô cùng khó khăn.
– Xa những người thân yêu (Cha mẹ, anh chị em và bạn bè thân thiết) cùng những sinh hoạt hằng ngày làm mình rất nhớ khi ra đi.
Và tôi được:
– Hai đứa con (một trai, một gái) được học hành trong nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Một cháu học ngành máy tính, một cháu học dược sĩ được chính phủ hỗ trợ tài chính (hỗ trợ học phí và cho vay không lấy lãi) cho đến khi tốt nghiệp (đây là chính sách chung của nước Mỹ). Tôi không phải lo lắng gì về tiền bạc cho các cháu học hành.
– Tôi được những thứ nếu có nhiều tiền ở Việt Nam cũng không thể mua được, đó là môi trường sống tốt như không khí, nước… không bị ô nhiễm, không phải lo lắng về vệ sinh an toàn thực phẩm. Về giáo dục ở Mỹ nếu cố gắng học hành dù gia đình thu nhập thấp vẫn được chính phủ giúp đỡ. Về y tế không phân biệt đối xử người có tiền hay không có tiền, khi vào bệnh viện chữa trị ai cũng như nhau. Cơ sở hạ tầng và ý thức chấp hành luật lệ giao thông của mỗi người rất tốt, ra đường không sợ tai nạn giao thông rình rập. Con người được tự do sáng tạo, luật lệ rõ ràng. Đặc biệt là xã hội Mỹ luôn tạo ra cơ hội đồng đều cho mọi người vươn lên tùy theo năng lực của mỗi người, nếu biết cố gắng học tập và làm việc.
Tôi viết bài này vì tôi thấy nhiều người Việt trên diễn đàn đang sống ở Việt Nam hay Mỹ thường đứng trên quan điểm vật chất là tiền bạc để đánh giá cuộc sống bên nào tốt hơn, mà quên rằng con người sống trong xã hội nào đi nữa thì ngoài tiền bạc còn có những giá trị tinh thần mà nếu thiếu đi thì cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa và buồn chán, cho dù ta có rất nhiều tiền.
Hiện nay tôi đi làm (culi) trong hãng, một giờ được 6-8 USD từ 6 giờ sáng đến 10-11 giờ đêm, nhưng tôi cảm thấy cuộc sống mình cũng vui vẻ khi nhìn thấy hai đứa con tôi tung tăng đi học và tôi biết chắc chắn rằng các cháu sẽ thành đạt nếu các cháu cố gắng học tập. Tôi không đặt nặng vấn đề qua Mỹ để tìm cơ hội mà vì tương lai của con tôi nên tôi cảm thấy thanh thản và tự giải đáp rằng trong cuộc sống cái gì cũng có cái giá của nó, và cũng như không có cái gì là “ngon, bổ, rẻ” cả. Vấn đề khi đã chọn thì phải chấp nhận để mà vui sống.
Source kenh13.info

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

XEM BÓI

Viết tào lao : Xem bói--- BÚT RÈ
Mình cũng có đôi lần tháp tùng vợ xem bói , thật tình trong bụng chẳng bao giờ tin mấy cái trò xem tướng số , ngày giờ vớ vẩn của mấy ông , bà chuyên xem bói toán .Bởi thiển nghỉ tụi Mỹ , Châu Âu nó có xem tướng số gì đâu mà nó cũng giàu nứt đố đổ vách đó thôi .Còn việc xem ngày tốt , giờ tốt lại dựa vào lịch tàu , kinh dịch , trãi qua hàng ngàn năm , múi giờ giữa Việt và tàu lệch nhau thì ngày giờ nay đâu có còn đúng nữa .Hai lý do chính đó thôi là đủ .
Song người Việt mình có tâm lý “ Có thờ có thiêng , có kiêng có lành “ .Xây nhà , dựng vợ gã chồng …vv…vv cũng phải nhờ thầy xem cho cái ngày tốt , giờ tốt để khởi sự .Rồi thế hệ sau bắt chước thế hệ trước mà hình thành thói quen .Mình nghỉ việc những người nghe lời khuyên của những người xem bói toán cũng giống như những thằng đàn ông hay đánh vợ và ghen tuông là yếu kém vì phần lớn là không tin tưởng vào bản thân mình ,thôi kệ .
Mình nghĩ như vầy .Việc xem tướng số , bói toán như cách nói của Nghệ sỹ Văn Hiệp “xét một cách toàn diện “ là dễ , chỉ cần có đầu óc quan sát đối phương từ dáng đi , ăn mặt , phương tiện đi lại …vv là có thể nói trúng được 60% , 40% còn lại là nên nói những đều bâng quơ , chung chung , mơ hồ như : Số em giờ còn vất vã nhưng vài năm nữa thì tự nhiên lộc nó tự khắc đến ; Anh , chị có những nổi niềm luôn giấu kín mà không biết thổ lộ cùng ai ; Bà cô tam đợi , tứ đợi luôn đi theo anh ( chị ), bà này thương anh ( chị ) lắm luôn phù hộ độ trì cho anh , chị , …vv…vv .
Thực ra giới bói toán coi cho đàn ông thì dễ hơn đàn bà .Vì mấy khi đàn ông xem bói , vì đàn ông mà đi xem bói thì chắc chắn gia đạo có vấn đề như làm ăn thua lỗ , vợ chồng lục đục , sự kỳ vọng về một vấn đề nào đó không như ý muốn .Nên khi gặp thầy bói , cô đồng thì cũng như tìm người để vực dậy lại niềm tin …vv.. Nên thầy bói có nói nhăng ,nói cuội gì họ cũng tin .Còn đàn bà , phụ nữ thì khó đoán hơn , Vui cũng đi ,buồn thì lại càng đi nhiều hơn nữa , ai cù rũ đi cùng , nói có thầy , cô ni coi hay lắm thì bỏ cả việc cơ quan , cơm nước cho chồng con là đi coi cho bằng được .Nghe thầy , cô phán mà thấy sướng lỗ tai là đố mà Bà , Cô nào giữ được bí mật ,đi mô cũng kể , em ( chị ) thấy thầy , cô này coi hay lắm , nói đúng lắm , khi mô rãnh em (chị ) dẫn đi xem .Nhưng mà nghe nhữnglời phán không được hay thì im lặng , bần thần , lo lắng .
Phụ nữ mà đi xem bói một mình là chắc chắn gia đình hoặc bản thân có sự cố nghiêm trọng , còn bình thường thì đi xem từng cặp hoặc từng đoàn .
Đàn bà coi bói có đôi
Trong 10 có 6 mồ côi thằng chồng
Cách đây cũng gần 7 năm .Bản ngã cũng đã đôi lần xem bói ,cũng có cái trật cũng có cái đúng nhưng tựu chung là trật nhiều hơn đúng , nên thôi .Có lần đi với người bạn , cả hai đều được thầy phán rằng : Số hai anh là người cầm cờ , ý nói là người lãnh đạo , câu này thì Bản ngã thấy có phần đúngvới mình , còn thằng bạn thì mình gọi điện thoại hỏi thăm là có cầm cờ ở cơ quan được chưa thì nó bảo :Địt mẹ số tau cầm c… cho tụi nó đái thì có …
Có lần ngồi nhậu với một tay cũng biết bói toán , nó nói có vẽ rất sành sỏi , mình hỏi làm sao để xem bói cho Phụ nữ mà nói là họ tin?Thì nó cười haha nói .Coi bói cho Phụ nữ à , dễ ..dễ như trở bàn tay ,nói gì họ chả tin , cứ nhìn dáng đi khuôn mặt , nước da …chỉ cần ba thứ đó lấy làm điểm chính mà xoay thì không trật mô được .Ông cứ nhìn Phụ nữ mà có trán ngắn , tóc dày , dáng đi thô kệch , lệch đệch , ngực tấn công mông phòng thủ thì đích thị là người học mấy cũng không vào , biết chữ cũng chỉ đủ hát Karaoke và biết số cũng chỉ đủ để dò và ghi số đề .Phụ nữ diện này nói gì họ cũng lạy sái cổ nói trăm sự , vạn sự nhờ thầy.Phụ nữ mà mắt ngọc , mày ngài , nhìn cơ bản là đẹp mà xem bói một mình thì phần lớn mất hết niềm tin , phương hướng đặc biệt là tình duyên .Nên cứ nói xoáy chủ đề hồng nhan bạc phận thì chớ có sai ….vv..vv. Tui chỉ cần căn cứ mấy yếu tố này mà phán thì không trật mô hết .Mình hỏi làm cách chi .Nó bảo ,thứ nhất là phải căn cứ vô độ tuổi ,nếu từ 18-22 phần lớn là học sinh , sinh viên thì phần lớn là coi về chuyện học hành thi cữ.Nếu đứa mô mà mập chứng tỏ ngủ nhiều , mà ngủ nhiều thì học thông minh đéo gì được , đứa mô mà đẹp là mấy thằng con trai hắn cứ quầng lui quầng tới thì chữ nghĩa mô mà vô trong đầu , đứa mô mà gầy ốm , mặt nổi mụn chứng tỏ thức đêm , thức hôm để học thì chắc chắn việc thi cữ bị trở ngại , hoặc gặp vận xui .Lứa tuổi này xem bói chỉ cho vui là chính , nó nghe rồi quên .Nên cứ nói đại khái là được .Nếu từ độ tuổi 26 đến 30 thì phải tinh ý , em nào có chồng , em nào chưa .Muốn biết em nào đã có chồng thì chỉ cần xem tay đã đeo nhẫn cưới hay chưa , xem mông , vú có lớn không nếu to chứng tỏ đã từng sinh nở ,rồi cợt nhả vài câu chuyện hoang mà thấy phản ứng rành rõi là đích thị đã có chồng hoặc đã bị trai nằm chồng lên trên rồi …hahah .Còn thấy nước da xanh tím chứng tỏ thiếu hơi trai , ngực , mông không phát triển thì còn con gái ..vv .Độ tuổi này mà xem bói thì đối với gái có chồng là xem vì sao chưa có con , hoặc là xem công việc có hanh thông không .Đối với gái chưa chồng thì phần lớn là xem chuyện tình duyên .Trường hợp giá đã có chồng thì phải hỏi chồng bao nhiêu tuổi , làm gì , nếu thằng chồng mà lớn tuổi mà lại làm chủ doanh nghiệp thì khả năng là đái ướt dép , yếu sinh lý là cái chắc thì cứ phán là số em là số sung sướng nhưng lại trở ngại về đường con cái , vì nói câu này không sai vì sinh mổ cũng được gọi là trở ngại , chậm đẻ cũng là trở ngại ..vv , hỏi em làm công việc gì, nếu nói làm ngân hàng thì cứ thẳng mực tàu mà nói như vầy .Thời gian tới em sẽ có sự thay đổi trong công việc , vì giờ làm ngân hàng giờ bị đuổi việc ầm ầm hoặc ít ra cũng chuyển từ phòng này sang phòng khác ;Hỏi em có sa , sẩy lần mô chưa, nếu chưa thì đừng hỏi gì thêm , mà nếu có thì nói em cố gắng rằm ,mồng một thắp hương mà khấn cháu , cháu sẽ phù hộ cho , rồi cho lá bùa tao ghi tào lao, xịt bộp bảo bỏ dưới gối nằm ; còn công việc không thuận lợi thì bảo em về xoay lại bàn làm việc , tránh ngồi đối diện với thằng sếp ..vv...Với em mà chưa chồng thì phải hỏi tuổi , nếu cứ từ 29-32 mà chưa chồng mắt xanh mỏ đỏ , tóc nhuộm vàng khè thì đích thị là :
Mắt xanh mỏ đỏ tóc vàng
Không phường lừa đảo cũng làng cave
Mà gái đong đưa thì có chó mà ưa, nên là cứ phán là số em cao số ,trục trặc đường tình duyên , bị người âm ưa ..vv …nên mất duyên .Muốn có chồng thì cần phải làm lễ cắt duyên hoặc cắt chỉ tơ hồng với người cõi dưới …Còn nếu mà gái đàng hoàng thì phần lớn là kén cá chọn canh , khó tính thì nên nói là số em duyên chưa tới , nhưng nếu có chồng thì người đó sẽ là người thành đạt nhưng cũng nói cho em hay là người đó đã qua một lần đò , cái này phải suy luận như ri :Những thằng đàn ông mà từ 38-40 chưa vợ phần lớn là hâm , pede .Thì mấy cô khó tính ni đời mô mà ưa , nên chỉ còn còn đàn ông góa vợ hoặc ly dị vợ mà thôi .Phụ nữ mà từ 36- 45 mà coi bói thì chủ yếu là coi về gia đạo , chồng con , công ăn việc làm , phạm vi coi cho những người này rất rộng , nên phải hỏi cho cẩn thận , không thôi nó vã cho vỡ mồm .Hỏi chồng bao nhiêu tuổi , nếu thấy ởm ờ không nhớ thì chắc chắn là thằng chồng đã lâu không còn ở trong nhà , thì có thể đã về với ông , bà hoặc theo gái mà bỏ cuộc chơi .Con cái mấy đứa , mấy trai mấy gái , nếu gái một bề thì khả năng thằng chồng lập phòng nhì là tương đối cao , nếu là con trai thì tuổi cũng phải chừng 18 đến 20 , tuổi này con trai dễ hư hỏng .Hỏi nhà ở đường nào , nếu nghe ở mặt tiền đường có giá đất cao thì cho dù làm ăn buôn bán không được mà cho thuê mặt bằng cũng đủ sống , thì đừng có phán là số Chị( em ) vất vả về vật chất .Hỏi Bố mẹ còn hay mất , nếu mất là mất ở mô , cái này phải nắm chắc không thôi vỡ mồm nếu phán rằng mộ Ba của chị ( em ) kết , mà lỡ ông chết ở Sài gòn hoặc HN đem đi thiêu là bỏ mẹ , thiêu xác thì mộ kết cái mẹ gì nữa .Tựu chung là phải hỏi rồi dung phương pháp nội suy , tam suất luận mà nói .Riêng lứa tuổi này phải quan sát rất kỹ , nếu phụ nữ 40 mà đẫy đà thì đích thị phần lớn không phải gái cơ quan , công ty xí nghiệp , mà mập mạp , đẫy đà thì 10 thằng chồng có bồ đến 8 thằng chồng có bồ thì gia đình lục đục dẫn đến con hư .Còn nếu là cán bộ ,nhân viên thì tuổi này mà đi coi bói thì có thể đang tranh giành địa vị , chức quyền ở công ty , cần quan sát cách nói chuyện , cứ một dạ , hai dạ , mắt thì lúng liếng thì ở công ty họ là người chuyên luồn cúi ,lươn lẹo , không ngồi trên đùi thằng sếp cũng ngồi trên đùi thằng bảo vệ .Còn ngồi ngay thẳng , chú ý lắng nghe , hay đặt câu hỏi là người đang có cơ hội , nhưng đang mất dần niềm tin có thể bị người khác chèn ép, đặt điều , bôi nhọ , vu khống …vv.Cơ bản phần nhập đề là như vậy , sang phần thân bài là phải có hướng giải quyết .Nếu họ cứ tập trung nhờ coi về chồng con thì ắt là chuyện chồng con có vấn đề .Hỏi anh chồng tuổi chi , từ 55 đến 60 (vợ 38-45 ) thì xem như vất , không làm ăn chi được , mà không làm ăn chi được thì đâm chướng , rượu chè , ghen bóng , ghen gió , thì gia đình không ồn mới là chuyện lạ .Còn 40-45 là tuổi đã no xôi chán chè , nhìn thấy mặt vợ là muốn bỏ nhà ra đi , tuổi này dễ lập phòng nhì phòng ba , nên vợ hay ghen .Phụ nữ ở độ tuổi này rất sợ phải ly dị chồng , ghen tuông cực kỳ ác liệt , họ sợ con cái bơ vơ , gia đình tan nát , họ sợ ở lứa tuổi 40-45 mà ly dị chồng thì rẽ rúng như bó rau muống là không được ..vv.
Còn coi về mồ mã thì lại càng dễ nữa , cứ phán đại như ri : Em , Chị về xem lại mộ bà cô tam đợi , tứ đợi .Bà cô ni khi mô cũng đi theo Chị (em ) , phù hộ độ trì nhưng bà có cái tật đánh bạc nên cầm con cầm cháu , nhớ rằm , mùng một mua nhiều vàng mã mà đốt cho bà ; Mộ ông Cố , Ông nội chồng Chị ( em ) đang kết , cố gắng về bàn với gia đình làm cái lễ cúng tam sanh là có lộc , mộ ông cố ngoại của Chị ( em ) có con đường đi băng qua nên đang bị động .Nói rứa thì Chị em mô mà không sướng cái lỗ tai , muốn biết có bà cô tam đợi , tứ đợi thì phải hỏi lại bà cố , bà nội có sa , sẩy không mới biết .Mà bà cố , bà nội thì cũng đã đi đời tám hoáng rồi biết mô mà hỏi .Còn nói mộ ông Cố , ông nội kết thì chẵng lẽ về bàn với chồng quật mộ mấy ông lên để coi có kết hay là không thì thằng chồng hắn đánh cho mềm người không chừng .Còn nói mộ ông cố ngoại có con đường ngang qua làm cho động mồ thì cái này đừng có nói là bao nhiêu mét vì nghĩa trang thì cả hàng trăm con đường mòn , hơn nữa con gái đi lấy chồng 5 đến mười năm thì mộ cha mẹ còn chẵng nhớ nữa huống hồ nhớ mộ ông cố ngoại ..hehe ...
Tựụ chung lại là Chị em không nên xem bói , về cơ bản là tiền mất tật mang , nghe nói tốt thì ỷ lại , nghe nói xấu thì đâm lo lắng không đáng có .Một số kinh nghiệm của mấy tay coi bói truyền lại , anh , chị em đọc chiêm nghiệm , thư giãn cho vui , người viết không có ý gì xấu
……………………….
Bút Rè
ps Em đang thất nghiệp học bài này nếu ra nghề thành công sẽ đi kiếm sư phụ hậu đãi sau .. He he

13/5/2016

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

CỔ TÍCH NGÀY 30/4

BỐ VỚI BA
Truyện ngắn Lại Văn Long

Lần đầu ra Bắc, lòng tôi rộn ràng cảm xúc. Miền Bắc buồn buồn bước ra từ những trang lãng mạn của Tự lực văn đoàn, từ lời ca mộng mị đẫm sương gió tiền chiến, từ khổ đau bần hàn, uất nghẹn của văn chương hiện thực phê phán.
Miền Bắc chỉ tươi vui, sáng sủa hơn qua nghệ thuật nhờ khói lửa cuộc chiến tranh chống Mỹ. Rồi có cả miền Bắc thì thầm, dằn vặt trên Internet với quá khứ bị giấu diếm…
Từ sân bay Nội Bài, ông anh cọc chèo lái ô tô đưa gia đình tôi thẳng về quê nhãn Hưng Yên. Nhà bên vợ tôi cũ mới lẫn lộn. Căn nhà ba gian mái ngói rêu phong, cột kèo mòn mỏi từ mấy đời trước để lại giờ nhỏ bé, thấp lè tè sau lưng căn nhà lầu mới kiêu kỳ. Bà ngoại của hai con tôi vẫn chít khăn mỏ quạ, ngày ngày ngồi xỉa trầu trên bộ phản cũ kỹ đặt trên nền gạch Tàu ẩm mốc bên cạnh bàn thờ gia tiên và di ảnh của chồng. Bà từng vào Sài Gòn ở với vợ chồng tôi được non tháng thì nằng nặc đòi về vì nhớ quê. Hà vợ tôi học xong đại học công tác Hà Nội vài năm rồi chuyển vào Sài Gòn. Chị Cả hơn Hà một giáp bất đắc dĩ đóng vai “trai trưởng” ở lại nhà từ đường chăm sóc cho mẹ đã gần tám mươi. Thấy thằng em rể và hai đứa cháu từ miền Nam ra, chị dốc toàn lực phô trương sự giàu có nhờ nghề buôn gỗ Lào. Ngoài căn nhà lầu bề thế, chiếc ô tô Hàn Quốc mới coóng, trên người chị lấp lánh bông tai dây chuyền vàng chóe và nhẫn khắp ngón tay. Lúc đón chúng tôi chị tươi cười trong quần bò áo phông hàng hiệu.
Một tiếng đồng hồ sau là hàng lụa may theo kiểu Thượng Hải, tóc búi cao. Buổi chiều là tóc ngang lưng, váy ngang đùi trẻ trung, hớn hở. Hôm sau, hôm sau nữa, chị cứ liên tục diện đồ mới ba bốn lần mỗi ngày, đến mức Hà phải thốt lên:
- Chị giống diễn viên quá, mỗi cảnh một bộ.
Chị cười hãnh diện:
- Hai cháu đều có gia đình, nhà cửa ở Hà Nội rồi, chúng đang đưa vợ con đi du lịch nước ngoài. Chị bây giờ thoải mái, ăn chơi thôi.
Anh An chồng chị rất hiền. Suốt mấy ngày chỉ thấy anh quần cộc áo thun ngồi ở bộ ghế chạm trổ như ngai vua, rít thuốc lào sòng sọc.
Con gái tám tuổi, con trai bốn tuổi của tôi há hốc, mê mẩn nhìn đám khói cuồn cuộn anh phun ra như phép màu trong chuyện cổ tích. Ba ngày ở chung nhà, anh rất ít lời, trong lúc chị Cả réo rắt từ sớm đến khuya. Sợ chúng tôi nghĩ anh ấy thiếu nhiệt tình, chị phân bua:
- Tính anh là vậy. Có khi chị làm ăn trúng mấy trăm triệu, anh chẳng nói gì, một nụ cười cũng không.
Ngày giỗ bố vợ tôi, mâm cúng được đặt dưới gian từ đường cũ.
Tôi hỏi chị Cả:
- Sao không đưa các cụ với bố lên nhà trên thờ?
Chị bảo:
- Mẹ cho chị xây nhà nhưng không cho dời bàn thờ, dù tầng trên em thấy đấy chị đã cho làm gian thờ hoành tráng.
Tôi không hỏi thêm, cùng với Hà lo bày mâm cúng. Chị Cả lấy trong tủ thờ ra một khối vuông vuông, phủ vải đỏ thận trọng đặt bên cạnh mâm cúng.
Chị hỏi vợ tôi:
- Cái Hà còn nhớ cái này không?
Hà lật tấm vải, đó là cái radio khá lớn với vỏ nhựa màu đen và quai xách bằng kim loại trắng. Hà mân mê cái đài, đôi mắt mơ màng.
Buổi chiều, khách dự giỗ về hết và việc rửa dọn đã xong, Hà với chị Cả lại lau chùi thật kỹ cái đài trước khi phủ vải đỏ, bọc nylon và cho nó vào một thùng các tông để cất giữ. Họ làm tỉ mỉ, thận trọng, nét mặt thiêng liêng, kính cẩn. Tôi từ nhà trên bước xuống thấy hai chị em đã lau xong đài, đang tẩn mẩn dùng bông gòn với cồn lau mấy cái đĩa than rồi bỏ vào những cái bao giấy cứng của nó…
Thì ra đây là cái radio kèm máy hát đĩa.
Chị Cả ngoắc tôi lại:
- Hải, đến đây xem báu vật của gia đình mình. Quý hơn nhà lầu, ô tô, vàng bạc đấy em.
Tôi mỉm cười ngán ngẩm trò khoe của của bà chị vợ nhưng cũng ghé ngồi xuống phản, kéo cái đài đã lau sạch bóng đến ngắm nghía, rờ rẫm. Ngón tay tôi bỗng rờ trúng một chỗ khuyết trên cái gờ bên hông đài, cùng lúc đó là linh cảm kỳ lạ nhóa lên làm tôi choáng váng, tê rần hai bên thái dương.
Tôi hít một hơi sâu để lấy lại bình tĩnh, hỏi chị Cả:
- Trong bộ đĩa kèm theo cái đài này có đĩa cải lương “Bà chúa ăn mày” phải không chị?
Chị gật đầu, tim tôi đập thình thịch, tôi hấp tấp hỏi tiếp:
- Cái bao giấy của đĩa đó có hình một chàng trai đứng cạnh công chúa và một ông nài ngồi bên cạnh con voi quỳ?
Chị lại gật đầu, tôi hụt hơi lắp bắp:
- Cả ba người trong hình bìa đó đều bị vẽ râu bằng mực bút nguyên tử (bút bi) xanh phải không chị?
Chị Cả lôi trong đống lộn xộn ra cái đĩa mà tôi cần tìm.
Tôi cầm lên, hổn hển:
- Thấy chưa, cả ba người trong hình đều bị vẽ râu… nét mực đã mờ nhưng vẫn thấy.
Bây giờ đến lượt chị em Hà kinh ngạc, Hà ngơ ngác hỏi:
- Thế là sao hở anh?
Tôi ngây ngất với cảm xúc đang dâng trào nói như bà đồng bị ma nhập:
- Sau lưng nó có hộc chứa sáu cục pin lớn, bên trong hộc có khắc chữ… “phương”… nhất định là chữ “phương”.
Vừa nói tôi vừa hấp tấp lật úp cái đài, mở hộc pin ra và… cả ba người cùng rú lên khi chữ “phương” được khắc vào nhựa còn rất rõ.
Hà nhìn chồng lo lắng:
- Mặt anh sao tái ngắt thế?
Tôi quờ quạng quơ lấy ly nước của ai đó trên phản, nốc cạn rồi cất giọng hụt hơi:
- Chính anh… vẽ… râu… chị… Hai khắc tên… nó là của gia đình anh từ… hơn ba mươi năm trước.
*
* *
Sài Gòn giải phóng được ba tháng thì bố về. Hà năm tuổi được bố chia quà là con búp bê mềm mại tóc vàng, đôi mắt xanh trong veo biết nhắm lại khi nằm xuống. Búp bê kêu oe oe như một đứa bé thật khi bị bóp vào bụng. Khuê đã mười bảy tuổi, tóc dài chấm lưng, áo trắng cổ lá sen, sung sướng, hãnh diện đứng tới tai bố. Bố hai tay ôm vai hai chị em rồi quay sang hỏi Khuê:
- Em có búp bê, còn chị thích gì nào?
Khuê nắm mấy ngón tay của bố:
- Con thích bố, bố về là con đã có tất cả.
Bố hôn tóc Khuê rồi cười sảng khoái:
- Con sẽ có cái… khó tin lắm.
Bố buông hai chị em, lôi cái hộp bìa cứng cột dây chằng chịt đặt lên bộ phản giữa nhà, thong thả tháo các nút buộc. Ngoài lớp bìa cứng là lớp nylon xanh lá cây rất dày, rồi đến quần áo lính của bố xếp chèn để chống va đập, bên trong là tấm vải dù bọc khối vuông vuông.
Bố lại mở tấm vải dù.
- Ồ. Một cái đài to. Cả làng chưa ai có cái đài to thế này.
Ba mẹ con cùng reo lên.
Bố chẳng kịp thay đồ, cái nón cối còn trên đầu, khăn mặt vắt trên cổ, mồ hôi đầm đìa trên mặt, ướt sũng lưng áo, xăng xái dẹp hết bao bì, phủi thật sạch mặt phản rồi khe khẽ đặt cái đài lên tấm vải dù trải rộng. Bố ấn cái nút, mặt trước máy hở ra rồi hạ xuống vuông góc với thân máy. Bố lật đật lục lọi ba lô lôi ra một chồng đĩa nằm trong những tấm bìa cứng và đặt một đĩa vào vòng tròn trong bụng máy vừa phơi ra. Bố nhấc trong hốc máy ra cái cần vuông dài cỡ gang tay đặt lên mép đĩa rồi… ấn nút. Cái đĩa kỳ diệu xoay tròn rồi bất ngờ phát ra âm nhạc thánh thót. Ba mẹ con tròn mắt kinh ngạc. Lúc này nhiều bà con trong làng nghe tin bố về cũng đến thăm khá đông, căn nhà càng huyên náo với tiếng nhạc phát ra từ cái đài lớn. Ai cũng trầm trồ, xuýt xoa, thán phục. Bố vui như chưa bao giờ được vui, hối mẹ đun nước pha trà rồi lấy ra mấy phong bánh kẹo miền Nam mời mọi người. Bà con đến nghe nhạc, nghe cải lương đến nửa đêm.
Trong nhà có bao nhiêu đèn dầu, nến đều được thắp lên sáng rực. Cái đài hát không nghỉ, bố phải thay hai suất pin mới. Từ chiều đến khuya bố chẳng được ăn gì ngoài bánh kẹo với nước trà, nhưng vẫn rất vui. Khi bà con đã về hết, bố mới làm bát cơm với chén canh rau nấu cua đồng. Bố ăn ngon lành, nhìn bố Khuê thấy thương quá. Khuê lấy nón lá quạt cho bố bớt nực.
Bố ở nhà được hai tuần rồi lại vác ba lô về đơn vị. Bố đi rồi, nhà trống lạnh, ban ngày cũng chẳng còn ai đến xin nghe đài, nghe nhạc.
Đêm đêm, mẹ tiết kiệm pin nên chỉ cho mở đài mười lăm phút… đỡ nhớ bố. Khuê thích nhất là đĩa cải lương “Bà chúa ăn mày”, mỗi ngày nghe một đoạn, nghe mãi nên hát lại được cả tuồng cải lương dài dặc. Học xong lớp sáu, Khuê ở nhà phụ mẹ chăm bà nội, chăm em.
Bà mất, Khuê cũng trưởng thành, làm hợp tác xã nông nghiệp kiếm thêm công điểm để được chia lương thực cho gia đình. Năm 1984, Khuê lấy chồng, bố về được hai tuần lo đám cưới cho con.
Bố nói với Khuê:
- Cả đời bố đánh giặc, luyện quân. Ngoài căn nhà từ đường ông bà để lại, bố mẹ chỉ có cái đài này là quý nhất, cho con như chút hồi môn để nhà chồng khỏi khinh.
Khuê giãy nảy:
- Con đi, bố cũng đi, nhà buồn lắm, mẹ với cái Hà phải có cái đài nghe cho vui.
Mẹ cũng ép Khuê, thế là Khuê đành xách đài về nhà chồng. Rồi nhà chồng lục đục, Khuê lại mang đài, mang chồng về ở với mẹ.
Năm 1985, bố là trung tá trung đoàn phó hy sinh ở biên giới phía Bắc, được đưa về trên xe quân đội.
Một năm sau đó mẹ bàn với Khuê:
- Con làm nông vất vả quá, hay là bán cái đài lấy tiền học may, có cái nghề đỡ cực tấm thân?
Khuê òa khóc:
- Có đi ăn mày con cũng không bán cái đài của bố.
Năm 1988, Hà đậu đại học Ngoại thương, Khuê lẳng lặng ôm cái đài với bộ đĩa đi bán để em có tiền mua bộ quần áo tươm tất lên Hà Nội nhập học. Đêm đó, Khuê về muộn, thảy ra phản xấp bạc rồi ba mẹ con ôm nhau khóc. Khuê thắp nhang, khấn:
- Ngày mai con sẽ đi buôn, bố linh thiêng phù hộ cho con kiếm được tiền chuộc cái đài về.
Hai năm sau Khuê quay lại chợ huyện tìm đúng cái nhà đã mua đài của mình. Họ đã bán cho người khác, Khuê lại đi tìm. Vòng vèo mãi rồi ra tận Hải Phòng, Khuê mới gặp được người chủ cuối cùng của cái đài. Lúc này thị trường đã tràn ngập radio cassette, ông chủ đã vui mừng khi có người đến mua cái máy hát đĩa lạc hậu.
Ngồi trên xe đò về Hưng Yên, cái đài nặng trịch trên đùi, Khuê khóc mấy lần vì sung sướng, mãn nguyện…
Chị cả Khuê kể xong câu chuyện dài, hai mắt đỏ hoe, Hà thút thít khóc, mẹ ngừng nhai trầu, đôi mắt già nua ngấn lệ.
Chị quay sang tôi:
- Lúc ở nhà Hải cái đài còn mới và đẹp lắm nhỉ?
Tôi sờ lên nhãn hiệu National gồ lên mặt trước đài, nhấp hớp trà đặc quánh để cơn xúc động trôi ngược vào lòng. Chẳng hiểu sao tôi hỏi chị:
- Những ngày về phép, bố thích nghe ca nhạc hay cải lương?
Chị lắc đầu:
- Bố chỉ thích nghe tin tức, nghe đài bê bê xê với đài Hoa Kỳ…
Mẹ thở dài chép miệng:
- Đó là đài địch, bị cấm.
Bố chỉ nghe lúc khuya. Ông ấy trùm chăn kín đầu rồi ôm cái đài mở thật nhỏ, đứng ngay cạnh giường cũng chẳng nghe được.
Tôi sửng sốt:
- Giống y ba con, mỗi lần nghe đài Giải phóng ba cũng trùm mền như vậy.
Mẹ hỏi:
- Thế lúc ấy ông cụ làm gì?
- Dạ… ba là… kẻ thù của bố.
*
* *
Ba là hạ sĩ bộ binh, giẫm phải mìn trong một cuộc hành quân làm chân trái cụt đến gối. Ngày ba từ quân y viện Cộng hòa về, mấy mẹ con khóc như mưa, nhưng ba lại phấn chấn:
- Được giã từ vũ khí rồi, sướng quá.
Ba đặt ba lô xuống, mở cái hộp các tông xách bên tay không chống nạng, hối ba đứa con:
- Mở ra đi.
Chị em tôi lao vào gói quà, hối hả banh nó ra, ngắm nghía vuốt ve cái radio kiêm máy hát đĩa do Nhật sản xuất.
Đó là năm 1974, tôi vừa tròn mười tuổi, chị Hai Phương mười sáu và thằng út mới sáu tuổi. Ngày đó tôi cũng rờ rẫm khắp thân máy và phát hiện một mảnh vỡ bằng móng tay ở đường gờ bìa trái máy. Tôi la lên, ba cười:
- Bạn của ba mua hơn ba chục ngàn, mới xài hơn năm, giờ để lại cho ba chỉ mười lăm ngàn. Rẻ chán, mẻ một miếng cũng không sao.
Má nhìn ba lo lắng:
- Mười lăm ngàn bằng cả tạ gạo, tiền đâu trả nổi?
Ba lại cười, chỉ vào cái chân giả:
- Tiền ở đây nè, chính phủ trợ cấp phế binh.
Gia đình tôi ở nhà mướn, má ngày ngày lẽo đẽo gánh xôi chè bán dạo. Chị Hai chỉ được học hết tiểu học rồi ở nhà phụ đãi đậu, vo nếp, giã đậu phộng. Má đi bán từ sáng sớm, chị nấu cơm, tắm rửa, giặt giũ và chăm hai đứa em. Lúc trước nhìn mấy đứa bạn trong xóm mặc áo dài đi học, chị buồn lắm.
Nay có cái radio kiêm máy hát, chị vui suốt. Chị thích chương trình Nhạc yêu cầu trên đài Sài Gòn và thường viết thư yêu cầu bài hát “em ước mơ mơ gì tuổi mười ba, tuổi mười bốn”… do ca sĩ cùng lứa tuổi với chị ca.
Chị ôm cái máy cả ngày, lúc nào nghe nhà đài xướng tên mình, chị lại nhảy cẫng lên reo hò như trúng số độc đắc rồi chạy sang hàng xóm khoe ầm ĩ. Tối đến chị mới chịu nhường má nghe cải lương. Lúc cả nhà sắp đi ngủ là phiên ba nghe tin tức.
Ngày Tết ba mở đĩa hài “Ba ông thầy bói”, cả nhà cười ngả nghiêng rồi lại bùi ngùi với bài “Xuân này con không về”. Tôi nghe mãi mấy cái đĩa đến thuộc lòng, nhớ rõ đĩa nào bị vấp ở đoạn nào để nhấc cần lên, cho cây kim vào sâu hơn. Mỗi đĩa đều có bìa in hình nghệ sĩ và phần giới thiệu tuồng tích, bài hát.
Tôi phá phách dùng bút vẽ thêm râu ria vào các hình bìa nên bị chị Phương dùng thước gỗ khẽ vào tay…
Lúc đó nhà tôi sống ở khu số Bốn, thị xã Đà Lạt.
Chiều chiều má đi bán xôi chè về, lôi túi tiền giấu ở thắt lưng ra đếm, toàn bạc lẻ nhàu nhĩ. Má đưa một nắm, tôi chạy ra tiệm mua hai ký gạo đựng trong cái túi giấy tận dụng từ vỏ bao xi măng mang về. Đó là lương thực cho cả nhà vào ngày mai.
Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến ngày Đà Lạt giải phóng. Tôi thích nhất là khi chính quyền cách mạng đến yêu cầu bà chủ nhà không được thu tiền thuê trọ của gia đình tôi nữa. Họ gọi đó là bóc lột và dọa sẽ tịch thu nhà nếu còn ngoan cố bóc lột. Bà chủ người Bắc di cư, có nhiều con là cảnh sát, công chức, sĩ quan của chế độ vừa tàn lụi nên sợ cách mạng hơn sợ cọp. Nhưng ba má tôi rất tự trọng, vẫn lén trả tiền thuê nhà cho bà.
Cuộc sống khó dần lên nên chẳng còn nhiều người ăn xôi với chè. Má vào rừng lấy củi đem ra chợ đổi gạo. Khoai lang trong nồi cơm độn ngày càng nhiều hơn, đến lúc mỗi miếng khoai chỉ còn dính vài hột cơm.
Những bộ quần áo lành lặn của ba, những cái mùng, cái mền còn tốt của gia đình lần lượt được đem ra chợ trời. Tôi mới mười một tuổi phải bỏ học, sáng sớm vo nắm khoai khô nấu nhừ với muối, theo má vào rừng Cam Ly chặt củi. Chị Hai ở nhà chăm sóc cái chân cụt ba đang mưng mủ gây sốt và lo cho thằng út. Ba cắt dây kẽm gai làm thành đôi gióng bé tí, đẽo khúc tre nhặt đâu đó thành cây đòn gánh. Gánh củi tí hon xếp đầy chưa được một ôm, nhưng cũng đủ làm tôi kiệt sức vì đói và chặng đường thăm thẳm từ rừng về phố.
Rồi đến lúc má đổ bệnh.
Cả nhà chia mấy củ khoai luộc cầm cự. Đêm đó chẳng ai ngủ được vì đói, má ngồi dậy vặn to ngọn đèn dầu,
bàn với ba:
- Ngày mai đem cái “radô” (radio) đi bán.
Chị Hai tốc mền bật dậy, khóc nức nở:
- Đừng má ơi, ba hứa con lấy chồng, sẽ cho con mà.
Ba vuốt tóc chị Hai, nghẹn ngào:
- Ba xin lỗi con.
Thứ gì cũng bán nên giờ cả nhà năm người phải co ro, chen chúc trên cái giường mét sáu với một cái mền mỏng tanh, vá víu. Còn mấy cục than mót được trong rừng, má đốt chậu lửa để dưới gầm giường cho ấm. Thút thít một lát chị Hai bỗng đổi ý:
- Thôi bán đi để lấy tiền mua gạo cho em, mua thuốc cho ba.
Sáng hôm ấy tôi vừa mở mắt ra đã thấy chị Hai ngồi bệt dưới nền xi măng lạnh buốt, lau chùi cái “radô”.
Mấy tháng nay bà chủ nhà cắt điện và không còn tiền mua pin nên chị chẳng thể nghe nhạc, cái máy đứng trên đầu tủ buồn hiu. Tôi vừa bước xuống giường, chị ngoắc lại, chỉ vào cái hộc pin của máy:
- Chị dùng cây kim to này hơ lửa khắc tên vào đây. Ngày nào đó chị sẽ tìm lại được nó.
Má cho máy và bộ đĩa nhạc vào một cái bao bố rồi xách ra chợ. Tôi đi theo má ra đến cửa bỗng nghe chị Hai khóc thảm thiết nên quay vào, thấy ba ngồi bất động, cắn môi. Tôi mếu máo dỗ dành chị:
- Đừng khóc nữa, mai mốt lớn lên em đi làm có tiền mua lại cho.
Má dắt tôi ra khu Hòa Bình, trải cái bao bố xuống vỉa hè rồi đặt cả máy lẫn đĩa lên. Má con bó gối ngồi đợi.
Buổi sáng Đà Lạt thật lạnh, cái bụng đói làm tôi nôn nao muốn ói… Nhiều người đi qua ghé lại xem máy rồi lại bỏ đi. Mỗi lần như thế má lại thở dài rồi quay sang hỏi tôi:
-“Con đói lắm phải không? Lát bán được má mua cho cái bánh bao”…
Đến gần trưa có ông bộ đội dỏng cao, da ngăm trạc tuổi ba đến. Ông đeo ba lô, khẩu súng ngắn xệ xệ bên hông. Trời Đà Lạt âm u nhưng ông vẫn đeo kiếng đen và quàng cái khăn mặt qua cổ.
Ông săm soi cái máy thiệt kỹ, đưa tiền nhờ má đi mua pin về thử đi thử lại. Má đòi mười lăm ngàn tiền cũ (lúc này vừa đổi tiền xong) ông trả bảy ngàn… tám ngàn… rồi lấy lại sáu cục pin bỏ đi. Lát sau ông quay lại mím môi trả mười ngàn. Má vẫn chưa bán, ông lại bỏ đi. Cuối cùng ông quay lại lúc trời đã đứng bóng với giá mười một ngàn tức hai mươi hai đồng tiền mới. Trả tiền xong, ông phấn khởi bỏ bộ đĩa vào ba lô, rồi lấy sợi dây dù cột máy lại đeo trên cổ.
Tôi cầm nắm tiền miền Bắc với những tờ bạc nhỏ xíu, lạ lẫm mà lòng buồn vô hạn.
Có lẽ giờ này chị Hai vẫn khóc ở nhà. Má quệt nước mắt, đội nón lá, gấp cái bao bố kẹp vào nách rồi kéo tôi đi. Má mua chục ký gạo hết hai ngàn đồng, chai xì dầu, mớ rau và ba con cá hấp bằng ngón chân cái. Số tiền còn lại mua thuốc cho ba. Trưa đó nhà tôi được bữa cơm trắng có rau luộc chấm nước cá kho rất… “sang”. Trừ thằng út vô tư giành nguyên con cá, cả nhà dù đói suốt mấy ngày, chính xác hơn là đói dồn mấy tháng vẫn không nuốt nổi cơm. Nhìn chị Hai sụt sùi, tôi buông chén cơm ra vỉa hè giấu nước mắt.
Khi tôi kể xong, đêm khuya lặng, cột kèo trong nhà từ đường bỗng kêu răng rắc. Mẹ run run đến thắp nhang cho bố:
- Đúng là trời có mắt, Phật dẫn đường cho thằng Hải về làm rể nhà mình ông ơi.
Chị Khuê rót cho tôi chén trà bốc khói:
- Ngày đó người trong làng cứ đồn cái đài là “chiến lợi phẩm” bố thu hoạch được từ nhà tư bản bóc lột đáng ghét nào đó trong Sài Gòn. Ai ngờ nhà đó giống hệt nhà này.
Tôi cũng bùi ngùi bộc bạch:
- Sau năm 1975 trong Nam có bốn chữ “vào - vơ - vét - về” để nói xấu cán bộ miền Bắc. Em cũng từng ấm ức như vậy. Bây giờ mới hiểu. Bố với ba đều là người cha tội nghiệp.
*
* *
Ngày gia đình tôi chuẩn bị ra sân bay trở vào Sài Gòn, những thùng nhãn lồng Hưng Yên xếp đầy cốp ô tô của anh An. Lúc bịn rịn chia tay, chị cả Khuê bất ngờ trao cái đài với bộ đĩa đã đóng gói kỹ lưỡng cho tôi, vui vẻ bảo:
- Chị được giữ nó mấy chục năm ngoài này rồi, giờ đến lượt chị Hai Phương trong đó. Bố với ba ở chín suối sẽ cùng vui em à.
Tôi rưng rưng đưa hai tay nhận lại kỷ vật gia đình, ngước mắt lên thấy chị Cả sao giống chị Hai đến lạ.
Lúc này chị mặc đồ bộ giản dị với cái áo cổ lá sen đặc hữu miền Bắc. Trông chị thật đẹp, thật hiền, thật chân tình hệt như người chị phải bỏ học thay mẹ chăm sóc anh em tôi suốt những năm ấu thơ nghèo khó.
Tôi muốn nói tự đáy lòng: “Em thương chị…”
nhưng không cất nổi lời.
Trên đường ra sân bay, lòng tôi bồng bềnh. Nhìn lại làng quê miền Bắc, thấy thân thương vô cùng
Truyện ngắn của Lại Văn Long

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

BÀI THƠ THÁNG TƯ

(Tặng em Loan)

Lấy máu nhân dân để làm thơ anh hùng
Cha con bắn vào nhau, anh em một nhà coi nhau là giặc
Tôi thấy thương những bài thơ nước mắt
Bên này bên kia đều mặn như nhau

Xin ngừng khoét sâu và cứ mãi căm thù
Mở rộng trái tim để hồng hào tổ quốc
Tháng Tư xin đừng bắn pháo hoa, đừng ăn mừng như trước
Nhìn vào mắt em, tôi cúi lậy bạn bè

Em yêu ơi! Chúng mình cùng thắp hương ở Trường Sơn
Đặt hương hoa nơi nghĩa trang Biên Hòa
Hãy cùng xiết tay chống giặc thù Phương Bắc
Tiêu diệt bọn quan tham đang cưỡi cổ dân ta

Tháng Tư, anh không hát tình ca
Bài hát ấy anh dành cho tổ quốc
Cho nhân dân đớn đau, cho bài thơ đang khóc
Tháng tư này mong đừng bắn pháo hoa

(Thơ của Ngoc Tuan Tran)
30/4/2017

Copy nhà Nguyễn Thúy Hạnh ( Fb)




Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

LY CAFE

Em vắt nỗi buồn
Vào chiếc ly xinh định đem đi tặng
Anh muốn nhận
Thì đăng ký sớm nghe không

Ly cà phê cóc có gió lạnh đầu đông
Có nhịp đập gõ chênh vênh
trong tim người ở lại
Em đi xa
Bứt từng cơn nắng quái
Gửi ngược vài dòng tê tái buồn hiu

Rượu
Hay cà phê
Ly nào có hương tình yêu
Có vị nồng nàn môi em sót lại
Hỡi người đau tim vì hoài mê gái
Vắng em rồi
Anh uống mãi không say

Monghoa Vothi
1/5/2017

****

Đau tim khổ lắm chứ
Gái ở đâu mà mê
Thiên đường đang mở ngõ
Lối đi nào cũng thảm thê

Buồn chi mà phải vắt
Nhịp đập nào chênh vênh
Con tim đau ai thắt
Đứt bóng lấy gì nhớ quên

Muội thật là tinh quái
Ta giờ cũng hư hao
Cafe buồn đắng ngái
Tê tái chỉ càng thêm đau

Thôi thì xa dù nhớ
Vẫn có còn hơn không
Con chim hờn trách quở
Mà nghe hơi ấm trong lòng

Ngày hôm nay tan lễ
Gió chập chờn đi hoang
Đời vẫn là như thế
Sớm muộn gì rồi cũng tan

Cảm ơn cảm ơn nhé
Chén rượu hồng vừa trao
Say ư không rơi lệ
Lệ chẳng làm ta bớt đau...

Vui nha... huynh đi nhậu đây

TRẦN PHONG VŨ

****

Hey ! Chầm chậm chút
Rượu đang cơn lôi đình
Cà phê vừa giận dỗi
Uống gì cho em tin ?

Rằng người đi còn nhớ
Ở lại nhiều chênh vênh
Không leo mà mỏi gối
Con dốc nằm không yên

Con dốc chiều chủ nhật
Nghe gió vừa kêu tên
Chợt hồn như chấu cắn
Trách cao xanh vô tình

Phải đâu muội tinh quái
Chỉ tội huynh hay buồn
Giấu mùa thu đắng ngái
Uống một mình đau thương

Bên này chuông thánh lễ
Kêu bên kia nguyện cầu
Cuộc đời dù không dễ
Vẫn còn bao nhiệm màu

Biết ly này rơi lệ
Biết ly kia rơi sầu
Có ai về kịp hứng
Quất roi vào lòng nhau

Monghoa Vothi