Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

NẰM MƠ

Hồi nhỏ, tôi cũng là một thằng nhóc chúa mê đọc truyện Tàu và truyện kiếm hiệp, lớn lên một chút, đọc sử ký Tư Mã Thiên để hiểu thêm về Thủy Hử, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, biết căm ghét bạo chúa Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc, đốt sách và chôn sống học trò dưới chân Vạn Lý trường thành... Tôi cũng biết khinh bỉ một Tào Tháo mưu lược nhưng gian hùng hết cỡ.... cùng nhiều nhân vật khác trong sử, trong truyện và văn hóa Trung Hoa...
 
Sau 1975 đến thời mở cửa. Tôi được xem nhiều phim bộ của TQ trên truyền hình, nhất là những phim cổ trang liên quan đến sử thi như Tần Thủy Hoàng, Tam Quốc Chí, Hán Sở tranh hùng... vv. Tôi nhận ra được tính định hướng trong phim ảnh TQ liên quan đến các nhân vật lịch sử. Tần Thủy Hoàng có công lao lớn là thống nhất Trung Hoa khiến cho đất nước này trở nên hùng mạnh. Tào Tháo tuy gian hùng sát số nhưng cũng là một anh hùng vì biết lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện nghĩa là có thể dùng bất cứ thủ đoạn phương tiện gì miễn là đạt được mục đích nắm lấy vương quyền.... Tôi cũng tin là những lập luận kiểu này đã tác động không ít đến thế hệ trẻ thời nay. Sống, làm chính trị hay kinh tế kiểu gì trong thời đại này mục tiêu là chính và để đạt mục tiêu đó, người ta sẵn sàng hy sinh, chà đạp kẻ khác.

Vua Đinh Tiên Hoàng có công dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước nhưng thủ đoạn chính trị của ông khi lấy vợ của Ngô Xương Văn, cho con gái mình lấy Ngô Nhật Khánh ( con Ngô Xương Văn), cho con trai mình lấy con gái Ngô Xương Văn thì thật là bỉ ổi...

Vua Quang Trung có công lớn đối với dân tộc khi ông thống nhất đất nước và đánh đuổi 20 vạn quân Thanh để bảo toàn nền độc lập cho nên trong sử sách VN,  Ông vẫn được xem là một Anh hùng dân tộc. 

Vua Gia Long cũng là một vị anh hùng kiểu nằm gai nếm mật, là một bậc kỳ tài và ông cũng có công thống nhất đất nước lập nên một triều Nguyễn thịnh trị suốt mấy trăm năm nhưng ông không được sử sách xem là Anh Hùng dân tộc vì ít ra khi đánh nhau với Tây Sơn , ông đã nhiều lần kéo quân Xiêm La ( Thái Lan ngày xưa) về tấn công VN. Hành động này không thua gì một Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà...

Vua Minh Mạng cũng rất oai hùng, thời kỳ của ông, nước VN lớn mạnh hơn bao giờ hết, thậm chí nó còn rộng đến tận Nongpenh bây giờ ( Đọc lại sử chép về danh thần Trương Minh Giảng, ông từng được vua Minh Mạng giao cho cai quản Tây Trấn là một phần KPC ngày nay). Nhưng Vua Minh Mạng có phải là một minh quân hay không thì chưa chắc lắm. Ông có bao nhiêu vợ và có 101 công chúa, hoàng tử thì đủ hiểu ? Việc cấm đạo và tàn sát giáo dân, chủ trương bế quan tỏa cảng dưới triều vua Minh Mạng và Tự Đức đã là một cái cớ để người Pháp xâm lăng dẫn đến họa mất nước rành rành ra đó ?

May mà Trung + không chiếm được Đài Loan, may mà Bắc Hàn không thống nhất được Nam Hàn nên giờ này chúng ta mới có 1 Taiwan, một Hàn Quốc giàu có, văn minh nhé.

Trong lịch sử Thế giới, tôi chỉ thấy có mỗi Đông Đức và Tây Đức là thống nhất trong hòa bình, không đổ máu.. Có lẽ vì bản chất của dân tộc họ chăng ? Còn bản chất của dân tộc Việt là gì ? Đó vẫn là một dấu hỏi mà đời sau phải đáp ?

TRẦN PHONG VŨ
27/4/23

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

NƯỚC MỸ & “TOILET”

Lợi tức đầu người (GDP) dân Na Uy đứng hạng 3 trên thế giới: 65,500 USD 1 năm, Mỹ hạng 7 = 50,000usd, nhưng vật giá ở Na Uy cao hơn Mỹ gần 3 lần, xăng giá 11usd /1 gallon, sale tax 25%, nhà hàng không cho free nước đá lạnh như Mỹ, khát phải mua 1 chai nước nhỏ giá 24 Krone = 4USD, suy ra nếu so sánh GDP Mỹ với vật giá Âu Châu thì GDP Mỹ phải cao hơn 150,000 USD!

Ngay giữa thành phố Oslo là công viên tên Vigelandsparken Sculpture Park có những bức tượng điêu khắc mỹ thuật, rộng 80 mẫu, hàng triệu du khách đến mỗi năm... nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh bên cạnh quán nước ngoài cổng, phải nhét đồng 10 Krones (1.75USD) để sử dụng, nhìn đoàn người xếp hàng rồng rắn bên ngoài chờ là... nhịn luôn!

Nước Mỹ số một...

Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.
“Đi cho biết đó biết đây
Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”.

Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người”.

Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội (kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên. Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào. 

Nhưng khi du lịch ra nước ngoài khác mới “thấm thía” 

Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ – 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới!

Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự!

Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “bí” quá bèn hỏi:

- Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?

- Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!

Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như… cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ.

Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là XHCN, hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng. Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó. 

Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la…, bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ, khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.

Phi trường ở Mỹ, ghế ngồi chờ đợi cho hành khách là ghế nệm dày và lúc nào cũng dư thừa, thậm chí lúc ít khách có thể nằm ngủ thoải mái. Toilet và vòi nước uống có khắp nơi, bây giờ lại có thêm những chỗ cho hành khách charge pin điện thoại, laptop, I pad, I phone…

Nhưng khi tới phi trường Paris (CDG) những nhu cầu căn bản đó hình như biến mất. Thực ra trước đây tôi đã đến phi trường Paris nhiều lần, nhưng đều đi ra ngay luôn. Lần này chuyến bay chuyển ở Paris trước khi tới Berlin nên tôi mới có cơ hội thâm nhập CDG. Trước hết khi máy bay đáp xuống CDG, tôi ngạc nhiên khi thấy phải đi cầu thang sắt xuống, với va li carry-on, nếu kéo đi thì nhẹ nhàng, nhưng phải xách nó lên và leo mấy chục bậc thang xuống thì không dễ chút nào! Sau đó, leo lên xe buýt chở vô phi trường.

Vô đây tôi lại tiếp tục chạy vòng vòng, mệt “bở hơi tai” vì phải xách carry-on lên xuống cầu thang nhiều lần đi từ khu này qua khu khác, phải qua khu x-ray (khám bằng tay là chính) rồi mới tới được cổng đổi chuyến bay! Khu nhà kiếng tương đối nhỏ nhưng có tới 12 cổng, mỗi cổng chỉ vỏn vẹn có một quầy nhỏ và một computer. Có một số băng ghế sắt trong khu vực cho hành khách ngồi đợi nhưng quá ít so với nhu cầu, nên hành khách ngồi la liệt dưới đất, khắp lối đi. Một số ông thì ngồi vắt vẻo trên các lan can, bờ tường. Tôi vừa mỏi chân, vừa mệt vừa khát nước, nhưng nhìn quanh cả khu vực không thấy có vòi nước uống nào, cả WC cũng không có, chỉ thấy toàn người là người

Khi lên được máy bay Air France, ngồi yên chỗ quan sát, tôi có cảm tưởng nó là “xe đò bay” thì đúng hơn (khi so sánh với máy bay Mỹ mà tôi vừa đi) vì ghế ngồi và thiết bị cũ kỹ như từ thế kỷ trước. Lúc máy bay cất cánh tôi nghe nó gầm gừ “phành phành” rồi “ạch ạch” như đang cố sức nâng cái thân già nua bốc lên khỏi mặt đất, tôi chỉ lo nó rớt (may là tôi có mua bảo hiểm rồi nên đỡ lo). Cuối cùng sau một hồi “lắc lư con tàu” nó cũng bay lên được... Yên tâm rồi, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi (vì chẳng có phương tiện giải trí nào: nhạc, tivi…).

Cơn khát nước làm tôi chợt tỉnh, thấy chung quanh ai cũng có ly nước, tôi bèn yêu cầu một nam tiếp viên cho xin ly nước, nhưng hắn trố mắt ra ngó tôi như tôi đang đòi hỏi một điều gì quá đáng, rồi hắn phớt lờ (đúng là tính “ga lăng” của đàn ông Pháp đã trở thành quá khứ). Có lẽ họ cho rằng họ chỉ phát nước theo giờ của họ, hết giờ là hết phát? Sau khi yêu cầu 2 lần không được, khát quá tôi đợi lúc bà tiếp viên trưởng đi ngang để lập lại yêu cầu, bà bảo tôi đợi một lát và mang đến cho tôi một ly nước nhỏ. Hình như nước trở thành hiếm quý và cách phục vụ lịch sự cũng hiếm quý luôn!

Ôi Air France! Một thuở mơ ước khi tôi còn học trung học ở Saigon, lúc nhìn những hình ảnh quảng cáo của Air France trên các tạp chí nước ngoài! Ôi mộng và thực đúng là “nghìn trùng xa cách”! Xin tạm biệt Air France và phi trường Paris (kinh đô ánh sáng một thời) mà không mong ngày gặp lại! Có lẽ từ đây nếu có du lịch châu Âu, tôi phải lo học thuộc lòng câu của William Shakespear: “I always feel happy, you know why? Because I don’t expect anything from anyone.”

Tới phi trường Berlin (TXL) lại cũng phải đi cầu thang sắt xuống, rồi đi xe bus vô phi trường, xem ra phi trường này còn nhỏ và thiếu tiện nghi hơn phi trường Paris, tôi lại tiếp tục xách carry-on mệt nghỉ, chứ không kéo đi nhẹ nhàng như ở các phi trường Mỹ. May mà hai nước Pháp và Đức là hai nước lớn lại có nền kinh tế vững mạnh trong khối châu Âu. 

Đúng là có đi ra ngoài mới thấy tiện nghi ở nước Mỹ là số một, đó là chưa kể đến vụ so sánh giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, hàng hóa ở Mỹ vừa nhiều vừa rẻ. Sau này về đến phi trường LAX tôi thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái, tất cả đều được chuẩn bị phục vụ chu đáo nhanh gọn, lịch sự.

Đúng là “sweet home”. Ôi! “My beautiful America”. Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự yêu mến và tự hào về quê hương thứ 2 của tôi: Nước Mỹ yêu dấu! Quả là:

“Phải chờ đến xế chiều

Ta mới thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ biết bao!”

Nói đến niềm tự hào về nước Mỹ, tôi lại nhớ đến sự việc trên chuyến Cruise Coastal của Đức vừa đi. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị nghẹt, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ “Customer Service” để xếp hàng đi khiếu nại..

Thật ngạc nhiên khi họ “tỉnh bơ” cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo. Tôi bèn hỏi:

- Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?

- Đi kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài...

- Nhưng chúng ở đâu?

Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải “ôm bụng” chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân châu Âu quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?

Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Đức. Sáng nay chị đã là nạn nhân “ôm bụng” chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị. Do đó tôi tưởng chị là “đồng minh” bèn nói:

- Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Đã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi…

Không ngờ chị phản ứng mạnh:

- Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị chúng ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia, còn đòi xin lỗi…“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”…

Chị mắng cho một hồi “tràng giang đại hải” mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị “giũa” một trận te tua chỉ vì là “dân Mỹ” mà nào tôi có đòi hỏi điều gì cao cấp đâu, chỉ là những nhu cầu căn bản thôi. Thôi “một sự nhịn chín sự lành”, nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn “chị hai” trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi!

Suy ra mới biết tinh thần “bài Mỹ” ở các nước Âu châu khá mạnh (ghé vô Nga 1 ngày tham quan cũng phải nộp tiền làm đơn xin visa). 

Kiểu này qua các nước Trung Đông chắc bị “xơi tái” quá, nhưng tôi nhớ một lần cách đây 5, 6 năm dân Mỹ qua Ai cập thì lại được đối xử như VIP, đi đâu cũng được ưu tiên và có xe jeep hộ tống “tiền hô, hậu ủng” rất oai!

Hôm sau tâm sự với một chị bạn khác về nỗi ấm ức bị mắng oan. Chị trả lời:

- Chắc tại chị ấy ở Đức lâu, nên ngấm tinh thần “tự tôn dân tộc” của dân Đức, không muốn nước nào qua mặt, mà như vậy là tự ái dân tộc dỏm, vì dù gì mình cũng là người Viết Nam! (Chị cười) Ai bảo Mỹ giàu hơn, mạnh hơn nên dễ bị chúng ghét! 

Tôi chán ngán:

- À thì ra vậy! Hèn gì em nghe người ta thường nói “ở đời mình thua chúng khinh, mình hơn chúng ganh ghét, mình bằng chúng nói xấu”.

Không biết đến bao giờ các dân tộc trên thế giới sẽ sống với nhau trong tâm trạng “để hận thù người người lắng xuống” hầu không còn ai cảm thấy: 

“Đôi khi ta muốn thoát ly

Đi thật xa khỏi cuộc đời này

Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai” (Lê Hựu Hà)

Dù sao nhờ có đi ra ngoài, có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh, tôi mới biết trân quý hơn những điều tôi đang được hưởng mỗi ngày ở xã hội này, mà đôi khi quá quen, tôi cứ xem đó là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình (giống như trong đời sống gia đình có nhiều người có phước có được những bà vợ, ông chồng rất tốt, rất tử tế, nhưng họ không hề biết quý và cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên và bình thường, cho đến khi không còn nữa mới hối tiếc thì đã muộn!).

Khi ý thức lại những tiện nghi của đời sống ở Mỹ mà tôi vẫn xem đó là chuyện bình thường, tôi mới biết đôi khi nó là niềm ước mơ của biết bao người trên thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Họ không chỉ cần những nhu cầu vật chất căn bản của đời sống nhưng còn cần những nhu cầu căn bản về tinh thần (quyền làm người, quyền tự do…) mà họ khát khao nhưng không hề được đáp ứng! 

Xin cám ơn Chúa, xin cám ơn đời đã cho tôi có một cuộc sống tương đối an lành trên xứ Mỹ này, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh khác nơi quê nhà, vì có thể “Một tình thương cho cuộc sống đang chờ đợi ta” bởi:
“Tình yêu là trái chín của mọi mùa
Nằm trong tầm với của mọi bàn tay” (Mẹ Theresa)

Phượng Vũ
...

Photo Van Tuan

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

Ăn chay và tôi



Da Diệt có một người bạn, ba má nó ăn chay trường. Nửa năm trước ba nó qua đời nên nó dọn về nhà để hủ hỉ với má nó. Cúng 49 ngày chay nên nó cũng ráng báo hiếu theo chay. Hết 49 ngày nó ăn mặn tiếp. Rồi hôm kia nghe báo rằng nó đã "chiêu hồi" thành công, má nó đã bỏ chay trường ăn mặn luôn rồi

Tôi kêu đó là hạnh phúc, là công đức vô lượng. Mỗi khi nghe có người bỏ chay trường tôi đều mừng vui chúc mừng đã thức tỉnh và trở về cái đạo của con người bình thường 

Trong chốn võ lâm bên Trung Hoa có bà Thiên Sơn Đồng Lão dùng thịt cá nhét vô miệng Hư Trúc phá giới, cho Hư Trúc bỏ thói ăn chay trường, rồi lột truồng cho ngủ gái đẹp cho biết mùi của tự nhiên

Hư Trúc phá một lần, hai lần rồi cũng xong. Ăn thịt ngon chết giấc, ngủ gái sướng tê tái, làm được chơi luôn. Vậy là thành công chuyện cứu vớt một người huyễn hoặc cái chay trường 

Mà phải kêu là ăn trai nha! chữ 齋 trai là không ăn mặn, là “trai giới” 齋戒. Nhưng trai trùng với chữ đàn ông, thành ra kêu là ăn chay 

Chay hay mặn, nhiều khi hơi bực bội 

Như kiểu nhà có đám, đang lúc bối rối bực mình  thì lại phát sinh chuyện ăn uống. Kho thịt không ăn, nấu cháo cá không ăn. Hai ba người bà con chay trường đòi nấu mâm riêng. Vậy ăn chay thì ăn chao, ăn tương thì không chịu, đòi phải có tàu hủ ky, phải món này món nọ. Thiệt sự bối rối và bực mình 

Nhà có giỗ hay cưới thì chừa người ăn chay trường ra khỏi mời vì phải làm mâm riêng. Có người còn dặn đi dặn lại phải xài nồi mới, chén mới, dĩa mới, đũa mới để nấu chay cho họ 

Bạn bè có đứa ăn chay trường, đi ăn chung nó toàn ép mình phải ăn chay với nó. Chừng ba lần không dám gặp nữa 

Những người ăn chay trường là những người không hiểu đạo 

Mà ăn chay trường để làm gì? Con người có đạo đức không phải là nhờ ăn chay trường. Ăn cái gì vô bao tử nó cũng đi ra có một đường thôi

Đôi lúc cuộc sống vì miệt mài, vì u ám quá, có những cơn bực tức thoáng qua, có khi lòng người xao động chút đỉnh, những niềm vui đi mau, lòng mình lắm khi ê chề  

Thôi thì kiếm đồ chay ăn vậy. Ăn chay cho vui miệng chứ không phải kiếm đạo hạnh gì đâu. Ăn chay là thay đổi khẩu vị, tìm sự cân đối về thể xác lẫn tinh thần. Ăn chay là để hãm lòng mình

Có gì ăn nấy đi !

Bạn không thể đang đói mà lại yêu cầu người cho "Làm ơn kiếm cơm chay "cho" tôi" . Vì người cho cũng quào quìu, chạy hoảng, người ta ăn gì san sẻ cho bạn cái đó, không thể đáp ứng trong cơn nguy biến của dòng đời. Nếu không thể có cơm chay thì bạn ..chết hay sao? 

Những bịnh nhân  trong bịnh viện nếu ăn chay trường lại tự làm khổ mình, làm khổ cho bác sĩ nữa. Giữa trăm ngàn bề bộn, chay mặn nữa thì có thì giờ "giải thích" hay sao? 

Người ăn chay trường hay làm khổ con cháu bạn bè

Ăn chay tốt cho sức khỏe? Cũng chưa chắc trúng

Đức Phật cũng không phải là người ăn chay

Chỉ vì một cách "tu" màu mè  Lương Võ Đế và người Tàu đã để lại tới hôm nay, nhiều người bình dân lại nghĩ ăn chay trường tức khắc họ sẽ thành tựu 

Xin đừng nghĩ chay là tu là đạo này đạo nọ. Một phương pháp bị hiểu sai, cứ ăn chay và thiền là tu là hoàn toàn sai.

Fb Nguyễn Gia Việt

CÒN 2 CON MẮT...

Bùi Giáng và câu thơ “Còn 2 con mắt khóc người 1 con” 

Có câu chuyện kể lại rằng vào năm 1957, Bùi Giáng say mê một hoa hậu tên là Thu Trang khi cô này đã có đứa con với một người đàn ông có gia đình. Người đó là Tống Ngọc Hạp, đạo diễn phim Lục Vân Tiên mà Thu Trang đóng vai nữ chính. 

Bà là “nàng thơ” của Bùi Giáng trong nhiều bài thơ in ở tập “Mưa Nguồn” xuất bản khoảng năm 1962, trong đó có bài “Mắt Buồn” với hai câu chót:
“Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”.

Nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã mượn câu câu “Còn hai con mắt khóc người một con” cho bản nhạc “Con Mắt Còn Lại” với ý nghĩa “có 2 con mắt, dùng 1 con mắt để khóc người, còn con mắt còn lại thì “nhìn cuộc đời tôi…” và “nhìn cuộc tình phai…”

Tuy nhiên, nội dung gốc của câu thơ “còn hai con mắt khóc người một con” của Bùi Giáng có phải có ý nghĩa như vậy hay không?

***Hoa hậu Thu Trang tên thật là Công Thị Nghĩa, là hoa hậu đầu tiên của VNCH năm 1955… Cuộc thi hoa hậu này nhằm tôn vinh hai nữ anh hùng dân tộc, đồng thời lấy tiền bán vé để ủng hộ cho Tổng uỷ di cư tị nạn – một cơ quan để hỗ trợ những người di cư vào Nam trong thập niên 1950. Nhà báo Thu Trang lúc đó mới 23 tuổi đến gặp ban tổ chức cuộc thi để lấy thông tin viết bài về cuộc thi hoa hậu, không ngờ ban tổ chức vừa thấy cô phóng viên xinh đẹp sắc sảo liền thuyết phục cô đăng ký thi hoa hậu. Cuộc thi Hoa hậu này được tổ chức vào ngày 20-2-1955 tại rạp Lido, rạp lớn nhất Sài Gòn thời đó với sức chứa cả ngàn người. Mặc dù ban đầu Thu Trang chỉ định đi thi cho vui, không tin tưởng lắm vào việc trúng giải, rốt cuộc cô lại giành ngôi vị cao nhất…

Sau khi đạt giải Hoa Hậu, Thu Trang bước vào lĩnh vực điện ảnh, với cuốn phim đầu tay là Chúng Tôi Muốn Sống (1956) nhưng chỉ tham gia vai phụ. Sau đó bà đóng vai nữ chính trong phim Lục Vân Tiên của đạo diễn Tống Ngọc Hạp, và đó là bước ngoặc lớn của cuộc đời. Phim Lục Vân Tiên được đề cử mang đi dự Liên hoan phim châu Á 1957, rồi mang đi giới thiệu qua nhiều quốc gia khác. Toàn bộ hậu kỳ phải làm ở Nhật, thời gian ở nước ngoài khá lâu nên kinh phí không đủ, đoàn từ bốn người đã rút lại còn mỗi đạo diễn và nữ chính Thu Trang. 

Chỉ có 2 người ở với nhau một thời gian dài như vậy nên việc nảy sinh tình riêng là không tránh khỏi. Thu Trang trở thành tình nhân và mang trong mình đứa con của vị đạo diễn đã có gia đình này ngay trong tháng đầu tiên ở Tokyo. Dư luận xã hội lúc bấy giờ không dễ gì tha thứ cho một sự việc như thế. Thu Trang kiên quyết giữ lại đứa con của mình và sẵn sàng chấp nhận tất cả búa rìu dư luận. Mùa thu năm 1957, cả hai trở về Sài Gòn, sau đó sinh con và đặt tên Tống Ngọc Vân Tiên để kỷ niệm tình yêu đầu tiên (đặt theo tên phim Lục Vân Tiên), và sau này bà cũng chưa bao giờ trách móc đạo diễn Tống Ngọc Hạp bất cứ điều gì. Đến năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, Thu Trang đã nhận lời và cùng con trai nhỏ sang.

Khi biết Thu Trang chuẩn bị đi Pháp, Bùi Giáng đến nhà thăm bà trong một ngày mưa. Bà Thu Trang nhớ lại hành động “kỳ quặc” của ông hôm đó: “Tôi hơi ngạc nhiên để ý anh nhìn xuống nền nhà đá hoa. Cả hai im lặng, tôi muốn nói một câu gì đó để cho có chuyện. Chưa kịp thì anh cúi xuống nhặt đôi dép màu xanh lá mạ của tôi đi trong nhà cạnh đó, anh nhặt lên và lẳng lặng mở tờ báo gói đôi dép. Rồi anh đứng lên: Tôi về!”…

Một câu trong bài “Mắt Buồn”, Bùi Giáng” đã cố ý lồng tên người đẹp Thu Trang:
“Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng 
Ấn TRANG sử lịch THU triền miên trôi 
Bỏ trăng gió lại cho đời 
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa 
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma 
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời 
Bây giờ riêng đối diện tôi 
Còn hai con mắt khóc người một con.”

Cho nên, câu thơ “Còn hai con mắt khóc người một con” của Bùi Giáng không mang ý nghĩa “tâm thần phân liệt” như bài hát Trịnh Công Sơn mà tác giả Bùi Giáng muốn nói ông không còn gì ngoài hai con mắt khóc cho người đẹp một con, “gái một con trông mòn con mắt”.

Đông Kha – nhacxua.vn

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

Bùa Yêu!

Ngoài tình yêu, tâm đầu ý hợp là phải nói tới tình dục. 
“Gió đưa bụi chuối sau hè!
Giỡn chơi chút xíu ai dè có con?” 
Đó là còn trẻ còn khỏe, còn sung kìa. Chớ lâu ngày chày tháng như cái máy từ từ nó cũng xìu xìu ển ển mà thôi
Mà muốn chữa cái bệnh gần hết xí quách nầy, muốn đèn gần hết dầu mà vẫn phựt cháy phừng khi bị hút hồn bởi làn da trắng nõn, mịn màng, cơ thể tỏa hương thơm hừng hực sắc xuân thì quý ông anh mình phải chơi bùa yêu vậy!
Chuyện rằng: Hai chị em ruột Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức, nhan sắc đổ nước nghiêng thùng, da trắng nõn, mềm mượt, tỏa ngát hương thơm nhờ xông xạ hương, uống sâm cao ly và lộc nhung.
Vừa đẹp vừa sung, cả hai làm Hán Thành Đế, Lưu Ngao (51 TCN-7 TCN) cực kỳ mê đắm, vùi đầu vào những cuộc truy hoan khiến thiếu điều hết xí quách!
Để được vui tới bến, Lưu Ngao ra chiếu chỉ kêu ngự y chế một loại xuân dược tức bùa yêu cho Hoàng đế xìu xìu ền ển, trên bảo dưới hổng chịu nghe; thành “mãnh long quá giang” chớ không còn là thỏ đế!
Nhưng xài riết lờn thuốc, công hiệu kém dần đi, nên Lưu Ngao chỉ biết kêu ngao ngao trước giờ lâm trận! 
Cho đến một đêm, Triệu Hợp Đức ép Hoàng đế uống cả 10 viên một lúc để mạnh gấp 10, không ngờ Vua uống xong thì hôn mê sâu, đi tàu suốt!
Còn Việt Nam mình lừng danh nhứt là bùa yêu Minh Mạng thang! 
Tương truyền Vua Minh Mạng nhờ bài thuốc nầy mà có cả thảy 43 người vợ và 142 người con. 
Thói thường xài bùa là có ngày bùa vật chết. Nên người mới 50 tuổi là đã thăng, băng như diều đứt dây!
Vậy mà giờ mấy ông anh mình cứ đồn đại rồi xúi dại nhau tìm rượu hòa Minh Mạng thang để chứng tỏ mình là “vô địch quyền vương!” 
Nếu một xị thì có thể ông uống bà khen hay. Nhưng quất hai xị vô là ông uống bà không khen gì hết ráo; vì ông nằm ngoẹo cu lơ; ngáy ồ ồ như trâu rống vậy!
Rồi thằng tư bản Mỹ vốn có cái mũi rất thính hơi đồng, đánh hơi được chỗ nào kiếm được tiền tỉ đô la, bèn chế ra Viagra, công hiệu tức thời.’
Sau một tiếng là tối đa; chớ không phải chờ xa xa… như thuốc Bắc làm quý anh chị em mình hồ hởi và phấn khởi như đêm tân hôn.

Thằng quỷ dịch, bạn ní của tui đã dụ khị tui để bán 100 đô một viên. 
Tui thấy mắc không mua, vì tui hỏng có tiền… Chớ nếu có, tui cũng dám chơi liền.
Vì viên thuốc màu xanh huyền diệu đã giữ cho tình ta không tan vỡ bèo mây! Hay hết biết!
Thưa các cụ nhà ta! 
Xin đừng ngại ngùng chi. Nếu có trục trặc, hãy mau mau đi gặp bác sĩ để cụ bà đừng có bức bối chửi chó mắng mèo, nghe nhức đầu lắm!
Nắm nhu cầu đó, các công chức thành phố Toronto, bên Canada mua Viagra được bảo hiểm trả tiền, tốn của chánh phủ gần 2 triệu dollars năm rồi!
Ủa bộ công chức Toronto bị liệt dương hết ráo hay sao mà xài Viagra dữ vậy chớ?!
Hổng phải vậy! Mấy ‘giả’ đã lạm dụng đặc quyền mua thuốc theo toa bác sĩ, không phải trả tiền, rồi sau đó đem bán ra thị trường chợ đen để kiếm chút cháo (bào ngư)!
Chữ có câu rằng: “Thái quá bất cập!” Nhiều quá là không có tốt đâu nhe!
Quý anh mình có nghe chuyện: “Một người bị mất mạng vì dùng viagra quá liều không?” 
“À có! Một ông chơi một lượt tới mười hai viên và con gà móng đỏ, chân dài tới nách của ổng chết!”
Tuy vậy con bồ nhí của tui lại không cần tới bùa yêu nầy đâu. Em chỉ cần yêu bằng tâm hồn thôi là đã đủ! 
Nên tối hôm đó, tui ló mặt tới tìm em! “Anh tìm em vì nhớ hay là hay mới uống Viagra vậy hả? Thiệt là hỏi ngay chóc tim đen hè!”
Dẫu vậy, cứ mạnh dạn mà tìm Thầy! 
Nên có một ông đi khám bác sĩ, cứ vặn vẹo đôi tay hoài cuối cùng mới nói được nên lời vì ngượng quá mà: 
“Thưa bác sĩ tôi có hơi chút rắc rối về đời sống tình dục!”
“Ối bây giờ mấy cái rắc rối đó không còn mang đến niềm thất vọng não nùng cho cánh mày râu chúng ta nữa vì đã có thần dược Viagra.”
“Ông chỉ cần uống một viên thôi… là cái rắc rối đó sẽ trôi vào lịch sử. Tin tôi đi! Chính tôi cũng đã thử rồi nè!”
Hai tháng sau, bác sĩ lơn tơn ra phố tình cờ chạm mặt lại “người xưa!” 
Anh vồn vã: “Tôi thiệt là mang ơn bác sĩ nhe! Thiệt là thần dược! Không thể nào tin được!”
“Thấy chưa? Tui đã nói với ông anh mình mà! Mà nè chị nhà có cảm tưởng ra sao hả?” 
“Vợ tui hả? Tui đâu có biết! Hai tháng nay tui chưa có về nhà!”

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.
.
.