Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

BÚN BÒ HUẾ


        ( Share từ trang FB Rosine Nguyễn)

Cái nồi Thạch Sanh của bún bò Huế 
Bún bò là từ Huế mà ra,nhưng ngày nay trường phái bún bò Huế Sài Gòn lại hùng cường nhứt vì phù hợp với cái miệng ẩm thực của phần đông đại chúng 
Vậy bún bò Huế kiểu Huế khác gì bún bò Huế kiểu Sài Gòn? 
Trước hết là cọng bún,bún bò Huế ở Huế xài cọng bún nhỏ,nhuyễn như cọng bún riêu,bún cá, có khi lớn hơn cọng bún riêu một chút,còn bún bò Huế Sài Gòn xài cọng bún dầy như canh bún 
Bên trong tô bún bò Huế ở Huế lúc nào cũng có chả cua và huyết ăn kèm,đậm mùi sả và ruốt Huế ,đỏ của ớt bột,ăn với thịt bò tái xắt rất mỏng 
Bên trong tô bún bò Huế Sài Gòn thì dùng chả lụa,không huyết,ăn với thịt bò nạm xắt rất dầy,nước lèo hầm từ xương, thơm mùi đường phèn,mùi sả dịu,đỏ của màu hột điều
Về rau thì tô bún bò Huế của xứ Huế  ăn kèm xà lách, giá, quế, đôi khi có thêm bắp chuối bào và rau diếp cá .Còn ở Sài Gòn  kèm rau muống bào hoặc xà lách,bắp chuối 
Cái khác biệt nữa là bún bò ở Huế nấu bằng cái nồi Thạch Sanh tròn húm có cái vành thắt eo rất đặc biệt.Vô quán nhìn cái nồi là biết bún bò theo trường phái Huế rặc
"Giữ chút gì rất Huế đi em
Nét duyên là trời đất giao hòa
Dẫu xa, một mai anh gặp lại
Vẫn được nhìn em say lá hoa"
Quán bún bò chánh Huế thường bắt đầu tên quán bằng chữ "O" ,thí dụ quán O Huệ,O Thanh.Vừa ngồi ăn vừa nghe chủ quán nói chuyện với con cháu kiểu “chi, mô, răng, rứa”vui hết biết 
Tiếng Huế kêu "O" nghĩa là cô như người Miền Nam,mẹ thì kêu là "Mạ",Ông Bà thì gọi là "Ôn Mệ",có Ôn nội, Mệ nội, Ôn ngoại, Mệ ngoại
Ngoài ra người Huế xưng hô Dì,Cậu,Mợ,Thím ,Bác đều như người Miền Nam 
Người Huế và người Nam Kỳ có bà con đặc kẹo vì nhà Nguyễn trung hưng ở Miền Nam,nhờ nhân lực Nam Kỳ mà thành.Phần đông các bà hoàng hậu ở Huế đều là dân Nam Kỳ 
Cái giọng nói,tiếng nói được coi là quý tộc ở kinh thành Huế thời đó không phải là giọng Huế rặc đâu. Các bà mệnh phụ phu nhơn toàn nói giọng Nam Kỳ 
Ngôn ngữ cung đình Huế dưới thời các vua Nguyễn là một hiện tượng đặc biệt .Vua Minh Mạng sanh đẻ trong Nam và  lớn lên trong Nam nên giọng vua là giọng Nam Kỳ 
Và do  các bà quyền thế nhứt trong nội cung ở Huế bấy giờ đều nói giọng Nam Kỳ. Các cung phi thị nữ được tuyển vào cung cũng phải học tiếng Nam Kỳ 
Ngôn ngữ ,tiếng nói Nam Kỳ trở thành biệt ngữ cung đình nhà Nguyễn .Dần dà lan ra dân gian,dân Huế kinh thành bắt chước giọng quý lơ lớ nửa Nam nửa Huế đó nên dần dà thành  tiếng pha. 
Thành ra ngôn ngữ Huế có nhiều từ ngữ mà các vùng Trung Kỳ khác không hề có.Và người Huế đi vô Sài Gòn chuyển giọng một cái rột từ tê,răng ,rứa qua giọng Nam rất dễ dàng ,nói chuyện cứ như dân Miền Nam,điều mà dân Quảng Trị,Quảng Ngãi,Quảng Nam,Bình Định…..không làm được
Bún bò Huế là một món rất ngon 
Thiệt ngạc nhiên hết sức khi biết dù  Huế và Nam Kỳ gắn bó với nhau dữ dằn "Rồng chầu ngoài Huế-Ngựa tế Đồng Nai" nhưng bún bó Huế ở trong Nam Kỳ thời Pháp không hề có
Lạ lùng ở chổ bò beefsteak thịnh hành trong Sài Gòn là 
vậy,cũng là thịt bò,nhưng bún bò Huế không có hơi hám gì ở Sài Gòn xưa 
Hủ tíu là món vô địch ở Nam Kỳ ta,từ thời Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài, Mạc Cửu,Lê Quang Định đã vô địch rồi,hủ tíu Nam Kỳ nhiều và hoàng tráng hơn cả hủ tíu bên Tàu 
Vào những năm 1960, chỉ có một tiệm bán bún bò Huế ở Sài Gòn, trong một hẻm ở đường Lê Văn Duyệt
Ai dè những năm 1973 trổ về sau  phổ biến 
Chính  Sài Gòn đã nâng bún bò Huế  sau khi gia giảm gia vị cho phù hợp dân Nam Kỳ đã khuếch trương bún bò Huế lên cao
Sanh bún bò là Huế,nhưng làm cho nó huy hoàng,chế biến và gia giảm nó ngon là người Sài Gòn
Sài Gòn là kinh đô ẩm thực,bún bò Huế Sài Gòn mới là nữ hoàng kiêu sa  trong các món Huế ,nó át luôn bún bò Huế ở ngoài Huế  vì độ rộng khắp và sức mạnh của nó 
Tuy nhiên người Nam Kỳ vẫn kêu là "Bún bò Huế" ,không đổi tên từ thủa ban đầu.
(Nguyễn Gia Việt)

TRỊNH CÔNG SƠN…



Trịnh Công Sơn thuộc thế hệ nhạc sĩ thứ 3 trong dòng tân nhạc Việt Nam 5 thế hệ. Tôi đã từng say mê, xúc động, và chìm đắm trong các ca khúc của ông trong những năm tháng sống ở Huế. Đến nay, dù không mấy khi nghe nữa, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nhạc Trịnh là không hay. 

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa, những ca khúc của ông có sức sống vượt thời gian, bao giờ cũng có thể “gọi hồn ngất ngây”. Ví trí của Trịnh Công Sơn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam là không thể phủ nhận, không thể thay thế. Ông đã lại một di sản vô giá cho nghệ thuật nước nhà nói chung.

Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn không hẳn người đứng ở đỉnh của biểu đồ chóp nón âm nhạc Việt Nam. Suốt gần 100 năm qua, đã có hàng chục, thậm chí cả trăm nhạc sĩ mà nếu so sánh thì có nhiều người không thua kém ông, có cả những người được đánh giá cao hơn ông. 

Vậy cái gì làm cho TCS “chiếm sóng”? Có nhiều lý do, như âm nhạc của ông giản dị, “bình dân” dễ đi vào lòng người; như sự phù hợp với tâm hồn Việt, như âm nhạc phản chiến ứng hợp đúng thời điểm nên được thế giới – nhất là người Mỹ lúc đang phản đối chiến tranh Việt Nam – đề cao và vô tình PR, như sự ưu ái của chính quyền cộng sản sau 1975 – điều mà hầu hết các nhạc sĩ khác không có được…

Văn Cao nhận xét “Trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc phương Tây”, Phạm Duy viết “Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại”*. Tuy thế, trước khi trở thành một nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn đã là một thi sĩ. Lời trong nhiều bài hát của ông thật sự là những áng thơ tuyệt bút, không thua kém một nhà thơ chuyên nghiệp nào. Đó cũng là một trong những lý do làm cho âm nhạc của ông lan xa.

Khoảng mươi năm nay, tôi hầu như rất ít khi nghe nhạc Trịnh nữa, nhưng bất cứ khi nào, hễ vô tình bắt gặp một giai điệu, một câu hát của ông thì đều không thể không xúc cảm. Âm nhạc của người nhạc sĩ này có một sức ám ảnh và gây men lạ kỳ, khó lòng mà dửng dưng. Chỉ có điều, không thể sống quá lâu trong những xúc cảm ấy. Nỗi buồn nhạc Trịnh sẽ gây nên một cơn ngầy ngậy kéo dài, làm tinh thần như bị sa xuống vực sâu.

Đánh giá về Trịnh Công Sơn không phải là điều đơn giản. Mang quan điểm chính trị ra để định giá gia tài âm nhạc của ông cũng là một việc làm thiếu tính khoa học. Tôi vẫn nhất quán một quan điểm: không lẫn lộn đời sống cá nhân với sự nghiệp nghệ thuật của một con người.

Đến bây giờ TCS vẫn là một nhân vật gây tranh cãi. Người thì cho rằng ông là một kẻ cơ hội chính trị, kẻ thì nói ông ngây thơ chính trị, Bửu Chỉ nói “Trịnh Công Sơn không có lập trường chính trị rõ ràng”; một số người khác thì cho rằng TCS là một nghệ sĩ, ông chỉ hành động theo trái tim bồng bột; có những người thì cho rằng TCS là người “giỏi thích nghi”… Vấn đề nằm ở thông tin và khả năng tổng hợp thông tin cùng với năng lực đánh giá. Tuy nhiên, riêng với tôi, trước sau TCS vẫn là một nghệ sĩ nhiều hơn là một con người chính trị.

Đánh giá TCS thì phải nhìn vào gia tài âm nhạc của ông. Gia tài vô giá ấy, bên cạnh những gia tài vô giá của những người khác (vốn bị chế độ mới bạc đãi) đã làm nên một di sản lớn cho nền tân nhạc nước nhà.

Người nghệ sĩ chết đi, vật đổi sao dời, triều đại hưng vọng như đốm lửa trong đêm dài vô tận vũ trụ, nhưng nghệ thuật đích thực thì bền lâu. Chế độ VNCH đã cáo biệt, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn còn. Tôi tin rằng nếu có một ngày, chế độ hiện hành cũng không còn nữa thì người Việt vẫn hát nhạc Trịnh. Những âm giai ấy, hòa vào một dàn đồng ca của những nghệ sĩ lớn khác, sẽ có một đời sống mới – cân bằng, thảnh thơi, và từ ái, bao dung…

* Một số trích dẫn trong bài rút từ chương trình "70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam" trên đài SBS - Úc châu, do Hoài Nam Phụ trách. Nhân tiện, đây là một chương trình tuyệt vời, phát dài kỳ trong suốt 10 năm, tất cả gồm 94 phần, lần lượt giới thiệu các nhạc sĩ và những ca khúc nhạc tình nổi tiếng, rất nên nghe. Cũng trong chương trình này, Hoài Nam nhận định: Trịnh Công Sơn có thể đã trở thành một thiên tài nếu như ông đừng làm những việc đáng ra không nên làm.

THÁI HẠO
Chia sẻ từ trang 8 Saigon

Khánh Ly


Fb Jimmy Nguyen Nguyen 

Cô về VN hát. Cũng như bao nghệ sĩ khác. Dĩ nhiên cũng nhận bao nhiêu lời khen chê. Khen ít mà chê nhiều. Không chỉ với những người chính trị đối kháng với cộng sản mà ngay cả với những người cs. Họ mỉa mai " về kiếm tiền "!

Cái cảm giác của phe ta ( tỵ nạn ) thì đau đớn. Sao mà mình luôn luôn bị phản bội. 

Thật sự nghệ sĩ trong đó  có các ca nhạc sĩ , đơn thuần chỉ là mang niềm vui đến cho khán giả. Sau đó là phổ biến một nét văn hoá. Cuối cùng mới là một thần tượng, trong đó có chút chính trị.

Tui nhớ Hùng Cường những năm 63,64. Khi hát anh luôn mặc quân phục người lính nhảy dù với chiếc mũ đỏ nhét vào cầu vai. Hát bài  em ơi 100% , không ai hay hơn được. Anh không thể hát bài ấy mà mặc... veston. Trường Vũ hay Đan Nguyên...v...v.... cũng vậy thôi. Chỉ là cách thể hiện bản nhạc, không phải là thể hiện suy nghĩ chính trị như phe ta thần tượng. Do đó mới có cảm giác bị phản bội. Ở Úc, nghệ sĩ nào đã về VN trình diễn thì sẽ không được mời hát ở bên này. Và các ca sĩ từ VN sang trình diễn, thường hay bị phản đối. Không bàn chuyện đúng sai ở đây. Tui chỉ nghĩ sao thời này làm nghệ sĩ khó đến vậy.

Năm 2006, tui về VN chỉ để nghe Duy Quang hát. Những bài Em hiền như...., hay Hai năm tình lận đận..... Nghe băng nhão luôn rồi. Cả đời mới có thể được nghe anh hát live. Ở Úc thì chờ biết bao giờ ảnh mới ghé?  Về VN là có thể. Và như vậy anh hát ở VN, chớ thực sự hát cho mọi người nghe ở khắp nơi. Từ Nhật, từ Đài Loan hay từ một nước bên Đông Âu. Có tiền đó, nhưng để thấy và nghe thần tượng của mình hát một lần trong đời. Họ phải về VN. Năm đó, vé có chỗ ngồi là 50 đô ( một triệu ). Có bạn nói giọng bắc rặc. Than rằng mua vé khứ hồi Hà Nội, Saigon. Chiều đi từ Hà Nội, nghe hát xong,sáng ra sân bay TSN về sớm cho kịp giờ đi làm. Tiền nhằm nhò gì ở đây. Xin đừng coi thường người Việt. Lần đó tui tỉnh ngộ nhiều điều. Đâu đó vẫn còn có người thèm khát văn hoá. Để hưởng thụ hoặc để phê bình hoặc để biết xem nhạc " nguỵ " nó ra sao. Tất cả điều ấy đều làm con người ta xích lại gần nhau hơn. Tạm thời quên đi những khó khăn trong cuộc sống hay những mâu thuẫn đối nghịch cuộc đời. Anh chị không rung cảm, không yêu thương ai được thì.... lỗ. Lỗ chắc luôn. Dù yêu là khổ. Những văn nghệ sĩ trẻ lâu là vậy. Họ luôn có tình yêu. Anh bắc kỳ mua vé hát kèm vé máy bay để nghe " cô Bắc Kỳ nho nhỏ" . Cái bài hát mà cả một nửa nước VN chưa từng được thấy cái đẹp xa xưa ấy. Bắc kỳ mà tóc demi garcon.... Tui nghĩ ảnh sẽ trẻ mãi....

Những năm ấy. Chế Linh và Hương Lan đang hát ngoài bắc. Mỗi lần diễn là cả tháng ,vẫn không hết người xem. Khán giả lặn lội từ Thanh Hoá hay tận Thái Nguyên. Sau đêm diễn thì vạ vật ở đường phố để mai về tiếp tục cày cuốc. Có thể những người giàu có , có điều kiện thì thích nhạc cổ điển mà lúc ấy Đặng Thái Sơn đang trình diễn gần đó. Tuy nhiên những nông dân chân lấm tay bùn, họ chỉ rung cảm được khi nghe " chuyện tình Lan và Điệp ". Làm sao cấm người ta rung động với những gì gần gũi.

Nửa thế kỷ trôi qua. Những bản nhạc bị cấm ở VN , đến nay dường như... cấm không nổi. Nó được hát khắp nơi. Cũng bị sửa lời đôi chút. Tuy vậy vẫn không mất sự hấp dẫn. Người ta vẫn thích nghe original ca sĩ một lần. Chớ nghe cover thì đầy rẫy. Khánh Ly nói nhiều người hát nhạc TCS còn hay hơn cổ. Nhưng để được nghe và thấy cô hát chỉ một bài trong hàng trăm bài của cố nhạc sĩ, cũng là hạnh phúc rất lớn cho nhiều người. Còn rất nhiều người cùng thế hệ. Đã từng là sv VK hay đã từng ngửi lựu đạn cay từ cảnh sát dã chiến đóng quân ngay bên tường rào trường đại học. Giờ họ đã mất hoặc còn sống. Cũng phải cho họ một lần nghe " giọng hát KL" dù biết rằng "Saigon ơi, ta đã mất người trong cuộc đời...."

(Xin đừng comments chính trị ở đây dù tui " dư " trả lời . Lâu lâu cho thật lòng chút. Cám ơn)

Jimmy Nguyen 
( trích trong Salut Saigon) 

Nguồn ảnh Dautu online

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2022

VỤ THAM NHŨNG VIỆT Á, KẺ NÀO LÀ TRÙM CUỐI ?


(Nguyễn Thanh An)

Khi Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh bị bắt, bên cạnh sự hả giận, dư luận xã hội vẫn tiếp tục đặt câu hỏi: Hai bị can nầy vẫn chưa phải là “trùm cuối”, vậy “trùm cuối” là ai?

Xin bắt đầu câu chuyện từ đoạn video clip mô tả sự việc tàn nhẫn xảy ra vào ngày 28-9- 2021 tại phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương: Một đám nhân viên công vụ cạy cửa, tông vào nhà bắt chị Hoàng Phương Lan, xốc nách lôi đi như bắt khẩn cấp một tội phạm nguy hiểm. Sau đó họ kéo chị ra sân, đè xuống ghế, bẻ ngoặt hai cánh tay chị ra sau lưng và một người kéo khẩu trang xuống cho nhân viên y tế ngoáy mũi để test COVID.

Đó là thời điểm mà Sài Gòn và các tỉnh phía Nam tập trung xét nghiệm COVID một cách rầm rộ, đại trà. Xét nghiệm tập trung, xét nghiệm từng nhà, mỗi người bị bắt buộc phải xét nghiệm ba lần trong tuần với cái giá cắt cổ. 
Dư luận xã hội vừa bất bình, vừa nghi ngờ có điều gì mờ ám trong cách phòng chống dịch không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới trong trận đại dịch nầy. Nhiều chuyên gia y tế ở Sài Gòn đã tỏ ra bức xúc, phản đối thẳng thắn trên Facebook, nhưng chính quyền các tỉnh vẫn bất chấp, vẫn tập trung xét nghiệm “thần tốc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ y tế thông qua những công điện khẩn.
Khi Phan Quốc Việt bị bắt, các tướng tá ở Học viện Quân y bị bắt, nhiều giám đốc CDC các tỉnh bị bắt… thì cái kịch bản kit test mới lòi ra, một đường dây kền kền kiếm ăn trên xác chết đồng loại mới được phơi bày. 

Đến đây thì người ta thừa hiểu rằng, với hơn 10 mét vuông nhà xưởng, vài cái tủ cấp đông và cái mặt ngơ ngơ, lơ láo như bệnh down của Phan Quốc Việt thì làm gì hắn có đủ bản lĩnh để thao túng cả một hệ thống chính trị, khoa học và y tế từ trung ương đến địa phương. Chẳng qua hắn chỉ là con rối được bọn quan chức dựng lên để kiếm ăn, mà tác tệ hơn, bẩn thỉu hơn là kiếm ăn trên nỗi khổ đau, chết chóc của đồng bào.
Sau khi hoàn tất kịch bản “Nghiên cứu và sản xuất”, chúng bắt đầu xây dựng kịch bản tiêu thụ kit test một cách “thần tốc”. Lần giở từng văn bản, chúng ta sẽ thấy:

- Ngày 22-8-2021, Phạm Minh Chính ký công điện hỏa tốc số 1099 gởi bí thư thành ủy, tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cùng các bộ, ngành trực thuộc về việc "tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID", trong đó nhấn mạnh: 
“Thần tốc xét nghiệm diện rộng (Riêng Sài Gòn xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan…”

- Ngay ngày hôm sau, 23-8, Chính tiếp tục gởi công điện hỏa tốc số 1102, lần nầy không chỉ trong phạm vi hẹp bốn tỉnh thành, mà là chỉ đạo cho bí thư tỉnh ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân tất cả các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID, lại nhấn mạnh: 
“Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm COVID theo quy định của Bộ Y tế…”

Ngay sau đó, hàng loạt tờ báo đưa tin với những dòng tít tương tự nhau: “Thủ tướng yêu cầu thần tốc xét nghiệm trên diện rộng…”

Như một kịch bản đã soạn sẵn, kẻ tung người hứng rất nhịp nhàng, ngày 2 Tháng Chín 2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký công điện số 1305 về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID, gởi chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu họ thực hiện nghiêm túc các nội dung công điện số 1099 và 1102 của ông Chính, nhằm “Đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm trên diện rộng… Thực hiện xét nghiệm ba ngày một lần đối với nhân viên, người lao động tại các khu khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu…”

Một tuần sau, tức ngày 8-9- 2021, Nguyễn Thanh Long ký tiếp công điện số 1346 “Về việc thần tốc xét nghiệm phòng chống dịch”. Lần nầy mạnh bạo hơn, Nguyễn Thanh Long đề nghị các tỉnh thành phải 
“Thần tốc xét nghiệm cho toàn bộ người dân để phát hiện sớm nguồn lây nhằm cách ly, khoanh vùng… Huy động tối đa các lực lượng tham gia lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu lưu động và không giới hạn thời gian lấy mẫu…”

Tiếp theo đó là gì? Đương nhiên là những kiện kit test từ Việt Á thần tốc chuyển đi. 
Nhưng cùng lúc ấy, Cục Anh ninh tiền tệ của Bộ Công an phát hiện những dòng tiền từ Việt Á cũng thần tốc chuyển vào tài khoản cá nhân của những giám đốc CDC các tỉnh với số lượng kinh khủng. Chính những dòng tiền bất thường ấy là đầu mối của vụ án được phanh phui đến hôm nay.

Hàng vạn đồng bào tử vong, hơn 60 con kền kền rồi sẽ nhận bản án của pháp luật. Và vụ án rồi sẽ kết thúc. Nhưng suy cho cùng, điều đó cũng không lớn. Bởi, có một điều lớn hơn, đó chính là bản án của dư luận xã hội dành cho một thể chế, một hệ thống chính trị đã mục rữa, đã thối tha đến không còn ngửi được mà vẫn còn tồn tại trên đầu trên cổ nhân dân.

Vấn đề lớn nhất bây giờ là “trùm cuối” là ai? Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh là đầu sỏ trong vụ tham nhũng tàn bạo này hay đằng sau Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh còn một hay vài tên “trùm cuối” nữa?
 
Và rằng vụ việc này là một vụ đốt lò của “tay đốt lò lịch sử” Nguyễn Phú Trọng để làm trong sạch hóa bộ máy chính quyền nhếch nhác, hay đơn giản cũng chỉ là một màn chặt chém nội bộ để che đậy những kẻ chóp bu đích thực là trùm cuối?

Và cần để ý chi tiết rằng, công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22-8-2021 của ông Chính “về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19” đã bị xóa khỏi website của Cơ quan Phòng chống dịch Việt Nam (CDC).
Truy cập website này, theo đường dẫn (http://vncdc.gov.vn/cong-dien-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve...) vào ngày 8 Tháng Sáu 2022 đã không cho ra kết quả hiển thị thông tin. 
Tại sao?

(Nguyễn Thanh An).

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

LẠM BÀN CHÚT THÔI

 ( bài viết cũ 2018)

Trên FB có nhiều loại văn chương, biết chọn loại nào để đọc đây?

      Tui thích đọc nhất là loại giải nhiệt tâm hồn, đọc cười sảng khoái, có stt của Lê Vịnh, Sỹ Liêm, Bùi Thanh Xuân và Trần Sang , Trần Phong Vũ . Họ viết những chuyện đời thường không đâu vào đâu mà có duyên lúm đồng tiền. Cười đã, cười chí tử, có hồi cười ra nước mắt luôn! Họ phát hiện trong đời sống những tréo ngoe đến ngây ngô, khập khiểng mà bàn dân thiên hạ cứ hay làm, rồi đem lên stt mổ và xẻ sao cho thiên hạ bật ra tiếng cười. Nghệ thuật châm đó đâu phải ai làm cũng được? Phải có khiếu hài hước đã ăn vào trong máu rồi kia. Gần đây, xuất hiện thêm cây hài nữ Hoàng Lệ Thu, cũng đa tài không kém! Bởi hài nên chị lúc nào cũng cười, ít khi buồn. Hình ảnh chị chỉ buồn khi đang làm mẫu ảnh cho một stylist nào đó đang đi lùng cảnh đẹp. Mời bà con đọc là biết tài quý vị tui vừa nêu trên. Đây không phải bài bình nên dẫn chứng còn ẩn núp. Đây chỉ là lời giới thiệu.
    
       Loại thứ hai thường phân tích các sự kiện hậu trường chính trị rát ràn rạt , đọc xong mình vỡ ra nhiều thứ, ngộ hơn bản chất những thứ màu mè sơn phết lên sân khấu cuộc đời. Tôi không dám nêu tên, e họ bị chiếu tướng. Đọc văn họ viết gảy gọn, chắt lọc và tài hoa, ta thấy mấy chân tướng chính trị lộ dần với nhiều thủ đoạn lừa mị người dân phơi ra trơ trẽn. Họ viết mạnh bạo đến mức như điếc không sợ súng luôn. Chắc cũng có thế lực chống lưng? Đọc như thế, hả dạ lắm trong cái thời nhiễu nhương có nhiều thâm cung bí sử này! Ngòi bút bén ngọt mà dung dị, không khoa trương trau chuốt gì! Đọc để biết hơn là để thưởng ngoạn!
      
       Còn có những loại thơ tìm đường vót chữ , chữ có đẹp nhưng ý thì cứ lặp đi lặp lại, không thấy gì mới , chủ đề hẹp, đề tài nghèo , chủ yếu bày tỏ tâm trạng cái tôi của mình hơn là bày tỏ nỗi niềm tha nhân. Tôi cho đây là loại văn chương trang sức. Ngọc lưu ly nhìn hoài cũng chán! Bên văn xuôi cũng có, có để che lấp đi một lối sống thời thượng học đòi, nửa nạc nửa mở trong một xã hội Á đông còn nghèo nàn, lạc hậu . Họ quên đi rằng xã hội này đang nhốn nháo, đang cần chỉnh đốn nề nếp để khỏi loạn, khỏi mất trật tự, khỏi đồi bại và phi luân. Họ đang đi tìm những giá trị ngoại lai như chủ nghĩa hiện sinh, siêu thực , hậu hiện đại mà hòa nhập để tạo ra nhiều tác phẩm bệnh hoạn - con hoang , coi thường độc giả , coi thường dư luận . Họ đang bị trả giá . Gạch đá ném vào họ lia chia, có che đỡ mấy cũng u đầu sứt trán.  Thơ như rác ,dung tục, khó ngửi . Rác bỏ giữa nơi công cộng, nhiều người thiếu ý thức bỏ theo, ùn ùn như sóng, hôi thúi ai mà chịu nổi. Phải rút thôi!  À mà có tỉnh ra thì mới còn like chứ, mới có bạn tử tế chứ! Tiên trách kỷ, hậu tách bỉ, đừng ta thán sao bạn lơ mình , phụ mình!

       Tôi đang nói về văn chương trong nước. Còn ở hải ngoại tôi không dám lạm bàn , e mạo phạm! Bởi ngoài ấy cây đa, cây đề nhiều, họ luống tuổi, thận trọng và đắn đo nhiều! Còn giới trẻ hải ngoại, đọc văn chương của họ, tôi cảm thấy mình thực sự xa lạ. Họ phồn thực quá đà! 

      Tôi viết mấy cảm nhận này theo góc nhìn của bà nội trợ : thấy sao nói vậy người ơi. Đừng chấp nê tôi nhé, FB thân thương! Dẫu thế nào, văn chương tuy có nhiều lối đi riêng nhưng vẫn nhằm mục đích chung là làm đẹp cuộc đời, làm đẹp con người , phải không? Đẹp nhanh hay chậm, tùy bút lực người cầm bút! Đôi khi mì ăn liền cũng có sức thu hút người xem, nếu nó dí dỏm , nói sát sự thật! Văn chương giản dị lời, không gợi điều dung tục,  phản ảnh đúng thần thái sự kiện , theo tôi là văn chương đẹp !

Lê Thị Quỳnh Dung

NGÀY TRỞ VỀ



   (Bài viết này dành cho những ai chống đối nhạc sĩ Phạm Duy và không thích “Chòi văn” Trần Hữu Ngư. Tôi chỉ dám nhận mình là “Chòi văn”, chớ “Nhà văn” thì biết bao giờ mới được?) 

  Tôi nhớ ngày Phạm Duy còn sống, có một Công Ty đã mua bài “Tình Ca” của anh giá 100 triệu?
   Thấy vậy, tôi năn nỉ anh mua 25 chữ trong câu: 
   “… Mẹ lần mò ra trước ao
   Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
   Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa
   Vì quá đợi chờ…”
   Với giá 1 tỷ, nhưng chờ em trúng số em sẽ trả!
   Anh cười nhìn tôi… 

   Nhạc sĩ Phạm Duy, một thiên tài âm nhạc, ông viết nhiều thể loại, để lại cho hôm nay và mai sau những ca khúc khó quên. Nghe nhạc Phạm Duy, tôi để ý đến một điều: Anh hay dùng từ “Lũ”. Chữ “Lũ” nghe thật dễ thương! Một “hình dung từ” mà chỉ có nhạc sĩ Phạm Duy hay dùng.

   “… Hoa chẳng yêu “lũ bướm” lả lơi” (Nhạc phẩm Hoa Xuân)
   “… Có “lũ kỷ niệm” trước sau” (Nhạc phẩm Nghìn trùng xa xách)
   “… Đàn trẻ đùa bên “lũ trâu” (Nhạc phẩm Ngày trở về)
   
   Và Thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong bài thơ “Phương xa” cũng đã cho chúng ta chữ “Lũ” thật đau nhói:
   
   “… Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa
   Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh…
   Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ
   Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
   Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị”…
   (…)
   (Tiếc quá, không có nhạc sĩ nào trước 75 phổ nhạc bài thơ này?)
   
    Bài viết “Ngày trở về” này tôi có gởi cho báo, nhân ngày 27.7.2000 “Ngày thương binh liệt sĩ” nhưng báo X không đăng vì lý do nhạc sĩ Phạm Duy “nhạy cảm”! 
   Tôi nghĩ, nhạc trước 1975, nếu xét về tác giả, (không riêng gì Phạm Duy) thì không có tác phẩm nào được hát! Vì có đến 95% nhạc sĩ miền Nam đều… “nhạy cảm”. Và chữ “nhạy cảm” này, cho đến hôm nay tôi chưa hiểu cho tường tận. Từ “Nhạy cảm” là gì? 
   “Ngày trở về”, một bài hát sinh ra trong thời kháng chiến chống Pháp, đã làm hàng triệu con tim thổn thức. Một bức tranh vẽ bằng âm nhạc, mà khó có tác phẩm nào thay thế được.
   Dù cho chiến tranh chống Pháp, hay chống Mỹ… Cho dù chết bên này hay bên kia, cũng là người Việt Nam chết vì chiến tranh. Hát “Ngày trở về” để nhớ  thương binh, ngày kháng chiến chống Pháp  được không?
   -Được… Thì hát.
   -Không… Thì tại sao?

NGÀY TRỞ VỀ:

   “… Ngày trở về anh bước lê 
   Trên quãng đường đê đến bên lũy tre 
   Nắng vàng hoe vườn rau trước hè 
   Chờ đón người về…” (Ngày trở về - Phạm Duy).

   Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, tất cả những đau thương mất mát cũng đã qua rồi, nhưng chỉ có những bài ca đi qua  trong chiến tranh còn ở lại.
   Tôi sinh ra là đã có chiến tranh, rồi tôi lớn lên trong chiến tranh, rồi tôi bước vào cuộc mưu sinh cũng trong chiến tranh!
   Thời kháng chiến cho đến khi đất nước chia cắt, nhạc của Phạm Duy, là những bài ca dẫn tôi đi vào con đường âm nhạc, và từ dạo con sông Bến Hải “hai màu” cho đến ngày “Ta tiến về Saigon” âm nhạc không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của tôi.
   
   Kháng chiến chín năm tôi hát nhạc Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Tô Hải, Trần Hoàn, Lê Thương, Hoàng Nguyên, Lê Mộng Nguyên… Đặc biệt ca khúc  “Ngày trở về” của Phạm Duy, một bài hát làm rơi nước mắt hàng triệu người mẹ vì mỏi mòn chờ đợi con. Chỉ cần hai-mươi-lăm-chữ (25) trong nhạc phẩm “Ngày trở về”, dù trở về trên đôi nạng gỗ,  mọi người xúc động mỗi khi nghe lại ca khúc này.
   Hai-mươi-lăm-chữ, từ lúc:
  
    “… Mẹ lần mò ra trước ao
   Nắm áo người xưa
   Ngỡ trong giấc mơ
   Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa
   Vì quá đợi chờ…”
  
    Không gian, thời gian, chỉ là những giây phút ngắn ngủi, nhưng đó là hình ảnh bất tận trong cuộc trùng phùng giữa mẹ và con khi cuộc chiến chưa hẹn ngày kết thúc. (Nhạc thì có “Ngày trở về”, ảnh thì có bức ảnh “Mẹ con ôm nhau rơi lệ” của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long- người ở Bình Tuy tập kết ra Bắc)
   
   Cuộc đời có đôi khi là những chuỗi ngày chờ đợi, nhiều lúc không biết mình chờ đợi cái gì, tiền tài, danh vọng, tình yêu?... Đợi chờ trong nỗi hân hoan, chờ đợi trong niềm tuyệt vọng và ngay cả trong đợi chờ những điều mà mình biết sẽ không bao giờ có được!
   
   Trong “Ngày trở về”, người mẹ chờ đợi con… chờ đợi đến nỗi đôi mắt mẹ đã lòa, thì trên đời này không có sự chờ đợi nào vĩ đại hơn! Tôi không có tham vọng lý giải, phê bình, mà chỉ cảm nhận ở góc độ một người yêu mến âm nhạc, một người đã đi qua nghèo đói, dốt nát, mất mát, lâm trận trong  chiến tranh, và mẹ tôi cũng đã từng chờ đợi, cùng với những bà mẹ cũng đã từng níu tay những đứa con, đứa cháu, khi chúng bước vào cuộc chiến tranh mà chẳng hy vọng có ngày về.
   
   Nghiệt ngã và bất hạnh, từ khi những đứa con tuột khỏi tay mẹ, biền biệt nơi chiến trường, người mẹ không tính ngày, tính tháng, mà tính năm chồng lên năm… Lâu quá, đứa con đã trở thành “Người xưa”, còn người mẹ không còn là mẹ nữa, mà là “Ta”. Tôi nghĩ, không có cuộc chia ly nào lâu đến thế, không có ngày trở về nào lại xót xa đến thế và không có sự đau đớn nào hơn. “Ta” và “Người xưa” gần gũi mà muôn trùng cách biệt. “Ta” là mẹ, “Con” là người xưa, một sự xưng hô nghe nhói lòng, và có cuộc trùng phùng nào đớn đau hơn không? (Trong tình ca Ngày trở về)
   
   Những bài ca đi qua tôi trong chiến tranh vẫn còn đó. Nhạc phẩm “Ngày trở về” vẫn còn đó, thời gian đã xa chúng ta quá lâu, nhưng đó là bài ca hoài niệm, bài hát chứng tích chiến tranh, một áng văn bất hủ của chia ly và đoàn tụ trong chiến tranh. Ngày trở về của anh thương binh không có huy chương, và sự đãi ngộ dành cho anh là đám ruộng cùng con trâu và cây cày:
  
    “… Ngày trở về có anh thương binh
    Chống nạng cày bừa
    Vì thương yêu anh
    Nên ngày trở về
   Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”… (Phạm Duy dùng chữ “con trâu xanh” hay quá).
   
   Nghe “Ngày trở về”, tôi chợt nhớ hai nhạc phẩm “Trở về” của Châu Kỳ và “Ngày về” của Hoàng Giác:
  
    “… Về đây nhìn mây nước bơ vơ
    Về đây nhìn cây lá xác xơ”… (Trở về - Châu Kỳ)
  
    “… Tung cánh chim tìm về tổ ấm
    Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm”… (Ngày về - Hoàng Giác)
   
   Tất cả đều là sự trở về, nhưng “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy lại mang nhiều vết thương lòng đã làm nhói đau hàng triệu trái tim của những người mẹ của một thời chia ly có khi là ly biệt.

   “Ngày trở về”…, ai cũng có một nơi chốn để trở về: Một mái ấm gia đình, hay một quê hương. Trở về sau chiến thắng, trở về sau thất bại, trở về từ một nơi xa xôi nào đó khi thấy cuộc sống bị đe dọa, bất ổn, hoặc trở về khi đã “tàn cuộc chơi”…
   Những người từ bỏ quê hương vì một lý do nào đó, đến cuối đời có đôi khi lại  mong muốn trở về  chính nơi mình được sinh và lớn lên. Nhưng cái nơi tưởng chừng đơn giản ấy lại không phải ai cũng toại nguyện. Chiến tranh vùi dập trong những tháng năm tưởng chừng như không thể nào dứt, chờ đợi hòa bình như vô vọng, vậy mà có hòa bình rồi sao có người lại sống chết tha phương?
   
   Tôi yêu mến nhạc Phạm Duy. Năm 2000 từ Mỹ anh đã viết thư khuyên tôi: “Hãy nghe nhạc Phạm Duy”. Và cũng trong năm 2000 này tôi đã gặp Phạm Duy tại Saigon. Vâng, tôi đã nghe, đã đọc về Phạm Duy, và lần này, xin phép anh, tôi viết về một chút suy nghĩ nông cạn của mình về ca khúc: 
  
    -NGÀY TRỞ VỀ

     TRANHUUNGU

Quê Hương Là... Mùi Nước Mắm

TẠP GHI  HUY PHƯƠNG

Quê Hương Là... Mùi Nước Mắm

Đăng lại như một lời nhắc nhở người trong nước: "Chuyện nước Mắm Truyền Thống bị nước mắm công nghiệp hóa chất Masan tấn công và tiêu diệt"!!!

********
Chúng ta đi mang theo quê hương nhưng nhiều khi quên mang theo nước mắm. Ở đâu cũng có gạo, thịt, cá, tôm, rau cải, bột, đường, nhưng không phải ở đâu cũng tìm ra nước mắm. Những người di tản đến Orange County, California, năm 1975 đi Los Angeles, kiếm được chai nước mắm đem về, mừng rơn. 

Bây giờ, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã đông vui, không khó để có được chai nước mắm, có khi còn mắm nêm, mắm lóc, mắm ba khía... chẳng khác chi ở một ngôi chợ làng.

Chén nước mắm dùng trong mâm cơm được coi là nét đặc biệt trong chuyện ăn uống của người Việt Nam. Miền Bắc và miền Trung thường dùng nước mắm nguyên chất với các loại ớt, nhưng vào miền Nam thì người ta dùng “nước mắm pha,” có đường, chanh, ớt, tỏi pha nước, không mặn, nên khi ăn ốc, ăn bánh khọt, người ta “húp” cả nước mắm. Nước mắm pha để ăn các loại bánh làm từ bột của xứ Huế quả là muôn vàn rắc rối, không thể dùng một cách nhầm lẫn được. Do vậy nước mắm để ăn bánh bột lọc khác với nước mắm ăn bánh ướt tôm chấy, nước mắm ăn bánh bèo không dùng để ăn với bánh nậm.

Nước mắm không phải là món nước chấm, mà là một món ăn chính. “Ngày mưa bão, trên mâm thường trứng luộc.” (dầm trong một chén nước mắm - nhà nghèo thì một phần trứng mà có đến ba phần nước mắm) hay như một câu nói bình dân xứ Huế: 
“Nói cho lắm cũng nước mắm - dưa cải, 
 nói cho phải cũng dưa cải - nước mắm!” 

Đó là món ăn nghèo khổ nhất! Không cao lương mỹ vị, thì bữa cơm với chén nước mắm cũng xong! Thời Pháp thuộc, người ta dùng “tỉn” để chứa nước mắm chứ chưa có chai để đựng nước mắm phổ biến như bây giờ.

Với tôi, từ thuở nhỏ đến lúc bạc đầu, bữa cơm nào cũng phải có chén nước mắm ớt nguyên chất. Đến dùng cơm nhà bà con hay bạn thân, thì cứ nói thẳng: “Đừng quên chén nước mắm ớt của tôi nghe!”

Tôi có một người bạn người Huế đi du học bên Tây rất sớm, lại lấy vợ đầm, suốt đời phải bỏ lại “nước mắm” sau lưng. Thời gian sau này khi đi du lịch một mình sang Mỹ, anh lại có cơ hội “tắm lại trong dòng sông cũ,” được chan nước mắm thả dàn, tâm sự là nhớ mẹ khôn nguôi! Bây giờ thấy những bà nội trợ Việt Nam ở Mỹ đi chợ, chất đầy những chai nước mắm lên xe đẩy, mới thấy nước mắm gắn bó với con người Việt Nam ra sao!

Sau năm 1975, khi miền Bắc “mới được giải phóng,” dân chúng chưa có được chai nước mắm mà ăn. Người ta lừa vị giác và thị giác của con người bằng loại nước mắm XHCN làm bằng nước muối và lá chuối khô. “Nhà sản xuất” nấu nước muối lên, bỏ vào nồi một hai ngọn lá chuối khô, loại nước này ngả màu nâu rất đẹp không khác gì màu nước mắm, đậm nhạt tùy thời gian nấu lá chuối khô trong nồi. Màu thì giống nước mắm thật, còn mùi thì phải tưởng tượng ra!

Ví như hôm nay, bạn sửa soạn ra đường, nhưng chẳng may vấy phải vài giọt nước mắm trên áo, thì phải vội vàng vứt cái áo ngay, vì cái mùi “hôi” của nó, nhưng sao chúng ta lại mê nước mắm, đến đỗi bữa cơm không có nước mắm thì thành bữa cơm vô vị, và nói đến người Việt Nam thì phải nhắc đến nước mắm. Tôi không chịu nổi mùi Fromage Camembert của xứ Normandie ra sao, thì Tây cũng sợ mùi nước mắm Phú Quốc đến như thế! Mùi vị của mỗi nơi là văn hóa, nên cũng đừng bắt người ngoại quốc phải thích văn hóa của mình.

Đứng ở xa thì OK, nhưng đến gần thì không mê nổi. 

Người Hoa, Triều Tiên, Philippines, Nhật, Khmer, Indonesia, Malaysia, Lào... có mắm mà không có nước mắm như Việt Nam và Thái Lan, nhưng các bạn đi Thái Lan rồi, hay ăn nhà hàng Thái ở Mỹ, trong bữa cơm có thấy chén nước mắm đâu! Vậy thì cứ xem nước mắm như là món “quốc hồn quốc túy” của xứ mình, chứ không phải là phở hay chả giò như nhiều người nói, bằng chứng là người Mỹ ăn phở được, nhưng ăn nước mắm thì không, trừ những anh chàng phương Tây số nặng nợ, lẽo đẽo theo cô gái Việt Nam, chỉ vì... mùi nước mắm!

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3,400 km, nếu tính gồm các đảo, đầm phá và các cửa sông chịu tác động mạnh của thủy triều thì số chiều dài bờ biển đến 11,409 km. Với địa hình giáp “biển bạc” như thế, cá ăn không hết nên nẩy sinh ra nghề làm nước mắm, mà không giống một quốc gia nào trên thế giới. Monaco chỉ có 4 km tiếp giáp với biển không có nước mắm đã đành, sao Canada có bờ biển dài 202,080 km cũng chỉ có maggi.

Không có sách sử nào nói về lịch sử, cội nguồn của nghề làm nước mắm, chỉ biết đây là một nghề cha truyền con nối, truyền thống gia đình, thì nói một cách hàm hồ, chỗ nào có người Việt sinh sống gần biển là chỗ đó có làm nước mắm. Nói một cách khác, vào nhà người Việt, thịt cá chưa biết ở đâu nhưng phải có chai nước mắm trong nhà bếp.

Tại Việt Nam, các vùng miền duyên hải đều làm nước mắm. Thì cứ đi một dọc từ Bắc chí Nam, từ Cát Hải, Hải Phòng, cho đến miền Trung là Nam Ô, Vạn Giã, Phan Thiết, vào cực Nam là Cà Mau, Phú Quốc.

Nước mắm có thể làm từ con cá nục, nhưng ngon là nước mắm làm từ con cá cơm. Nước mắm ngon là loại nước mắm nhĩ, tức lá nước mắm tinh chất nhỏ những giọt đầu tiên. Trước năm 1975, người ta còn được ăn nước mắm “óc trâu” lợn cợn những chất béo của cá. Những loại nước mắm ăn vào nghe nhức nhối cả chân răng. Người ta còn nói, nước mắm ngon, bỏ hạt cơm vào thì hạt cơm nổi lên mặt.

Thời đó con người còn trong sạch, ngay thẳng, chưa được dạy điều xảo trá, điêu ngoa, nên dân còn được ăn miếng ngon, giọt nước mắm không hề có chút hóa chất, con gà con vịt, miếng thịt, ngọn rau còn tinh chất, không hạnh phúc sao?

Bây giờ nghe tin cá chết, dân Việt Nam ùn ùn đi mua nước mắm, vậy nước mắm chính là mùi vị quê hương Việt Nam không thể thiếu.
Bài thơ “Quê Hương” của Đỗ Trung Quân mặc dầu có nói đến cầu tre, cánh diều... nhưng vẫn còn chung chung, chỉ có hình ảnh mà chưa có mùi vị.

Theo tôi, nếu nói đến quê hương Việt Nam thì phải nói thêm:
“Quê hương là mùi nước mắm

Đi xa ai cũng nhớ nhiều!”

TRUNG QUỐC


( lấy từ trang Khoa Trần)

Ngay khi lập nước, họ gọi tên nước là Trung Quốc, nước ở trung tâm thế giới. 

Đến đời nhà Chu, có thêm từ Trung Hoa, xứ văn minh ở trung tâm 
Còn nhiều tên khác nữa, như Trung Nguyên, Trung Hạ, Thần Châu... đều có ý nghĩa chỉ xứ trung tâm trời đất. 

Dân Việt gọi họ là Tàu. Từ này xuất hiện cuối Minh đầu Thanh, khi những người Trung Quốc di cư sang Việt Nam trên những con tàu biển. Xuất hiện hai cụm từ : Tàu ô, chỉ những con tàu sắt màu đen kịt, và Tàu khựa ( do người Việt để răng đen, người Trung Quốc để răng trắng nên có chữ này, khựa nghĩa là răng trắng) 

Phương Tây gọi họ là China. Nguyên do vào đời Minh, đồ gốm Trung Quốc chủ yếu sản xuất tại trấn Cảnh Đức, Giang Tô, đồ gốm khi xuất sang châu Âu, chỉ ghi hai chữ Cảnh Đức, người Anh phiên âm thành China, từ đó họ gọi nước Trung Quốc là China 

Đầu tiên, đó chỉ là một bộ tộc Hoa Hạ trên lưu  vực sông Hoàng Hà, sau mấy ngàn năm, bộ tộc ấy nuốt vào bụng không biết bao nhiêu quốc gia lớn nhỏ, thành Trung Quốc hôm nay. Cũng có lúc họ bị xâm lược, nhưng đấy là cái bẫy của họ. Điển hình hai trường hợp : Mông Cổ và Mãn Thanh. Thế kỷ 13,  Hốt Tất Liệt xâm lược Trung Quốc, lập nhà Nguyên, kết quả toàn bộ người Mông Cổ vào Trung Nguyên biến thành người Hán, Mông Cổ mất một nửa đất nước cho Trung Quốc, đó là Khu tự trị Nội Mông hiện nay. Mãn Thanh còn bi thảm hơn. Năm 1644,  họ tràn qua Sơn Hải Quan, diệt Minh, lập Thanh triều, vài trăm năm sau, người Mãn thành người Hán tất, cái duy nhất còn lại là cái đuôi sam cũng bị cắt nốt sau 1911.  Đến giờ, chỉ còn lại độ 10000 người Mãn sống ở vùng đông bắc, ngồi tưởng nhớ quá khứ huy hoàng của dòng họ Ái Tân Giác La ngày xưa. 

Nước duy nhất Hoa Hạ không đồng hoá được, là xứ Giao Chỉ, dù nó cai trị trên dưới 1000 năm,với nhiều thủ đoạn dã man, hèn hạ. Có ba nhân tố làm cho dân Việt giữ được nước, đó là làng xóm, luỹ tre xanh và thói quen lười học ngoại ngữ của người Việt. 

Cũng có lúc Trung Quốc định giăng bẫy, khi các thủ đoạn đồng hoá vô tác dụng. Đó là thời kỳ Tây Sơn. Càn Long hứa trả cho Quang Trung hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Thật may mắn, Quang Trung mất sớm, nên ý định đó không thực hiện được. Nên nhớ Lưỡng Quảng có diện tích và số dân gấp hai lần Việt Nam. 

Tất nhiên, họ phải có đầu óc sáng tạo. Sáng tạo đầu tiên của người Trung Quốc chính là chữ viết. Trên thế giới, không có thứ chữ tượng hình nào phong phú như chữ tượng hình Trung Quốc. Đằng sau mỗi chữ là một khái niệm. Đọc một bài thơ bằng chữ Hán như xem một bức tranh. Trong chữ hưu (hưu trí)  có ông già ngồi dưới gốc cây. Trong chữ An, có người phụ nữ ngồi trong ngôi nhà. Trong chữ Tửu (rượu)  có 3 giọt nước bên cạnh cái bình......... Chính chữ viết đã kết nối các tiểu quốc thành quốc gia vĩ đại Trung Hoa. 

Từ Tần Thuỷ Hoàng, ông vua phong kiến đầu tiên, đến Phổ Nghi, ông vua cuối cùng, tổng cộng Trung Quốc có 494 Hoàng Đế, với vài chục triều đại, 6 kinh đô. Nhà Tần khởi đầu, và không có ấn tượng gì ngoài Vạn Lý Trường Thành. Nhà Hán bắt đầu định hình cơ cấu xã hội phong kiến, kéo dài hơn 400 năm, giữ vai trò quan trọng nhất lịch sử Trung Quốc, không triều đại nào so sánh được. Nhà Đường đạt mức độ thịnh trị nhất thế giới về mọi mặt từ kinh tế đến chính trị văn hoá, đồ gốm sứ đi đến tận châu Âu, thơ Đường là đỉnh cao của ngôn ngữ văn minh nhân loại, bằng Tiến Sĩ thời Đường là học vị cao nhất thế giới. Thời Tống nổi tiếng với các phát minh. Nguyên, ngoại lai, nhạt nhẽo. Minh triều, bắt đầu có sự kết nối Trung Quốc với thế giới qua cuộc hành trình của Trịnh Hoà đầu thế kỷ 15,  và mầm mống tư bản xuất hiện. Và khi người Mãn Thanh vào Trung Nguyên, Trung Quốc bắt đầu ngủ yên. 
Trong sân khấu chính trị ấy, xã hội Trung Quốc có đủ các gương mặt. Có tiểu nhân và quân tử. Có bọn thái giám và ngoại thích. Có Nhạc Phi ngồi cạnh Tần Cối, Đổng Trác cùng Gia Cát Lượng. Có tứ đại mĩ nhân, tứ đại kỳ thư, tứ đại phát minh. Người ta vừa kính phục, vừa sợ, vừa căm ghét. 

Xuyên suốt lịch sử Trung Quốc, có bóng dáng của một con người vĩ đại, dù ông chưa một ngày làm Vua, nhưng là ông Vua tư tưởng : Khổng Tử. Tư tưởng của ông là cơ sở tinh thần cho xã hội phong kiến Trung Quốc. Giống như Mĩ, cơ sở tinh thần là văn minh Thiên Chúa giáo. 
Tư tưởng Khổng Tử có tác dụng đảm bảo cho xã hội cân bằng, nhưng có nhược điểm là bảo thủ, hướng nội, khó tiếp thu cái mới. 

Thế kỷ 17,  châu Âu bắt đầu bừng tỉnh, với các cuộc cách mạng tư sản và các nhà khai sáng như G.Ruxo, Đidoro, Kand, Vonte, Decac, Paxcan..... thì Trung Quốc đang trong giấc mộng. Họ đang say sưa với Trường An, Lạc Dương, những thành phố lớn nhất thế giới  say sưa với 4 phát minh, mà có biết đâu, châu Âu đã lợi dụng thuốc súng của họ, chế ra đại bác, chuẩn bị bắn vào đầu họ. 
Trung Hoa đã trở nên vô cùng lạc hậu vào giữa thế kỷ 19.  Lúc ấy, các nước phương Tây đến mở cửa, giống như họ đã mở Nhật Bản. Nhưng thành trì Trung Quốc quá vững. Văn minh phương Tây chỉ như lớp sơn bề ngoài. Một Trung Quốc đầy chia rẽ và bệnh hoạn. Phương Tây giống như một lão già bệnh tật, hãm hiếp nền văn minh Trung Quốc, không đem lại sự sinh sản, mà gây ra bệnh tật và sự khổ đau. 

Văn minh phương Tây không có đất sống ở Trung Quốc. Họ phải có con đường riêng. Tam quyền phân lập, lưỡng viện Quốc Hội, khẩu hiệu  tự do bình đẳng bác ái, chế độ đa nguyên.. hầu như không hợp với Trung Quốc. 
Chỉ đến khi họ bị dìm đến đáy, họ mới vùng dậy. Cái đáy này là năm 1978,  khi Trung Quốc trở thành gã nghèo khổng lồ của thế giới. 

Tư tưởng dân chủ tư sản, chủ nghĩa Mac đều không phù hợp với họ. Họ cần con đường riêng. Người xây con đường riêng ấy là Đặng Tiểu Bình  Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình. 

Nhưng xuyên suốt lịch sử Trung Quốc từ cổ đến kim, là tư tưởng Đại Hán, xâm lược, cướp giật. Đó là bi kịch của các nước xung quanh. Nếu khôn ngoan, hãy chung sống hoà bình, và lợi dụng con hổ này để kiếm tiền. 
Dại dột thì đối đầu, như đối đầu với Mĩ. 
Trong tương lai, Trung Quốc có trở thành một nước dân chủ như phương Tây hay không?  Chắc chắn không. 

Bài học lớn nhất từ lịch sử Trung Quốc là : nếu chính quyền trung ương suy yếu thì đất nước sẽ bị chia cắt, mà đã chia cắt là kéo dài vài trăm năm. 
Vậy tương lai Trung Quốc sẽ thế nào?  
Tôi tin theo lời Ngài Lý Quang Diệu, khi ông cho rằng, có thể Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mĩ về kinh tế, nhưng không bao giờ Trung Quốc đuổi kịp Mĩ về khoa học và quân sự. 
Vì sao vậy?  

Vì Trung Quốc vướng cái rào cản ngôn ngữ. Chữ Hán là thứ chữ của nghệ thuật, thơ ca. Còn tiếng Anh mới là ngôn ngữ của khoa học và kỹ thuật. 

Vậy, cứ để cho họ mơ giấc mơ Trung Hoa. 
Mọi giấc mơ đều đẹp

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

LỊCH SỬ DU HỌC



…Trong hình là 5 anh em trong dòng họ Choshu, một gia tộc cao quý và hùng mạnh ở Nhật đã lên đường du học Anh tại College London cách nay 156 năm.
 Nguyễn Thị Bích Hậu.

Sau chuyến hải hành 135 ngày trốn đi trên tàu Jardine Matheson (mà ai tự ý xuất cảnh phải chịu tội tử hình), họ đã tới London năm 1863. (Việc bãi bỏ lệnh cấm xuất cảnh này chỉ xảy ra 3 năm sau đó)

Họ là nhóm sinh viên Nhật đầu tiên học ở châu Âu và sau khi trở về, họ đều trở thành những lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản đúng vào thời Minh Trị. Do Minh Trị khi đó là Nhật Hoàng rất trọng dụng họ. 5 người này đã làm gì sau khi về Nhật?

+Hirobumi Ito (伊藤博文- Y Đằng Bác Văn ) làm thủ tướng đầu tiên của Nhật, người cha của Hiến pháp Nhật Bản và có vai trò quan trọng trong việc thành lập Quốc hội Nhật.

+Kaoru Inoue thành bộ trưởng ngoại giao đầu tiên và được tôn vinh là ‘người cha của nền ngoại giao Nhật.

+Yozo Yamao thành người sáng lập của ngành công nghệ và cơ khí Nhật Bản.

+Masaru Inoue lập ra ngành hỏa xa theo chuẩn Anh Quốc.

+Kinsuke Endo nắm ngành tài chính, tiền tệ.

5 anh em này đều là các võ sĩ đạo của dòng quý tộc Choshu có truyền thống chống ngoại bang. Sau khi triều đình Tokugawa ký hòa ước Kanagawa (1854), dòng họ này tự tổ chức kháng chiến chống quân Anh, Pháp, Mỹ và Hà Lan. Nhưng sau khi đánh nhau thì dòng họ này bị thua to vào năm 1864. Hoàng thân Nagato, đứng đầu gia tộc, phải đã ký hòa ước Shimonoseki, nộp tiền phạt trị giá 3 triệu usd.

Sự thất bại của dòng họ hẳn đã ảnh hưởng mạnh đến 5 chàng trai du học ở Anh này. Họ thấy đánh không lại được phương Tây thì phải học hỏi kẻ thù để kinh bang tế thế. Và họ đã mở đường cho làn sóng du học mạnh mẽ của thanh niên Nhật Bản sau này. Mà ngay cùng thời với họ có 19 thanh niên từ xứ Satsuma tức Kagoshima bây giờ cùng học tại College London. Đây chính là nguồn lực quan trọng giúp cho nước Nhật hùng cường như hiện nay.
 
Hiện ở Kyushu, Nhật vẫn còn tượng đài của 5 người thanh niên Nhật đi du học đầu tiên tại thành phố Kagoshima. Tinh thần du học để canh tân đất nước của họ rất đáng khâm phục.

Nguyễn Thị Bích Hậu

DỐI TRÁ



Không cần đến “ba trăm lạng việc này mới xuôi” mà chỉ cần vài tờ xanh (trả cho một bản tham luận) đã có thể khiến một nhà phê bình văn học biến thơ con cóc thành thơ của thánh hiền. Từ xửa xưa tiền đẻ ra quyền rồi ngược lại, quyền lại sinh ra tiền trở thành nguyên lý vận hành của chuỗi dối trá.

Thực ra, dù giải thích ngày 1 tháng Tư là gốc Pháp hay gốc cổ La Mã hay từ bác Ba Phi Cà Mau nhà ta thì sinh ra và duy trì mỗi năm một “ngày nói dối” cũng có thâm ý lắm.

Vì có triết lý sâu sắc mà ngày này đã sống và chắc sẽ còn sống lâu nữa với thời gian. Ấn tượng sâu nhất là nhân loại “đành” phải công nhận nói dối là “thuộc tính” khó gột bỏ nếu không muốn nói “không thể gột bỏ được” của loài người. Mà hình như càng văn minh thì con người càng ham nói dối và gây ra những vụ nói dối tày đình, có khi nói dối để lấy trộm cả nước người ta, không chỉ thời Chiến Quốc bên Tàu mà cả trong thế giới thời nay.

Trong ngôn ngữ Việt “nói dối” thật đa dạng: bịa, điêu, ngoa, láo, khoác, bốc, phét, trạng, xạo, bỡn, lừa, méo, thách,dóc, nổ… đấy không chỉ là khẩu ngữ từng vùng miền mà còn là sự đong đếm mức độ, cung bậc dễ thương hay nguy hại của việc nói dối.

1. TỪ NÓI DỐI… DỄ THƯƠNG

Người Quan họ Bắc Ninh chính thức thừa nhận có những lời nói dối vô hại, thậm chí dễ thương như “cởi áo cho nhau” rồi dối cả cha lẫn mẹ là “qua cầu gió bay” ai cũng biết.

Còn người Tây Nguyên? Đam San tả nhà sàn của mình “dài hơn cả tiếng chuông” thì đâu có thật như đếm?

Cà Mau, nơi con người chất phác, nổi tiếng đôn hậu vậy mà cũng đã sinh sản ra một bác Ba Phi nổ văng miểng, nổi danh nói khoác. Rồi những câu chuyện nói dóc có hạng của Trạng Quỳnh, rồi ở Quảng Trị có nguyên cả một làng nói trạng.

Còn chúng ta, xin quý độc giả thật thà một phút, chắc chưa có ai không hề có một lần nói dối trong đời. Những người lương thiện nhất thì bỏ qua chuyện nói dối vô hại kiểu bị cao huyết áp mà được gọi đi nhậu, đành từ chối rằng hôm ấy vắng nhà.

Chưa nói tới có nhiều kẻ, lỡ nói dối một lần thì buộc phải tiếp tục nói dối suốt đời như hoàn cảnh những người xài bằng giả chẳng hạn.

2. DỐI TRÁ RẤT MẮN ĐẺ, SINH SÔI NẢY NỞ SIÊU NHANH 

Vì công nhận nói dối là một “nét văn hóa” khó sửa nhiều khi gây ra “hậu quả nghiêm trọng” nên từ rất lâu “con người khôn ngoan” đã đẻ ra một ngày nói dối trong năm, cho phép dối trá thả cửa.

Trong ngày này con người luôn cảnh giác và do đó, dù lời nói dối tệ hại đến đâu cũng không thể gây ra tai nạn. Người ta hy vọng ngày này sẽ xả được cái giới hạn nói dối cho mọi người, tức là đáp ứng nhu cầu một thứ nói dối được kiểm soát và có giới hạn thời gian.

Quả thật, ví như trong ngày cá Tháng Tư có báo nào đưa tin tháp Eiffel bị gió quật đổ làm thị trưởng Paris bị gãy giò thì cũng chẳng hề hấn gì vì ai cũng biết đó là lời nói dối được cấp phép.

Nhưng một ngày thì được, cả năm thì không thể, thậm chí phải lên án và tuyên chiến với bất kỳ sự dối trá to nhỏ có hại nào. Biết vậy, nhưng tệ nói dối và làm dối hay dối trá nói chung xem ra vẫn có đất sống và thực sự đang sống tốt trong xã hội ta hiện nay.

Người ta vẫn nói: sự thật đi trên hai chân còn dối trá thì luôn phải nhảy lò cò, ngã lúc nào không biết. Nhưng dối trá ngày nay “siêu” hơn cái dối trá một chân thường tình. Vì con người ngày nay khôn ranh và lọc lõi hơn.

Ví như trong ngày cá Tháng Tư có báo nào đưa tin tháp Eiffel bị gió quật đổ làm thị trưởng Paris bị gãy giò thì cũng chẳng hề hấn gì vì ai cũng biết đó là lời nói dối được cấp phép.

Có lần ngồi ăn thịt dê trong quán ở Gia Lâm (Hà Nội), tôi chú ý bàn bên cạnh có một ông đang nói chuyện điện thoại, bên ông là một cô chân dài khá xinh. Ông ấy hét to:

“Được rồi, anh nhớ rồi! Sẽ về sớm, đồng chí vợ ơi! Anh đang bị kẹt xe ở Hải Dương!”

Một ông bạn trong nhóm tôi vốn có nết hài hước, cầm ly bia đứng dậy, bước sang bàn ông nọ. Anh bạn tôi nói: “Xin cám ơn ông bạn, nhờ ông mà chúng tôi biết mình đang lạc đường, đang ở Hải Dương chứ không phải ở Hà Nội!”.

Không ai trách nặng nề những lời dối trá của ông ăn thịt dê kia. Vì đã “lỡ” thì dối một chút có thể cứu vãn một gia đình, thậm chí một sự nghiệp đang hồi lên hương. Ngay cả những loại nói dối như Cuội vì thành tích, vì để mát mặt với chị em, với láng giềng hoặc nhiều khi không vì cái gì hết cũng đáng trách nhưng dễ dàng được tha thứ. Bởi vì những tràng pháo tay, những tấm bằng thành tích tuy vẫn lấp lánh nhưng không làm ra tiền, không tạo được quyền lực như trước đây.

3. ĐẾN NÓI DỐI DỄ GHÉT 

Nói dối đã được update hàng ngày và đang ở mức rất có hiệu quả để đưa lại danh và lợi. Không chỉ những lời nói dối tự vệ kiểu “anh đang ở Hải Dương” mà đã được nâng thành nghề dối trá, với những kịch bản có lớp lang ngang tầm những cú lừa có tính chuyên nghiệp.

Có muôn hình vạn trạng của dối trá, chỉ ra chúng không khó vì ai cũng biết nhưng chấm dứt được là cả một nan vấn lâu dài. Thầy Đỗ Việt Khoa đã làm nên chuyện khi tìm được chứng cứ về những mảnh bằng “tú tài thật nhưng thực chất là giả hiệu”, một tệ nạn ai cũng biết nhưng không dám nói vì không có chứng cứ.

Từ những tấm bằng, chúng ta đương nhiên phải chấp nhận một đội ngũ sinh viên không giống ai và không bằng ai, giữ chân một nền đại học lẹt đẹt ngay ở vùng trũng Đông Nam Á.

Rồi dối trá giúp người ta cái bàn đạp đổ bộ vào guồng máy quyền lực bằng sự lừa dối đầu tiên là “tấm bằng thật, kiến thức giả” nhờ thuê được người học thay hoặc tiện lợi hơn, tờ bằng giả có thể đặt hàng qua mạng hay bọn môi giới.

Đã có một ngày nói dối có lẽ quá đủ. Nhưng hãy tôn trọng sự thật quanh năm. Đó chính là thông điệp rất thật của ngày nói dối.

Dối trá rất mắn đẻ, sinh sôi nảy nở nhanh, cái dối trá sau được chế tạo để che đậy hay bào chữa cho cái dối trá trước. Vì luôn bị săm soi, lên án nên dối trá có khả năng đề kháng mạnh. Chuỗi dối trá liên hoàn ấy cứ tiếp tục cho đến lúc không thể dối trá được nữa, bị phơi trần trước luật pháp hoặc tòa án lương tâm.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì một nhà đạo đức có tên tuổi đã từng nói vui rằng “các nhà đạo đức sở dĩ được gọi là đạo đức vì không còn khả năng vi phạm đạo đức nữa mà thôi”.

Nguy hiểm nhất là khi dối trá được đảm bảo bằng… vàng. Không cần đến “ba trăm lạng việc này mới xuôi” mà chỉ cần vài tờ xanh (trả cho một bản tham luận) đã có thể khiến một nhà phê bình văn học biến thơ con cóc thành thơ của thánh hiền. 

Tiền đẻ ra quyền rồi ngược lại, quyền lại sinh ra tiền trở thành nguyên lý vận hành của chuỗi dối trá.

Cũng như bọn hacker có thể xóa hẳn rồi thay da đổi thịt một trang web, thay luôn cả ông chủ trang ấy mà không ai hay. Sự thật không còn biết ở đâu mà mò. Có quá nhiều dẫn chứng tệ nói dối đưa lại thiệt hại về kinh tế. Như các gói thầu giá rẻ, như nói dối về kinh phí kiểu 150 triệu nhưng rất có thể là 1.500 triệu để đưa người ta vào ma trận ngân sách, sau đó buộc người phóng lao phải chạy theo lao khi giá bị đội lên mà không biết làm sao!

Nhưng điều tai hại nhất không phải là kinh tế, tiền hay chuyện tầm phào biến thơ con cóc thành thơ thiền. Điều tệ hại nhất của dối trá là tạo ra sự băng hoại của tinh thần và chao đảo, đánh mất niềm tin, một sự không tin vạn sự sẽ không tin nữa là chân lý của người dân vạn đại.

Đã có một ngày nói dối có lẽ quá đủ. Nhưng hãy tôn trọng sự thật quanh năm. Đó chính là thông điệp rất thật của ngày nói dối.

Đồng thời xin cảnh tỉnh một ông bạn tôi khi đề xuất đã có “ngày nói dối” thì cũng nên có “ngày làm dối” vì nói dối có thể là một chuyện vui nếu nó vô hại còn làm dối thì dù chỉ một giây thôi, dù chỉ một lần thôi cũng có thể đủ để gây tai hại cho một đời người thậm chí có thể đủ gây tai hại cho cả một dân tộc.

Vậy mà với nhiều trường hợp khoảng cách từ nói dối đến làm dối chỉ là một đốt ngón tay.

(st)
Lão Ngoan Đồng

#thaminhvaovanhoc

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

CHÀNG LÃNG TỬ - Truyện Trào Phúng


Ở quê tôi, nhà ai có con gái đến tuổi lấy chồng thì lúc nào cũng nườm nượp trai làng vào ra tán tỉnh. Ấy vậy mà nhà tôi lại chẳng có ma nào thèm tới lui, dù tôi cũng đã đến tuổi lấy chồng từ hơn chục năm nay rồi! Bởi thế, bố mẹ tôi rất lo tôi ế!

Về hình thức thì kể ra tôi cũng hơi xấu: Người lùn một mẩu, đầu tròn như dưa hấu, mặt sần sùi toàn mụn, nhìn như bị thủy đậu. Đã vậy tính tôi lại đầu gấu, đứa nào chỉ hơi nói đểu hay nhìn đểu là tôi nổi cáu, rồi nhảy vào cào cấu. Ngoài xấu ra thì tôi còn khá lười, học dốt, và đần độn. Bố mẹ tôi suốt ngày kêu ca rằng tôi chẳng được cái nết gì. Tôi thì không nghĩ vậy, ngược lại, tôi thấy mình có rất nhiều ưu điểm, chỉ có điều những ưu điểm đó là gì thì tôi chưa phát hiện ra.

Bực hơn nữa là ngay sát nhà tôi có con bé Lành, rất xinh xắn, thông minh, nên mấy anh thanh niên trong xã đến chơi rất nhiệt tình, đông như đi công viên nước. Chứng kiến cảnh đó, bố mẹ tôi không khỏi ngậm ngùi, còn tôi, lại càng thêm buồn tủi. Đã vậy mẹ con Lành - Là bà Bôn, có vẻ như rất thích chọc vào nỗi đau của gia đình tôi. Ví như sáng qua, bà ấy sang nhà tôi, hỏi mượn mẹ tôi cái nồi to. Mẹ tôi hỏi mượn nồi to làm gì thì bà ấy bảo là để về đun nước chè mời khách, vì đám thanh niên đến tán con Lành nhà bà ấy đông quá, trong khi cái nồi nhà bà ấy thì nhỏ, nấu nước không có kịp! Bà ấy còn bảo cứ như bố mẹ tôi đâm ra lại nhàn, chả phải lo nước non, khách khứa gì!

Một hôm, bà Bôn bảo tôi:

- Cháu qua nhà cô hái mồng tơi về mà nấu canh! Chả hiểu sao không chăm bón gì mà nó cứ tốt um, xanh mơn mởn!

- Tốt um là phải! Vì khách nhà cô đông quá, lại uống nước nhiều, xong anh nào cũng ra đái vào giậu mồng tơi. Có hôm cháu còn thấy cả chục anh xếp hàng đái cùng một lúc cơ!

- Chắc không phải đâu! Vì nếu đái thì mồng tơi sẽ có mùi khai, chứ đằng này, mồng tơi rất ngọt! Nhà cô vừa ăn trưa nay xong!

- Ngọt thì chắc là trong số các anh đó, có một vài anh bị tiểu đường đấy cô ạ!

Nói thì nói vậy thôi, chứ buồn thì vẫn rất buồn. Dù luôn kiên định trong lòng câu phương ngôn rằng: “FA - Già nhưng không ế”, thế nhưng nỗi buồn thì chẳng hiểu cứ từ đâu kéo đến...

Chiều qua, mẹ tôi bất chợt từ ngoài chạy vào, giọng thều thào:

- Có một thằng khá bảnh bao, mặc sơ mi phanh cúc nhìn rất lãng tử, cứ thập thò ngoài đầu ngõ nhà mình. Hình như, nó muốn vào tán tỉnh con, nhưng còn ngại. Con thử ra dò la xem sao?

- Người ta là trâu, con là cọc! Sao cọc lại phải đi tìm trâu?

- Ai chả biết! Nhưng đợi hơn chục năm rồi mới thấy một con trâu tới, nên mẹ lo...

Vậy là sau một hồi bàn bạc, tôi và mẹ đã thống nhất được kế hoạch tiếp cận anh chàng nhút nhát ấy. Theo đó, tôi sẽ ra tắm ở chỗ góc ao ngay đầu ngõ, gần chỗ anh chàng lãng tử ấy đang thập thò, rồi thì tùy diễn biến thực tế mà bắt chuyện, làm quen. Thực sự là dù chưa một lần gặp gỡ, chuyện trò, nhưng tôi rất trân trọng những người đàn ông yêu không vì nhan sắc, không vì trí tuệ, không vì tiền bạc như anh ấy (bởi những thứ đó tôi đều không có).

Chàng lãng tử ấy đã nhìn thấy tôi, nhưng ngượng ngùng quay mặt đi, rồi lại thẹn thùng nép sau bụi chuối. “Đàn ông gì mà nhát thế chứ!” - Tôi nghĩ thầm, rồi từ từ trầm mình xuống làn nước ao mát lạnh dù cơ thể đang hừng hực, râm ran. Bình thường khi tắm ao, tôi hay bơi ùm ũm như chó, rồi chổng mông trồng cây chuối lộn nhào. Nhưng hôm nay thì không vậy được, bởi tôi biết, anh ấy đang núp ở đó, âu yếm dõi theo tôi. Thế nên tôi rất khẽ khàng, dịu dàng vốc từng cục nước rưới lên cổ, lên vai, xuống ngực, bàn tay tôi mềm mại miết trên da thịt, kì cọ nhẹ nhàng. Bên bờ ao, mấy bụi hoa cứt lợn đang nở bung, tỏa hương nghi ngút, càng làm cho khung cảnh thêm tình tứ, mơ màng...

Một đàn bướm từ chỗ mấy bụi hoa cứt lợn ấy bay vụt ra, dập dờn, chao liệng trên mặt ao. Tôi đưa tay vồ lấy một con bướm, rồi cứ thế lấy ngón tay khều khều, mơn mơn, nghịch bướm đầy thích thú...

Bỗng tôi nghe thấy có tiếng ư ử, ư ử! Tôi đã nghĩ đó là tiếng của anh chàng lãng tử. Nhưng về sau tôi mới biết là không phải, bởi ngay sau đó tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi chạy huỳnh huỵch từ trong nhà ra, vừa chạy vừa la thất thanh: “Trộm chó! Bớ người ta trộm chó! Đánh chết mẹ thằng trộm chó đê!”.

Tức thì, người từ khắp các ngõ, các ngả túa ra hối hả! Tiếng chân rầm rập, tiếng gậy gộc lộc cộc, rồi sau đó là tiếng hò hét, đánh đập, chửi bới, loạn xạ. Lúc tôi lên bờ, mặc quần áo xong và chạy tới được chỗ đám đông thì vụ đánh đấm đã xong. Thằng trộm chó nằm đó, rúm ró, nhăn nhó. Chiếc áo sơ mi phanh cúc te tua, lấm lem bùn đất càng làm cho anh ấy thêm vẻ lãng tử, phong trần. Hóa ra, tiếng ư ử hồi nãy không phải là tiếng anh ấy mà là tiếng của con chó, đó là lúc con chó bị anh lãng tử siết cái thòng lọng vào cổ. Và tôi cũng hiểu, anh ấy thập thò ở đầu ngõ không phải vì tôi, mà là vì con chó.

Võ Tòng Đánh Mèo

NGƯỜI CHÀ Ở MIÊN TÂY


Ở phía Tây của tỉnh An Giang, giáp đất Campuchia, nhắc đến người Chà, cư dân nơi đây lại đồn thổi rất nhiều chuyện huyền bí. Người ta đồn rằng, người Chà có nhiều bùa ngải, phép thuật, luyện thiên linh cái để giết người… Thôi thì có đến cả chục câu chuyện kinh hãi.
   Thế nên, mặc dù người Kinh sống ngay cạnh người Chà, nhưng ít giao lưu. Khi tôi bày tỏ ý định vào “vương quốc người Chà” bên bờ sông Tiền, ông thầy thuốc kiêm thầy bùa dưới chân Núi Sam, thuộc đất Châu Đốc cứ khuyên tôi không nên vào, vì một là họ không tiếp, hai là họ thả bùa mất mạng!
   Bỏ qua những lời đe dọa mang đầy sự huyễn hoặc, tôi qua phà Châu Giang đến xã Đa Phước thuộc huyện An Phú, nằm ngay bên sông Tiền và sông Bình Di, vùng đất với những ngôi nhà sàn đơn sơ tránh lũ và những nhà thờ uy nghi chả khác nào vùng Tây Á của người đạo Hồi.
    Chạy xe trên con lộ nhỏ dọc sông Bình Di dẫn ra cửa khẩu Long Bình, tôi thực sự lạc vào một vương quốc khác lạ. Trên con đường lộng gió, những người đàn ông đội mũ vải, mặc váy hoa phấp phới với đủ màu sắc đi lại thong dong, đạp xe thong thả trên đường.
    Những cô gái vấn khăn quanh đầu, che kín cổ. Các cô gái đạo Hồi che kín mặt, chỉ hở đôi mắt, nhưng có vẻ đạo Hồi ở xứ này không khắc nghiệt lắm với phụ nữ, nên ra đường họ chỉ đội khăn theo tượng trưng mà thôi.
Tôi tạt vào một nhà thờ, gặp mấy người đàn ông mặc váy ngồi quây quần dưới nền nhà học kinh. Thấy khách lạ, cả nhóm người nhìn tôi ngơ ngác. Tôi giới thiệu là nhà báo, nhóm người này cùng đứng dậy bắt tay, niềm nở, khác hẳn với lời “dọa” của ông thầy bùa, cũng như người dân vùng Châu Đốc.
    Tuy nhiên, khi thu thập thông tin, họ không trả lời, mà chỉ tôi đến gặp ông Cả Musa. Với người Chà, ông Cả Musa giống như trưởng bản, già bản của các dân tộc phía Bắc.
Ông Cả Musa là kho tri thức của người Chà, ông nắm rõ lịch sử, văn hóa, tập tục của dân tộc mình. Ông là người cai quản phần tâm linh, được người dân coi trọng, và lời nói của ông được mọi người lắng nghe.
    Hỏi chuyện bùa ngải, ông gạt phắt đi. Ông Cả Musa khẳng định rằng, người Chà ở đây không hiểu bùa ngải là thứ gì. Đó là thứ người dân trong vùng gán oan cho người Chà.
    Theo ông Cả Musa, người Chà ở vùng đất này thường được gọi là người Chà Châu Giang, vì gắn với vùng đất Châu Giang. Ngoài ra, còn được gọi là Tây Chăm, để phân biệt với người Chăm ở nơi khác.
    Người Chà có hơn 20.000 cư dân (trong tổng số 400 ngàn người Chăm), có mặt ở vùng Châu Giang từ đầu thế kỷ 19. Vị tướng Thoại Ngọc Hầu khi thực hiện công trình kênh Vĩnh Tế, đã huy động một nhóm người Chăm vào vùng đất này. Đào xong kênh Vĩnh Tế, tướng Thoại Ngọc Hầu đã chia đất vùng Châu Giang cho người Chăm làm sinh kế.
    Sau này, một nhóm người Chăm gốc Malaysia, gọi là Chăm Chà Và đến sinh sống. Đó cũng là lý do người dân quanh vùng gọi người Chăm nơi đây là người Chà Và, rồi sau gọi tắt là người Chà.
    Người Chà ở vùng đất nhỏ này theo Hồi giáo chính thống, nên còn được gọi là Chăm Islam, hay Chà Islam, với phong tục, tập quán tương đối khác biệt với người Chăm ở những vùng khác trong cả nước.
    Theo ông Cả Musa, đàn ông người Chà vùng Châu Giang mặc váy từ bé cho đến khi chết. Chiếc váy của người Chà có nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau, từ màu sáng, sặc sỡ, cho đến tối màu. Nhìn vào chiếc váy đó, người Chà dễ dàng phân biệt được địa vị của họ trong cộng đồng, tuổi tác, có gia đình hay chưa.
   Các chàng trai chưa vợ người Chà thường mặc váy nhiều màu sặc sỡ, với nhiều hình nổi bật nhằm… thu hút phụ nữ.
   Những chiếc váy được cắt khá đơn giản. Đó là một tấm vải lớn, được quấn quanh hông 1,5 vòng, xếp chéo. Váy mỏng hay dầy cũng không quan trọng, bởi bên trong họ mặc thêm một chiếc quần soóc, để đảm bảo kín đáo tuyệt đối.
   Với người Kinh, việc mặc váy thể hiện nữ tính, còn đàn ông Chà mặc váy thể hiện nam tính. Điều đặc biệt nữa là chiếc váy họ mặc dài chấm gót chân, chứ không… hở hang và cũn cỡn như những cô gái người Kinh vẫn phóng xe máy vun vút, tốc cả váy trên con lộ dẫn qua vùng Châu Giang.
   Tôi hỏi ông Cả Musa rằng, việc mặc váy như thế có khó dễ gì cho việc lao động, đi lại không, thì ông lắc đầu bảo không ảnh hưởng gì cả. Người Chà trong cộng đồng vẫn mặc váy đi làm, lái xe, giao lưu với cộng đồng khác quanh vùng.
    Điều khá thú vị ở người Chà vùng này, ấy là người phụ nữ đóng vai trò chủ nhân trong gia đình. Chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng nữ thần vẫn tồn tại đến ngày nay.
    Văn hóa người Chà cho rằng, đàn bà lo việc trong gia đình, giữ gìn gia phả, và đó là những việc quan trọng trong gia đình. Đàn bà Chà đều biết dệt vải. Những chiếc váy hoa mà đàn ông mặc là tác phẩm của người phụ nữ Chà chăm chỉ, khéo tay.
    Điều khá lạ nữa, đó là đàn ông lo việc cơm nước, nấu ăn. Đàn ông học nấu ăn từ một ông thầy cả trong cộng đồng. Món ăn của họ là thịt bò. Điều lạ nữa là họ tự nuôi bò, tự giết bò để ăn. Họ không ăn thịt bất cứ con vật nào khác và không mua thịt bò từ cộng đồng khác.
    Mang chế độ mẫu hệ, nên những đứa trẻ sinh ra mang họ mẹ. Việc cưới xin, lấy chồng là do nhà gái đứng ra lo lắng. Đàn ông ở rể nhà vợ cho đến chết. Khi đàn ông chết đi, nhà gái có trách nhiệm thờ cúng. Khi hết tang theo phong tục, thì nhà gái sẽ trả cốt cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ.
    Phụ nữ Chà được thừa kế tài sản từ gia đình, dòng họ và người con gái út được có quyền lực cao nhất gia đình khi được phân nhiệm vụ săn sóc nhà thờ để thờ cúng tổ tiên và nuôi dưỡng cha mẹ già.
    Phong tục cưới xin của người Chà ở vùng đất này cũng có nhiều chuyện lạ. Khi chú rể được rước về nhà vợ, thì hai người phải thực hiện một thủ tục khá buồn cười, đó là thi mò tiền.
    Ông Cả, người đứng đầu trong vùng sẽ là trọng tài của cuộc thi. Chiếc xô đựng đầy nước được đặt ngay cửa phòng hoa chúc. Ông Cả sẽ bỏ tiền xu vào xô nước. Khi ông Cả ra hiệu, cả hai cùng lao đến dùng 2 tay vớt tiền trong xô.
    Nếu chú rể vớt được nhiều tiền hơn, thì sẽ được chia sẻ một số quyền lực trong gia đình, còn vớt được ít tiền hơn, thì hoàn toàn chịu sự chỉ đạo của vợ. Xong thủ tục này, họ vào động phòng hoa chúc và chính thức thành vợ chồng.
    Sống giữa vùng sông nước Cửu Long, nơi ăn nhậu là thói quen thường ngày của đàn ông, nhưng người Chà không bị ảnh hưởng. Đàn ông Chà ở đây không bao giờ uống rượu bia, hút thuốc, cờ bạc. Những thú vui, tệ nạn đó được quy định rất ngặt nghèo trong giáo luật và không bao giờ có chuyện họ vi phạm.
    Với những phong tục, lối sống hoàn toàn riêng biệt, người Chà vùng Châu Giang, đã tạo ra những nét văn hóa vô vùng độc đáo, có phần bí ẩn. –( tác giả Dương Phạm )