Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Hiểu về cuộc sống ở nước ngoài sao cho đúng ?


Với những người khác nhau, vị trí và sự thành đạt khác nhau, sở thích khác nhau thì cách nhìn nhận về cuộc sống ở nước ngoài cũng hoàn toàn khác.

Tôi hay đọc các bài viết trên mục Người Việt Năm Châu trên Vnexpress, cũng là một người Việt đang định cư tại nước ngoài, nên tôi hoàn toàn cảm nhận được những ý kiến trái chiều nhau của các anh, chị đã và đang sống tại Mỹ hay Canada
Trước khi đặt chân sang Canada, tuy rằng tôi cũng đã có kế hoạch hết sức rõ ràng trong việc hội nhập và tạo lập cuộc sống tại vùng đất mới nhưng khi đọc những bài viết và quan điểm của nhiều người về cuộc sống tại Mỹ và Canada tôi vẫn có những băn khoăn nhất định. Rõ ràng với những người khác nhau, vị trí khác nhau và sự thành đạt khác nhau, sở thích khác nhau thì cách nhìn nhận về cuộc sống ở nước ngoài hoàn toàn khác nhau. Để giúp cho các anh, chị đang đứng trước những lựa chọn muốn sống ở nước ngoài hay về nước sống, cũng như định hướng cho con cái của mình, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân tôi, đứng trên góc độ phân tích cả hai chiều về cuộc sống tại Canada.

Trước hết các anh chị phải xác định hết sức rõ ràng mục đích của các anh chị muốn ra nước ngoài sống để làm gì? Vì bản thân anh, chị là chính hay là vì tương lai của con cái.

- Nếu ra nước ngoài sống là vì bản thân mình là chính thì có một số điều cần lưu ý. Bất kỳ người nào khi từ bỏ môi trường mà mình đã sống quen thuộc sang một môi trường mới đều gặp không ít khó khăn cần phải vượt qua, ngay kể cả di chuyển trong nước chứ chưa nói tới việc tới việc sang một nước khác sinh sống. Những khó khăn đó là: Rào cản ngôn ngữ, quan hệ bạn bè, văn hóa và lối sống, trình độ học thức. Anh chị phải tạo dựng lại từ đầu tất cả những điều này để hòa nhập cuộc sống mới. Tuy nhiên, mọi thứ không đến nỗi quá khó khăn như nhiều người tưởng. Bởi vì Canada có một hệ thống trợ giúp những người mới tới rất hiệu quả và miễn phí, nhưng không phải ai khi sang Canada đều biết tới hệ thống này. Anh, chị được tham gia các khóa học để biết về ngoại ngữ, về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong công sở, quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà và cho thuê nhà, kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, kỹ năng quản lý tài chính gia đình... đồng thời nếu anh chị chưa có việc làm thì có những đơn vị của Chính phủ họ sẽ giúp anh chị soạn thảo CV và tìm kiếm các doanh nghiệp cần những đối tượng như anh, chị vào làm việc.

Trong trường hợp xấu nhất, nếu anh, chị không có nhà ở do thu nhập quá thấp thì có thể xin chính phủ cấp nhà ở (miễn phi ) và thông thường anh chị kể cả không biết ngoại ngữ, không có trình độ bằng cấp gì thì có thể đi làm tại các hãng xưởng, có những công việc rất đơn giản cho lao động phổ thông nhưng với đồng lương đủ để có một cuộc sống khá thoải mái (nếu cả hai vợ chồng làm việc chăm chỉ lao động thủ công vẫn có thể mua nhà và mua ôtô được, con cái đi học tốt và có điều kiện). Đối với anh, chị nào không muốn lao động thủ công (lao động chân tay trong các hãng xưởng) mà muốn làm việc tại các văn phòng thì phải cố gắng rất nhiều vì trình độ học vấn của người bản địa có nền tảng ban đầu cao hơn và ngôn ngữ, văn hóa, cách làm việc của họ mình còn phải học và hòa nhập mất thời gian không nhỏ.

Nhiều anh, chị đang kiếm tiền tốt ở Việt Nam, ngại thay đổi về văn hóa, môi trường, hoặc ngại phải làm lại từ đầu thì không nên sang nước ngoài sống, không nên nghĩ cuộc sống ở nước ngoài là thiên đường mà không cần cố gắng cũng sống được một cách thoải mái, sung sướng. Canada chỉ có thể trợ cấp những người quá nghèo, không có khả năng làm việc, hoặc già cả, chứ không phải tất cả, ai cũng sẽ phải làm việc chăm chỉ và nỗ lực nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp.

- Nếu sang nước ngoài vì tương lai của con cái mình thì lại phải tìm hiểu xem anh, chị kỳ vọng gì ở con cái của anh chị và chúng phù hợp với lĩnh vực nào, môi trường nào. Hệ thống giáo dục tại Canada tương đối tốt và có nhiều ngành để lựa chọn. Điểm mà giáo dục ở đây hướng tới chính là muốn tạo ra những con người có khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ, có kỹ năng sống phù hợp với thực tế, tôi nghĩ đó là ưu điểm lớn nhất và cần có để giáo dục con người. Tuy nhiên, mức học phí cũng không rẻ, nếu là học sinh quốc tế thì tốn khá nhiều tiền, còn nếu là công dân hoặc thường trú nhân thì học phí rẻ hơn nhiều.

Đã cho con cái du học hoặc sang cùng con cái để chăm sóc con thì phải xác định chi phí được tính bằng tiền tỷ VND. Nhưng bù lại cái mà con cái anh, chị có thể được hưởng là tư duy, cách sống, khả năng làm việc xuyên quốc gia (bỏ được rào cản về ngôn ngữ và văn hóa), tiếp xúc với tri thức và khoa học công nghệ hiện đại của nước ngoài. Tất nhiên là nếu chỉ tính được mất theo hướng đầu tư cho con học hàng tỷ VND mà về làm việc lương chỉ được vài triệu VND/tháng thì điều đó là vô cùng, rất khó so sánh, vì không phải ai sang du học nước ngoài có bằng đại học hoặc cao học đều có thể có vị trí xứng đáng khi làm việc ở trong nước hay nước ngoài, vì còn phục thuộc vào bản thân con cái của anh, chị có biết tiếp thu và tận dụng các tri thức đó vào cuộc sống một cách hiệu quả và phù hợp hay không.

- Làm sao để hòa nhập nhanh hơn: Để hòa nhập nhanh hơn với cuộc sống mới thì các anh, chị cần tích cực tìm hiểu và tham gia các hoạt động cần thiết cho sự hòa nhập. Tại Canada cũng có rất đông người Việt và có tổ chức thành các Hội người Việt theo từng địa phương. Các anh, chị có thể tham gia để được giúp đỡ và học hỏi kinh nghiệm sống của những người đi trước. Ngoài ra với một hệ thống trợ giúp rất tốt và miễn phí của Chính phủ giúp anh chị dễ dàng hòa nhập với cuộc sống mới.

Về cuộc sống tinh thần tại nơi đây cũng khá phong phú chứ không phải buồn tẻ và cô đơn vì tại các địa phương, các lễ hội diễn ra khá nhiều, anh chị vẫn có thể “buôn chuyện” với bạn bè như ở Việt Nam, nhưng có điều phải tham gia vào các câu lạc bộ và “buôn chuyện” có mục đích và chủ đề rõ ràng chứ không phải ngẫu hứng, vì người Phương Tây cũng khá cởi mở nhưng điểm khác biệt là hạn chế nói về đời tư và các thông tin cá nhân, đó là điều hạn chế và khác biệt văn hóa. Nhưng nếu anh, chị chỉ tập trung vào đi làm kiếm tiền, ít tham gia hoạt động xã hội thì lại thấy cuôc sống rất buồn tẻ, lạnh lẽo, vì không có người đi lại tấp nập và không có quán xá mọc san sát hai bên đường.

Các dịch vụ và ăn uống ở Việt Nam có gì thì ở bên này có thứ đó, có thể đa dạng hơn vì hàng hóa nhập vào phục vụ nhiều sắc dân khác nhau và được kiểm dịch chặt chẽ hơn đảm bảo sức khỏe người dân. Nhưng muốn ăn uống hợp khẩu vị của mình thì phải biết nấu ăn, còn ra hàng quán thì sẽ ít tìm thấy những món ăn Việt Nam phù hợp với sở thích của anh, chị hoặc sẽ bị tính tiền khá đắt. Các yếu tố về y tế, phúc lợi xã hội, vệ sinh môi trường đều khá tốt. Riêng có một điểm đáng lưu ý là thời tiết vào mùa đông thường khá lạnh và kéo dài hơn Việt Nam, nên đi lại cần phải có xe ôtô và nên học lái xe, nếu không sẽ rất vất vả. Còn các siêu thị, trường học, cơ quan và chung cư vào mùa đông đều có nhiệt độ phù hợp vì có hệ thống sưởi ấm.

Người nước ngoài họ cũng không phải sống ít thiên về tình cảm như một số người suy nghĩ nhưng cách thể hiện tình cảm của họ khác với người Việt Nam. Họ có thể không gặp bạn mà hỏi thăm chuyện cá nhân bạn nhiều nhưng khi bạn gặp các khó khăn thì cũng rất nhiều người, nhiều tổ chức giúp đỡ. Người Canada có truyền thống làm từ thiện không chỉ đối với những người nghèo khổ trên đất nước họ mà cả với người nghèo trên khắp thế giới.

Trên đây làm một số chia sẻ của cá nhân tôi, hy vọng sẽ giúp được phần nào giải tỏa những tâm trạng phân vân của các anh, chị đang chuẩn bị sang định cư hoặc cho con cái du học nước ngoài.

Nguyen Hong Hai