Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

Ai là người Việt Nam đầu tiên biết đến và truyền bá thuyết đa trí tuệ?

Trong bối cảnh giáo dục trường học ở Việt Nam gặp khủng hoảng và cả giáo viên và phụ huynh bị cuốn vào cơn sóng thần bằng cấp và thành tích, thuyết đa trí tuệ (nhiều trí thông minh) có nguồn gốc từ phương Tây đã được quan tâm và lan truyền ở Việt Nam.
Trên wiki tiếng Việt có hẳn một mục viết về “thuyết đa trí tuệ”. Ở đó wiki viết “Thuyết đa trí tuệ là một lý thuyết về trí thông minh của con người được nhìn nhận bằng nhiều cách, mang tính đa dạng, được nghiên cứu và công bố bởi tiến sĩ Howard Gardner. Theo Gardner, trí thông minh (intelligence) được ông quan niệm như sau ‘là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa’ và trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ”.
Cũng theo thông tin ở trang tham khảo mở này thì năm 1983, H. Gardner xuất bản “cuốn Frames of Mind (tạm dịch Cơ cấu của trí tuệ), trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences)”.
Đọc ở đây, có vẻ như người ta có hàm ý nhấn mạnh rằng Gadner là ông tổ của thuyết đa trí tuệ và người Việt chỉ biết đến ông này.
Nhiều cuốn sách về lý thuyết này của H. Gadner, Amstrong… cũng được dịch ở Việt Nam và gây được ảnh hưởng nhất định.
Rất nhiều người ở Việt Nam có thể kể ra các loại hình trí thông minh được đề cập trong các cuốn sách trên như:
  • Trí thông minh ngôn ngữ
  • Trí thông minh logic toán họcTrí thông minh hình ảnh không gian
  • Trí thông minh âm nhạc
  • Trí thông minh vận động thể chất
  • Trí thông minh tương tác cá nhân
Tuy nhiên, có phải thực sự người Việt chỉ biết đến học thuyết về đa trí tuệ này trong khoảng 10-20 năm trở lại đây không?
Nếu bạn nghĩ như vậy thì bạn đã lầm to! Người Việt thực ra đã biết đến và truyền bá học thuyết này trước cả H. Gadner!
Ai? Khi nào? Chứng cứ đâu?
Người đó là Nguyễn Triệu Luật (1903-1946), bút hiệu: Dật Lang, Phất Văn Nữ Sĩ. Một nhân vật có cuộc đời sống động với cái kết buồn. Ông vừa là nhà giáo, nhà văn, nhà báo và cũng là một nhà chính trị.
Ông là một trong số những người hiếm hoi ở Việt Nam dùng sở học của mình (Tây học) để quan tâm tới tâm lý.
Ai là người Việt Nam đầu tiên biết đến và truyền bá thuyết đa trí tuệ?
Ông là người đã viết, biên dịch khá nhiều về tâm lý và đề cập đến những khái niệm-nội dung tâm lý học vẫn còn mới cả với rất nhiều sinh viên Việt Nam hiện nay. Thậm chí đọc tài liệu ông viết, dịch chúng ta có cảm giác nó còn sâu hơn, dễ hiểu hơn cả giáo trình tâm lý học-giáo dục học đang dùng cho sinh viên hiện nay. Chẳng hạn từ năm 1924-1926, trên tạp chí Nam Phong ông đã giới thiệu về:
  • Tính chất các hiện tượng về tâm lý
  • Thân thể và tinh thần
  • Thuyết Maudsley và Huxley
  • Đời tiềm thức
  • Chú ý
  • Nhân tính(quan niệm về bản nghã, nguyên tố cái bản ngã)
  • Phân loại các hiện tượng tâm lý và các tính người
  • Thế nào là tình tự
  • Khổ lạc tình
  • Cảm động tình
  • Duy tha hoạc vong kỷ khuynh hướng
  • Thế nào là trí?
  • Tri giác
  • Tưởng tượng…
Đặc biệt nhất, ông đã giới thiệu bằng cách biên dịch về thuyết đa trí tuệ. Xin trích nguyên văn:
Tính đa trí (hoặc gọi là tính thông minh)
Thông minh cũng có nhiều cách. Nhà tâm lý học xét theo máy cái óc người ta thì sành mà thường không hiểu nổi cái máy xe đạp, không cầm nổi ván tổ tôm. Nhà bác học tìm được định lệ phiền phức của vũ trụ mà đến việc tiền nong tính toán thì không hiểu gì. Bởi thế chớ có cho rằng người cờ cao là cầm quân giỏi.
Trong bọn học trò trong trường mà nói rằng có người giỏi khoa học, có người giỏi văn chương thì thật là sai lầm. Có người học trò, làm được cái tính thường ra ở lớp – người đó tức là người giỏi tính – mà nếu cho học môn số học cao thì không sao hiểu được. Có người, ông giáo cho là giỏi văn vì bài làm ít sai ít “phốt”, dịch “tem” Latin giỏi, nhưng vị tất óc người ấy đã đủ cái mềm mại, cái tưởng tượng, cái tư chất văn chương.
….
Mỗi cái thông minh xét ngoại vật một khác…
…Tính thông minh nhiều vô cùng, không sao kể cho hết được.
Có cái thông minh “rộng rãi” (étendu); có cái thông minh có giới hạn, hoặc gọi là thông minh “chuyên môn” (spécialisé); có cái “sâu sắc” (pénétrant); có cái “phù phiếm” (superficiel); có cái “sáng khởi” (inventif); có cái “thụ cảm” (réceptif), nghĩa là chỉ biết bắt chước; có cái “đúng mực” (juste), có cái “sai lầm” (faux); có cái “sáng suốt” (clair); có cái “mập mờ” (confus); có cái “quan sát” (observateur); có cái “trừu tượng” (abstrait), v.v..
Ai là người Việt Nam đầu tiên biết đến và truyền bá thuyết đa trí tuệ?
Nhà văn Nguyễn Triệu Luật với các nam sinh tại Vinh
Ông viết (biên dịch) những nội dung trên và cho đăng trên Nam Phong tháng 11/1924-8/1926 (Phụ lục “tâm lý hoc toàn đồ”, phần nội dung tôi chép lại ở trên lấy từ Nguyễn Triệu Luật, Tác phẩm đăng báo, Nguyễn Triệu Căn sưu tầm, NXB Tri thức, 2014(bạn đọc có thể tra cứu trên Nam Phong).
Như vậy, chúng ta thấy Nguyễn Triệu Luật ít nhất đã đi trước người bây giờ cả gần thế kỷ!

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Mạt pháp

Hoàng Hưng: Mạt pháp Phật giáo Việt Nam, cái sảy nảy cái ung?

Những vụ “Cúng sao giải hạn” hằng năm làm tắc đường Hà Nội của chùa Phúc Khánh, rồi “trả nghiệp theo giá ra của Vong” ở chùa Ba Vàng quá trắng trợn phản Phật pháp gần đây, cùng với hội chứng start-up đua nhau xây chùa to để buôn thần bán thánh, chỉ là bước “cái u” biến thành “ung thư” của tình hình Phật giáo nước nhà.

“Cái u” đã được cảnh báo từ lâu, bởi không ít thiện trí thức. Ngay ít lâu sau khi mới về nước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã gửi tới Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bản kiến nghị 10 điểm, trong đó có điểm yêu cầu cải tổ tổ chức Phật giáo đã bộc lộ nhiều sự suy thoái. Tức là đã mọc “u”. Bản chất của “cái u” đó và liệu pháp cho nó là gì? Hãy nghe phân tích của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong thư 7 điểm gửi trực tiếp cho Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005. Điểm đầu tiên chính là: Tách Giáo quyền ra khỏi Chính quyền:

“Ngày xưa vua Lý Thái Tổ đã yểm trợ đạo Phật xây dựng cơ sở giáo hội, và thiền sư Vạn Hạnh đã chỉ bày thêm cho vua về các đường lối kinh tế, văn hóa, đạo đức và chính trị. Nhưng vua không chen vào để kiểm soát Phật giáo và thiền sư cũng không nhận trách vụ gì trong guồng máy chính trị. Nhà nước bảo đảm là từ nay các vị xuất gia sẽ không bị mời làm dân biểu quốc hội, trở nên thành viên hội đồng nhân dân các cấp và của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hoặc trở nên đảng viên của bất cứ một đảng phái chính trị nào. Xen vào lãnh vực chính trị như thế các vị xuất gia sẽ phạm giới, làm mất uy tín của giáo đoàn Phật giáo và cũng làm cho chính quyền mang tiếng là sử dụng những vị ấy để kiểm soát tôn giáo. Từ nay các vị xuất gia sẽ không còn nhận huân chương của chính quyền”.

Vì sao khẳng định: cái U gốc của bệnh ung thư Phật giáo hiện nay chính là việc nhập nhèm giữa chính quyền với giáo quyền?

Khỏi cần truy lại lịch sử xa xưa, khi Phật giáo là quốc giáo vào thời Lý, Trần. Vua trở thành sư, Sư làm quốc sư. Có thể nói Phật giáo đã cho dân tộc sức mạnh tinh thần để giữ được độc lập, chiến thắng ngoại xâm. Nhưng rồi, với cái lọng che quá lớn của thế quyền, Phật giáo cũng thoái hoá, bị lạm dụng, trở thành nơi “trốn việc quan”, để rồi chính quyền phải ra tay… dọn dẹp, và sau đó là mất địa vị quốc giáo suốt các triều đại kế tiếp.

Cho đến thế kỷ 20. Sau thời gian Việt Nam trở thành thuộc địa, đạo Ki tô được chính quyền thực dân tạo thuận lợi để phát triển, thế lực vượt trội so với Phật giáo. Một phong trào chấn hưng Phật giáo đã được các thiện trí thức phát động, nằm trong công cuộc phục hưng tinh thần dân tộc, nuôi dưỡng lòng yêu nước để đòi lại độc lập. Có thể nói, đó là tiền đề để sinh ra ý tưởng “chính trị hoá” Phật giáo của Đảng Cộng sản sau Cách mạng 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và thôn tính miền Nam, cũng như của cả những lực lượng Phật giáo không CS chống lại Ngô Đình Diệm và Ki tô giáo được gia đình ông Diệm bảo trợ.

Các đảng viên Cộng sản khoác áo thầy chùa, cũng như các thầy chùa trở thành đảng viên CS, các ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng là chuyện rõ như ban ngày. Gần đây, không ít vị cao tăng đã công khai thân phận “đảng viên lão thành” của mình khi lâm chung.

Mặt tích cực của Phật giáo “nhập thế” có thể được biện minh trong công cuộc toàn dân đánh giặc để giành độc lập. Nhưng cái “sảy” cũng sinh ra từ đó, để rồi “nảy cái ung”.

Cái “sảy” này xuất phát từ việc nhà cầm quyền CS, thấy được sự lợi hại của tôn giáo trong việc dắt dẫn quần chúng, bèn quyết nắm chặt lấy Phật giáo là tôn giáo của đa số nhân dân và có truyền thống yêu nước, đi cùng với mình trong hai cuộc chiến, trong khi Ki tô giáo vẫn bị coi là “ngoại đạo” gắn với kẻ xâm lược cũ và họ khó lòng thâm nhập. Nhưng bây giờ, mục đích không còn là để hướng Phật giáo “nhập thế” cứu nước, mà là để giữ vững “ổn định chính trị”, nói trắng là giữ cho chặt quyền thống trị của mình.

Chính trị hoá Phật giáo với khẩu hiệu trắng phớ “Dân tộc, Đạo pháp và Chủ nghĩa xã hội”, với tổ chức Phật giáo nằm trong sự khống chế của các Đảng viên và nhất là công an khoác áo thầy chùa không có gì là bí mật. Những nhà lãnh đạo Phật giáo tốt nghiệp trường Đảng, từng là cấp tá công an, tướng quân đội… có thể thấy ở nhiều ngôi chùa lớn.

Bản thân tôi đã có thời gian học thiền ở một ngôi chùa lừng danh có vị Phó Viện trưởng được giới thiệu là nguyên đại tá an ninh, vị Tri khách tự giới thiệu là nguyên Thiếu tướng quân đội.

Cũng đã từng được một sĩ quan an ninh đến theo dõi ở một ngôi chùa lớn ở Ấn Độ. Vị này rất thành thạo kinh sách, rất siêng năng trong vai một tín đồ thuần thành, tin kính, rất mẫu mực. Sau này, anh ta thật thà khoe về quá trình rèn luyện rất gian khổ để đi vào lòng Phật giáo, từng có thời gian luyện du hành khắp các chùa bên Tàu chỉ với một bao gạo, một lon nước và cái bật lửa!

Ít năm sau, vị Sư trụ trì này khi về nước báo cho tôi một tin giật gân: – Cái anh theo dõi mình hồi đó giờ đã lên… tướng!

Tôi không lên án tất cả các vị đảng viên và công an khoác áo thầy chùa. Rất có thể nhiều người trong đó có đạo đức, có lương tâm, họ thành thực nghĩ rằng họ nên đóng vai trò đảm bảo để Phật giáo không bị lôi kéo vào những âm mưu chính trị chống lại chính quyền. Tôi cũng chưa muốn chê trách đại đa số trong Giáo hội Phật giáo chính thống lâu nay hầu như luôn “sống chung hoà bình” quá ngoan ngoãn với chính quyền, không hề cất một tiếng dù chỉ là kêu thương cho dân lành chịu bất công oan khuất trong đời, tức là vứt bỏ tinh thần “nhập thế” tích cực của chính mình trong thời giành độc lập!

Nhưng vài chục năm may, một khi bản thân chính quyền đã tha hoá, biến chất, bộ phận phản bội ngay lý tưởng “vì dân vì nước” của các bậc tiền bối đã đông đảo như nấm mọc sau mưa, thì đương nhiên những kẻ “ăn theo” trong “ngành” Phật giáo tội gì không… vứt bỏ mũ ni áo chùng để thoải mái ăn thịt, uống rượu, chơi đồng hồ xe hơi xịn hay hơn thế nữa…

Dựa vào tình trạng mất lòng tin hoàn toàn vào “lý tưởng” bánh vẽ, vào công lý xã hội, vào chính quyền, cộng với óc mê tín sâu nặng vốn là truyền thống của người dân ở xứ sở kém phát triển, “một bộ phận không nhỏ” thầy chùa bắt đầu đua nhau… kinh doanh “tâm linh”, buôn thần bán thánh!

Một câu hỏi: Tại sao không thấy tình trạng buôn bán nhảm nhí như thế ở những ngôi chùa thuộc các tổ chức “phi quốc doanh” như “tàn dư” của Giáo hội Phật giáo VN thống nhất (miền Nam cũ) hay giáo phái Làng Mai (Bát Nhã, Lâm Đồng). Tại sao có sự trùng hợp: trong khi những ngôi chùa này đều bị nhà nước quyết triệt bỏ, thì những ngôi chùa buôn thần bán thánh linh đình đều được sự ưu ái của các quan chức cao cấp (như những gốc cây kỷ niệm, những bức hình chụp đã thừa sức tố cáo) và cũng “tiên phong” trong việc biến các lãnh tụ chính trị thành “Phật” để thờ cúng trong chùa?

Hỏi là đã trả lời.

Cái “u” thuở nọ nay đã thành “ung thư”: sự gắn kết giữa một hệ thống Phật giáo với chính quyền vì mục đích chính trị nay đã “chuyển hoá” thành sự lợi dụng của bọn “đậu phụ nhà” kết cấu với bọn tham quan và gian thương biến chùa chiền thành nơi ô uế, phá hoại Phật giáo, chỗ dựa tinh thần cuối cùng của dân tộc.

Tội ác này, bệnh ung thư này phải trị tận gốc: Trả lại Phật giáo cho các Phật tử chân chính. Chấm dứt việc chính trị hoá tôn giáo, chính quyền-công an thọc tay vào Giáo hội. Tôn trọng thực sự quyền tự do tôn giáo bằng cách tôn trọng các tổ chức tôn giáo độc lập!

https://baotiengdan.com/2019/03/24/mat-phap-phat-giao-viet-nam-cai-say-nay-cai-ung/

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

THƯ NGỎ CỦA NHÀ BÁO TRẦN QUANG VŨ

Xin các vị nhìn rộng, nhìn trước.

Tưởng, một mình phản đối việc xây chùa quá nhiều,chiếm đất quá lớn. Nhưng, nay nhiều báo chính thống như Giáo dục, Saigontime..., nhiều ĐBQH lên tiếng về câu chuyện này. Chắc chắn, chuyện không dừng ở đây.

Xin có mấy ý kiến có tính chất nguyên tắc, pháp lý gửi đến các cơ quan Đảng và CQ nhà nước có thẩm quyền.

1.Xin gửi đến BCT, BBT, Ban CHTW và Ban Tuyên giáo TW.
Đảng CSVN xây dựng trên nguyên lý CN M-LN ( Chủ nghĩa Mác - Lê Nin) và tư tưởng HCM. Trong đó, phép biện chứng duy vật là rất quan trọng. Đ coi ĐV duy tâm, mê tín là không đủ chất lượng, Đ giáo dục thanh niên vào Đ có học về duy vật biện chứng...Trong khi đó, một số ĐV có chức,có quyền tạo cơ hội xây dựng chùa chiền( thần quyền) cực lớn. Đây, có phải việc đi ngược duy vật biện chứng không. Điều này có phải Đ đi theo con đường vô thần nhưng tạo điều kiện cho dân đi con đường hữu thần. Điều này có ảnh hưởng đến uy tín của Đ không?

2. Cũng xin gửi đến các cơ quan trên và Chủ tịch nước.
Đ và NN CHXHCNVN tôn trọng tự do tín ngưỡng, không ngăn cản nhưng cũng không vận động công dân tham gia vào các tổ chức tôn giáo đúng pháp luật, đồng thời tôn trọng sự bình đẳng của các tôn giáo. Nước ta có nhiều tôn giáo được công nhận tính hợp pháp: Phật giáo,Thiên chúa gíao, đạo Hòa hảo, đạo Tin lành, đạo Cao đài... Trong khi chúng ta có mối quan hệ ngoại giao với Tòa thánh Vatican là một thực thể, nếu họ đề nghị Nhà nước cho họ được sử dụng hàng nghìn héc ta đất để xây dựng cơ sở thờ phụng, và họ vận ra nguyên tắc bình đẳng với họ như đối với Phật giáo, chúng ta sẽ giải quyết như thế nào.

3. Xin gửi đến Quốc hội.
a. Theo Luật Đất dai, việc sử dụng đất phải tuân theo quy hoạch và kế hoạch. Việc cấp nơi thì hàng trăm,nơi hàng nghìn, nơi hàng chục nghìn ha để xây chùa thì nằm trong quy hoạch và kế hoạch nào của quốc gia.
b. Nước ta có gần trăm triệu dân,chỉ có hơn 300 nghìn km vuông, thuộc quốc gia ít đất bình quân nhân khẩu. Việc phân bố nguồn lực quốc gia cho tôn giáo như đã dẫn có phù hợp không?
c. Theo quy định Luật Dân sự về sở hữu, các cơ sở tôn giáo thuộc về sở hữu cộng đồng. Các chùa với diện tích cực lớn như đã nêu thuộc sở hữu cộng đồng nào.
d. Theo quy định của Luật Đất đai, giao đất xây dựng chùa chiền là giao lâu dài và không thu tiền. Vậy, các chùa chiền mới xây diện tích cực lớn áp dụng chế định nào của luật.
e. Gần đây có thông tin, chùa thuộc sở hữu doanh nghiệp, nếu đúng như vậy thì xung đột giao đất lâu dài xây chùa và doanh nghiệp phải trả tiền thuê đất có thời hạn thì giải quyết như thế nào. Và đặc biệt, điều này có vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong Luật DN không?

4. Xin gửi đến Chính phủ. Tất cả các hoạt động có nguồn thu thì nhà nước thực hiện vai trò quản lý nhà nước và quản lý thu thuế. Đề nghị CP giải thích trương mục về nghiệp vụ hoạt động này và quản lý NN, quản lý thu thuế.

Trân trọng.

Trần Quang Vũ

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

BẢN TIN SỐ 09/2019 TỪ 27 – 06/3/2019

     1.- Gặp gỡ các nhà đầu tư ở Nghệ An nhân ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Thủ tướng cho rằng “Thu nhập bình quân Việt Nam sẽ là 18.000 USD vào năm 2045”.
    2045, tức là tròn 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tức CHXHCNVN hiện nay. Hai mươi năm nữa thời gian dài hay ngắn để đạt mục tiêu Thủ tướng đặt ra? Với chính thể này, VN có thể vươn lên sánh vai cùng các cường quốc hay không? Chúng ta hãy cứ hy vọng.
     2.- Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã thất bại và không ra được Thông báo chung. Cả hai bên đều đặt nhiều kỳ vọng nhưng không bên nào chịu bên nào nên thất bại. Cái được là cả hai hiểu nhau hơn, thân thiện hơn.
    Tuy cuộc gặp Mỹ - Triều không thành công nhưng Việt Nam lại được nhiều. Đó là quảng bá hình ảnh VN ra thế giới qua đội ngũ truyền thông đông đảo của nhiều nước. Thôi, đó cũng là niềm an ủi của nước chủ nhà.

     3.- Cuộc đón tiếp chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thăm Việt Nam rất ư là hoành tráng, trọng thị mà dư luận xã hội cho là “hơi quá mức”.
     Có lẽ ta muốn học tập cách quản lý xã hội của Triều Tiên. Quản lý giỏi đến mức “Nguyên soái đi ba ngày mà nhân dân không ngủ được vì nhớ nguyên soái”. Giá ở Việt Nam, Tổng Chủ Nguyễn Phú Trong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi mấy ngày mà dân Việt cũng nhớ nhung như thế thì vui biết mấy. Cái này ta cần phải học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo của chú Ủn.

      4.- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết “trước sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, Tổng thống Donald Trump chia sẻ ông cảm thấy “như được trở về nhà" và dành cho Việt Nam rất nhiều lời khen”.
      Đối với Mỹ, kỳ này Việt Nam cởi mở hơn nhưng chưa chắc anh Tập hài lòng. Trong thế giới ngày nay, đại đa số các nước đều cảnh giác với TQ, Việt Nam không thể không điều chỉnh thái độ. Đi trên dây cũng phải khéo léo, đầy chất nghệ thuật mới được, nếu không thì ngã gãy cổ chứ chẳng chơi.

     5.- Theo AFP, sáng 5/3/2019, chỉ 5 ngày sau khi thượng đỉnh Mỹ - Triều kết thúc, Trung Quốc đã lặng lẽ triển khai hàng trăm chiến hạm áp sát đảo Thị Tứ, bắt đầu nổ súng và đưa quân xâm nhập vào đảo.
      Đảo Thị Tứ (Philippines gọi là đảo Pag-asa) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các quốc gia khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc và Philippines. Philippines đang chiếm đóng trái phép hòn đảo này.
      Vậy là ông bạn vàng đã ngang nhiên ra tay ăn cướp. Việt Nam chỉ còn biết quan ngại, quan ngại, quan ngại…mà thôi.
      Theo tin mới nhất, hai chiến hạm tấn công nhanh và hơn 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ đang tiến gần đảo Thị Tứ (?).

      6.- Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 (từ ngày 16/12/2018 đến 15/02/2019), toàn quốc xảy ra 2.822 vụ TNGT, làm chết 1.356 người, bị thương 2.169 người.
      Một con số khủng khiếp. Xin đặt một vòng hoa tri ân ông Nguyễn Văn Thể.
      7.- Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Đại lộ Đông Tây có chiều dài 455m, giá trị xây dựng 128 tỷ đồng. Thanh toán đối ứng cho nhà đầu tư là Công ty CP Sông Mã bằng quỹ đất tại 3 khu đất vàng trên địa bàn TP. Thanh Hóa, với tổng diện tích 19,36 ha, có giá thị trường lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
      Tỉnh Thái Nguyên muốn đổi 29ha đất lấy 900m đường? Dự án 900m đường có tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 38,7 tỷ đồng. Giá thị trường hiện nay của 29 ha đất khoảng từ 8 - 20 triệu đồng/m2.
      Thanh Hóa và Thái Nguyên đưa ra quyết định trên bị “hớ” chăng? Không! Tất cả đều nằm trong ý đồ cả. Mặc dù trước đó,  Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018.

      8.- Theo Tổng cục Thống kê công bố “Hai tháng đầu năm có 13.692 doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, 3.156 DN đã giải thể, 13.519 DN tạm ngừng kinh doanh, trong khi số DN thành lập mới chỉ là 15.979”.
      Như vậy thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam hai tháng đầu năm 2019 tốt hay xấu? Bức tranh kinh tế của chúng ta sáng sửa hay u ám? Xin nhường câu trả lời cho Chính phủ và các chuyên gia kinh tế.

      9.- Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố giá cơ sở kỳ điều hành xăng dầu ngày 02/3/2019. Mức giá mới sẽ áp dụng từ 15h cùng ngày: Xăng E5RON92 tăng 939 đồng/lít lên 17.211đồng/lít; Xăng RON95-III, tăng 946đồng/lít le6n18.549 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 959 đồng/lít lên 15.868 đồng/lít…      Cũng theo Bộ Công Thương, bộ này lên phương án tăng giá điện với mức tăng 8,36% từ tháng 3/2019. Cụ thể, giá điện sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành là 1.720 đồng, lên khoảng 1.850 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).
      Đây là món quà mà Bộ Công thương tặng nhân dân nhân kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Món quà thật có giá.

      10.- Ông Nguyễn Nghi, đại diện truyền thông Tập đoàn thép Hòa Phát, xác nhận: “Đơn vị trực thuộc tập đoàn là công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất-KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho nhận chìm khoảng 15,39 triệu m3 vật chất nạo vét cảng biển xuống khu vực biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Bình Thuận”.
     Ở các nước khác người ta không làm thế. Ở Việt Nam thì không có gì tiện lợi hơn là nhấn chìm xuống…biển. Bộ Tài nguyên- Môi trường không có cách nào hơn là cấp phép cho vứt xuống biền. Tài đến thế là cùng.

     11.- Không đồng tình với đề xuất điều chỉnh mức vốn của dự án quan trọng quốc gia từ 10.000 tỉ đồng lên 35.000 tỉ đồng, đồng thời điều chỉnh tương ứng đối với các dự án nhóm A, B, C trong dự thảo Luật Đầu tư công của Chính phủ, ĐBQH Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp đề nghị làm rõ yếu tố lợi ích. “Điều tôi lo ngại nhất là có sự tác động của các nhà đầu tư nhằm "né" Quốc hội, để được nhận nhiều dự án”.
     PGS. TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng "Quy định dự án 10.000 tỉ hay 35.000 tỉ chỉ là tăng thêm một bước thẩm định, đánh giá nữa, nhưng công tác quản lý yếu kém thì tiêu cực, tham nhũng, thất thoát, lãng phí vẫn có thể xảy ra…Vì thế, tôi cho rằng không cần thiết phải phân loại dự án theo tổng vốn đầu tư mà phải tính phương án làm sao để quản lý dự án đầu tư công một cách hiệu quả, thực chất nhất, chống thất thoát cao nhất, để dự án khi được đưa vào khai thác, sử dụng phải mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất. Đây mới là vấn đề quan trọng nhất".
      Dư luận rất tán thành các ý kiến này. Có ý kiến cho rằng: "Bài tủ" từ bấy lâu nay, bất kể công hay tư là: trình dự án rất đẹp về quốc kế dân sinh sau thì: Nói một ngôn từ chung:" đầu voi đuôi chuột"...Hehehe….

      12.- Mấy ngày gần đây, một nhóm hơn 10 người dân thực hiện công việc đếm xe qua trạm BOT Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Họ nói sẽ gửi số liệu đếm được về Bộ Giao thông vận tải, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước. Vậy việc này pháp luật có cấm?
      Theo các luật sư  tinh thần chung của pháp luật Việt Nam là “người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Và hiện này, không có quy định nào liên quan đến việc cấm người dân đi ra đếm lưu lượng xe đi qua một nơi, khu vực nào đó”. Điều này chứng minh một điều “việc đầu tư BOT đang bị quản lý lỏng lẻo, như vậy cần thiết phải có sự giám sát của người dân như ở trạm BOT Ninh Lộc. Người dân ngoài việc bảo vệ quyền lợi ích của mình, cũng đang bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước và góp phần làm minh bạch tại các dự án BOT”.
      Tuy nhiên theo Báo Dân Việt, đại diện nhóm người dân đã đếm xe ở trạm BOT Ninh Lộc cho biết, nhóm của ông rất buồn vì toàn bộ dữ liệu ghi chép thủ công ở trạm BOT Ninh Lộc từ ngày 26.2 đến nay bỗng dưng biến mất. Nhóm này sẽ thực hiện kiểm đếm một tuần nữa. Tổng cục Đường bộ yêu cầu Công an vào cuộc.
     Theo tôi, cần có CA thay ca bảo vệ BOT. 70 trạm BOT trên toàn quốc cần 70 trạm CA. Bảo vệ BOT là bảo vệ chế độ XHCN. Bắt giam hết tất cả những kẻ chống đối không mua vé, gây khó dễ cho BOT, kể cả bọn phản đối trên MXH.

     13.- Hiện tượng sụt lún mặt đất, mất phù sa, nước biển dâng... sẽ khiến gần như toàn bộ ĐBSCL chìm dưới mặt nước biển vào năm 2100.
     Theo các nhà khoa học, có hai nguyên nhân chính gây nên hiện tượng trên là nước biển dâng và đặc biệt là tình trạng sụt lún mặt đất. Sụt lún đang diễn ra trên khắp đồng bằng. Nghiên cứu của Trường ĐH Utrecht (Hà Lan) cho thấy mức độ gia tăng mực nước biển tuyệt đối khoảng từ 3 - 4 mm/năm, trong khi nhiều phần diện tích ở nông thôn vùng ĐBSCL mức độ sụt lún khoảng 10 - 20 mm/năm, riêng khu vực thành thị và các khu công nghiệp mức độ sụt lún lên đến khoảng 25 mm/năm. Trong 25 năm qua (1991 - 2015), ĐBSCL đã sụt lún trung bình 18 cm, có những nơi sụt lún 2,5 cm/năm, cao hơn gần 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún trên là do khai thác nước ngầm quá mức. Rút 2,5 triệu lít nước/ngày, nước ngầm cạn kiệt. Rồi phù sa ngày càng giảm do hệ thống các đập nước thượng nguồn ở Trung Quốc, Lào, Campuchia liên tục xây dựng, bất chấp láng giềng thân thiện…
        Nguy cơ đồng bằng sông Cửu Long chìm dưới mực nước biển đang hiện hữu. Dự báo của đại học Utrecht (Hà Lan) là hoàn toàn chính xác. Nguy lắm thay!

     14.-  Trung tâm Hỗ trợ người nghèo được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn thành lập. Trần Đức Trung làm Chủ tịch hội đồng thành viên, còn Lê Thị Hằng làm Tổng giám đốc. Lấy danh nghĩa Trung tâm hỗ trợ người nghèo để tổ chức chương trình Trái Tim Việt Nam, Trần Đức Trung và đồng phạm lừa 1.000 người ở khắp cả nước để thu về 148 tỷ đồng. Trong đó, Trần Đức Trung giữ vai trò chủ mưu, chiếm đoạt 26,3 tỷ đồng của người tham gia. Lê Thị Hằng là người thực hành tích cực, hưởng hơn 8,8 tỷ đồng. Bốn bị can còn lại chiếm đoạt từ 520 triệu đến 8,4 tỷ đồng.
     Điều đó lý giải tại sao ở Việt Nam người dân không tin vào các tổ chức này, kể cả mặt trận Tổ quốc. Bởi vì tiền, hàng cứu trở gửi vào đây được sử dụng không đúng mục đích, nhiều nơi còn tham ô, mua sắm ô tô, du lịch…Buồn tê tái.

     15.- Cơ quan CSĐT Công an huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, đơn vị đã tiến hành bắt giữ Hà Thị Thắm (trú tại thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ, TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam), hiệu trưởng trường mầm non song ngữ Happy Kids trộm cắp xe máy của chị Đào Thị H., giáo viên của trường đem bán lấy tiền tiêu xài. Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT CA huyện Duy Tiên tiến hành điều tra, làm rõ.
    Thật là đẹp mặt? Làm thầy mà đi ăn cắp thì không còn gì để nói.

         16.- Thời gian qua, hàng loạt thầy giáo bị phanh phui chuyện xâm hại tình dục học sinh. Mới đây, thầy giáo M. ở trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị phụ huynh tố cáo có hành vi dâm ô với 15 nữ sinh lớp 5.
        Sự việc chưa lắng xuống, dân mạng cảm thấy ghê tởm khi đọc loạt tin nhắn thầy giáo tán tỉnh và gạ tình nữ sinh lớp 10 ở Thái Bình.  Thầy giáo tên T, hơn 40 tuổi, đã có gia đình và công tác lâu năm ở trường chuyên thuộc tỉnh Thái Bình.
      Sao mọi chuyện không tốt đẹp cứ đổ xuống đầu ngành giáo dục vậy? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải có câu trả lời cho nhân dân chứ?

        17.- Thời gian gần đây, xứ mình “đoạt” được nhiều cái nhất thế giới, từ vật bé mọn như bánh chưng, bánh phồng tôm, tô phở, ly cà phê,… đến cái to lớn như đường sá, cáp treo, chùa chiền,…Không bao lâu nữa, bạn bè quốc tế sẽ phải ngả mũ thán phục trước một công trình đồ sộ mà có lẽ trong tương lai chưa một nước nào đủ sức vượt qua: Ngôi chùa lớn nhất thế giới, tọa lạc trên một diện tích 5.100 ha (tương đương 51km2), xấp xỉ bằng diện tích một xã lớn ở miền núi hay một huyện nhỏ ở đồng bằng Bắc bộ: Chùa Tam Chúc (Hà Nam). Rồi nhiều chùa to lớn khác được xây dựng được nhà nước khuyến khích, được ưu đãi nhiều mặt và được hỗ trợ ngân sách nữa…
      Cả một xã hội chìm trong khói hương, sì sụp quỳ lạy, chen chúc, giành giật để mong đạt được điều không tưởng. Nó hoàn toàn xa lạ đối với giáo lý tốt đẹp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Câu răn “Phật tùy tâm” chẳng còn nghĩa lý gì giữa thời buổi kim tiền.
     Phú quý sinh lễ nghĩa! Đành là thế, nhưng lễ nghĩa nào thì cũng phải tiếp nối dòng chảy muôn đời trong truyền thống văn hóa dân tộc. Nhưng buồn thay, hình như mọi giá trị đang bị đảo lộn.
       Nếu không chấn chỉnh việc dung dưỡng những hành vi trái với giáo lí tốt đẹp của nhà Phật; nếu không chấm dứt việc xây dựng chùa chiền tràn lan núp bóng những dự án “du lịch tâm linh” để trục lợi; nếu không loại bỏ những lễ hội mang tính bạo lực, phản cảm, khích lệ mê tín dị đoan; nếu không… thì văn hóa dân tộc sẽ đi về đâu? (Theo Vietnamnet).
     Không muốn nói gì nữa bởi vì….CHÁN!

      18.- Vụ thầy bói truy sát nhà thầy cúng khiến 2 người tử vong xảy ra rạng sáng 4/3 tại phường Ngô Quyền, Nam Định.
      Theo thông tin ban đầu, gia đình ông Ba và ông Bùi Sĩ Được (79 tuổi, làm nghề thấy cúng, ở đường Hoàng Hoa Thám), là hàng xóm nhưng lại thường xuyên xảy ra cãi vã, mâu thuẫn. Chị Nguyễn Thị Hương, hàng xóm của cả 2 gia đình cho biết, ông Được làm nghề thầy cúng, còn ông Ba hành nghề thầy bói. Vì công việc làm ăn nên họ nảy sinh mâu thuẫn liên tục. Bà con lối xóm nhiều lần tổ chức hòa giải, can ngăn nhưng bất thành và vụ án mạng đã xảy ra làm hai người tử vong.
     Hệ lụy cũng xuất phát từ mê tín dị đoan đang lan tràn toàn xã hội. Một đất nước XHCN tươi đẹp và nhân dân chìm đắm vào thần linh thì đất nước đó có gọi là văn minh, tiến bộ hay không?

     19.- VKSNDTP. Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Thân Thái Phong, nguyên Phó Trưởng khoa Tâm thần người cao tuổi; Nguyễn Tuấn Sơn, Kỹ thuật viên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Tâm thần Trung Ương I về hành vi nhận hối lộ, môi giới hối lộ để làm hồ sơ bệnh án tâm thần giả cho đối tượng hình sự Lê Thanh Tùng.
     Mấy năm gần đây, nhiều đối tượng, trong đó có các quan chức cao cấp khi bị điều tra, khởi tố đều chạy vào bệnh viện tâm thần nhằm tránh tội, gây khó cho công tác điều tra. Đây là điểm sơ hở chết người của pháp luật, cần phải bịt ngay lại. Không cho bọn tội phạm lợi dụng sơ hở để thoát tội. Dân mong lắm.

      20.- Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, vụ việc người nhà và người dân tập trung đòi chủ xe ô tô trả 400 triệu đồng đền bù sau khi xảy ra tai nạn tại Sa Pa (Lào Cai) là vi phạm pháp luật, tạo tiền lệ xấu. Do đó, cơ quan này đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo xử lý nghiêm.
       Theo đó, vụ tai nạn xảy ra vào trưa 1/3, tại Sa Pa, xe ô tô 4 chỗ va chạm với 1 xe máy đi ngược chiều, khiến người điều khiên xe máy tử vong. Người thân nạn nhân và người dân đã kéo tới vây kín hiện trường, và yêu cầu chủ ô tô phải bồi thường ngay 400 triệu đồng. Sau đó, vụ việc chỉ được giải quyết khi chủ ô tô ứng trước 200 triệu đồng.
      Phải xử lý vụ việc theo đúng pháp luật. Không thể cứ xảy ra tai nạn là kéo cả làng ra ăn vạ sẽ dẫn đến tiền lệ vô cùng xấu. Đó là luật rừng. Tỉnh Lào Cai phải xử lý minh bạch chuyện này.

       21.- Mới đây, lễ sinh nhật của sư thầy Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá, Hải Dương nổi tiếng được đăng tải trên mạng đã khiến nhiều người bất bình. Ngoài việc tổ chức sinh nhật hoành tráng không phù hợp, nhà sư này còn bày bia lên bàn tiệc, nhận rất nhiều quà và vây quanh bởi nhiều phụ nữ.
      Sư từng nổi tiếng trên mạng với clip đập hộp iPhone 6 và mặc quần áo rằn ri phản cảm vào năm 2014. Thầy cũng liên tiếp có những hình ảnh xấu, không phù hợp với người tu hành trong thời gian dài vừa qua.
      Đạo Phật đang bị biến tướng. Hàng ngàn sư biến thành sư hổ mang. Đi tu mà vẫn thích sự háo danh, tiền của, phụ nữ thì chỉ có tu hú mà thôi. Tởm.

                                       -----

Phật ở đâu?

Share từ fb Hiep Ton That

Chắc hẳn các bạn, các ACE thường về thăm Việt Nam cũng nhận thấy ở nước ta hiện nay chùa và nhà thờ mọc lên như nấm, xây cất rất hoàng tráng, khiến du khách ngoại quốc trầm trồ khen ngợi (!) tưởng đâu nước mình hoàn toàn có tự do tôn giáo, chứ không phải chỉ có chùa quốc doanh, nhà thờ quốc doanh…..

Còn Phật tử đi lễ chùa dường như chỉ muốn „hối lộ“ cầu Phật ban ơn cho cá nhân mình, gia đình mình được cái nọ, hưởng cái kia, mà không hiểu chút nào về giáo lý Phật dây.
Xin các bạn, nếu có 2 phút, đọc qua bài tiểu luận „Phật ở đâu“ phía dưới, ngắn gọn, đơn giản nhưng có ý nghĩa. Không biết tác giả là ai.

Kính
Duong Hong-An

Câu hỏi khá hay !?...

Phật ở đâu?

Cả nhà tôi đi chùa Hương, bé Ớt nhà tôi 11 tuổi, một trẻ con thành thị điển hình chỉ biết gắn chặt với màn hình vi tính và những điệu nhảy hip-hop hiển nhiên ậm ạch khi vừa phải leo núi vừa chen chúc…

Bé hỏi luôn: “Mẹ ơi mình phải leo núi thế này để làm gì?”. Tôi trả lời không cần suy nghĩ: “Để đi lễ Phật con ạ”.

Bé lại hỏi: “Phật ở đâu hả mẹ?”. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi chọn câu trả lời cho có vẻ gần gũi một chút: “Phật trong tim mình con ạ. Khi con phải lựa chọn giữa hai việc tốt và xấu, mà con dám chọn việc tốt để làm, cho dù khó khăn, thì khi ấy con đã có Phật ở trong mình.” Bé Ớt vẫn không buông tha: “Phật ở trong tim mình rồi thì việc gì mình phải leo lên đây cho khổ hả mẹ?”

Câu hỏi của bé làm tôi suy nghĩ nhiều về hành động đi lễ chùa của mình. Tôi sẽ cầu gì khi chắp tay cúi mình trước tượng Phật?

“Con cầu xin cho cả nhà con được khoẻ mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, các cháu ngoan, học giỏi, con viết được những tiểu thuyết hay...” – toàn những điều có lợi cho bản thân mình.

Tôi nhìn ra những người đang chen chúc cúi đầu lầm rầm khấn vái xung quanh và tự hỏi: họ xin được hoá giải tội lỗi, thăng quan tiến chức, có nhiều tiền của, nhà lầu xe hơi, đi nước ngoài nước trong hay cầu cho kẻ thù khuynh gia bại sản???

Tôi lại hỏi mình: mình giảng giải cho con như thế về Phật, nhưng liệu mình có làm được như thế? Tại sao mình đi chùa Hương lễ Phật tới 2 lần? Với thời gian ấy, với chi phí ấy để đi lễ chùa, giá như mình bỏ ra để tặng, để chăm sóc cho một cháu bé mồ côi, cho một người già không nơi nương tựa, thì có hữu ích hơn không, tâm mình sẽ thanh thản, lòng mình thoả mãn hơn không?

Một lần, tôi vào miền Trung, cầy cục tìm vào tận nhà anh Lê Nuôi, người từng một thời là chồng của nghệ sĩ Lê Vân. Anh có một biệt thự tuyệt đẹp ven sông, và ngôi biệt thự này không bao giờ đóng cửa, bất cứ người nào dù quen biết anh hay người lạ, đều có thể vào nhà anh tá túc, ở chơi, thức ăn có trong tủ lạnh, tự nấu, tự ăn, ở rồi đi tự do như nhà mình. Có lẽ vì cái tình hiếm có đó của anh, mà ngôi biệt thự dù không có bảo vệ, dù mở cửa thông thoáng đêm ngày, nhưng không bao giờ mất trộm.

Trong khuôn viên biệt thự, anh trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều đồ lưu niệm đẹp đẽ và giá trị, người nào đến ở, nếu thích có thể lấy đi để giữ làm của riêng, nhưng không được lấy đi bán. Cũng có người đến lấy đi, nhưng lại có người khác mang đến tặng anh những thứ khác, và ngôi biệt thự góc nào ta cũng có thể ngắm say sưa, vì những món đồ,  những điều đẹp đẽ ngự trị...

Trò chuyện với Lê Nuôi, tôi thấy anh vô cùng bức xúc về chuyện có những nhà thờ, những chùa chiền giờ đây mọc lên trên khắp đất nước chúng ta, xây cao to đẹp đẽ với số tiền lên tới hàng chục tỷ mỗi ngôi chùa, nhưng tối đến thì lại khoá kỹ kín cổng cao tường, kẻ thất cơ lỡ vận không nhà không cửa chẳng vào được cửa Phật để tá túc, phải nằm ghé mái hiên lạnh lẽo bên ngoài! Vô lý lắm thay! Cửa chùa rộng mà lòng người lại hẹp!

Vậy thì Phật có ở chùa hay không?

KHÓC BẠN.

Hồi Ký của Ấu Oanh

Tác giả Ấu Oanh là Phu nhân của Ca nhạc sĩ Duy Trác. Hồi ký này bà viết để khóc một người Bạn - Phu nhân của nhà văn Dương Hùng Cường, cũng như để thuật lại những gì đã xảy đến cho gia đình tác giả và gia đình nhà văn Dương Hùng Cường sau cuộc "đổi đời" gây ra bởi Ngày30-4-1975.
(Lê Thy giới thiệu)

Bác Dương thôi đã thôi rồi.
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Từ thuở ấu thơ, anh em chúng tôi đều được mẹ ru bằng bài thơ Khóc Bạn của cụ Tam nguyên Yên Đổ khóc ông cố nội chúng tôi là cụ Nghè Dương Khuê. Bài thơ trở thành bài ca dao nằm trong ký ức tôi từ ngày đó, hơn 40 năm sau lại bật ra như những lời nhớ thương tha thiết của tôi với người bạn thân : Vũ Hoàng Oanh. Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê lúc tuổi đời đã xế chiều nên nỗi nhớ chỉ là ngậm ngùi, còn tôi khóc bạn khi tuổi đời chưa tới 50 là cái khóc xót thương vô hạn.

Ngày còn học Trưng Vương thì Oanh học trên tôi một lớp. Chúng tôi chỉ biết nhau nhưng chưa phải là bạn. Mãi đến khi thi vào trường Sư Phạm, vô tình làm sao, hai đứa trùng tên nên có số báo danh kế nhau. Gặp nhau ở trường thi, lại ngồi cạnh nhau thì không quen cũng thành quen huống chi chúng tôi cùng là dân TV lại biết nhau từ trước. Dĩ nhiên hai đứa tôi mau chóng kết hợp với nhau, cóp qua cóp lại bài nhau nên kết quả là hai đứa cùng đậu và còn được xếp chung vào một lớp. Tôi và Oanh trở thành bạn thân từ đấy.

Oanh không đẹp nhưng dễ thương với đôi má bầu bĩnh, đôi mắt hơi đượm buồn, lúc nào cũng như vướng vất một câu hỏi gì chưa được giải đáp.Nhưng điều mà bạn bè nhớ nhất ở Oanh là tính tình đôn hậu, chiều bạn và tử tế với mọi người.

Đời học trò, dẫu rằng lớp học trò này đang chuẩn bị làm người lớn, vẫn có biết bao niềm vui nỗi buồn non trẻ để chia sẻ cùng nhau. Đôi khi thấy bạn bè có người yêu đến đón hoặc ghé thăm, đôi mắt hỏi han cuả Oanh chợt tối lại, vương một chút buồn bã. Tôi gạn hỏi, Oanh chỉ lắc đầu, nhiều lần sau nữa, chẳng đặng đừng, Oanh cười mỉm chi đáp "Nhớ bồ" "Thế bồ đâu rồi " "Bồ thuộc người khác rồi", rồi nhanh chóng Oanh lảng ngay "Thôi khỉ ạ, đừng hỏi nữa, chuyện xưa rồi".

Thời gian trôi thật nhanh. Gần đến ngày ra trường, chúng tôi gấp rút học thi và ráo riết chuẩn bị các bài thi thực tập. Một hôm, gặp phải bài thi hóc búa, tôi hỏi mượn Oanh một bài mẫu vì Oanh rất chăm chỉ trong việc sưu tầm các bài dạy mẫu, còn tôi là con cháu họ lười nên rất chểnh mảng. Oanh đang hí hoáy viết nên bảo "Mở cặp ra, ngăn bên trái đó". Tôi mở cặp lục lọi. Bài mẫu chẳng thấy đâu, tôi vớ ngay được một lá thư. Quên béng ngay bài dạy, tôi len lén kéo nhẹ tờ thư ra khỏi bao và liếc thật nhanh vài giòng. "Ồ, thư tình", tôi thầm kêu trong đầu. Vừa lúc đó Oanh quay sang, thấy vậy, Oanh vội vã quăng ngay cây bút, soài người giựt lại lá thư, miệng la bài hải ‘Ố́í, ối, trả đây, trả đây". Lá thư không dài và cũng không có những lời lẽ yêu đương hoa mỹ nhưng đọc thì biết ngay đó là thư tình, thư tình cuả một nhà văn. Ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ cuả một người viết văn thì có muôn ngàn cách để bày tỏ tình yêu. Tôi mừng thấy bạn bẽn lẽn cất lá thư. Một chút ửng hồng trên đôi má bầu bĩnh… Từ đó tôi thấy Oanh hay cười hơn.

Trong khi chờ đợi kết quả sắp hạng ra trường, chúng tôi phải đi khám sức khoẻ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hôm đó Oanh chở tôi bằng chiếc Vélo Solex mượn được. Chỉ còn cách bệnh viện khoảng 100m thì bất ngờ xe đang chạy ngon trớn bỗng đâm xầm vào một đống đá xanh đổ ngay giữa lòng đường. Xe mất thăng bằng đổ ập xuống, quăng hai đứa chúng tôi ra hai nơi. Lúc đó tôi đang có thai cháu đầu lòng khoảng 4 tháng. Hốt hoảng, Oanh bật dậy lao ngay về phía tôi mà không thấy rằng 1 đầu gối quần bị rách để lộ vết thương rướm máu và 1 bàn tay bị đá xanh đâm nát máu thấm đỏ cả. Oanh lính quýnh ôm nâng tôi dậy, mặt tái mét, miệng líu lại "Oanh, Oanh có sao không ? Có đau bụng không ?" Tôi tuy cũng rất lo sợ cho cái thai nhưng thấy Oanh quá lo lắng cho tôi, tôi thấy lòng cồn cào thương bạn nên vội trấn an "Mình không sao, đừng lo. Thôi mau nhấc xe dậy, vào ngay bệnh viện nhờ họ băng bó cho Oanh".

Ra trường, tôi về dạy ở Gia Định, còn Oanh xuống Biên Hoà. Như một xui khiến của số mệnh, người yêu của Oanh, Nhà văn Dương Hùng Cường, còn có bút hiệu là Dê Húc Càn đồng thời là một Quân nhân cũng đang làm việc tại phi trường Biên Hoà. Họ đã được gần nhau, cuộc tình dẫn đến kết cuộc tốt đẹp là cái đám cưới vào năm 1964. Năm sau, 1965, Oanh sinh cháu đầu lòng Dương Mạc Thi rồi tiếp theo Oanh sinh liền 7 cô Công chúa trong vòng 10 năm. Khi anh Cường đổi về làm việc tại Sài gòn thì Oanh cũng được thuyên chuyển về dạy học taị trường Hồng Bàng (Sau năm 1975 thì dạy tại trường Hùng Vương, cùng thuộc quận 5). Chúng tôi lại có dịp gần gũi nhau.

Vào khoảng năm 74 tôi thấy Oanh ngoài giờ dạy ở trường công còn dạy thêm ở 2 trung tâm tư nữa. Thấy tôi thắc mắc sao Oanh dạy quá nhiều, không còn thời giờ dành cho các con nữa thì Oanh tâm sự : "Ông Cường giành phần chăm mấy đứa nhỏ. Ông ấy bảo, ổng ru con hay hơn mình", rồi Oanh xuống giọng "Mình phải dạy thêm lấy tiền cho ông Cường in truyện". Nói là chăm sóc con chứ thật ra thì lúc đó gia đình nào cũng có người giúp việc, lo cơm nước, giặt giũ, bế bồng trẻ nhỏ rồi. Tôi thông cảm với Oanh vì thời gian đó, lương hai vợ chồng gom lại, dẫu rằng anh Cường còn viết báo thêm cũng chỉ đủ chi tiêu cho một gia đình mười mấy miệng ăn mà thôi. Muốn in sách truyện, Oanh phải cật lực giúp chồng. Thế là bao nhiêu tiền bạc dành dụm được đều đổ dồn vào việc cho ra đời đứa con tinh thần "Vĩnh biệt Phượng". Thương thay, sách vừa xuất xưởng, chưa kịp phân phối ra ngoài thì ngày 30 tháng 4 như một cơn cuồng phong ập đến, xoá tan hết bao ước mơ, bao xây đắp cuả cả một miền Nam thân yêu trong đó có 2 gia đình chúng tôi. Ông xã tôi cũng như anh Dương Hùng Cường đều trở thành tù nhân của chế độ mới và 2 gia đình chúng tôi trở thành những nạn nhân như trăm ngàn gia đình Quân nhân công chức chế độ cũ, luôn luôn bị soi mói, rình rập, theo dõi, lúc nào cũng sống trong phập phồng, lo lắng, sợ sệt… Với đồng lương chết đói, chúng tôi vẫn phải cố bám vào trường lớp để khỏi phải bị đuổi đi vùng Kinh tế mới. Hai đứa tôi cùng chia nhau cái ngậm ngùi của số phận. Oanh 7 con và tôi 6, gia tài chỉ là hai bàn tay trắng với cõi lòng đầy ắp âu lo. Chúng tôi càng gắn bó với nhau hơn. Hai đứa lăn lưng ra làm đủ mọi việc

Thoạt đầu là bán sách. Lúc bấy giờ chủ trương của chế độ mới là thiêu hủy hết số sách báo của miền Nam được gọi là văn hoá đồi truỵ, tàn dư Mỹ ngụy. Chúng tôi lại thuộc các gia đình văn nghệ sĩ, càng bị để ý, bị lục xoát thường xuyên hơn. Nếu trái lệnh sẽ bị ghép vào đủ thứ tội tình. Để được yên thân nuôi con và cũng là để che mắt thế gian, chúng tôi gom góp hết số "tàn dư Mỹ ngụy" trong nhà, nhờ người quen dẫn giắt lên chợ sách Nguyễn Huy Thiệp bày bán. Nhìn những cuốn sách mình từng nâng niu yêu quý từ từ đội nón ra đi, lòng tôi bùi ngùi khôn tả. Cầm cuốn "Chạy trốn Tự do" mà ông xã tôi mới dịch trước đó không lâu, tôi thầm tự hỏi :" Tại sao laị dịch cuốn sách mang cái tên oan nghiệt này ?" Cuốn Vĩnh Biệt Phượng cuả anh Dương Hùng Cường cũng cùng chung số phận, phơi mặt trên 1 tấm ni lông trải dưới mặt đường con phố NHT. Tôi và Oanh thủ 2 cái nón rộng vành, hễ liếc xa xa thấy người quen kẻ thuộc hay bạn bè gần xa của chồng thì lập tức cái nón được kéo sụp xuống. Ôi thời thế có ai học đến chữ ngờ !

Một hôm vào khoảng xế trưa, hai đứa đang ngồi vêu ra thì một cháu gái cuả Oanh đạp xe lên tìm mẹ, báo tin em bé út vừa phải vào nhà thương. Khi đó cháu Dao Tiên mới non 1 tuổi. Oanh hốt hoảng ra về. Hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng không thấy Oanh lên tôi đoán chắc Oanh phải ở trong Bệnh viện với con. Ba, bốn hôm sau Oanh trở lại, cặp mắt còn sưng, oà khóc, nói "Oanh ơi, cháu Dao Tiên mất rồi. Cháu mất vì thiếu dinh dưỡng , vì đói ăn đó Oanh ạ ! "

" Nghề " bán sách cuả chúng tôi do thời cuộc mà tự sinh thì cũng do thời cuộc mà tự diệt. Ch́úng tôi học quấn thuốc lá, vào bao rồi đem vô Chợ Lớn bán nhưng cũng chẳng được bao lâu thì chợ thuốc lá cũng bị càn quét. Tôi nhờ biết may vá từ nhỏ nên quay ra may quần áo con nít đem giao các chợ, còn Oanh thì đi bỏ mối bánh kẹo cho các Căn tin trường học. Cứ thế, chúng tôi lần hồi sống qua ngày.
Ngoài lúc đi kiếm cơm, chúng tôi còn rủ nhau đi kiếm chồng tù. Hai năm trời biền biệt không chút tin tức, chúng tôi lo sợ cho số phận các ông chồng. Dò la, thăm hỏi chẳng có kết quả, chúng tôi đánh bạo rủ nhau lên tận ban Quân quản Thành phố để hỏi han. Câu trả lời cũng chỉ như bao nơi khác :" Cứ yên tâm chờ đợi ". Cuối cùng thì cuối năm 1977 cũng có tin về sau hơn 2 năm kể từ ngày các Sĩ quan cuả chế độ cũ nghe lời đường mật "Chuẩn bị đồ ăn uống và vật dụng cá nhân trong vòng 10 ngày để đi trình diện". Ông xã tôi bị nhốt ở trại Hàm Tân, còn anh Cường thì ở Long Khánh. Cứ 3 tháng chúng tôi được phép thăm nuôi tiếp tế thức ăn và thuốc men 1 lần. Hai đứa lại có dịp chỉ bảo nhau làm món gì để được lâu, thuốc nào cần nhất v.v... để mang lên trại.

Tôi còn nhớ thời gian đó, mỗi chiều tối, sau giờ tan trường, Oanh thường ghé tôi, có khi ở đến tận khuya. Các con Oanh ở nhà đã có cô cháu gái mà Oanh cưu mang từ sau năm 75 chăm nom cơm nước. Chúng tôi ngồi bên nhau chia sẻ mọi điều. Tôi hiểu Oanh nhiều nỗi lo lắng vì nợ nần thúc giục mà không có phương cách giải quyết. Tôi đỡ hơn Oanh một chút là tôi còn có mẹ. Đôi khi hai đứa ngồi bên nhau hàng giờ mà chẳng nói với nhau một tiếng nhưng chúng tôi đều hiểu rằng chúng tôi đang chia nhau nỗi sầu khổ âm thầm.

Một hôm, khoảng sau Tết năm 1978 Oanh ghé tôi theo lệ thường, nhưng hôm đó vẻ mặt Oanh rất bần thần, ngồi hoài không nói. Tôi hỏi :
- Hôm nay Oanh có chuyện gì không mà như mất hồn vậy ?
Oanh vẫn ngồi yên không nói. Tôi đứng dậy rót cho bạn 1 ly nước, đến ngồi gần bên ân cần :
- Có việc gì hả Oanh ?
Sau một phút ngập ngừng, Oanh nói khẽ thật khẽ như sợ có ai nghe thấy :
- Ta nói cái này, đừng giật mình nhé…Mình có bầu.
Tôi giật thót mình, hai lỗ tai lùng bùng.
- Oanh nói gì ? Ai có bầu ?
- Mình.
- Hả ?
- Mình có bầu thật đấy, vừa đi khám Bác sĩ về xong.
Tôi trân trối nhìn Oanh, vẫn không tin ở hai tai mình. Biết vậy, Oanh mới tỉ tê khai :
- Hôm Tết rồi đi thăm ông Cường, trại cho ở lại một đêm…
Tôi thở phào như trút được cho chính mình gánh nặng nghìn cân. Oanh nói tiếp :
- Oanh ơi, dẫn mình đi phá đi, mới được khoảng hai tháng thôi, phá chắc dễ.
Tôi ngỡ ngàng hỏi lại :
- Phá ? Sao lại phá ?
- Chứ để thì làm sao coi được. Ai đời cô giáo có chồng đi tù mà lại mang bầu. Đâu có ai hiểu…
- Thì nói ra cho mọi người biết.
- Ai tin ? Bạn bè, rồi còn học trò nữa chứ. Eo ôi, nghĩ đến là ta rùng mình rồi.
Tôi chợt thấy Oanh có lý. Ừ, ai mà tin nổi, nhất là thời buổi này. Toàn ban Giám hiệu đều là người Cách mạng, họ sẽ có cớ để bêu riếu, để bôi tro trát trấu lên đầu lên cổ vợ con " thằng ngụy". Tôi thở dài :
- Ừ, để mình tính xem.
Nói vậy cho Oanh yên lòng chứ thật ra tôi cũng chẳng biết tính làm sao. Tối đến, trong bữa cơm gia đình, tôi nói chuyện với mẹ tôi về việc Oanh muốn tôi chia sẻ. Mẹ tôi bảo :
- Ngày mai Oanh có ghé, con gọi mẹ, mẹ hỏi cô ấy một tí.
- Mẹ hỏi gì hả mẹ ?
- Có phải Oanh toàn con gái không ?
- Vâng, 7 đứa, bỏ 1 còn 6, toàn là gái cả.
- Mẹ muốn tính xem lần này có bầu, Oanh sẽ sinh trai hay gái.
- Trai hay gái thì thay đổi được gì hả mẹ. Cũng bia miệng mà thôi.
- Mình sẽ nghĩ cách giùm cô ấy. Vả lại, vì sợ bia miệng mà phá bỏ đi một đứa con của mình thì sẽ mang tội con ạ.
Mẹ tôi đặc biệt có một cách tính rất tài tình để biết người mẹ sẽ sinh trai hay gái. Cụ có dạy cho tôi một bài toàn chữ Hán, tôi học mãi không thuộc (Vì mình có biết tí teo chữ Hán nào đâu). Tôi đã chép vào 1 cuốn sổ để dành nhưng qua hết đợt bố ráp này đến đợt bố ráp khác nó đã không cánh mà bay.
Dẫu rằng cả Oanh và anh Cường đều không mang tư tưởng "Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" nhưng cha mẹ nào mà chả mong ước mình có đủ cả trai lẫn gái.
Sau khi gặp mẹ tôi, Oanh mừng lắm, không còn nghĩ đến việc phá thai nữa vì tin tưởng rằng lần này sẽ sinh được một quý tử.
Thông thường, cứ mỗi đầu tháng, các Giáo viên chúng tôi đều phải họp toàn trường để kiểm điểm công việc dạy và thực hiện các chỉ thị của Phòng hoặc Sở giáo dục. Tôi xúi Oanh trong phiên họp kỳ này lấy cớ báo cáo 1 công việc gì đó rồi bôi mặt cám ơn nhà nước đã cho chúng tôi được gặp mặt, tiếp tế cho chồng ở trại giam lại còn gia ân cho ở lại trại 1 ngày 1 đêm nhân dịp Tết vừa qua nữa. Việc đó quả nhiên hiệu nghiệm. Oanh tuy bị trêu chọc song đã thoát được cơn hiểm nguy. Cũng may mắn cho Oanh, chỉ vài tháng sau khi cái bụng bầu của Oanh lộ rõ thì anh Cường được về.
Một hôm tôi vừa từ chợ về nhà thì đã thấy anh Cường ngồi đợi. Không kịp để tôi hỏi han câu nào, anh đã vào đề liền :
- Oanh sinh rồi chị, ở Bệnh viện Hùng Vương, con trai.
- Ồ, chúc mừng anh. Chắc là Oanh vui lắm. Kỳ này hai ông bà có quý tử, phải ăn mừng thôi
Không trả lời câu nói đùa của tôi, anh chìa ra mảnh giấy cỏn con nói:
- Oanh gửi chị cái này.
Tôi vội vàng mở mảnh giấy đọc "Oanh ơi, cứu bồ, cho mình mượn 50 đồng để đóng tiền Bệnh viện nhé".
Tôi vừa đi giao hàng về nhưng cũng chỉ có trong tay 30 đồng. Tôi vội vã đạp xe lại ngay nhà chị bạn cùng trường. Tuy chẳng giầu có gì nhưng chị tương đối khá giả hơn chúng tôi vì những tháng ngày xa xưa trước 75, chị là con kiến biết lo xa, ki cóp mua vàng để dành,( trong khi tôi lại là con ve, kêu ra rả hết muà Hè, chỉ biết rong chơi ca hát , cho nên khi Đông về thì đói rã răng). Chị lại có lòng tốt nên bạn bè khi cơ nhỡ chị đều sẵn sàng san sẻ.
Trao cho anh Cường năm chục bạc xong, tôi biết ngày mai không có tiền chợ cho con song trong lòng vẫn vui vì mừng cho bạn, càng mừng hơn vì thấy cách tính của mẹ tôi thật chính xác, không làm cho Oanh mừng hụt. Nhưng người mừng nhất ắt hẳn là anh Dương Hùng Cường. Anh đặt tên cho cháu là Phụng Hoàng, Dương Phụng Hoàng, con chim quí.
Khoảng 3,4 năm sau khi ra tù, anh Cường liên lạc được với nhà văn Trần Tam Tiệp đang cư ngụ tại Pháp xin lên tiếng kêu gọi Văn Bút Quốc Tế can thiệp và giúp đỡ cho một số các gia đình Văn nghệ sĩ Miền Nam còn kẹt lại quê nhà, đang gặp rất nhiều khó khăn cả về 2 mặt vật chất lẫn tinh thần. Ít lâu sau đó, mỗi năm gia đình chúng tôi nhận được từ 1 đến 3 thùng thuốc tây gửi từ Pháp về (Nhưng có lẽ đó là do chính tiền cuả anh TTTiệp, chứ không phải của VBQT). Song song với thùng quà đôi khi còn có cả 1,2 tờ báo Kháng Chiến nữa. Rồi anh bảo anh em bên nhà viết bài gửi sang. Những thùng quà tuy ít ỏi này cũng đã giúp được gia đình chúng tôi qua những cơn vô cùng bĩ cực. Nhưng oan nghiệt thay, cũng chính những thùng quà này lại đưa chồng tôi, Khuất Duy Trác, anh Dương Hùng Cường và một số các Văn nghệ sĩ khác như các nhà văn Dzoãn Quốc Sỹ, Hoàng Hải Thuỷ, Hiếu Chân, các nhà thơ Lý Thụy Ý, Trần Ngọc Tự… vào tù lần thứ hai. Bọn Công an Thành phố còn viết nguyên một cuốn truyện đầy tính bịa đặt và vu cáo có tên Những Tên Biệt Kích Cầm Bút, hòng bôi bẩn và hạ giá nhóm Văn nghệ sĩ trên, sửa soạn dư luận cho một bản án thật nặng nề. Chúng đem giam một số tại nhà giam Chí Hoà, số còn lại tại trại giam Phan Đăng Lưu, có ông xã tôi và anh Cường. Oanh và tôi lại có cùng một địa chỉ để tới lui. Số phận chúng tôi cứ gắn chặt với nhau trong những hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy.
Do từ việc bỏ bánh kẹo cho các Căn-tin trường học, Oanh lần hồi biết được cách thức để đấu thầu toàn bộ cả căn-tin của mỗi trường. Oanh rủ tôi làm công việc này. Thế là hai chúng tôi cùng khởi sự tại một ngôi trường Tàu trong Chợ Lớn. Sau này rành rẽ rồi thì mỗi đứa làm ở mỗi trường khác nhau.
Cứ vào cuối mỗi năm học, Giáo viên các trường đều phải điều chỉnh lại tờ lý lịch đã khai từ những ngày đổi đời 30/4/75. Năm 1980, con gái thứ hai của tôi đi vượt biên, tôi không khai. Đến khi ông xã tôi bị bắt lại lần 2 tôi cũng không khai. Ban giám hiệu nhà trường chắc hẳn không biết nên tôi vẫn được yên thân. Bất ngờ, vào đầu năm 87, Hiệu trưởng mời tôi lên nói chuyện. Bà hỏi han tôi về tình hình gia đình, chồng con, công việc v.v... và cuối cùng bà hỏi tôi có up to date lý lịch đầy đủ cho mỗi năm không. Tôi manh nha thấy điều gì đó không ổn. Tuần lễ sau tôi xin nghỉ bệnh và tuần kế tiếp tôi tống tiếp lá đơn xin thôi việc. Ở thời điểm này, chiến dịch tống khứ gia đình vợ con tù cải tạo đi kinh tế mới đã chấm dứt vì hoàn toàn thất bại. Từ các vùng kinh tế mới, biết bao gia đình đói rách tả tơi, bệnh hoạn, người sống kẻ chết, lũ lượt kéo về thành phố, nằm la liệt tại các công viên, chợ, nhà thờ, chùa…chính quyền không thể xua đuổi vì họ không còn nơi chốn để dung thân nữa. Do đó tôi không còn lo sợ vì phải lên rừng lập nghiệp. Lại nữa tống khứ đi được một con vợ "ngụy", cũng nhẹ gánh lo cho Ban giám hiệu nên họ nhận đơn mà không hỏi han gì cả.
Thời gian này rộ lên rất nhiều tin tức về việc Mỹ sẽ đón các Sĩ quan QLVNCH bị tù cải tạo. Tuy rằng chỉ là tin đồn miệng, chẳng có một nguồn xác thực nào nhưng chúng tôi vẫn cứ nuôi hy vọng trong lòng để tiếp tục sống và tiếp tục chịu đựng.
Một ngày đầu tháng 12 năm 1987, lúc đó khoảng 2-3 giờ trưa tôi đang ở nhà thì cô cháu gái cuả Oanh đến, mặt mũi phờ phạc, nói như đứt hơi : "Cô ơi, chú Cường mất rồi, cô con đang xỉu ở nhà, cô xuống mau đi cô"
Khi tôi bước chân vào đến nhà thì thấy Oanh đang vật vã vừa khóc vừa gào : "Tôi không sống một mình đâu, Trời ơi là trời". "Anh Cường ơi, em không sống một mình đâu" !! Tôi ôm lấy tấm thân gầy guộc của bạn, lòng đau xót từng cơn và nước mắt cứ mặc tình tuôn chảy… Không biết bao lâu sau, khi kêu gào đã quá mệt, tôi đỡ Oanh nằm xuống giường rồi bảo với các con Oanh : " Để yên cho mẹ nghỉ một chút "
Hàng xóm xung quanh nghe tiếng khóc, vài ba người lấp ló ngoài cửa.
Bình tâm trở lại, tôi hỏi thăm cháu Linh, cháu tỉ tê kể : " Sáng nay cháu ở nhà, Công an khu vực tới đòi gặp mẹ. Cháu bảo mẹ đang dạy ở trường, anh ấy nhắn bảo mẹ ra Phường gấp có giấy báo của bố". Khi cháu ra trường bảo cho mẹ biết thì mẹ vẫn nghĩ là tin mừng. Mẹ bảo " chắc bố được thả…ồ, hay là…Mỹ đón". Mẹ bảo cháu về trước, chuẩn bị đồ Vest cho Bố. Đến khi hai mẹ con ra đến Phường nhận giấy mới vỡ lẽ…Họ bảo sáng ra đến giờ tập họp, không thấy bố ra, đến đập cửa phòng cũng không thấy bố cháu trả lời, họ mở khoá ra thì thấy bố cháu đã mất rồi.
Oanh được phép đến trại giam Phan Đăng Lưu để nhận diện xác chồng trước khi được phép chôn cất. Đám tang phải làm gấp ngày hôm sau và chỉ cho 2 người mang áo quan vào lấy xác tại khám Chí Hoà mà thôi. Hôm sau tôi đi cùng với Oanh nhưng phải ngồi chờ ngoài gốc cây trước cổng trại cùng với các con nhỏ cuả Oanh. Số bạn bè và họ hàng thân thuộc đến đưa tiễn đều không được tập trung một nơi mà phải phân tán rải rác dọc theo con đường Hoà Hưng, chờ đợi khi xe tang ra đến đầu đường rồi mới được tháp tùng theo. Ôi, quân Cộng sản sao mà độc ác. Người sống chúng không tha đã đành, người chết chúng cũng không cho chôn cất tử tế…Huyệt mộ đã lấp lại rồi nhưng Oanh vẫn đứng trơ trơ như một bức tượng. Nước mắt đâu ? Có lẽ nó đã chảy ngược vào lòng. Tôi chợt nhớ đến bài thơ "Đi nhận xác chồng" của Lê Thị Ý :
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu
Thật tội nghiệp cho bạn tôi. Cũng thật tội nghiệp cho những người phụ nữ trót sinh ra trong thời đại chúng tôi.
Vết thương tang chồng chưa ngưng chảy máu thì 3 tháng sau Oanh lại phải rứt ruột đẩy đứa con gái đầu lòng thân yêu, Dương Mạc Thi, ra đi trong một chuyến vượt biển với bao bất trắc chờ đợi. Than ôi, đó cũng là lần cuối cùng Oanh nắm đ̣ược bàn tay nhỏ bé của con : chuyến tàu chở cháu Thi đã không bao giờ tới bến. Chỉ trong vòng 4 tháng Oanh đưa hình hai người thương yêu nhất đời mình lên Chùa…
Rồi giòng đời lại tất bật trôi đi. Oanh vội vã bịt kín những vết thương, dấu chặt nó vào tận cùng trái tim để ngày ngày phải đối mặt với những cam go của cuộc sống, với tương lai cuả bầy con còn lại. Thời gian sau này chúng tôi ít gặp nhau hơn vì mỗi đứa thầu riêng mỗi trường mà công việc thì quá đa đoan, tất bật, cần đến rất nhiều thời gian, Oanh lại vẫn theo đuổi công việc dạy học.
Mùa Hè năm 1989, giữa chúng tôi có vài chuyện không vui, tôi giận Oanh. Biết mình không đúng, xin lỗi tôi không xong, Oanh nhờ một cô bạn khác đến năn nỉ, tôi vẫn gan cùng mình không chịu làm hoà. Gần 2 tháng trời chúng tôi không gặp nhau. Một buổi trời đã chạng vạng tối, một anh bạn tù của ông xã tôi, hốt hoảng đến báo tin Oanh bị đụng xe, đã đưa vào Bệnh viện Trưng Vương, nhưng tình trạng hình như không được ổn. Tôi tức tốc vào thẳng nhà thương trong tâm trạng rối bời và thật hồi hộp.
Oanh nằm đó, bất động, đôi mắt đã khép lại vĩnh viễn…Tôi bật lên khóc nức nở, nắm lấy tay bạn, sờ lên mặt bạn, vuốt trên người bạn, tôi muốn gào lên " Oanh ơi. Oanh ơi, mình đây, mình đang ở bên Oanh đây, mình không còn giận Oanh nữa đâu, tỉnh dậy đi Oanh ơi "!!! Tôi đưa tay bứt mớ tóc trên đầu xem mình có thật sự tỉnh không, có phải đây là sự thật không…Nỗi hối hận trong tôi trào lên, tôi giận tôi, tôi ghét tôi, tôi là con bạn tồi, sao tôi cố chấp thế…Tuy đã cố dằn vì chỗ đông người, cổ họng tôi vẫn bật lên tiếng gọi " Oanh ơi. Oanh ơi. Dậy đi, mình thương Oanh lắm, có nghe mình nói không ?"
Tôi ngồi bên Oanh như thế, nước mắt tiếp tục chảy không thôi, biết bao điều muốn vuột ra khỏi trái tim nên lồng ngực đau thắt…..Lâu lắm, chợt nghe tiếng bà dì Oanh nói : "Cô phụ tôi thay quần áo cho Oanh nhé. Người bây giờ còn mềm, thay dễ ".
Tôi nâng đầu Oanh dậy tay chạm ngay vết thương sau ót, máu còn dính bết vào tóc. Đến lúc thay áo lại phát hiện ra phần dưới cũng bị thương, hình như vỡ xương hông thì phải. Ôi, đau đớn biết bao !
Mãi sau này các cháu con Oanh mới kể rằng, sáng hôm đó, một cậu nhỏ mới quen đến chở Oanh về Thủ Đức để đi hỏi vợ giùm cho cậu ta. Buổi chiều, trên đường về, đã gần đến nhà, đang băng qua con lộ Lý Thường Kiệt để vào ngõ thì bị một xe hơi do người tài xế say rượu đâm phải.
Oanh là thế đấy, hay làm chuyện bao đồng để giúp người.
Oanh mất đi bỏ lại bầy con 5 đứa. Con chim quý, Phụng Hoàng, của vợ chồng Oanh sinh bất phùng thời, mới 10 tuổi đầu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng như một định luật bù trừ, hai con lớn cuả Oanh tiếp tục công việc của mẹ, không những đã duy trì được mức sống đầy đủ cho gia đình mà các cháu còn dìu giắt nhau học hành tới nơi tới chốn nữa. Nếu người ta tin có linh hồn thì chính linh hồn người Mẹ, day dứt lúc ra đi đã quay trở lại thế gian này để phù trợ cho các con vươn lên trong cuộc sống.
Hôm nay ngồi viết những giòng hồi tưởng này về một phần đời không nhỏ của bạn tôi, Vũ Hoàng Oanh, người phụ nữ tâm tính hiền lành, hay giúp đỡ người khác nhưng số phận cay nghiệt đã dành cho cuộc đời bao tang thương, oan trái. Khi sống, tâm tư luôn mòn mỏi vì lo toan cơm áo, còn mang nặng những vết thương không cơ hàn gắn. Đến lúc lià đời, lại ra đi trong một cơn mê khốc liệt với thân thể đớn đau, với cõi lòng đứt đoạn vì bầy con thơ dại.
Oanh ơi, những giòng hồi ức hôm nay cũng còn là những nén hương muộn màng mình thắp lên để nhớ đến Oanh, nhớ đến một quãng đời hai chúng ta cùng chung bước trải dài từ tuổi học trò cho đến khi vĩnh biệt.

Ngủ đi Oanh, hỡi bạn hiền,
Ngủ cho say nhé, triền miên giấc nồng.
Chuông chùa vọng giữa thinh không.
Đưa hồn an lạc về vùng tịnh yên.

Hai mươi năm, ngày giỗ bạn
21/6/1989 - 21/6/2009
Ấu Oanh