Thứ Hai, 8 tháng 10, 2007

Đêm chờ chết giữa dòng nước lũ

VietNamNet) - Đêm ngày 03/10/2007 nước lũ dữ dội tràn vào Quế Phong. Hàng trăm người chưa kịp di dời bị mắc kẹt giữa dòng nước dữ. Tại xã Châu Kim, 8 người dân đã được dân quân xã và nhân dân địa phương cứu thoát. Thế nhưng vẫn còn lại 2 người dân bị bỏ lại.



Lô Văn Sơn, người được ngọn đa cứu mạng ở xã Châu Kim (Quế Phong, Nghệ An). Ảnh: Chí Hiếu

Đêm kinh hoàng

Anh Lô Văn Sơn (sinh năm 1985), ở bản Khoẳng, bàng hoàng kể lại cho PV VietNamNet nghe những diễn biến kinh hoàng nhất của cuộc đời anh trong cái đêm lịch sử đó:

“Đêm hôm ấy (03/10/2007), lúc 8 giờ tối, tôi, bố tôi, bác tôi và vài người khác đang thu dọn tại xưởng mộc của gia đình bên bờ sông Nậm Giải thì bất ngờ nước lũ kéo đến.

Chúng tôi không kịp trở tay và bị kẹt lại trên bãi bồi giữa sông. Những người cùng đi ở gần bờ hơn nên có thể chạy lên bờ đến chỗ cầu. Nước lên nhanh, mạnh và giữ chân chúng tôi ở lại.

Chúng tôi lo lắng vô cùng và kêu cứu. Những người dân trong bản và lực lượng dân quân kéo đến.

Họ dùng đủ mọi cách để cứu chúng tôi lên bờ. Các can nước rỗng được buộc vào dây cho chúng tôi bám vào để kéo vào bờ. Bố tôi đã được kéo vào. Riêng tôi và bác tôi không vào được vì lũ lên nhanh và ngày càng dữ dội. Những người cứu hộ đã thả đèn pin và mì tôm cho chúng tôi.

Nước tiếp tục dâng, buộc chúng tôi phải trèo lên cây đã cao nhất để trốn. Dòng nước lũ như cơn sóng thần bao vây chúng tôi. Chúng tôi vô cùng hoảng sợ. Cây đa mà chúng tôi trèo rung lên dữ dội tưởng chừng sắp gãy. Lúc đó tôi nghĩ rằng mình sẽ không sống sót và trở vào bờ.

Cây đa này đã cứu mạng Lô Văn Sơn và Lò Văn Huyên đêm 3/10/2007. Ảnh: Văn Tuấn.

Trên cầu, mẹ và em trai tôi kêu khóc và liên tục gọi tên tôi. Có vẻ như nước đang rút dần. Mọi người trên cầu bắt đầu kéo về hết. Đến 3h sáng chỉ còn lại hai bác cháu ở trên cây.

Suốt đêm chúng tôi không ngủ được mà chỉ dõi theo dòng nước lũ, mong rằng nó sẽ rút. Lúc đó, tôi rất khiếp sợ, hoang mang. Không biết còn ai có thể giúp đỡ chúng tôi lúc này nữa.

Đến 10h sáng, may cho chúng tôi là nước đã rút và chúng tôi đã tự trở về nhà.

Mọi người trong nhà vui mừng khôn xiết. Dân trong bản cũng mừng cho chúng tôi may mắn sống sót trở về. Nếu cây bị cuốn, nước tiếp tục dâng lên chắc chắn chúng tôi sẽ mất mạng”.

Anh Sơn còn cho biết, anh ở xưởng mộc của gia đình từ ngày 01/10. Không có ai đến đó và bắt buộc anh và mọi người phải di chuyển về nhà.

Phóng viên tìm đến ông Lò Văn Huyên, người cùng bị mắc kẹt với anh Sơn. Ông Huyên đi vắng. Nhưng tâm trạng của ông chắc chắn ai cũng tưởng tượng ra. Giữa dòng nước lũ, khoảnh cách giữa sống và chết chỉ là một tích tắc. Một cú sẩy chân cũng có thể phải trả bằng cả tính mạng. 

Bỏ lại hai mạng vì... thiếu phương tiện?

Tại UBND xã Châu Kim, ông Kim Văn Mão (Chủ tịch UBND xã Châu Kim) cho biết: “Khi lũ sắp vào, chúng tôi theo sự chỉ đạo của cấp trên đã cho di dời dân. Khi lũ đến, lực lượng dân quân đã triển khai cứu hộ cho những người dân gặp nạn và ngăn cản không cho ai đến vùng nguy hiểm”.

Anh Nguyễn Bá Thể giải thích việc không cứu được 2 người dân trong xã là do không đủ phương tiện. Ảnh: Chí Hiếu.

Nếu những điều ông Mão nói được thực hiện nghiêm túc thì sẽ không có chuyện trên.

Anh Nguyễn Bá Thể (quyền Xã đội trưởng xã Châu Kim) nói: “Khi cứu anh Sơn và ông Huyên, dòng nước lũ quá mạnh, trời lại tối, chúng tôi không có đủ phương tiện để đưa họ vào bờ. Khoảng 3 giờ sáng, nước bắt đầu rút, chúng tôi có thể yên tâm trở về”.

Trận lũ lịch sử tháng 10/2007 rất mạnh và cực kỳ phức tạp. Sự lên xuống của nước lũ hết sức bất ngờ và không thể kiểm soát.

Hiện ở xã Châu Kim không có ai bị thiệt mạng. Đó thực sự là một điều hết sức đáng mừng. Nhưng nếu tiếp tục còn có những trường hợp như trên xảy ra thì không biết lại có ai may mắn được như anh Sơn và ông Huyên?

  • Văn Tuấn - Chí Hiếu

Blogged with Flock

Không có nhận xét nào: