Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

AI LÀ TÁC GIẢ HỒ TRƯỜNG?

TỪ KẾ TƯỜNG


"Hồ trường" là một bài thơ cổ nổi tiếng lâu nay vẫn được biết tác giả là Nguyễn Bá Trác, bài thơ "khẩu khí" theo kiểu bất đắc chí của người xưa vẫn thường được anh em trong giới văn chương, báo chí  ngâm nga hoặc đọc cho vui trong bàn nhậu, cùng với bài "Hành phương Nam" của nhà thơ Nguyễn Bính cũng gần một giọng thơ "khẩu khí: tương tự.

Nhưng hoá ra Nguyễn Bá Trác không phải là tác giả mà chỉ là người dịch lại bài "Hồ trường" và đã đăng lần đầu tiên trên tờ báo Nam Phong thời Pháp. "Hồ trường" vốn không phải là bài thơ mà là một khúc ca đặc trưng của vùng đất phương Nam bên... Trung Hoa  không biết tác giả là ai được lưu truyền trong nhân gian rồi tình cờ trong một cuộc rượu Nguyễn Bá Trác (lúc luân lạc bên Trung Hoa) nghe được người bạn mới trong cuộc rượu đọc rồi ghi chép lại.

Lâu nay tôi cũng thường nghe nhiều người bạn "trong giới" ngâm nga hoặc đọc "Hồ trường" trong bàn nhậu lúc xỉn xỉn bằng giọng hào sảng, và cũng được giới thiệu là của Nguyễn Bá Trác. Nay, có tài liệu cho biết rất cặn kẽ về nguồn gốc của bài "Hồ Trường", so lại với "Hồ trường" mà tôi nghe bạn bè đọc trong các cuộc nhậu về tổng thể vẫn vậy nhưng có một vài câu, chữ "tam sao thất bổn". Nếu tài liệu này chính xác, cũng là dịp trả lại "Hồ trường" về nguyên gốc và minh định lại Nguyễn Bá Trác không phải là tác giả mà chỉ là người dịch "Hồ trường".

Âu cũng là điều thú vị về một giai thoại của thi ca, về một bài thơ nổi tiếng lâu nay trong... bàn nhậu.

TÀI LIỆU VỀ HỒ TRƯỜNG

Liem Mai.
𝗕𝗮̀𝗶 𝘁𝗵𝗼̛ 𝗛𝗼̂̀ 𝗧𝗿𝘂̛𝗼̛̀𝗻𝗴
Hồ Trường là tựa một bài thơ nhiều người đọc và yêu mến. Thậm chí một số giáo sư Việt văn đã đọc hay ngâm bài thơ này trong các lớp văn chương bậc trung học ở miền Nam trước 1975. Cuốn Việt Nam Văn học sử Giản ước Tân biên của Phạm Thế Ngũ in năm 1965 tại Sài Gòn cũng có ghi lại bài thơ này. Điều đáng tiếc là ít người biết rõ về nguồn gốc bài thơ. Nguyễn Bá Trác là dịch giả hay tác giả? Tựa bài Hồ Trường là một từ Việt hay Hán Việt? Hồ Trường nghĩa là gi? Đáng tiếc hơn nữa là cho đến tận ngày nay, bài thơ được chép lại tam sao thất bản, nguồn này khác nguồn kia và ít có nguồn nào thật đúng, kể cả từ các nghệ sĩ ngâm bài thơ này. Bài viết này cố gắng giải đáp các thắc mắc này.
Trước hết xin nói về nguồn gốc. Bài thơ này xuất hiện lần đầu trên Nam Phong tạp chí, bản chữ Hán năm 1919, còn bàn Quốc văn năm 1920 do Nguyễn Bá Trác đăng tải. Nguyễn Bá Trác sinh năm 1881 tại Quảng Nam. Ông đậu cử nhân năm 1906, nhưng sau đó quay sang học chữ Pháp, hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, sang Nhật năm 1908. Để dập tắt phong trào Dông du, Pháp đã tạo sức ép lên Nhật trục xuất các du học sinh người Việt khỏi đất Nhật. Nguyễn Bá Trác sang Trung Quốc, lưu lạc một thời gian rồi trở về nước, ban đầu chịu sự kiểm soát của nhà cầm quyền Pháp, nhưng sau lại cộng tác với Pháp. Khi Nam Phong Tạp chí xuất bản năm 1917, ông là chủ bút phần Hán văn của tạp chí này, còn Phạm Quỳnh là chủ bút phần Quốc văn. Năm 1932 cùng với Phạm Quỳnh, ông tham chính, chức vụ cuối cùng là Tổng đốc Bình Định. Và cũng như Phạm Quỳnh ông bị Việt Minh giết năm 1945.
Bài thơ nguyên tác chữ Hán, là một phần trong bài Hạn mạn du ký (汗 漫 游 記) đăng nhiều kỳ trên Nam Phong tạp chí phần Hán văn. Hạn 汗 (còn đọc là hãn) nghĩa là mồ hôi, Mạn 漫 nghĩa là đầy. Hạn mạn du ký nghĩa là lời kể lại một chuyến đi gian khổ. Sau đó chính ộng Nguyễn Bá trác dịch và đăng lại trong Nam Phong Tạp chí phần Quốc văn, dịch là “Lời ký của một người đi chơi phiếm”. Trong bài ký nhiều kỳ này, Nguyễn Bá Trác kể lại việc một lần tại Trung Hoa, ông gặp một người Việt đồng hương (Nguyên quân), hợp ý, rủ nhau đi uống rượụ. Nguyên Quân mới cất lời ca bài này, theo giọng Quảng Đông. Một người thứ ba, một võ quan Trung Hoa người Trực Lệ họ Lưu, đang uống rược gần đó, vốn có dịp biết Nguyên quân trước đây ở Tokyo (Đông Kinh nước Nhật) thấy bài ca “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái” lấy làm lạ, hỏi về bài thơ. Nguyên quân cho biết đây là một điệu đặc biệt ở phương nam (Nam phương ca khúc), mà chính Nguyên quân cũng hông rõ tác giả. Võ quan họ Lưu mới xin Nguyên quân viết bài ca ra. 

Bài thơ nguyên tác chữ Hán :

Bài thơ chữ Hán bên dưới được chép lại từ Nam Phong tạp chí, phần Hán văn, số 30, có tham khảo bản chuyển ngữ sang Hán Việt của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.

南 方 歌 曲
丈 夫 生 不 能 披 肝 折 檻 爲 世 扶 綱 常
逍 遙 四 海 胡 爲 乎 此 鄕
回 頭 南 望 邈 無 極 兮 天 雲 一 色 徒 蒼 蒼
立 功 不 成 學 不 就 少 壯 有 幾 辰 兮 坐 視 百 年 身 世 驅 陰 陽
撫 掌 狂 歌 問 斯 世 茫 茫 天 地 安 得 知 一 知 己 兮 試 來 對 酌 祐 予 觴.
予 觴 擲 向 東 溟 水 東 溟 之 水 萬 隊 啓 狂 瀾
予 觴 擲 向 西 山 雨 西 山 之 雨 一 陣 何 汪 洋
予 觴 擲 向 北 風 去 北 風 揚 沙 走 石 飛 殊 方
予 觴 擲 向 南 天 霧,霧 中 有 人 開 口 一 飮 蘧 然 醉
天 地 宇 宙 渾 相 忘 予 不 醉 矣 予 行 予 志
男 兒 自 古 事 桑 蓬 何 必 窮 愁 泣 枌 梓 

Nam phương ca khúc (Khúc ca phương nam)
1. Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Giải nghĩa: Kẻ trượng phu khi sống không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời. Phi can 披 肝 nghĩa là xé gan, vạch gan ra cho đời biết lòng trong của mình. Hạm 檻 (bộ Mộc, 18 nét) là cây cột gỗ dùng làm rường nhà hay rường mái hiên. Chiết Hạm 折 檻 nghĩa là bẻ cột, lấy tích Chu Vân thời Hán Thành Đế dâng sớ hạch tội gian thần. Vua bắt tội, Chu Vân uất ức ghì lại gãy cả rường điện. Nhiều bản Quốc văn bài thơ này lại ghi sai thành Bẻ Cật.
2. Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Giải nghĩa: (Sao lại) rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu? 
3. Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Giải nghĩa: Quay đầu nhìn về phía nam xa xôi, mịt mù hề, bầu trời một màu xanh xanh. Chữ Thương 蒼 (bộ Thảo 14 nét) nghĩa là sắc có xanh. Thiều Chửu giảng Thương Thương (蒼 蒼) là trời xanh.
4. Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thần hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương.
Giải nghĩa: Công không lập thành được, học không xong, trai trẻ còn được bao lâu nữa hề, ngồi nhìn lại thân thế trăm năm chạy theo tháng ngày.
5 Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, thí lai đối hước hữu dư thương.
Giải nghĩa: Vỗ tay mà hát điên cuồng, hỏi đời rằng, đất trời mờ mịt vậy, tìm ở đâu một người tri kỷ, mà đến cùng ta rót chén rượu này. Thương 觴 (bộ Giác 18 nét) nghĩa là chén rượu đã rót đầy.
6. Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan.
Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng dữ. Cuồng lạn hay cuồng lan là cơn sóng dữ. Nhiều bản Quốc văn ghi sai thành cuồng loạn.
7. Dư thương trịch hướng tây sơn vũ tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào mưa núi tây, núi tây mưa một trận nước lênh láng.
8. Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy theo gió bắc, gió bắc tung cát bay đá chạy mọi phương.
9. Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy.
Giải nghĩa: Ta ném chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng uống say.
10. Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hỉ, dư hành dư chí.
Giải nghĩa: Vũ trụ trời đất đều mất hết, sao ta không say, mà ta làm theo chí ta
11. Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử 
Giải nghĩa: Xưa nay nam nhi đều làm theo chí tang bồng, sao ta lại buồn khổ nhớ cố hương. Phần tử 枌 梓 ghép từ chữ Phần Du và Tử Ly, các loại cây chỉ quê cũ, như cây đa của làng quê Việt.

Bản Quốc Văn (Nguyễn Bá Trác dịch)

Dưới đây là nguyên văn, kể cả dấu nối và dấn chấm câu từ Nam Phong tạp chí, phần Quốc văn. Bài có chữ Xé, viết sai chánh tả thành Sé, và Thân Thế có lẽ in lầm là Thân Thể, xin giữ nguyên.

Hồ Trường

Trượng-phu không hay sé gan bẻ cột phù cương-thường;
Hà-tất tiêu-dao bốn bể, luân-lạc tha-hương.
Trời nam nghìn dậm thẳm; mây nước một mầu sương.
Học không thành, công chẳng lập, trai-trẻ bao lâu mà đầu bạc; trăm năm thân-thể bóng tà-dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang-mang, ai là tri-kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ-trường.
Hồ-trường! Hồ-trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông-phương, nước bể Đông chẩy xiết sinh cuồng-lạn;
Rót về tây-phương, mưa Tây-sơn từng trận chứa-chan;
Rót về bắc-phương, ngọn bắc-phong vì-vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam-phương, trời nam mù-mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết lòng ta hay;
Nam-nhi sự-nghiệp ở hồ-thỉ, hà-tất cùng-sầu đối cỏ cây.

Kết luận : 

Như vậy, Nguyễn Bá Trác là dịch giả chứ không phải là tác giả. Bài nguyên thuỷ chữ Hán là một bài ca đặc biệt phương nam (vùng Lĩnh Nam), không rõ tác giả. Tựa bài ca chữ Hán (Nam phương ca khúc) hay chữ Việt (Hồ Trường) đều do độc giả sau này đặt ra.
Qua bài thơ chữ Việt thấy chữ hồ trường là chữ Việt, do Nguyễn Bá Trác đặt ra. Trước ông chưa ai dùng mà sau ông cũng chưa ai dùng lại chữ này trong thi ca. Chữ Thương trong nguyên tác chữ Hán thì như đã giải thích bên trên, nghĩa là chén rượu đã rót đầy. Có người giải thích chữ mới Hồ Trường là để chỉ một loại bình rượu (một loại bầu hồ lô, phơi khô khoét ruột làm một thứ bình rượu bình dân). Nhưng tôi cho không phải thế. Các nhà Nho xưa thường giữ nguyên tác, ít khi thay đổi khi không có lý do cần thiết. Ta thường nói cạn chén rượu này hơn là cạn bình rượu này. Điểm độc đáo ở đây là từ chữ Thương 觴 (gốc Hán, cũng đọc là tràng hay trường), phát âm theo tiếng Quảng Đông là soeng) ông đã kết hợp với chữ Hồ (chữ Hồ 壺 cũng có gốc Hán, nghĩa là hồ rượu), tạo một hình ảnh lãng tử với hồ lô rượu trên vai.
Tôi có dịp nói chuyện với nhà phê bình văn học Đặng Tiến. Ông cũng đồng ý với tôi về cách hiểu chữ Hồ Trường là chén uống rượu. Ông cho biết thêm là ông có dịp nói chuyện với con cháu của Nguyễn Bá Trác, và họ cũng có cùng ý như thế. Vậy xin ghi lại như một nén hương muộn cho nhà phê bình Đặng Tiến, qua đời hơn ba tháng trước.
Tham khảo trong phần bình luận bên dưới.
Liêm
(08/2023)
Ghi chú: 
Bản Quốc văn bài thơ được chép lại theo cách viết ngày nay: chỉnh lỗi chánh tả (Xé vs sé) chỉnh lỗi đánh máy (Thân thế vs Thân thể, bản tiếng Hán ghi Bách niên thân thế khu âm dương) và bỏ đâu gạch nối (miền Nam bỏ dần từ thập niên 60s, ngoài Bắc có lẽ trước đó)

Hồ Trường

Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương.
Trời nam nghìn dặm thẳm; mây nước một mầu sương.
Học không thành, công chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc; trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ-trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể Đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan;
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết lòng ta hay;
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.

 St trên fb Trần Bá Đại Dương

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

Phong tục và hủ tục! *



Cái nào ông bà mình đã bỏ thì nó là hủ tục!

Phân biệt rõ giữa phong tục và hủ tục:
風俗 phong tục là thói quen từ lâu.
腐俗 hủ tục là thói quen lâu đời nhưng có tánh không tiến bộ.

Thí dụ như nhìn tấm hình một ông cai tổng ở Gò Công 1920 để móng tay trái dài thòng… Tay để móng vậy thì làm sao làm việc, rồi còn mất vệ sinh, chuyện đơn giản là đi... ị... cũng bó tay!

Thành ra thời hiện đại cắt sạch móng tay, ai để móng tay dài cỡ ông cai tổng này là quái dị.

Ông bà mình xưa búi tóc, sau cũng tự cắt tóc ngắn vì tóc ngắn cơ động, sạch sẽ, nhìn nó lanh lợi hơn búi tóc củ tỏi.

Cái câu "cái râu cái tóc là gốc con người" đã lỗi thời, tóc cắt ngắn thì râu cũng phải cạo.

Ngày nay ai để tóc búi tó, móng tay dài, râu dài rậm rạp là theo hủ tục.

Có vô số hủ tục đã bị ông bà mình bỏ.

Bên Trung Quốc xưa, những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải tổ chức âm hôn cho họ. Minh hôn là đám cưới giữa một người đã mất hoặc vừa mất với một người vẫn còn sống. Ngày nay họ cũng đã bỏ.

Theo hôn nhơn truyền thống ở nước ta từ xưa, tục cưới hỏi phải trải qua 6 lễ:

- Lễ nạp thái.
- Lễ vấn danh.
- Lễ nạp cát.
- Lễ nạp chánh, còn gọi là lễ nạp tệ.
- Lễ thỉnh kì, tức là lễ xin cưới.
- Lễ thân nghinh.

Còn có vụ thách cưới và trả giá…

Xưa, trong lễ nạp tệ nhà gái có quyền đòi hỏi yêu cầu nhiều thứ, từ các đồ quí về trang sức như: vòng, xuyến, hoa tai, xà tích… tới quần áo, bạc trắng, tiền giấy, gạo, lợn, rượu…

Đã gọi là “thách” thì nhà gái thường có những yêu cầu rất cao về các đồ sính lễ. Nhà trai cò kè bớt một thêm hai.

Ngày nay đã bỏ cảnh trả giá, cưới chỉ còn hai tới ba lễ kiểu rút gọn. Nhà gái nào đòi 6 lễ thì… khỏi gả con gái, đem dú ép làm mắm ăn luôn đi. 😊 

Xưa đám ma Nam Kỳ rất phức tạp. Trước khi tẩm liệm, người ta phải trét quan tài cho kỹ ở bên trong. Xưa dùng ổ mối đâm nhuyễn ra trộn với nếp nấu. Dân Nam Kỳ thì xài dầu chai là thứ hay trét ghe mà ém cho kỹ.

Đám tang nhà khá giả để rất lâu, có khi hai tuần, một tháng, thì chuyện bịt quan tài cho kín càng quan trọng. Nếu lỡ có xì hơi người chết ra ngoài rồi lúc di quan hơi nó phụt mạnh làm văng nắp quan tài gọi là bứt néo. Đám nào bị bứt néo rất khổ con cháu, vừa hôi hám dơ dáy vừa bị mang tiếng là con cháu bất hiếu, ông bà không vừa lòng nên động đậy làm hòm bứt néo.

Tuy nhiên do để quá lâu, xác phân hủy sanh ra hơi độc, hòm lại là gỗ không tốt, hoặc trét còn hỡ đâu đó nên nó xì hơi ra, có chổ bị chảy nước. Mùi hôi nồng nặc xông ra…

Gặp vậy thì chủ tang, tức nhiên là thằng trưởng nam – ở Nam Kỳ là anh hai – sẽ phải đi vòng quanh quan tài tìm cho ra cái lổ mọt xì nước đó rồi... cúi xuống lè lưỡi ra liếm lấy dòng nước đó. Và người xưa nói rằng trưởng nam liếm một cái sẽ ngừng xì nước và hết mùi hôi do lòng hiếu thảo của con cháu làm động lòng vong linh người chết nên họ ngừng xì.

"Trai trưởng nam le lưỡi rà hòm,
Gái tiểu nhi than khóc từ chòm cỏ may."

Còn câu “Gái tiểu nhi than khóc từ chòm cỏ may” là mấy cô con gái trong nhà phải rũ rượi xõa tóc lăn xuống đất khóc than khi quan tài đi qua, đầu bẹp xuống đất ngang với cây cỏ may thì mới là con gái hiếu thảo.

Hủ tục này nay cũng không còn vì quá ghê!

Sau 1874, Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp nên Nam Kỳ đã theo cái mới, bỏ những những cái cũ không cần thiết.

Chúng ta xài chữ Quốc Ngữ, bỏ bớt những cái luộm thuộm kiểu Tàu xưa, thí dụ viết văn, ăn nói bỏ bớt điển tịch kiểu Tàu, bớt ông Khổng nói, ông Tử khuyên, rồi kiểu thư pháp, viết câu đối chữ Tàu treo đầy nhà cũng bỏ.

Ngày nay thấy nhiều bạn viết liễn đối treo đầy nhà, gần WC cũng treo, rồi bày bàn thờ đầy nhà nhìn cứ như cái chùa, cái cốc của bà bóng.

Rồi các bạn trẻ làm phong trào mặc áo dài xưa, miệng lảm nhảm những câu không ai hiểu.

Họ lôi hủ tục cho sống dậy trong cưới và tang.

Nhiều bạn để râu tóc dài thườn thượt quất nguyên bộ bà ba nhìn ớn da gà. Rồi lập bàn thờ tứ hướng, nhang khói mù mịt, đụng đâu lạy đó, rồi làm gì cũng bói, cũng coi ngày giờ tốt xấu.

Chuyện cần nói cứ nói ngắn gọn, đằng này không làm, bưng khay rượu trịnh trọng “thưa trình".

Đó ko phải là lễ, đó là “diễn” kiểu cải lương, kiểu hát đình hát miễu, kiểu đầu môi chót lưỡi, đạo đức giả.

Cái lễ ngày nay là sự tộn trọng nhau tối thiểu trong học thức, trong ứng xử, chứ không phải lễ kiểu màu mè, cải lương.

Đó không phải là cách sống của dân Nam Kỳ!

Theo Nguyễn Gia Việt
(Tựa do “Sài Gòn trong tim tôi” đặt lại, bài gốc không có tựa.)

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

CUỘC MẠN ĐÀM VỀ CHUYỆN HỌC SỬ XƯA VÀ NAY


      Hiện nay, môn lịch sử vẫn là một trong những vấn nạn lớn nhất trong giáo dục học đường. Bên cạnh đó, một số vấn đề lịch sử thời cận đại vẫn còn nhiều khía cạnh gây tranh cãi. Cuộc mạn đàm giữa nhà báo Song Chi, chủ bút trang Diễn Đàn thế kỷ và người điều hành trang này đã diễn ra xoay quanh chủ đề trên, xin mời các bạn theo dõi

* SONG CHI 
 Thưa anh, trưởng thành ở Miền Nam trước năm 1975, với những kinh nghiệm bản thân về nền giáo dục VNCH, anh có thể nêu lên những nhận xét, đánh giá khái quát của anh về cách dạy và học môn Sử hồi đó ở bậc tiểu học, trung học, đại học. Và xin anh so sánh với bây giờ, từ chương trình học và thi cử, thái độ tiếp thu của học sinh, yếu tố chính trị trong chương trình…?

*LÊ NGUYỄN (LN)
      Với tư cách một người được rèn luyện trong nền giáo dục miền Nam trước năm 1975, đồng thời là người quan sát thường xuyên nền giáo dục xã hội chủ nghĩa (XHCN) từ gần 50 năm qua, tôi xin trả lời về tình trạng dạy và học môn Sử tại miền Nam trước 1975 và tại Việt Nam hiện nay.
      Có lẽ Song Chi cũng như nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng sự khác biệt lớn nhất giữa giáo dục lịch sử ở hai miền Nam và Bắc, vào hai thời điểm khác nhau, là yếu tố chính trị. Trong khi tại miền Nam trước 1975, hoàn toàn không có sự lồng ghép yếu tố chính trị vào chương trình dạy và học môn sử thì tại miền Bắc trước 1975, cũng như tại cả nước hiện nay, yếu tố này chiếm một tỉ lệ rất đáng kể trong chương trình giáo dục hàng năm.
      Nói đến giáo dục tại miền Nam trước 1975, gần đây người ta nhắc nhiều đến ý niệm khai phóng. Đó là điều có thật. Trong suốt thời gian theo học các bậc Tiểu học, Trung học và Đại học, các học sinh, sinh viên được tự do tiếp cận với các nền văn hóa, các trào lưu tư tưởng trên thế giới, mà không hề bị lèo lái theo một xu hướng chính trị nào. 
       Vào giữa thập niên 1960, khi cuộc chiến Nam-Bắc đã bước vào giai đoạn khốc liệt, chính quyền miền Nam vẫn để cho các sách tìm hiểu về chủ nghĩa Marx-Lénine được phát hành rộng rãi trong công chúng. Bản thân tôi từng là độc giả của những quyển sách loại này, như Tìm hiểu triết học của Karl Marx của Trần Văn Toàn (Nxb Nam Sơn, 1965), Hành trình trí thức của Karl Marx của Nguyễn Văn Trung (Nxb Nam Sơn, 1965), bài viết nhan đề “Cộng sản, người anh em của tôi”, của một cây bút Công giáo, in trên tạp chí Đất Nước .... Những văn hóa phẩm đó không phải là tài liệu tuyên truyền nhằm cổ động hay chống lại chủ nghĩa Marx-Lenine, mà đơn thuần là những tài liệu có tính học thuật, giúp người đọc bổ sung vào kiến thức sẵn có của mình.
      Trong khi đó, tại miền Bắc trước 1975, người dạy và người học sử bị gò ép trong một khuôn khổ chật hẹp về mặt học thuật pha lẫn các yếu tố chính trị, nhiều sự kiện lịch sử bị “uốn nắn” theo chiều hướng nhằm khêu gợi trong các tầng lớp thanh thiếu niên ở miền Bắc lòng yêu nước cuồng nhiệt, đồng thời kích động sự căm thù của họ đối với chính quyền đang tồn tại ở miền Nam. 
      Thực tế cho thấy hình thức giáo dục đó đạt được hiệu quả nhất định khi cuộc nội chiến đang tiếp diễn. Nhiều thanh thiếu niên miền Bắc đã lăn xả vào cuộc chiến với “lý tưởng” giải thoát đồng bào miền Nam “khỏi gông cùm của đế quốc Mỹ và chế độ Mỹ-ngụy”. Song sau năm 1975, khi chế độ đối nghịch không còn nữa, giang sơn đã nằm trong tay một chính quyền duy nhất, lẽ ra cách dạy và học sử cũ cần được thay đổi cho phù hợp với hiện thực của xã hội thì lại vẫn tiếp tục kéo dài, vẫn nhắc lại sự căm thù cũ, với những nhân vật hư cấu không còn tác dụng gì đối với cuộc sống đang đòi hỏi sự trung thực, sự hòa hợp của lòng người. 
     Chương trình giáo dục môn sử hiện nay không theo kịp đà phát triển của nhận thức chung trong xã hội, đặt học sinh trước ngả ba đường, trong sự mâu thuẫn và nghịch lý giữa nhiều sự thực lịch sử được truyền bá trong xã hội với những kiến thức giáo điều, lạc hậu họ được dạy dỗ ở học đường. Gần đây, học sinh năm cuối bậc trung học được dạy sử theo cách thức như để trở thành những nhà chiến lược quân sự, phải học thuộc từng chi tiết các trận đánh giữa quân đội Việt và Pháp vào cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, về quân số các bên, về ngày tháng, địa điểm xảy ra trận chiến, về thương vong của cả hai bên ... Những con số khô khan làm lùng bùng những cái đầu thơ trẻ đã dẫn đến tình trạng chán ngán chung của học sinh đối với môn sử, hậu quả là khi môn thi Sử trở thành môn nhiệm ý thì có trường thi chỉ có mỗi một thí sinh thi môn này...
     Hiện tượng đáng buồn đó đã không được các nhà giáo dục lưu tâm, có lúc còn chủ trương đưa môn Sử thành môn tự chọn, hạ thấp tính cần thiết và tầm quan trọng của một môn học mà hầu hết các nước trên thế giới luôn quan tâm rèn luyện cho thanh thiếu niên nước họ. 
     Những yếu tố trình bày trên đã góp phần giải thích cho tình trạng chán học môn lịch sử hiện nay.
    
*SONG CHI 
 Trước 1975, và cho đến gần đây, theo quan điểm của các nhà nghiên cứu và giáo dục XHCN, chế độ phong kiến là thối nát, nhà Nguyễn ươn hèn, bạc nhược, vua Gia Long “cõng rắn cắn gà nhà…” v.v…bỏ qua tất cả công lao mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước của nhà Nguyễn. Và còn nhiều nhân vật, sự kiện khác nữa cũng bị đánh giá cực đoan và thiếu khách quan như vậy. Thưa anh nghĩ gì về điều này?

*LN - 
      Trong suốt những thập niên 1960, 1970,  có lẽ môn học lịch sử tại miền Bắc đã dựa vào những nét cơ bản được xác định trong các tài liệu chính thống do nhà nước ban hành, tiêu biểu là bộ “Lịch sử Việt Nam”  do Ủy Ban Khoa học- Xã hội Việt Nam soạn thảo, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành tại Hà Nội năm 1971, trong đó, những dòng trích dưới đây có thể được xem là tuyên ngôn về triều Nguyễn: 
“Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài. Gia Long lên làm vua lập nên triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân ... Triều Nguyễn là vương triều tối phản động ...Bản chất cực kỳ phản động của chế độ nhà Nguyễn bộc lộ rõ ngay từ đầu qua những hành động khủng bố, trả thù vô cùng đê hèn của Nguyễn Ánh đối với các lãnh tụ nông dân và những người thuộc phái Tây Sơn kể cả phụ nữ và trẻ em... "Chính quyển nhà Nguyễn hoàn toàn đối lập với nhân dân và dân tộc….” (hết trích).
      Trong cuộc chiến kéo dài vào những năm 1954 -1975, có thể các nhà sử học XHCN thời ấy xem chính quyền miền Nam từng đặt dưới quyền lãnh đạo của Quốc trưởng Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, của Thủ tướng Ngô Đình Diệm, cựu Thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn, là sự kế thừa của vương triều Nguyễn, đả phá, lên án triều Nguyễn là cách chống lại chế độ kế thừa đang tồn tại ở miền Nam.
      Có thể đưa ra một nguyên nhân khác nữa: những người thực hiện cuộc cách mạng tại miền Bắc tự coi phong trào nổi dậy của mình từ đầu thập niên 1930 là hiện thân, là sự tiếp nối của phong trào Tây Sơn, vốn là tổ chức quân sự không đội trời chung với nhà Nguyễn.
     Thực tế cho thấy, quan điểm chính thức về nhà Nguyễn thể hiện trong bộ sách lịch sử phát hành tại miền Bắc vào đầu thập niên 1970 và các sách giáo khoa lịch sử được biên soạn trên tinh thần đó đã dẫn đến những hệ quả đáng tiếc trong nhận thức của giới học sinh, sinh viên và công chúng tiếp cận với lịch sử nhà Nguyễn. Bản thân tôi từng nghe hậu duệ của một vị đại thần triều Nguyễn, giữa chỗ đông người, đã gọi vua Tự Đức là “thằng”; mặt khác, nhiều độc giả hẳn biết chuyện một cận thần cũ của vua Bảo Đại viết sách về triều Nguyễn đã đơm đặt điều này, điều nọ, bêu xấu triều Nguyễn một cách hèn hạ như thế nào để lấy lòng chủ mới ….   
     Để củng cố cho chủ trương xem nhà Nguyễn là thế lực “thối nát, tối phản động”, người ta đã viện dẫn nhiều luận cứ, trong đó nổi bật là hai khái niệm “bế quan tỏa cảng” và “cõng rắn cắn gà nhà”. Chuyện bế quan tỏa cảng vẫn còn có nhiều điều cần được làm rõ, riêng chuyện “cõng rắn cắn gà nhà” chứng tỏ một hình thức “nói lấy được”. Người ta khoác tội cõng rắn cho chúa Nguyễn Ánh dựa vào hai sự kiện:
1) Việc chúa Nguyễn sử dụng dưới trướng của ông khoảng một chục cựu sĩ quan, chuyên viên người Pháp hoạt động độc lập, không dính líu gì với chính quyền Pháp và không hề giao cho họ một chức vụ quan trọng nào trong bộ máy chính trị và quân sự của ông. Đến thập niên 1800, sau khi chúa Nguyễn thống nhất giang sơn, phần lớn số người này đã rời Việt Nam, trở về nước.
2) Việc Nguyễn Ánh tiếp nhận hai vạn quân Xiêm tăng cường trong đạo quân còn suy yếu của ông, đặt lực lượng ngoại viện này dưới sự chỉ huy thống nhất của tướng Việt Châu Văn Tiếp. Đây là kết quả sự thỏa thuận của vua Xiêm và chúa Nguyễn, căn cứ vào sự cam kết “hoạn nạn thì cứu nhau” giữa đại thần Nguyễn Hữu Thụy (Thoại), đại diện chính quyền nhà Nguyễn và đại diện chính quyền Xiêm La vào năm 1783 (Đại Nam thực lục – Tập 1 – NXB Giáo Dục 2002, trang 221).
      Không thể có cái gọi là “cõng rắn cắn gà nhà” với một nhúm ngoại binh một hai chục người, cũng không thể gọi một lưc lượng ngoại viện là xâm lăng, khi người đứng đầu hai chính quyền Việt và Xiêm thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau khi hoạn nạn.
       Có lúc, để ý nghĩa của sự lên án nhà Nguyễn “cõng rắn cắn gà nhà” được trọn vẹn hơn, người ta đã liên kết sự hiện diện của nhúm người Pháp trên (vào cuối thế kỷ 19) với việc quân Pháp đánh chiếm Gia Định vào thập niên 1860, mà không hề lý tới việc người Pháp cuối cùng trong số trên đã rời hẳn Việt Nam từ năm 1824, và trong suốt 36 năm sau đó, không hề có người Pháp nào trong triều đình Huế cả.
     Với việc triều đình Huế để mất dần đất nước vào tay thực dân Pháp vào nửa sau thế kỷ 19, người ta lấy thắng lợi của các phong trào giải phóng dân tộc vào thế kỷ 20, với sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất của các phong trào quốc tế, làm chuẩn mực để lên án nhà Nguyễn, mà không hề lý tới việc có sự cách biệt quá lớn về vũ khí, kỹ thuật quân sự giữa một đế quốc sừng sõ phương Tây (Pháp) và một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, bị cô lập về mọi mặt ở phương Đông như Việt Nam. Khi lên án nhà Nguyễn để mất nước, họ cũng vô tình hay cố ý quên rằng, không riêng gì Việt Nam, Lào và Campuchia ở Đông Nam Á, nhiều nước ở Bắc Phi như Algérie, Tunisie, Maroc..., ở Tây Phi như Sénégal, Bali, Côte d’Ivoire… cũng từng là mồi ngon của đế quốc Pháp, nhiều nước như Ấn Độ, Miến Điện, Singapore, Malacca ...cũng từng là nạn nhân của đế quốc Anh.
    Khuynh hướng chung của giới sử học XHCN những thập niên 1960-1970 là lấy hiện tại làm chuẩn mực để phê phán quá khứ, tạo ra những khuôn mẫu nhất định, theo một định hướng nhất định và nhào nặn mọi yếu tố lịch sử vào trong những khuôn mẫu đó, theo những định hướng đó.
     Chính trong chiều hướng đánh giá lịch sử theo một khuôn mẫu nhất định này mà có một thời gian dài, những mặt tích cực của vua chúa nhà Nguyễn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển xã hội, giao dịch với các lân bang (Lào, Chân Lạp, Xiêm la, Miến Điện ...) trên thế mạnh, đã không hề được nói đến.

* SONG CHI
Cuộc“Tọa đàm về các chúa Nguyễn – Những dấu ấn lịch sử và văn hoá trên vùng đất Phương Nam” với sự tham dự của các diễn giả, trong đó anh đảm nhận phần nói về Nguyễn Ánh–Tây Sơn và phần nhà Nguyễn–Pháp, do Hội đồng Nguyễn Phước tộc tổ chức gần đây và quay video đưa lên YouTube, phải nói rất thú vị, bổ ích. Thưa anh những cuộc tọa đàm “nói lại cho rõ” như vậy có hay được các tổ chức, nhóm tư nhân thực hiện không, hiệu quả tới đâu? Còn về phía nhà nước, cho tới nay quan điểm “chính thống” về nhà Nguyễn, các nhân vật lịch sử như Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương, Trương Vĩnh Ký (Petrus Ký) v.v…có chút gì thay đổi không thưa anh?

* LN 
       Theo những gì đả xảy ra cách nay gần nửa thế kỷ, chúng ta thấy rằng cái nhìn cực đoan về lịch sử đã được thể hiện ngay từ sau ngày 30.4.1975, khi người ta gỡ bỏ hết các bảng tên đường mang danh các công thần triều Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu ...., xóa bỏ tên các trường học kỳ cựu nhất của Sài Gòn và một số tỉnh như Petrus Ký, Gia Long, Phan Thanh Giản, Võ Tánh …
      Đề cập đến các buổi tọa đàm “nói lại cho rõ”, ít ai quên được cuộc hội thảo quy mô về nhà Nguyễn do những người có trách nhiệm cao nhất tại Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ở Thanh Hóa vào năm 2008. Cuộc hội thảo thổi một luồng gió mới vào không khí ngột ngạt vẫn còn bao trùm lãnh vực nghiên cứu, dạy và học môn lịch sử, song không lâu sau đó, những người tổ chức cuộc hội thảo, trong đó có nhà sử học Phan Huy Lê, đã hứng chịu không ít búa rìu tới tấp của những người còn chủ trương bảo tồn các định kiến cũ. Chính những điều đáng tiếc như thế đã khiến những ai có tâm huyết với lịch sử chùn bước, tìm cách thể hiện quan điểm của mình dưới những hình thức âm thầm hơn, “tế nhị” hơn.
      Gần đây, có những dấu hiệu cho thấy cái nhìn đối với lịch sử thời nhà Nguyễn của các cơ quan, giới chức có trách nhiệm về văn hóa-lịch sử đã có cởi mở hơn, công tâm hơn, chẳng hạn vào năm 2019, bản dịch tác phẩm The Tây Sơn uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) của George Dutton, giáo sư sử học trường UCLA (Đại học Los Angeles, Mỹ), đã được phép phát hành nhằm phổ biến khối tư liệu phong phú và nhiều quan điểm khách quan về nhà Tây Sơn trong giai đoạn diễn ra cuộc nội chiến những năm 1771-1802. Bản dịch tác phẩm được in đến lần thứ ba chỉ trong vòng 2 tháng cho thấy sự hưởng ứng nồng nhiệt của công chúng yêu lịch sử, đồng thời phản ánh tính cởi mở trong quan điểm của các giới chức có trách nhiệm về văn hóa-lịch sử.       
      Tất nhiên, sự cởi mở, phóng khoáng như vừa kể trên chưa thể gọi là đầy đủ, thỏa đáng, trong một môi trường học thuật đòi hỏi sự cải tiến về nhận thức, sự xác định lại những giá trị chưa được công nhận trong một thời gian dài. Những con đường mang tên các công thần triều Nguyễn chưa được phục hồi tên cũ như là dấu hiệu của sự sửa sai, nhìn nhận lại lịch sử, việc dạy và học môn lịch sử vẫn chưa có sự thay đổi nào đáng kể, vẫn là những kiến thức đã được định hình từ cách nay 5-7 mươi năm, khiến người học thường bị hụt hẩng khi so chiếu những hiểu biết của họ tại học đường và những gì họ tiếp thu được trong đời sống, qua mạng xã hội, qua sách báo phát hành trong thời gian gần đây.
      Dù sao, những chuyển biến về nhận thức các vấn đề lịch sử trong xã hội ngày nay đang có chiều hướng đi lên, dẫu có chậm, điều này cho phép chúng ta hi vọng vào những thay đổi, chuyển biến sâu sắc hơn, thực chất hơn, trong tương lai

* SONG CHI 
Về nhà Tây Sơn, sự đánh giá dưới chế độ VNCH và chế độ XHCN hiện nay rất khác nhau. Anh nhận thấy nội dung sự đánh giá của hai thời kỳ trước (tại miền Nam) và sau 1975 khác nhau như thế nào, quan điểm riêng của anh ra sao về vấn đề này?

*LN 
       Ở miền Nam trước 1975, sự đánh giá về nhà Tây Sơn gần như hoàn toàn dựa vào tính khách quan của lịch sử, song các hiểu biết về phong trào này từ giữa thập niên 1965 trở về trước vẫn còn khá phiến diện và thiếu sót. Phải chờ đến năm 1966, với sự ra đời của tập san Sử Địa do một số nhà nghiên cứu và sinh viên khoa Sử trường Đại học sư phạm Sài Gòn thực hiện, và sự xuất hiện của tác phẩm “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802” của Tạ Chí Đại Trường (1973) thì phong trào Tây Sơn mới được đánh giá đầy đủ và có thực chất hơn.
     Ở miền Bắc, từ thập niên 1970 trở về trước, sự nhận định và đánh giá về nhà Tây Sơn, chủ yếu dựa vào hai yếu tố cốt lõi:
- Tây Sơn là phong trào nông dân nổi lên đánh đổ nhà Nguyễn thối nát, chủ trương mang lại cơm no áo ấm cho dân nghèo
- Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn là hai thực thể hoàn toàn đối nghịch nhau, một bên tượng trưng cho tinh thần quật khởi, cho cách mạng xã hội, một bên là vương quyền thối nát, phản động, đầy rẫy áp bức, bất công, cần được loại bỏ nhanh chóng.
      Ngày nay, với những tư liệu và chứng lý mới, giới học thuật phủ nhận tính chất nông dân của phong trào Tây Sơn, vì tổ chức này thiếu hẳn 3 yếu tố cốt lõi của một phong trào nông dân:
1) Không được khởi xướng bởi người nông dân, chỉ là việc thực hiện tham vọng giành chính quyền trong tay nhà Nguyễn của anh em nhà Tây Sơn, vốn chẳng phải là nông dân.
2) Trong việc khởi phát cuộc nổi dậy và suốt cuộc nội chiến, không có bóng dáng người đại biểu nông dân nào trong bộ máy lãnh đạo của phong trào Tây Sơn.
3) Mục tiêu tối hậu và duy nhất của phong trào Tây Sơn là giành lấy chính quyền, không nhằm vào việc cải thiện đời sống của người nông dân. Dưới thời Tây Sơn, người nông dân vẫn bị áp bức, bị bóc lột sức lao động, đời sống vẫn nghèo đói, cơ cực, không khác chi dưới thời Lê-Trịnh hay thời các chúa Nguyễn, thậm chí có thời điểm còn tệ hại hơn. 
Về điều này, giáo sư sử học người Mỹ George Dutton, tác giả quyền “The Tây Sơn uprising” (Cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn) đã phân tích khá tinh tế như sau:
“Người nông dân thời kỳ Tây Sơn là những kẻ lót đường cho quân đội, là đối tượng của sự lao dịch, là nguồn tiếp tế và nguồn lợi tức cho phong trào. Những người đàn ông và đàn bà đó có thể nuôi ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, điều này phản ánh trong sự ủng hộ đầy vẻ lạc quan của họ khi nhìn thấy những biểu hiện sớm sủa của cuộc nổi dậy, song những ước vọng đó sớm nhường chỗ cho một thực tế đầy thất vọng và theo những chứng cứ khả dĩ nhất, ít có người nông dân nào nhìn thấy một sự cải tiến đáng kể trong đời sống của họ phát xuất từ hành động của nhà Tây Sơn” (George Dutton, The Tây Sơn Uprising, University of Hawai’i Press, Honolulu, 2006, tr. 121-122, LN dịch)
      Nói tóm lại, chúng ta nêu lên những mặt tích cực và tiêu cực của nhà Tây Sơn không phải nhằm đánh đổ “thần tượng”, vì họ chưa bao giờ có thể là thần tượng, mà chỉ nhằm trả họ về với thực chất của họ, với những mặt mạnh, mặt yếu, những cái xấu, cái tốt hiển hiện của phong trào do họ khởi xướng. Tìm mọi cách triệt hạ họ hay tôn xưng họ như thần thánh đều mang tính cực đoan và xa rời với thực tế lịch sử.

*SONG CHI 
 Có phải vì nỗi niềm ưu tư khi thấy lịch sử được viết, được dạy một cách không trung thực mà anh trở thành nhà nghiên cứu lịch sử độc lập, rất khác với ngành nghề anh đã học tại Học viện Hành chánh trước kia, hay còn vì lý do gì khác?

 *LN
         Trong mỗi con người đều có lòng yêu mến cội nguồn nơi mình sinh ra, và dù sống trong hoàn cảnh nào cũng không thể quên đi cội nguồn đó. Trong thời gian đảm nhiệm công việc của một viên chức hành chánh trước năm 1975, tôi có cơ duyên tiếp cận được nhiều tư liệu do người Pháp để lại khi họ rút khỏi Việt Nam, và qua đó, mình thu thập được nhiều kiến thức hữu ích về lịch sử cận đại của nước nhà. 
     Mặt khác, sự khác biệt, thậm chí đối nghịch giữa những gì mình hiểu biết qua sách vở, tài liệu, với những gì mà lịch sử “hiện đại” vạch ra cũng trở thành một thách thức thú vị để mình có dịp nói lên quan điểm và những hiểu biết cá nhân, nhằm giúp cho môi trường sử học ngày càng trong sáng, nhân bản hơn, các sự kiện và nhân vật lịch sử được đánh giá khách quan và công tâm hơn….
     Tất nhiên, đó chỉ là mong ước, còn việc mình làm được đến đâu, có hiệu quả như thế nào, thì lại là chuyện khác!

*SONG CHI 
Một câu hỏi cuối cùng, Anh có những mong muốn, đề xuất gì về việc viết sách Sử cũng như dạy và học Sử hiện tại?

*LN 
     Theo tôi, trong nền giáo dục hiện tại, cần trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức lịch sử theo ít nhất 3 tiêu chí: khách quan, trung thực và công bằng. Thiếu những yếu tố cốt lõi đó, lịch sử chỉ là những câu chuyện đùa, những dối lừa, gạt gẫm, khiến giới trẻ mất đi khả năng nhận thức đúng đắn nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử khác nhau.
- Cách dạy và học môn lịch sử hiện nay cần được thay đổi sâu sắc trên tinh thần phi chính trị hóa, bỏ đi những bài học xơ cứng, giáo điều, nêu bật những công lao to lớn của tiền nhân, giúp giới trẻ biết nhận thức, trân trọng và yêu quý những di sản do tiền nhân đã tạo ra bằng mồ hôi, máu và nước mắt. Các cuộc nội chiến, dù là ở thời nào, cũng cần được nhắc lại với thái độ nhân văn, trong tinh thần hòa hợp dân tộc, giảm đến mức tối thiểu tính kích động, chia rẽ và hận thù. Có như thế, sách giáo khoa lịch sử mới góp phần sản sinh ra những thế hệ người Việt sống có đạo lý, biết hòa hợp với nhau trong tinh thần dân tộc, biết yêu quý và bảo tồn di sản do tiền nhân để lại.
- Trong trường học, cần nâng cao hơn nữa trình độ về ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, cụ thể là Hán ngữ, Pháp ngữ, Anh ngữ.., giúp họ có điều kiện tiếp cận với các nguồn sử liệu về Việt Nam viết bằng ngoại ngữ. Hiện nay, chỉ riêng trang Gallica của Tổng thư viện Pháp đã chứa hàng ngàn tài liệu khác nhau về lịch sử Việt Nam các thế kỷ 17,18, 19, 20,  người có vốn Pháp ngữ tương đối có thể khai thác nhiều nguồn sử liệu có giá trị.
      Gần đây, các công ty sách, các nhà xuất bản đã làm khá tốt việc dịch và phổ biến cho công chúng hàng chục tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của Paul Doumer, Silvestre, Philastre, Hocquart, L. Pallu …
      Mặt khác, các sinh viên tốt nghiệp ban Hán-Nôm bậc đại học cần được tạo điều kiện tiếp cận với kho sách cổ bằng tiếng Hán-Nôm, đặc biệt là khối lượng đồ sộ các châu bản triều Nguyễn, để nghiên cứu, dịch thuật, phục vụ cho cộng đồng …

Lê Nguyễn thuật lại
19.8.2023

https://www.diendantheky.net/2023/08/nhung-van-e-quanh-viec-day-va-hoc-su.html

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

Một số nhân vật lịch sử yêu nước chống Pháp nhưng không đứng chung phe Cộng Sản Việt Nam nên bị bắt, bỏ tù, giết, thủ tiêu, truy đuổi... từ trước "Cách Mạng Tháng 8/ 1945" đến bây giờ.
Hình Đường Hồ Văn Ngà (SG trước 4/1975) - Không tìm ra chân dung. Hình Ông Bùi Quang Chiêu (Sg trước 1975 có tên đường BQC)
1. HỒ VĂN NGÀ
Trong một đoạn văn NHỚ HỒ VĂN NGÀ, Vương Hồng Sển kể:
‘Hồ Văn Ngà da ngăm ngăm đen, mặt xương mắt sáng, miệng rộng, có cái cười rất cởi mở. Nhà nghèo, Ngà rất chăm học, giờ chơi luôn luôn ở lại lớp, tay cầm cục phấn, học riêng không cần thầy. Ngà có hoa tay, viết được cả tay trái, và khi vẽ vòng tròn trên bảng, Ngà cầm phấn quay một vòng tròn hơn vẽ có công-pa tức cái qui. Tuy nghèo mà rất gan dạ, chuyện gì dầu trái, như bỏ trường, cắt nghĩa Ngà nghe phải tai thì hưởng ứng mà theo, bất chấp hậu quả... Cho đến năm đệ tam, Ngà học ngang lớp với tôi. Tôi hơn Ngà môn thể dục và môn tập đọc nhạc phổ (solfège) nhưng chỉ hơn trong hai năm đầu, đến năm thứ ba, Ngà giựt luôn quán quân hai giải này, bỏ tôi xa lắc. Ngà thấy tôi yếu về khoa học và toán, Ngà cố tình chỉ bảo đủ mọi cách, nhưng tôi vẫn hoàn tôi. Nhớ lại năm 1921, vô học đệ nhị mà không sao yên thân. Lão Thomas cho ăn cực quá, nuốt không vô... thêm có nhiều lý do khác, khiến chúng tôi, nhóm học trò khu bản xứ, từ đệ tứ đến đệ nhứt, đồng lòng thừa dịp chiều thứ năm thầy dắt ra dạo chơi ngoài phố (promenade) rồi bỏ luôn không trờ về trường, phản đối tổng giám thị Thomas bất công nhiều nỗi. Ngày sau là ngày thứ sáu, định kéo lên thống đốc nạp đơn kêu nài, nhưng lính đến giải tán . . nhưng cuộc làm reo (grève) bãi học nầy, lần hồi đưa vào thất bại. Chúng tôi không có dự bị, vấn đề ăn và chỗ ở làm cho luống cuống. Đêm đầu có tiền đi xem ciné rồi ăn mì thế cơm. Ngủ thì chen nhau nằm sắp chồng sắp lớp trong một phòng trọ tối tăm. Mấy hôm sau, cạn tiền phải sống bằng viện trợ, đúng hơn là tiền bố thí của mấy thầy hãng tư, kẻ mươi đồng, người hảo tâm hơn cả là năm mươi đồng, làm sao đủ cho hơn hai trăm đứa nheo nhóc phần đói, phần được thơ cha mẹ tuân lời đốc học khuyên răn làm mất hết tinh thần. Chưa đưọc một tuần lễ, tôi được thơ bảo đảm của Ba tôi từ Sóc Trăng gởi lên trong ấy có kèm một bưu phiếu mười đồng bạc, phải vô trường nhờ thầy Dực trên văn phòng lãnh hộ mới xong. Lúc ấy tôi chỉ ăn một ổ bánh mì bốn xu trừ cơm mỗi ngày và đã hai hôm như vậy nên xót ruột quá... Hôm sau trình diện để lãnh tiền, tôi mục kích một cảnh đáng thương tâm và cũng đáng kể lại đây. Hôm đó tại văn phòng, tôi thấy Ngà bị nghiêm thân từ Tân An bắt trói hai tay dẫn ra mắt đốc học Limandoux. Giữa ông Tây quan năm nhà binh và một ông già cổ học Đông Phương, có ông giáo Dực đứng làm thông ngôn. Ngà hai tay bị trói bằng dây luột đứng sát vách. Tôi, với một bộ đồ bà ba nhục nhục cả tuần chưa thay, đứng bên Ngà, vô tình trở nên một nhân chứng bất đắc dĩ.

- Con của ông, Limandoux nói, đã không nghe lời chỉ bảo và ngổ nghịch bỏ trường ra theo bọn mất dạy, ông là cha, lỗi ấy về ông.

 - Thưa quan đốc học, thân phụ của Ngà nói, quan đốc nói như vậy, tôi dân quê dốt nát xin đỡ lời. Ngà, lúc còn ở nhà tôi, rất ngoan, tôi nói gì, Ngà nghe nấy. Lúc ấy, ‘tử bất giáo, phụ chi quá’, quan đốc trách tôi là phải. Nhưng lúc đó, Ngà biết nghe lời cha mẹ. Chỉ từ khi lên đây ăn học ở trong trường và được quan đốc dạy dỗ, từ ấy Ngà trở nên ngỗ nghịch. Hễ ‘giáo bất nghiêm, sư chi đọa’ thưa quan đốc, vậy lỗi ấy về ai?

 Ông Limandoux nghe ông giáo Dực dịch xong, lật đật đứng dậy xin lỗi, bắt tay ông già nhà quê, mà rằng: ‘Con ông học rất giỏi, đứng đầu trong lớp. Tôi không nỡ đuổi mấy đứa như vậy. Lời ông nói rất chí lý. Nay ông bảo Ngà vô học lại’. Nhưng Ngà khoanh tay cung kính đáp bằng tiếng Pháp:

- Thưa ông Đốc, tôi không thể vô học một mình. Nếu ông ép tôi cũng nhảy rào trở ra. Chừng nào ông tha tội tất cả anh em chúng tôi, thì tôi mới chịu vâng lời.

 Ngà mất học bổng ...

 Hồ Văn Ngà quê ở Cần Đước, - trên Quốc Lộ 50, Saigon/ Gò Công, gần cầu Mỹ Lợi, xưa là "bắc" Cầu Nổi, sinh năm 1902 - tuổi con cọp -  Ông học trường Chasseloup Laubat, giỏi tất cả các môn. Năm 1925, ông đậu tú tài, được học bổng, du học Pháp. Thi vô mấy trường đại học ở Paris bây giờ khó lắm, phải học sinh xuất sắc mới hy vọng. Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường đang học toán cả. Hồ Văn Ngà cũng thi vô đại học toán. Sắp tốt nghiệp thì Hồ Văn Ngà bị đuổi.

Lúc bấy giờ ông đang làm Hội Trưởng "Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương" tại Pháp, tổ chức cuộc biểu tình trước điện Élysée, dinh tổng thống Pháp để chống lại vụ xử tử đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí.

Cuộc biểu tình bị đàn áp thẳng tay. Thay vì đưa tòa án thì bọn Tây bí mật trục xuất những sinh viên chúng cho là "bất trị" về Việt Nam.

Những người bị trục xuất gồm có:

     1- Lê Bá Cang.
      2- Phan Văn Chánh.
      3- Trần Văn Chiêu.
      4- Trần Văn Đởm.
      5- Trương Duy Đạm.
      6- Trần Văn Giàu.
      7- Ngô Quang Huy.
      8- Đặng Bá Lân.
      9-Vũ Liên.
      10- Hồ Văn Ngà.
      11- Đặng Tấn Phát.
      12- Trịnh Văn Phú.
      13- Huỳnh Văn Phương.
      14- Trương Duy Tam.
      15- Nguyễn Văn Tạo.
      16- Nguyễn Văn Tân.
      17- Trần Văn Tự.
      18- Lê Thiết Tự.
      19- Tạ Thu Thâu.

         Về nước, ôn dạy học ở tư thục Lê Bá Cang, vẫn bí mật hoạt động. Khi chính quyền Pháp sụp đổ, ông thành lập "Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng", thường tổ chức diễn thuyết, để kêu gọi lòng yêu nước của dân chúng, ược mọi người, dù trí thức hay bình dân tham gia rất đông. BS Trần Ngươn Phiêu viết trong hồi ký: "người viết bài đã có những phút vô cùng cãm động khi nghe ông Ngà đọc diễn văn nhân cuộc tập hợp lớn, ngày 18-3-1945, mừng nước nhà được thoát ách thực dân Pháp, tổ chức ở Vườn Ông Thượng (lúc ấy còn gọi là vườn Bồ Rô).

Cũng năm 1945, Hồ Văn Ngà cùng Huỳnh Giáo Chủ, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Trần Văn Thạch và 7 tổ chức khác kết hợp thành "Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt" chống Pháp giành độc lập.
    
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nguyễn Văn Sâm được Triều đình Huế cử làm Khâm sai Nam bộ, nhưng vì chưa về Saigon kịp nên 5 ngày sau, ngày 19 tháng 8, Hồ Văn Ngà làm quyền Khâm sai cho đến ngày 22 tháng 8 thì Khâm sai Nguyễn Văn Sâm mới về đến Saigon.
 
 Hồ Văn Ngà bị giết (trích):

 "Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp đã tái chiếm được Saigon. Kháng chiến Nam bộ chia ra làm hai cánh. Nhóm Đệ Tứ rút về miền Đông. Nhóm Quốc Gia đi về hướng miền Tây.

Ngày 8-10-45, ở mặt trận miền Đông, Việt minh trở mặt bất ngờ bắt và thanh toán những người khác chánh kiến trong đó đặc biệt người Đệ Tứ bị giết thê thảm (tất cả đảng viên nòng cốt Đệ Tứ đều bị chôn sống ở sông Lòng Sông – Bình Thuận – gồm có Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Số, Phan Văn Hóa, Trần Văn Sĩ, Nguyễn Văn Soái, Nguyễn Văn Tiền...), Nguyễn Long Thanh Nam đánh giá những người này là ‘lãnh tụ xuất chúng về tài ba, đã nổi bật như những ngôi sao sáng của sinh hoạt chính trị tranh đấu miền Nam trong thập niên 30, 40.’

Đầu tháng 10 năm 1945, quân Pháp tìm cách xua quân tấn công ra ngoại ô để khai thông đường tiếp tế lúa gạo từ miền Tây.

Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ân, Kha Vạng Cân, Lâm Ngọc Đường đang lui cui lập ủy ban phong tỏa Saigon - Chợlớn để chận bước tiến của quân Pháp thì Nguyễn Văn Trấn, lúc đó bề ngoài tự xưng là Giám đốc Quốc gia Tự-vệ-cuộc, nhưng phần hành là trưởng đoàn ám sát của Việt minh, tuân lệnh của Trần Văn Giàu đem thuộc hạ bám sát Hồ Văn Ngà. Hồ Văn Ngà bị bắt trong nhà của ông Nguyễn Bá Tường lúc ban đêm.

Hồ Văn Ngà có lúc bị nhốt chung với tướng Cao Đài Trần Quang Vinh. Người sau này chạy thoát được. Sau này, ngày 13-6-1946 tại Thái Lan, Trần Văn Giàu có thú nhận với Trịnh Hưng Ngẫu rằng hắn đã có giết tới 2500 ngưới quốc gia trong thời đó.

Nguyễn Long Thành Nam viết: ‘Trường hợp Hồ Văn Ngà xảy ra như sau:

Ông Hồ Văn Ngà là lãnh tụ cầm đầu đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập đã nhiều lần tuyên dơng ý chí: ‘sẳn sàng phục vụ bất cứ ai có tài cứu nước, nhưng chính ông lại là nạn nhân của Việt Minh. Ông bị công an Việt Minh bắt trong lúc cùng với Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân thành lập ủy ban Phong tỏa Đô thành Saigon-Chợlớn. Ủy ban này ra đời để ngăn chặn bước tiến của quân đội Pháp, trong khi các cán bộ Cộng Sản trong Lâm ủy Hành chánh Nam bộ đã bỏ chạy. Ủy ban đặt văn phòng tại nhà ông Nguyễn Bá Tường, và thực hiện công tác phong tỏa Đô thành khá hiệu lực. Nửa đêm khi ông Hồ Văn Ngà đang ngủ, công an Việt Minh tới bắt, không nêu lý do, tội phạm chi cả.
          
Theo Trịnh Văn Thanh thì Hồ Văn Ngà bị giết vào cuối năm 1946. cái ngày mất của Hồ Văn Ngà có quan hệ đối với trách nhiệm của Trần Văn Giàu vì khoảng thời gian đó Trần Văn Giàu (người Nam) đã bị Hồ Chí Minh gọi ra Hà nội và giữ lại luôn. Đảng CS đưa Nguyễn Bình (người bắc) từ Bắc vào thay thế. Chắc chắn cái quyết định bắt và giam Hồ Văn Ngà là của Trần Văn Giàu giao cho thủ hạ Nguyễn Văn Trấn thi hành.

Hồ Văn Ngà bị đưa đi biệt giam tại Cà mau rồi đem đi giết tại hòn Đá bạc. Một bữa trưa, một cai ngục vốn là người học trò cũ có cho Hố Văn Ngà hay rằng tối nay chúng được lệnh giết ông và yêu cầu ông thầy chạy. Nhưng ông thầy này không chạy.
          
Theo Hứa Hoành, Hồ Văn Ngà bị đâm chết vào ban đêm và thi hài bị thả trôi sng. Trước khi chết, Hồ Văn Ngà có nói ‘Các anh giết tôi thì giết, nhưng đừng nói... tôi là Việt gian!.’

Tại sao không giết liền mà giết nguội?

Có ba lý do song song.

Cái lý do thứ nhứt là vì Hồ Văn Ngà là một lãnh tụ quốc gia có uy tín nhứt lúc bấy giờ, ông có thể có một giá trị lợi dụng. Chừng nào chắc chắn không thể lợi dụng được thì hạ thủ đâu có muộn.

Cái lý do thứ hai theo ông Nguyễn Long Thành Nam là ‘Ngà bị giết vì một lòng tin tưởng rằng mình là bạn của Trần Văn Giàu, không bao giờ Giàu hại mình. Hồ Văn Ngà bị giam chung với Vũ Tam Anh, Trần Quang Vinh ở Cà Mau, hai ông Vinh, Anh vượt thoát nhờ kế hoạch phá khám của Nguyễn Thành Phương (Cao Đài). Có thể Nguyễn Long Thanh Nam ngụ ý rằng Hồ Văn Ngà có nhiều cơ hội vượt ngục nhưng chỉ chờ Trần Văn Giàu thả ra đàng hoàng chớ không chịu trốn.

Cái lý do thứ ba là tại ông có một người em ruột đang theo Việt minh, không phải làm lính gác cổng mà là Ủy viên của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh. Người em út này tên là Hồ Văn Hoa (Chín Huê), bác sĩ y khoa tốt nghiệp tại Hà nội. Nếu Chín Huê tìm cách cứu anh và quậy tùm lum thì Hồ Văn Ngà có thể được thả ra, nhưng Chín Huê sẽ bị coi là thành phần không trung kiên và sẽ không được xài. Đàng này sau cả năm mà Chín Huê không có can thiệp gì cả đủ để chứng minh ‘trí thức đầu hàng giai cấp’ của mình rồi thì Việt minh đâu còn e ngại gì nữa mà không giết êm người tù.

Trong lúc Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch đem Thanh niên Tiền phong giao cho Việt minh để lập công lớn phá vỡ Mặt trận Quốc gia Thống nhất, nhưng sau này không được xài vì bị đánh giá là thành phần chao đảo, BS Hồ Văn Hoa thì một lòng một dạ giữ kín cái miệng, không có than phiền việc đảng giết anh Tư của mình, và vẫn hăng hái công tác đảng, thường xuyên gặp mặt Nguyễn Văn Trấn. Nguyễn Văn Trấn tự khoe:

‘Ủy ban kháng chiến hành chánh đặt ở chỗ trạng sư Nguyễn Thành Vĩnh, bây giờ họp hành rôm rả với những: Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Trần Bảo Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Hướng, Trần văn Nguyên, Đặng Minh Trứ, Nguyễn Phú Hữu, Tạ Nhứt Tứ, Tạ Như Khuê, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Văn Chi, Hoàng Nghiệp, Đặng Văn Tốt, Nguyễn Văn Ấm, Nguyễn Văn Hoa, Hồ Văn Huê... và Phạm Thiều, với tôi’.

Chín Huê sau này được tưởng thưởng, cho làm những nhiệm vụ tin cẩn. Có lúc làm y sĩ riêng của Hồ Chí Minh, có lúc làm Đại tá Cục trưởng Cục quân y Việt cộng, có lúc làm Thứ trưởng Bộ Y tế của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt nam. Quyền của Chín Huê lớn hơn quyền của Bộ trưởng Dương Huỳnh Hoa vì Chín Huê có chân trong đảng. Trong bưng, đám cán bộ y tế gọi Chín Huê là ‘ông Thầy’. Sau 1975, Chín Huê có về Saigon và được cấp một căn nhà ở Gia định. Một năm sau, Chín Huê chết và xác của y được đem quàn ba ngày tại Dinh Độc lập.

2.  BÙI QUANG CHIÊU.
Có người kể rằng trên chuyến tàu La Touche Treville - Latouche-Tréville -, hồi năm 1911, đưa "Anh Ba" từ bến Nhà Rồng qua Marseille, "Anh Ba" có gặp ông Bùi Quang Chiêu. Bấy giờ ông Bùi Quang Chiêu đã là kỹ sư, lớn hơn "Anh Ba" 17 tuổi, đang làm quan cho Tây. Khi ông Bùi Quang Chiêu hỏi "Anh Ba" muốn đi Tây "để làm gì?" thì "Anh Ba" trả lời "để đi học". Sau đó, tới Pháp "Anh Ba" xin vô học "trường Thuộc Địa" mà không được, chớ có nghe nói "để làm cách mạng" cái gì đâu, như Việt Cộng tuyên truyền. Sau đó, Ông Bùi Quang Chiêu cũng có gặp Nguyễn Tất Thành vài lần nữa ở Paris. Bấy giờ, "Anh Ba" không cần "ngụy danh" nữa, mà nói tên thật. Ông Bùi Quang Chiêu cũng nói chuyện với Nguyễn Tất Thành vài lần nữa, nhưng bây giờ ông Nguyễn Tất Thành theo Cộng Sản rồi, quan điểm chính trị giữa hai người khác nhau. Ngay cả với nhóm các ông Nguyễn Thế Truyền, luật sư Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, những người từng giúp đỡ và dạy tiếng Pháp khi Nguyễn Tất Thành mới tới Pháp, Nguyễn Tất Thành còn coi không ra gì, huống chi ông Bùi Quang Chiêu. Cụ Phan Chu Trinh có bài viết than phiền Nguyễn Tất Thành chê ông ta là "hủ nho", là "lạc hậu". Theo Cộng Sản mới là tiến bộ.

Trong cuốn "Từ Thực Dân đến Cộng Sản", giáo sư Hoàng Văn Chì có kể một câu chuyện. Một năm, hình như luật sư Phan Văn Trường từ bên Tây về, có ghé Chợ Bến Thành thăm ông Nguyễn Sinh Sắc - tức Huy - đang lưu lạc ở Saigon - làm "thầy thuốc Bắc", "chấm tử vi" cho khách hàng. Luật sư Phan Văn Trường chê trách Nguyễn Tất Thành nầy nọ, nói rằng, Nguyễn Tất Thành đã theo Cộng Sản rồi, "quay lưng lại" với gia đình - vô gia đình - với đất nước - vô tổ quốc - v.v... Ông Nguyễn Sinh Huy giận lắm. Một lần nào đó, Nguyễn Tất Thành lén về Saigon, ghé chợ Bến Thành thăm cha. Ban đầu, cha con nói chuyện vui vẻ. Đến khi Nguyễn Tất Thành xác nhận với cha rằng ông đã theo Cộng Sản, vô gia đình, vô tổ quốc, thì cha con cãi nhau. Ông Nguyễn Sinh Huy giận lắm, cầm cái chổi lông gà tính "quýnh" con, thì Nguyễn Tất Thành đã nhanh chân chạy xuống thang lầu rồi đi mất, không bao giờ gặp lại cha nữa. Năm 1945 hay 46, khi Nguyễn Tất Thành, - chính là Hồ Chí Minh - làm chủ tịch ở Hà Nội, ông Nguyễn Tất Đạt - thường gọi là "anh cả Đạt", anh cả của ông Hồ Chí Minh có ra Hà Nội "thăm em". Hai anh em chỉ gặp nhau có một lần đó rồi thôi, rồi không bao giờ ông anh đi thăm ông em một lần nào khác nữa. Đã là vô gia đình thì anh em gì. Người ta phê bình như vậy.

Khi vua Hàm Nghi bị Tây đày qua Algerie, Bùi Quang Chiêu là người Việt Nam duy nhất được đến bệ kiến và thăm vua.

Ông Bùi Quang Chiêu sinh năm 1873, quê ở quận Mỏ Cày, Bến Tre - Việt Cộng Đồng Khởi bắt đầu ở quận nầy. - Ông vừa học chữ Nho, vừa học tiếng Tây, đậu bằng kỹ sư canh nông. Em gái ông Chiêu là vợ ông thông ngôn Trần Văn Thông. Ông được vua ban cho chức tổng đốc, lại được Tây gắn cho cái huy chương "Bắc Đẩu bội tinh", là huy chương cao nhất của Pháp. Ông Thông là nội tổ bà Trần Lệ Xuân, tức "Bà Ngô Đình Nhu". (1)

Các con ông Bùi Quang Chiêu đều học giỏi, tháng năm 1945, đều bị Việt Minh giết cả, gồm ông Bùi Quang Chiêu, ba người con trai với cô con gái út, - giết cả nhà, như người ta thường "than" cho gia đình ông - còn sót bà Henriette Bùi, đậu bác sĩ. Bà thoát chết, sống ở Pháp. Ông Bùi Quang Chiêu là kỹ sư canh nông đầu tiên người Việt Nam. Bà Henriette Bùi là người nữ Việt Nam đầu tiên đậu bằng bác sĩ. Cả hai cha con đều là "đầu tiên".

Cộng Sản giết ông vì nói ông "theo Tây". Đó là vu cáo, chụp mũ, chứ thực ra, Hồ Chí Minh cũng như đám "lâu la" quanh ông Hồ có mặc cảm, thù ghét ông Bùi Quang Chiêu. Hồ Chí Minh không thể nào quên được "mối hận" trên chuyến tàu La Touch Tréville, từ Saigon đi Marseille, Hồ - tức "Anh Ba" phải trốn trên tàu, làm bồi, trong khi ông Bùi Quang Chiêu là một ông quan Annam làm việc cho Tây, oai phong, ăn sung mặc sướng... lại còn kêu "Anh Ba" tới "dạy đời" khuyên "Anh Ba" phải sống thế nầy, thế nọ. Không những trên tàu, qua tới Paris, gặp "Anh Ba" ở chỗ ở của mấy cụ Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, "ông quan" Bùi Quang Chiêu vẫn còn cái giọng "dạy đời" như thế, trong khi Nguyễn Tất Thành - tên của "Anh Ba" bây giờ - làm đơn xin vô học trường Thuộc Địa mà Tây không cho.

 Cộng Sản thù ghét nhứt là quan điểm về giai cấp của ông Bùi Quang Chiêu. Hồ Chí Minh hết lòng ca ngợi lập trường "vô giai cấp" của Mác-Lê, trong khi Bùi Quang Chiêu lại chủ  trương:

"Trong một bài phỏng vấn được đăng trên Phụ Nữ Tân Văn năm 1929, Bùi Quang Chiêu khẳng định rằng bất bình đẳng là một điều kiện tự nhiên của cuộc sống và là nguyên tắc căn bản của trật tự xã hội: "Trên đời này làm gì có bình đẳng? Tôi xin kể ra một thí dụ, giả như một người nhờ vào những trường hợp ngẫu nhiên nào đó, hoặc nhờ vào tài sản, nhờ vào những thành công của mình mà lên được hàng lãnh đạo trong giới thượng lưu; đương nhiên người đó có quyền hưởng thụ nhiều ưu đãi hơn là một anh phu quét đường. Anh phu quét đường thì ngu dốt, anh ta không làm được nghề gì khác ngoài việc quét đường. Thành ra anh ta chỉ có được một quyền là quyền được sống. Đó là lẽ tự nhiên." Trong bầu cử 1939, Đảng Lập hiến thất bại, theo Ngày Nay: "Từ ngày có nghị viên quản hạt đến nay, chưa bao giờ có bóng một người của giai cấp cần lao ra tranh cử. Cái nghị viện tối cao ấy dành riêng cho bọn nhà giàu và nhất là cho bọn người trong đảng lập hiến..."

Có thể có người không đồng quan điểm với ông Bùi. Người ta có thể thảo luận, tranh cãi... nhng không ai chủ trương "giết chúng đi" như Cộng Sản, như Hồ Chí Minh, như Trần Văn Giàu, như Trường Chinh.

Bùi Quang Chiêu là một người yêu nước, - yêu nước theo cách của ông - là cách của cụ Phan Chu Trinh, chủ trương "không bạo động" như cụ Phan Chu Trinh. Cụ Phan Bội Châu thì chủ trương bạo động. - Tuy khác lập trường nhưng "hai cụ Phan" rất tương kính nhau, chữ không chủ trương "Giết chúng đi" như "cụ" Hồ. Có ba người có lập trường gần giống nhau: "Pháp Việt đề huề" của Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu và Albert Sarraut. Ông Bùi Quang Chiêu từng thề trước mồ cụ Phan Chu Trinh "Tây Hồ anh ơi, tôi xin thề hy sanh cho chủ nghĩa Pháp Việt đề huề".

Trong chiều hướng nầy, ông Bùi Quang Chiêu thành lập đảng "Lập Hiến". Thật ra, đảng Lập Hiến không phải là một đảng như chúng ta thường hiểu, lại không phải là một đảng "sắt máu" như đảng Cộng Sản. "Hiện tượng" nầy, là "mặt thật" cá tính của ông Bùi Quang Chiêu. Ông là người quảng giao, ưa kết hợp bạn bè. Trí thức miền Nam thời ấy, không ít người là bạn ông, thành ra đảng Lập Hiến của ông, có tính chất là "một câu lạc bộ" hơn là một đảng phái:

"Đảng Lập hiến Đông Dương (tiếng Pháp: Parti Constitutionaliste Indochinois) là một chính đảng hoạt động ở Nam Kỳ trong thập niên 1910 đến 1930, vận động đòi tự trị cho Việt Nam  để lần hồi giành lại độc lập hoàn toàn cho người Việt. Đảng Lập Hiến dùng 3 tờ báo: La Tribune Indochinoise (Báo Đông Dương), L'Echo Annamite và Đuốc Nhà Nam làm diễn đàn. Tuy gọi là Đảng nhưng những Đảng Lập hiến lại tổ chức giống như một câu lạc bộ chính trị của giới điền chủ, nghiệp chủ, công chức người Việt ở Nam kì."

Các "bạn bè" thường quan hệ với ông là luật sư Dương Văn Giáo; nhà báo, giáo sư Diệp Văn Kỳ, (2) nhà báo Nguyễn Phan Long, bác sĩ Trần Như Lân, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh...

 Ông Bùi Quang Chiêu là người năng động, "cá tính Nam Bộ" thích làm những công việc hữu ích cho người khác. Mới qua Pháp, ông thành lập hội Hội tương tế Đông Dương (Association mutuelle des Indochinois). Về nước, ông tham gia Hội Trí tri, hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mở mang dân trí, nhiệt thành cổ xuý cho phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh cũng như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Bùi Quang Chiêu cũng là đảng viên "đảng Cấp tiến" và "đảng Xã hội Chủ nghĩa Cấp tiến" của Pháp (tiếng Pháp: Parti Radical et Radical-Socialiste) nên nhân lúc Alexandre Varenne của đảng "Xã hội Cấp tiến" Pháp được bổ nhiệm làm toàn quyền vào năm 1926 với hứa hẹn cải tổ cai trị ở Đông Dương, Bùi Quang Chiêu lại sang Pháp vận động chính giới Pháp với loạt bài "Pour le Dominion Indochinois". Ông đưa ra "Bản yêu sách 9 điều khoản" gồm:
1. Tự do ngôn luận,
2. Tự do báo chí,
3. Tự do hội họp và lập hội,
4. Tự do đi lại,
5. Cải cách giáo dục,
6. Điều chỉnh chế độ lương bổng cho công bằng giữa người Pháp và người Việt,
7. Nới rộng quyền đại diện chính trị,
8. Nâng cao đời sống lao động,
9. Bãi bỏ độc quyền kinh tế.

 Vì chủ trương "Pháp Việt Đề Huề" nên ông "tham gia hoạt động trong các Hội đồng Quản Hạt. Ông tranh cử cuộc bầu cử tháng 10 năm 1926. Kết quả là ông cùng 9 đảng viên đảng Lập Hiến đắc cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, chiếm trọn 10 ghế của người bản xứ. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng." Năm 1927 nhờ sự vận động của ông cùng các nhân sĩ khác như Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Vũ Đình Dy và Nguyễn Phan Long, người Pháp mới bãi bỏ điều kiện Pháp tịch cho những học sinh muốn sang Pháp du học. Ông mở tư thục "An Nam Học đường" ở Sài Gòn.
     
Hiện nay, Cộng Sản cho đặt tên ông ở một con đường ở Trà Vinh. Để làm chi? Cộng Sản thấu hiểu nỗi đau của thân nhân ông, của dân chúng Bến Tre, cho dân chúng Bến Tre "uống nước đường" khi họ nghĩ và thương một người hết lòng vì dân vì nước, đã bị ông Hồ Chí Minh và bè đảng "giết cả nhà", ngay cả với cô con gái út của ông mới 16 tuổi?

hoànglonghải
(kỳ tới: 9./ Cụ Thiều Chửu)
 

(1) Ông Phan Văn Nghị, con trai cả của bác sĩ Phan Văn Hy - Quảng Trị -, năm 1946 bị Tây bắt ở Hà Nội, chờ đem đi bắn, thì được ông Trần Văn Thông can thiệp, Tây phóng thích, thoát chết.

(2) Ông Diệp Văn Kỳ là giáo sư trung học của giáo sư Lý Chánh Trung, và cũng là ngoại tổ nhà báo Hoàng Dược Thảo./

Đọc Thêm
 
Viết về Hồ Văn Ngà - Nam Kỳ Lục Tỉnh (google.com)
Bùi Quang Chiêu – Chính khách, Nhà báo, Kỹ sư canh nông đầu tiên của Nam Kỳ :: Suy ngẫm & Tự vấn :: http://xn--chngta-qya.com/ (chungta.com)

 FB Uoc Nguyen
Nguồn : saigonweeklyonline.com

MẤY Ý KIẾN VỀ NHÂN VẬT PHẠM NGỌC THẢO


Bạn Huỳnh Duy Lộc, 

Đọc xong status của Lộc về nhân vật Phạm Ngọc Thảo, tôi viết mấy ý trong phần bình luận, song càng viết càng thấy dài, mà bình luận dài hơn bài chính thì … kỳ quá. Vì vậy, xin phép Lộc cho tôi trích dẫn bài của bạn, để dựa vào đó mà bổ sung “tùy hứng” một số ý kiến của riêng mình. 

Chuyện về các nhân viên tình báo của miền Bắc hoạt động tại miền Nam những năm 1954-1975, ngoại trừ trường hợp Phạm Xuân Ẩn còn có thể phối kiểm được do ông Ẩn từng làm việc cho ngành truyền thông Mỹ, đa số những trường hợp còn lại thường được thêm thắt, vẽ vời, thậm chí xuyên tạc, để cố tô son vẽ phấn cho các nhân vật được miền Bắc giao trách nhiệm lũng đoạn chính trị tại miền Nam. Quyển tiểu thuyết và bộ phim Ván Bài Lật Ngửa là một ví dụ cụ thể về nhân vật “Nguyễn Thành Luân” trong Phủ Tổng thống Sài Gòn. Thời đó, ông Diệm không đòi hỏi, song với tinh thần rất tôn trọng ông, hầu hết Bộ trưởng vào gặp ông, khi ra về đều đi lui nhiều bước rồi mới quay lưng đi hẳn, báo hại có lần một ông vấp té, làm bể một cái đôn trong phòng khánh tiết. Bộ trưởng còn cách biệt với tổng thống, cố vấn chính trị tổng thống như thế, hà cớ gì anh đại úy Phạm Ngọc Thảo quèn không đáng xách cặp cho họ lại có thể thao túng trong phủ như chỗ không người? Một vài tài liệu cho biết ông Thảo nguyên là Tiểu đoàn trưởng của VM, “hồi chánh” thời ông Diệm, là một “chiến lược gia” về du kích, có nhiều bài đăng về lãnh vực này trên tạp chí Bách Khoa – Sài Gòn, những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Chuyện Phạm Ngọc Thảo làm tỉnh trưởng Kiến Hòa là do sự vận động của bào huynh ông Diệm là giám mục Ngô Đình Thục, lúc đó ở giáo phận Vĩnh Long, vì Thảo cũng là dân Công giáo. Xin nói thêm, khi làm tỉnh trưởng Kiến Hòa, ông Phạm Ngọc Thảo mới mang cấp bậc trung tá. Lúc đó, tôi chẳng hề nghe qua báo chí chuyện ông tỉnh trưởng Kiến Hòa này thả hai ngàn cán bộ CS: chỉ mới sau Đồng khởi một vài năm, cán bộ CS ở đâu mà VNCH bắt nhiều dữ thế? Thời đó, chỉ có một chuyện được nhiều người biết là chuyện ông Đốc phủ sứ Nguyễn Trân, tỉnh trưởng Định Tường, dàn cảnh việc “đấu lý” với 14 cán bộ CS, trong đó có nhà văn Nguyễn Bảo Hóa (Tô Nguyệt Đình) và thầy dạy tôi, ông Nguyễn Văn Vàng, hứa nếu tranh luận thua sẽ thả họ, và cuối cùng, ông Trân “chịu thua”, thả hết 14 người này. Sau ngày đảo chánh 1.11.1963, một cuộc tranh giành quyền lực diễn ra trong đám tướng lãnh “kiêu binh”, xã hội rối beng, anh nào cũng muốn dây máu ăn phần, cũng muốn ngoi lên làm lãnh tụ, Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát … nằm trong số những người như vậy. Sau những màn đảo chánh nhau thất bại, ông Thảo trốn chui trốn nhủi trong một giáo xứ thuộc phạm vi Biên Hòa, một thời gian lâu sau, có hôm bị phát hiện, không đứng lại theo lệnh dừng, bỏ chạy và bị bắn chết (theo tin của báo chí đương thời). Ở phần bình luận trong bài của bạn Huỳnh Duy Lộc, một bạn FB đã có lý khi đặt ra câu hỏi: với công lao, thành tích đóng góp như thế, sao ông Phạm Ngọc Thảo không được phe thắng cuộc vinh danh, không được đặt tên đường? Do "tội hồi chánh" chăng? 
Chuyện về nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ cũng thế. Thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, về mặt chính danh, người đứng đầu trong vụ tiếp xúc với MTDTGPMNVN là ông Huỳnh Văn Trọng (nguyên Đổng lý ngự tiền vua Bảo Đại), chức danh Cố vấn chính trị, Phụ tá tại phủ Tổng thống, xếp ngang tổng trưởng, còn Vũ Ngọc Nhạ chỉ là một trong những chuyên viên làm việc trong nhóm ông Trọng mà thôi (tất nhiên về mặt đảng CS, ông Nhạ là người lãnh đạo nhóm cán bộ, đảng viên do ông cầm đầu riêng). Sau 1975, báo chí khai thác rùm beng vai trò của ông Nhạ, thổi lên tận mây xanh, tôn xưng là “ông Cố vấn”. Nhân vật này hả hê với vai trò “tối cao” của mình, tha hồ vẽ vời những trò tra tấn, hành hạ của chính quyền VNCH đối với ông ta cùng các đồng sự. Cuối năm 1970, khi tôi ra làm việc tại Côn Sơn (Côn Đảo), thì hai ông Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ còn thụ án ở trại Chí Hòa, nhóm của hai ông, trong đó có Nguyễn Xuân Hòe (nhân vật số 3 sau ông Nhạ), Bửu Chương, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Văn Hiếu …, cùng với nhóm Trung tá Trần Đình Vọng, nguyên tỉnh trưởng Bình Định, mỗi nhóm được cấp một căn nhà riêng trên đảo, đi làm “công nhân văn phòng” ở các ty sở, một dạng “công chức không lương”, hết giờ hành chánh thì về nhà tha hồ đi tắm biển, mua sắm, nghỉ ngơi. Trong một dịp trả lời phỏng vấn trên Facebook, tôi từng kể rằng, có chủ nhật, tôi lấy xe chở họ đi chơi ở Bến Đầm, cách trung tâm thị trấn hơn 10 km. Họ là “tù cha” thiên hạ, thế mà trong hồi ký của ông Nhạ, chuyện tra tấn, nhục hình nhóm của ông ta diễn ra vô cùng khốc liệt! Tôi khinh bỉ thái độ té nước theo mưa, giậu đổ bìm leo như thế.
Xin phép hương hồn ông Nguyễn Xuân Hòe để kể lại một chuyện của ông, trong những ngày ông ở tù và chủ nhật nào ông cũng đến nhà tôi thăm tôi, cho tôi mượn các tạp chí Time, Newsweek (do người nhà ông gửi ra cho ông xem) để đọc và cùng tôi tán gẫu chuyện thời sự quốc nội, quốc tế. Theo ông, vào nửa sau thập niên 1960, có hai sự kiện là “đòn đánh nhau” giữa sứ quán Mỹ (đại diện lập trường của chính phủ Mỹ) và phủ Tổng thống VNCH. Sự kiện thứ nhất là việc an ninh VNCH bắt giữ đại úy MTGP Trần Ngọc Hiền (anh ruột ông Trần Ngọc Châu, từng là trung tá tỉnh trưởng Kiến Hòa, sau là dân biểu Quốc hội VNCH) khi ông này từ chiến khu vào Sài Gòn để tiếp xúc với phía Mỹ. Theo ông Hòe, Phủ Tổng thống Sài Gòn làm thế để dằn mặt Mỹ vì Mỹ tự ý thương thảo với MTGP mà cố tình phớt lờ họ. Sau khi bị bắt, ông Hiền ra tòa và ở tù tại Côn Đảo, tại đây, nhiều lần ông đến thăm tôi, vì nhiều lý do khác nhau. 
Sự kiện thứ hai là “vụ Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ”, lại là cú phản đòn của phía Mỹ. Theo lời ông Hòe, ông Huỳnh Văn Trọng,với tư cách Cố vấn, Phụ tá chính trị tại Phủ Tổng thống, được Tổng thống Thiệu giao phó sứ mạng tiếp xúc riêng với phía miền Bắc và MTGP mà không thông báo cho phía Mỹ biết. Sứ quán và cơ quan tình báo Mỹ ghi âm được những cuộc trao đổi giữa hai phía bằng thiết bị riêng và cuối cùng tung lên trên các phương tiện truyền thông, ông Thiệu ở vào thế phải hi sinh những trợ lý của mình. Giả thuyết của ông Nguyễn Xuân Hòe, tôi chưa từng nghe ai nói đến bao giờ, xin kể lại với tất cả sự dè dặt.
Sau ngày ký hiệp định Paris 27.1.1973, trong cuộc trao đổi tù binh, báo chí miền Nam đăng tin ông Huỳnh Văn Trọng xin ở lại miền Nam. Chuyện đó dễ hiểu, vì ông Trọng không phải là người CS. Và cũng dễ hiểu khi sau 1975, chức danh “cố vấn tổng thống” của ông Trọng được ngang nhiên khoác cho người đảng viên cao cấp nhất trong nhóm ông Trọng là ông Vũ Ngọc Nhạ. Thậm chí có báo còn "khuyến mãi" thêm cho ông Nhạ chức cố vấn của ông Diệm nữa!!!
Chuyện viết về các nhân vật của phía thắng cuộc hay phía thua cuộc trong cuộc nội chiến 20 năm đã qua đòi hỏi người viết, và nhất là người trong cuộc, phải có thái độ trung thực, khách quan, té nước theo mưa hay quơ quào mọi “chiến công, thành tích” về mình, bất chấp sự thực khách quan như thế nào, là hành vi đắc tội với lịch sử.

Lê Nguyễn


Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

PHÂN LOẠI RA MÀ CƯ XỬ



1. Cư xử với người già thì nên lễ phép

2. Cư xử với trẻ nhỏ thì nên vui vẻ nhưng cũng cần nghiêm khắc

3. Cư xử với cha mẹ thì nên hiếu thuận, đừng có c.ãi cha mẹ chem chẻm cái miệng ra mà lại ngọt ngào nhẹ nhàng với người ngoài.

4. Cư xử với người mình không thích, vẫn cứ giữ những chuẩn mực. Mình không khoái người ta không có nghĩa là mình phải ch.ử.i bới hay xông vào đ.ấ.m đ.á liên hồi. Như thế, mình lại thành kẻ vô văn hóa.

5. Cư xử với người l.ợ.i d.ụng mình, tốt nhất là nên từ chối rõ ràng. Để người ta l.ợi d.ụng 1 lần là lỗi của họ, để họ l.ợi d.ụng lần thứ 2 thì đó là lỗi của bạn.

6. Cư xử với với người l.ừa d.ối mình thì tuân thủ nguyên tắc "nước sông không phạm nước giếng". Ok, tôi có thể rất yêu quý anh, rất thương anh, dành hết những điều tốt đẹp cho anh, nhưng, một khi anh l.ừa d.ối thì chúng ta tạm biệt nhau mãi mãi.

7. Cư xử với người tọc mạch, tò mò thì hãy dành cho họ một nụ cười hoa hậu thân thiện. Im lặng không hé môi nửa lời, càng kể người ta càng dễ thêu dệt câu chuyện của ta.

8. Cư xử với người mình thương hết lòng nhưng không thương mình, tôi khuyên bạn nên search Google, tìm định nghĩa của từ "buông". Buông không xong thì chỉ mình bạn nhận đau khổ thôi!

9. Cư xử lúc c.áu giận thì đừng có dồ lên rồi ch.ử.i b.ới tầm b.ậ.y tầm b.ạ. Đó không phải cách giải quyết của người khôn ngoan. Nóng giận thì tốt nhất ngậm miệng lại, chứ nóng giận mà tổn thương người khác thì việc còn hỏng bét hơn.

Nguồn: Mỗi ngày một bài học

Thứ Hai, 7 tháng 8, 2023

NỮ KÊ TÁC QUÁI.


Có 2 ông Chồng thì sướng thật, muốn lúc nào cũng được.

NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỆT NAM SỐNG VỚI HAI ÔNG CHỒNG TẠI ĐỨC - GERMANY

Chị Mùi cùng 2 Ông chồng đang ngồi trò chuyện tại phòng khách,
Trước khi đọc đoạn phỏng vấn, tôi kể sơ qua về „dung nhan“ chị Mùi :

- Chị này tướng người „phốp pháp“, có da có thịt, đẫy đà, gương mặt dễ coi, không đẹp, không tiện hỏi tuổi đàn bà con gái nhưng tôi độ chừng chưa quá 40. Một Ông chồng gầy, chưa đến 50, một Ông trẻ hơn khoảng hơn 30 một chút.

Phóng viên (PV):

- Chị Mùi ở tỉnh nào vậy?

Chị Mùi:

- Gia đình tôi định cư tại tỉnh Krefeld, Tiểu Bang NRW. 

PV :

- Gia đình Chị có bao nhiêu người?

Chị Mùi:

- 9 người tất cả, 2 ông Chồng và 6 đứa Con với tôi nữa.

Chị nói 2 ông Chồng mà mặt tỉnh bơ, không ngượng ngùng gì cả !

PV:

- Chị làm sao đem cả 2 Ông sang bên này?

Chị Mùi:

- Tôi và Ông thứ 2 vượt biển cùng 2 đứa Con được tàu Cap Anamur vớt ngoài biển Đông.

Đến Đức tôi làm hồ sơ bảo lãnh ông Chồng thứ 1 và 4 đứa Con còn lại. Khoảng 1 năm sau thì Ông ấy và 4 đứa Con bay qua bên này .Dĩ nhiên là về nơi tôi đang ở, như vậy một Gia đình 9 người nên tôi nhờ Sở xã hội thuê cho 2 căn nhà Wohnung - Appartement liền nhau, rồi Chủ nhà đã giúp đỡ đập tường làm 1 cái cửa thông 2 căn.

PV:

- Chị vượt biên với 2 đứa Con là con ông thứ 2 hả? Chị Mùi:

- Làm sao biết con Ông nào? Đâu có thử ADN mà biết, nhưng thử để làm gì?

 Ông nào cũng vui vẻ nhận tất cả là Con, đều yêu mến chúng, hàng xóm ở Việt Nam cũng “Xì xào” nhưng thây kệ, còn ở Đức chẳng ai để ý chuyện “Vua bếp”, chung quanh đều là người Đức, họ sống rất vô tư.

Đến đây tôi muốn hỏi chị về chuyện Phòng the và không muốn 2 ông Chồng nghe nên đã mời Chị vào căn phòng trống bên cạnh.

PV:

- Chị lấy ông Chồng 2 khi nào?

Chị Mùi:

- VC vào Saigon , Anh ấy đang là Sinh Vên, học chưa xong, Ai cũng chật vật, Anh ấy cũng thế, ra chợ chạy mánh mung kiếm tiền nuôi Mẹ và các Em, gặp tôi, 2 bên dựa vào nhau, tôi hơn tuổi Anh ấy, bày cho Anh ấy đủ kiểu làm cho Anh ta mê mẩn.

PV:

- Chị nói bày cho Anh ấy đủ kiểu“ là lúc 2 người làm Tình hả?

Chị Mùi:

- Đúng rồi, trai mới lớn mà, tôi ra chợ buôn bán thì Ông chồng 1 phải ở nhà lo cơm nước, trông coi 3 đứa con nhỏ, được hơn một năm thì tôi có bầu đứa thứ 4.

PV:

- Con anh Thắng? Thắng là tên ông chồng thứ 2.

Chị Mùi:

- Ai mà biết được, tôi vẫn thường xuyên ngủ với cả hai Ông.

PV:

- Chị ngủ 2 Ông nằm 2 bên?

Chị Mùi:

- Không, mỗi lần một người thôi, Ông thứ 2 còn trẻ nên hăng lắm, đòi mỗi ngày, may là tôi có sức mới chiều nổi, còn ông Lâm lớn tuổi rồi, chỉ một tuần đôi ba lần, như thế đẻ Con ra biết là con Ông nào?

Nghe chị Mùi trả lời chẳng e dè gì cả, tôi càng khai thác thêm, ông Lâm là tên Ông chồng thứ 1.
PV:

- Chị thấy Ông nào làm Tình có bài bản hơn?

Chị Mùi:

- Tôi hỏi anh, các Ông chán cơm thì thèm phở, còn đàn bà chán cơm đâu có thể dễ dàng đi ăn phở được, chi bằng ta có nồi phở tại nhà muốn ăn lúc nào cũng có.

PV:

- Hai ông Chồng của Chị có ghen nhau không?

Chị Mùi:

- Không bao giờ, 2 Ông ngoan lắm luôn nhường nhịn nhau.

PV :

- Kể cả chuyện chăn gối?

Chị Mùi:

- Chuyện ấy là chính mà.

PV:
- Khai sinh các Cháu, tên Cha là ai?

Chị Mùi:

- Tên ông Chồng thứ 1 vì có hôn thú. Nhờ có hôn thú tôi mới bảo lãnh Ông ấy đấy.

PV:

- Chị có đọc chuyện Tàu không? Chị biết bà Từ Hi Thái Hậu, cuối đời nhà Thanh đã trên 60 mà còn nuôi 2 thanh niên mới 18 tuổi để phục vụ chuyện gối chăn đó, chắc Chị cũng biết điều này?

Chị Mùi:
- Tôi đâu biết chuyện Tàu ra sao, nhưng có 2 ông Chồng thì sướng thật, muốn lúc nào cũng được. Tôi thấy xã hội còn bất công, đàn ông lấy 2,3 Vợ thì không sao, đàn bà có 2 Chồng thì lên án, đàm tiếu, nói này nói nọ, nghe nhức cả đầu. Đám con do tôi sanh ra không bao giờ ganh tỵ hoặc tranh chấp, tài sản, của cải, còn Con của 2 Bà thì Bà nào cũng dạy con mình phải dành phần hơn về mình khiến cho Gia đạo bất hoà, làm trò cười cho thiên hạ, Anh có thấy Con của 2 Bà, không lúc nào hoà thuận với nhau vì 2 bà Mẹ đều ích kỷ . Còn như tôi, đâu biết đứa nào là Con ai mà xúi biểu Chúng nó tranh chấp.

PV:

- Chị nói có phần đúng, một Ông hai Bà hầu hết đều có bất hoà nhất là mấy đứa Con của 2 Bà, nếu có của ăn của để thì càng dữ tợn hơn
nữa, tôi biết một câu chuyện ở Đức, có Ông võ sư kia đem đám học trò vượt biển trong đó có một Nữ đệ tử, bà Vợ ông võ sư còn ở Việt Nam để chăm sóc Cha Mẹ chồng tức Cha Mẹ đẻ của Ông võ sư. Đến Đức, lâu ngày chầy tháng, Ông võ sư yêu Cô học trò sanh ra 3 cô Con gái, đến lúc này bà Vợ qua đoàn tụ gia đình mới ngã ngửa việc phòng nhì của Ông võ sư, điều tôi muốn nói là khi làm khai sanh phải có hôn thú mới khai được tên Cha tên Mẹ, trường hợp này chắc Ông võ sư đã dùng giấy hôn thú của bà Vợ, nhưng khi 3 đứa Con gái lớn lên thấy tên Mẹ không phải Mẹ mình, Người đã sanh ra mình, Chúng sẽ nghĩ như thế nào?

Tất cả các Ông có 2,3 Vợ đều làm những việc oan nghiệt mà không biết :

- Đời Cha ăn mặn, đời Con khát nước.

Đó là luật Nhân Quả ngàn đời không thay đổi.

Chị Mùi:

- Những Ông có 2 Bà là Vua nói sạo, lại còn chôm đồ nhà Bà lớn đem sang Bà nhỏ, không nói láo, nói dối thì làm sao có 2 Bà được.

Tôi rất thành thật khi gặp Ông chồng 2, rủ rê, rù quyến là cả một nghệ thuật, khi Ông ấy đã mê mệt thì nói sao cũng nghe.

Ông chồng 1 đã bị tôi bỏ bùa mê lâu lắm rồi nên  không có việc ghen tuông gì cả, Ông ấy xem Ông chồng 2 như Em út trong nhà.

PV:

- Cám ơn chị Mùi đã có cuộc trò chuyện hết sức cởi mở này.
                               ****************

Chau Nguyen  sưu tầm