Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

LÊNH ĐÊNH.

Ngồi bệt ở vỉa hè nhiều năm tháng mới thấy Sài Gòn sao lắm kiếp lênh đênh. Những ngày gần đây mưa rất nhiều không lối thoát, nước lai láng tràn ngập vỉa hè càng thấy thêm nhiều số phận lênh đênh. Có nước nhiều mới có lênh đênh, hết nước nôi lênh đênh kiểu gì? Nhiều ngày nay nước Kinh Tẻ sau mỗi cơn mưa dâng cao không rút nên không còn ngồi bệt được nữa vì sợ ướt đủng quần. Lại đứng lênh đênh. 

Những nhân vật lịch sử cũng thường lênh đênh. Năm 1933 ông Bảo Đại chỉ định ông Ngô Đình Diệm làm thượng thư bộ Lại. Nhưng chỉ làm được vài tháng thì ông Diệm xin từ chức sống kiếp lênh đênh suốt hai mươi năm.

Hai mươi mốt năm sau, vào năm 1954 quốc trưởng Bảo Đại đồng ý chỉ định ông Ngô Đình Diệm về nước làm thủ tướng để lập chính phủ mới tại Sài Gòn. Lúc ấy ông Diệm đã mấy năm ở Mỹ rồi ở Pháp. Suốt mấy tháng đầu năm 1954 hai ông Bảo Đại và Ngô Đình Diệm cùng ở Pháp nhưng không liên lạc với nhau vì ông Diệm sĩ diện và ông Bảo Đại không muốn dùng ông Diệm. Ông Diệm muốn được quốc trưởng Bảo Đại chính thức bổ nhiệm làm thủ tướng nhưng im lặng nhẫn nhục chờ mãi mà không thấy ông quốc trưởng nói gì. Rồi cuối cùng khi tình hình quân sự của người Pháp trở nên quá nguy kịch tại Đông Dương, Bảo Đại phải cắn răng gọi ông Diệm đến yêu cầu về Sài Gòn làm thủ tướng.

Ông Bảo Đại sau này viết: Lúc ấy trong các phe phái Quốc gia tôi không biết chọn ai ngoài ông Diệm. Biết rằng rất bất lợi vì tính ông Diệm khe khắt cực đoan, là một người tôn sùng Nho giáo nhưng ông ta lại quá ngoan đạo, chỉ biết trung thành với giáo hội Công giáo của ông ấy, trong khi dân Việt mình chẳng mấy người theo đạo Gia-tô. Nhưng lúc ấy người Mỹ chỉ đồng ý ủng hộ ông Diệm… nên tôi cũng chẳng biết làm sao.

Ông Bảo Đại đã từng làm việc với ông Ngô Đình Diệm mấy tháng tại Huế.  

Vào đầu năm 1933 khi ông Nguyễn Hữu Bài, đang làm thượng thư bộ Lại kiêm quan “tể tướng” trong triều đình Huế, ra sức ngợi ca giới thiệu ông Ngô Đình Diệm với vua Bảo Đại thì ông Diệm mới 32 tuổi. Theo ông Bài, ông Diệm dù còn trẻ nhưng rất giỏi dang, khi mới tốt nghiệp trường Hậu bổ đã được triều đình cho làm tri huyện Hải Lăng (Quảng Trị), quản đạo Ninh Thuận, tỉnh trưởng Bình Thuận. Ông Bài nói chỉ có ông Diệm mới có thể đủ tài năng làm thượng thư bộ Lại thay thế cho ông Bài.

Ông Bài nhấn mạnh tới công lao dẹp loạn của ông Diệm khi đang làm việc ở Ninh Thuận và Bình Thuận mấy năm gần đây khi bọn ly khai người Chăm và cộng sản địa phương nổi loạn. Nghe ông Bài nói khẩn trương một hơi dài nhưng ông Bảo Đại rất thờ ơ. Ông hỏi lại: Ông Diệm mới ra trường đã được bổ làm tri huyện, mới trên ba mươi đã làm tuần vũ, có phải vì ông ta theo đạo Gia-tô giống như ông hay không? Nay lại đưa ông ta lên làm thượng thư quá trẻ thì người ta có ý nghĩ gì không tốt về mình không?

Người ta đây là người Pháp.

Người Huế kể lại ông Bảo Đại không ưa thích những người đàn ông trong gia đình ông Diệm, và có lẽ ghét ông Diệm nhất. Làm quan khá thanh liêm nên cha ông Diệm là ông Ngô Đình Khả không giàu có lại bị bãi quan sớm. Các con trai của ông Khả như ông Khôi, ông Thục, ông Diệm, ông Nhu… do theo đạo Công giáo nên được giáo hội giúp đỡ lo chuyện học hành, nhưng không được đỡ đần tiền bạc. Họ sống khá cần kiệm thậm chí hà tiện, nhưng lúc nào cũng cố biến cái mặc cảm tự ti nghèo đói thành cái tự tôn khinh khỉnh của bọn con quan gia giáo có học. Bảo Đại thì rất phóng khoáng tự nhiên, nghe người ta nói nhiều về vẻ đạo mạo giả dối của anh em nhà Ngô Đình thì không thích.

Bảo Đại được triều đình và người Pháp cho sang Pháp du học từ nhỏ. Sống trong gia đình cha mẹ nuôi người Pháp khá đầy đủ, rất được nuông chiều, được chu cấp nhiều tiền để ngoài giờ học ra ngoài phố tiêu pha giải trí thoải mái. Sau này rất nhiều người chỉ chú ý tới dáng vẻ sang trọng ăn chơi của ông vua trẻ, hay bàn tán về thú vui săn bắn và tính chất đào hoa không thể thiếu vắng đàn bà một giây một phút của Bảo Đại… chớ ít khi nào họ đánh giá được con người thật rất phức tạp của ông này.

Hình như chỉ có ông Hồ Chí Minh là hiểu rõ được cái bản năng hấp dẫn chính trị đầy bcủa ông Bảo Đại nên năm 1945 đã cố gắng lôi kéo xử dụng ông Bảo Đại trong vai trò cố vấn một thời gian ngắn ở Hà Nội. Mà rồi ông Hồ nhanh chóng cảm thấy không yên tâm khi các giới chính trị ngoại giao trong và ngoài nước quá quan tâm tới một cựu hoàng Bảo Đại hết sức phong độ hơn là để ý tới một chính phủ Việt Minh gồm các thành viên ăn mặc nghèo nàn đang mời ông vua hết thời Bảo Đại làm cố vấn.

Nhận xét nhạy bén nên chỉ sau vài tháng ra Hà Nội làm cố vấn, Bảo Đại nhận ra rằng Việt Minh đang dần tìm cách xa lánh mình, ông tự an ủi: Chắc do mình đẹp trai sang trọng quá nên họ ganh ghét không ưa? Bảo Đại được học hành nhiều, cũng hiểu rất rõ quân chủ phong kiến lụi tàn và cộng sản mới nổi dậy đầy hãnh tiến cũng khó mà hòa hợp được. Thế nên, nhân một chuyến công cán nước ngoài do ông Hồ Chí Minh sắp đặt, ông Bảo Đại đi qua nước Tàu rồi lênh đênh ở Hongkong trong tình cảnh vô cùng thiếu thốn tiền bạc.

Tiền thì thiếu nhưng tình thì rất bao la. Làm cố vấn cho ông Hồ ở Hà Nội mấy tháng dù không có tiền bạc dư dã nhưng ông Bảo Đại cũng cặp kè được với một bà Bắc kỳ xinh quá đã. Lênh đênh qua Hongkong mới mấy ngày ông có thêm bà nữa làm nghề vũ nữ nổi tiếng sắc hương trong giới ăn chơi bên đó. Sau này có nhà báo phỏng vấn bà vũ nữ Hongkong sao biết ông Bảo Đại không tiền mà cứ bám theo, bà Tàu này thành thật trả lời: Yêu. Yêu muốn chết.  

Quay trở lại năm 1933.

Ông Nguyễn Hữu Bài người Quảng Trị và ông Ngô Đình Khả người Quảng Bình là hai vị quan lớn theo đạo Gia-tô biết tiếng Pháp và do người Pháp tiến cử làm việc trong triều đình Huế. Cả hai ông đều ra mặt chống đối người Pháp khi họ truất ngôi vua Thành Thái. Ông Ngô Đình Khả bị bãi quan trong khi ông Nguyễn Hữu Bài vẫn tiếp tục làm quan sau vụ việc đó. Người ta tìm hiểu thêm và biết ông Khả bị bãi quan là vì ông tự ý xây một nhà thờ Công giáo trong thành nội Huế chớ không phải vì vụ truất phế vua Thành Thái.

Ông Nguyễn Hữu Bài gả con gái cho ông Ngô Đình Khôi (là con trai trưởng của ông Ngô Đình Khả và là anh ông Diệm). Ông Bài coi ông Diệm như con nuôi và nâng đỡ ông Diệm trên con đường quan lộ nên ông Diệm thăng chức rất mau. Năm 1933 khi Bảo Đại muốn thay đổi các vị quan già theo Nho học bằng các quan trẻ biết tiếng Pháp thì ông Bài đã tiến cử ông Diệm làm thượng thư bộ Lại. Bảo Đại không thích lắm nhưng vẫn phải chấp nhận. Hỏi ông Bài: Ông Diệm làm thượng thư được không? Sao trẫm thấy ông ấy đàn ông không ra đàn ông mà đàn bà cũng chẳng ra đàn bà? Sao sao ấy?

Ông Bài giải thích: À… thưa hoàng thượng, trong dân gian người ta gọi những người như vậy là loại người có cốt tu đó hoàng thượng. Với sự phù hộ của đấng tối cao họ sẽ làm được tất cả. Vua Bảo Đại quay lại nhìn ông Bài cười bí hiểm: Cốt tu kể cả tu đạo có phù hợp với việc làm chính trị rắc rối hay không? Trẫm nghe khanh nói thấy còn nghi ngờ lắm. Lỡ ông ta làm việc không ra làm sao thì trẫm còn mặt mũi nào.

Thế nên ông Bài đã phải dành một quãng thời gian vận động thêm với người Pháp mới đưa được ông Ngô Đình Diệm từ Bình Thuận ra Huế làm thượng thư.

Năm 1933 Bảo Đại muốn thay đổi nhân sự cao cấp trong triều đình nhằm hướng tới việc cải tổ sao cho triều đình có thêm chút quyền lực hành chính. Học hành lâu năm từ Pháp về, nhà vua cảm thấy công việc bù nhìn của mình tại triều đình chán quá. Năm vị thượng thư già theo Nho học là Nguyễn Hữu Bài thượng thư Bộ Lại, Tôn Thất Đàn thượng thư Bộ Hình, Phạm Liệu thượng thư Bộ Binh, Võ Liêm thượng thư Bộ Lễ, Vương Tứ Đại thượng thư Bộ Công được cho nghỉ để thay thế bằng năm vị trẻ tuổi tài cao theo Tây học là: Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Ngô Đình Diệm và Bùi Bằng Đoàn.

Ý đồ thay đổi của Bảo Đại nhằm đòi hỏi người Pháp giao bớt quyền hành cho triều đình Huế nhắm nhiều vào chức năng bộ Lại (nội vụ) của ông Diệm. Ông Diệm cũng có đưa ra một số ý kiến đòi hỏi ngưởi Pháp phải thay đổi một số cơ cấu quản lý hành chính, cơ chế xét xử và cải cách chút ít nền tư pháp bảo hộ, tăng cường quyền bầu cử… cho Trung bộ (nhưng chắc chắn những ý kiến này thực sự là của vua Bảo Đại chớ không phải của ông Diệm).

Người Pháp dĩ nhiên là không thể đồng ý với bất cứ sự thay đổi nào, ông Diệm liền xin từ chức thượng thư về nhà đọc sách. Vua Bảo Đại hỏi ông Bài: Sao khanh nói hễ có cốt tu, tu đạo thì chuyện gì người ta cũng làm được? Chỉ có trở ngại một chút mà ông ấy đã bỏ ngang là sao?

Trong thâm tâm ông Diệm cũng không phục ông Bảo Đại, nên việc về nhà đọc sách là để tránh chạm mặt vua. Có lẽ anh em ông Diệm nghe người ta nói lén quá nhiều về lai lịch Gò Công của Bảo Đại. Ông Diệm khó tính cực đoan là vậy, lai lịch không rõ của nhà vua có liên quan gì tới chuyện làm thượng thư? Sống khắc khổ như một nhà tu, không quan tâm tới đàn bà… ông Diệm cũng khó lòng chấp nhận chuyện phóng túng của Bảo Đại.

Trong số những vị thượng thư trẻ theo Tây học làm việc tại triều đình Huế vào năm 1933 giống như ông Ngô Đình Diệm còn phải nhắc hai người khá nổi tiếng khác là Phạm Quỳnh và Bùi Bằng Đoàn.

Phạm Quỳnh là một nhà báo, một học giả nổi tiếng ở Bắc kỳ, người viết chính của Nam Phong tạp chí. Ông rất nổi tiếng với câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Nước ta hiện nay còn quá nhiều Kiều nên nước ta sẽ còn mãi. Cuộc đời và nhân sinh quan của Kiều theo quan điểm của các nhà Nho là không tốt, nên khi khen Kiều thì ông Phạm Quỳnh vô tình rơi vào thế đối lập với các nhà Nho xứ Bắc.

Phạm Quỳnh có khuynh hướng thân Pháp trong khi Ngô Đình Diệm luôn hướng về ông hoàng Cường Đễ (dòng dõi của Hoàng tử Cảnh, theo đạo Gia-tô và sống lưu vong bên Nhật). Phạm Quỳnh tiếp tục làm thượng thư và tiếp tục chơi thân với người Pháp trong khi ông Ngô Đình Diệm buông xuôi, lênh đênh chỗ này chỗ khác chờ người Nhật thắng thế ở Đông Dương sẽ giúp ông làm chính trị tốt hơn. Ông Diệm chờ đợi mười hai năm mà người Nhật cũng chẳng giúp ông.

Khi người Nhật sang Đông Dương vào khoảng 1939-1940 thì ông Phạm Quỳnh thân Pháp và anh em ông Diệm tôn sùng Nhật trở thành thù địch không đội trời chung. Tháng 3 năm 1945 Nhật làm đảo chính Pháp ở Đông Dương, họ tuyên bố trả chính quyền lại cho vua Bảo Đại. Ai cũng nghĩ ông Diệm sẽ làm thủ tướng… nhưng rồi cuối cùng người Nhật và vua Bảo Đại lại chọn ông Trần Trọng Kim, một nhà giáo lâu năm và là một học giả uyên thâm người Hà Tĩnh.

Nhiều ngưởi tin rằng Phạm Quỳnh đã vận động với Bảo Đại không chọn ông Diệm, người khác lại cho rằng người Nhật không thích ông Diệm do ông thiếu vóc dáng, thiếu tầm cở uy tín chính trị và cũng không biết ngoại giao. Cũng có tin do ông Diệm theo đạo Công giáo gốc nhưng người Nhật thì không thích đạo này.

Có sách nhắc tới chuyện hai ông Ngô Đình Diệm và Trần Trọng Kim vào tháng 3 năm 1945 cùng có mặt trong tổng hành dinh của người Nhật ở Sài Gòn. Người Nhật mời ông Kim vào phòng riêng và nói: Ông phải thu xếp ra Huế ngay vì hoàng đế Bảo Đại đang muốn gặp ông có chuyện gấp.

Ông Kim bước ra ngoài hành lang thì ông Diệm chạy tới nôn nóng hỏi: Ông có nghe họ nói gì về tôi không? Ông có nghe người Nhật nói bao giờ họ sẽ đưa ngài Cường Đễ về nước không? Ông Kim nói với ông Diệm: Người Nhật bảo tôi ra Huế ngay để gặp hoàng thượng có chuyện gấp. Ông Diệm thở hắt ra thất vọng: Họ bỏ rơi tôi rồi. Vậy mà họ bắt tôi ngồi chờ ở đây mấy ngày liền.

Khi nghe tin từ Huế báo vào ông Trần Trọng Kim đã được hoàng đế Bảo Đại chỉ định làm thủ tướng, ông Diệm rất chán nản: Ông hủ nho đó cộng với ông hoàng ăn chơi đó thì sẽ làm được gì?

Ông Diệm không được người Nhật đưa lên làm thủ tướng vào năm 1945 có lẽ đó là một điều rất may mắn, vì nội các của ông Kim tồn tại được có mấy tháng thì Bảo Đại giải tán hết để bàn giao chính quyền (chẳng có gì) lại cho Việt Minh. Do không làm thủ tướng nên ông Diệm vẫn còn nhiều cơ hội chính trị dành cho quãng thời gian sau này.

Cách mạng tháng Tám mới được vài ngày thì ông Phạm Quỳnh, ông Ngô Đình Khôi (anh ông Diệm từng làm tổng đốc Nam Ngãi) cùng với người con trai trưởng của ông Khôi là Ngô Đình Huân bị cán bộ Việt Minh bắt đem đi ra khỏi Huế, giết chết và chôn cùng một nơi. Hai kẻ thù chẳng đội trời chung lại bị giết và chôn chung một chỗ.

Sài Gòn có hai ngày 30 tháng tư chớ không phải chỉ có một ngày. Hai ngày 30 tháng tư cách nhau đúng 20 năm chẵn. Ngồi lần giở những trang sử vỉa hè mà sợ, vì sao những tháng ngày lịch sử trái ngang trùng hợp đến lạ lùng?

Năm 1954 khi chưa có hiệp định Genève phân chia hai miền Nam Bắc tại sông Bến Hải thì ông Diệm đã về tới Sài Gòn. Ở Pháp khá lạc quan nhưng vừa về đến Sài Gòn thì ông chán ngay vì người Pháp không ủng hộ ông và những người thân Pháp tìm cách chống lại ông. Cầm đầu quân đội Quốc gia là tướng Nguyễn văn Hinh nói tiếng Pháp giỏi hơn tiếng Việt, cầm đầu công an cảnh sát là tướng Bảy Viễn thủ lĩnh Bình Xuyên chuyên bảo kê sòng bạc, buôn bán ma túy, tổ chức mãi dâm. Hai người này cương quyết loại ông Diệm.

Quân đội của các giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài cũng không chịu theo ông Diệm. Nhiều lần ông Diệm chán nản muốn bỏ hết quay về Pháp. Thế nhưng ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và đức cha Ngô Đình Thục cố gắng thuyết phục ông Diệm ở lại. Sau một thời gian ông Diệm có thêm lực lượng gần một triệu người Công giáo Bắc di cư hậu thuẫn chế độ cùng với sự ủng hộ tài chính dồi dào của người Mỹ.

Tranh giành quyền bính khá quyết liệt với các phe phái rồi cũng có kết quả tốt nên dần dần ông Diệm vững tâm mà ở lại Sài Gòn.

Ngày 30/4/1955 là ngày sinh tử của ông Diệm. Ngày đó quân nhảy dù dưới quyền của ông Đỗ Cao Trí đang đánh nhau với lính Bình Xuyên tại khu Nhà Bè nhưng đang ngóng lệnh của tướng Hinh để quay về Sài Gòn lật đổ ông Diệm. Sáng đó các phe phái Quốc gia tụ họp tại Tòa đô chính Sài Gòn ra thông báo ủng hộ ông Diệm. Sáng đó tướng Nguyễn văn Vỹ cũng chỉ huy ngự lâm quân định kéo hết quân từ Đà Lạt về Sài Gòn lật đổ ông Diệm theo lệnh của tướng Hinh (đang công tác bên Pháp). Ông Vỹ cùng các cận vệ đến dinh thủ tướng làm áp lực yêu cầu ông Diệm phải ra đi.

Cũng may mắn là lúc ấy những người đang họp tại Tòa đô chính gần đó đã xong nên kéo tới dinh bắt sống ông Vỹ và giải vây cho ông Diệm. Nghe tin tướng Vỹ bị mấy người này bắt giữ, ông Đỗ Cao Trí đòi ngưng hành quân để kéo lính nhảy dù về can thiệp.

Ông Diệm phải nhờ tới sự ủng hộ nhiệt tình của ông Dương văn Minh mới giải quyết rốt ráo vấn đề. Ông Minh lập tức yêu cầu các đơn vị quân đội đang đóng quân hay đang hành quân ở Sài Gòn cam kết ủng hộ chính phủ ông Diệm, cũng ngăn không cho ông Trí di chuyển quân nhảy dù về. Ông Minh lý luận với các sĩ quan quân đội dưới quyền: Cả trăm năm nay người Pháp đã đô hộ nước ta. Nay ông Diệm mang lại cơ hội độc lập tại sao chúng ta chống lại?  

Tới chiều tối hôm đó mọi việc mới tạm ổn khi tướng Nguyễn văn Vỹ được dàn xếp ra đi êm thắm. Chuyện diệt Bình Xuyên, diệt Hòa Hảo… kể cả những chuyện cứu chế độ ông Diệm trong những giây phút hấp hối mà ông Dương văn Minh đã làm vẫn không làm vui lòng anh em ông Diệm, ông Nhu khoa bảng luôn chế nhạo ông Minh học ít: Thằng Minh tướng to như con voi nhưng óc nhỏ như con ruồi!

Nhiều năm ông Minh bị hai anh em ông Diệm sau khi vắt chanh bỏ vỏ cho ngồi chơi xơi nước. Lênh đênh.

Kể cả viên sĩ quan thân cận của nhà Ngô là ông Đỗ Mậu người Quảng Bình sau khi làm đại tá nhiều năm cũng không được thăng hàm tướng bởi bị ông Nhu chê: Thằng Mậu mới có diplôme (bằng cấp hai) mà đòi lên thiếu tướng cái chi? Không sợ bọn Hà Nội hắn cười à? Ông Nhu đâu biết ngoài kia người ta đâu có căn cứ vào học vấn hay bằng cấp để thăng hàm cấp tướng?

Ông Đỗ Mậu lý giải: Sự trịch thượng của ông Nhu xuất phát từ bằng cấp thì ít, mà xuất phát từ cuồng tín tôn giáo hay địa phương tính thì nhiều. Do ông Minh là người Nam lại theo đạo Phật nên anh em ông Diệm không hề tin tưởng. Ông Mậu là đồng hương nhưng theo Phật giáo nên cũng không thể tiến thân.

Thế nên… thù oán chất chồng thù oán mà ông Minh đã ra lệnh giết chết ông Diệm và ông Nhu vào sáng ngày 2/11/1963. Sau ngày đảo chính làm chính trị chưa được bao lâu ông Minh lại bị đám tướng lĩnh trẻ tước hết quyền lực rồi đẩy ra nước ngoài cho tới đầu thập niên 1970 mới được về lại Sài Gòn. 

Lẽ ra ông nên lênh đênh tới cuối đời lại hay. Nhưng ngày 28/4/1975 ông lại đòi lên làm tổng thống.

Ông Minh là tổng thống cuối cùng ở Sài Gòn. Ngày 30/4/1975 là ngày chế độ Sài Gòn dưới quyền ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Người sĩ quan cao cấp nhất của phía Hà Nội mang cấp bậc đại tá có mặt tại dinh Độc Lập vào sáng ngày 30/4/1975 tiếp xúc với ông Dương văn Minh là nhà báo quân đội Bùi Tín. Ông Minh sống tại Sài Gòn thêm mấy năm thì được ông Võ văn Kiệt can thiệp xin qua Pháp.

Ông Bùi Tín là con trai của ông Bùi Bằng Đoàn từng làm thượng thư năm 1933 dưới triều vua Bảo Đại cùng với ông Ngô Đình Diệm và ông Phạm Quỳnh.

Sau này, nhân một chuyến công tác Âu Châu thì ông Bùi Tín không quay trở về nước nữa. Ở lại bên đó, ông Bùi Tín viết được khá nhiều. Sống lưu vong ở Pháp chắc ông Tín cũng có dịp tiếp xúc trở lại với ông Minh.

Nếu gặp nhau chẳng biết hai người đã nói gì? Bởi lúc đó cả hai người cùng rất lênh đênh.

17/10/2017.
Fb Momentary

Không có nhận xét nào: