Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Sướng khổ áo quần.



Học hành ngáp ngáp được ba năm, cuối năm 1983 tôi bị cô giáo chủ nhiệm cho ở lại lớp. Biết sao giờ, mình học dốt quá nên thi rớt đó mà! Buồn vì chuyện học hành bê trễ kéo dài, cơ hội xin việc sớm để có tiền tiêu càng khó khăn. Cũng rất lo khi phải đi học thêm một năm nữa thì lấy gì mà sống, quần áo mới đâu ra mà mặc?

Mình buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Cuối năm 1983 thấy Sài Gòn tiêu điều nhợt nhạt do thiếu lương thực, thiếu viện trợ và nhất là thiếu điện chiếu sáng vào mỗi đêm suốt mấy năm liền, các con đường lớn và nhất là các hẻm nhỏ thường tối om om từ lúc mới chạng vạng tối.

Điện ở Sài Gòn bị cúp hay bị yếu thường không được thông báo trước, trong thuật ngữ ngành điện gọi là blackout (cúp điện) hay brownout (điện yếu), còn cúp luân phiên theo kế hoạch thì được gọi là rolling blackout.

Nghe người lớn kể lại: Tối om om do cúp điện hay thiếu điện ở Sài Gòn suốt thời chiến tranh 1954-1975 là rất hiếm khi xảy ra, chỉ trừ khi nào có chiến sự lớn hay có chính biến thì Sài Gòn mới phải cúp điện vài giờ. Sau vài giờ cúp thì đèn điện lại sáng tưng bừng. Sài Gòn ngày trước sáng như một viên ngọc chắc nhờ đèn điện sáng choang chứ chắc chưa hẳn vì nó là một viên ngọc thực, bởi suy xét lịch sử mới thấy trong lòng nó luôn chất chứa quá nhiều cát bụi.

Những ngày tháng đó, rất nhiều người Sài Gòn muốn ra đi, vì Sài Gòn u ám quá, chắc cũng một phần do cúp điện hay yếu điện. Nhưng muốn bỏ đi nước ngoài thì cũng phải có vàng, có tiền… mới đi được.

Thời gian trôi nhanh, những câu chuyện ngày cũ giờ đây đã trở thành những kỷ niệm buồn vui, có khi hằn sâu sắc trong ký ức hay có khi đã đi vào quên lãng. Những chuyện còn nhớ được, về già mỗi lần ai hay chính mình nhắc lại lòng bỗng thấy tưng tưng.

Nói chung, những dư vị buồn vui của một Sài Gòn khó nhọc sau ngày hòa bình sẽ khó mà quên được, bởi nó ấn tượng, có khi nó gây đau đớn, có khi nó làm mình buồn cười mà cũng có khi làm lòng mình buồn rười rượi... mỗi khi nhớ lại.

Mấy người chung ký ức Sài Gòn với tôi vào thời gian đó bây giờ có khi đã đi xa thật, xa không phải chỉ về không gian mà xa cả thời gian… Nay ngồi nghĩ lại, thấy đời người sao giống như những chiếc lá vàng rơi. Mình chắc cũng sắp rơi…

Áo quần thời khổ... 

Hồi về lại Sài Gòn cuối năm 1980 tôi có hai cái quần kaki cũ từ thời còn làm trong nhà nước cứ thế mà vá đụp vá chằng mặc đi học, áo cũng còn hai cái cũ. Hai bộ áo quần dù đã cũ và rách nhiều chỗ, nhưng suy nghĩ thế là cũng tươm tất lắm rồi. So với những người nghèo đói ở nông thôn miền Nam mà tôi biết vào lúc ấy… mình cũng còn chưa đến nỗi nào.

Năm 1980 tôi ghé ngang Bến Cầu tỉnh Tây Ninh nghỉ chân trên đường tìm về lại Sài Gòn, thấy có người đàn ông mặc quần đùi ngắn củn cởn may bằng vãi của bao bột mì Liên Xô. Lại chứng kiến có người đàn bà bán quán nước lớn tuổi đang cởi trần chắc vì phải nhường áo cho con gái mặc… Thằng bạn trời ơi làm bộ mắng yêu cô con gái: Lẽ ra em phải biết hy sinh để cho má được ăn mặc tươm tất một chút, em còn trẻ thì ăn mặc sao cũng được, sao lại giành áo của má để má phải cởi trần? Sao em không đưa áo cho má mặc?

Gặp cô gái thuộc loại không vừa, cô đốp chát lại ngay: Má em bắt em mặc áo đó, má nói má già rồi có cởi trần đưa vú ra ngoài cũng không sao. Còn nếu em cởi trần thì chắc mấy anh nổ con mắt thành thương binh hết, tội nghiệp cho mấy anh.

Hai mẹ con dựng quán bán thứ nước ngọt tổ hợp hổ lốn cùng các thứ bánh trái rẻ tiền trên con đường ven biên giới. Chắc họ quá nghèo nên không thể đi ra khỏi nơi đây. Hay là vì không thể cởi trần đi khỏi nơi đây?

Bà già nghe con gái đối đáp liền cười hềnh hệch giơ nguyên hàm răng sún góp lời: Mấy thằng mày ghê lắm, tao già háp cởi trần mà có thằng còn lén nhìn tao đăm đăm như muốn ăn tươi nuốt sống, con gái tao mà cởi trần chắc tụi bây thành quỉ quá! 

Nói xong bà già lấy bàn tay dơ chùi vào bộ ngực nhăn nheo đi bỏ đi vào phía trong. Thằng bạn nói lén: Tay bà già mới bốc bánh cho tụi mình ăn rồi bả chùi lên ngực tụi bây ơi!

Từng thấy những cảnh đó nên dù chỉ có hai bộ quần áo cũ để đi học, tôi vẫn tự an ủi hai bộ quần áo mà biết giữ gìn cho khéo thì cũng có cái thay ra thay vào đến trường đến lớp với người ta. Với lại, nhìn lại mấy đứa em trai ở nhà thì cũng chẳng đứa nào có đồ mới để mà mặc đi học, có đứa tuổi đã mười bảy mà phải mặc bộ đồ củn cởn của tuổi mười ba, thấy mình có hai bộ quần áo cũ để đi học cũng còn tốt chán.

Tôi mặc bộ áo quần kaki như thế tới trường. Các bạn trẻ thuộc các gia đình có điều kiện thì được mặc quần áo thay đổi liên tục. Mấy năm khó khăn đó thấy có chị đã biết mặc quần jean áo pull, có chị biết mặc đầm xòe đi học. Còn tôi thì năm năm 1980-1985 cứ đồ rách đồ cũ mà chơi.

Cuối năm 1981, bà chị bạn dì tình cờ gặp tôi lóc cóc đạp xe đạp đi học trên con đường Đinh Tiên Hoàng thơ mộng với cái quần kaki rách, bà thương hại nói để tao may tặng cho mày một cái quần tây đen và một cái áo sơ-mi mới để đi học với người ta. Ít gì cũng là sinh viên đại học, không nên mặc quần áo vá đùm vá chụp, cũng không nên mặc đồ may bằng vãi bao bột mì Liên Xô viện trợ, loại vãi bao bì này ưa sinh rệp cắn ở mấy khe kín rất ngứa ngáy. 

Bà chị bạn dì của tôi lúc ấy vừa đang học đại học, vừa học may vá quần áo cho đàn bà con gái trong xóm chợ Lăng Cha Cả nhằm kiếm chút đỉnh tiền xài.

Quần tây đen bà chị bạn dì mới may cho, mặc được một hai lần tới trường thì tôi phải bỏ ở nhà vì bạn bè cùng lớp cứ nhìn tôi mà cười cợt. Bà chị ấy may quần tây đen cho tôi giống y như quần lĩnh bóng của đàn bà, có gắn thêm cái dây kéo fermeture ở một bên hông, mỗi lần muốn đi tiêu đi tiểu tôi cũng chẳng biết phải làm sao cho tiện.

Cái áo màu đỏ nâu của bà chị tôi mặc đi học được suốt mấy năm, mặc hoài thành thương hiệu cho tới lúc tuổi già. 

Mấy chục năm sau tình cờ gặp lại một chị bạn cùng trường, chị còn nhắc: Hồi đó em nhớ anh có cái áo màu nâu đỏ mặc hoài suốt mấy năm học, tới bây giờ đã mấy mươi năm rồi mà em vẫn còn nhớ rõ cái màu là lạ của cái áo. Ủa, sao hồi đó ngày nào anh cũng mặc cái áo màu đỏ đó hoài được vậy?

Tôi thở dài: Tội nghiệp tôi lắm cô ơi. Hồi thời nghèo đói đó cứ tối tối là tôi phải cởi trần nhúng nước cái áo màu nâu đỏ rồi phơi hong ra gió cho kịp khô để sáng mai có cái áo khô mà đi học tiếp. Hồi đó nhà nghèo làm gì có xà bông để giặt đồ, chỉ dùng nước trơn để nhúng áo rồi phơi gió, thế nên áo lâu ngày phải có mùi hôi.

Hồi đó vô trường tôi ít dám đứng hay ngồi gần mấy cô bạn trẻ đẹp xinh cùng trường cùng lớp lắm, tôi thường ngồi một mình ở chiếc bàn cuối lớp, chắc ngồi một mình để tự ngửi mùi mình. Chắc cũng vì vậy mà suốt mấy năm học tôi không dám nói yêu ai, thậm chí riết rồi thành người xa lạ với đám bạn gái trong lớp trong trường. Tôi chỉ dám đứng xa xa nhìn ngắm người ta để rồi vẽ lại. Nhiều người không biết chuyện lại khen: Thằng này chỉ lo học, không tới trường để yêu đương gái gú bậy bạ, chắc nó phải học giỏi lắm đây.

Giỏi con khỉ gì! Hết năm thứ ba là tôi bị lưu ban đó cô. 

Cô bạn: Tội nghiệp anh quá đi! Ừ... mà anh nói anh đứng xa xa nhìn ngắm chúng em rồi anh vẽ. Vậy anh vẽ cái gì vậy?

Tôi: Thì vẽ bậy vẽ bạ đó mà! Giờ già quá rồi hết nhớ được.

Năm năm học trôi qua tôi luôn đứng xa xa ngắm đàn bà con gái. Ngày ra trường tôi ra chợ đồ cũ mua một bộ áo quần tàm tạm để có thể bỏ áo sơ-mi vô thùng mà đi xin việc. Cũng lăn qua lộn lại mấy cơ quan, từ Sài Gòn rồi xuống tỉnh tìm việc này việc kia hết mấy tháng, cuối cùng được nhận vô cảng Sài Gòn đi xà-lan.

Làm nghề sông nước thì được phép ăn mặc khá tự do, xà lan nóng nực nên tôi hay mặc trần xì cái quần xà-lỏn hay cái quần chip đi đi lại lại trên boong tàu kiểm tra hàng hóa hay thiết bị tàu. Lâu lâu về Sài Gòn mới phải khoác vội bộ áo quần bảo hộ lao động lên văn phòng ký giấy tờ. Suốt hai ba năm sau khi ra trường, chuyện ăn mặc quần áo cho chỉnh tề không quan trọng lắm vì ngoài hiện trường sông nước nóng bức chủ yếu là cởi trần.

Cởi trần hồi đi xà lan trên sông là vì nóng bức, chứ không phải vì hoàn cảnh nghèo bắt buộc phải cởi trần để nhường áo cho con gái như bà già bán nước ngọt ở Bến Cầu mà tôi biết năm nào.

Áo quần thời sướng...

Sau này… tôi được phân công lên bờ làm đại lý hàng hải để quản lý công việc xuất nhập cảnh các tàu biển nước ngoài đến Sài Gòn, Vũng Tàu bốc xếp hàng xuất nhập khẩu. Cơ quan bắt buộc tôi phải ăn mặc quần áo chỉnh tề để đi đối ngoại. Bắt đầu có chút tiền nên tôi có thể mua quần jean áo thun áo sơ-mi bỏ vào quần tây kéo fermeture phía trước. Biết thắt nịt da gọn gàng, biết mang giày tây đánh xi bóng để làm việc với người nước ngoài, biết mang cặp Samsonite.

Nhưng dù có tiền rồi tôi cũng còn giữ một thói quen rất kỳ cục từ thuở hàn vi là không thể thoải mái khi mặc đồ mới hay đồ lớn được, không thể mang cà-vạt lâu vì mỗi lần mang cà-vạt tôi có cảm tưởng như đang bị ai thắt cổ hay bóp cổ không nói tiếng Anh trơn tru được. Làm kinh tế đối ngoại nhiều năm nhưng suốt cuộc đời làm việc của tôi chỉ có một cái áo vest duy nhất hồi năm 1989 may để mặc trong đám cưới, lâu lắm khi nào có dịp rất quan trọng tôi mới lấy chiếc áo vest này ra mặc thêm một lần.

Thường tôi chỉ mặc chiếc áo vest khi nào ra phi trường Tân Sơn Nhất hay phi trường Nội Bài đón các đoàn đại biểu hàng hải ngoại thương sang làm việc hay sang ký hợp đồng với cơ quan.

Cái áo vest duy nhất để đối ngoại của tôi bị một lỗ thủng nhỏ, do vào ngày đám cưới khách uống nhiều rượu bị say, họ hút thuốc rồi vô ý gạt tàn thuốc vào, cái áo vest bị cháy một lỗ nhỏ nằm phía bên vạt áo trái phía trước. 

Hồi còn làm cho nhà nước vào năm 1990, tôi được cơ quan phân công tiếp đoàn đại biểu của một hãng tàu Pháp sang Việt Nam mở tuyến tàu container nối kết cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn của Việt nam và cảng trung chuyển Singapore. Nếu nối kết được thành công thì hàng xuất khẩu của Việt nam sẽ được chuyển đến tập trung tại Singapore, và rồi từ Singapore có thể đi khắp các cảng trên thế giới. Hãng tàu này cũng dự định xây mới cảng container Tân Thuận. Tôi mặc áo vest đón khách và làm việc mấy hôm.

Công việc đối ngoại tiếp khách của tôi cứ trôi trôi như vậy với cái áo vest duy nhất bị lủng một lỗ cho tới khi tôi bỏ nhà nước ra ngoài làm cho tư nhân vào năm 1995.

Năm 1997 tôi thay mặt cho hãng tàu Ben Line Agencies của Singapore đi tiếp đón ông giám đốc tiếp thị một hãng tàu container của khối Ả Rập muốn mở tuyến tàu nối Sài Gòn, Hải Phòng với mấy nước Trung Đông. 

Tôi lại mặc chiếc áo vest này đi ra phi trường đón khách.

Ông giám đốc tiếp thị của hãng tàu Ả Rập bây giờ té ra chính là ông giám đốc marketing của hãng tàu Pháp ngày trước đã gặp tôi năm 1990. Vừa check-in xong, ra khỏi phòng khách của phi trường gặp tôi đứng cầm bảng tên đứng đón, ông này ghé tai tôi nói nhỏ: Đã mấy năm rồi nhưng khi mới nhìn thấy ông tôi đã nhận ra ông ngay.

Tôi hỏi nịnh: Sao ông tài quá vậy? Tôi nghĩ nhận xét của ông tinh tế, trí nhớ của ông thật là tốt, chắc hồi nhỏ ông học hành giỏi lắm? Chắc ông chưa bao giờ thi rớt ở lại lớp?

Ông Tây cười hóm hỉnh trả lời: Chẳng có gì tài năng cả. Tôi nhận ra ông vì ông cũng còn mặc cái áo vest bị cháy một đốm ở vạt phía trước này. Nói xong, ông lấy tay chỉ vào chỗ lỗ thủng trên vạt áo trước của tôi. Rồi ông tiếp: Với lại ông chẳng bao giờ chịu mang cà-vạt cả. Người châu Âu tiếp khách lúc nào cũng ráng thắt cái cà-vạt. Người châu Âu rất ngạc nhiên khi thấy người ta trang trọng ra sân bay đón mình mà không thèm mang cà-vạt. Bảy tám năm rồi tôi thấy ông vẫn vậy.

Tôi nhột lắm nên định sau chuyến đó sẽ may một cái áo vest mới để thay cho cái áo vest cũ bị lủng một lỗ vì cháy tàn thuốc.  Cũng tự nhủ với lòng mình sẽ mang cà-vạt thắt cổ thường xuyên. 

Định vậy thôi chứ chưa bao giờ làm, vì năm nay là năm 2021 rồi, kiểm tra lại tủ quần áo tôi vẫn chỉ có một cái áo vest duy nhất mà thôi, áo này may vào năm 1989 khi tôi mới cưới vợ, cái áo bị lủng một lỗ.

Năm 1989 khi tôi lần đầu tiên biết mặc áo vest để đám cưới và sau đó biết mặc áo vest để đi đối ngoại tiếp đón khách nước ngoài… thì trong suy nghĩ của tôi: Sài Gòn sắp thay đổi, sắp bắt đầu một thời gian mới khởi sắc, sắp chấm dứt mười lăm năm tối om om.

Tôi theo dõi trong hồi hộp lo lắng và rồi thấy Sài Gòn bắt đầu từ năm 1989 đã bớt brownout và blackout, kinh tế Sài Gòn bớt u ám nên lượng người gốc Hoa và người Việt tìm cách vượt biên nhằm đi tìm một đời sống tốt đẹp hơn ở nước ngoài đã bắt đầu giảm hẳn. Và một hai năm sau thì chuyện vượt biên có lẽ đã chấm dứt.

Năm 1991 khi có được đứa con trai đầu lòng, tôi nhủ lòng: Nhứt định không để cho thằng nhỏ này phải khổ sở vì quần vì áo như mình thời đi học 1980-1985. Nó sẽ có đủ quần đủ áo thay đổi mà đi học cho khỏi mặc cảm với bạn bè. Ta cũng sẽ nhớ rất kỹ, ta sẽ may cho mày một loạt quần tây mới toanh mà không có cái nào phải kéo fermeture ở bên hông.

Momentary Notes
27/5/2021

Không có nhận xét nào: