Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Ne me quitte pas!

Momentary notes

Khi vào tiếp quản Sài Gòn vào tháng Năm 1975, có lẽ hai mặt hàng mà mấy người lính miền Bắc muốn tìm mua nhiều nhứt là cái đài chạy bằng transitor bán dẫn (là cái máy thu thanh, dân Sài Gòn gọi là cái ra-dô/ radio) và cái đồng hồ đeo tay. 

Lúc đầu tôi thấy lạ, cuối năm 1976 được phân công lên vùng cao công tác… tôi mới thấy rõ hai vật mình cần có nhứt vào lúc đó cũng chính là cái đồng hồ và cái radio. Chắc tôi giống như mấy anh bộ đội ngoài Bắc hồi giữa năm 1975 rồi. Nhưng có vài điểm khác biệt, người ngoài Bắc thích xài đồng hồ Seiko tự động automatic của Nhựt-bổn có cửa sổ ghi ngày tháng, còn tôi rất thích loại đồng hồ hiệu Poljot lên dây cót bằng tay của Nga, chắc do cái vỏ ngoài của Poljot trông cứng cáp bền chắc hơn Seiko, nghĩ mình có lỡ va chạm mạnh cũng sẽ không làm đồng hồ bị đứng kim.

Radio thì người vùng ngoài thường gọi là cái đài. Nghe nói trong thời gian chiến tranh 1954-1975 dân ngoài Bắc chỉ được nghe một đài Hà Nội do nhà nước độc quyền phát thanh thôi, nếu bị công an bắt quả tang đang lén nghe đài Sài Gòn hay nghe đài nước ngoài có khi bị đưa đi cải tạo mút chỉ cà tha. Có lẽ sau 1975 chính quyền có nhiều chuyện quan trọng hơn cần phải làm nên họ không còn để ý kiểm soát gắt gao chuyện dân lén nghe đài nào nữa. Nên cứ bỏ tiền ra mua một cái radio của Nhựt-bổn, của Mỹ hay của Hà Lan… rồi muốn nghe đài gì thì cứ một mình len lén mà nghe, nhưng nhớ vặn volume nho nhỏ đừng cho hàng xóm biết là được rồi. 

Đồng hồ để xem thời gian mà làm việc cho đúng qui định, như tôi hồi mấy năm đó cứ sáng sáng bảy giờ mở cửa làm việc cho tới mười một giờ trưa rồi chuẩn bị thu xếp đồ nghề gọn gàng để tự lo bữa ăn trưa, chiều làm việc từ một giờ tới bốn giờ… xong xuôi đóng cửa ra ngoài đi lang thang kiếm nhà quen quen nào đó gần gần trong vùng mình đang làm việc để xin góp gạo góp khoai ăn ké buổi chiều. 

Ăn một mình buồn lắm, ăn chung với nhiều người càng đông càng vui, có dịp nói chuyện qua lại với nhau cho mình đỡ cô đơn. 

Bữa cơm chiều vùng cao thời đó thiếu gạo và thiếu đạm. Ăn chung với người ta hay nghe người ta hỏi: Sài Gòn có gì lạ không? Chắc họ biết tôi có cái đài vặn eo éo suốt ngày ở chỗ mình đang làm việc.

Tôi trả lời: Nghe trên đài sáng nay nói tình hình không có gì lạ. Nhân dân đang hào hứng thi đua lao động sản xuất sáng tạo để xây dựng thành công... Người ta liền ngắt lời: Mấy cái đó tôi biết hết rồi! Ý tôi hỏi là Sài Gòn lúc này số người vượt biên có nhiều dữ hôn? Có thiếu ăn dữ hôn? Mấy người bị đưa đi học tập cải tạo được thả về nhà nhiều chưa?

Tôi: Trên đài có nói tới mấy cái chuyện đó đâu mà tôi biết để mà trả lời cho mấy người? Hỏi mấy câu dễ chết không à.

Nghe đài... ngoài việc để nghe những tin tức mà ai ai cũng đã biết theo ý muốn của chính quyền... còn để sáng sáng chúa nhật tôi đón nghe chương trình nhạc nước ngoài theo yêu cầu của thính giả. Suốt từ năm 1976 tới năm 1980, mỗi sáng chúa nhật đài phát thanh Sài Gòn có phát chương trình nhạc nước ngoài theo yêu cầu (không biết có ai yêu cầu thiệt hay không, hay là đài phát thanh tự nói vậy cho xôm tụ). 

Nhạc nước ngoài phát từ đài phát thanh nhà nước ở  Sài Gòn phát về các tỉnh suốt năm năm đó chỉ có mấy bài tủ cho tới nay tôi vẫn còn nhớ hoài: Triệu đóa hoa hồng, Kachiusa, Đôi bờ… và một hai bài nhà nước chọn của Tây của Mỹ như Đồng xanh, Ngôi nhà mặt trời mọc, Papa… Chương trình nhạc này thời lượng chỉ có nửa tiếng đồng hồ từ mười giờ sáng cho tới mười giờ rưỡi ngày chúa nhật. Phát đi phát lại mấy bài đó cho tới hết giờ rồi thôi. Suốt năm năm cũng chỉ có chừng đó bài. 

Quên nữa, còn có bài Thuở ấy tuổi thanh xuân, nhạc Liên Xô do anh Chung Tử Lưu ca... 

Nghe mấy bài hát đó tôi không thích chút nào nhưng cứ phải nghe mãi cho nó đỡ buồn. Bài tôi thích thì họ đâu có phát. Nói cho cùng, ở vùng sâu vùng xa không có gì để giải trí, một tuần nghe mấy bài đó phát đi phát lại trên đài mình cũng cảm thấy đỡ đỡ buồn. Có còn hơn không. Có thêm tiếng người dù là tiếng người từ cái radio mình cũng cảm thấy đỡ cô đơn...

Nhứt là vào mấy ngày mưa bão dầm dề, sống một mình mà không có cái đài phát tiếng e-e chắc mình chết sớm quá.

Ban ngày nghe đài nhà nước. Tới tối đóng kín cửa hay kiếm chỗ nào vắng vẻ nghe đài VOA hay đài BBC phát bằng tiếng Việt... để biết thêm đôi chút về mấy người nghệ sĩ Sài Gòn nổi tiếng, ai còn ở lại trong nước và ai đã bỏ đi nước ngoài. Biết thêm được chút đỉnh tình hình thế giới đang thay đổi ra sao. 

Mấy năm đó mấy đài đặt bên Trung Quốc phát sóng cực mạnh trên nhiều tần số, họ tuyên truyền chống đối chính quyền Việt Nam khá gay gắt. Có đêm nghe một đài lạ nói ông Nguyễn Cao Kỳ mới lén đi trực thăng từ Mỹ về Lâm Đồng rồi nhảy dù xuống Cầu Đất để chuẩn bị họp hành với các lãnh đạo dân tộc thiểu số của mặt trận Fulro… Tối đó tôi nín tiểu cả đêm không dám bước ra khỏi trạm đi vệ sinh vì lúc đó mình đang làm việc và ở ngay trong trạm y tế Cầu Đất.

“Trên đài có gì lạ không anh?”

Ở Cầu Đất, ở Bảo Lộc, ở Long Khánh, ở Bến Tre rồi Tây Ninh... suốt năm năm dài đã có bao nhiêu người hỏi tôi câu đó khi họ nhìn thấy tôi hay nghe đài. Khá nhiều người hỏi bởi vì họ không hề biết tôi vặn đài lên cho có tiếng người thôi chớ tôi đâu có lắng nghe được gì... Cho tới giờ tôi không nhớ hết được bao nhiêu người đã hỏi mình: Trên đài có gì lạ không anh? Nhiều người hỏi tôi câu đó đã không còn ở Việt Nam lâu rồi. Họ đã bỏ ra đi với nhiều lý do, không biết có ai ra đi vì muốn ra nước ngoài để được nghe tin tức radio thiệt là nhiều và nghe nhạc vàng cho nó đã? 

Có khi vì phải nghe đi nghe lại mấy cái tin tức một chiều ngày này qua ngày khác, phải nghe mấy bài nhạc cũ mèm dở ẹc không thể chịu đựng nổi nữa nên họ đã bỏ đất nước này mà ra đi? Tôi không gặp lại bọn họ nên tới giờ tôi không rõ lắm. 

Có nhiều người tôi không quan tâm tới chuyện họ đi hay họ ở, nhưng cũng có nhiều người khi họ bỏ ra đi đã làm tôi buồn rầu có khi buồn ít có khi buồn nhiều tới phát khóc... Hồi đó mình còn trẻ, còn sung nên tình cảm bạn bè khác phái hay tình cảm trai gái yêu đương lai láng có nhiều hơn mức bình thường một chút chắc cũng không có gì là lạ. 

Có người bỏ ra đi nhưng mình cảm thấy hết sức dửng dưng, có người bỏ ra đi đã làm mình nức nở gào lên như cố nhạc sĩ Jacques Brel: Đừng bỏ tôi ở lại một mình! Je ne quitte pas!

Cái đài và cái đồng hồ đeo tay thân thiết với tôi cho tới cuối năm 1980. Về tới Sài Gòn thì tôi không cần chúng nữa vì ở Sài Gòn phố xá lúc đó đông người qua lại, nhiều người vẫn còn đeo đồng hồ, mình không biết bây giờ là mấy giờ thì có thể hỏi thăm người này hay hỏi nhờ người khác. 

Ra ngồi ngoài quán cà-phê sẽ biết được nhiều tin tức hay ho sốt dẻo hơn là ngồi căng tai ra nghe tin tức của các đài nhà nước. Tại các quán cà-phê cóc hay các nơi bạn bè tụ tập đàn ca thường có máy cassette để mình nghe lại các bản nhạc vàng Sài Gòn thời trước 1975 hay nhạc tình của Tây. Ở đó, ngồi nghe những bài nhạc nước ngoài sướt mướt cảm thấy thoải mái hơn là nghe chương trình nhạc yêu cầu được phát trên đài. Năm 1980 Sài Gòn tuy rất nghèo tiền nghèo gạo nhưng các bài nhạc vàng trong dân gian đã phong phú khá tự do nhờ các băng nhạc cassette chui. Nói vậy chớ đừng hứng quá, vặn volume to quá là coi chừng có chuyện.

Nhạc trước 1975 hay sau 1975 đều có bài hay bài dở. Thời nào cũng có người hát hay và người hát dở ẹc. Mỗi người nghe cũng có các sở thích rất khác nhau... 

Có bài hát tôi thích nghe hoài mấy chục năm, nghe từ hồi còn học trung học cho tới lúc bị banh-ta-lông cũng còn rưng rưng nước mắt mỗi lần nghe. Đó là bài Đừng bỏ tôi ở lại một mình/ Ne me quitte pas! Chắc là vì bài hát đó hợp với tâm trạng cuộc đời mình, cả cuộc đời mình chưa hề biết bỏ rơi ai mà chỉ bị người khác xù.

Năm năm 1975-1980 tôi gắn bó với cái đài và cái đồng hồ. Năm năm 1980-1985 tôi gắn bó với trường với lớp...

Cuối năm 1980 tôi vào học chung một lớp Anh văn với mấy anh chị trẻ có già có. Bên nam lớn tuổi có anh Hậu, anh Xá, anh Lân, anh Lâm, tôi (Momentary Notes) và anh Nguyễn Tuấn trưởng lớp. Nam sinh viên trẻ tuổi hơn có các anh Nghiêm, Hiếu, Lượng, Thảo, Hùng, Hiệp, Bửu, Lương Tuấn. Sinh viên nữ khóa 1980 thường là từ lớp 12 thi lên thẳng đại học, họ ít tuổi hơn so với bên nam, có các chị Kim Nguyên, Bích Thu, Thu, Dung, Lý, Trầm Hương, Thanh Hương, Thanh Nhàn, Lan Hương, Đoan Hậu, Ngọc Nhâm, Mỹ Hạnh, Hạnh, Thanh Hoa, Vân Anh, Bích Ngân…

Nhiều bạn đã đi ra nước ngoài sinh sống, nhưng tính ra vẫn còn quá phân nửa ở lại Việt Nam.

Một người mất sớm do tai nạn giao thông là anh Hậu, còn đa số cả nam lẫn nữ nghe nói vẫn còn đang rất mạnh khỏe sống phây phây, chỉ một hai người ngáp ngáp giống như tôi.    

Các thầy cô dạy lớp Anh văn Tổng hợp năm học 1980... tôi vẫn còn nhớ rõ. Thầy Bách, thầy Xiêm đã bỏ Sài Gòn ra đi khá sớm, thầy Diệm ở lại dạy học và đã mất trên chục năm rồi. Các cô giáo đều trẻ tuổi. Đã ra nước ngoài sống như cô Hải, cô Loan, cô Thuý. Ở lại còn cô Nguyệt và cô Hạnh...

Các cô giáo dạy lớp chúng tôi vào năm 1980 khá trẻ tuổi, chắc tuổi họ chỉ xấp xỉ bằng tuổi của tôi thôi. Họ nhỏ tuổi hơn anh Hậu, anh Xá. Sau 1975 vì thiếu giáo viên tiếng Anh, trường đã đưa các sinh viên vừa mới tốt nghiệp xuống dạy học cho các lớp dưới. Còn mấy anh học trò già vì hoàn cảnh này khác sau năm 1975 phải bỏ học vài năm mới được cho đi học lại, nên khi bước vào lớp cuối năm 1980 có trò lớn tuổi hơn các cô giáo trẻ.

Cũng không biết khi các cô giáo trẻ bỏ trường bỏ lớp bỏ Sài Gòn ra đi, có anh học trò già nào đã gào lên nức nở: Ne me quitte pas!

Không có nhận xét nào: