Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

CỔ TÍCH NGÀY 30/4

BỐ VỚI BA
Truyện ngắn Lại Văn Long

Lần đầu ra Bắc, lòng tôi rộn ràng cảm xúc. Miền Bắc buồn buồn bước ra từ những trang lãng mạn của Tự lực văn đoàn, từ lời ca mộng mị đẫm sương gió tiền chiến, từ khổ đau bần hàn, uất nghẹn của văn chương hiện thực phê phán.
Miền Bắc chỉ tươi vui, sáng sủa hơn qua nghệ thuật nhờ khói lửa cuộc chiến tranh chống Mỹ. Rồi có cả miền Bắc thì thầm, dằn vặt trên Internet với quá khứ bị giấu diếm…
Từ sân bay Nội Bài, ông anh cọc chèo lái ô tô đưa gia đình tôi thẳng về quê nhãn Hưng Yên. Nhà bên vợ tôi cũ mới lẫn lộn. Căn nhà ba gian mái ngói rêu phong, cột kèo mòn mỏi từ mấy đời trước để lại giờ nhỏ bé, thấp lè tè sau lưng căn nhà lầu mới kiêu kỳ. Bà ngoại của hai con tôi vẫn chít khăn mỏ quạ, ngày ngày ngồi xỉa trầu trên bộ phản cũ kỹ đặt trên nền gạch Tàu ẩm mốc bên cạnh bàn thờ gia tiên và di ảnh của chồng. Bà từng vào Sài Gòn ở với vợ chồng tôi được non tháng thì nằng nặc đòi về vì nhớ quê. Hà vợ tôi học xong đại học công tác Hà Nội vài năm rồi chuyển vào Sài Gòn. Chị Cả hơn Hà một giáp bất đắc dĩ đóng vai “trai trưởng” ở lại nhà từ đường chăm sóc cho mẹ đã gần tám mươi. Thấy thằng em rể và hai đứa cháu từ miền Nam ra, chị dốc toàn lực phô trương sự giàu có nhờ nghề buôn gỗ Lào. Ngoài căn nhà lầu bề thế, chiếc ô tô Hàn Quốc mới coóng, trên người chị lấp lánh bông tai dây chuyền vàng chóe và nhẫn khắp ngón tay. Lúc đón chúng tôi chị tươi cười trong quần bò áo phông hàng hiệu.
Một tiếng đồng hồ sau là hàng lụa may theo kiểu Thượng Hải, tóc búi cao. Buổi chiều là tóc ngang lưng, váy ngang đùi trẻ trung, hớn hở. Hôm sau, hôm sau nữa, chị cứ liên tục diện đồ mới ba bốn lần mỗi ngày, đến mức Hà phải thốt lên:
- Chị giống diễn viên quá, mỗi cảnh một bộ.
Chị cười hãnh diện:
- Hai cháu đều có gia đình, nhà cửa ở Hà Nội rồi, chúng đang đưa vợ con đi du lịch nước ngoài. Chị bây giờ thoải mái, ăn chơi thôi.
Anh An chồng chị rất hiền. Suốt mấy ngày chỉ thấy anh quần cộc áo thun ngồi ở bộ ghế chạm trổ như ngai vua, rít thuốc lào sòng sọc.
Con gái tám tuổi, con trai bốn tuổi của tôi há hốc, mê mẩn nhìn đám khói cuồn cuộn anh phun ra như phép màu trong chuyện cổ tích. Ba ngày ở chung nhà, anh rất ít lời, trong lúc chị Cả réo rắt từ sớm đến khuya. Sợ chúng tôi nghĩ anh ấy thiếu nhiệt tình, chị phân bua:
- Tính anh là vậy. Có khi chị làm ăn trúng mấy trăm triệu, anh chẳng nói gì, một nụ cười cũng không.
Ngày giỗ bố vợ tôi, mâm cúng được đặt dưới gian từ đường cũ.
Tôi hỏi chị Cả:
- Sao không đưa các cụ với bố lên nhà trên thờ?
Chị bảo:
- Mẹ cho chị xây nhà nhưng không cho dời bàn thờ, dù tầng trên em thấy đấy chị đã cho làm gian thờ hoành tráng.
Tôi không hỏi thêm, cùng với Hà lo bày mâm cúng. Chị Cả lấy trong tủ thờ ra một khối vuông vuông, phủ vải đỏ thận trọng đặt bên cạnh mâm cúng.
Chị hỏi vợ tôi:
- Cái Hà còn nhớ cái này không?
Hà lật tấm vải, đó là cái radio khá lớn với vỏ nhựa màu đen và quai xách bằng kim loại trắng. Hà mân mê cái đài, đôi mắt mơ màng.
Buổi chiều, khách dự giỗ về hết và việc rửa dọn đã xong, Hà với chị Cả lại lau chùi thật kỹ cái đài trước khi phủ vải đỏ, bọc nylon và cho nó vào một thùng các tông để cất giữ. Họ làm tỉ mỉ, thận trọng, nét mặt thiêng liêng, kính cẩn. Tôi từ nhà trên bước xuống thấy hai chị em đã lau xong đài, đang tẩn mẩn dùng bông gòn với cồn lau mấy cái đĩa than rồi bỏ vào những cái bao giấy cứng của nó…
Thì ra đây là cái radio kèm máy hát đĩa.
Chị Cả ngoắc tôi lại:
- Hải, đến đây xem báu vật của gia đình mình. Quý hơn nhà lầu, ô tô, vàng bạc đấy em.
Tôi mỉm cười ngán ngẩm trò khoe của của bà chị vợ nhưng cũng ghé ngồi xuống phản, kéo cái đài đã lau sạch bóng đến ngắm nghía, rờ rẫm. Ngón tay tôi bỗng rờ trúng một chỗ khuyết trên cái gờ bên hông đài, cùng lúc đó là linh cảm kỳ lạ nhóa lên làm tôi choáng váng, tê rần hai bên thái dương.
Tôi hít một hơi sâu để lấy lại bình tĩnh, hỏi chị Cả:
- Trong bộ đĩa kèm theo cái đài này có đĩa cải lương “Bà chúa ăn mày” phải không chị?
Chị gật đầu, tim tôi đập thình thịch, tôi hấp tấp hỏi tiếp:
- Cái bao giấy của đĩa đó có hình một chàng trai đứng cạnh công chúa và một ông nài ngồi bên cạnh con voi quỳ?
Chị lại gật đầu, tôi hụt hơi lắp bắp:
- Cả ba người trong hình bìa đó đều bị vẽ râu bằng mực bút nguyên tử (bút bi) xanh phải không chị?
Chị Cả lôi trong đống lộn xộn ra cái đĩa mà tôi cần tìm.
Tôi cầm lên, hổn hển:
- Thấy chưa, cả ba người trong hình đều bị vẽ râu… nét mực đã mờ nhưng vẫn thấy.
Bây giờ đến lượt chị em Hà kinh ngạc, Hà ngơ ngác hỏi:
- Thế là sao hở anh?
Tôi ngây ngất với cảm xúc đang dâng trào nói như bà đồng bị ma nhập:
- Sau lưng nó có hộc chứa sáu cục pin lớn, bên trong hộc có khắc chữ… “phương”… nhất định là chữ “phương”.
Vừa nói tôi vừa hấp tấp lật úp cái đài, mở hộc pin ra và… cả ba người cùng rú lên khi chữ “phương” được khắc vào nhựa còn rất rõ.
Hà nhìn chồng lo lắng:
- Mặt anh sao tái ngắt thế?
Tôi quờ quạng quơ lấy ly nước của ai đó trên phản, nốc cạn rồi cất giọng hụt hơi:
- Chính anh… vẽ… râu… chị… Hai khắc tên… nó là của gia đình anh từ… hơn ba mươi năm trước.
*
* *
Sài Gòn giải phóng được ba tháng thì bố về. Hà năm tuổi được bố chia quà là con búp bê mềm mại tóc vàng, đôi mắt xanh trong veo biết nhắm lại khi nằm xuống. Búp bê kêu oe oe như một đứa bé thật khi bị bóp vào bụng. Khuê đã mười bảy tuổi, tóc dài chấm lưng, áo trắng cổ lá sen, sung sướng, hãnh diện đứng tới tai bố. Bố hai tay ôm vai hai chị em rồi quay sang hỏi Khuê:
- Em có búp bê, còn chị thích gì nào?
Khuê nắm mấy ngón tay của bố:
- Con thích bố, bố về là con đã có tất cả.
Bố hôn tóc Khuê rồi cười sảng khoái:
- Con sẽ có cái… khó tin lắm.
Bố buông hai chị em, lôi cái hộp bìa cứng cột dây chằng chịt đặt lên bộ phản giữa nhà, thong thả tháo các nút buộc. Ngoài lớp bìa cứng là lớp nylon xanh lá cây rất dày, rồi đến quần áo lính của bố xếp chèn để chống va đập, bên trong là tấm vải dù bọc khối vuông vuông.
Bố lại mở tấm vải dù.
- Ồ. Một cái đài to. Cả làng chưa ai có cái đài to thế này.
Ba mẹ con cùng reo lên.
Bố chẳng kịp thay đồ, cái nón cối còn trên đầu, khăn mặt vắt trên cổ, mồ hôi đầm đìa trên mặt, ướt sũng lưng áo, xăng xái dẹp hết bao bì, phủi thật sạch mặt phản rồi khe khẽ đặt cái đài lên tấm vải dù trải rộng. Bố ấn cái nút, mặt trước máy hở ra rồi hạ xuống vuông góc với thân máy. Bố lật đật lục lọi ba lô lôi ra một chồng đĩa nằm trong những tấm bìa cứng và đặt một đĩa vào vòng tròn trong bụng máy vừa phơi ra. Bố nhấc trong hốc máy ra cái cần vuông dài cỡ gang tay đặt lên mép đĩa rồi… ấn nút. Cái đĩa kỳ diệu xoay tròn rồi bất ngờ phát ra âm nhạc thánh thót. Ba mẹ con tròn mắt kinh ngạc. Lúc này nhiều bà con trong làng nghe tin bố về cũng đến thăm khá đông, căn nhà càng huyên náo với tiếng nhạc phát ra từ cái đài lớn. Ai cũng trầm trồ, xuýt xoa, thán phục. Bố vui như chưa bao giờ được vui, hối mẹ đun nước pha trà rồi lấy ra mấy phong bánh kẹo miền Nam mời mọi người. Bà con đến nghe nhạc, nghe cải lương đến nửa đêm.
Trong nhà có bao nhiêu đèn dầu, nến đều được thắp lên sáng rực. Cái đài hát không nghỉ, bố phải thay hai suất pin mới. Từ chiều đến khuya bố chẳng được ăn gì ngoài bánh kẹo với nước trà, nhưng vẫn rất vui. Khi bà con đã về hết, bố mới làm bát cơm với chén canh rau nấu cua đồng. Bố ăn ngon lành, nhìn bố Khuê thấy thương quá. Khuê lấy nón lá quạt cho bố bớt nực.
Bố ở nhà được hai tuần rồi lại vác ba lô về đơn vị. Bố đi rồi, nhà trống lạnh, ban ngày cũng chẳng còn ai đến xin nghe đài, nghe nhạc.
Đêm đêm, mẹ tiết kiệm pin nên chỉ cho mở đài mười lăm phút… đỡ nhớ bố. Khuê thích nhất là đĩa cải lương “Bà chúa ăn mày”, mỗi ngày nghe một đoạn, nghe mãi nên hát lại được cả tuồng cải lương dài dặc. Học xong lớp sáu, Khuê ở nhà phụ mẹ chăm bà nội, chăm em.
Bà mất, Khuê cũng trưởng thành, làm hợp tác xã nông nghiệp kiếm thêm công điểm để được chia lương thực cho gia đình. Năm 1984, Khuê lấy chồng, bố về được hai tuần lo đám cưới cho con.
Bố nói với Khuê:
- Cả đời bố đánh giặc, luyện quân. Ngoài căn nhà từ đường ông bà để lại, bố mẹ chỉ có cái đài này là quý nhất, cho con như chút hồi môn để nhà chồng khỏi khinh.
Khuê giãy nảy:
- Con đi, bố cũng đi, nhà buồn lắm, mẹ với cái Hà phải có cái đài nghe cho vui.
Mẹ cũng ép Khuê, thế là Khuê đành xách đài về nhà chồng. Rồi nhà chồng lục đục, Khuê lại mang đài, mang chồng về ở với mẹ.
Năm 1985, bố là trung tá trung đoàn phó hy sinh ở biên giới phía Bắc, được đưa về trên xe quân đội.
Một năm sau đó mẹ bàn với Khuê:
- Con làm nông vất vả quá, hay là bán cái đài lấy tiền học may, có cái nghề đỡ cực tấm thân?
Khuê òa khóc:
- Có đi ăn mày con cũng không bán cái đài của bố.
Năm 1988, Hà đậu đại học Ngoại thương, Khuê lẳng lặng ôm cái đài với bộ đĩa đi bán để em có tiền mua bộ quần áo tươm tất lên Hà Nội nhập học. Đêm đó, Khuê về muộn, thảy ra phản xấp bạc rồi ba mẹ con ôm nhau khóc. Khuê thắp nhang, khấn:
- Ngày mai con sẽ đi buôn, bố linh thiêng phù hộ cho con kiếm được tiền chuộc cái đài về.
Hai năm sau Khuê quay lại chợ huyện tìm đúng cái nhà đã mua đài của mình. Họ đã bán cho người khác, Khuê lại đi tìm. Vòng vèo mãi rồi ra tận Hải Phòng, Khuê mới gặp được người chủ cuối cùng của cái đài. Lúc này thị trường đã tràn ngập radio cassette, ông chủ đã vui mừng khi có người đến mua cái máy hát đĩa lạc hậu.
Ngồi trên xe đò về Hưng Yên, cái đài nặng trịch trên đùi, Khuê khóc mấy lần vì sung sướng, mãn nguyện…
Chị cả Khuê kể xong câu chuyện dài, hai mắt đỏ hoe, Hà thút thít khóc, mẹ ngừng nhai trầu, đôi mắt già nua ngấn lệ.
Chị quay sang tôi:
- Lúc ở nhà Hải cái đài còn mới và đẹp lắm nhỉ?
Tôi sờ lên nhãn hiệu National gồ lên mặt trước đài, nhấp hớp trà đặc quánh để cơn xúc động trôi ngược vào lòng. Chẳng hiểu sao tôi hỏi chị:
- Những ngày về phép, bố thích nghe ca nhạc hay cải lương?
Chị lắc đầu:
- Bố chỉ thích nghe tin tức, nghe đài bê bê xê với đài Hoa Kỳ…
Mẹ thở dài chép miệng:
- Đó là đài địch, bị cấm.
Bố chỉ nghe lúc khuya. Ông ấy trùm chăn kín đầu rồi ôm cái đài mở thật nhỏ, đứng ngay cạnh giường cũng chẳng nghe được.
Tôi sửng sốt:
- Giống y ba con, mỗi lần nghe đài Giải phóng ba cũng trùm mền như vậy.
Mẹ hỏi:
- Thế lúc ấy ông cụ làm gì?
- Dạ… ba là… kẻ thù của bố.
*
* *
Ba là hạ sĩ bộ binh, giẫm phải mìn trong một cuộc hành quân làm chân trái cụt đến gối. Ngày ba từ quân y viện Cộng hòa về, mấy mẹ con khóc như mưa, nhưng ba lại phấn chấn:
- Được giã từ vũ khí rồi, sướng quá.
Ba đặt ba lô xuống, mở cái hộp các tông xách bên tay không chống nạng, hối ba đứa con:
- Mở ra đi.
Chị em tôi lao vào gói quà, hối hả banh nó ra, ngắm nghía vuốt ve cái radio kiêm máy hát đĩa do Nhật sản xuất.
Đó là năm 1974, tôi vừa tròn mười tuổi, chị Hai Phương mười sáu và thằng út mới sáu tuổi. Ngày đó tôi cũng rờ rẫm khắp thân máy và phát hiện một mảnh vỡ bằng móng tay ở đường gờ bìa trái máy. Tôi la lên, ba cười:
- Bạn của ba mua hơn ba chục ngàn, mới xài hơn năm, giờ để lại cho ba chỉ mười lăm ngàn. Rẻ chán, mẻ một miếng cũng không sao.
Má nhìn ba lo lắng:
- Mười lăm ngàn bằng cả tạ gạo, tiền đâu trả nổi?
Ba lại cười, chỉ vào cái chân giả:
- Tiền ở đây nè, chính phủ trợ cấp phế binh.
Gia đình tôi ở nhà mướn, má ngày ngày lẽo đẽo gánh xôi chè bán dạo. Chị Hai chỉ được học hết tiểu học rồi ở nhà phụ đãi đậu, vo nếp, giã đậu phộng. Má đi bán từ sáng sớm, chị nấu cơm, tắm rửa, giặt giũ và chăm hai đứa em. Lúc trước nhìn mấy đứa bạn trong xóm mặc áo dài đi học, chị buồn lắm.
Nay có cái radio kiêm máy hát, chị vui suốt. Chị thích chương trình Nhạc yêu cầu trên đài Sài Gòn và thường viết thư yêu cầu bài hát “em ước mơ mơ gì tuổi mười ba, tuổi mười bốn”… do ca sĩ cùng lứa tuổi với chị ca.
Chị ôm cái máy cả ngày, lúc nào nghe nhà đài xướng tên mình, chị lại nhảy cẫng lên reo hò như trúng số độc đắc rồi chạy sang hàng xóm khoe ầm ĩ. Tối đến chị mới chịu nhường má nghe cải lương. Lúc cả nhà sắp đi ngủ là phiên ba nghe tin tức.
Ngày Tết ba mở đĩa hài “Ba ông thầy bói”, cả nhà cười ngả nghiêng rồi lại bùi ngùi với bài “Xuân này con không về”. Tôi nghe mãi mấy cái đĩa đến thuộc lòng, nhớ rõ đĩa nào bị vấp ở đoạn nào để nhấc cần lên, cho cây kim vào sâu hơn. Mỗi đĩa đều có bìa in hình nghệ sĩ và phần giới thiệu tuồng tích, bài hát.
Tôi phá phách dùng bút vẽ thêm râu ria vào các hình bìa nên bị chị Phương dùng thước gỗ khẽ vào tay…
Lúc đó nhà tôi sống ở khu số Bốn, thị xã Đà Lạt.
Chiều chiều má đi bán xôi chè về, lôi túi tiền giấu ở thắt lưng ra đếm, toàn bạc lẻ nhàu nhĩ. Má đưa một nắm, tôi chạy ra tiệm mua hai ký gạo đựng trong cái túi giấy tận dụng từ vỏ bao xi măng mang về. Đó là lương thực cho cả nhà vào ngày mai.
Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến ngày Đà Lạt giải phóng. Tôi thích nhất là khi chính quyền cách mạng đến yêu cầu bà chủ nhà không được thu tiền thuê trọ của gia đình tôi nữa. Họ gọi đó là bóc lột và dọa sẽ tịch thu nhà nếu còn ngoan cố bóc lột. Bà chủ người Bắc di cư, có nhiều con là cảnh sát, công chức, sĩ quan của chế độ vừa tàn lụi nên sợ cách mạng hơn sợ cọp. Nhưng ba má tôi rất tự trọng, vẫn lén trả tiền thuê nhà cho bà.
Cuộc sống khó dần lên nên chẳng còn nhiều người ăn xôi với chè. Má vào rừng lấy củi đem ra chợ đổi gạo. Khoai lang trong nồi cơm độn ngày càng nhiều hơn, đến lúc mỗi miếng khoai chỉ còn dính vài hột cơm.
Những bộ quần áo lành lặn của ba, những cái mùng, cái mền còn tốt của gia đình lần lượt được đem ra chợ trời. Tôi mới mười một tuổi phải bỏ học, sáng sớm vo nắm khoai khô nấu nhừ với muối, theo má vào rừng Cam Ly chặt củi. Chị Hai ở nhà chăm sóc cái chân cụt ba đang mưng mủ gây sốt và lo cho thằng út. Ba cắt dây kẽm gai làm thành đôi gióng bé tí, đẽo khúc tre nhặt đâu đó thành cây đòn gánh. Gánh củi tí hon xếp đầy chưa được một ôm, nhưng cũng đủ làm tôi kiệt sức vì đói và chặng đường thăm thẳm từ rừng về phố.
Rồi đến lúc má đổ bệnh.
Cả nhà chia mấy củ khoai luộc cầm cự. Đêm đó chẳng ai ngủ được vì đói, má ngồi dậy vặn to ngọn đèn dầu,
bàn với ba:
- Ngày mai đem cái “radô” (radio) đi bán.
Chị Hai tốc mền bật dậy, khóc nức nở:
- Đừng má ơi, ba hứa con lấy chồng, sẽ cho con mà.
Ba vuốt tóc chị Hai, nghẹn ngào:
- Ba xin lỗi con.
Thứ gì cũng bán nên giờ cả nhà năm người phải co ro, chen chúc trên cái giường mét sáu với một cái mền mỏng tanh, vá víu. Còn mấy cục than mót được trong rừng, má đốt chậu lửa để dưới gầm giường cho ấm. Thút thít một lát chị Hai bỗng đổi ý:
- Thôi bán đi để lấy tiền mua gạo cho em, mua thuốc cho ba.
Sáng hôm ấy tôi vừa mở mắt ra đã thấy chị Hai ngồi bệt dưới nền xi măng lạnh buốt, lau chùi cái “radô”.
Mấy tháng nay bà chủ nhà cắt điện và không còn tiền mua pin nên chị chẳng thể nghe nhạc, cái máy đứng trên đầu tủ buồn hiu. Tôi vừa bước xuống giường, chị ngoắc lại, chỉ vào cái hộc pin của máy:
- Chị dùng cây kim to này hơ lửa khắc tên vào đây. Ngày nào đó chị sẽ tìm lại được nó.
Má cho máy và bộ đĩa nhạc vào một cái bao bố rồi xách ra chợ. Tôi đi theo má ra đến cửa bỗng nghe chị Hai khóc thảm thiết nên quay vào, thấy ba ngồi bất động, cắn môi. Tôi mếu máo dỗ dành chị:
- Đừng khóc nữa, mai mốt lớn lên em đi làm có tiền mua lại cho.
Má dắt tôi ra khu Hòa Bình, trải cái bao bố xuống vỉa hè rồi đặt cả máy lẫn đĩa lên. Má con bó gối ngồi đợi.
Buổi sáng Đà Lạt thật lạnh, cái bụng đói làm tôi nôn nao muốn ói… Nhiều người đi qua ghé lại xem máy rồi lại bỏ đi. Mỗi lần như thế má lại thở dài rồi quay sang hỏi tôi:
-“Con đói lắm phải không? Lát bán được má mua cho cái bánh bao”…
Đến gần trưa có ông bộ đội dỏng cao, da ngăm trạc tuổi ba đến. Ông đeo ba lô, khẩu súng ngắn xệ xệ bên hông. Trời Đà Lạt âm u nhưng ông vẫn đeo kiếng đen và quàng cái khăn mặt qua cổ.
Ông săm soi cái máy thiệt kỹ, đưa tiền nhờ má đi mua pin về thử đi thử lại. Má đòi mười lăm ngàn tiền cũ (lúc này vừa đổi tiền xong) ông trả bảy ngàn… tám ngàn… rồi lấy lại sáu cục pin bỏ đi. Lát sau ông quay lại mím môi trả mười ngàn. Má vẫn chưa bán, ông lại bỏ đi. Cuối cùng ông quay lại lúc trời đã đứng bóng với giá mười một ngàn tức hai mươi hai đồng tiền mới. Trả tiền xong, ông phấn khởi bỏ bộ đĩa vào ba lô, rồi lấy sợi dây dù cột máy lại đeo trên cổ.
Tôi cầm nắm tiền miền Bắc với những tờ bạc nhỏ xíu, lạ lẫm mà lòng buồn vô hạn.
Có lẽ giờ này chị Hai vẫn khóc ở nhà. Má quệt nước mắt, đội nón lá, gấp cái bao bố kẹp vào nách rồi kéo tôi đi. Má mua chục ký gạo hết hai ngàn đồng, chai xì dầu, mớ rau và ba con cá hấp bằng ngón chân cái. Số tiền còn lại mua thuốc cho ba. Trưa đó nhà tôi được bữa cơm trắng có rau luộc chấm nước cá kho rất… “sang”. Trừ thằng út vô tư giành nguyên con cá, cả nhà dù đói suốt mấy ngày, chính xác hơn là đói dồn mấy tháng vẫn không nuốt nổi cơm. Nhìn chị Hai sụt sùi, tôi buông chén cơm ra vỉa hè giấu nước mắt.
Khi tôi kể xong, đêm khuya lặng, cột kèo trong nhà từ đường bỗng kêu răng rắc. Mẹ run run đến thắp nhang cho bố:
- Đúng là trời có mắt, Phật dẫn đường cho thằng Hải về làm rể nhà mình ông ơi.
Chị Khuê rót cho tôi chén trà bốc khói:
- Ngày đó người trong làng cứ đồn cái đài là “chiến lợi phẩm” bố thu hoạch được từ nhà tư bản bóc lột đáng ghét nào đó trong Sài Gòn. Ai ngờ nhà đó giống hệt nhà này.
Tôi cũng bùi ngùi bộc bạch:
- Sau năm 1975 trong Nam có bốn chữ “vào - vơ - vét - về” để nói xấu cán bộ miền Bắc. Em cũng từng ấm ức như vậy. Bây giờ mới hiểu. Bố với ba đều là người cha tội nghiệp.
*
* *
Ngày gia đình tôi chuẩn bị ra sân bay trở vào Sài Gòn, những thùng nhãn lồng Hưng Yên xếp đầy cốp ô tô của anh An. Lúc bịn rịn chia tay, chị cả Khuê bất ngờ trao cái đài với bộ đĩa đã đóng gói kỹ lưỡng cho tôi, vui vẻ bảo:
- Chị được giữ nó mấy chục năm ngoài này rồi, giờ đến lượt chị Hai Phương trong đó. Bố với ba ở chín suối sẽ cùng vui em à.
Tôi rưng rưng đưa hai tay nhận lại kỷ vật gia đình, ngước mắt lên thấy chị Cả sao giống chị Hai đến lạ.
Lúc này chị mặc đồ bộ giản dị với cái áo cổ lá sen đặc hữu miền Bắc. Trông chị thật đẹp, thật hiền, thật chân tình hệt như người chị phải bỏ học thay mẹ chăm sóc anh em tôi suốt những năm ấu thơ nghèo khó.
Tôi muốn nói tự đáy lòng: “Em thương chị…”
nhưng không cất nổi lời.
Trên đường ra sân bay, lòng tôi bồng bềnh. Nhìn lại làng quê miền Bắc, thấy thân thương vô cùng
Truyện ngắn của Lại Văn Long

Không có nhận xét nào: