Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

THẦY TUỆ SỸ, VÀ KÝ ỨC VỀ 55 NĂM TRƯỚC...


 Hôm qua, nhà thơ Chim Hải gửi cho mình mấy tấm ảnh chụp thầy Tuệ Sỹ trong dịp nhà thơ gặp thầy ở Sài Gòn cách đây mấy hôm. Cảm ơn Chim Hải rất nhiều.
Chim Hải gửi message: "Thầy Tuệ Sỹ gửi lời thăm anh T." Và Chim Hải viết thêm: "Thầy nói biết anh T từ lúc anh T chừng 5, 6 tuổi".
Thật vậy, đã 55 năm rồi mà ký ức của thầy Tuệ Sỹ vẫn chính xác.
Mình nghe ba mình kể lại rằng mình đã gặp thầy Tuệ Sỹ lần đầu tiên vào năm 1961, tại chùa Hải Đức (tức là Phật Học Viện Nha Trang). Lúc đó mình 5 tuổi, được ba má đem lên chùa để thụ lễ quy y với Hoà thượng Thích Trí Thủ (lúc đó thầy Trí Thủ là Giám Viện của Phật Học Viện Nha Trang). Mình được nhận pháp danh "Nguyên Tú". Từ đó, suốt cả tuổi thơ cho đến lớn, mình đã gặp lại thầy Tuệ Sỹ nhiều lần... Suốt mấy chục năm nay, dù ở hai góc trời xa nhau biền biệt, mình vẫn luôn luôn gặp lại thầy Tuệ Sỹ trong thơ và nhạc...
Nhân đây, mình kể thêm một chuyện vui. Sau khi mình thụ lễ quy y được hai năm, thì đến năm 1963, cũng tại chùa Hải Đức, ba của mình cùng thi sĩ Quách Tấn và bác Nguyễn Văn Xung đã đem anh Phạm Công Thiện đến thụ lễ quy y với Hoà thượng Thích Trí Thủ. Anh Thiện được nhận pháp danh "Nguyên Tánh". Vì thế nên anh Thiện hay nói đùa rằng ở ngoài đời thì anh Thiện là anh của mình; nhưng trong Phật giáo, mình và anh Thiện đã quy y cùng một thầy, và mình là "sư huynh" của anh Thiện. :-)
===========================
KỂ TIẾP: :-)
Vì bà xã vừa yêu cầu kể tiếp chuyện vì sao anh Phạm Công Thiện được thầy Trí Thủ ban cho pháp danh “Nguyên Tánh”, nên mình bèn kể tiếp… :-) Chuyện như thế này:
Lâu lâu, khi nghe bọn mình nhắc đến anh Thiện, thì ba mình lại kể rằng hồi đó anh ấy đến nhờ thi sĩ Quách Tấn giới thiệu cho anh ấy được quy y tam bảo, nói gọn là “muốn vào chùa đi tu”. Thi sĩ Quách Tấn mới dẫn anh Thiện đến gặp ba mình, nhờ ba mình giúp, vì ba mình rất thân với thầy Trí Thủ. Thế rồi ba mình cùng thi sĩ Quách Tấn mới dẫn anh Thiện lên chùa Hải Đức để yết kiến thầy Trí Thủ…
Sau một hồi hỏi han, trò chuyện với anh Thiện, thầy Trí Thủ nói với ba mình rằng anh Thiện rất thông thái, tài hoa, nhưng có lẽ anh Thiện không đi tu được, vì tánh nết của anh ấy quá “nghệ sĩ”, phóng túng, khó mà giữ kỷ cương, giới luật.
Ba mình mới nói lại cho anh Thiện nghe như vậy, nhưng anh Thiện cứ khăng khăng quyết tâm đòi “đi tu”, nên ba mình mới xin thầy Trí Thủ hãy cho phép anh ấy quy y tam bảo. Thầy Trí Thủ nói: “Thôi thì cứ để cho cậu ấy tu thử. Biết đâu lại có duyên tu.” Rồi thầy xem lịch và hẹn ngày cho anh Thiện thụ lễ quy y.
Đến ngày đó, ba mình cùng thi sĩ Quách Tấn và bác Nguyễn Văn Xung đem anh Thiện lên chùa Hải Đức để thụ lễ quy y. Thầy Trí Thủ ban cho anh Thiện pháp danh “Nguyên Tánh”.
Sau lễ quy y đó, trong khi uống trà và nói chuyện với thầy Trí Thủ, ba mình mới hỏi vui: “Có phải thầy đặt pháp danh cho Thiện là Nguyên Tánh, có nghĩa là ‘tánh nào tật ấy’?” Thầy Trí Thủ mỉm cười và đáp: “Đúng vậy. Nguyên Tánh nghĩa là Tánh nết trước sau vẫn y nguyên như vậy, khó mà thay đổi…”

FB HOÀNG NGỌC TUẤN

Không có nhận xét nào: