Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Ngậm ngùi nỗi nhớ bạn tri âm!

Thành Được – Út Bạch Lan Ngậm ngùi nỗi nhớ bạn tri âm!

Đôi uyên ương sân khấu Út Bạch Lan & Thành Được...
Hai nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan là đôi diễn viên lý tưởng của sân khấu cải lương miền Nam. Cả hai đều có đủ yếu tố thinh và sắc, ca ngâm diễn xuất vừa hay vừa ăn ý với nhau, lại có sắc đẹp để thể hiện tính cách và sắc diện của nhân vật trong các tuồng Tàu, tuồng Nhựt, tuồng dã sử Việt Nam, tuồng xã hội xưa hay xã hội hiện đại.

Sự kết hợp của hai nghệ sĩ tài danh Thành Được – Út Bạch Lan trên con đường nghệ thuật sân khấu là một giai thoại đẹp mà các nghệ sĩ cải lương các thế hệ sau thường nhắc. Có người gọi đó là do duyên số, người khác cho là do sự an bài của Tổ nghiệp.
Sự nghiệp cầm ca của Út Bạch Lan tăng tiến mau một cách phi thường.

Năm 12 tuổi (1947) Út Bạch Lan và Văn Vĩ còn đi ca dạo ở xóm chợ bến đò, ở bồn binh Saigon để nhận được tiền thưởng của các khách qua đường hoặc các bạn hàng chợ.
Năm 15 tuổi (1950) Út Bạch Lan đã nổi danh ca sĩ của Ban cổ nhạc Thành Công – Đài phát thanh Pháp Á.
Năm 17 tuổi Út Bạch Lan là đào phụ của các gánh hát Tiếng Chuông, Tô Huệ và thật sự trở thành đào ca của đoàn Thanh Minh – Bầu Nghĩa trong hai năm 1955, 1956, qua các tuồng: Biên Thùy Nổi Sóng, Tình Tráng Sĩ, Nhớ Rừng, Đồ Bàn Di Hận, Núi Liễu Sông Bằng, Hồi Trống Văn Lâu, Áo Gấm Khôi Nguyên… của các soạn giả Thiếu Linh, Nguyễn Phương, Mộc Linh, Lê Khanh. Nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan hát cặp với các danh ca cổ nhạc Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Quang Phục, Minh Tấn, Hoàng Giang, Việt Hùng….
Năm 1958, bà bầu Kim Chưởng mời Út Bạch Lan về hát ở đoàn Kim Chưởng với tiền contrat là một triệu đồng, sau hai năm cộng tác, số tiền contrat đó được tặng dứt cho Út Bạch Lan. Nếu chưa hát đủ hai năm, nửa chừng Út Bạch Lan bỏ đi hát gánh khác thì phải bồi thường cho bầu gánh số tiền gấp đôi.

Út Bạch Lan yêu cầu bà Kim Chưởng mời nghệ sĩ Thành Được về đoàn Kim Chưởng hát cặp với cô thì cô mới ký contrat. Lúc đó Thành Được là kép trẻ của đoàn hát Thanh Cần của tỉnh Sóc Trăng. Thành Được về hát cho đoàn Thúy Nga – Phước Trọng và vừa mới nổi danh trong vai Tô Điền Sơn tuồng Khi Hoa Anh Đào Nở. Khán giả Saigon và Lục tỉnh chưa biết nhiều về kép Thành Được.
Bà Kim Chưởng phải đích thân đến xem một suất hát của đoàn Thúy Nga – Phước Trọng để đánh giá sự diễn xuất và sức thu hút khán giả của Thành Được. Bà xem xong, liền bí mật mời Thành Được đến nhà gặp bà và Út Bạch Lan bàn thảo việc hợp tác với nhau trên sân khấu Kim Chưởng. Thành Được và Út Bạch Lan cùng ký hợp đồng với bà Kim Chưởng và chỉ trong hai tuần sau đó, Thành Được và Út Bạch Lan hát cặp đôi trên sân khấu Kim Chưởng qua tuồng Thuyền Ra Cửa Biển. Báo chí kịch trường nhất loạt viết nhiều bài tường thuật tuồng, phê bình diễn xuất và đề cao hai nghệ sĩ trẻ tài danh Thành Được – Út Bạch Lan như hiện tượng đặc biệt trong ngành sân khấu cải lương trong cuối thập niên 50 của thế kỷ trước.
Nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan tiếp tục được các ký giả kịch trường và khán giả lục tỉnh tán thưởng qua các tuồng: Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa…

Tuy nổi danh nhưng hai nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan chưa được khán giả ghi nhớ qua một vở tuồng đặc biệt nào như các nghệ sĩ tài danh thế hệ trước. Ví dụ hai nghệ sĩ Bảy Nhiêu và Năm Phỉ được nhắc nhở, gắn liền với hai vai Tống Nhân Tôn và Bàng Quí Phi tuồng Xử Án Bàng Quí Phi; nghệ sĩ Năm Châu và nữ nghệ sĩ Phùng Há qua vai An Lộc Sơn và Dương Quí Phi qua tuồng An Lộc Sơn; nghệ sĩ Tám Danh được khán giả nhắc đến gắn liền với vai anh ghiền trong tuồng Tứ Đổ Tường; nghệ sĩ quái kiệt Ba Vân được nhớ với vai Phê tuồng Khi Người Điên Biết Yêu; nữ nghệ sĩ Tư Sạng gắng liền với sự thành công qua các dĩa hát Mẹ Dạy Con, Đêm Khuya Trông Chồng, Hồn Bướm Mơ Tiên…

Mãi đến khi cặp nghệ sĩ Thành Được – Út Bạch Lan về hát cho đoàn Thanh Minh – Thanh Nga năm 1961 thì họ mới thật sự được gắn liền tên tuổi của mình qua hai vai Tùng và The trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn. Mấy chục năm sau, nhiều thế hệ trẻ diễn hai vai Tùng và The mà chưa có cặp nghệ sĩ trẻ nào diễn hai vai đó hay bằng Thành Được với Út Bạch Lan.

Tóm tắt vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn của soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng:

Tùng (Thành Được) và anh là Hai Cang (Hữu Phước) mồ côi cha mẹ, được ông bác đem về nuôi dưỡng. Khi trưởng thành, Tùng được ông bác giao cho việc trông coi cửa tiệm mua bán đồ điện ở Saigon. Tùng gặp và yêu say đắm một kỹ nữ tên là Hương (Út Bạch Lan). Nhưng ông bác và anh Hai Cang phản đối vì chuyện tình đó làm điếm nhục gia phong, nhưng Tùng vẫn quyết định sẽ thành hôn với Hương.
Khi Tùng đến nhà Hương báo quyết định thành hôn cùng Hương thì bất ngờ Tùng gặp Định (Việt Hùng) tên lưu manh đã lừa tình và đưa Hương vào con đường bán phấn buôn hương. Định hăm dọa sẽ nói cho cha mẹ của Hương biết sự thực về cuộc đời “son phấn” của nàng với ý định chiếm giữ Hương và ngăn không cho Hương lấy Tùng.
Trước đó, Hai Cang đã gặp Hương, năn nỉ xin Hương xa lánh Tùng để Tùng được trọn hiếu với cha nuôi, nay Tùng lại gặp Định trong nhà Hương nên Hương nói dối với Tùng là Hương đã nhận lời kết hôn với người khác rồi. Hương muốn tìm sự yên tĩnh tâm hồn, cô trở về nhà cha mẹ ruột (Minh Điễn và Hoàng Vân) và sống ở dưới quê với cái tên The của cha mẹ đặt cho. Không ngờ The (Hương) gặp bà chủ nợ Hai Lung (Cô ba Thanh Loan), bà nói cho cha của The biết The từng là gái buôn hương bán phấn ở Saigon dưới cái tên Hương. Cha của The cảm thấy như bị sỉ nhục nên đuổi The ra khỏi nhà.
The (Hương) trở về Saigon, đến thăm em gái ruột là Diệu (Ngọc Nuôi), không ngờ người con gái được Tùng cưới hỏi lại là Diệu, em của The (Hương). Lúc này Tùng cũng biết được là anh ruột của Tùng là Hai Cang đã yêu cầu Hương xa lánh Tùng và việc Hương bị Định làm hại cuộc đời cũng chỉ vì Hương là gái quê, không hiểu lòng hiểm độc và gian trá của tên Định lưu manh.
Đau đớn tột cùng, Hương cắt tóc quy y, mượn cửa thiền để chôn vĩnh viễn quãng đời cay đắng. Tùng đến chùa xin Hương tha thứ, mẹ và em của Hương cũng van xin nàng trở về cuộc sống với cha mẹ ở quê hương. Nhưng Nửa Đời Hương Phấn, đối với Hương đã là dĩ vãng, nàng ngậm ngùi chôn thân trong cửa thiền mãi mãi.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan trong vai Hương, cô gái giang hồ trong Nửa Đời Hương Phấn, là một cô gái đẹp sang trọng mà không hề có nét lẳng lơ của phường bán phấn buôn hương nhưng số phận quá bất hạnh khiến cho khán giả càng thêm thương xót cho Hương khi mà nàng muốn hoàn lương nhưng lại bị tên lưu manh Định xuật hiện bất ngờ, đã đẩy Hương vào ngõ cụt và Tùng lầm tưởng sự thay lòng đổi dạ của Hương, chàng bèn phó mặc việc hôn nhơn của mình cho Hai Cang định đoạt.
Hương bàng hoàng đau khổ, chỉ còn con đường trở về quê nghèo là khả dĩ xoa dịu nỗi đau. Qui cố hương, bất ngờ gặp lại bà chủ nợ Lung, bà khai quật dĩ vãng gái buôn hương của Hương cho cha mẹ nàng biết. Và một lần nữa, Hương vấp phải sự lạnh giá nhục nhã vì tội điếm nhục gia phong.

Cha của Hương (Minh Điển) giận dữ khi The (tên ở quê của Hương) vừa chào cha:
Cha Hương: Không có cha con gì hết! Người nói chuyện với tao, tuy là xác con…
(Ca Kim Tiền Huế) …The, nhưng là hồn của con Hương. Trước kia mày là đứa con gái đàng hoàng. Nay mày lại đi làm bại hoại gia phong, lễ giáo nhà tao. Tao cũng tin mày đi làm ăn chân thật. Chớ tao đâu có dè. Mày đem tiết trinh đi bán cho người ta để nuôi mẹ cha. Trời ơi! Cái đồ quân mất dạy, đừng léo hánh về đây, để làm nhục tổ tông.

Hương ca: Con cúi đầu trăm lạy Ba…
Cha Hương: Thôi, thôi, mầy đừng có lạy lục mà làm chi… Cho tao thêm tổn thọ…
Hương ca: Xin Ba nhìn nhận con là con The. Cho con ở lại, sớm hôm hầu cha mẹ…
Muốn trở lại cuộc sống thuần lương chất phác, ước muốn trở thành con The như ngày ở dưới quê không được nhìn nhận, Hương phải đi tiếp cuộc đời cay đắng của mình hay phải chọn một giải pháp nào khác? Tùng lập gia đình với người khác sau áp lực của anh Hai Cang và lầm tin lời nói của Định.
Hương đến thăm Diệu, em gái ruột của nàng, không ngờ người vợ mới cưới của Tùng lại là Diệu. Còn đau đớn nào hơn khi ta nghe từ nỗi lòng tan nát ấy phải bật ra câu chúc mừng!
Hương nói với Diệu: Dù biết em thành hôn với ai đi nữa thì chị cũng ráng về với…
(ca Phụng Hoàng) …em. Để mừng ngày em xuất giá, cho vui long Ba với Má. Chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con.
Còn dượng Ba đây là một thanh niên có học thức, lại đàng hoàng. Chị vô cùng sung sướng thấy em có một tấm chồng đúng như lòng chị ước mong…

Bài ca Phụng Hoàng này nói lên nỗi lòng của Hương (Út Bạch Lan) như định mệnh dành sẵn cho cuộc tình của Út Bạch Lan – Thành Được. Nhờ làm sống những nhân vật Tùng (Thành Được) và Hương (Út Bạch Lan) trong tuồng mà tên tuổi của Thành Được – Út Bạch Lan và cặp soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng nổi lên như một hiện tượng đặc biệt của sân khấu cải lương trong đầu thập niên 60 của thế kỷ trước nhưng hoàn cảnh trái ngang tan vỡ của Hương và Tùng cũng vận vào chính cuộc tình và cuộc đời của Út Bạch Lan và Thành Được.

Khi biết Thành Được “qua đường” với một cô gái đẹp khác, Út Bạch Lan quá ghen, cô đã liệng một cái gạt tàn thuốc bằng thủy tinh vô đầu Thành Được, làm bể đầu chảy máu, cắt đứt cuộc tình của đôi nghệ sĩ “xứng đào xứng kép” nhất của thập niên 60, mỗi người đi tiếp cuộc đời nghệ thuật của mình với một nghệ sĩ khác nhưng Thành Được và Út Bạch Lan đều không tạo được những thành tích tuyệt vời như trong giai đoạn còn chung hát tuồng Nửa Đời Hương Phấn.

Mấy mươi năm sau khi hai bạn tình Thành Được – Út Bạch Lan gặp lại nhau trên sân khấu hải ngoại, Thành Được, Út Bạch Lan và Ngọc Nuôi (trong vai Diệu), để nhớ lại thuở vàng son trên sân khấu, cả ba nghệ sĩ tài danh này vẫn hát lại trích đoạn tuồng Nửa Đời Hương Phấn qua lớp ca Phụng Hoàng kể trên.

Nghệ sĩ Thành Được về hát cho đoàn Thanh Minh – Thanh Nga sau cuộc tình tan vỡ với Út Bạch Lan, anh tìm được bạn diễn mới, tuy ca không hay bằng Út Bạch Lan nhưng bạn diễn mới đẹp hơn Út Bạch Lan và là một nghệ sĩ đang sáng chói trên sân khấu, được hàng chục vạn khán giả và tất cả ký giả kịch trường yêu thích: đó là nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. Ngôi sao Thành Được tiếp tục sáng chói trên bầu trời nghệ thuật với liên danh mới Thanh Nga – Thành Được.

Về phần Út Bạch Lan, như đã được báo hiệu trước trong tuồng Nửa Đời Hương Phấn, Hương (Út Bạch Lan) sau khi cuộc tình tan vỡ, đã diễn với nhiều kép hát khác, danh ca có, có cả những diễn viên đẹp mới nổi trên vòm trời nghệ thuật, nhưng Út Bạch Lan không tìm được bạn đồng diễn tương xứng, nàng khép kín tấn bi kịch đời mình bằng cách xuống tóc đi tu, nàng gởi lại mái tóc cho mẹ già:

“…Má ơi, mái tóc dài đậm đượt, con đã từng ve vuốt ấp yêu. Nơi phồn hoa, trong một buổi chiều, người ta đã cắt đi của con phân nửa. Rồi trong một đêm vừa đau vừa tủi, con lại cắt đi mái tóc sau cùng. Con đau lòng ngất lịm. Khi tỉnh dậy, sờ lên đầu thì tóc đâu không còn thấy nữa, con hoảng hốt la lên. Trời ơi, ai đã cắt tóc của tôi! Má ơi, chừng nhớ ra chính tay con đã cắt tóc của con rồi….
(Vọng cổ)
… Mớ tóc mà hơn hai mươi năm trời, ngày đêm con xăm soi ngắm nghía, tha thiết tưng tiu. Nay nhìn mái tóc kia rời khỏi mái đầu, lòng con đòi đoạn từng cơn. Đoạn lìa mái tóc ngày xuân thì chẳng khác nào con cắt đoạn lìa quãng đời má phấn mày xanh!
… Má ơi! Đây là phân nửa tóc mà con giữ mấy năm trường. Nay con xin gởi lại cho Má với Ba, mái tóc dịu mềm suôn sẻ này là của đứa con lạc loài bạc phận. Còn nửa mái tóc kia là mớ tóc của nửa đời hương phấn, con đã chôn trước cửa Phật đài.
Số phận con đã không may
Kiếp hoa tàn héo, đọa đày truân chuyên
Tóc xanh gởi lại mẹ hiền
Đời con khép kín cửa Thiền từ đây.

Út Bạch Lan ngậm ngùi nhớ bạn tri âm, đã nhiều năm chia cách nhau trên sàn diễn, giờ đây lại xa cách nhau trên vạn dặm, hai người đều tiếc nuối thời vàng son sân khấu khi cùng nhau hóa thân thành những cặp tình nhân tuyệt vời qua lời ca tiếng nhạc. Út Bạch Lan khép kín cuộc đời còn lại của mình trong việc thường xuyên viếng chùa và làm từ thiện dưới mái chùa nơi quê hương Long An để tự suy nghiệm về tình yêu, tình người, nghĩa đời và định mạng đã gắn liền với Út Bạch Lan – Thành Được, giống như Tùng và Hương, cô gái giang hồ qua tuồng Nửa Đời Hương Phấn.
Nếu không có trận ghen mù quáng của Út Bạch Lan, lịch sử sân khấu cải lương chắc chắn sẽ ghi dấu ấn sâu đậm về hình ảnh và tài năng của đôi nghệ sĩ tài sắc lưỡng toàn như Út Bạch Lan và Thành Được.
Nhớ hai em Thành Được và Út Bạch Lan.

Nguyễn Phương, 2015

Nguồn tin: tcgd theo TB

Không có nhận xét nào: