Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì? (Bài 7)


"Cái Thuở Ban Đầu Lưu Luyến Ấy
Nghìn Năm Chưa Dễ Mấy Ai Quên.."

Trong 6 bài trước tôi đã trình bày tâm trạng những người ra đi sau sự kiện 30 tháng Tư năm 1975. Buồn, cô đơn, tuyệt vọng, nhưng quyết tâm hội nhập, làm việc, và nhìn về tương lai để sống. Lúc đó Cộng Sản mạnh lắm, nên không ai có ý định trở về. Nhờ đó chúng tôi dấn thân mạnh mẽ chọn nơi này làm quê hương. Sau một số năm vất vã, cuộc đời chúng tôi tạm yên.

Các bạn mới đến Mỹ ngày nay dễ dàng hơn chúng tôi. Các bạn còn quê hương để trở về. Các bạn có cộng đồng người Việt đã lập nghiệp ở đây, nhiều quán ăn, nhiều tiệm bán thực phẩm Việt Nam, nhiều tình người Việt Nam nơi xứ lạ. Năm 1975 chúng tôi không có hoàn cảnh này. Cộng Sản coi chúng tôi là Ngụy, xấu, cần tiêu diệt. Chúng tôi nghèo, nhưng không xấu, và chúng tôi cố gắng sống xứng đáng, không thua chủng tộc nào đến Mỹ trước Việt Nam mình.

Sống 42 năm ở Mỹ có một lần tôi rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Lúc đó là tháng Tư mấy năm trước. Đáng lý tháng Tư là tháng buồn, nhưng năm đó hơn 50 người Mỹ gốc Việt quyết định đi cruise với nhau, đại náo vùng biển Caribe. Năm đó tàu Oasis Of The Sea vừa khai trương. Các bạn có nghe nói tới tàu này chưa? Đây là tàu lớn nhất thế giới, đã phá nhiều kỷ lục thế giới về tàu cruise.

Tàu cruise nầy lớn bằng 5 lần Nhà Trắng (White House) ở Washington DC, lớn hơn tháp Eiffel của Pháp, cao bằng nhà lầu 20 tầng. Tàu đã phá vỡ mọi kỷ lục về tàu cruise hiện nay.

Đêm thứ nhì của chuyến du hành trên tàu cruise này, hơn 30 tà áo dài Việt Nam tha thước lượn vòng quanh khu “Royal Promenade” (Lối đi dạo của Vua Chúa), vui quá. Du khách hơn 35 quốc gia trên thế giới dừng lại ngắm nhìn trầm trồ áo dài Việt Nam. Một người Mỹ hỏi tôi, mấy bà nầy mặc quần áo nước nào vậy? Tôi hãnh diện trả lời, chúng tôi dân Mỹ, nhưng áo này là áo dài Việt Nam. Ai cũng khen đẹp.

Khu Royal Promenade (Lối đi đạo của Vua) rất đặc biệt. Con đường này có 9 quán ăn, quán rượu và tiệm cà phê. Các bà thích mua sắm có thể đi bát phố xem quần áo thời trang, nữ trang và mỹ phẩm. Các ông có thể xem tiệm bán máy chụp hình và máy điện tử. Tổng cộng có 8 tiệm quần áo, mỹ phẩm, nữ trang và máy điện tử.

Ai không thích đi dạo, thích ngồi ngắm nhìn người đẹp đi dạo qua lại, các bạn có thể ngồi trước cửa các quán ăn, uống cà phê, ăn bánh ngọt và xem người đẹp lượn vòng quanh, cuộc đời đáng sống lắm. Người Việt Nam trên tàu gọi khu này là phố Bolsa, vì đa số nhóm du lịch lần này đến từ Cali. Bolsa là một khu phố nổi tiếng của Little Saigon (Phố Sài Gòn Nhỏ).

Tôi và người tình trăm năm gọi khu này là đường Bonard, gợi chúng tôi nhớ tới những ngày xưa thời tuổi trẻ ở Sài Gòn, lúc chiến tranh chưa phủ màu tang tóc trên miền Nam của tôi, lúc còn trẻ thời học trò, chúng tôi thường ngồi tại quán kem ở đường Bonard hẹn hò, ăn kem, và nhìn đám trẻ khác lượn qua lượn lại, vui sống tuổi trẻ.

Khu Royal Promenade này rất đẹp và đặc biệt. Vòm trời bằng kiếng cho phép các bạn nhìn thấy cây cối của Central Park (Công viên Trung Ương). Ánh nắng mặt trời tự nhiên rọi xuống làm chúng tôi tưởng như mình đang đi dạo phố ngoài trời thật sự vậy, chớ không phải ở trong nhà.

Ngoài ra có một quán rượu gọi là rising tide (thủy triều dâng lên), quán này có thể đi từ từ lên tầng lầu trên Công Viên Trung Ương, và từ từ trở xuống, giúp các bạn cảm thấy chơi vơi bay bỗng ngồi nhậu rượu, cảm giác tuyệt vời lạ thường.

Trong khu này có trưng bày một chiếc xe hơi thời xưa cũ nhưng mắc tiền, ai cũng đến chụp hình vì khó thấy được một chiếc xe như vậy ngoài đường phố. Xin chia sẻ với các bạn một vài hình ảnh áo dài Việt Nam tha thước trong khu Royal Promenade lúc vợ chồng tôi đi bát phố ở đây, trước khi đi ăn tối, và đi nghe nhạc khiêu vũ sau bữa ăn.

Trong bài trước  tôi đã nói về một vài ưu điểm của người Việt Nam ở Mỹ, nhờ đó chúng ta dễ thành công ở đây. Nước Mỹ là một nước của di dân, và cần chuyên viên xây dựng đất nước. Dân Việt Nam mình đúng là di dân gương mẫu. Chúng ta chịu khó, cần cù, cố gắng học hỏi, không câu nệ. Thế hệ người Việt Nam ra đi năm 1975 phần đông là trí thức ở Sài Gòn, nên dễ học lại những chuyên môn nước Mỹ cần. Nhờ đó phần lớn chúng tôi đã thành công.

Các bạn có biết yếu điểm của người Việt Nam là gì không? Theo tôi nghĩ, chúng ta "Việt Nam" quá, nên nhiều khi xung đột với xã hội Mỹ. Nếu các bạn đến đây ăn học, mà còn mơ giấc mơ bác Hồ, vượt Trường Sơn đánh Mỹ, tôi khuyên các bạn nên ở Việt Nam học thì hơn. Đến đây với thái độ đó sẽ xung đột với nhiều người lắm.

Có một lần một ông cán bộ đến Mỹ du lịch. Ông ta vô tiệm Phở ở đây ăn phở, mà miệng bô bô khoe mình có quyền và có tiền ở quê nhà. Suýt nữa ông bị đánh ngay tại tiệm. Đọc báo thấy thế hệ các Thái Tử Đảng thường mang tiền đến Mỹ xài ngông, tôi tội nghiệp cho họ, thấy họ không hiểu xã hội Mỹ quí trọng cái gì. Ở đây chúng tôi quí trọng những người cần cù làm việc. Không quí trọng những tay tham nhũng.

Thế hệ ra đi năm 1975 cố gắng quên quá khứ và bắt đầu lại. Cố gắng nhưng không phải ai cũng thành công. Những nơi cộng đồng Việt Nam đông đảo, người ta vẫn còn nhớ quá khứ nhiều. Chính vì vậy, họ khó thoát khỏi cộng đồng và hội nhập. Người Mỹ tôn trọng họ, vì ở đây xã hội tự do, nhưng sống quây quần với nhau nhiều quá, cũng có tác dụng không tốt. Chúng ta sẽ hội nhập chậm chạp vô xã hội. Sống chung trong cộng đồng Việt Nam, chúng ta vẫn giữ những thói quen tập tục người địa phương chống đối, như ăn thịt chó, cạo gió, đánh đập vợ con, v..v...

Tại New York, chúng tôi không ăn thịt chó, và cũng không có thịt chó để ăn. Tuy nhiên trong nhiều năm chúng tôi thích ăn tiết canh. Tôi có một người bạn, chuyên môn cắt cổ vịt sống, lấy máu để làm tiết canh. Mỗi lần anh nấu, anh mua sẵn con vịt, nhốt trong nhà. Khi anh cắt cổ vịt, con cháu thế hệ sanh ở Mỹ rủ nhau đến xem, và la lớn "Killer" (Kẻ giết người). Từ đó về sau chúng tôi quyết định không giết vịt trong nhà, dần dà bỏ ăn tiết canh luôn. Lẽ dĩ nhiên sau này chúng tôi đọc nhiều bài báo cho biết hãy cẩn thận ăn máu sống, như tiết canh.

Yếu điểm của người Việt Nam mình là văn hóa quá khác biệt với người Mỹ, và không muốn thay đổi để hòa đồng, hay thay đổi chậm quá, nên khó hòa đồng. Lúc đậu xong MBA và bắt đầu làm việc, tôi thường gặp khó khăn trong các buổi họp, hay trong tiệc tùng cần xã giao.

Người Mỹ thảo luận hay. Ngôn ngữ họ lưu loát. Tôi nói tiếng Mỹ cũng khá lắm, viết cũng được, nhờ học đại học ở đây. Tuy nhiên tôi cũng gặp khó khăn ăn nói và thảo luận trước công chúng. Lúc làm consultant (Cố vấn, chuyên viên) cho một hãng ở Phố Wall, tôi là trưởng Nhóm, đại diện hãng tôi. Với tánh cách trưởng Nhóm, tôi được quyền mời các chức sắc của hãng nơi tôi làm việc ăn trưa, đi xem thể thao buổi tối, và nhiều trò giải trí khác. Tôi rất khổ sở với những hoạt động này, không cảm thấy thoải mái.

Nhiều người dùng những từ ngữ dao to búa lớn như "Mỹ Hóa" để nói tới sự hòa đồng với xã hội địa phương. Họ dùng từ ngữ này để chưởi và miệt thị người Mỹ gốc Việt, muốn hòa động với xã hội Mỹ. 42 năm nhìn lại, tôi rất tiếc mình chưa Mỹ Hóa đúng mức, nên không thành công được như mong muốn. Những năm ở Phố Wall, nếu tôi hòa đồng giỏi hơn với xã hội, có lẽ tôi sẽ thành công hơn, chớ không phải sống cuộc đời trung bình trong bóng tối như ngày hôm nay.

Mặc dầu vậy, tôi cũng hãnh diện phần nào. Đặc biệt trong các buổi tiếp tân, khi có người hỏi tôi từ đâu tới, tôi nói Sài Gòn. Tôi làm việc cần cù ai cũng thương. Chính vì vậy có lần tôi giới thiệu văn hóa Việt Nam cho nhóm bạn Mỹ. Lần đó tôi đã hướng dẫn cả nhóm đến chợ Tàu, ăn cơm Việt Nam, giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho họ. Nghĩ lại cũng vui.

Có một lần tôi rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Mấy năm trước tôi đã lấy tour du lịch thăm viếng miền Tây nước Mỹ như một du khách. Năm đó vợ chồng tôi kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Anh hướng dẫn viên giới thiệu chúng tôi cho đoàn du khách quốc tế. Đây là Dân và Sophie. Họ là người Việt Nam. Họ đến từ New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ, để kỷ niệm 50 năm hôn nhân. Cả đoàn vỗ tay.

Tôi không đủ hiểu biết để khuyên các bạn trẻ. Tôi chỉ nói trường hợp riêng của mình, với mớ kinh nghiệm riêng trong 42 năm sống ở đây mà thôi. Suốt 42 năm nay, tôi hình như có hai con người, với hai bậc thang giá trị khác nhau, chưa hội nhập hoàn toàn vô xã hội Mỹ được.

Trước hết tôi là một người sanh ra ở Sài Gòn, với nhiều đức tánh Việt Nam. Khi tới Cali hay Texas thăm bạn bè, tôi hành xử như người Việt Nam. Nhưng khi đi làm việc, tôi hành xử như một người Mỹ trung bình. Nói đúng hơn tôi cố gắng hết sức để hòa đồng, và có được những đức tánh của người Mỹ. Sống 42 năm tại Mỹ, hai người này vẫn là hai, chưa thành một.

Thế hệ con cháu tôi khá hơn tôi ở điểm này. Cháu của tôi sanh tại Mỹ nói tiếng Mỹ trong điện thoại, các bạn không biết được nó là Việt Nam. Tụi nó hiểu được văn hóa Mỹ hơn tôi, hiểu được âm nhạc, thể thao, tất cả. Còn cái gì Việt Nam trong chúng không? Còn. Chúng thương ông bà cha mẹ từ Việt Nam tới. Đặc biệt chúng thích thức ăn Việt Nam, phở, bánh cuốn, canh chua cá kho tô, cơm tấm sườn bì chả, thịt bò lút lắc v.v.., tất cả các món ăn Việt Nam được cha mẹ cho ăn từ thời tuổi trẻ.   (Còn tiếp)

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 1)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113368655255/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 2)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113315321927/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 3)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113678655224/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 4)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/648113571988568/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 5)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/972470839552838/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 6)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.648113191988606.1073742205.441529119313682/972468372886418/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 7)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=441719280100&set=a.441717470100.225936.753265100&type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 8)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.649266481873277.1073742212.441529119313682/649266521873273/?type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 9)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/photos/a.864971980302725.1073742358.441529119313682/864972066969383/?type=3&theater

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10155486092875101&set=a.6236150100.9478.753265100&type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 10)
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=6236530100&set=a.6236150100.9478.753265100&type=3&theater

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì?    (Bài 11)
https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri03/photos/a.613459162099703.1073741852.491938480918439/613459222099697/?type=3&theater

Không có nhận xét nào: