Thứ Hai, 5 tháng 11, 2007

Blog - Biểu hiện của một xã hội hiện đạ

Trong những ngày vừa qua, blog đã trở thành một chủ đề được nhắc đến khá nhiều như một hiện tượng xã hội mới, cùng những sự kiện khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trước những ảnh hưởng mà blog đang tạo ra, vậy chúng ta cần nhìn nhận blog như thế nào để phát huy được những giá trị tích cực của nó, mang lại nhiều lợi ích hơn cho mọi người?

Có ý kiến cho rằng phải quản lý chặt blog để ngăn chặn những nội dung xấu phát tán trên thế giới ảo này. Nhưng ngay như xã hội ngoài đời thực, những tệ nạn vẫn còn tồn tại và không thể ngăn chặn, loại bỏ hoàn toàn được. Những nội dung xấu trên cũng chỉ chiếm một phần nhỏ của thế giới blog. Và cũng giống như xã hội thực, chúng ta cần chấp nhận sự tồn tại của những mặt trái này, vì nó được tạo ra từ chính những mặt trái trong xã hội ngoài đời thực.

Một hiện tượng xã hội cần công nhận

Ngăn cấm blog là một điều không thể, vì như vậy sẽ đồng nghĩa với ngăn cách Internet ra khỏi xã hội hiện đại của chúng ta. Trong thời đại Internet, mỗi người đều có quyền trao đổi thông tin của riêng mình, và có vô vàn công cụ trên mạng để mỗi người tạo ra website của riêng họ, chứ không riêng gì blog. Hãy công nhận blog như đã làm với Internet, và tạo điều kiện để cộng đồng blogger Việt Nam phát triển lành mạnh, tích cực.

Trước đây cũng đã từng có những ý kiến lo ngại Internet khi vào Việt Nam sẽ mang theo những nội dung xấu, ảnh hưởng không tốt đến chính trị, xã hội. Nhưng thực tế 10 năm qua đã chứng minh: Internet đã nâng cao dân trí, nâng cao kiến thức, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi con người và của toàn đất nước. Internet là một môi trường giáo dục tốt, bổ sung những thiếu hụt yếu kém của giáo dục Việt Nam, giúp thế hệ trẻ tiếp cận, thừa hưởng được những kiến thức của toàn nhân loại. Chỉ khi Internet bị gián đoạn do sự cố ở Đài Loan vừa qua, chúng ta mới thấy rõ vai trò to lớn của nó trong đời sống xã hội như thế nào?

Những lo ngại Internet làm hỏng xã hội, làm suy yếu chế độ hay vai trò của Đảng đã có câu trả lời: Đó là những quan điểm phi thực tế. Uy tín , sự vững mạnh về chính trị ở Việt Nam đang ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn. Người dân gửi gắm niềm tin vào lãnh đạo Đảng, Chính phủ nhiều hơn.

Thông qua Internet, người dân Việt Nam đã có thể đối thoại trực tuyến với lãnh đạo Chính phủ, đồng thời đặt ra những yêu cầu cao hơn về năng lực quản lý điều hành đối với cấp lãnh đạo. Internet nói chung và blog nói riêng, cũng chính là những kênh thông tin để lãnh đạo có thể tiếp cận trực tiếp với người dân. Do đó, nên nhìn nhận như blog như một xu hướng cần dẫn dắt để phát huy mặt tích cực của nó.

Những nội dung xấu trên cũng chỉ chiếm một phần nhỏ của thế giới blog. Chúng ta cần chấp nhận sự tồn tại của những mặt trái này, vì nó được tạo ra từ chính những mặt trái trong xã hội ngoài đời thực.

Tính xác thực của blog

Cũng giống như Internet, blog có cả những thông tin xác thực và thông tin sai sự thật. Trong 10 năm qua, chúng ta đã có rất nhiều nguồn thông tin trên Internet, bao gồm cả những thông tin chính thống và những nội dung đồi truỵ, phản động, web đen, websex... Nhưng khi cập nhật thông tin trên mạng, người dùng Internet vẫn biết chọn lọc ra những nguồn thông tin chính thống, có uy tín và độ tin cậy cao của cả trong nước và thế giới để cập nhật thông tin, đồng thời tự loại bỏ những nguồn thông tin phản động bị bóp méo, nội dung đồi truỵ...

Ở một khía cạnh nào đó, việc người dùng chọn lọc các thông tin trên blog cũng sẽ phát triển theo xu hướng như vậy. Những blog có tính xác thực cao về nội dung, có danh tính người viết công khai sẽ tạo dựng được uy tín và độ tin cậy đối với người đọc, thu hút nhiều người truy cập. Với những blog có nội dung xấu và bị bóp méo sai sự thật, không có nguồn gốc rõ ràng, cộng đồng blog cũng sẽ tự loại trừ dần bởi những thông tin đó không mang lại lợi ích gì cho họ.

Việc công khai danh tính của chủ nhân blog, ngoài việc khẳng định tính xác thực của thông tin và tạo độ tin cậy cho người đọc, cũng chính là sự thể hiện về nhân cách của một con người chính trực, có tự trọng. Người Việt Nam đã được thế giới biết đến và trân trọng như một dân tộc thân thiện, chính trực, đáng tin cậy, tinh thần quật khởi chống ngoại xâm. Nên ngày nay, không có lý do gì để chúng ta ủng hộ, cổ suý cho một hình thái thông tin ẩn danh thiếu tính xác thực theo kiểu tin đồn, nói xấu nặc danh.

Áp lực và thách thức về truyền thông

Một tỉ lệ khá lớn blogger là giới trẻ, nên vai trò giáo dục lối sống, nhân cách, dẫn dắt để mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tham gia blog một cách lành mạnh của các tổ chức chính trị như Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên tiền phong… đóng vai trò rất quan trọng. Đây chính là trách nhiệm cụ thể của Đoàn, Đội.

Trước sự phát triển của blog với hàng triệu blogger thường xuyên ghi nhận thông tin thực tế trong đời sống xã hội, mỗi tờ báo cũng phải tự nâng cao chất lượng, độ chính xác, tốc độ cập nhật thông tin vì bây giờ họ đã có một đối trọng, một lực lượng phản biện và giám sát báo chí, có quyền bình đẳng trên các diễn đàn. Mỗi blogger đều có thể ghi nhận các thông tin ngoài đời thực bằng các phương tiện như máy quay phim, chụp ảnh, và trở thành nguồn thông tin đời sống xã hội vô cùng phong phú.

Với các cơ quan quản lý, blog cũng sẽ là một thách thức mới về mặt truyền thông. Nhưng hãy biến thách thức thành cơ hội để quản lý xã hội tốt hơn, nắm sát ý kiến, quan điểm và nguyện vọng của người dân hơn. Đó chính là bản lĩnh, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước trong thời đại Internet.

Chúng ta đón chào và tôn trọng blog trong đời sống xã hội hôm nay, đồng thời hãy cùng nhau xây dựng một cộng đồng blog lành mạnh, minh bạch, để qua đó giới thiệu với thế giới một đất nước Việt Nam, một dân tộc Việt Nam thân thiện, vị tha, trí tuệ và có nhân cách

Blogged with Flock

Không có nhận xét nào: