Thứ Năm, 16 tháng 6, 2022

NGÀY TRỞ VỀ



   (Bài viết này dành cho những ai chống đối nhạc sĩ Phạm Duy và không thích “Chòi văn” Trần Hữu Ngư. Tôi chỉ dám nhận mình là “Chòi văn”, chớ “Nhà văn” thì biết bao giờ mới được?) 

  Tôi nhớ ngày Phạm Duy còn sống, có một Công Ty đã mua bài “Tình Ca” của anh giá 100 triệu?
   Thấy vậy, tôi năn nỉ anh mua 25 chữ trong câu: 
   “… Mẹ lần mò ra trước ao
   Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
   Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa
   Vì quá đợi chờ…”
   Với giá 1 tỷ, nhưng chờ em trúng số em sẽ trả!
   Anh cười nhìn tôi… 

   Nhạc sĩ Phạm Duy, một thiên tài âm nhạc, ông viết nhiều thể loại, để lại cho hôm nay và mai sau những ca khúc khó quên. Nghe nhạc Phạm Duy, tôi để ý đến một điều: Anh hay dùng từ “Lũ”. Chữ “Lũ” nghe thật dễ thương! Một “hình dung từ” mà chỉ có nhạc sĩ Phạm Duy hay dùng.

   “… Hoa chẳng yêu “lũ bướm” lả lơi” (Nhạc phẩm Hoa Xuân)
   “… Có “lũ kỷ niệm” trước sau” (Nhạc phẩm Nghìn trùng xa xách)
   “… Đàn trẻ đùa bên “lũ trâu” (Nhạc phẩm Ngày trở về)
   
   Và Thi sĩ Vũ Hoàng Chương trong bài thơ “Phương xa” cũng đã cho chúng ta chữ “Lũ” thật đau nhói:
   
   “… Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa
   Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh…
   Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ
   Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
   Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị”…
   (…)
   (Tiếc quá, không có nhạc sĩ nào trước 75 phổ nhạc bài thơ này?)
   
    Bài viết “Ngày trở về” này tôi có gởi cho báo, nhân ngày 27.7.2000 “Ngày thương binh liệt sĩ” nhưng báo X không đăng vì lý do nhạc sĩ Phạm Duy “nhạy cảm”! 
   Tôi nghĩ, nhạc trước 1975, nếu xét về tác giả, (không riêng gì Phạm Duy) thì không có tác phẩm nào được hát! Vì có đến 95% nhạc sĩ miền Nam đều… “nhạy cảm”. Và chữ “nhạy cảm” này, cho đến hôm nay tôi chưa hiểu cho tường tận. Từ “Nhạy cảm” là gì? 
   “Ngày trở về”, một bài hát sinh ra trong thời kháng chiến chống Pháp, đã làm hàng triệu con tim thổn thức. Một bức tranh vẽ bằng âm nhạc, mà khó có tác phẩm nào thay thế được.
   Dù cho chiến tranh chống Pháp, hay chống Mỹ… Cho dù chết bên này hay bên kia, cũng là người Việt Nam chết vì chiến tranh. Hát “Ngày trở về” để nhớ  thương binh, ngày kháng chiến chống Pháp  được không?
   -Được… Thì hát.
   -Không… Thì tại sao?

NGÀY TRỞ VỀ:

   “… Ngày trở về anh bước lê 
   Trên quãng đường đê đến bên lũy tre 
   Nắng vàng hoe vườn rau trước hè 
   Chờ đón người về…” (Ngày trở về - Phạm Duy).

   Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, tất cả những đau thương mất mát cũng đã qua rồi, nhưng chỉ có những bài ca đi qua  trong chiến tranh còn ở lại.
   Tôi sinh ra là đã có chiến tranh, rồi tôi lớn lên trong chiến tranh, rồi tôi bước vào cuộc mưu sinh cũng trong chiến tranh!
   Thời kháng chiến cho đến khi đất nước chia cắt, nhạc của Phạm Duy, là những bài ca dẫn tôi đi vào con đường âm nhạc, và từ dạo con sông Bến Hải “hai màu” cho đến ngày “Ta tiến về Saigon” âm nhạc không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của tôi.
   
   Kháng chiến chín năm tôi hát nhạc Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Tô Hải, Trần Hoàn, Lê Thương, Hoàng Nguyên, Lê Mộng Nguyên… Đặc biệt ca khúc  “Ngày trở về” của Phạm Duy, một bài hát làm rơi nước mắt hàng triệu người mẹ vì mỏi mòn chờ đợi con. Chỉ cần hai-mươi-lăm-chữ (25) trong nhạc phẩm “Ngày trở về”, dù trở về trên đôi nạng gỗ,  mọi người xúc động mỗi khi nghe lại ca khúc này.
   Hai-mươi-lăm-chữ, từ lúc:
  
    “… Mẹ lần mò ra trước ao
   Nắm áo người xưa
   Ngỡ trong giấc mơ
   Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa
   Vì quá đợi chờ…”
  
    Không gian, thời gian, chỉ là những giây phút ngắn ngủi, nhưng đó là hình ảnh bất tận trong cuộc trùng phùng giữa mẹ và con khi cuộc chiến chưa hẹn ngày kết thúc. (Nhạc thì có “Ngày trở về”, ảnh thì có bức ảnh “Mẹ con ôm nhau rơi lệ” của nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long- người ở Bình Tuy tập kết ra Bắc)
   
   Cuộc đời có đôi khi là những chuỗi ngày chờ đợi, nhiều lúc không biết mình chờ đợi cái gì, tiền tài, danh vọng, tình yêu?... Đợi chờ trong nỗi hân hoan, chờ đợi trong niềm tuyệt vọng và ngay cả trong đợi chờ những điều mà mình biết sẽ không bao giờ có được!
   
   Trong “Ngày trở về”, người mẹ chờ đợi con… chờ đợi đến nỗi đôi mắt mẹ đã lòa, thì trên đời này không có sự chờ đợi nào vĩ đại hơn! Tôi không có tham vọng lý giải, phê bình, mà chỉ cảm nhận ở góc độ một người yêu mến âm nhạc, một người đã đi qua nghèo đói, dốt nát, mất mát, lâm trận trong  chiến tranh, và mẹ tôi cũng đã từng chờ đợi, cùng với những bà mẹ cũng đã từng níu tay những đứa con, đứa cháu, khi chúng bước vào cuộc chiến tranh mà chẳng hy vọng có ngày về.
   
   Nghiệt ngã và bất hạnh, từ khi những đứa con tuột khỏi tay mẹ, biền biệt nơi chiến trường, người mẹ không tính ngày, tính tháng, mà tính năm chồng lên năm… Lâu quá, đứa con đã trở thành “Người xưa”, còn người mẹ không còn là mẹ nữa, mà là “Ta”. Tôi nghĩ, không có cuộc chia ly nào lâu đến thế, không có ngày trở về nào lại xót xa đến thế và không có sự đau đớn nào hơn. “Ta” và “Người xưa” gần gũi mà muôn trùng cách biệt. “Ta” là mẹ, “Con” là người xưa, một sự xưng hô nghe nhói lòng, và có cuộc trùng phùng nào đớn đau hơn không? (Trong tình ca Ngày trở về)
   
   Những bài ca đi qua tôi trong chiến tranh vẫn còn đó. Nhạc phẩm “Ngày trở về” vẫn còn đó, thời gian đã xa chúng ta quá lâu, nhưng đó là bài ca hoài niệm, bài hát chứng tích chiến tranh, một áng văn bất hủ của chia ly và đoàn tụ trong chiến tranh. Ngày trở về của anh thương binh không có huy chương, và sự đãi ngộ dành cho anh là đám ruộng cùng con trâu và cây cày:
  
    “… Ngày trở về có anh thương binh
    Chống nạng cày bừa
    Vì thương yêu anh
    Nên ngày trở về
   Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ”… (Phạm Duy dùng chữ “con trâu xanh” hay quá).
   
   Nghe “Ngày trở về”, tôi chợt nhớ hai nhạc phẩm “Trở về” của Châu Kỳ và “Ngày về” của Hoàng Giác:
  
    “… Về đây nhìn mây nước bơ vơ
    Về đây nhìn cây lá xác xơ”… (Trở về - Châu Kỳ)
  
    “… Tung cánh chim tìm về tổ ấm
    Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm”… (Ngày về - Hoàng Giác)
   
   Tất cả đều là sự trở về, nhưng “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy lại mang nhiều vết thương lòng đã làm nhói đau hàng triệu trái tim của những người mẹ của một thời chia ly có khi là ly biệt.

   “Ngày trở về”…, ai cũng có một nơi chốn để trở về: Một mái ấm gia đình, hay một quê hương. Trở về sau chiến thắng, trở về sau thất bại, trở về từ một nơi xa xôi nào đó khi thấy cuộc sống bị đe dọa, bất ổn, hoặc trở về khi đã “tàn cuộc chơi”…
   Những người từ bỏ quê hương vì một lý do nào đó, đến cuối đời có đôi khi lại  mong muốn trở về  chính nơi mình được sinh và lớn lên. Nhưng cái nơi tưởng chừng đơn giản ấy lại không phải ai cũng toại nguyện. Chiến tranh vùi dập trong những tháng năm tưởng chừng như không thể nào dứt, chờ đợi hòa bình như vô vọng, vậy mà có hòa bình rồi sao có người lại sống chết tha phương?
   
   Tôi yêu mến nhạc Phạm Duy. Năm 2000 từ Mỹ anh đã viết thư khuyên tôi: “Hãy nghe nhạc Phạm Duy”. Và cũng trong năm 2000 này tôi đã gặp Phạm Duy tại Saigon. Vâng, tôi đã nghe, đã đọc về Phạm Duy, và lần này, xin phép anh, tôi viết về một chút suy nghĩ nông cạn của mình về ca khúc: 
  
    -NGÀY TRỞ VỀ

     TRANHUUNGU

Không có nhận xét nào: