Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

DOÃN QUỐC SỸ- NHÀ VĂN BUỔI GIAO THỜI

Khoảng năm 1995 ! Sau khi được thả khỏi nhà tù CS thầy Doãn Quốc Sỹ đoàn tụ gia đình tại Mỹ. Các bạn bè mời thầy đi du lịch một vòng thăm bạn bè và học trò cũ.
Thầy Cô đi cùng thầy Nguyễn Duy Linh, thầy Nguyễn Quý Bổng qua thăm Canada , ở nhà tôi 1 tuần.
Chúng tôi tổ chức một buổi nói chuyện với CĐNV tại Montreal.
Ở tuổi trên 70 thầy vẫn khỏe ! Tôi hỏi thầy : Khoảng thời gian 13 năm trong tù thầy có đau bịnh không ?
Thầy trả lời : Chả bệnh gì...Thiền là hết.
Đến nay thầy gần 100 tuổi vẫn khỏe manh, cô Doãn Quốc Sỹ đã mất !
Theo Cô Doãn Quốc Sỹ...tất cả những tác phẩm của Thầy đều viết theo kinh nghiệm sống thật của Thầy.
Tối qua đọc lại chuyện : Người Vái Tứ Phương ... không ngừng được tới gần 3 giờ mới ngủ.
Mời các bạn cùng đọc nữa nhé 


Người Vái Tứ Phương 

Doãn Quốc Sỹ
 
Chương Một 
Phải cố tìm hiểu giáo sư Hoàn đến “cùng kỳ lý”! – Tôi vẫn tự nhủ vậy.
Vâng, đã đành thám hiểm nội tâm của chính mình nhiều khi còn tự thấy chìm nghỉm mất hút, huống chi lại thám hiểm nơi người. Nhưng mặc chứ, gắng hiểu xa được tới đâu hay tới đó, miễn hào hứng nơi việc mình làm là được rồi. Mà việc tôi làm rõ ràng hào hứng đến nỗi tôi nhiệt thành chia sẻ niềm vui đó với các bạn bằng cách kể lại đầy đủ chi tiết.
Giáo sư Hoàn tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Sinh vật học tại Đại học Connecticut năm 1968, nếu tôi nhớ không lầm. Năm 1970 tôi tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa tại Sài Gòn. Hai năm sau – 1972 – tôi được cử đi tu nghiệp thêm một năm về Vi trùng học, cũng tại Đại học Connecticut. Vì vậy mối liên hệ của tôi với giáo sư Hoàn thoạt là tình đồng môn. Giáo sư Hoàn hơn tôi dễ đến bảy, tám tuổi. Tôi kính trọng giáo sư, người thuộc thế hệ đàn anh; giáo sư cũng coi tôi như em, thường gọi tôi bằng “cậu” khi nói chuyện. Thật thân mật! Chẳng bao giờ khách khí! Những điều tôi tự hứa tìm đến “cùng kỳ lý” về giáo sư Hoàn tựu trung cũng chỉ quanh quẩn ba vấn đề này:
- Nguyên nhân vì sao từ sau năm 1975, không được mời tiếp tục dạy tại Đại học Khoa học, giáo sư lại chuyển sang tiêu khiển bằng cách xem tướng?
- Nghệ thuật xem tướng của giáo sư ra sao mà đạt được kết quả rõ ràng như vậy? Giáo sư thường nói với tôi: “Xem tướng không chỉ là một khoa học, còn là một nghệ thuật. Có thể nói Chân Thiện Mỹ quy tụ nơi đó!” Tôi vẫn thường thắc mắc tự hỏi không biết vũ trụ quan, nhân sinh quan của giáo sư khi xem tướng ra sao.
Tôi nhớ lần đầu tôi hỏi:
- Thưa, cái gì làm giáo sư có hào hứng đi sâu vào tướng số như ngày nay? Dĩ nhiên trừ việc giáo sư không bận dạy học.
Giáo sư Hoàn trả lời ngay:
- Nguyên nhân xa, nguyên nhân gần, biết nói sao cho hết? Tôi chỉ nói cái gì chợt đến ngay trong trí: đó là chuyện một con chó chết.
- Thật vậy sao, thưa giáo sư?
- Vậy đó! Con chó thiệt… thiệt khôn. Cửa đóng, có tiếng chuông bấm. Nó rít lên, vẫy đuôi mừng, vậy là đúng người quen rồi; nó sủa hung hãn: người lạ đó! Ông chú, bà bác có khi ba, bốn tháng mới tới một lần, nó vẫn rít lên, vẫy đuôi mừng khi chưa mở cửa. Chuyến tôi đi Mỹ lần thứ hai lấy xong Ph.D. về, sau bốn năm vắng nhà, nó vẫy đuôi, nó rít lên, cuống quýt đứng trên hai chân sau, còn hai chân trước như hai bàn tay vụng dại đặt lên khoảng ngực tôi.
Bà giáo sư cũng vừa có mặt ở phòng khách lúc đó, bà nói:
- Con Bốp – tên nó là Bốp – khôn lắm bác sĩ ạ. (Ngược lại với ông, bà luôn luôn gọi tôi trịnh trọng như vậy.) Nó già rồi. Chừng một năm, sau ngày nhà tôi ở Mỹ về, nó bắt đầu rụng lông. Tôi vẫn tắm đều cho nó nên biết không phải là ghẻ. Tôi hy vọng nó sớm thay lông, vì trông con chó già rụng lông tội nghiệp lắm. Nó suy nhược trông thấy. Tuy yếu nhưng ngày vẫn nằm dưới gầm giường, đêm vẫn nằm gần bờ cửa để trông nhà. Chó khôn bao giờ lưỡi cũng lấm tấm đốm đen, bốn chân móng đen tức móng huyền đề, lúc nằm cả bốn chân sõng soài. Đợi mãi không thấy nó thay lông mới, chợt một hôm nó khục khặc ho rồi đi tiêu chảy. Tôi biết hỏng mất rồi, bác sĩ ạ. Nó nằm gục suốt ngày, không hẳn là ngủ mà như một ông già suy ngẫm. Tôi tán thuốc Ganidan thành bột, hòa với nước đường đổ vào đĩa cho nó liếm – nó bỏ đấy. Một lần tôi gọi “Bốp, Bốp” nó cố gắng run rẩy đứng dậy, đuôi cố ve vẩy một chút rồi khuỵu xuống ngay. Tôi thương quá, bác sĩ ơi! Tôi quét rửa chỗ tiêu chảy, tanh vô cùng, mà nó như biết ngượng ngùng vì đã làm phiền chủ. Tội không, bác sĩ?!
- Phải công nhận nó khôn thật, thưa bà. – Tôi trả lời bà để điểm xuyết câu chuyện.
- Tối hôm đó, tôi dẫn nó vào buồng tắm, trải bao tải cho nằm để tránh gió. Suốt đêm cả hai vợ chồng tôi đều không ngủ được, bác sĩ ạ. Nghe tiến nó rên thê thảm quá, thỉnh thoảng hoặc tôi hoặc nhà tôi lại từ trên gác xuống ngó nó ở buồng tắm một lần, không khác gì ngó con, ngó cháu mình ốm đau bác sĩ ạ.
Tôi cúi mặt lắc đầu thương hai con chó trong dĩ vãng. Quả thực bà giáo sư kể tới đó không giấu được xúc động nơi giọng nói. Bà ngừng chút xíu rồi tiếp:
- Bác sĩ ơi, khoảng bốn giờ sáng thấy bặt tiếng nó rên, nhà tôi nói khẽ: “Con Bốp chết mất rồi!” Cả hai vợ chồng cùng xuống, tôi hấp tấp mở cửa buồng tắm ngó vào. Quả thực con Bốp đã chết, bác sĩ ạ. Nó chết gục sát bên vũng máu nó thổ ra đã tím đen.
Giáo sư Hoàn đỡ lời bà:
- Tôi bèn liệm con chó bằng chính tấm bao tải nó nằm. Bưng nó ra xe – lúc đó tôi có chiếc Daihatsu – tôi có cảm tưởng thân nhiệt con Bốp còn tiết ra ấm tay. Tôi chở nó xuống tận Ngã ba Cây Thị, Gia Định, chôn dưới gốc cây khế trong khu vườn của ông chú.
Bà chép miệng: cũng bị mất cắp luôn. Dạo đó loại camionnette Daihatsu rất tiện lợi trong việc chuyên chở trên các ngả đường Lục tỉnh và miền Trung, nên một mất là biệt tăm luôn, đừng hòng cớ bóp tìm ra hay chuộc lại. Tôi theo bà bạn tới một cô thầy bói nổi tiếng ở chợ Phú Nhuận. Cô gieo quẻ rồi nói: “Nhà bà vừa có cái tang.” Tôi đáp là không có, chỉ có con chó khôn vừa chết. Cô thầy bói cho hay là chính con chó khôn đó đã gánh hết tai nạn cho chủ. Mà bác sĩ ạ, ngẫm ra đúng. Chúng tôi có hai vợ chồng người bạn bác sĩ, anh ấy bằng tuổi tôi, chị ấy bằng tuổi nhà tôi, cũng vào năm đó, người con trai lớn nhất của anh chị bị ung thư chết, anh đương là y sĩ trưởng một quân y viện, chỉ vì quá thanh liêm nên vừa bị tụi tham nhũng đẩy đi, mất chức.
Bà đã lên gác, giáo sư Hoàn nói với tôi:
- Hãy gác sang một bên những chuyện tạm cho là mê tín của đàn bà, tôi có thể nói với cậu, một trong những nguyên nhân đã làm cho tôi khoái xem tướng chính là cái chết của con Bốp. Sự thông cảm giữa người và vật há chẳng lấy mẫu từ người với người sao? Tôi xem tướng trên cơ sở sự thông cảm đó. Cuộc sống đầy dẫy những khác biệt và đụng chạm. Hãy cảm thông và bao dung những vui buồn, phải trái của nhau. Tôi xem tướng trên cơ sở cảm thông và bao dung đó.
Một lần khác nhân ôn lại chuyện trên, giáo sư Hoàn thủ thỉ với tôi thành lời tâm sự:
- Người ta bảo tôn giáo nào trên thế giới cũng hướng về giải thoát. Tôi chưa có dịp suy ngẫm thật kỹ câu nói trên, nhưng riêng với tôi khi xem tướng giúp ai, tôi có nghĩ mình đương lái con thuyền đời xuôi dòng giải thoát, lái thuyền bằng mái chèo, bằng cánh buồm, bằng những phương tiện mình có. Sự thực thì biết yêu giải thoát và biết nỗ lực trong việc này là quý, chính sự giải thoát đã nằm trong đó rồi! Ý hướng giải thoát nào mà chả chủ trương làm cho tinh thần thanh thản trước mọi khổ đau, bất mãn của cuộc đời. Tôi xem tướng cho người, chỉ đường giải thoát cho người, đồng thời cũng là một phương thức giải thoát cho mình. Vào những lúc hào hứng “phúc chủ lộc thầy”, lời nói hào hứng khách quan của tôi cộng hưởng với sự háo hức chủ quan của người nghe, trong trường hợp này, tôi có thể cam đoan với cậu, lời nói của tôi có tác dụng chủ động điêu khắc lại khuôn mặt định mệnh theo khát vọng của chính mình...
Lần đó, từ chập tối cho đến quá nửa đêm, gia đình tôi đã nói chuyệt quá nhiều về ngót một trăm xác chết trôi dạt dập dềnh về Bãi Trước và Bãi Dâu, Vũng Tàu. Phần lớn xác những người vượt biên xấu số này bị cá rỉa mất đầu. Chính những cá nhỏ, và đặc biệt tôm, khoái rỉa xác người nhất. Có xác một bà mẹ ôm chặt đứa con thơ vào lòng, người ta phải khó khăn lắm mới gỡ được hai cánh tay bà để lấy xác đứa con ra. Nhưng lại có nguồn tin thuật lại rằng đứa con được cứu sống. Xác bà mẹ trương nổi lên. Tình nằm gọn trong sự ấp ủ xót thương siêu nhiên của mẹ, sóng biển dập dềnh táp vào xác bà (lúc đó đã biến thành chiếc phao) thường xuyên làm ướt đứa bé mà không hề làm nó ngộp thở. Khi xác bà giạt vào Bãi Dâu, thoạt ai cũng cho là cả hai mẹ con cùng chết, nhưng rồi một người chợt nhận thấy thằng bé chỉ có vẻ ngủ thiếp. Người đó chú ý thấy “chim” của nó không hoàn toàn thụt mất mà chỉ săn lại, bèn cúi xuống ghé tai nghe, thấy tim bé còn thoi thóp đập. Không còn nghi ngờ gì nữa, thằng bé nhất định sẽ được cứu sống. Quả thực nó đã được cứu sống!
Tôi ngủ thiếp đi, chập chờn trong mơ hình ảnh những xác chết bị cá, tôm rỉa mất đầu. Vào lúc đêm tàn ngày rạng, chợt thức giấc, tôi tự động tránh ôn lại những hình ảnh bi thảm bằng cách ôn lại hình ảnh bãi cỏ mênh mông xanh trong khuôn viên Đại học đường Connecticut, nơi giáo sư Hoàn đã theo học bốn năm, tôi một năm. Tôi nhớ những nét sóng lăn tăn nơi mặt hồ trong khuôn viên, rồi bãi cỏ xanh mênh mông, với nơi này ba bốn nam nữ sinh viên ngồi nhàn đàm, nơi kia một vài kẻ nằm ngửa nhìn vòm trời xanh có vài bè mây trắng lững lờ trôi, nơi kia nữa, bốn năm sinh viên đương tíu tít vừa đi vừa nói chuyện. Rồi bãi cỏ xanh thoai thoải trườn lên sườn đồi. Những cây thấp, cây cao, những lùm lá nhỏ lăn tăn như lá ngâu, lá muồng, những vùng lá lớn như lá đa, lá đề, những cành cây thon vút hay những cành cây lực lưỡng tỏa rộng. Những building của các phân khoa vươn lên sừng sững vừa uy nghi vừa thân ái phô màu tường đỏ, cửa sổ sơn trắng.
Trời đã sáng. Tôi vùng dậy rửa mặt thay đồ tới thăm giáo sư Hoàn theo tiếng gọi của linh tính như con vật bị bệnh hay bị thương đi tìm loại cỏ và lá cây chữa lành hiệu nghiệm. Lúc đó khoảng bảy giờ sáng. Giáo sư đang ngồi uống trà một mình nơi phòng khách. Tôi kể lại chuyện ngót một trăm xác chết dạt vào bãi biển Vũng Tàu. Tôi không quên kể chuyện xác người mẹ trương phồng thành phao ôm con thơ trong lòng. Không rõ tin người ta cứu được đứa con có thật hay không.
Giáo sư Hoàn nói nếu xác người mẹ nổi như chiếc phao ôm con thơ trong lòng thì việc hai ba ngày sau đứa trẻ chỉ lịm đi vì thiếu ăn, thiếu uống và được cứu sống, không hề là chuyện hoang đường. Có điều, nếu quả tin đó đúng sự thực, giáo sư Hoàn ao ước có thứ giác quan đặc biệt chứng kiến được cảnh anh hồn người mẹ ấp ủ che chở đứa con từ ngoài khơi bồng bềnh đến khi dạt lên bãi cát. Vẻ trầm tư phản chiếu những thắc mắc siêu hình về số phận con người trên gương mặt giáo sư Hoàn, tới hai, ba phút sau giáo sư mới nói khẽ, lẫn trong tiếng thở dài rất nhẹ:
- Cuộc đời tự nó đã quá nhiều phức tạp sầu khổ, còn gây thêm sầu khổ cho nhau mà làm gì! Bất kỳ điều bất hạnh nào nơi người – nghèo khổ, thương tật, bệnh hoạn – đều có thể rơi vào chính mình bất kỳ lúc nào. Hãy mang ơn những người đương gánh chịu cho mình! Tất cả những gì sống động và tốt đẹp trên thế gian, nếu giữ được thăng bằng, sẽ không sụp đổ. Tôi luôn luôn giữ cho ánh sáng lý trí suy xét, nhận định của tôi không đốt sém cong tình cảm mà chỉ làm cho rực rỡ, êm ả như ánh bình minh làm rạng màu mây, soi tỏ cỏ cây hoa lá, giúp con người yêu người, yêu mình, yêu tạo vật. Tôi xem tướng như vậy đó. Tôi có bí quyết: Khi nói về một người vắng mặt, tôi coi họ như có mặt lúc mình nói, như vậy tránh được tật thường tình chỉ nhìn phần xấu của người vắng mặt. Tôi xem tướng cũng theo tinh thần đó nữa.
Giáo sư Hoàn chợt bật cười vui, dường như ông thấy bầu không khí đàm thoại nghiêm trang quá đáng, ông nói để xóa nhòa cảm giác đó:
- Thuở còn trẻ tôi cũng hay ghi ghi chép chép đấy, nhưng vụn vặt cả mà, ai mà nhớ nổi. Hãy tưởng tượng cụ Ngọc Hoàng Thượng Đế bảo mình vào lúc hấp hối: “Con là đàn ông có bảy vía, con hãy di ngôn cho con cháu một câu nói bảy lời!” Tôi sẽ tuân lệnh Ngọc Hoàng mà nhủ lại con cháu rằng: “Hãy sống thanh đạm và làm lành!” Cậu thấy chứ, đời sống nhân loại nơi nào, thời nào cũng là cuộc đấu tranh khắc khổ để giữ điều lành, tránh điều ác. Đời sống cá nhân nào vào bất kỳ lúc nào cũng là cuộc tự tranh đấu cam go giữ cho chính mình lành nhiều, ác ít. Lời tôi nói khi xem tướng cho người ta cũng chỉ là cái bè cho người ta tự cứu, giúp người đó không bị chết đuối trong tuyệt vọng, trong buồn đau. Mà cậu cũng dư biết đấy, việc xem tướng cho người ta cũng là cái bè cho chính tôi, một giáo sư… “mất dạy” (giáo sư cười – ý ông muốn nói mất chỗ dạy học). Cậu tính tôi bây giờ còn biết làm gì, tôi vốn không ưa ngồi nguyền rủa bóng tối.
- Giáo sư mới học khoa tướng số này hay đã từ lâu?
- Từ thuở vừa bắt đầu lên đại học để tìm một lối giải trí riêng. Tiến tới quan niệm tướng số như ngày nay là cả một quá trình đó. Để rồi khi nào tiện dịp tôi nói rõ hơn, hôm nay tôi hãy kể cho cậu nghe buổi thực hành tướng số đầu tiên của tôi.
- Sau ngày trọn miền Nam rơi nốt vào tay
Cộng sản, thưa giáo sư?
- Không, không, từ thuở còn ở Đại học đường Connecticut lận. Buổi xuất quân của tôi mang màu sắc quốc tế ngay: Tôi xem liền một lúc cho hai người bạn, một Thổ Nhĩ Kỳ, một Hy Lạp. Tôi nói với người bạn Thổ Nhĩ Kỳ là tôi rất khoái loại bánh ngọt làm bằng hạnh nhân và mật ong của xứ sở anh, mà phải ngồi ăn ở Istambul kia – Constantinople cũ ấy mà – một bên là Hắc Hải một bên là biển Marmara với eo biển Bosphorus. Còn với anh bạn Hy Lạp tôi thật tình đề cao món thịt nướng Souvlakia của xứ sở anh mà tôi được thưởng thức ở ngay thủ đô Athens. Tôi nói xem tướng cho hai anh chính là để đền đáp lại hai sản phẩm văn hóa mà tôi đã có hân hạnh được thưởng thức. Và cậu ạ, ngay buổi đầu tiên thực tập đó, tôi đã hiểu rằng xem tướng – ít ra là theo trường phái của tôi – cũng như nhà thơ giao cảm với thiêng liêng mà gieo vần. Mình nói mà như con diều bay bổng, nương vào gió mà bay. Tôi đã đem lại niềm vui cho hai người bạn đồng học. Nghe tôi nói, họ không thể không vui được! Việc đã qua đành rằng nó như vậy, nhưng hướng về tương lai, chính mình làm chủ vận mệnh mình. Tôi ân cần giải thích cho hai người bạn đừng quan niệm tướng số theo lăng kính dị đoan tiền định. Những gì bẩm thụ là phần tiên thiên, còn phần hậu thiên là công phu thử lửa mình lại, tôi zzluyện chính mình. Hiểu như vậy thì tử vi, tướng số không còn là khoa học huyền bí mà là khoa học thực nghiệm, thực tập với đầy đủ ý nghĩa hào hứng của nó. Biết cái tiên thiên, rồi dùng cái hậu thiên làm bửu bối gây điều lành, tránh điều ác.
Tôi hỏi:
- Vậy cái buổi đầu tiên thực tập đó, giáo sư tự ý xem cho hai người bạn, hay chính hai người bạn yêu cầu giáo sư xem cho?
Giáo sư Hoàn gật đầu hài lòng:
- Câu hỏi của cậu thật hay! Có cái gì trên đời không có lý do đâu? Nguyên do: chúng tôi mới đi chơi dịp cuối tuần về. Dịp đó ba chúng tôi xuống hải cảng New Haven thăm gia đình một bạn đồng học khác, được người bạn đưa lên du thuyền của gia đình bơi ra giữa vùng biển Long Island Sound suốt từ mười giờ sáng đến bốn giờ chiều mới về. Thoạt biển động, thuyền chòng chành dữ. Tôi nằm ôn lại những điều mình thâu thái được về tướng số nơi sách vở, nơi các người đi trước mà tôi có dịp học hỏi. Biển êm dần, tôi đã đứng dậy, vẫn nói chuyện với bạn vẫn tiếp tục ôn thầm những điều sở đắc về tướng số. Khoảng ba giờ chiều biển êm như ru, du thuyền về bến, tôi tiếp tục ôn như vậy. Chính ngoại cảnh đó giúp tôi đi sâu vào cái tôi tìm hiểu, rồi cái đó lan rộng nơi trí tôi như một phần sáng láng của bản thể. Lúc rời du thuyền lên bờ, tôi có nói với cả hai anh bạn Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là tôi có thể xem tướng được, rồi đây khi có dịp tôi sẽ xem tướng cho hai anh.

( Còn tiếp )

Người Vái Tứ Phương  (tt)
Doãn Quốc Sỹ 
Chương Hai 
Có cái gì trên đời không có lý do đâu… Chính ngoại cảnh đó giúp tôi đi sâu vào cái tôi tìm hiểu, rồi cái đó lan rộng nơi trí tôi như một phần sáng láng của bản thể.
Lời nói đó âm vang nơi tôi và chắc chắn đã gợi niềm hào hứng nới giáo sư Hoàn. Giáo sư bèn kể tiếp – câu chuyện xảy ra gần đây thôi. Cứ thấy càng ngày người ta càng nườm nượp tới hỏi giáo sư về tướng số, công an khu vực điều tra ngầm về giáo sư, báo cáo về phường, phường báo cáo về Sở. Giáo sư Hoàn nhận được mảnh giấy vuông nhỏ mời tới Sở về việc… “sẽ nói sau”.
- Khi tôi bước chân vào phòng Sở - lời giáo sư Hoàn trầm tĩnh kể - viên Trung tá Công an chưa xuất hiện. Tôi chọn hướng ngồi ở thế thích hợp và thuận tiện cho tôi. Chưa đầy một phút, y từ ngoài bước vô, vẻ mặt nghiêm khắc, cố ý lộ vẻ sẵn sàng nổi giận để uy hiếp tinh thần “đối tượng”. Tôi đứng dậy chào y, đúng phép lịch sự, không lo âu, không nghi kỵ, không cầu cạnh rồi ngồi xuống.
Và cuộc đối thoại bắt đầu tức khắc, y như con trăn phóng tới thanh toán gấp con mồi.
- Ông hành nghề xem tướng?
- Tôi không lấy một xu của ai, bởi vậy tôi không hề có ý nghĩ là mình hành nghề.
- Ông xem tướng như vậy là khuyến khích mê tín dị đoan, đi ngược lại đường lối của Bác – Đảng, của chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Ông cho phép tôi hỏi câu này nhé! Trong ngành công an bảo vệ an ninh cho đồng bào xứ sở, khi chấp pháp một người, quý ông có thoạt nhìn nét mặt người đó, nhìn cả dáng dấp nói chung để có được một nhận định tổng quát về nhân cách, tính tình người mình sắp hỏi cung?
- Có chứ!
- Như vậy là xem tướng đấy. Khi hỏi cung, quý ông có vừa quan sát cử chỉ, vừa lắng nghe giọng điệu trả lời để đo mức thành thực của câu trả lời?
- Có chứ!
- Như vậy cũng là xem tướng đó, và xem một cách đầy đủ. Đôi mắt là cửa sổ của linh hồn, quý ông không chỉ bắt chợt có ánh mắt, mà còn quan sát cả khuôn mặt, dáng người, giọng nói. Quý ông xem tướng toàn diện đó.
- Nhưng ông xem tướng để đoán vận mệnh, đoán tương lai. Ông nghe rõ chưa, ông đoán vận mệnh, đoán tương lai. Mê tín dị đoan rồi còn gì!
- Từ thời Marx, Engels rồi tới thời Lénin, Stalin, luôn luôn người ta tiên đoán sự sụp đổ tất yếu của thế giới tư bản. Ai chẳng có quyền dự đoán tương lai để hoạch định chương trình hành động của mình?!
- Sao ông có thể ví sự tiên đoán tương lai của Marx, Engels, Lénin, Stalin căn cứ theo dữ kiện tất yếu của lịch sử với sự tiên đoán tương lai của ông cho một cá nhân nào đó theo óc mê tín dị đoan?
- Xin ông chú ý là tôi chỉ lấy sự kiện tiên đoán tương lai làm mẫu số chung, chưa đi sâu vào chi tiết dị biệt.
- Nhìn mặt một người rồi nói dĩ vãng, rồi đoán tương lai của người đó, không mê tín dị đoan thì là gì?
- Khi ông tới một vùng cao nguyên đất đỏ, ông nói nơi đó trước có núi lửa phun dung nham, đó là ông nhìn hiện tại mà thấy việc đã qua. Ông nhìn mây xám ùn tới, gió lạnh nổi lên, ông đoán trời sắp mưa, đó là ông nhìn hiện tại mà biết trước việc sắp tới. Người thường, tới lúc nhìn mây xám thấy gió lạnh mới biết chắc là trời sắp mưa, nhưng tôi sinh trưởng ở miền duyên hải, sống giữa những bậc cha anh làm nghề thuyền một, hai tuần sau đúng phong phóc. Nhìn mặt người, nói tương lai hay dĩ vãng cũng vậy thôi, và người này tiên đoán gần, người kia tiên đoán xa, cũng vậy thôi.
- Và tiên đoán sai!
- Dĩ nhiên có sai chứ! Tôi không nói những người thiếu kinh nghiệm, thiếu thực học, thiếu linh cảm mẫn nhuệ đoán sai trật lất, tôi nói chính những người có đủ những điều cần thiết trên mà vẫn có thể có lần trật lất.
- Như thế không là mê tín, dị đoan thì là gì? Giáo sư Hoàn thuật đến đấy thì ngừng lại giây lâu, nâng tách trà nhấm nháp. Rồi ông giải thích là cuộc đàm thoại đến đấy, ông thấy rõ viên Trung tá Công an thấm mệt rồi. Sinh lực hăm hở ban đầu nơi y tàn lụi như ngọn đèn lụi dầu.
- Giá như tôi – lời giáo sư nhấn mạnh – hối hả cãi y, giá như tôi cố ý có vài lời hay cử chỉ thất thố, những thứ đó chắc chắn có tác dụng quý giá tiếp tế “nhiên liệu” cho y. Khốn nỗi tôi rất mực điềm đạm, thùy mị trả lời, và trả lời ngay như một tiếng vang đáp lại, chỉ khác có tình ý tùy nghi. Tôi trả lời như thể từ ngàn xưa vốn dĩ tôi như thế và cho tới ngàn sau tôi không thể khác hơn. Viên Trung tá Công an bị dồn vào thế vô phương tự cứu. Ở trường hợp tương tự không ai có thể tự lên dây cót được. Đồng thời tôi đã có lợi điểm quan sát kỹ y, nhận rõ chân tướng những âu lo vẫn ám ảnh y.
Quả thực từ sau câu thốt ra “Như thế không là mê tín dị đoan thì là gì” như một phản xạ máy móc yếu xìu, rõ ràng lời nói của viên Trung tá Công an dịu hẳn. Cuộc đàm thoại tiếp tục với lời giải thích của giáo sư Hoàn với y:
- Tỉ như một lần cũng mây đen ùa tới, cũng gió lạnh nổi lên và ai nấy đều tiên đoán mưa lớn tới nơi rồi. Chợt gió bùng thổi mạnh, mây trời tan tác, khoảng xanh lộ ra, và trời không kịp mưa hoặc chỉ mưa lất phất chút ít. Nhưng đâu phải vì thế, lần sau khi thấy mây đen ùa tới, gió lạnh nổi lên, người ta từ bỏ đoan quyết cũ mà tin ngược lại là trời nhất định không thể mưa được!
- Có phải trước đây có một lần một Tổng trưởng thời Diệm vì lũng đoạn được ngành nhập cảng phân hóa học mà thành tỉ phú, được ông khuyến dáo trước tương lai, vội cải tà quy chánh mà thoát được tù tội?
- Đúng là có chuyện như vậy, thưa ông.
- Tôi cũng được biết là sau đó tên Tổng trưởng kia có mua biếu ông chiếc Mercedes.
- Dạ đúng. Tôi dùng xe một tuần cho ông Tổng trưởng biết tôi nhận quà biếu như một chứng tích của lòng biết ơn, nhưng rồi tôi trả lại để trung thành với quan niệm sống của riêng tôi, khước từ mọi toan tính vị kỷ, vị lợi. Tôi như con chim chỉ thích bay nên cần đôi cánh nhẹ.
- Vậy ông thử nhìn tôi xem biết gì về tôi nào! (Tuy lời nói lễ độ, giọng viên Trung tá Công an còn đượm chút thách thức cuối cùng.) tình duyên lận đận. Tôi xin phép nói thẳng, ông đã từng nếm nhiều cay đắng vì tình.
- Ấy… thế ế ế… Vậy… vậy tương lai tôi, ông thấy gì?
- Bằng hữu không tốt với ông đâu. Ông nên cẩn thận nghe tôi điều đó. Hiện giờ có người đang rắp tâm hại ông. Trong vòng hai tháng, ông có thể bị hạ bệ, bị đưa ra tòa, vị trí của ông lung lay.
- Ồ ồ ồ, à vâng, nếu như vậy, mình… mình có cách gỡ không ông?
- Ông cứ yên chí đi, có cách gỡ. Cách gỡ ra sao, tôi chưa biết vì chuyện đó chưa hiện rõ. Vậy khi nào ông thấy tai nạn bắt đầu tới, ông cho tôi hay, chắc chắn tôi giúp ông thoát, nếu không cũng nhẹ đi nhiều, nhẹ đi nhiều lắm.
- Ồ chắc chừng trong vòng một tháng ông nhỉ, là mình nhận ra triệu chứng.
- Vâng không vậy. Đây không phải là lần đầu tiên ông bị nạn đâu. Ông nghĩ lại xem, đời ông đã nhiều lần bị nạn kiểu thậm cấp chí nguy, nhưng nhờ phúc đức của ông cụ và bà cụ thân sinh ra ông quá dày dặn nên ông thoát nhẹ thênh.
- Thôi bây giờ tôi phải đi họp, mời ông về, cám ơn ông đã tới. Chào ông.
- Chào ông. À trước khi chia tay, tôi chỉ xin ông lưu ý từ nay hễ có dịp làm được điều gì phúc đức, xin ông cứ làm cho.
Giáo sư Hoàn mỉm nụ cười tươi, thật tươi chấm dứt cho câu chuyện giáo sư vừa tường thuật. Tôi bâng khuâng một chút rồi hỏi ngay:
- Lời viên Trung tá Công an khi nói giáo sư hãy nhìn xem và nói đã biết gì về y quả có hơi hỗn.
- Chẳng thể khác hơn được, cậu ơi… Người ta là công an, người ta hạ trát đòi mình tới trình diện kia mà. Có điều đâu phải đợi tới lúc đó tôi mới nhìn, tôi đã quan sát kỹ từ lâu rồi. Thế tất yếu của cuộc nói chuyện phải đưa tới điểm y nêu thử thách để kiểm chứng căn bản sở học của tôi. Tôi chỉ đợi có vậy để nói vậy, tức khắc.
- Và quyết đoán đó hoàn toàn dựa trên sách vở, phải không ạ?
- Thì còn gì nữa. Mũi cô phong tị: cao, trống trải; cuối mày: lông mọc phân tán đè xuống mắt. Toàn những phá cách không à. Khi bị tôi nói trúng tẩy tình duyên cay đắng, nếp sống cô đơn, y giật mình lảng sang chuyện khác ngay, không muốn mình đi sâu vào tim đen hơn nữa, do đó bèn hỏi về tương lai.
- Chưởng thứ hai giáo sư tung ra chỉ nẻo tương lai cũng hoàn toàn dựa trên sách vở?
- Thì còn gì nữa. Thần mắt có dấu hiệu thất tán, sắc ở vùng mũi u ám: tai nạn sắp tới rồi! Mây đen, gió lạnh: trời sắp mưa mà. Cung nô bộc hai bên hàm, sắc cũng hãm rõ rệt. Dễ đoán quá mà. Lời tiên đoán thứ hai này khiến tôi hết còn ở thế hạ phong nữa mà chuyển lên thượng phong. Bị ngoài tôi làm cứu tinh? Tôi cho cái án treo một tháng đó. Thay bậc đổi ngôi rồi! Đến lượt y phải đem đầu tới trình diện tôi, hoàn toàn tự nguyện, không cần trát đòi.
- Vâng, bây giờ thì tôi thật hiểu quan niệm “mình làm chủ định mệnh mình” của giáo sư. Đức năng thắng số! Lấy hậu thiên sửa tiên thiên! Giáo sư đã chỉ cho y sinh lột để tự cứu: làm việc phúc đức!
- Thì tôi há chẳng đã nói với cậu di ngôn của tôi sau này chỉ cần có bảy chữ: HÃY SỐNG THANH ĐẠM VÀ LÀM LÀNH!
- Thế y đã đến cầu cứu giáo sư chưa?
- Mới có một tuần, đâu đã được một tháng.
- Vậy thời chúng ta chờ. Hay hay! Giáo sư ơi, bây giờ thì tôi thèm học xem tướng quá. Giáo sư chỉ giáo cho tôi nhé!
- Sẵn lòng. Rồi đây khi nào tiện dịp. Tôi chợt hơi lo lắng:
- Thưa giáo sư, liệu có thể lần này sách vở sai đối với viên Trung tá Công an?
- Có thể lắm chứ! Gió chợt thổi mạnh, mưa tan, trời đẹp. Mình mừng cho người ta thôi. Hãng Tôbia bán áo quan ế khách mà than phiền thì còn trời đất nào nữa!
Cả hai chúng tôi cùng cười lớn, và tôi đứng dậy cáo từ giáo sư Hoàn.

Không có nhận xét nào: