Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

NGÀY CŨ. @19

Thời gian sống và làm việc ở quận Tư thấm thoát vậy mà đã ba mươi ba năm rồi. Chắc cuối cùng cũng nằm chết ở đây thôi vì lúc này nhà quận Tư khó bán, có muốn chuyển nhà đi chỗ khác tốt hơn chút đỉnh cũng chẳng được. Ở từ khi Cảng Sài Gòn là một cục nam châm hút hết dân giang hồ sông nước từ Bắc chí Nam trong đó có tôi, ở cho tới lúc hôm nay khi nhìn ra cảng chỉ còn thấy một miếng đất to đùng trống hoác.

Quận Tư chính là đại học lớn của cuộc đời. Ở đó trí thức sợ du côn thấy mẹ, bởi đánh lộn với du côn chắc chắn trí thức no đòn.

Từ đó suy ra trong một cuộc chiến tranh, bên nào xài nhiều trí thức quá thì sẽ bị thua là cái chắc. Bởi cầm dao chém hay cầm súng bắn thì trí thức chẳng dám làm hay làm rất so đo tính toán, còn tầng lớp bình dân cấp thấp thì hô một cái là nhào lên quyết tử chẳng sợ con ma nào. Trong những năm cuối của chiến tranh, mỗi lần đánh xáp-lá-cà thì coi như lính Việt Cộng thắng. Họ chơi luôn chiến thuật “Biển người” đạn bắn tùm lum vẫn nhào lên không sợ chết.

Hồi thời ông Bảo Đại rồi ông Ngô Đình Diệm qui định tốt nghiệp cấp hai (diplôme) mới cho học lớp sĩ quan dự bị, sau 1963 nâng dần lên tú tài một rồi nâng lên tú tài hai mới cho đi học sĩ quan trừ bị. Còn trường sĩ quan hiện dịch Đà Lạt được coi như một loại đại học bách khoa, thí sinh phải thi đậu tú tài rồi xin tham dự một cuộc thi tuyển khá gắt gao lần nữa mới may ra xin vào học được. Thi cử thời trước khá nghiêm túc, năm 1960 đậu tú tài Một cả miền Nam chưa tới mười ngàn người.

Tính tới năm 1975 thì số sĩ quan kể cả biệt phái, trừ bị và hiện dịch trong quân đội Sài Gòn khá nhiều, thống kê cho thấy khoảng 300.000 người. Tức trong 3 hay 4 người đi lính Sài Gòn đã có một sĩ quan. Giống như tỉ lệ số lượng đảng viên hiện nay trong quân đội hay công an vậy. Số lượng trí thức đông đảo trong quân đội tỉ lệ nghịch với sức chiến đấu ngày càng giảm trong những năm cuối cuộc chiến.

Như ở sư đoàn Dù hay sư đoàn Thủy quân lục chiến, sư trưởng phải là chuẩn tướng hay thiếu tướng, lữ đoàn trưởng cấp bực đại tá, tiểu đoàn trưởng cấp thiếu tá hay trung tá, đại đội trưởng là đại úy, trung đội trưởng ít nhất là thiếu úy. Ở các sư đoàn bộ binh, cấp chỉ huy trung đội cũng phải là sĩ quan, nghĩa là quân đội đầy người trí thức cả.

Tình báo Mỹ cho rằng một quân đội mà cấp chỉ huy toàn trí thức chính qui màu sắc khoa bảng tốn kém ít thực tế kham khổ chiến trường thì quân đội đó chiến đấu cũng theo kiểu hàn lâm tốn kém. Khi bước vào một trận chiến mà đối thủ là dân lao động ít học hay đa phần là du kích nông dân, rồi phải chiến đấu trên một chiến trường lầy lội ở nông thôn… thì quân đội đó khó mà đối phó nổi.

Cách đánh giặc giống như lực lượng quân sự chính qui Mỹ, quân đội Sài Gòn đánh giặc theo bài bản chiến tranh qui ước xử dụng quá nhiều vũ khí lớn để yểm trợ hành quân, bắn phá trên diện tích lớn không rõ mục tiêu cụ thể. Khi viện trợ Mỹ và yểm trợ phi pháo của người Mỹ không còn, các sĩ quan và binh sĩ của quân đội Sài Gòn mất phương hướng chiến đấu nhanh chóng. Lối sống của họ cũng vậy, sĩ quan cấp đại úy trở lên phải ở khu gia binh riêng, đi xe Jeep riêng chớ không dùng xe chung với lính, cuối tuần giải trí thường tổ chức liên hoan nhảy đầm. Chỉ huy ít khi quan tâm đầy đủ tới công việc khó nhọc của người lính dưới quyền. Họ muốn cách biệt trí thức và người ít học.

Binh sĩ Việt Cộng đa số là nông dân chịu đựng thiếu thốn quen, không có nhiều trí thức trong hàng ngũ nên ít khi bàn cãi, chỉ biết làm theo mệnh lệnh cấp trên. Chỉ huy với lính thường sinh hoạt chung, trình độ sàng sàng ngang nhau dễ nói chuyện hợp tác. Ngược lại sĩ quan và binh lính Sài Gòn quen sống sung sướng hơn, được tự do bàn cãi nên cách khỏe nhất là báo cáo tình hình không thuận tiện nên xin phép cấp trên bàn lui hay rút lui. Sĩ quan Sài Gòn không nướng lính, thấy không được thì ra lệnh rút lui ngay. Sĩ quan Sài Gòn chịu cực không quen.

Những chuyện thời chiến đôi khi giống với thời bình. Có những chuyện người trí thức làm không được hay không dám làm nhưng người lao động làm rất giỏi. Người giàu sợ chết chớ người nghèo chẳng sợ chết, bởi họ đang sống có sung sướng gì, chết mẹ cho rồi có khi sướng hơn.  

Bốc xếp ở Cảng Sài Gòn và các cảng sông cảng biển chung quanh là một câu chuyện thú vị để so sánh. Hồi cách đấy ba mươi mấy năm khi tôi mới vào làm việc trong cảng biển thì có hai loại bốc xếp: bốc xếp quí tộc và bốc xếp culi. Bốc xếp quí tộc tức quốc doanh trực thuộc Nhà nước được đào tạo từ trường lớp, phân cấp hẳn hoi để dễ phát lương: kỹ sư bốc xếp (cao cấp), trung cấp bốc xếp (trung cấp), công nhân chuyên nghiệp bốc xếp (sơ cấp)…

Cảng Sài Gòn cũng lập trường đào tạo công nhân bốc xếp và trung cấp bốc xếp có giáo sư giảng bài hẳn hoi.

Loại thứ hai là công nhân bốc xếp hợp tác xã, là các tổ bốc xếp tập hợp tầng lớp culi ít học người quận Tư quận Tám, những người kẹt quá không biết làm nghề gì ngon lành thì mới xin làm bốc xếp trong hợp tác xã tư nhân. Họ chẳng được học hành gì. Thành phần xã hội đen, du côn, du đảng trong các hợp tác xã tư nhân cũng khá nhiều, khi tranh giành địa bàn bốc xếp ưa dùng dao búa mã tấu. Chiến trường đẫm máu thường là các bến sông nằm dọc hai bên bờ kinh Tẻ. Mấy năm sau bốc xếp Hải Phòng tiến vào lấy địa bàn trang bị toàn hàng nóng. Bốc xếp quận Tư thường thua vì chỉ quen xài hàng nguội như dao và mã tấu. So sánh độ liều, xã hội đen Hải Phòng cũng liều lĩnh hơn xã hội đen trong này.

Trước năm 1990 tàu xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức… khi vào Cảng Sài Gòn làm hàng phải ký hợp đồng với cảng để hoàn tất tiến độ bốc xếp cho nhanh vì mấy năm bao cấp đó năng suất thông qua cảng giảm mạnh, công nhân quốc doanh ít chịu làm việc mà chỉ chăm chăm lo lãng công ăn cắp thời gian làm việc hay ăn cắp hàng hóa mang ra ngoài bán.

Các chuyên gia thương vụ hàng hải Liên Xô kết luận: Bốc xếp quốc doanh được học hành đàng hoàng, trang bị bảo hộ đầy đủ, quân áo bảnh tỏn… nhưng chẳng làm được gì nhiều hết. Ưa dừng máng làm việc để họp công đoàn, họp thanh niên, họp phụ nữ hay họp chi bộ. Tác phong hoa hòe hoa sói, nói nhiều hơn làm. Bốc xếp, kiểm kiện, giao nhận cảng hay móc nối tiêu cực nên luôn gây cảnh giao nhận thiếu hàng hay hư hỏng hàng, cuối chuyến tàu rất khó kết toán trung thực và thực hiện tốt công tác an toàn hàng hóa lẫn đền bù bảo hiểm.

Nên những ngày đó giữa bạn và ta thường xảy ra xích mích do hàng hóa thiếu và hư hỏng một cách cố ý. Cãi cọ hay lắm vì các kỹ sư hay trung cấp bốc xếp quốc doanh có người du học ở Nga hay Ukraina về, họ nói tiếng Nga chẳng thua thằng nào nhưng làm việc thì dở ẹc. Có khi mưa cũng chẳng thèm đóng nắp hầm hàng.

Chuyên gia Liên Xô nói tiếp: Các công nhân bốc xếp của các hợp tác xã tư nhân bên ngoài dù ít học, lương ít nhưng vì làm ăn tiền công theo khối lượng bốc xếp nên họ làm việc trối chết cho hết chuyến tàu, thường xuyên thay phiên làm 18/24 tiếng một ngày mới chịu nghỉ. Còn các công nhân quốc doanh sáng 8 giờ chưa chịu ra làm chiều mới 4 giờ đã đòi nghỉ.

Từ từ, các xà lan hàng hóa của Liên Xô kéo hết vào các cảng sông nhỏ để thuê các hợp tác xã tư nhân làm hàng. Chuyên gia cho rằng thuê bốc xếp culi ít tốn kém tiền công mà làm việc rất hiệu quả. Chuyên gia Liên Xô cũng không hề biết số tiền bốc xếp mà họ trả thì người culi cũng chẳng hưởng được hết, bởi trả tiền phải thông qua nhiều tầng nấc cơ quan quản lý của Nhà nước nữa. Hồi đó công nhân culi rất ghét Điều độ cảng và Đại lý tàu biển, họ biết họ bị ăn chận nhiều.

Cảng Bến Nghé ra đời sau Cảng Sài Gòn, học tập kinh nghiệm bốc xếp giữa quí tộc và culi nên chẳng bao giờ họ đào tạo hay tổ chức các trí thức làm quản lý bốc xếp. Họ ký hợp đồng với tàu biển rồi khoán trắng việc bốc xếp lại cho các hợp tác xã tư nhân bên ngoài. Họ hưởng số tiền chênh lệch khá lớn.

Cảng Tân Cảng Cát Lái thuộc quân đội là cảng container lớn nhất Việt Nam bây giờ cũng vậy, họ cũng cố gắng xử dụng càng nhiều càng tốt lực lượng bốc xếp ít học thuê từ bên ngoài để giảm chi phí và làm việc cho nhanh. Họ chỉ xử dụng công nhân quốc doanh cho những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, trình độ tin học cao...

Quận Tư chính là đại học lớn của cuộc đời tôi. Nhờ đó tôi biết người trí thức không thể nào so với người lao động trong những lúc cần sự hành xử quyết liệt, chiến tranh hay khi hòa bình cũng vậy. Khác biệt giữa bốc xếp quí tộc hay bốc xếp culi quận Tư cũng lý giải nhiều vấn đề… về kết quả cuộc chiến tranh đã qua.

MOMENTARY notes

Không có nhận xét nào: