Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018

KÝ ỨC TUỔI THƠ TÔI

Chương Bảy_3

Ly sữa ấm cuối cùng.

Khi tôi đi trình diện cải tạo, tôi để lại sau lưng cho Ba tôi một gánh nặng, không có người san sẻ. Bốn cô con gái chưa lâp gia đình và hai đứa em trai, với dâu và cháu nội bơ vơ. Cô em kế là công chức Thượng Nghị Viện, mất việc là điều hiển nhiên, em gái kế nữa thì vừa ra trường dược, đợi học bổ túc chính trị, hai cô kế tiếp, một cô học sư phạm, một cô mới lớp mười một, và hai thằng em trai không đủ tiền đi học tiếp. Hãng Ba tôi đẵ được chính quyền mới kiểm kê xong, trưng thu nay mai. Còn tôi, thì gần mười năm lính “lương lính tính liền”, nên cũng chỉ là cái mền vá chưa rách bét.

Khi tôi được ra tù, thì hai đứa em gái kế đã có gia đình, đứa nào cũng hai ba con, thằng em trai lớn cũng mưu sinh đủ nghề, sau mấy năm tù tôi vì bạo gan, bạo phồi gì đó với chính quyền, thông qua công an khu vực, thằng em út thì ngồi yên lặng bên dòng suối trên rẫy nhà, rồi vắng mặt luôn mãi mãi trong gia đình. Khi tôi về, tôi cũng không hỏi gì về gia đình Ba và các em, bởi có giải quyết được gì đâu. Cứ đi tới thôi. Nhưng có điều chắc chắn là cả gia đình đã và đang nhờ sự giúp đỡ từ cô em thứ tư, đang hành nghề dược sĩ, với chồng cũng đang là trưởng phòng y tế phường. Tôi mang ơn cô em nầy nhất, vì hắn đã thay tôi làm vai trò anh Cả, dù hắn tới thứ tư. (Xin xem chuyện về cô em nầy trong: “Hồi Ức Bên Tượng Đài Thuyền Nhân”, do em kế của hắn viết, đính kèm theo đây.) hoặc: (https://vvnm.vietbao.com/a204288/hoi-uc-ben-tuong-dai-thuyen-nhan)

Giữa năm 1966, Ba tôi đau một trận thừa sống bán chết, nằm trong nhà thương Đồn Đất, hơn nữa năm trời, hết tiền hết của, hết cả cơ ngơi hãng Khai Quan Thuế của ông. Về sau phải dời về nhà làm văn phòng. Bác sĩ giải phẩu cắt bỏ một lá phổi của ông, và nói ông chỉ thọ khoảng sáu năm nữa thôi. Vậy mà Mẹ tôi lại bỏ ông đi trước từ năm 1974, để ông phải gà trống nuôi con đến giữa năm 1987, Ba mới về với Mẹ. Như vậy, mẹ tôi đã khéo chăm sóc ông cả hơn hai mươi  năm sau ngày bác sĩ Tây phán. Khi vợ tôi mất, ba cha con dọn về ở với ông và các em. Thời gian nhiều biến động, xáo trộn hầu hết mọi gia đình miền Nam, nhất là những gia đình có con em, thân nhân phục vụ trong quân đội hay chính quyền cũ, mà trong đó gia đình Ba tôi không ngoại lệ. Tuy nhiên, cuộc sống của Ba và các em không đến nổi quá ngặt nghèo, vì: ông rất giỏi về kế toán thương mại, mà các hợp tác xã trong vùng rất cần, mặt khác ông cũng đào tạo nhiều học viên, không phải là cán bộ chính quyền để làm kế toán cho hợp tác xã đủ loại, hầu có thể xin việc cho các em tôi. Còn cô em kế thì theo chồng về làm rẫy trên khu đất cắn cỗi ở Long Bình. Cũng qua ngày qua tháng. Nhưng cũng chính trong thời gian nầy, không có ai kiêng khem cho ông hai món cà phê và thuốc lá, như Mẹ tôi đã giữ gìn cho ông rất chừng mực để giữ sức khoẻ cho ông trong suốt thời gian dài. Mẹ tôi thường đùa: “Tao có bốn thằng Đực: Ba mầy và anh em tụi bây, làm khổ tao hết mực!”. Còn Ba tôi lại đùa:” Mẹ mầy nuôi tao như nuôi heo, để nuôi lại tụi mầy”
Suốt cả đời, không bao giờ tôi nghe thấy hai ông bà to tiếng. Mà Mẹ tôi cũng ngộ! Tiếng Việt chỉ biết đọc, còn viết thì cở lớp ba trường làng, bởi nghe nói, ông ngoại cấm cung cấm cửa giữ lắm…(Sẽ nói về Mẹ tôi sau), chứ đùng nói tới tiếng Tây. Vậy mà chiều nào, khi cơm nước xong, là hai ông bà bắt ghế xếp xích đu, nằm trước hàng ba, mà tỉ tê tâm sự. Lúc đó ông liên kết với một hãng của hai người cháu nội của  Hui Bon Hoa (Chú Hỏa), hãng INIMEX-IMPORT et EXPORT, kế bên rạp chiếu bóng Kim Châu, giao dịch bằng tiếng Pháp. Ba tôi xổ tiếng Tây tùm lum, mà Mẹ tôi chẳng hiểu gì ráo cũng gật đầu lia chia. Có lần, tôi cắt cớ hỏi: “Mẹ à! Mẹ có biết chữ Tây, chữ U gì đâu, mà Mẹ gật đầu miết khi nghe Ba nói vậy?”- “Tao quen tính ổng rồi, bất bình, giận ở đâu, về nhà trút bầu tâm sư cho tao vậy mà. Cứ ừ cho ông vui thôi” Mẹ tôi tâm lý bậc thầy thật. Mà thường mấy bà vợ xưa, như ông bà mình con đùm con đề là vì vậy, và gia đình hạnh phúc đề huề, chớ có đâu nhiêu khê như bây giờ. Tôi chợt nghĩ: chắc hồi xưa Ba Mẹ tôi áp dụng công thức Bảy Ba, mà trên thuận dưới hoà. Mẹ chỉ có ba phần, Ba thì tới bảy phần. “Chớ một với một là hai thì cãi nhau hoài”!

Đầu năm 1987, sức khoẻ ông suy giảm rõ rệt, ăn uống không được mấy. Tôi nghĩ làm thợ hồ, nghĩ lãnh sửa chữa cất nhà cho người ta, để ở nhà chăm sóc và cơm nước cho ông. Một ngày, vừa mới chạng vạng, ông kêu khó thở và lạnh, tôi thấy không ổn, nhờ sự giới thiệu của chị đứa em rễ, chúng tôi cho Ba nhập viện ngay chập tối đó. Bác sĩ trực phòng cấp cứu, hình như mới ra trường. Tôi chứng kiến, cách một cái màn che, một vụ băng huyết, mà bệnh nhân “đi” trong vòng một tiếng. Trong khi Ba tôi chỉ được tim cho một mũi thuốc khoẻ mà thôi. Khoảng hơn chin giờ tối, sau khi nằm phòng cấp cứu được non hai tiếng đồng hồ, Ba tôi kêu thèm uống sữa. Tôi ra ngoài bệnh viện mua cho ông một ly sữa nóng. Mớm cho ông chừng nữa ly, ông kêu mệt và khó thở, tôi bèn chạy đi tìm bác sĩ trưởng ca trực báo. Một bà bác sĩ, áng chừng bác sĩ ngoài Bắc vào, cho chuyễn Ba tôi lên phòng hồi lực, và được thở ống dưỡng khí, đồng thời bảo tôi đi mua một mũi thuốc gì đó tôi không nhớ, ở nhà thuốc trực trong bệnh viện, giá năm ngàn (thời giá 1987). Khoảng nữa đêm, bà bác sĩ trở lại xem tình hình bệnh, bà nói: ”Anh nên trả lại mũi thuốc, lấy tiền về còn lo việc khác!”. Tôi đã hiểu. Dù sao thì bà bác sĩ nầy cũng còn sót chút nhân đạo. Tôi bèn kêu cô em gái túc trực kế bên, về nhà gọi hết các em khác có mặt vào nhà thương ngay lập tức. Khi các em tôi tề tựu đủ bên dường bệnh của Ba tôi, tôi hỏi ý các em rằng nếu không muốn người ta đưa Ba xuống nhà xác, để các sinh viên thực tập, thì đành phải rút ống dưỡng khí và chỡ Ba về nhà lúc người còn ấm. Các em cùng đồng ý. Và tôi quyết định rút ống dưỡng khí của Ba tôi, như đã quyết định ngưng chích thuốc trợ tim cho vợ tôi vào đầu năm 1986 vậy. Chỉ trong vòng một năm rưỡi thôi, tôi đã có hai “Quyết Định Cũng Đành”, đau lòng nhưng không tránh khỏi.

Câu nói cuối cùng gời lại cho ngưới con cả của mình chỉ vỏn vẹn: “CHO BA LY SỮA NÓNG”. Con em kế và các em khác còn không nghe được lời sau cùng của Ba nữa là. Ôi! thật là một ước muốn giản dị và nhỏ nhoi cả đời của một con người. Là một lính chiến, từng chứng kiến những sự ra đi của đồng đội, là người tù, cũng đã từng chứng kiến những cuộc bó chiếu ở trên đồi của bạn tù, nhưng không thấy thắm thiết thương đau bằng nỗi mất mát nầy. “Thưa Ba, con thọ hơn Ba, cho tới hôm nay, không phải chỉ để nhớ Ba thân yêu chỉ còn là một nắm xương trong hủ trên tháp chùa, mà còn để thấy lại quãng đời con đã đi qua, để chờ ngày như Ba vậy”. Một kiếp nhân sinh!

QUÁCH NGHI TRIỆU

Theo lời dẫn của ông thì tác giả bài ký Hồi ức bên tượng đài thuyền nhân Quách Ngọc Ánh, cô em gái thứ

Không có nhận xét nào: