Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

THEO DÒNG (9).

Anh Luận đi chính thức qua Mỹ, làm việc mấy chục năm kiếm được ít vốn. Anh muốn quay về Sài Gòn kiếm cách đầu tư, làm ăn. Chắc là anh còn thương nhớ cái “berceau” Sài Gòn, chắc là anh muốn lỡ mà có chết thì chết ở Sài Gòn. Chắc là… 

Một lần anh nói chuyện với tôi: Cái chết của ông Ngô Đình Diệm vào ngày 02/11/1963 đã để lại nhiều câu hỏi lớn cho những người dân Bắc di cư như tôi. Những câu hỏi mang tính chất bi quan và tuyệt vọng vì tình hình Sài Gòn những năm đó ngày càng xấu đi. Năm 1967 ông Nguyễn văn Thiệu được bầu làm tổng thống, tình hình càng trở nên xấu hơn. Năm 1975 thì chính quyền Sài Gòn bị mất hẳn. Tôi đi cải tạo ngoài Bắc. Hồi còn trong Sài Gòn tôi có những câu hỏi có thể tóm lại như sau:

1-Ông Ngô Đình Diệm và em là ông Ngô Đình Nhu bị người Mỹ giết có phải vì hai ông không đồng ý cho người Mỹ đem quân vào Việt Nam, không muốn người Mỹ can thiệp quá sâu vào chuyện Việt Nam? Hai ông muốn độc lập?

2-Ông Diệm độc tài và đàn áp Phật giáo, làm mất chính nghĩa tự do và thiên vị Công giáo quá rõ. Nên các tướng lĩnh dựa vào đó mà tìm cách khai trừ ông ra khỏi chính quyền như một cách tạo dựng lại sự tự do, sự công bằng tôn giáo tại miền Nam?

3-Ông Diệm thì tốt, nhưng những người trong gia đình ông như vợ chồng ông Ngô Đình Nhu, ông Ngô Đình Thục, ông Ngô Đình Cẩn quá xấu xa và quá lộng quyền nên gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội miền Nam. Do đó cuộc đảo chính ngày 01/11/1963 là phương cách bắt buộc để quân đội quốc gia có thể loại trừ một chính quyền độc tài gia đình trị?

4-Những con số thống kê kinh tế tài chính giai đoạn thời Đệ nhất Cộng hòa là những con số ảo? Tính từ đầu năm 1962 nền kinh tế miền Nam chỉ có cái vỏ, còn cái ruột là viện trợ của Mỹ. Do đó, người Mỹ với viện trợ dồi dào hoàn toàn chi phối chính quyền miền Nam, họ muốn làm gì thì làm?

5-Sau ngày 01/11/1963 Sài Gòn và cả miền Nam lâm vào tình trạng rối loạn từ trong nội bộ lẫn do áp lực Cộng Sản. Nếu còn chính quyền ông Diệm thì chưa chắc tình trạng xấu đó đã xảy ra? Nếu còn ông Diệm thì chưa chắc chính quyền Sài Gòn bị sụp đổ tan tành vào ngày 30/4/1975

6-Việc đưa quân lính Mỹ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam là bắt buộc? Hay chính quyền Sài Gòn vẫn có thể tự túc chống Cộng bảo vệ miền Nam mà không cần quân đội Mỹ vào can thiệp? Không có người Mỹ thì Sài Gòn vẫn tồn tại được?

7-…

Anh Luận muốn nói thêm câu hỏi số 7 cho tới số mấy chục gì đó nhưng nghe mới tới đó tôi liền lắc đầu ngăn anh Luận lại: Thôi đi ông nội. Tôi chỉ lo làm kinh tế kiếm cơm thôi, tôi không quan tâm tới những chuyện đó đâu. Tôi sợ bị bệnh đau đầu lắm. Làm ăn ở Sài Gòn ngày càng khó càng mệt, rảnh rỗi tôi muốn nghe cô ca sĩ Dalida hát: Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời… chớ không muốn nghe chuyện rắc rối ngày xưa hay chuyện chính trị chính em bây giờ.

Anh Luận: Hồi bị đưa ra ngoài Bắc cải tạo tôi cũng thỉnh thoảng muốn nghe Dalida hát mà làm gì có Dalida, nên tôi ưa hát lầm bầm trong họng mấy câu nhạc Pháp cho đỡ nhớ cô Dalida.

Cán bộ nghe được liền hỏi: Tiếc nuối tàn dư đế quốc thực dân lắm hả? Muốn ở tù mọt gông không? Tôi trả lời: Tú-lơ-mông đều muốn nghe Dalida hát ông cán bộ à, chớ không phải riêng mình tôi đâu. Cán bộ mắng: Ra tới ngoài đây rồi mà còn mông với vú, mấy anh Sài Gòn sa đoạ đồi trụy ngoan cố thấy mẹ. Tôi cãi lại: Cán bộ ơi nhìn lại đi, tú-lê-dua tôi đã làm chăm chỉ hết mọi việc do các ông sai bảo hết rồi mà. Cán bộ càng mắng mỏ dữ: Thôi đủ rồi nghe. Ông cứ tú, mông, lê mãi tôi cho ông đi mút chỉ cà tha luôn đó.

Thế là sau đó tôi chỉ dám nói tiếng Việt và hết dám hát tiếng Tây.

Những năm cải tạo ban đầu gian khó lắm, lao động nhiều bệnh tật nhiều mà cơm không đủ ăn, thuốc không có để chữa bệnh. Một số người chết vì bệnh tật, do không quen thời tiết khí hậu khắc nghiệt, do không quen ăn uống kham khổ. Số người được cho về nhà từ từ cũng nhiều, nhưng riêng anh Luận là cấp sĩ quan to nên bị giữ lại khá lâu. Anh Luận cũng không biết phải do anh ưa tú, mông, lê… nên bị giữ lại ngoài Bắc lâu quá không? 

Anh Luận kể anh trở về Sài Gòn theo chuyến tàu vét cuối cùng tháng tư năm 1992. Chuyến đó là chuyến chuyên chở những người cải tạo cuối cùng còn sót lại trên đất Bắc. Ngày đó đứng trên ga Hàng Cỏ anh thẩn thờ biết mười bảy năm dài đã trôi qua.

Ngoài Bắc anh nhớ mẹ lắm, mà mẹ anh chẳng còn sức khỏe để ra thăm anh được. Một ngày mưa gió trên đất Bắc nghe tin mẹ mất, anh viết bài “Nhớ Mẹ” rồi ôm đàn mà hát. Những năm sau cùng của cuộc đời cải tạo giống như giam lỏng thôi chớ không còn lao động nặng nề mấy, chế độ cải tạo đối với những sĩ quan Sài Gòn vào những năm cuối cùng không còn gay gắt như hồi những năm cuối thập kỷ 1970, nên anh Luận có xin được một cây đàn guitar làm bạn. Những tiếng đàn, tiếng hát đầu tiên là dành cho mẹ chớ không phải là cho người yêu hay cho vợ, vì vợ anh đã bỏ anh đi lấy người khác lâu rồi…

Cán bộ bảo: Thôi xin ông đừng hát nữa. Ông tru tréo nỉ non quá làm tôi nhớ mẹ tôi quá đi. Mấy năm rồi tôi cũng chưa về quê thăm mẹ được.

Về tới Sài Gòn anh không về nhà mình mà tìm về nhà mẹ. Mẹ anh mất lâu rồi. Nhìn đôi mắt mẹ trong tấm hình trên bàn thờ vẫn trong vắt như ngày anh chưa ra đi, anh Luận kể lại: Người đàn bà duy nhất trong đời tôi có đôi mắt trong vắt là mẹ. Người đàn bà duy nhất không bao giờ từ bỏ tôi, luôn thương yêu tôi cuối cùng chỉ là mẹ.

Anh Luận không về nhà của riêng mình, anh nói vợ anh đã có người chồng khác rồi, con anh đã có cha khác rồi.

Không chờ tôi tò mò hỏi thêm chuyện bà vợ, anh đã kể thêm: Cải tạo được ba năm thì vợ tôi có ra Bắc thăm tôi một lần duy nhất cùng với một người đàn ông lạ. Cô ấy nói nhờ ông này mà em mới có cơ hội ra thăm anh được. Em đi đường xa một mình không quen, em phải có bạn mới xa đi được. Người đàn ông lạ ngượng nghịu nói với anh Luận: Tôi chỉ là bạn của cô ấy, anh đừng lo lắng.

Thăm viếng được nửa giờ đồng hồ thì hết giờ thăm nuôi. Anh Luận hỏi vợ: Từ Sài Gòn ra tới đây mất mất ngày đường hả em? Vợ anh thản nhiên trả lời: Chỉ có một tuần lễ anh ạ, về chắc cũng mất một tuần lễ. Đi đường hết nửa tháng mà thăm anh chưa được một giờ, tiếc quá. Anh Luận đau đớn: Thôi em về đi, cứ coi anh như đã chết rồi. Vợ anh làm bộ rớt nước mắt: Dù sao cũng tình nghĩa vợ chồng, sao em làm vậy với anh được? Anh Luận: Em đã làm được rồi đấy thôi, em đã có bạn đường đấy thôi. Vợ anh Luận hỏi với giọng ráo hoảnh: Anh nói thực đi, bây giờ anh có còn thương em nữa không? Thương em thì phải tin em chớ?

Anh Luận thổn thức mà kể cho tôi nghe: Cậu có biết tôi trả lời với cô ấy thế nào không? Tôi trả lời: Không, tôi hết thương em rồi. Em về đi. Chỉ xin em đối xử với mẹ tôi và con tôi cho đàng hoàng là đủ.

Tôi hỏi anh Luận: Chị ấy phản ứng ra sao hả anh? Người đàn ông đi theo chị ấy suốt cả tuần lễ cả đêm lẫn ngày từ Sài Gòn ra Bắc phản ứng ra sao hả anh? Anh Luận cười không thấy vui hay buồn gì hết trơn: Thực ra vì uất ức quá mà tôi nói như vậy, giờ thăm nuôi cũng hết nên vội vã quá tôi chẳng để ý họ nghĩ gì, thái độ họ vui hay buồn, họ thỏa thê hay còn muốn gì nữa. Mà thôi tôi biết để làm gì. Thế là hết rồi!

Họ đi khỏi rồi. Tối nằm trong trại vắt tay lên trán mà vừa khóc nấc mà vừa vật vờ suy nghĩ. Hàng loạt câu hỏi tới giờ này tôi vẫn chưa biết phải trả lời sao. Tóm lại như sau:

1-Nếu người Mỹ không giết chết ông Diệm thì Sài Gòn có sụp đổ hay không? Sài Gòn không sụp đổ thì mình có phải ra ngoài Bắc học tập cải tạo hay không?

2-Nếu mình không đi cải tạo, gia đình mình có tan vỡ hay không? Nếu mình không đi cải tạo, vợ mình không phải ra Bắc thăm mình và cùng đi cả ngày lẫn đêm với một người đàn ông lạ khác thì cô ấy có bỏ mình ra đi lấy ông chồng khác hay không?

3-Nếu mình không đi ra Bắc, mình có thương mẹ mình đến nỗi khi nghe tin mẹ mất phải cất lên tiếng ca ai oán “Nhớ mẹ”? Bài ca này làm cho ông cán bộ cũng nức nở đòi bỏ về nhà. Tại sao ông ấy thương mẹ quá mà không thương vợ? Mà làm sao biết chắc ông ấy thương mẹ hơn thương vợ?

4-Có phải từ lâu rồi vợ mình chẳng còn thương yêu mình nữa, cho nên chỉ chờ mình bước ra khỏi nhà là cô ấy thay dạ đổi lòng?

5-Nếu mình không nói dại: Thôi em về đi, cứ coi anh như đã chết rồi. Em đã làm được rồi đấy thôi. Và vợ mình không hỏi: Anh nói thực đi, anh có còn thương em nữa không? Thì gia đình mình có tan vỡ hay không?

6-Nếu ngày trở về Sài Gòn mình nén lòng lại, quay trở về nhà của mình thì người đàn ông kia có chịu rút lui và vợ con mình sẽ quay lại với mình?

7-...

Như lần trước, anh Luận muốn hỏi thêm câu số 7 cho tới câu số mấy chục gì đó nhưng nghe tới đó tôi liền lắc đầu ngăn anh Luận lại: Thôi đi ông nội. Tôi chỉ lo làm kinh tế kiếm cơm thôi chớ không muốn nghe những câu chuyện tình cảm éo le quá. Nói qua chuyện khác cho vui đi.

4/4/2018.
Momentary Notes

Ảnh Dang Danh st



Không có nhận xét nào: