Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Mần thịt Sài Gòn.... ăn hông 500 anh em?

Mần thịt Sài Gòn.... ăn hông 500 anh em?
Tình yêu là gì? Nó có thật không? Nó trông ra sao? Hình dáng thế nào? Cầm, sờ, nếm, ngửi hoặc ăn, uống được không? Tên của nó có thật sự là tình yêu hay không? Và nó có tồn tại ở nơi mà con người bị ép… yêu hay không?
Nơi tôi bị ép yêu không có hàng cây hồi nhỏ tôi làm điểm nhắm để tập… xe, nó được thay bằng chung cư xây dở, bỏ phế cho bọn hút chích hành nghề. Nơi đó cũng không có con đường mưa sạch sẽ vừa tắm mưa vừa hứng nước uống. Bây chừ đố ai dám uống nước mưa Sài Gòn và cũng chả có đứa trẻ mê tắm mưa nào của hồi xưa thích ra đường. Khỏi hẹn, mạnh ai nấy lên mạng gào thét, chat chit than thở. Nơi đó không còn cái tên thân thương mà cả triệu lần tôi gọi, viết, vẽ, ghét và yêu. Và những cái gắn liền với cái tên đó cũng đang bị người ta thu dọn.
Tình yêu có rất nhiều gia vị. Nhưng thứ đáng sợ nhất là ghen. Nó không chỉ hủy hoại tình yêu mà hủy hoại luôn cả người trong cuộc. Và trên cõi đời này, người này “đánh ghen” người kia thường trong hai trường hợp: không bằng/xứng được với cái đẹp đó hoặc ghen tuông ganh tỵ.
Hoạn Thư của Truyện Kiều thì xa xôi quá. Sài Gòn ngày trước cũng có phu nhân một ngài đại tá mướn giang hồ tạt acid một cô đào bà cho là ve vãn chồng mình. Họ nghĩ gì khi hủy diệt một con người? Chắc lúc đó chưa kịp nghĩ xa như vậy đâu, đã nư cái rồi tính tiếp chăng? Không. Tôi tin rằng, họ ít nhất đã nghĩ. Khi xóa đi cái đẹp đó, họ sẽ đẹp hơn. Khi xóa đi con người đó, họ sẽ có vị trí ngon hơn. Khi mất đi mối quan hệ đó, người tình của họ sẽ quay về.
Sài Gòn có đẹp không? Dĩ nhiên là đẹp. Nếu không đẹp thì nó đã không phải là nơi hơn 10% dân số cố gắng hết sức để giành giật cho mình một chỗ đứng. Chen chúc mà lại rất tự hào về sự chen chúc đó. Ở đây, con người không tốt hơn chỗ khác bao nhiêu đâu! Rất nhiều lớp áo thô kệch được khoác lên một con người lương thiện để họ có thể tiếp tục bước đi an toàn trên sợi dây gai sa đọa. Ai cũng nhìn nhau bằng ánh mắt hoài nghi, thậm chí họ quen với điều đó. Và tất cả đều an tâm vì một lý do rất đơn giản: tôi đang sống ở Sài Gòn. Mặc dầu trên phim, trên báo, trong truyện hay cửa miệng của bất cứ ai cũng “Ở trển ghê lắm!”. Ừ, ghê lắm mà đông lắm. Ðông đến nỗi lắm kẻ phát hờn, sanh tâm phá hoại.
Sân bay Tân Sơn Nhất bỗng dưng ngập. Hồ nước ở bùng binh cây liễu bỗng dưng mất tích cùng tượng thánh Trần Nguyên Hãn. Những hàng cây trăm tuổi, con đường cây xanh bóng mát làm thành linh hồn của khu trung tâm từ bao năm qua bị đốn. Nhiều con đường như Lê Lợi, Ðồng Khởi… ở khu trung tâm bị đóng lô cốt xấu kinh hoàng với lý do xây nhà ga metro hầm hố. Họ xây một cái nhà ga tàu điện ngầm giữa trũng nước. Rất nhiều người hỏi sao “họ” không làm Metro ở bên đại lộ Võ Văn Kiệt trống trải đi ra Suối Tiên có tiện hơn không? Khỏi phải phá nát cảnh quan lâu đời của trung tâm Sài Gòn. Họ này không hiểu gì cả, họ kia muốn chính là PHÁ NÁT. Những con thú ốm đói chết dần mòn hàng ngày ở Sở Thú sau khi có “gièm pha” thông cáo di dời trong khi giá vé tăng cao gấp đôi, gấp ba lần.
Và sáng nay, “con nhà người ta’’ bắt đầu chính thức tháo dỡ Thương xá Tax, bức tử ký ức thanh xuân của cả triệu người sau hai năm cò kè mặc cả. Ngày mai, cao ốc 40 tầng sáng choang sẽ được khai sanh trên nền móng 136 năm lịch sử.
Nghe đồn, rồi một hôm đẹp trời nào đó, chợ Bến Thành cũng bị phá dỡ nữa (đã từng có ý định và đã có đấu thầu). Lúc đó Sài Gòn sẽ còn gì? Một Union Square “hoành tráng”, một Rex nửa mùa, một bùng binh quê mùa chắn lối nhà thờ Ðức Bà và một nhà hát lạc điệu? Ðường Ðồng Khởi (Tự Do) thành con hẻm? Các con đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ sẽ thành bãi giữ xe? Những dãy ki-ốt nhà phố kiểu Pháp biến mất, các khu nhà xưa ở Chợ Lớn cũng cất vào dĩ vãng? Nghe nói thư viện Quốc gia mặt tiền Lý Tự Trọng (Gia Long) – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý) – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực chuẩn bị dời đi có lẽ vì lý do không ai vô thư viện đọc sách. Ðọc để làm gì khi toàn sách Mác-Lê? Học những cái thua cả… Google? Mai này, con cháu chúng ta sẽ có những câu chuyện “gối đầu giường” như cổ tích thôi! Rồi, Hà Nội không còn chùa Một Cột, Hội An không còn chùa Cầu, Huế không còn cầu Trường Tiền, Ðà Lạt không còn hồ Xuân Hương… Những Viện Khổng tử được lập nên thế chỗ, những tờ tiền nhân dân tệ được phát hành, những mặt người hợm hĩnh xí xô xí xào gí cái tự do vào hồn dân tộc… Rồi đây khi nhắc về Sài Gòn tôi sẽ nói gì đây?
Sài Gòn đang bị quánh ghen, người ta hủy diệt nàng đến khi không thể hồi phục được cái đẹp nguyên thủy mới hả lòng. Cho dân Sài Gòn hết vỗ ngực hồn Sài Gòn nằm ở những hàng cây cổ thụ hay tòa kiến trúc trăm năm. Có lẽ họ sợ, cái tên mới không xứng đáng với những kiến trúc tinh tế đó, những con người mới không phù hợp với nền văn minh nền nã đó, những lãnh đạo mới không thể điều khiển tình yêu của những công dân thật sự thuộc về nơi này. Ngu ngốc lắm lắm. Nếu họ nghĩ như vậy. Vì Sài Gòn không phải là cái tên, không phải là kiến trúc, không phải là một cái gì xa xôi tìm hoài không thấy. Nó chính là cái hồn của đất, cái bản chất của con người, là tên gọi của một nền văn hóa. Bằng chứng là bao nhiêu kẻ “tỵ nạn” đã trào hối hận khi nhận ra mình đã bị lừa, dân Sài Gòn không đói khổ như họ nghĩ, không ô hợp như họ đã từng tin. Càng sống ở đây, những người từng tự hào mình đã cầm súng “giải phóng dân tộc” càng xấu hổ không dám kể hoặc giấu nhẹm luôn quá khứ đẹp hãi hùng kia. Rồi bao nhiêu thế hệ trẻ từ các miền đất nước dzô đây học tập, lao động cũng dần bị cảm hóa. Bắc Kỳ khoa trương cũng biết đơn giản hơn. Trung Kỳ hà tiện cũng biết phóng khoáng hơn. Ai cũng tự thấy mình thay đổi. Mà đúng rồi, không thay đổi ai chơi? Ðó là quan sát chung của nhiều người chứ không phải niềm tự hào riêng tôi. Mặc dầu nói hai chữ tự hào, tôi thấy không ngượng chút nào. Ðó mới là nơi tôi thoải mái thể hiện lòng yêu nước không cần ai ép uổng. Ðất nước của tôi là Sài Gòn, only Sài Gòn.
"Biểu tượng con gà trống, cầu thang, nền gạch, lan can, tay vịn… đã được xem xét giữ lại khi Thương xá Tax bị đập bỏ để xây trung tâm thương mại 40 tầng vì những hạng mục này có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc một thời của Sài Gòn…”
Đừng vội vui mừng vì cái tin vớ vẩn kia.
Cách đây hai năm ai đó cũng đã cam kết sẽ giữ lại thương xá TAX cũng như hơn 41 năm trước họ đã vỗ về quân dân đi theo tiếng gọi của cách mạng. Lòng Sài Gòn tan tác trăm nẻo, người Sài Gòn chuẩn bị tư thế cho riêng mình. Chạy trốn, nằm dạ, khóc lóc hoặc cười khẩy và đa số là ra đi… Sài Gòn không những mất tên mà nỗi buồn của tôi cũng đang thân sơ thất sở. Tôi sợ buồn hơn sợ chết, cả tuần không dám ra đường để nhìn Sài Gòn bị người ta dùng dao lam cắt từng chút một, từng chút một, xát muối, nặng chanh. Họ cố ép người Sài Gòn phải công nhận thành Hồ, phải tin rằng yêu nước là yêu… đảng, yêu chánh phủ, yêu công an nhân dân (tệ), nhưng không được yêu kho bạc nhà nước!
Rải bước bên hông tòa nhà mới cóng, được bạn dắt tay qua đường, tim âm ỉ nhói một hai ba bốn năm trăm cái theo từng bước đi. Tôi sợ. Sẽ có ngày bị lạc ngay trên chính con đường về nhà. Nhà không còn người thân. Xóm không còn người quen. Bạn cũng đi nước ngoài gần hết hoặc mon men đi. Tôi còn gì? Sài Gòn còn gì ngoài cái “văn minh” rừng rú kia. Sau khi bán đổ bán tháo tất cả, người bán cũng sẽ bỏ đi. Tôi nghĩ mình sẽ nằm vạ ở mảnh đất này, nhưng có lẽ, sức đề kháng đã cạn… thôi thì mần thơ vậy:
Mỗi bên một góc chòng chành
Ta ôm không vững màu xanh Sài Gòn
Người nay nhớ phố vàng son
Người mai nhớ phố vẫn còn… bữa nay
Hàng cây kia, cái hẻm này
Và bao nhiêu thứ đã thay đổi rồi?
“Phát triển mà, phải chịu thôi”
Ừ thì phải chịu có đòi được đâu!
Người ta nhổ hết lòng nhau
Rồi mang đạo đức cắm sâu, bảo trồng!
Tũn

Trần Lê Duyên - Ngôi sao cô đơn.

Không có nhận xét nào: