Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

Một số nhân vật lịch sử yêu nước chống Pháp nhưng không đứng chung phe Cộng Sản Việt Nam nên bị bắt, bỏ tù, giết, thủ tiêu, truy đuổi... từ trước "Cách Mạng Tháng 8/ 1945" đến bây giờ.
Hình Đường Hồ Văn Ngà (SG trước 4/1975) - Không tìm ra chân dung. Hình Ông Bùi Quang Chiêu (Sg trước 1975 có tên đường BQC)
1. HỒ VĂN NGÀ
Trong một đoạn văn NHỚ HỒ VĂN NGÀ, Vương Hồng Sển kể:
‘Hồ Văn Ngà da ngăm ngăm đen, mặt xương mắt sáng, miệng rộng, có cái cười rất cởi mở. Nhà nghèo, Ngà rất chăm học, giờ chơi luôn luôn ở lại lớp, tay cầm cục phấn, học riêng không cần thầy. Ngà có hoa tay, viết được cả tay trái, và khi vẽ vòng tròn trên bảng, Ngà cầm phấn quay một vòng tròn hơn vẽ có công-pa tức cái qui. Tuy nghèo mà rất gan dạ, chuyện gì dầu trái, như bỏ trường, cắt nghĩa Ngà nghe phải tai thì hưởng ứng mà theo, bất chấp hậu quả... Cho đến năm đệ tam, Ngà học ngang lớp với tôi. Tôi hơn Ngà môn thể dục và môn tập đọc nhạc phổ (solfège) nhưng chỉ hơn trong hai năm đầu, đến năm thứ ba, Ngà giựt luôn quán quân hai giải này, bỏ tôi xa lắc. Ngà thấy tôi yếu về khoa học và toán, Ngà cố tình chỉ bảo đủ mọi cách, nhưng tôi vẫn hoàn tôi. Nhớ lại năm 1921, vô học đệ nhị mà không sao yên thân. Lão Thomas cho ăn cực quá, nuốt không vô... thêm có nhiều lý do khác, khiến chúng tôi, nhóm học trò khu bản xứ, từ đệ tứ đến đệ nhứt, đồng lòng thừa dịp chiều thứ năm thầy dắt ra dạo chơi ngoài phố (promenade) rồi bỏ luôn không trờ về trường, phản đối tổng giám thị Thomas bất công nhiều nỗi. Ngày sau là ngày thứ sáu, định kéo lên thống đốc nạp đơn kêu nài, nhưng lính đến giải tán . . nhưng cuộc làm reo (grève) bãi học nầy, lần hồi đưa vào thất bại. Chúng tôi không có dự bị, vấn đề ăn và chỗ ở làm cho luống cuống. Đêm đầu có tiền đi xem ciné rồi ăn mì thế cơm. Ngủ thì chen nhau nằm sắp chồng sắp lớp trong một phòng trọ tối tăm. Mấy hôm sau, cạn tiền phải sống bằng viện trợ, đúng hơn là tiền bố thí của mấy thầy hãng tư, kẻ mươi đồng, người hảo tâm hơn cả là năm mươi đồng, làm sao đủ cho hơn hai trăm đứa nheo nhóc phần đói, phần được thơ cha mẹ tuân lời đốc học khuyên răn làm mất hết tinh thần. Chưa đưọc một tuần lễ, tôi được thơ bảo đảm của Ba tôi từ Sóc Trăng gởi lên trong ấy có kèm một bưu phiếu mười đồng bạc, phải vô trường nhờ thầy Dực trên văn phòng lãnh hộ mới xong. Lúc ấy tôi chỉ ăn một ổ bánh mì bốn xu trừ cơm mỗi ngày và đã hai hôm như vậy nên xót ruột quá... Hôm sau trình diện để lãnh tiền, tôi mục kích một cảnh đáng thương tâm và cũng đáng kể lại đây. Hôm đó tại văn phòng, tôi thấy Ngà bị nghiêm thân từ Tân An bắt trói hai tay dẫn ra mắt đốc học Limandoux. Giữa ông Tây quan năm nhà binh và một ông già cổ học Đông Phương, có ông giáo Dực đứng làm thông ngôn. Ngà hai tay bị trói bằng dây luột đứng sát vách. Tôi, với một bộ đồ bà ba nhục nhục cả tuần chưa thay, đứng bên Ngà, vô tình trở nên một nhân chứng bất đắc dĩ.

- Con của ông, Limandoux nói, đã không nghe lời chỉ bảo và ngổ nghịch bỏ trường ra theo bọn mất dạy, ông là cha, lỗi ấy về ông.

 - Thưa quan đốc học, thân phụ của Ngà nói, quan đốc nói như vậy, tôi dân quê dốt nát xin đỡ lời. Ngà, lúc còn ở nhà tôi, rất ngoan, tôi nói gì, Ngà nghe nấy. Lúc ấy, ‘tử bất giáo, phụ chi quá’, quan đốc trách tôi là phải. Nhưng lúc đó, Ngà biết nghe lời cha mẹ. Chỉ từ khi lên đây ăn học ở trong trường và được quan đốc dạy dỗ, từ ấy Ngà trở nên ngỗ nghịch. Hễ ‘giáo bất nghiêm, sư chi đọa’ thưa quan đốc, vậy lỗi ấy về ai?

 Ông Limandoux nghe ông giáo Dực dịch xong, lật đật đứng dậy xin lỗi, bắt tay ông già nhà quê, mà rằng: ‘Con ông học rất giỏi, đứng đầu trong lớp. Tôi không nỡ đuổi mấy đứa như vậy. Lời ông nói rất chí lý. Nay ông bảo Ngà vô học lại’. Nhưng Ngà khoanh tay cung kính đáp bằng tiếng Pháp:

- Thưa ông Đốc, tôi không thể vô học một mình. Nếu ông ép tôi cũng nhảy rào trở ra. Chừng nào ông tha tội tất cả anh em chúng tôi, thì tôi mới chịu vâng lời.

 Ngà mất học bổng ...

 Hồ Văn Ngà quê ở Cần Đước, - trên Quốc Lộ 50, Saigon/ Gò Công, gần cầu Mỹ Lợi, xưa là "bắc" Cầu Nổi, sinh năm 1902 - tuổi con cọp -  Ông học trường Chasseloup Laubat, giỏi tất cả các môn. Năm 1925, ông đậu tú tài, được học bổng, du học Pháp. Thi vô mấy trường đại học ở Paris bây giờ khó lắm, phải học sinh xuất sắc mới hy vọng. Tạ Thu Thâu, Hồ Hữu Tường đang học toán cả. Hồ Văn Ngà cũng thi vô đại học toán. Sắp tốt nghiệp thì Hồ Văn Ngà bị đuổi.

Lúc bấy giờ ông đang làm Hội Trưởng "Tổng Hội Sinh Viên Đông Dương" tại Pháp, tổ chức cuộc biểu tình trước điện Élysée, dinh tổng thống Pháp để chống lại vụ xử tử đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí.

Cuộc biểu tình bị đàn áp thẳng tay. Thay vì đưa tòa án thì bọn Tây bí mật trục xuất những sinh viên chúng cho là "bất trị" về Việt Nam.

Những người bị trục xuất gồm có:

     1- Lê Bá Cang.
      2- Phan Văn Chánh.
      3- Trần Văn Chiêu.
      4- Trần Văn Đởm.
      5- Trương Duy Đạm.
      6- Trần Văn Giàu.
      7- Ngô Quang Huy.
      8- Đặng Bá Lân.
      9-Vũ Liên.
      10- Hồ Văn Ngà.
      11- Đặng Tấn Phát.
      12- Trịnh Văn Phú.
      13- Huỳnh Văn Phương.
      14- Trương Duy Tam.
      15- Nguyễn Văn Tạo.
      16- Nguyễn Văn Tân.
      17- Trần Văn Tự.
      18- Lê Thiết Tự.
      19- Tạ Thu Thâu.

         Về nước, ôn dạy học ở tư thục Lê Bá Cang, vẫn bí mật hoạt động. Khi chính quyền Pháp sụp đổ, ông thành lập "Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng", thường tổ chức diễn thuyết, để kêu gọi lòng yêu nước của dân chúng, ược mọi người, dù trí thức hay bình dân tham gia rất đông. BS Trần Ngươn Phiêu viết trong hồi ký: "người viết bài đã có những phút vô cùng cãm động khi nghe ông Ngà đọc diễn văn nhân cuộc tập hợp lớn, ngày 18-3-1945, mừng nước nhà được thoát ách thực dân Pháp, tổ chức ở Vườn Ông Thượng (lúc ấy còn gọi là vườn Bồ Rô).

Cũng năm 1945, Hồ Văn Ngà cùng Huỳnh Giáo Chủ, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân, Trần Văn Thạch và 7 tổ chức khác kết hợp thành "Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt" chống Pháp giành độc lập.
    
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nguyễn Văn Sâm được Triều đình Huế cử làm Khâm sai Nam bộ, nhưng vì chưa về Saigon kịp nên 5 ngày sau, ngày 19 tháng 8, Hồ Văn Ngà làm quyền Khâm sai cho đến ngày 22 tháng 8 thì Khâm sai Nguyễn Văn Sâm mới về đến Saigon.
 
 Hồ Văn Ngà bị giết (trích):

 "Ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp đã tái chiếm được Saigon. Kháng chiến Nam bộ chia ra làm hai cánh. Nhóm Đệ Tứ rút về miền Đông. Nhóm Quốc Gia đi về hướng miền Tây.

Ngày 8-10-45, ở mặt trận miền Đông, Việt minh trở mặt bất ngờ bắt và thanh toán những người khác chánh kiến trong đó đặc biệt người Đệ Tứ bị giết thê thảm (tất cả đảng viên nòng cốt Đệ Tứ đều bị chôn sống ở sông Lòng Sông – Bình Thuận – gồm có Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Số, Phan Văn Hóa, Trần Văn Sĩ, Nguyễn Văn Soái, Nguyễn Văn Tiền...), Nguyễn Long Thanh Nam đánh giá những người này là ‘lãnh tụ xuất chúng về tài ba, đã nổi bật như những ngôi sao sáng của sinh hoạt chính trị tranh đấu miền Nam trong thập niên 30, 40.’

Đầu tháng 10 năm 1945, quân Pháp tìm cách xua quân tấn công ra ngoại ô để khai thông đường tiếp tế lúa gạo từ miền Tây.

Hồ Văn Ngà, Trần Văn Ân, Kha Vạng Cân, Lâm Ngọc Đường đang lui cui lập ủy ban phong tỏa Saigon - Chợlớn để chận bước tiến của quân Pháp thì Nguyễn Văn Trấn, lúc đó bề ngoài tự xưng là Giám đốc Quốc gia Tự-vệ-cuộc, nhưng phần hành là trưởng đoàn ám sát của Việt minh, tuân lệnh của Trần Văn Giàu đem thuộc hạ bám sát Hồ Văn Ngà. Hồ Văn Ngà bị bắt trong nhà của ông Nguyễn Bá Tường lúc ban đêm.

Hồ Văn Ngà có lúc bị nhốt chung với tướng Cao Đài Trần Quang Vinh. Người sau này chạy thoát được. Sau này, ngày 13-6-1946 tại Thái Lan, Trần Văn Giàu có thú nhận với Trịnh Hưng Ngẫu rằng hắn đã có giết tới 2500 ngưới quốc gia trong thời đó.

Nguyễn Long Thành Nam viết: ‘Trường hợp Hồ Văn Ngà xảy ra như sau:

Ông Hồ Văn Ngà là lãnh tụ cầm đầu đảng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập đã nhiều lần tuyên dơng ý chí: ‘sẳn sàng phục vụ bất cứ ai có tài cứu nước, nhưng chính ông lại là nạn nhân của Việt Minh. Ông bị công an Việt Minh bắt trong lúc cùng với Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân thành lập ủy ban Phong tỏa Đô thành Saigon-Chợlớn. Ủy ban này ra đời để ngăn chặn bước tiến của quân đội Pháp, trong khi các cán bộ Cộng Sản trong Lâm ủy Hành chánh Nam bộ đã bỏ chạy. Ủy ban đặt văn phòng tại nhà ông Nguyễn Bá Tường, và thực hiện công tác phong tỏa Đô thành khá hiệu lực. Nửa đêm khi ông Hồ Văn Ngà đang ngủ, công an Việt Minh tới bắt, không nêu lý do, tội phạm chi cả.
          
Theo Trịnh Văn Thanh thì Hồ Văn Ngà bị giết vào cuối năm 1946. cái ngày mất của Hồ Văn Ngà có quan hệ đối với trách nhiệm của Trần Văn Giàu vì khoảng thời gian đó Trần Văn Giàu (người Nam) đã bị Hồ Chí Minh gọi ra Hà nội và giữ lại luôn. Đảng CS đưa Nguyễn Bình (người bắc) từ Bắc vào thay thế. Chắc chắn cái quyết định bắt và giam Hồ Văn Ngà là của Trần Văn Giàu giao cho thủ hạ Nguyễn Văn Trấn thi hành.

Hồ Văn Ngà bị đưa đi biệt giam tại Cà mau rồi đem đi giết tại hòn Đá bạc. Một bữa trưa, một cai ngục vốn là người học trò cũ có cho Hố Văn Ngà hay rằng tối nay chúng được lệnh giết ông và yêu cầu ông thầy chạy. Nhưng ông thầy này không chạy.
          
Theo Hứa Hoành, Hồ Văn Ngà bị đâm chết vào ban đêm và thi hài bị thả trôi sng. Trước khi chết, Hồ Văn Ngà có nói ‘Các anh giết tôi thì giết, nhưng đừng nói... tôi là Việt gian!.’

Tại sao không giết liền mà giết nguội?

Có ba lý do song song.

Cái lý do thứ nhứt là vì Hồ Văn Ngà là một lãnh tụ quốc gia có uy tín nhứt lúc bấy giờ, ông có thể có một giá trị lợi dụng. Chừng nào chắc chắn không thể lợi dụng được thì hạ thủ đâu có muộn.

Cái lý do thứ hai theo ông Nguyễn Long Thành Nam là ‘Ngà bị giết vì một lòng tin tưởng rằng mình là bạn của Trần Văn Giàu, không bao giờ Giàu hại mình. Hồ Văn Ngà bị giam chung với Vũ Tam Anh, Trần Quang Vinh ở Cà Mau, hai ông Vinh, Anh vượt thoát nhờ kế hoạch phá khám của Nguyễn Thành Phương (Cao Đài). Có thể Nguyễn Long Thanh Nam ngụ ý rằng Hồ Văn Ngà có nhiều cơ hội vượt ngục nhưng chỉ chờ Trần Văn Giàu thả ra đàng hoàng chớ không chịu trốn.

Cái lý do thứ ba là tại ông có một người em ruột đang theo Việt minh, không phải làm lính gác cổng mà là Ủy viên của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh. Người em út này tên là Hồ Văn Hoa (Chín Huê), bác sĩ y khoa tốt nghiệp tại Hà nội. Nếu Chín Huê tìm cách cứu anh và quậy tùm lum thì Hồ Văn Ngà có thể được thả ra, nhưng Chín Huê sẽ bị coi là thành phần không trung kiên và sẽ không được xài. Đàng này sau cả năm mà Chín Huê không có can thiệp gì cả đủ để chứng minh ‘trí thức đầu hàng giai cấp’ của mình rồi thì Việt minh đâu còn e ngại gì nữa mà không giết êm người tù.

Trong lúc Bác Sĩ Phạm Ngọc Thạch đem Thanh niên Tiền phong giao cho Việt minh để lập công lớn phá vỡ Mặt trận Quốc gia Thống nhất, nhưng sau này không được xài vì bị đánh giá là thành phần chao đảo, BS Hồ Văn Hoa thì một lòng một dạ giữ kín cái miệng, không có than phiền việc đảng giết anh Tư của mình, và vẫn hăng hái công tác đảng, thường xuyên gặp mặt Nguyễn Văn Trấn. Nguyễn Văn Trấn tự khoe:

‘Ủy ban kháng chiến hành chánh đặt ở chỗ trạng sư Nguyễn Thành Vĩnh, bây giờ họp hành rôm rả với những: Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Trần Bảo Kiếm, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Hướng, Trần văn Nguyên, Đặng Minh Trứ, Nguyễn Phú Hữu, Tạ Nhứt Tứ, Tạ Như Khuê, Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Văn Chi, Hoàng Nghiệp, Đặng Văn Tốt, Nguyễn Văn Ấm, Nguyễn Văn Hoa, Hồ Văn Huê... và Phạm Thiều, với tôi’.

Chín Huê sau này được tưởng thưởng, cho làm những nhiệm vụ tin cẩn. Có lúc làm y sĩ riêng của Hồ Chí Minh, có lúc làm Đại tá Cục trưởng Cục quân y Việt cộng, có lúc làm Thứ trưởng Bộ Y tế của Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt nam. Quyền của Chín Huê lớn hơn quyền của Bộ trưởng Dương Huỳnh Hoa vì Chín Huê có chân trong đảng. Trong bưng, đám cán bộ y tế gọi Chín Huê là ‘ông Thầy’. Sau 1975, Chín Huê có về Saigon và được cấp một căn nhà ở Gia định. Một năm sau, Chín Huê chết và xác của y được đem quàn ba ngày tại Dinh Độc lập.

2.  BÙI QUANG CHIÊU.
Có người kể rằng trên chuyến tàu La Touche Treville - Latouche-Tréville -, hồi năm 1911, đưa "Anh Ba" từ bến Nhà Rồng qua Marseille, "Anh Ba" có gặp ông Bùi Quang Chiêu. Bấy giờ ông Bùi Quang Chiêu đã là kỹ sư, lớn hơn "Anh Ba" 17 tuổi, đang làm quan cho Tây. Khi ông Bùi Quang Chiêu hỏi "Anh Ba" muốn đi Tây "để làm gì?" thì "Anh Ba" trả lời "để đi học". Sau đó, tới Pháp "Anh Ba" xin vô học "trường Thuộc Địa" mà không được, chớ có nghe nói "để làm cách mạng" cái gì đâu, như Việt Cộng tuyên truyền. Sau đó, Ông Bùi Quang Chiêu cũng có gặp Nguyễn Tất Thành vài lần nữa ở Paris. Bấy giờ, "Anh Ba" không cần "ngụy danh" nữa, mà nói tên thật. Ông Bùi Quang Chiêu cũng nói chuyện với Nguyễn Tất Thành vài lần nữa, nhưng bây giờ ông Nguyễn Tất Thành theo Cộng Sản rồi, quan điểm chính trị giữa hai người khác nhau. Ngay cả với nhóm các ông Nguyễn Thế Truyền, luật sư Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh, những người từng giúp đỡ và dạy tiếng Pháp khi Nguyễn Tất Thành mới tới Pháp, Nguyễn Tất Thành còn coi không ra gì, huống chi ông Bùi Quang Chiêu. Cụ Phan Chu Trinh có bài viết than phiền Nguyễn Tất Thành chê ông ta là "hủ nho", là "lạc hậu". Theo Cộng Sản mới là tiến bộ.

Trong cuốn "Từ Thực Dân đến Cộng Sản", giáo sư Hoàng Văn Chì có kể một câu chuyện. Một năm, hình như luật sư Phan Văn Trường từ bên Tây về, có ghé Chợ Bến Thành thăm ông Nguyễn Sinh Sắc - tức Huy - đang lưu lạc ở Saigon - làm "thầy thuốc Bắc", "chấm tử vi" cho khách hàng. Luật sư Phan Văn Trường chê trách Nguyễn Tất Thành nầy nọ, nói rằng, Nguyễn Tất Thành đã theo Cộng Sản rồi, "quay lưng lại" với gia đình - vô gia đình - với đất nước - vô tổ quốc - v.v... Ông Nguyễn Sinh Huy giận lắm. Một lần nào đó, Nguyễn Tất Thành lén về Saigon, ghé chợ Bến Thành thăm cha. Ban đầu, cha con nói chuyện vui vẻ. Đến khi Nguyễn Tất Thành xác nhận với cha rằng ông đã theo Cộng Sản, vô gia đình, vô tổ quốc, thì cha con cãi nhau. Ông Nguyễn Sinh Huy giận lắm, cầm cái chổi lông gà tính "quýnh" con, thì Nguyễn Tất Thành đã nhanh chân chạy xuống thang lầu rồi đi mất, không bao giờ gặp lại cha nữa. Năm 1945 hay 46, khi Nguyễn Tất Thành, - chính là Hồ Chí Minh - làm chủ tịch ở Hà Nội, ông Nguyễn Tất Đạt - thường gọi là "anh cả Đạt", anh cả của ông Hồ Chí Minh có ra Hà Nội "thăm em". Hai anh em chỉ gặp nhau có một lần đó rồi thôi, rồi không bao giờ ông anh đi thăm ông em một lần nào khác nữa. Đã là vô gia đình thì anh em gì. Người ta phê bình như vậy.

Khi vua Hàm Nghi bị Tây đày qua Algerie, Bùi Quang Chiêu là người Việt Nam duy nhất được đến bệ kiến và thăm vua.

Ông Bùi Quang Chiêu sinh năm 1873, quê ở quận Mỏ Cày, Bến Tre - Việt Cộng Đồng Khởi bắt đầu ở quận nầy. - Ông vừa học chữ Nho, vừa học tiếng Tây, đậu bằng kỹ sư canh nông. Em gái ông Chiêu là vợ ông thông ngôn Trần Văn Thông. Ông được vua ban cho chức tổng đốc, lại được Tây gắn cho cái huy chương "Bắc Đẩu bội tinh", là huy chương cao nhất của Pháp. Ông Thông là nội tổ bà Trần Lệ Xuân, tức "Bà Ngô Đình Nhu". (1)

Các con ông Bùi Quang Chiêu đều học giỏi, tháng năm 1945, đều bị Việt Minh giết cả, gồm ông Bùi Quang Chiêu, ba người con trai với cô con gái út, - giết cả nhà, như người ta thường "than" cho gia đình ông - còn sót bà Henriette Bùi, đậu bác sĩ. Bà thoát chết, sống ở Pháp. Ông Bùi Quang Chiêu là kỹ sư canh nông đầu tiên người Việt Nam. Bà Henriette Bùi là người nữ Việt Nam đầu tiên đậu bằng bác sĩ. Cả hai cha con đều là "đầu tiên".

Cộng Sản giết ông vì nói ông "theo Tây". Đó là vu cáo, chụp mũ, chứ thực ra, Hồ Chí Minh cũng như đám "lâu la" quanh ông Hồ có mặc cảm, thù ghét ông Bùi Quang Chiêu. Hồ Chí Minh không thể nào quên được "mối hận" trên chuyến tàu La Touch Tréville, từ Saigon đi Marseille, Hồ - tức "Anh Ba" phải trốn trên tàu, làm bồi, trong khi ông Bùi Quang Chiêu là một ông quan Annam làm việc cho Tây, oai phong, ăn sung mặc sướng... lại còn kêu "Anh Ba" tới "dạy đời" khuyên "Anh Ba" phải sống thế nầy, thế nọ. Không những trên tàu, qua tới Paris, gặp "Anh Ba" ở chỗ ở của mấy cụ Nguyễn Thế Truyền, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, "ông quan" Bùi Quang Chiêu vẫn còn cái giọng "dạy đời" như thế, trong khi Nguyễn Tất Thành - tên của "Anh Ba" bây giờ - làm đơn xin vô học trường Thuộc Địa mà Tây không cho.

 Cộng Sản thù ghét nhứt là quan điểm về giai cấp của ông Bùi Quang Chiêu. Hồ Chí Minh hết lòng ca ngợi lập trường "vô giai cấp" của Mác-Lê, trong khi Bùi Quang Chiêu lại chủ  trương:

"Trong một bài phỏng vấn được đăng trên Phụ Nữ Tân Văn năm 1929, Bùi Quang Chiêu khẳng định rằng bất bình đẳng là một điều kiện tự nhiên của cuộc sống và là nguyên tắc căn bản của trật tự xã hội: "Trên đời này làm gì có bình đẳng? Tôi xin kể ra một thí dụ, giả như một người nhờ vào những trường hợp ngẫu nhiên nào đó, hoặc nhờ vào tài sản, nhờ vào những thành công của mình mà lên được hàng lãnh đạo trong giới thượng lưu; đương nhiên người đó có quyền hưởng thụ nhiều ưu đãi hơn là một anh phu quét đường. Anh phu quét đường thì ngu dốt, anh ta không làm được nghề gì khác ngoài việc quét đường. Thành ra anh ta chỉ có được một quyền là quyền được sống. Đó là lẽ tự nhiên." Trong bầu cử 1939, Đảng Lập hiến thất bại, theo Ngày Nay: "Từ ngày có nghị viên quản hạt đến nay, chưa bao giờ có bóng một người của giai cấp cần lao ra tranh cử. Cái nghị viện tối cao ấy dành riêng cho bọn nhà giàu và nhất là cho bọn người trong đảng lập hiến..."

Có thể có người không đồng quan điểm với ông Bùi. Người ta có thể thảo luận, tranh cãi... nhng không ai chủ trương "giết chúng đi" như Cộng Sản, như Hồ Chí Minh, như Trần Văn Giàu, như Trường Chinh.

Bùi Quang Chiêu là một người yêu nước, - yêu nước theo cách của ông - là cách của cụ Phan Chu Trinh, chủ trương "không bạo động" như cụ Phan Chu Trinh. Cụ Phan Bội Châu thì chủ trương bạo động. - Tuy khác lập trường nhưng "hai cụ Phan" rất tương kính nhau, chữ không chủ trương "Giết chúng đi" như "cụ" Hồ. Có ba người có lập trường gần giống nhau: "Pháp Việt đề huề" của Phan Chu Trinh, Bùi Quang Chiêu và Albert Sarraut. Ông Bùi Quang Chiêu từng thề trước mồ cụ Phan Chu Trinh "Tây Hồ anh ơi, tôi xin thề hy sanh cho chủ nghĩa Pháp Việt đề huề".

Trong chiều hướng nầy, ông Bùi Quang Chiêu thành lập đảng "Lập Hiến". Thật ra, đảng Lập Hiến không phải là một đảng như chúng ta thường hiểu, lại không phải là một đảng "sắt máu" như đảng Cộng Sản. "Hiện tượng" nầy, là "mặt thật" cá tính của ông Bùi Quang Chiêu. Ông là người quảng giao, ưa kết hợp bạn bè. Trí thức miền Nam thời ấy, không ít người là bạn ông, thành ra đảng Lập Hiến của ông, có tính chất là "một câu lạc bộ" hơn là một đảng phái:

"Đảng Lập hiến Đông Dương (tiếng Pháp: Parti Constitutionaliste Indochinois) là một chính đảng hoạt động ở Nam Kỳ trong thập niên 1910 đến 1930, vận động đòi tự trị cho Việt Nam  để lần hồi giành lại độc lập hoàn toàn cho người Việt. Đảng Lập Hiến dùng 3 tờ báo: La Tribune Indochinoise (Báo Đông Dương), L'Echo Annamite và Đuốc Nhà Nam làm diễn đàn. Tuy gọi là Đảng nhưng những Đảng Lập hiến lại tổ chức giống như một câu lạc bộ chính trị của giới điền chủ, nghiệp chủ, công chức người Việt ở Nam kì."

Các "bạn bè" thường quan hệ với ông là luật sư Dương Văn Giáo; nhà báo, giáo sư Diệp Văn Kỳ, (2) nhà báo Nguyễn Phan Long, bác sĩ Trần Như Lân, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh...

 Ông Bùi Quang Chiêu là người năng động, "cá tính Nam Bộ" thích làm những công việc hữu ích cho người khác. Mới qua Pháp, ông thành lập hội Hội tương tế Đông Dương (Association mutuelle des Indochinois). Về nước, ông tham gia Hội Trí tri, hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mở mang dân trí, nhiệt thành cổ xuý cho phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh cũng như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Bùi Quang Chiêu cũng là đảng viên "đảng Cấp tiến" và "đảng Xã hội Chủ nghĩa Cấp tiến" của Pháp (tiếng Pháp: Parti Radical et Radical-Socialiste) nên nhân lúc Alexandre Varenne của đảng "Xã hội Cấp tiến" Pháp được bổ nhiệm làm toàn quyền vào năm 1926 với hứa hẹn cải tổ cai trị ở Đông Dương, Bùi Quang Chiêu lại sang Pháp vận động chính giới Pháp với loạt bài "Pour le Dominion Indochinois". Ông đưa ra "Bản yêu sách 9 điều khoản" gồm:
1. Tự do ngôn luận,
2. Tự do báo chí,
3. Tự do hội họp và lập hội,
4. Tự do đi lại,
5. Cải cách giáo dục,
6. Điều chỉnh chế độ lương bổng cho công bằng giữa người Pháp và người Việt,
7. Nới rộng quyền đại diện chính trị,
8. Nâng cao đời sống lao động,
9. Bãi bỏ độc quyền kinh tế.

 Vì chủ trương "Pháp Việt Đề Huề" nên ông "tham gia hoạt động trong các Hội đồng Quản Hạt. Ông tranh cử cuộc bầu cử tháng 10 năm 1926. Kết quả là ông cùng 9 đảng viên đảng Lập Hiến đắc cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, chiếm trọn 10 ghế của người bản xứ. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng." Năm 1927 nhờ sự vận động của ông cùng các nhân sĩ khác như Phan Văn Trường, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Vũ Đình Dy và Nguyễn Phan Long, người Pháp mới bãi bỏ điều kiện Pháp tịch cho những học sinh muốn sang Pháp du học. Ông mở tư thục "An Nam Học đường" ở Sài Gòn.
     
Hiện nay, Cộng Sản cho đặt tên ông ở một con đường ở Trà Vinh. Để làm chi? Cộng Sản thấu hiểu nỗi đau của thân nhân ông, của dân chúng Bến Tre, cho dân chúng Bến Tre "uống nước đường" khi họ nghĩ và thương một người hết lòng vì dân vì nước, đã bị ông Hồ Chí Minh và bè đảng "giết cả nhà", ngay cả với cô con gái út của ông mới 16 tuổi?

hoànglonghải
(kỳ tới: 9./ Cụ Thiều Chửu)
 

(1) Ông Phan Văn Nghị, con trai cả của bác sĩ Phan Văn Hy - Quảng Trị -, năm 1946 bị Tây bắt ở Hà Nội, chờ đem đi bắn, thì được ông Trần Văn Thông can thiệp, Tây phóng thích, thoát chết.

(2) Ông Diệp Văn Kỳ là giáo sư trung học của giáo sư Lý Chánh Trung, và cũng là ngoại tổ nhà báo Hoàng Dược Thảo./

Đọc Thêm
 
Viết về Hồ Văn Ngà - Nam Kỳ Lục Tỉnh (google.com)
Bùi Quang Chiêu – Chính khách, Nhà báo, Kỹ sư canh nông đầu tiên của Nam Kỳ :: Suy ngẫm & Tự vấn :: http://xn--chngta-qya.com/ (chungta.com)

 FB Uoc Nguyen
Nguồn : saigonweeklyonline.com

Không có nhận xét nào: