Thứ Tư, 29 tháng 12, 2021

NĂM 2021 VÀ CHUYỆN NGỤ NGÔN CỦA SÓI, CỪU, ... KHỦNG LONG

Fb Thủy Tiên

Noel năm nay Sói Tía không cho tụ tập như những năm trước, lý do vì trong hẻm có nhà f0. Kể từ khi tía thành sói, tía đâm ra cẩn thận và sợ đủ thứ.

Nhớ hồi đầu tháng 11, Khủng long vợ dẫn Cừu chồng về nhà, chúc mừng sinh nhật Sói tía. Năm nay mới hết phong tỏa, tình hình dịch chưa biết sao nên cả nhà cũng không dám tụ tập về đông đủ như mọi năm mà chỉ lác đác về riêng rẽ. Hôm trước vợ chồng con cái Sói út về rồi, hôm sau tới lượt nhà Khủng long chị.

Sói, Cừu là tiếng đùa ở nhà gọi nhau để phân biệt ai là f0, ai là 0f. Nghĩ lại còn rùng mình, nhìn quanh thấy nhà bạn bè tụi nó êm ru, nhà mình hết em cháu, rồi ba mẹ lần lượt báo dương tính. Người đi cách ly ở bv dã chiến, người ở nhà tự xử, lo lắng sợ hãi tới điếng hồn. Bốn tháng Sài Gòn căng thẳng cũng là thời gian cam go của gia đình. Cuối năm nhìn lại, coi như theo lời bạn, là để nhớ về và giữ lại những tháng ngày không thể quên của cả Sài gòn và gia đình, để rút ra vài kinh nghiệm nhỏ cho mình và những ai cần khi những ngày chưa yên ả vẫn đang còn phía trước.

Hồi mới bắt đầu giãn cách, cả những ngày đầu bị nhốt trong nhà, ngoài đường chỉ có shipper hoạt động, mỗi lần Cừu chồng thấy vợ cắm đầu vô điện thoại kiếm chỗ mua dồ ăn, hay ngồi bần thần thậm chí sụt sịt khi đọc thấy một hoàn cảnh đáng thương do thiếu ăn là ổng cười hô hố, nói vài bữa hết giãn cách nhớ lại vợ có nhiều chuyện buồn cười lắm. Nhưng rồi dần dần Cừu chồng cười hết nổi, khi mà lần lượt nhận tin công ty cũ có nhiều ca nhiễm. Nói nào ngay, lúc đầu nghe tin vẫn còn cười, nói tụi nó chích 1 mũi hết rồi vậy mà lây nhanh quá. Xong rồi bắt đầu thấy có đứa trẻ khỏe mà lên đường, rồi nhận tin đồng nghiệp cũ thân thiết ra đi cả 2 vợ chồng vì Covid, Cừu chồng hết cười nỗi và trở nên trầm ngâm hơn.

Lúc này hai vợ chồng cùng cả nhà vẫn là cừu thôi. Vẫn an lòng nghĩ rằng núp kỹ cho qua dịch thì sẽ an toàn. Ở nhà tà tà lôi đồ tích cóp ra nấu, bún phở đủ loại, nem nướng chả giò, bánh bèo bánh đúc, chuối chiên chè đậu, tàu hũ nước đường,.. ăn vậy mà vẫn sụt ký mới ghê. Chắc do lo quá đó thôi, khi tin tức ngày càng xấu. Trong điện thoại không chỉ lưu lại thông tin bán rau cải thịt cá online mà bắt đầu lưu số điện thoại xe cấp cứu, bình oxy, y tế lưu động, ... cũng vẫn nghĩ ai cần thì chỉ giúp chứ làm gì tới lượt mình.

Như trong phần giới thiệu cho tập tản văn Phía Tây thành phố của mình, bác sĩ Lê Minh Khôi có viết "ký ức không phải cái đã qua, nhất là ký ức về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương như vậy. Tôi vẫn đang sống với ký ức đó, không phải để bi lụy, mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta có, như bầu trời xanh trên đầu, như làn gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi vào thành phố mỗi chiều và như từng hơi thở này đây”. bởi vậy mà anh đã trải lòng thật nhẹ qua những câu thơ:
Rồi mình sẽ đi qua mùa bão giông
Rồi mình sẽ đi qua những con đường, những dãy nhà khép mắt,
Những hàng cây khát gió, những bãi xe im lìm nằm ngủ, những mặt người thao thức,
Rồi mình sẽ đi qua những đêm sâu, những lưng áo ướt đầm, những đớn đau, mất mát
Rồi mình sẽ đi qua những hoang mang, những nụ cười buồn và tiếng khóc thật,
Rồi mình sẽ đi qua những chiều thưa bóng nhân gian,
Phố sẽ xúng xính, xênh xang như chưa từng hoang vắng
Hạt bụi bay trên vỉa hè cũng long lanh màu nắng
Những môi cười sẽ biếc xanh như nụ mới
Nhất định ngày ấy sẽ tới..."

Thời gian đó cũng chính là chặng đường mà Cừu vợ trở thành Khủng Long theo cách gọi của mấy đứa Sói, Cừu ở nhà.

P.1 - NHỮNG NGÀY PHỐ MỆT
Tối 31/5, sau CT16 cho Gò Vấp và 15 cho phần còn lại của Sài Gòn, sau khi đu một vòng xe hốt nốt những thứ cần kíp như .... thuốc lá và bia cho chồng, 7h tối nhận được điện thoại Cừu chồng gọi "Em ơi vô bệnh viện đón anh về". 

Hết hồn phi xe vô bệnh viện, miệng lầm bầm, 12h khuya người ta giãn cách rồi mà giờ này còn chun chi vô bệnh viện, cái nơi đầy virus Covid đang lãng vãng. Hốt chồng về với một vết rách nhỏ trên trán do ngã xe ngay cổng công ty, hôm sau lại xách chồng đi chích ngừa rồi quơ một đống thuốc và bông băng về nhà tự xử để khỏi phải ra đường. Sài gòn vắng dần người, xe nhưng vợ vẫn còn đi làm, ngày ngày ra đường nhìn Sài Gòn ngày càng vắng mà buồn não ruột. Trên đường chỉ còn màu áo xanh đỏ của shipper và xe cứu thương vừa chạy vừa rú còi phát ... quạu. Nghĩ bụng, còn ai giành đường đâu mà hú cho dữ, hù giật mình thon thót. Người ta gọi những ngày đó của Sài gòn là "những ngày phố mệt".

"Phố mệt rồi, xin nhẹ những bước chân!
Gió lặng im âm thầm nghe Phố thở
Trăng dịu dàng nép vào mây nức nở 
Khúc nhạc ru Phố ngủ giấc yên bình. 

9/7 vợ bắt đầu ở nhà hẳn, thủ trong người giấy đi đường cơ quan ký nhưng vẫn chưa có dịp đi đâu, trừ cái bữa tự nhiên đau bao tử dữ dôi phải chạy đi mua thuốc uống. Ra đường đụng chốt ngăn phường với phường, mấy em gác chốt xua vô mua nhà thuốc phía trong chứ nhứt định không cho ra nhà thuốc bên kia chốt dù chỉ có bên đó mới có loại thuốc vợ hay uống.

Thương Sài gòn và cả những tỉnh, thành bị phong tỏa. Bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười lúc này. Vợ ngồi nhà đọc tin, rớt nước mắt khi nghe thông tin và các bài hát ca ngợi tuyến đầu chống dịch.

"Phố mệt nhiều nhưng ngủ chẳng được sâu
Bởi thanh âm nơi tuyến đầu vọng lại
Sáng lung linh giữa màn đêm tĩnh tại 
Sắc trắng thiên thần nhẫn nại suốt canh thâu. "

Nhưng dịch tuy ở ngay Sài gòn với tin tức nóng hổi mỗi ngày, gần nhưng vẫn còn xa khi những biến cố đó ở đâu đó thôi, chưa chạm đến hẻm nhà, cho đến một ngày cô em dâu làm trong bệnh viện nhắn tin trên group gia đình "bệnh viện em ngày nào cũng có nhân viên bị nhiễm, mấy chị/em ở nhà chuẩn bị tinh thần, em mà xét nghiệm dương tính thì đi cách ly, lo dùm ba má với chồng con em nha, chồng em ... hỏng biết nấu cơm. ".

P2. NHỮNG CHIỀU THƯA BÓNG NHÂN GIAN
Đưa tin em dâu nhắn cho chồng coi, chồng phán luôn "có gì thì em phải về bên đó lo cho ba má chứ sao". Cãi chồng, sao xuyên qua một đống chốt để về nhà. Bữa đi chích ngừa theo danh sách công ty tít Chợ lớn, lúc đi còn dễ, khi về chốt chặn tùm lum đổi mấy hướng mới về được cái chốt cuối cùng, nói về nhà mình mới được mở chốt cho qua. 

Rồi thì, y như lo sợ, nhỏ em dâu thành Sói đầu tiên trong nhà. Vợ đọc tin báo, khóc bù lu bù loa, phần lo cho ba má già ở chung nhà, phần cảm thấy mình bất lực không biết làm sao. Lúc đó người ta bắt đầu chết nhiều trong khu cách ly lẫn tại nhà, nghe bị nhiễm đúng là một điều khủng khiếp, Dì Năm gọi điện thoại, nói vợ cứ ngồi yên, để nhà dì gần bên sẽ đem cơm ngày ba buổi cho ba má và cha con thằng em. Mếu máo gởi gấm cho dì, hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm của cả nhà bên đó.

Rồi thì, cả nhà vợ chồng con cái thằng em đều dương tính, xách đồ theo Sói mẹ nó đi cách ly. Ba má nếu thành sói thì một là đi cách ly chung hay may mắn hơn, em dâu sẽ được cho về để cả nhà tự cách ly nhưng không biết hên hay xui mà ba má vẫn là cừu. Cách duy nhất là vợ từ giã chồng, nhờ một bạn công an quen trên quận dẫn thông chốt về với ba má thôi. Cái vali soạn sẵn chuẩn bị đi cách ly, dự phòng từ đầu dịch được vợ cột sau xe, cộng thêm một túi rau, thịt vừa mua online, vợ rồ ga vượt chốt trở về căn nhà xưa có ba, có má đang chờ.

Rồi thì ... sau 5 ngày túi bụi cho ăn uống, xông hít đủ kiểu, tía thành sói với kết quả pcr chỉ có 14. Lụi hụi đưa Sói tía đi cách ly chỗ em dâu xong, cô bác sĩ y tế phường nói má thế nào cũng bị tía lây và có thể cả vợ nữa. Lại hồi hộp chờ và y như rằng, 3 ngày sau má lại sốt cao. Hội ý với các em qua group gia đình, đồng ý xin giữ má lại nhà vì má khá yếu, nhiều bệnh nền, không thể tự lo cho mình. Vô bệnh viện không ai trông chắc đi sớm nên mấy chị em quyết định để má ở nhà, giao cho bà chị già trông má, chấp nhận điều xấu nhất có thể xảy ra như khi đồng ý để ba ở lại bệnh viện dã chiến thiếu thốn đủ thứ nhưng có đủ tình thân.
Phải nói đó là những ngày khủng khiếp nhất trong đời với trọng trách đè trên vai và nỗi nguy hiểm chực trên đầu. Sáu giờ chiều bắt đầu giới nghiêm, bốn bề vắng lặng. Trong căn nhà bốn tầng vốn đầy ắp tiếng người và tiếng cười giờ chỉ hiu quạnh có hai má con. Lặng lẽ nấu cơm, nấu nước xông, lặng lẽ theo dõi chỉ số huyết áp, đường huyết, nhiệt độ, spo2 của má ngày mấy lần và bịa ra đủ lý do để trả lời má ba đi đâu không thấy, nhà thằng em về quê sao lâu quá chưa lên ... Rồi khi quyết định mua cái máy tạo oxy đầu tiên về một ngày sau khi oxy của má có chiều hường giảm, cũng một mình lết cái máy nặng mười mấy ký lên các bậc tam cấp, lật nằm ngang để lấy máy khỏi thùng chứ bưng không nổi, mày mò lắp theo cái video thằng cháu gởi mà tủi thân dễ sợ. Mấy thứ này trước đây có ba, có em trai, có chồng làm chứ mấy vụ máy móc này còn khuya mới tới tay mình.

Cứ mỗi lúc chiều buông là thời điểm đáng sợ nhất trong ngày. Cái hanh vắng của chiều tà đã buồn, không khí càng lạnh lẽo hơn khi nhà hàng xóm cũng đi cách ly và nhận được tin có người qua đời.  Lúc này trời lại hay mưa, đã buồn lại còn buồn hơn, sợ hơn cái hoang vắng của nhà mình, của con hẻm. Nhớ ba và mấy đứa nhỏ kinh khủng, chỉ mong lát nữa xong việc, group nhà teng teng, mấy đứa em vô nói chuyện để bớt hiu quạnh. Đứa trông tin ba, đứa chờ tin má rồi tin tụi nó vì có mấy đứa do công việc vẫn phải đi làm mỗi ngày.

Ngày ba và vợ chồng thằng em được về là ngày Sài gòn giao vào tay mấy chú bộ đội. Trước đây ở nhà má sáng sáng trưa trưa còn có mấy người bán rau dạo hay shipper vô hẻm. Giờ bị cấm tiệt không còn ai qua lại, thậm chí thò mặt khỏi nhà. Ba về, vài hôm khỏe khỏe bỏ được máy thở, xuống ngồi chơi ở phòng khách, buột miệng nói sao mà vắng vẻ buồn quá. Hôm nới lỏng, nghe tiếng rao bánh mì mà mừng khôn xiết, có cảm giác Sài gòn đã được hồi sinh.

P3. NHỮNG MÓN NỢ ÂN TÌNH
Trước hết, không sáo rỗng, không cứng nhắc, bài bản mà từ trong tận thâm tâm, là sự biết ơn dành cho tuyến đầu, cho những người được gán cho cái tên đẹp đẽ "thiên thần áo trắng" mà còn cực hơn bất kỳ ai trong trận dịch này. Nhờ các group hỗ trợ f0 mà bạn bè add vô mà trang bị được một số kiến thức cơ bản về thuốc men, cách phòng ngừa để chăm má và may thay, không thành ... sói.

Đến giờ cũng không hiểu nổi vì sao chở Sói tía sau lưng, xoành xoạch đi về từ nhà ra bệnh viện và ngược lại, ôm Sói má ăn uống, tắm rửa, đo máu, vỗ lưng suốt hơn 2 tuần lễ, hắt hơi và sốt nhẹ mấy lần, đau đầu và khô họng thường xuyên nhưng má ngoáy thì con cũng bị ngoáy theo, mấy lần má từ dương sang âm còn con cũng cứ ngoan cố ... âm tính. Ngày về lại nhà mình, sợ lây cho chồng phải đứt ruột móc túi làm cái pcr vẫn âm.

Biết ơn con nhỏ bạn từ cái lúc bắt đầu mặc áo dài đi học, hôm công ty nhắn đi chích, thấy xa quá định trốn ở nhà, nó làm một hơi biểu chích đại đi. Ừ thì chích đại nên hành trang về với ba má là mũi 1 được hơn 1 tuần, biết đâu cũng là 1 thứ vũ khí vô hình giúp mình không thành sói. Rồi hôm má bắt đầu sốt, nó hối cho uống kháng sinh kháng viêm sớm đừng chờ "vì má già quá rồi, còn miễn dịch gì nỗi mà sợ mất, chỉ còn nhờ thuốc trợ giúp thôi". 

Ngày tứ 7 của chu kỳ, sói má đột nhiên lơ mơ, ngủ li bì, oxy tụt. Hú họa chọn một bác sĩ đã từng đọc bài trước đó từ hồi đầu dịch để tư vấn, bác sĩ Thọ. may quá được trả lời và nhận theo dõi. Thế là mỗi tối lúc 8h, cơm nước dọn dẹp xong là bắt đầu ngồi khai bệnh cho bác. Má khỏe dần, thấy mừng. Đến tối ngày thứ 15, má lại sốt nhẹ, lơ mơ và oxy lại tụt. Nhớ khi theo dõi group, có người nói qua ngày 14 tưởng yên nhưng con virus khìn khìn này hay quậy. Còn nhớ luôn, 8h tối túm bác sĩ rồi trả lời từng triệu chứng, trao đổi đến gần khuya về thuốc men, dụ đoán tiến triển bệnh, thương bác sĩ quá chừng luôn. Có điều bác sĩ cho thêm thuốc mà mai là ngày bộ đội vào thành, thuốc men các thứ cần thiết đã được ship hết từ chiều mà khuya má mới trở nặng, muốn khóc tiếng Miên luôn. Nói bác sĩ thuốc mua không được thì sao, bác nói group có, qua c/c Hoàng Quân lấy. Ủa mà search ra một đống Hoàng Quân ở mấy quận, hỏi bác ở quận nào để vắt óc coi có ai quen đi ngang đó không thì bác im re. Sau này mới biết bác í ở tận Hà nội, mình ở Sài gòn còn không biết sao bác biết mà hỏi.

Vậy là lòi ra môt người nữa cần cám ơn, là cô bác sĩ trưởng trạm y tế phường. Nhờ bắt đầu có chủ trương cho f0 nhẹ ở nhà và được cô thông cảm nên cho má cách ly tại nhà, thường xuyên theo dõi và dăn oxy xuống phải vô bệnh viện ngay. Bữa không đi mua thuốc được phải gọi réo cổ nên có thuốc cho má uống. Ba ngày sau má khỏe re, hớn hở đón ba ở bệnh viện dã chiến về, còn đủ sức quay ra cằn nhằn khủng long chị vì dấu má mấy tuần nay.

Thế là ba về, má khỏe, cả nhà cũng ổn dù bên nhà mấy đứa em còn vài chặp lên bờ xuống ruộng khi đứa thành sói, đứa vẫn là cừu nhưng có triệu chứng như sói làm náo loạn cả nhà, khiến mất tròn hai tháng mới gom đồ để về với chồng được. Cả nhà gọi bà chị Hai anh hùng của tụi nó là f ... si lon, là khủng long khi suốt 2 tháng trời không bị thủng lưới cô Vy dù mấy phen báo động giả lằm tụi nó hết hồn. Chắc do nhờ mấy nguyên tắc học được của bác sĩ Trung Medic, xịt rửa nước muối, xông dầu xanh mỗi ngày, tắm má không chỉ đeo khẩu trang mà còn mang luôn kính chắn. Ngồi chơi với má, chọc má nói chuyện cho đừng nằm ngủ hoài thì ngồi nơi đầu gió và bật quạt máy xối xả ra đường. Ngày xưa thằng bạn chung lớp rủ thi y thì lắc đầu nguầy nguậy, giờ ôm đủ thứ máy và đếm đủ thứ thuốc của má, làm điều dưỡng kiêm y tá cho má, đo máu chích thuốc ngon ơ.

Những ngày đó, cám ơn mấy đứa em ruột lẫn em họ luôn là chỗ dựa cho mình nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không chỉ động viên chị mỗi ngày, còn lăn xả vợt chốt, vượt rào đem cho từng nải chuối, từng ổ sandwich với thức ăn để bà chị khủng long an lòng núp sau vòng dây cách ly mà chăm má. Cả cô em chồng cũng bị túm để ship yến, ship gạo vì nhà thằng em chưa kịp mua thêm gạo thì đã bị hốt đi cách ly.

Cám ơn những người bạn cũ, mới đã ở bên cạnh khủng long tui những ngày tồi tệ nhất trong đời. Sáng sáng, trưa trưa lạii có đứa vào inbox hỏi thăm hôm nay thấy thế nào, má khỏe hay chưa. Đến khi yên ổn hẳn, báo kết quả âm ... âm... âm tính nhiều lần, tụi nó nói đến giờ mới thở phào nhẹ nhõm. Thương mấy đứa cứ sợ con bạn khủng long bị đói, cứ đòi gởi đồ ăn, báo hại có lần lơn tơn ra chốt lấy đồ bị mấy chú bộ đội phê bình ghê quá. 

Chưa kể có vợ chồng tên bạn học cũ bán thiết bị y khoa bị nắm áo từ đầu mùa đến cuối mùa. Chả là nhỏ bạn bác sĩ bên nước ngoài nhắn nên mua sẵn máy spo2 trong nhà, mà nghĩ f1 còn bị hốt đi cách ly thì sắm máy đo cho ai nên chần chừ. Đén khi bị nhốt chặt trong nhà, đọc tin chỗ cách ly chật cứng, người nhiễm người chết nằm la liệt ở nhà mới phát hoảng, nhờ ship gấp gấp gấp mấy máy đến từng nhà báo hại cô bạn kiếm shipper phờ phạc luôn. Rồi tới mua máy tạo oxy, bạn chở xe máy đến nhà làm run vì nhà mình f0, may là rộng thoáng. đón bạn, phải nhốt sói má vô phòng, mở cửa và xịt khuẩn khắp nhà, nhận máy xong đuổi lẹ bạn về. Lần thứ ba mua thêm máy tạo oxy vì ba chưa cai thở mà 1 máy không thể chạy suốt 24/24, em dâu liên hệ chỗ thuê bình và bơm oxy không ra nên đành níu áo bạn mua gấp máy, một ngày trước khi giới nghiêm toàn bộ Sài gòn. Ân tình của bạn không bao giờ quên, cả cái em chủ nhà thuốc ở Gò vấp đến giờ chưa biết mặt, nhờ ship thuốc vài lần thành quen và khi cần gấp, đích thân ông chủ tiệm vượt chốt đi giao cho.

Thật thiếu sót khi không nhắc đến đứt lưng quần, Cừu chồng thân yêu suốt hai tháng cao điểm đã tự trốn yên trong nhà, tự uống thuốc, tự tập thể dục giữ sức khỏe, tự nấu cơm từ đồ ăn vơ để trong cái tủ lạnh khổng lồ. Hoàn toàn không biết những khó khăn vợ đang đương đầu và nguy cơ vợ luôn lo sợ vì bị giấu nhẹm hết thảy. Khi qua nhà ba má được vài ngày, Cừu chồng gọi hỏi thăm, nói ráng giữ sức khỏe nha, hôm qua nghe nói ách xì lo quá tối không ngủ được. Hết hồn vì chồng vốn cao huyết áp, biết sói tía sói má thập tử nhất sinh kiểu này rủi lo quá máu lại lên, có gì ai lo cho kịp nên thôi giấu phứt cho yên lòng. Còn thủ sẵn túi thuốc, nếu chồng báo ho hen sốt nóng gì thì chạy về hốt qua đây chăm luôn ... một đàn sói.

Ơn Trời, mọi thứ cũng qua. Đức tin coi vậy mà quan trọng lắm. Đêm nào cũng vậy, dù mệt đuối cả người, vẫn dành thời gian niệm Phật, đọc Chú Đại Bi cầu bình an cho cả nhà nội ngoai hai bên của hai vợ chồng. Có lẽ lời nguyện cầu đã được chứng giám nên giữa những đâu thương của Sài gòn, gia đình lớn có đến phân nửa là sói của mình lại được đoàn tụ đã là một may mắn lắm rồi.

Vỏn vẹn hai ngày nữa thôi là hết năm, cái năm tai ương khó quên của Sài Gòn. Hai năm dịch bệnh, bốn tháng phong thành, dù chỉ là vài phần trăm, phần ngàn của một đời người nhưng với người Sài gòn, nó đã để lại một dấu ấn phải nói là khủng khiếp, khốc liệt, bế tắc và đau thương biết mấy. Trong hoạn nạn mới tỏ lòng người, chứ nếu cứ yên bình mãi thì ai cũng như ai, xã giao là chính chứ sao biết được lòng người và nhất là lúc bình thường người ta cứ hướng ngoại, cứ mong đi đến những nơi nào đó mà giờ mới thấy chốn bình yên nhất chính là căn nhà của mình và ấm áp nhất, thân thuộc nhất chỉ có gia đình.

Chưa bao giờ có một bài tổng kết năm dài vậy, nhưng năm nay quá nhiều biến động, nhưng thôi hãy cứ tin vào "cái lẽ huyền diệu của đất trời và cái thơm thảo của lòng người”
"Dẫu thế nào hoa hướng dương vẫn nở
Mặt trời vẫn lên rực rỡ hằng ngày
Sau bão bùng lại nhiệt huyết mê say
Vì cuộc đờ vẫn chứa chan hy vọng"

Mai mốt nếu có ai ra đường nhìn thấy một bà khủng long già khụ, miệng chu (vì phun nước bọt), mũi hỉnh (do ngoáy ... ty hầu), thì đích thị đó là chứng nhân gai góc của một thời gian nan chưa từng có của Sài gòn. Vẫn sợ thành sói lắm vì ở nhà có tía má dù đã từng là sói, vô công ty thì có một em bầu sắp tới lúc ... bể chum mà ngoài đường f0 nhan nhãn, nên dù chống đối kịch liệt giờ cũng phải đứt ruột bỏ tiền mua kit test nhanh về lâu lâu tụ xử cho chắc ăn.

Nhắc một lần thôi, rồi cho hết mọi thứ vô cái ô quá khứ. Cuộc sống bây giờ khá là chênh vênh nên cần lắm những cân bằng. Bởi vậy người ta cũng cần quên lắm, như Sài gòn, với những người chưa từng bước qua những lần đối diện sự sống chết của người thân, nỗi khắc khoải của từng giây phút chống chỏi bệnh tật, sẽ quên rất nhanh và hòa nhập trở lại rất nhanh. Mà chắc cũng nên như vậy.
"Khi ta còn niềm tin yêu để sống
Thì vướng gì những xưa cũ buồn đau
Thôi mình cùng gác lại những lo âu
Phút giây này cứ thong dong trọn vẹn".

Để chờ một năm mới lại đến với chúng ta. Mọi gian nan cũ, xin hãy để gió cuốn đi.

TT

Không có nhận xét nào: