Thứ Hai, 14 tháng 6, 2021

Trầu Cau ở Huế


Mấy ngày hàn huyên tâm sự trong khu vườn ẩm ướt ở Vỹ Dạ đã trôi qua. Buổi sáng một ngày mưa bão ở Huế tôi ra đi.

Vài phút nữa tôi sẽ đáp chuyến xe đò bảng hiệu “Cafe Hạnh” từ Huế đi về Hội An. Hai người bạn học Sài Gòn nay đang sống ở Huế đội mưa ra tận nhà xe đưa tiễn. Tôi nói với hai người mình thương Huế lắm, mà rồi cũng đang có cảm giác mơ hồ rằng mình sẽ hiếm khi ra Huế được lần nữa vì mình đã già, đã yếu. 

Nhìn chiếc xe đò giường nằm từ từ quẹo tắt ngang qua đường để đến nhà xe đón khách, người bạn tên Sinh nói với cô bạn tên Hạnh: Em thấy chưa, người ta lấy tên anh và em để đặt tên cho hai hãng xe đò đấy. Hạnh cười sung sướng: Ừ! Em thấy rồi.

“Café Sinh” và “Café Hạnh” là hai tuyến xe nối liền Huế và Hội An mỗi ngày bốn chuyến đi về. Hạnh nói với tôi: Còn có thêm hai hãng xe đò nữa là “Cúc Tùng” và “Camel” chạy tuyến này nữa anh à… Em không biết bao giờ anh có thể cho thêm mấy nhân vật Cúc, Tùng, Camel… vào mấy câu chuyện lông bông lãng nhách của anh?

Tôi cười: Hạnh và Sinh, đó là sự ngẫu nhiên của những ngẫu nhiên. Cũng ngẫu nhiên không định trước, những tầng nấc của thời gian quá khứ bị chúng ta dẫm đạp lên như khi ta bước lên những bậc thềm đá cũ kỹ rêu phong để vào nấm mồ nơi vua Gia Long yên nghỉ, một chỗ rất sâu và kín đáo trên một cái cù lao hoang tịch mà mỗi lần qua đó chúng ta phải đi mất một buổi sáng qua một cái cầu phao gập ghềnh trên sóng nước sông Hương và đi qua một con đường đất khúc khuỷu không ai thèm chăm sóc. Sự hoang phế đến chạnh lòng của lăng mộ vua Gia Long làm người ta buồn rầu nghĩ đến sự tàn lụi nhanh chóng của một vương triều mười ba đời vua, mà nay anh Sinh còn đòi rút lại chỉ có bốn đời. Rất ngạc nhiên tại sao anh Sinh nghĩ như vậy?

Rồi hỏi anh Sinh: Không hiểu sao mấy ngày qua anh kể chuyện về vương triều Nguyễn mà chỉ nêu tên có bốn đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức… rồi không nói thêm gì nữa. Sao không nghe anh nói gì hết về những vị vua sau đó, kể cả vị vua cuối cùng đẹp trai nhất là Bảo Đại mà mỗi ngày anh vừa uống cà phê vừa ngắm bức hình ông ấy hút thuốc một cách rất say mê?

Anh Sinh: Bốn vị vua đầu được mình tổng kết là Lập-Kiến-Suy-Vong, chỉ cần bốn vị thôi là thấy đã hết một vòng xoay nghiệt ngã của con tạo. Cái thế sự tan nát của đất nước từ cuối thời Tự Đức đã xé nát và chấm dứt sự trị vì thực quyền của dòng họ Nguyễn. Những vị vua sau vua Tự Đức không còn là vua của một vương triều đúng nghĩa nữa. Họ làm vua nhưng không còn có bất kỳ quyền hạn gì. Thế thì chúng ta nên nghĩ về nhà Nguyễn chỉ với bốn vị vua đầu tiên mà thôi. Những người làm vua sau này là sự tiếp nối của hư quyền, họ không phải là vua, họ chỉ là những cái tên để người ta dễ ghi vào sách sử.

Anh Sinh say sưa: Vua Gia Long thống nhất đất nước, “lập” nên một vương triều mới, vua Minh Mạng ra sức “kiến” thiết nước ta thành một quốc gia mạnh mẽ có diện tích to lớn nhất từ xưa tới nay, rồi vua Thiệu Trị vì sức khỏe ốm yếu mà làm mất dần quyền lực ra khỏi tay mình, quyền lực lại rơi vào tay bọn lộng thần nên gọi là “suy”, vua Tự Đức thì bị khiếm khuyết tình dục giống y hệt như tôi… do đó không thể có nổi một đứa trai ruột để mà truyền ngôi, ông vua này lại làm mất nước vào tay người Pháp nên gọi là “vong”.

Sau đời vua Tự Đức thì không ai dám chắc những người lên ngôi vua là thuộc chính dòng hoàng tộc nữa. Những toan tính đen tối trong chốn thâm cung để lại những hoài nghi về nguồn gốc các vị vua được đặt lên ngai vàng. Lập-Kiến-Suy-Vong qua bốn đời vua có phải là một nhận định khách quan về triều Nguyễn hay không? Như ông vua Bảo Đại có chắc chắn là con ruột của vua Khải Định hay không?

Tôi trả lời: Ngày nào đó từ Sài Gòn tôi sẽ viết thư trao đổi thêm với anh. Tôi cảm nhận những điều anh nói có thể đúng và cũng có thể sai. Từ lâu rồi tôi cảm thấy rất hoang mang và hoài nghi khi học, khi nghĩ về sử Việt và người Việt của mấy trăm năm gần đây. Tôi cảm thấy hoài nghi về không gian và thời gian của Huế khi tôi đứng cạnh anh và Hạnh trong buổi sáng hôm nay tại chỗ này. 

Tôi không hiểu anh có thể lo cho hai mẹ con Hạnh suốt cuộc đời này không? Tôi không biết tôi có được ra Huế một lần nào nữa để gặp lại hai người hay không? Tôi hoang mang lắm, hoang mang từ lịch sử, hoang mang về thành phố Huế với bao nhiêu điều vấn vương bí ẩn, hoang mang đến đời riêng của những con người lên làm vua có nguồn gốc không rõ ràng.

Tôi nghe tiếng thở dài của anh Sinh.

Lần này ra thăm Huế tôi dành hầu hết thời gian để sống cạnh hai người bạn học cũ là Hạnh và Sinh. Tôi bắt đầu cảm thấy lo sợ sự chia ly. Tôi cảm thấy cuốn phim ký ức mà mình quay về họ sắp sửa chấm dứt rồi. Mang máng nhìn thấy chữ “The end” trong mắt họ hay chính trong con mắt của mình, mình cũng không rõ nữa.

Mấy chục năm trước ở Sài Gòn anh Sinh đã từng làm tiếp tân khách sạn, anh Sinh đã nấu ăn cho nhà hàng, anh Sinh đã biết may vá áo quần… Nói chung anh biết và làm được tất cả những công việc tỉ mỉ công-dung-ngôn-hạnh mà một người đàn bà Việt biết làm với một mức độ khéo tay cao. Thời gian lưu lạc ở Huế anh lại học để biết nấu bún bò Huế, biết nấu cơm hến, biết làm bánh ướt thịt nướng, biết làm bánh nậm – bánh lọc – bánh bèo – bánh khoái – nem chua… Chắc vì để có tiền lo cho mẹ con Hạnh anh đã từng làm những loại thức ăn Huế ấy rồi đem ra chợ Đông Ba bán mỗi ngày. Anh còn dạy Hạnh pha cà phê rồi giúp Hạnh lập một quán cà phê nghèo trong khu vườn Vỹ Dạ.

Nhưng tôi nghĩ… quan trọng hơn hết đối với cuộc đời anh Sinh là một công trình tự nghiên cứu về nhà Nguyễn mà anh không tự xuất bản được, đó là cuốn tiểu luận “Lập-Kiến-Suy-Vong”. 

Có lẽ quan điểm của anh Sinh mới quá, anh cho rằng sự suy vong của vương triều Nguyễn bắt nguồn từ sự thiểu năng tình dục hay do máu đồng tính của vị vua thứ tư là Tự Đức. Chính vì những yếu tố tính dục khác thường đôi lúc đầy nữ tính yếu đuối mà vị vua này đã có những quyết định chính trị khác thường không được khôn ngoan làm đất nước rơi vào tay bọn thực dân Pháp. 

Tôi có nói với anh Sinh: Cũng may cho anh cuốn sách không in ra được, cuốn sách này mà được xuất bản thì anh đừng hòng trụ lại Huế được, dòng giỏi gia tộc nhà Nguyễn sẽ mang anh ra mà tùng xẻo thành từng miếng.

Cũng lần cuối ở Huế này, một hôm trong một buổi chiều vàng vọt ngồi uống cà phê trong khu vườn Vỹ Dạ hoang tịch, Hạnh khẻ bảo tôi: Thôi, từ nay anh đừng ra Huế nữa, anh đừng lo lắng cho mẹ con em nữa, em thấy anh đã yếu sức lắm rồi. Đã có anh Sinh lo cho hai mẹ con em mười mấy năm nay. Từ ngày ông chồng cũ của em mất, anh Sinh đã sống giống như một người chồng đầy trách nhiệm đối với em, và là một người cha đúng nghĩa của con em.

Hỏi lại Hạnh: Có thật không? Anh Sinh đồng tính mà? Hạnh đáp: Không, anh ấy không chỉ đồng tính, anh ấy còn lưỡng tính – bisexual nữa. Anh ấy vừa yêu được đàn ông vừa yêu được đàn bà. Dù tình yêu đồng tính hay tình yêu lưỡng tính thì anh ấy yêu rất sâu và rất đậm. Người đàn bà mà anh ấy rất yêu quí mấy chục năm từ ngày chúng mình còn học chung ở Sài Gòn chính là em. Em không để ý quan tâm anh ấy yêu người đàn ông nào, em chỉ biết anh ấy rất yêu em và hết lòng lo lắng cho mẹ con em.

Tôi nhe răng cười buồn: Để hôm nào có dịp ra Huế lại lần nữa anh sẽ tìm cách khám anh Sinh thử xem sao! Anh hồ nghi chữ “bisexual” này lắm. Mà anh cũng không biết anh có còn sức bay ra Huế được lần nữa hay không? Sợ anh Sinh giống như vua Tự Đức, vì tính cách tình dục bất thường nên sẽ có những quyết định bất thường không khôn ngoan ảnh hưởng xấu tới hai mẹ con em.

Hạnh cười: Anh lại nghĩ sâu xa, anh lại bị cái tư tưởng Lập-Kiến-Suy-Vong đầy chất pêđê của anh Sinh ảnh hưởng rồi. Em đã đọc hết cái tiểu luận đó của ảnh, em kết luận: Chúng mình là người Sài Gòn, chẳng ai học sử. Chúng ta sống trong một thời đại nặng nề chính-trị-chính-em nên có kiến thức gì để làm sử học? Rõ ràng những người học hành dang dở như chúng mình không hề có đủ trình độ lịch sử để có tư cách nói và viết về lịch sử nhà Nguyễn.

Hạnh tiếp: Khi nghe em nói vậy, anh Sinh giận em hết mấy ngày, không thèm nói chuyện với em. Em nói với anh Sinh: Em giận anh mới phải. Bộ phận sinh dục của người đồng tính ảnh hưởng chi tới lịch sử của nước nhà mà anh cứ cố nhét nó vào sách vở. Anh sai mà cứ cho là mình đúng, anh đã sai từ ngay lúc ban đầu khi từ một người tầm thường mà đòi làm nhà sử học. 

Tôi hỏi: Rồi anh Sinh phản ứng ra sao? Hạnh cười: Anh ấy rất thất vọng vì bị em chê, anh ấy khóc hu hu mấy ngày rồi ném cuốn tiểu luận vô duyên ấy xuống nhà bếp. Anh ấy bảo: Tùy Hạnh, Hạnh muốn đốt thì cứ đốt.

Tôi: Đừng đốt cuốn tiểu luận đó. Trong đó còn kẹt cái bộ phận sinh dục của người đồng tính.

Mấy ngày bên Hạnh, tôi hay nhấp ngụm cà phê buổi chiều và nghĩ về những người lưỡng tính như lời Hạnh nói. Đó những người có thể vừa yêu người đồng phái vừa yêu người khác phái. Chợt nhớ tới truyện cổ tích Trầu Cau với ba cái chết lãng nhách của ba người Việt, chết vì “mệt, buồn, tuyệt vọng, nên gục xuống” rồi biến thành ba cái gì đó không phải là con người nữa: một cái cây, một cái dây leo và một cái cục đá.

Tôi nói: Để kể cho Hạnh nghe truyện cổ tích “Trầu Cau”… Xưa giờ người ta hay kể chuyện Trầu Cau để nói về tình anh em hay tình nghĩa vợ chồng. Mấy hôm nay anh lại nghĩ chẳng phải. Đó là những mối tình lưỡng tính! 

Câu chuyện kể vào đời vua Hùng Vương thứ tư có hai anh em Tân và Lang rất thương yêu nhau. Nhấn mạnh với Hạnh: Đấy! Bắt đầu một chuyện tình đồng tính giữa hai thằng con trai rồi đấy! Tân và Lang rất thương yêu nhau, tình yêu đó không đơn giản là tình thương huynh đệ bình thường giữa hai anh em trai, nó là một thứ tình yêu đồng tính vô cùng mãnh liệt, nó có thể dẫn tới cái chết khi người ta yêu không được hay người ta yêu trong thất vọng não nề.

Tân và Lang cùng yêu một người con gái đẹp trong làng, nàng này đẹp não nùng, đẹp quyến rũ mới ác. Nhưng chỉ có Tân cua và lấy được người con gái ấy, chắc vì Tân đẹp trai hơn, manly hơn Lang. Còn Lang thì thua trắng, vừa mất Tân vừa không có được người đàn bà đẹp. Sau khi có vợ thì Tân không còn chăm sóc đến Lang nhiều như trước nữa. Lang lấy làm buồn rầu, vừa thất tình chị dâu vừa thất tình anh ruột của mình. Đích thị Tân và Lang là lưỡng tính, vừa yêu con trai được mà vừa yêu con gái được, bisexual chứ còn gì nữa?

Hạnh nghe anh kể chuyện Lang bị chết nè: Rồi Lang buồn bực – frustrated mà bỏ nhà đi bụi. Bụi tới bên bờ suối thì Lang mệt, buồn, tuyệt vọng, gục xuống chết và thân tàn hóa thành một tảng đá vôi.

Tới Tân chết nè: Tân, sau một vài ngày không thấy em về nhà, vì quá thương em nên quyết bỏ vợ đi tìm em. Cũng đến bờ suối đó thì Tân cũng mệt, buồn, tuyệt vọng, gục xuống chết và thân tàn hóa thành cây cau bên tảng đá vôi.

Tới người đàn bà đẹp chết nè: Vợ Tân không thấy chồng quay về cũng bỏ nhà đi tìm. Nàng cũng đến đúng “position” là cái bờ suối, ngồi kê đít trên cục đá, thân dựa vào cây cau. Nàng cũng mệt, buồn, tuyệt vọng, gục xuống chết và thân tàn hóa thành dây trầu đeo trên cây cau, đít còn đeo trên cục đá vôi.

Tôi nhe răng cười hỏi Hạnh: Em thấy bà này ghê chưa ? Hồi sống thì lấy ông anh, tới hồi chết thì bám cổ đeo lên người ông anh mà chết, nhưng gốc rễ vẫn bám chặt lấy tảng đá vôi!

Hạnh phì cười: Kể tiếp đi. Mà thôi chắc hết truyện rồi phải không? Chết là hết, Chuyện của ba người, mà ba người chết hết rồi thì còn chuyện gì mà kể nữa?

Tôi tiếp: Còn nữa chớ bộ. Một ngày nọ có hai vợ chồng người nọ đi hái lượm thức ăn, vì bị đám khỉ-vượn tranh hái trái cây ngon ăn trước hết rồi nên không còn trái cây, họ đói quá lần tới bờ suối xơi nhầm một lúc ba thứ đó: lá trầu, quả cau và đá vôi. Khi ăn cả ba thứ trầu, cau và vôi quyện lại thì mồm họ có sắc đỏ như máu. Hai vợ chồng tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện hai anh em ruột cùng yêu một người đàn bà đẹp… để kể thành truyện cổ tích đồng tính và lưỡng tính đầu tiên của Việt nam có tên là «Trầu Cau». 

Người đàn bà đi hái lượm nói với chồng: Hôm nay thiệt lãng nhách, mình đi tìm thức ăn mà không thấy thức ăn, lại tìm thấy được truyện cổ tích đồng tính và lưỡng tính có màu đỏ chét như màu máu tươi của em mỗi tháng. 

Người chồng gật gù: Đúng vậy đó em.

Hạnh cười khúc khích: Thôi đi anh, anh nói nghe ghê quá. Cái gì anh cũng dám nói toẹt ra được. Thôi cứ tạm cho là anh kể đúng đi. Nhưng, anh Sinh đích thị là một người lưỡng tính. Khi chồng em chết rồi thì anh ấy không còn yêu được một người đàn ông nào nữa. Bây giờ anh ấy chỉ yêu em. Anh yên tâm chưa? Và khi chồng em chết thì anh ấy cũng chẳng tự tử chết theo, anh ấy vẫn sống nhăn răng mà nuôi hai mẹ con em. Tụi em không thể là những nhân vật màu đỏ chét của một câu chuyện Trầu Cau thứ hai đâu anh ạ.

Mấy ngày hàn huyên tâm sự trong khu vườn Vỹ Dạ ẩm ướt nước mưa đã trôi qua. 

Rồi vào một buổi sáng trời mưa bão mình đã bước lên chuyến xe đò chuẩn bị rời Huế đi về Hội An. Hai người bạn học cũ đứng dưới lề đường có hàng cây buồn rũ rượi trong mưa vẫy tay chào từ biệt. Mình vẫy tay chào lại mà lòng buồn rười rượi. Lần này cảm giác lưu luyến Huế rất nghẹn ngào, vì mình không tin sẽ được ra thăm Huế của mình thêm một lần nào nữa. 

Xe rời Huế đi Hội An, mình đang di chuyển từ một vùng ký ức thâm u của kinh thành cũ kỹ bên bờ sông Hương đi về phố Hội của sông Hoài.

MOMENTARY NOTES

Không có nhận xét nào: