Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Hồi ức của Moment

Hồi còn trẻ đi làm lúc nào cũng kè kè mang theo một cái cặp samsonite lớn, chứa các thứ tài liệu tác nghiệp mỗi ngày như vận đơn bill of lading, bảng kê khai hàng hóa manifest, danh sách thuyền viên crewlist, hợp đồng đại lý agency contract, hóa đơn đòi tiền công dịch vụ disbursement bill…

Mớ hồ sơ đó dù thiệt là nhiều cũng chỉ chiếm khoảng một phần tư thể tích của cái samsonite, chỗ dư còn lại để dành chứa cây thuốc lá, chai rượu ngoại, mấy cục xà bông thơm… của thuyền trưởng nước ngoài hào phóng tặng cho mỗi lần nhận thủ tục xuất nhập cảnh tại phao số zero biển Vũng Tàu. Không phải thuyền trưởng nào cũng hào phóng rộng rãi, chỉ có các thuyền trưởng thuộc các quốc tịch như Đông Đức, Tây Đức, Ba Lan, Nga, Ukraina, Mỹ, Pháp, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ… là có gì cho nấy, cho một cách vui vẻ tự nguyện. Để ý mấy người đó thường có nước da màu trắng.

Bữa nào đi làm thủ tục may mắn được nhiều hàng biếu tặng, cái cặp samsonite to lớn vậy chớ chứa không hết phải xách quà dư bỏ vô bao ni lông cầm tòn ten phía bên ngoài, bữa đó gọi là ngày “thuận buồm xuôi gió”. Đi làm có cực nhọc cách mấy mà được tặng nhiều quà, khi về tới nhà cũng cảm thấy vui vẻ với vợ con khác hẳn ngày thường.

Cũng có bữa đi ca-nô suốt từ sáng tới chiều ngoài biển say sóng ói lên ói xuống để làm thủ tục hết tàu này sang tàu khác mà cái cặp samsonite không đầy được vì bữa đó ít ai chịu cho. Đoàn thủ tục xuất nhập cảnh gọi các tàu keo kiệt ít cho quà là tàu “mắm cáy”. Có khi thuyền trưởng cho những thứ quà rẻ tiền như nước ngọt đóng chai, thuốc lá Trung Quốc, giấy vệ sinh… mang nặng mà về bờ chẳng bán được. Đại lý tầu biển gọi những ngày đó là những ngày “biển động”, cá tôm biến đi đâu chơi mất tiêu hết.

Những tháng ngày còn làm việc trong ngành đại lý hàng hải của nhà nước thì còn được thuyền trưởng nước ngoài kính nể, họ còn lưu tâm tặng cho cây thuốc lá, chai rượu. Khi ra làm cho đại lý tư nhân, thuyền trưởng không còn cho đại lý viên quà cáp nữa mà đôi lúc còn vòi tiền đại lý. Nhất là thuyền trưởng thuộc các quốc tịch da vàng vàng đen đen như: Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên… Lại phải khóc: Tội nghiệp thân tôi lắm ông ơi, tiền đại lý phí agency fees của chủ tàu trả cho chúng tôi rất ít, thu không đủ chi thì chúng tôi làm gì có tiền đưa ngược lại cho ông? Thị trường bây giờ cạnh tranh lắm ông à, chủ yếu lấy công làm lời thôi, tiền đâu tôi có mà đưa cho ông?

Một hôm thuyền trưởng Ấn Độ chỉ vô cái cặp samsonite to đùng của tôi gằn giọng hỏi: Mày cứ nói mày nghèo? Làm nghề đại lý có tốn kém chi phí gì, chỉ bán nước bọt thôi mà than nghèo? Nghèo mà dám mang cái cặp bự tổ chảng như vậy lên tầu của tao?

Lại phải chứng minh một cách khổ sở: Cặp này rỗng ruột ông ơi. Tôi mở ra cho ông nhìn phía trong nè, phía trong toàn giấy tờ thôi, đâu có tiền đâu.

Thuyền trưởng ngắm nghía nội dung phía trong của cái samsonite một hồi lâu rồi lừng khừng: Giấy tờ làm việc đánh máy chỉ có vài tờ, còn bao nhiêu tờ giấy trong này tao thấy mày viết tay hết ráo trọi. Mày viết cái gì nhiều thế? Thời gian rảnh đâu mà mày ngồi viết nhiều quá vậy? Viết nhật ký đời tôi hay bút ký chiến tranh? Bao giờ xuất bản để lãnh giải Nobel?

Được lời như cởi tấm lòng, tôi khoe ngay: Tôi tập viết văn từ hồi còn nhỏ xíu lận ông à. Mỗi ngày cặm cụi viết ít nhất năm mười trang là ít, viết đủ các đề tài chính trị văn hóa xã hội tình cảm trinh thám đạo đức tham nhũng… cái gì tôi cũng viết được. Viết ngày này qua ngày khác nhiều trang quá chẳng biết để đâu, nên gộp thành một đống như đống rác để trong samsonite vậy.

Cuộc đời này ngắn ngủi lắm ông à, mình không lo ghi chép lại mọi việc xảy ra trong cuộc đời mình, lỡ hôm nào té sông té biển chết thì mọi sự trôi đi tuồn tuột hết.

Thuyền trưởng phất phất tay ra hiệu đừng nói nữa, cũng cẩn thận dặn dò: Viết gì thì cứ viết, nói xấu hay khen ai cũng được. Nhưng nhớ đừng viết bất cứ cái gì có tao trong đó nghe. Đừng viết chuyện hôm nay tao đòi tiền trà nước teamoney của mày.

Mừng muốn chết để mà cảm ơn ông thuyền trưởng Ấn Độ: Dạ, tôi nghe rõ lắm rồi ạ. Roger, roger thuyền trưởng.

Sau này tôi không còn mang cặp samsonite kè kè nữa chỉ sau mấy tháng hết làm đại lý cho nhà nước ngoài hiện trường vùng biển Vũng Tàu. Tôi đã xin ra ngoài làm việc cho một bà chủ mới, do dự chắc vì còn giữ lịch sự trong thời gian đầu, qua mấy tháng làm việc chung bà khuyên tôi nên bỏ cặp samsonite mà xài túi vãi. Bà chủ mới này khuyên tôi không nên cầm cái cặp nặng chịch gần chục kí lô toàn giấy viết linh tinh nữa, phải quan tâm nhiều hơn tới những tính toán trong đầu thay vì viết ra giấy. Bà nói: Cái cặp samsonite có thể làm cho khách hàng của chúng ta hiểu lầm, họ sẽ tưởng chúng ta là quan chức nhà nước chớ không phải là những người tư nhân xin làm dịch vụ, họ sẽ không dám thuê chúng ta phục vụ họ.

Với lại từ khi tôi về làm việc cho bà chủ mới, nhiều công việc giấy tờ trong văn phòng của bà ta đều được vi tính hóa, công văn tài liệu dữ liệu chứa trong máy tính. Là người Tây Phương, bà chủ ưa nói về bảo vệ môi trường: Vi tính hóa bớt dùng giấy cho đỡ ô nhiễm trái đất thân yêu của chúng ta, tránh được nạn phá rừng làm giấy.

Tôi chuyển sang dùng một cái túi xách may bằng vãi, mà rồi được vài ngày thì cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ, giấy tờ làm việc chứa trong cái cặp vãi thì chẳng được bao nhiêu, đa phần thể tích của cái cặp mới cũng dùng để chứa những tờ giấy “tập làm văn” mà hễ bất cứ khi nào có thời gian rảnh rỗi là tôi lại viết thêm một đống rác tùm lum tà la.

Bà chủ một hôm phát cáu: Ông viết gì mà viết dữ dội thế? Sao không dành thời gian cho công việc nhiều hơn? Nhìn ông kìa, ngồi viết mà cái lưng cong vòng. Chắc ông muốn viết lại cuốn tiểu thuyết trong đó có  “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của Victor Hugo?

Tôi ngưng viết rồi than thở: Bà ơi… Mỗi người phải có một niềm vui trong cuộc sống. Mấy người kia có tiền nên thích nhậu thích gái thích mua sắm đồ xịn lung tung và vì có tiền nên họ làm được hết những gì họ thích. Đó là niềm vui của họ, ngày nào họ mất đi niềm vui đó chắc họ không thể sống nổi. Còn có người thì thích học, học thêm, học nữa và học mãi... học có khi tới điên khùng luôn nhưng điên mà vui là họ mãn nguyện rồi. Còn niềm vui của tôi đơn giản chỉ là viết. Viết văn chỉ tốn tờ giấy và cây bút chớ có đòi hỏi thứ gì tốn kém cao sang quá như mấy người nhà giàu kia đâu? Ngày nào đó nếu tôi phải mất đi “niềm vui viết” chắc tôi tự tử chết luôn quá bà ơi.

Từ ngày nói rõ “niềm vui viết” cho bà chủ Tây nghe, bà cũng chịu nghe ra và không còn dám tỏ vẻ khó chịu một cách công khai mỗi khi thấy tôi chẳng lo làm con mẹ gì trong cái văn phòng nhỏ bé nghèo nàn của bà ta mà cứ cong lưng lo cắm cúi viết nhảm. Khi nào gặp chuyện làm ăn rắc rối, khó chịu vì công việc văn phòng không trôi chảy nhìn qua thấy tôi đang hì hục viết thì bà chủ mới nói lén mà cố ý nói lớn cho tôi nghe: Giống y như thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo rồi đó nghe.

Một năm sau, công việc trong văn phòng lẫn chuyện đời riêng của bà chủ Tây lần lần không còn thuận buồm xuôi gió như lúc bà mới sang Việt Nam lập nghiệp. Một hôm khi đang cong lưng làm thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris viết văn thì bà chủ nói nho nhỏ chỉ đủ cho tôi nghe: Mông-xừ Lộc, chắc tụi mình phải chia tay quá. Làm ăn ở Sài Gòn sao càng lúc càng khó quá, chắc tôi không trụ nổi nữa rồi.

Đúng ra tôi phải nói: Thiệt là buồn khi phải chia tay bà chủ. Mà rồi máu “niềm vui viết” lại nổi lên trong lúc bà chủ muốn nói chia tay, tôi cất ngay tờ giấy đang viết dở, rút tờ giấy trắng khác ra bắt đầu ghi chép lia lịa. Bà chủ hỏi: Lại viết cái gì vậy? Tôi: Chuyện “Adieu” của bà.

Bà chủ ngó xuống đất: Viết gì thì cứ viết, nhưng nhớ đừng viết bất cứ thứ gì có tôi trong đó nghe. Nhất là đừng viết về câu chuyện một người đàn bà Paris vội vã bỏ hết mọi thứ đi theo chồng sang xứ lạ, cố hết sức để tìm kiếm chút ít tiền bạc và một tình yêu nho nhỏ, mà cuối cùng một chút tình và một chút tiền cũng chẳng bao giờ kiếm được tại Sài Gòn.

Lúc đó tôi không nhìn bà chủ, chỉ lo nhìn vào tờ giấy trắng rồi hạ bút bi viết một hơi dài. Sau này khi bà chủ đã bỏ Sài Gòn ra đi tôi suy nghĩ lại, phân vân không biết khi trút hết ruột gan nói ra câu nói chuẩn bị chia tay đó thì bà chủ của tôi có nức nở nghẹn ngào không? Nhớ lại sự vô tâm đáng trách của mình, trong lúc bà chủ nói chia tay thì tôi đang chăm chú viết, vừa viết vừa lải nhải: Dạ, tôi nghe rõ lắm rồi bà chủ. Roger, roger. 

Mười mấy năm sau tôi tìm gặp bà chủ ở Paris. Hôm đó tôi chẳng cầm theo cái gì trên tay, không samsonite cũng chẳng có cái túi vãi đựng giấy tờ hay những tờ giấy “tập làm văn” xếp thành một xấp như đống rác… như ngày xưa tôi thường làm vậy ở Sài Gòn. Thấy tôi đi tay không trong buổi chiều lạnh giá, bà chủ hỏi: Lúc này hết cong lưng viết văn rồi à? Hay đã xuất bản được vài cuốn tiểu thuyết rồi? Đoạt giải văn chương gì chưa?

Trời lạnh quá, tôi run lập cập trả lời: Dạ thưa bà, cho tới nay tôi vẫn cứ viết, viết nữa và sẽ viết mãi. Viết có ra con khỉ gì đâu mà in, mà in ra rồi bán cho ai? Bán cho khỉ chắc? Nhưng còn viết được là còn vui lắm bà chủ à, viết lung tung viết bậy bạ cũng vui ra phết. Đó là “niềm vui viết” của tôi. Ngày nào bị cụt tay hay bị liệt bán thân bất toại viết không được nữa chắc tôi chết vì buồn quá bà chủ ơi.

Nghe tôi nói chơi chơi vậy thôi mà bà chủ bỗng rưng rưng nước mắt: Nói chi mà nghe ghê quá vậy. Thôi im đi.

Momentary

Không có nhận xét nào: