Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG

CÂU CHUYỆN DÒNG SÔNG ( SIDDHARTHA)
Hermann Hesse
Quyển "Câu Chuyện Dòng Sông" dịch từ truyện " Siddhartha" trong tập Weg Nach Innen ( Đường về nội tâm) của Hermann Hesse .
Hermann Hesse là một văn hào của văn học Đức thế kỷ XX, sống cùng thế hệ Thomas Mann, Werfel, Wassermann, & E.V. Salomon.
Hermann Hesse  sinh năm 1877, được thưởng giải Nobel năm 1946, tác giả nhiều tập thơ và nhiều cuốn tiểu thuyết bất hủ như Peter Camenzind (1904) Demian (1919) Der Steppeppwolf (1927) Narziss und Goldmund (1930) Das Glaserlenspiel(1943).
Tất cả tác phẩm của Hermann Hesse đều nói lên niềm cô đơn tâm linh của con người thời đại, nỗi thao thức triền miên của những tâm hồn khát khao đi tìm một chân trời mới cho mình và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Trọn tác phẩm của Hermann Hesse là lời thánh ca bay vút lên chín tầng trời, vọng lên nỗi đau đớn vô cùng của kiếp sống và lòng hướng vọng nghìn đời của con người, dù bơ vơ bất lực mà vẫn luôn luôn tha thiết đi tìm giải thoát ra ngoài mọi giới hạn tầm thường của đời sống tẻ nhạt:
"Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này’’
Khi viết dòng thơ trên phải chăng Hermann Hesse đã muốn nói lên tất cả ý nghĩa của sự nghiệp văn chương ông giữa cơn biến động phũ phàng của thời đại? Ý nghĩa thâm trầm ấy cũng bàng bạc trong quyển Câu chuyện dòng sông.
Đọc Câu chuyện dòng sông, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc đời đáng sống và chứa đựng muôn ngàn hương sắc tuyệt vời, mà chúng ta thường bỏ quên và đánh mất giữa đời sống thường nhật. Câu chuyện dòng sông là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta: đó cũng là hình ảnh muôn thuở của trần gian và của mộng đời bất tận.
"Câu Chuyện Dòng Sông "của Hermann Hesse là chuyện về chàng Tất Đạt  người đi tìm phương cách cởi bỏ nỗi khổ trần gian hướng tới một thế giới tâm linh giải thoát. Ban đầu chàng tu khổ hạnh, rồi sau bỏ theo đức Phật nghe thuyết pháp. Rồi vẫn không thỏa lòng, giống như các thiền giả trải nghiệm một công án, chàng dấn thân vào đời thực, thử sống như một con buôn kinh qua chuyện kinh doanh buôn bán, rồi lại hưởng thụ thú vui nhục thể với một người đẹp. Tâm linh, trí tuệ, nhục cảm, đó là những mặt khác nhau của thế giới mà Tất Đạt trải nghiệm trước khi tìm ra con đường thật mà mình phải đi.
Tất Đạt khởi từ những thắc mắc về cha mình,  tu sĩ Bà la môn:
“Ông sống một đời sống tốt đẹp, lời nói thì khôn ngoan, tư tưởng thì thanh cao, tế nhị -- nhưng cả đến ông, người biết nhiều như thế, ông sống có hạnh phúc chăng? Có được bình an chăng? Ông lại không là người không ngớt tìm kiếm đó sao? Ông lại không liên tục tìm đến nguồn với cơn khát không bao giờ được thoả mãn đó sao?”…
Và:
“Thế thì linh hồn không có ở trong cha hay sao? Nguồn suối không có sẵn trong chính tâm ông sao?”
“Người ta phải tìm thấy nguồn ở ngay trong tự thân mình, phải chiếm hữu nó. Mọi việc làm khác đều là mò mẫm sai lầm.”
Đây đâu phải là ý nghĩ của riêng Tất đạt, nó là ý nghĩ của tất cả chúng ta, cái tuổi của những bất mãn về cuộc đời.
“Chàng nhìn những thương gia buôn bán, các ông hoàng đi săn, những người tang chế khóc người chết, những người kỹ nữ bán thân, các bác sĩ săn sóc bệnh, những tình nhân đang tình tự, những người mẹ đang vỗ về con. Và tất cả không đáng một cái nhìn thoáng qua, tất cả đều lừa dối: hạnh phúc và sắc đẹp đều là ảo ảnh của giác quan -- tất cả đều đưa về huỷ diệt. Thế gian đượm vị đắng cay. Cuộc đời là nỗi đau khổ.”
Tất Đạt chỉ có một mục đích duy nhất là trở thành trầm tĩnh. Không khao khát, không ham muốn, không mộng mị, không vui và không buồn. Để cho cái ngã tiêu diệt – không còn ngã nữa, chứng nghiệm được sự bình an của một tâm hồn tịch mịch, chứng nghiệm tâm linh thuần tuý”.
Chàng sống khổ hạnh, khắc kỷ như rất nhiều thanh niên đã thử trải nghiệm, dưới một hình thức nào đó…
“Chàng phiêu du qua các đoạn đường diệt ngã bằng khổ đau, qua sự đau khổ tự nguyện và chiến thắng khổ đau, qua đói khát và mệt nhọc. Chàng phiêu lưu qua những con đường diệt ngã bằng trầm tư, bằng gạn lọc khỏi tư tưởng sạch hết mọi hình ảnh. Chàng đã học trải qua những con đường này và những con đường khác. Chàng diệt ngã được một nghìn lần và có những ngày chàng đã sống trong phi ngã.”
“Những con đường đưa chàng ra khỏi ngã, cuối cùng chúng luôn luôn đưa chàng trở lại ngã. Mặc dầu Tất Đạt rời bỏ ngã một ngàn lần, sống bằng phi ngã trong con vật hay đá, đất, sự trở lại vẫn không thể tránh”.
Chàng chứng nghiệm về tu khổ hạnh, như nhiều chàng tuổi trẻ trong chúng ta đã chứng nghiệm, bằng cách này hay cách khác.
“Thiền quán là gì? Bỏ quên tự thân là gì? Nhịn đói là gì? Điều hoà hơi thở là gì? Đó là sự vượt ra ngoài Tự ngã, đó là sự vượt ra ngoài dày vò của Tự ngã trong nhất thời, những viên thuốc tạm bợ chống lại đau khổ và điên đảo cuộc đời: người đánh xe bò cũng dùng lối thoát đó, phương thuốc nhất thời đó khi ông ta uống ít chén rượu nếp trong quán; ông ta không còn cảm thấy có mình nữa, không còn cảm thấy khổ đau của cuộc đời, và như thế, ông chứng nghiệm sự thoát ly trong chốc lát. Gục trên chén rượu nếp, ông ta biết được cái mà Tất Đạt và Thiện Hữu tìm thấy khi chúng ta thoát khỏi tự thân bằng những tập luyện dài và sống trong vô ngã.”
Rồi chàng gặp đức Phật, thấy ở người vị thày thánh thiện mà mình tìm kiếm, nhưng cũng đồng thời thấy rằng phải tự mình tìm ra con đường cho chính mình. Không theo đức phật như bạn chàng là Thiện Hữu, chàng quyết định từ giã ra đi…
Chàng gia nhập cuộc đời trần thế.
Chương “Giữa Xã Hội” đầy những tư tưởng minh triết một cách lạ lùng về cuộc sống của loài người. Tất Đạt tìm hiểu và sống giữa trần thế với phong cách ung dung như một sa môn giữa chúng sinh.
Nhưng rồi chàng bắt đầu chán ghét cuôc sống đó, nó đã biến đổi con người chàng thanh tầm thường dung tục, và chàng cảm nghiệm được điều đó. Một lần nữa chàng muốn thoát ra…
Chàng sẽ tiếp tục tìm kiếm chính từ tâm tưởng mình qua một đối tác là dòng sông. Nói chuyện với dòng sông cũng là nói chuyện với chính mình.
Tất Đạt rồi cũng tìm được điều mình đã tìm
Tất Đạt về với dòng sông.
Chỉ còn người đọc là lan man phương trời miên viển
Đoạn cuối “Câu chuyện của Dòng Sông” Hesse viết khá dài, đào sâu vào tâm tưởng Tất Đạt, ông khiến người đọc tưởng như cứ nghiền ngẫm Câu chuyện của Tất Đạt với Dòng sông là có thể tìm ra Con Đường, và đọc giả có thể cứ theo đó mà đi. Quên rằng mỗi người phải tự tìm lấy dòng sông của mình, con đường của mình.
Tuyệt kỹ của Tất Đạt  là “nhịn đói” và qua tuyệt kỹ đó ta càng thấy rằng chàng đúng là một “kỳ nhân”.
Nói rộng hơn nữa, con người ta mà thoát được cái say mê tiền bạc vật chất thì là tiến thêm một bước vào sự giải thoát.
Nhân vật của Hesse cho ta thấy rằng cuộc sống vật chất là hoàn toàn không đủ, không thể là cứu cánh của cuộc đời . Mục đích của cuộc đời phải tìm ở những giá trị tinh thần. Và họ vật vã đi tìm…
Ai coi “Câu chuyện của Dòng sông” là Đạo, là Con Đường Giải Thoát đều là lầm tưởng cả.
Mà ai coi Kinh Phật là Đạo, là Con Đường Giải Thoát cũng là lầm nốt vậy .
Phật đã nói: “Tất cả kinh sách đều là ngón tay chỉ mặt trăng". Sở dĩ có luận điểm ấy bởi tất cả các tông phái đều đắm chìm trong việc luận bàn kinh sách siêu hình viễn vông mà xa lìa tâm điểm là kinh nghiệm giải thoát của đức Phật.
Kinh nghiệm ấy là quan trọng nhất và tất cả những kinh sách chỉ là ngón tay để chỉ vào những kinh nghiệm ấy. Phản ứng của thiền tông là chặt bỏ ngón tay ấy mà đi thẳng vào tinh tuý của sự Giác- Ngộ.
Đọc "Câu Chuyện Dòng Sông" là lên đường đi đến đời sống tâm linh huyền bí nhất của cả một đời người. "Câu Chuyện Dòng Sông" nói lên niềm thao thức triền miên của một thanh niên trên đường đi tìm ý nghĩa đời sống. " Câu Chuyện Dòng Sông" của Hess đáng là quyển THÁNH KINH của thanh niên giửa cơn khủng hoảng phủ phàng của thời đại.
TuanPolo Vo

Không có nhận xét nào: