Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY


Ở Philadelphia, tôi gặp một người Việt lớn tuổi, qua Mỹ năm 1975. Trong nhà ông treo cờ vàng, ông dẫn tôi đến các hàng quán có treo cờ vàng. Ông không đi làm, ăn trợ cấp xã hội. Ông hận cộng sản cướp mất của ông thời vàng son, làm cho ông phải sống trong cái nước Mỹ chán phèo, cuộc sống lúc nào cũng sợ mất job, mất nhà, người với người sống không chút tình cảm.
Ở Hawaii, tôi đến khu người Việt để ăn phở. Một nhóm thanh niên nam nữ ngồi nhậu trong quán, chuyện ít thấy ở Mỹ. Họ đang than phiền, chửi bới xã hội Mỹ vô nhân, không tình cảm, chỉ biết đến tiền. Đi làm trễ một chút cũng phạt, gọi điện thoại cũng phạt. Họ chửi cả người Việt nam ở Mỹ, đàn ông thì bài bạc, đàn bà thì cắm đầu vào sửa sắc đẹp.
Trong business lounge ở LAX, trong lúc chờ máy bay delay, một anh chàng ngồi cạnh tôi bắt chuyện. Thì ra anh ấy là người Việt nam. Anh nói anh định cư ở Mỹ và hưởng trợ cấp xã hội, nên cứ vài tháng anh phải về Mỹ. Anh có hùn hạp làm ăn gì đó ở Việt nam nên thường về Việt nam. Anh bay nhiều đến nỗi anh có thẻ để vào business lounge. Theo anh thì ngoại trừ cái vụ ăn nhậu, nước Mỹ là thiên đường, chẳng cần làm cũng có ăn, chính phủ không để ai đói cả. Anh cho biết, ở Mỹ thì cái khoản nhậu nhẹt và em út là không thể so với Việt nam được. Không đâu sướng bằng Việt nam về khoản đó.
Tôi gặp một bác sĩ người Việt ở Mỹ. Năm 1975, khi gia đình anh qua Mỹ, anh còn rất nhỏ. Anh nói là anh may mắn, do gia đình nghèo, nên anh mới học được bác sĩ. Anh cho biết, ở Mỹ, hoặc là nghèo, hoặc là thật giầu, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn. Nghèo thì được chính phủ lo đủ thứ. Với những ai biết tận dụng cơ hội, thì việc trợ cấp của nhà nước sẽ giúp họ thoát ra khỏi cái nghèo. Khi không còn nghèo, họ sẽ phải thanh toán tiền trường, không được ưu đãi gì nữa. Còn những ai không đủ tự trọng thì cứ bám mãi vào cái nghèo để hưởng trợ cấp xã hội.
Bà đã hơn 80 tuổi, sau gần 10 năm ở Mỹ, bà đòi về Việt nam ở luôn. Ở Mỹ buồn quá, chẳng ai ở nhà với bà. Có tay hàng xóm thì bà ghét cay ghét đắng. Một lần nhà có đám giỗ, bà nấu dĩa xôi ngon mang qua cho nó. Nó thank you rối rít, nhưng bà vừa quay lưng, nó vứt ngay đĩa xôi vào thùng rác. Sau 2 tháng ở Việt nam, bà phải đi cấp cứu ở bệnh viện vì đau ngực. Hôm ở bệnh viện về, bà bảo các con mua vé cho bà quay lại Mỹ.
Gia đình chị trước đây là cơ sở cách mạng. Chỉ có chị lấy anh là sĩ quan VNCH. Anh sửa xe trước cửa nhà, xe đạp, gắn máy, ai đưa gì làm nấy. Chị bán tạp hóa. Đắp đổi qua ngày. Khi có HO, anh chị ra đi. Sau một thời gian học nghề, cả anh và chị vào làm cho một hãng xe hơi, công việc của công nhân dây chuyền. Anh chị rất hài lòng với cuộc sống, gần như không phải lo nghĩ gì, mua nhà, mua xe, cuối tuần đi chơi, hoặc mời vài người bạn Mỹ trắng, Mỹ đen, hay người Mễ, đến nhà làm tiệc.
Hai vợ chồng cô ấy là những trí thức có mức sống khá cao ở Việt nam. Chồng là chuyên viên ngân hàng, vợ làm cho một cơ sở văn hóa nước ngoài tại Sài gòn. Họ qua bên Mỹ đúng vào lúc kinh tế suy thoái, ngành ngân hàng không thể kiếm được việc. Vợ đi học thư kí y khoa, còn chồng tạm thời quay về Việt nam làm việc cho một ngân hàng nước ngoài. Ngân hàng đồng ý cho anh một năm 2 lần về Mỹ, mỗi lần 1 tháng, trả tiền vé máy bay cho anh và một đứa con.
Hơn 1 năm sau, khi cô vợ tốt nghiệp và bắt đầu đi làm, thấy khả năng ngân hàng Mỹ phục hồi xa vời quá, anh chồng quyết định quay về Mỹ, làm việc cho một cơ sở an sinh xã hội. Đi làm được mấy tháng, hai vợ chồng quyết định mua một căn nhà 4 phòng ngủ trên khuôn viên 1000m2 tại Seatle, sân trước để được 5, 6 xe hơi, sân sau có chỗ làm tiệc nướng.
Người anh chồng của cô ấy khi ở Việt nam làm công cho một cơ sở thủ công, vợ ở nhà trông con. Sang Mỹ, do con của cả hai gia đình còn nhỏ, nên anh ấy xin việc bảo vệ ban đêm, để ban ngày ở nhà trông trẻ. Chị vợ làm cho một xưởng may. Sau một thời gian, hai vợ chồng mua căn nhà còn lớn hơn căn nhà của người em. Anh chồng xin làm thêm một job vào giờ các cháu đi học, để tăng thêm thu nhập.
Mỗi người, mỗi giới nhìn nước Mỹ bằng con mắt khác nhau. Có vẻ như, ở đó, bạn làm chủ chính bạn. Tuy nhiên, ở đó không có nhiều cơ hội cho việc ăn nhậu tràn trề hoặc bù khú bạn bè.

BS VÕ XUÂN SƠN

Không có nhận xét nào: