Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

NGÀY CŨ. @16

Sau khi sống già sống cỗi mới vỡ lẽ được nhiều điều. Nhiều điều ti tiện nhỏ nhen, nói ra thì kỳ kỳ mà không nói thì không chịu nổi. Đó là: Đói khổ sinh chán nản buồn bực thậm chí căm giận ngút trời. Khi đói khổ, sẽ đấu tranh giành giật cho hết đói khổ và còn có cái để dành cho mai sau. Khi đã no ta thường vui vẻ, nhưng khi no quá lại sinh hư. Người xưa nói: Cơm no bò cưỡi.

Cũng vỡ lẽ: Tôn giáo nào cũng bắt người theo đạo tụng kinh cho tới thuộc lòng để cố hướng con người đi tới chỗ chân thiện mỹ. Định nghĩa về chân thiện mỹ của mỗi tôn giáo khác nhau, chẳng tôn giáo nào muốn thua tôn giáo nào. Đi theo đạo tụng kinh cầu nguyện thật nhiều để mong mọi tội lỗi kiếp này được xóa sạch, khi chết đừng bị trừng phạt đau khổ rớt tỏm xuống địa ngục mà phải được sống hạnh phúc trên thiên đàng. Qua kiếp sau phải có một tương lai sáng lạn hơn kiếp trước. Mà muốn tu cho tốt thì ít nhất bụng phải no, bụng đói khó mà tu tốt được. Người xưa có câu “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng ăn no quá cũng không tu tốt được, có khi no quá chỉ tằng tằng tu đạo được mà thôi.

Chủ nghĩa cộng sản theo tôi có mục tiêu lý tưởng khá đẹp: Đấu tranh giai cấp làm sao cho con người lao động được ấm no hạnh phúc, sao cho có nhiều công bằng xã hội hơn, rồi tiến tới thế giới đại đồng chẳng thằng nào khổ hơn con nào…

Có điều làm được hay không làm được là chuyện khác. Mà hình đã không làm được nên nhiều nước đã bỏ ngang, chỉ còn ta theo dọc. Những người thuộc giai cấp thấp, những người nghèo đói thua thiệt ngày xưa rất tôn sùng chủ nghĩa này, họ cho rằng chỉ có nó mới đưa người ta đến bến bờ hạnh phúc mà thôi.

Chủ nghĩa cộng sản bài xích tôn giáo, cho rằng tôn giáo là thuốc phiện làm mê muội u tối con người. Nhưng để ý mấy năm sau này, nhiều ông lớn bà lớn khi chết đi thì liền có nhiều tu sĩ đến tụng kinh, cũng chẳng hiểu họ tụng kinh thể loại gì. Chỉ biết là người tụng cũng như người được tụng đã từng no, no lắm rồi. Khi họ còn sống đã có lời khuyên: Ăn vừa vừa thôi, để cho người khác còn miếng cháo mà húp. Nhưng chắc họ chẳng thèm nghe đâu, tới khi sắp chết thì đâm sợ, sợ quá nên mới cầu xin. Cầu xin mọi tội lỗi được bỏ qua. Hỏi tội gì mà xin? Họ nói: Tội giành ăn.

Đức Phật nói đúng quá đi chớ, tham sân si làm con người u muội mà hư hỏng. Phải diệt dục đạo đức mới tốt lên được. Chỉ trách ngài sao quá bao dung, khi sống người ta gây ra bao tội lỗi tày trời, tới lúc chết chỉ cần cầu siêu một cái là ngài cho tất cả tội lỗi được xóa sạch. Dễ dãi quá đâu có được?  

Sau 1975 tôi trải qua khá nhiều đợt tập huấn chính trị. Như bài trừ tư tưởng đồi trụy Mỹ Ngụy, đánh tư sản mại bản, chống bọn Ngụy quyền phản quốc vượt biên, tập hy sinh thắt lưng buộc bụng xây dựng đất nước, sẵn sàng đem xương máu phục vụ chiến tranh biên giới và giúp đỡ nhân dân nước bạn thoát nạn diệt chủng, chống tư tưởng tự chuyển biến, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa tiến lên chủ nghĩa xã hội…

Cái gì cũng phải học, khổ nỗi thầy cô giáo thời đó làm nghề giảng chính trị thường là những người ít học lẫn không có chuyên môn chính trị. Đa phần họ từ bộ đội hay công an thuộc tầng lớp bần nông đi học thêm mấy lớp văn hóa bổ túc, học chuyên tu trung cấp hay đại học rồi chuyển sang làm thầy giáo hay chính trị viên bất đắc dĩ mà thôi. Mà lúc đó họ cũng đói, giảng bài nghe thều thào lắm. Mình ngồi dưới nghe cũng đang đói, nghe chẳng được gì mấy. Lúc đó học trò và cấp dưới thương yêu các thầy cô và thủ trưởng, bởi lẽ họ cũng đang đói bụng tội nghiệp giống như mình.

Thời gian một đợt tập huấn vô bổ thường kéo dài mấy ngày lê thê. Nếu lấy thời gian đó để nghiên cứu khoa học hay làm ăn kinh tế, hay tích cực sản xuất ra vật chất, thì chắc nước ta ngày đó đã đỡ đói đã đỡ khổ lắm rồi. Đôi lúc cũng có vài lãnh đạo cấp cao hơn hạ cố tới giảng bài hay ra chỉ thị, cố lắng nghe nhưng mà buồn ngủ muốn chết, len lén nói với nhau: Sao mình tệ thế nhỉ? 

Nhưng cứ phải nghe phải học riết rồi cũng quen cũng nhập tâm. Mấy năm sau hòa bình do học tập tuyên truyền chính trị mãi nên hễ mới nghe nói tới Cao Đài, Hòa Hảo hay Thiên Chúa giáo là thấy lo lo sợ sợ ngại ngại. Chính quyền mới hình như chỉ tôn trọng một số tu sĩ đạo Phật quen thân với họ từ trước mà thôi. Ngày đó nghe nói tới người Hoa là không dám ưa, cũng ít dám tiếp xúc thân mật với các người trong các gia đình viên chức hay sĩ quan chế độ cũ. Sợ bị đánh giá sai quan điểm.

Cũng có những niềm hối hận quá khứ lãng xẹt nữa. Hồi trước năm 1975 bọn trẻ Bảy Hiền chúng tôi ưa “very good, OK very good” với mấy anh lính Mỹ trẻ để vòi xin kẹo cao-su nhai chơi. Sau năm 1975 được học chính trị Mác-Lê, lịch sử Đảng… liền tự cảm thấy rất mắc cỡ xấu hổ về thái độ quá thân thiết với bọn giặc Mỹ hồi còn thơ ấu. Mình chẳng có lập trường giai cấp chính trị gì cả.

Trong khi ở ngoài Bắc, mới tuổi thiếu niên nhi đồng, các anh chị ngoài đó đã biết học tập quán triệt căm thù giặc Mỹ, chưa tới tuổi đi bộ đội đã mơ mộng ước gì được nhập ngũ để sinh Bắc tử Nam, còn mình lại đi xin kẹo cao-su của Mỹ nhai chơi. Quả là tội lỗi.

Suốt mấy năm 1975- 1979 tâm hồn tôi “đỏ hỏn” như thế. Sẽ như thế mãi nếu ngày đó có cơm ăn đầy đủ. Nhưng tôi và những người chung quanh đang rơi vào cảnh thiếu thốn quá đáng nên hay so đo nhìn lại quá khứ, tự hỏi sao hồi mấy năm trước chiến tranh ác liệt không đói mà bây giờ hòa bình đói quá? Cũng cùng một cánh đồng kia, một nhà máy kia, những con người kia… hồi xưa làm ăn ngon lành ra được bao nhiêu của cải mà mà bây giờ tan nát điêu tàn? Ba mùa lúa bị rầy ăn liên tiếp, đất Bến Tre chẳng còn hột gạo nào, sáng trưa chiều chỉ ăn dừa cho qua bữa, bụng dạ cứ cồn cào. Một hôm xếp nói khăn gói lên Tây Ninh đi bay, lên đó tao sẽ xin cho bọn bay một bữa cơm gạo trắng chan nước mắm ớt. Nghe tới đó, bụng càng đói cồn cào. 

Ba chuyện chính trị chính em cũng loãng dần. Bụng đói nhưng cứ mong sao một ngày nào đó đất nước mình sẽ khá lên, mọi người sẽ được ấm no hạnh phúc, sẽ có công bằng xã hội ai cũng bằng ai. Mơ mãi vậy cho tới già tính ra cũng trên bốn mươi năm rồi thì phải, sắp xuống lỗ rồi. Nhưng mỗi khi nhìn ra bên ngoài lại thấy hình như đó vẫn mãi là một giấc mơ thì phải. Giấc mơ còn mãi? 

Suốt năm năm sau ngày hòa bình, cứ lâu lâu ngồi một mình vẫn còn hối hận về chuyện hồi nhỏ từng đi xin kẹo cao-su Mỹ nhai chơi. Nhưng qua đầu năm 1980 thì bệnh chán ngán đã vô cùng trầm trọng nên cũng thôi hối hận. Mới biết có thởi gian tôi yêu chủ nghĩa cộng sản tới vô cùng, và nay chắc đang lâm vào tình cảnh thất tình.

Giống y như chuyện yêu đương thời tuổi trẻ vậy, nếu trời cho mình lấy được người mình yêu thì tức khắc trong tim mình chẳng còn biết gì hết ngoài một cảm giác sung sướng tuyệt vời. Nhưng mà coi chừng đấy. Thà đừng được đẹp đôi, vì về sống chung vài hôm có khi sẽ rất chán… nhất là khi hai vợ chồng trẻ lâm vào cảnh nghèo đói chẳng có gì ăn.

Có câu chuyện hay hay ông Tô Hoài viết hồi trước năm 1945 mà tôi cứ nhớ hoài: Thằng đầy tớ yêu con đầy tớ và lấy được con đầy tớ rồi, nhưng chỉ sau vài hôm thì hai đứa đầy tớ một đực một cái gây chuyện đánh nhau to vì đứa nào cũng ăn nhiều lại mắc tật tham ăn, chẳng đứa nào chịu nhường cơm cho đứa nào. Hai chúng nó sau khi lấy được nhau cứ giành cơm đánh nhau mãi… Còn chó gì là hạnh phúc yêu đương nữa?

Mới 17 tuổi đã bắt đầu học chính trị no nê lắm rồi. Học no mà bụng đói. Chẳng có thực nên chẳng vực được đạo. Tới năm 22 tuổi tôi chán chường là phải. Bởi vì nghe đi nghe lại mãi một bài giảng một bài kinh thì có kiên nhẫn thế nào cũng sẽ mau chán. Tôi làm bạn với một chị chính trị viên con nhà cách mạng từ năm 1977. Cho tới năm 1980 nói chuyện với chị ấy tôi cứ tưởng thời gian của năm 1977 vẫn còn nguyên đó, không trôi đi đâu được. Bởi những câu chuyện cũ, những lập luận cũ cứ như thế lập đi lập lại chớ không “tiến hóa” theo chiều hướng đi lên được một chút nào như phép biện chứng Mác-Lê Nin.

Một hôm chán ngán quá chắc là do đang đói bụng, tôi nói xẳng: Thôi, chúng ta đừng bàn luận chính trị hay thời sự gì với nhau nữa. Nói đi nói lại mãi cũng chừng ấy chuyện mà thôi, lại sinh cãi cọ. Thôi đừng nói những chuyện đó với nhau nữa nhé. Chị ấy ấm ức nói: Mấy năm đi theo cách mạng vẫn không gột rửa được tâm hồn anh. Đúng là anh sống với chế độ Mỹ Ngụy nhiều quá nên không giác ngộ cách mạng được.

Mấy chục năm dài dằng dặc trôi qua tôi không được gặp lại chị, muốn nói cho chị biết tâm hồn tôi gột rửa được nhiều rồi. Nhưng chẳng biết bây giờ chị có hạnh phúc không? Hay no quá sinh hư? 

Hồi 17 tuổi tôi yêu đủ thứ. Yêu đàn bà con gái đẹp. Yêu hòa bình và rất ghét chiến tranh. Yêu lao động, muốn cống hiến hết sức lực tuổi thanh xuân cho một lý tưởng đẹp đẽ nào đó hay một nghề nghiệp nào đó cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Nhưng mới năm năm đã chán, chán như con gián. Chắc vì qua năm năm đó tôi bị bỏ đói nhiều quá, cũng thấy ngoài đời chẳng có gì mới mẻ hay ho mà đâm ra thất vọng buồn chán.

Khi quay lại Sài Gòn, bạn bè ngày cũ gặp lại ưa chê bai tôi: Lúc này mày ăn nói chán như củ chuối, nghe mày nói chuyện chán lắm mày biết không? Chán như củ chuối là như thế nào cho tới bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được. Sau này ưa viết bậy bậy lạt lạt trên internet, có anh có chị chê tiếp: Viết kiểu củ chuối, vòng vo quả cà dây muống chẳng ra làm sao cả. Chắc là do ám ảnh ngày cũ, khi cái đói đã len lỏi vào tâm hồn rồi đóng đinh vào ký ức. Khi đói người ta chẳng suy nghĩ được gì nhiều ngoài nỗi buồn chán thất vọng hay căm phẫn muốn giành giựt miếng cơm với người khác. Bị đói bụng một thời gian quá dài thì cái đó dính vào cuộc đời giống như phong cách, giống như style… củ chuối.

Thông cảm được cho những người đói bụng đang phải giành giật. Nhưng khó mà thương mấy người bụng đã no kềnh mà vẫn cứ còn mãi giành giật cho tới khi gần nhắm mắt mới chịu thôi. Nhiều người cũng rất lạ, trước khi chết còn muốn truyền nghề giành giật lại cho con cháu trong nhà, chúng phải giỏi hơn mình mới chịu. Chắc là no quá sinh hư…  

Style của tôi toàn bị chê bằng tên các loại thức ăn: Củ chuối, quả cà, dây rau muống. Đó là các thứ thức ăn hết sức rẻ tiền từ ngày cũ cho tới bây giờ. Thế mà suốt năm năm sau ngày hòa bình tôi thèm ăn mấy thứ rẻ tiền đó cũng không có mà ăn, huống hồ gì nói tới thịt cá hay các thứ cao sang khác. Tu không nổi, đi theo lý tưởng cống hiến cũng chẳng được chẳng qua vì đói bụng. 
 
Không hiểu sao mấy năm đó dân tình đói quá. Năm 1977 ra tới bến phà Gianh thì chuyến xe do tôi áp tải phải dừng lại khá lâu để chờ phà. Lẽo đẽo đi lên đi xuống xem thiên hạ ra làm sao. Năm đó người Trung xuôi Nam rồi ra Bắc cũng nhiều chớ không ai muốn ở một chỗ chờ chết đói. Chắc họ đi xa để kiếm thêm củ chuối, quả cà hay bó rau muống gì đó.

Đứng bên đường, tôi chú ý tới hai cha con ốm yếu ăn mặc rách rưới chắc đang tìm cách quá giang xe đò hay xe tải để vào Nam mà chưa được. Người cha đang ngồi xổm lúi húi bên vệ đường tìm cách nấu một lon “gô” nước sôi, rồi ông rút trong ba-lô ra một cái tô đất, cho một giắc mì khô vào đó. Nước vừa sôi, ông làm được một tô mì để ăn liền.

Đứa con gái khoảng mười tuổi ngồi xổm phía đối diện nhìn cha nấu mì, vừa đăm đăm nhìn cái tô vừa nuốt nước miếng ừng ực. Rất sững sờ khi thấy người cha cầm cái tô lên và một mình lấy tay lua hết giắc mì. Khi còn tô nước lỏng bỏng, ông âu yếm bảo đứa con gái: Con ăn đi… kẻo đói.

Đôi mắt đứa con gái nhìn cha tức tối căm hờn lắm, chắc nó đang nghĩ rằng cha nó tham ăn quá, nó đang nghĩ rằng cha nó không hề thương yêu nó, ông ta đã ăn hết giắc mì ngon lành còn chỉ cho nó húp nước suông. Người cha chợt nhìn lên thấy tôi đang chăm chú nhìn cảnh cha giành ăn với con, thở dài lắc lắc đầu chẳng nói gì. Đứa con gái cầm cái tô nước lỏng bỏng húp vội. Chắc nó đang đói bụng lắm.

Tôi cũng bắt chước người đàn ông, thở dài lắc lắc đầu rồi bỏ đi. Cảm giác có người đi theo sau lưng. Nghe tiếng gọi nho nhỏ của người đàn ông sát sau lưng: Anh gì miền Nam ơi! Anh gì miền Nam ơi! Chắc người cha muốn đính chánh hay trần tình với tôi về tội giành ăn với con gái. Ông ngập ngừng nói: Lát nữa tôi sẽ nấu thêm mì cho con gái tôi ăn ngay mà anh. Chỉ lát nữa thôi anh, tôi đi kiếm miếng nước đây. Tôi nói với ông ta, làm bộ ra vẻ hửng hờ: Ừ, cháu nó đang đói bụng đó ông. Cho nó ăn mì ngay đi ông. Chỉ cần nấu thêm miếng nước sôi nữa thôi mà.

Cũng chẳng tin tưởng người cha tội nghiệp sẽ nấu thêm tô mì nữa cho đứa con gái nhỏ ăn. Tôi quay về xe tải. Nguyên đêm đó ngồi vật vạ trên cabin xe không ngủ được, đầu óc chỉ nhớ tới đôi mắt tức giận của đứa con gái và tiếng nói nho nhỏ đầy hối hận của người cha: Lát nữa tôi sẽ nấu thêm mì cho con gái tôi ăn ngay mà anh. Chỉ lát nữa thôi anh, tôi đi kiếm miếng nước đây. 

Từ ngày đó… cho tới khi sinh ra ba đứa con trai, và cho tới già tới chết tôi luôn hứa trong lòng sẽ chẳng bao giờ giành ăn với con nít.

Nói cho sang vậy thôi, mấy năm sau tức là năm 1980, về Sài Gòn mới được mấy tháng tôi lại gặp chuyện giành ăn.

Vào một buổi chiều tối trở về nhà tôi rất đói bụng, mò xuống bếp thấy còn ít cơm nguội để trong nồi và tô canh rau muống le que vài cọng. Chẳng biết trời trăng gì, đói quá tôi chén sạch. Tối đó, đứa em kế đi học xa về tới nhà, xuống bếp lục cơm ăn nhưng chẳng còn thứ gì để nó ăn. Nó quay lên nằm trên giường khóc rấm rứt tức tối: Anh ăn vậy em còn cái gì để ăn nữa?

Tôi hối hận lắm, từ đó ít dám ăn cơm ở nhà. Lang thang kiếm ăn chỗ này chỗ khác, suốt năm năm đại học có khi đi học suốt hai buổi chẳng có gì trong bụng, sáng tới chiều chỉ có một cử cà phê uống thiếu của chị Hai bán trước cửa trường Tổng Hợp.

Mấy chục năm sau đứa em kế làm kinh tế tư nhân phải ăn nhậu với khách hàng đối tác có khi li bì thâu đêm suốt sáng, mỗi lần biết chuyện cha tôi ưa tức giận chửi thề: Đù mệ mi, rượu bia cho cố vô rồi ung thư gan chết mệ bây giờ. Còn tôi thì chẳng dám nói gì với nó, mỗi lần muốn mở miệng khuyên nó câu gì lại nhớ tiếng khóc rấm rứt tức tối của nó vào một đêm trong nhà chẳng còn cái gì để mà ăn.

Củ chuối, quả cà, dây rau muống chút xíu cho vui vậy thôi… chớ sáng hôm nay tôi đã ăn sáng, cà phê cà pháo xong hết rồi. Cũng mới ăn thêm tô phở buổi trưa.

MOMENTARY notes

Không có nhận xét nào: