Từ năm 1945 Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng bước vào cuộc biến động lịch sử lớn lao kéo dài ngót ba mươi năm. Chiến tranh dai dẳng ba mươi năm, chia cắt Nam Bắc hai mươi năm, rồi thống nhất bằng bạo lực vào năm 1975. Suốt mấy chục năm hòa bình đã không thể có hòa hợp giữa người thắng kẻ thua, hay là cả bên thắng lẫn bên thua đều không muốn? Kinh tế luôn trong tình trạng bấp bênh suy yếu, nền giáo dục đi xuống trầm trọng, đạo đức xã hội suy đồi.
Nạn tham nhũng hiện nay hầu như không thể giải quyết do qui mô quá lớn, ảnh hưởng quá sâu đậm và mức độ nhân sự bị tha hóa quá trầm trọng. Chuyển một phần công hữu sang tư hữu bằng cách cổ phần hóa hay tư nhân hóa cho đúng với trào lưu kinh tế thế giới thì bị các nhóm lợi ích lạm dụng. Lực lượng tư sản (đỏ) sân sau hiện nay là một mối đe dọa kinh tế do tính chất ăn bám không hề lưu tâm tới lợi ích quốc gia. Chúng không phải là một lực lượng lành mạnh có thể dùng để phát triển kinh tế đất nước vững bền. Khu vực kinh tế tư nhân thuần túy còn rất yếu kém, lớn được hơn chút xíu thì bị lạm dụng lôi kéo làm sân sau rửa tiền. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nhân dân rất ít về số lượng, vốn liếng yếu kém và không nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ công quyền.
Lúc sáu mươi tuổi khi công việc kinh doanh ngày càng khó, khi đang uống cà phê vĩa hè có người bạn nói với tôi: Làm kinh tế chung cho quốc doanh hay riêng cho mình suốt mấy chục năm nay đã để dành đủ tiền xài rồi đấy, ngưng làm ăn để viết chút đỉnh đi. Thay vì viết mấy bài báo mà chẳng ai thèm đăng thèm đọc, hay cố gắng viết mấy cuốn sách nghề hàng hải ngoại thương mà chẳng ai thèm mua, thì nay thử viết về đề tài lịch sử Sài Gòn đi, thí dụ như “Sáu mươi năm trôi qua khung cửa”.
Chắc bạn ấy muốn ví von đôi mắt của con người là cửa sổ của tâm hồn, qua đó nhìn thấy được hết cuộc đời chung quanh, thấy được hết Sài Gòn của sáu chục năm qua… Thấy qua khung cửa như thế nào thì cứ viết y như thế ấy.
Từ nhỏ tới giờ muốn viết lắm, viết đủ thứ. Một trăm năm cũng muốn viết chớ nói gì chỉ có sáu mươi năm, có điều cặm cụi viết để làm gì khi không hề chia xẻ được với ai? Mấy năm sau này internet phát triển mạnh, có nhiều diễn đàn open hơn, bắt đầu mày mò viết và post lên mạng. Làm xong mới thấy chán chết, chỉ “năm năm trôi qua khung cửa” thôi cũng chẳng có con ma nào thèm để ý, huống hồ là sáu chục năm.
An ủi: Về Sài Gòn, về Nam Bộ, về Đàng Trong còn rất nhiều điều chưa ai viết nên còn khá dễ viết. Do bốn mươi năm nay vì lý do này hay lý do khác, báo chí sách vở chính thức không màng tới con người và vùng đất trong này lắm. Nhất là viết về ngày cũ người cũ của Sài Gòn… nếu có thời gian thì có thể ngồi uống cà phê mà viết cả cuộc đời cũng chẳng hết chuyện. Lý do là quá nhiều chuyện lần đầu mới kể, lần đầu được nghe. Còn chuyện của vùng ngoài và người vùng ngoài thì báo chí sách vở truyền thống chính thức đã lập đi lập lại mãi mấy chục năm nay nhão như cháo, chẳng còn gì mới mẻ hết.
Chuyện về ông Bảo Đại, chuyện anh em ông Ngô Đình Diệm, chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ, chuyện ông Nguyễn văn Thiệu… mấy chục năm nay trong Nam ngoài Bắc ít ai đề cập tới, mà có đề cập tới cũng chỉ vì mục đích để bêu xấu người ta. Bếu xấu mãi cũng chẳng ai thèm đọc nữa, thế rồi thôi không nhắc tới luôn.
Như ông vua Bảo Đại…
Cứ mỗi lần có dịp ra Huế hay lên Đà Lạt là lại nhớ tới vua Bảo Đại. Chỉ cần viết về những việc liên quan tới ông Bảo Đại suốt mười năm sau ngày Nhật hứa hẹn trao trả độc lập lại cho triều đình Huế và nước Việt Nam, và rồi ông Bảo Đại đã cử ông Trần Trọng Kim làm vị thủ tướng đầu tiên tại Huế… cho tới tháng mười năm 1955 thôi, thì viết ngàn trang cũng chẳng thể đủ.
Ông vua cuối cùng của nước ta rất lạ, rất đặc sắc, ngay cả mỗi cử chỉ mỗi lời nói bình thường cũng có thể cho ra một chuyện hay dù chuyện đó trong lịch sử chẳng ra gì… Dù lịch sử chính thống có mắng nhiếc ông, xem ông Bảo Đại chẳng ra gì, thì riêng về văn học, nhất là văn học dân gian Sài Gòn, Đà Lạt và Huế... ông Bảo Đại có một vai trò khá đặc biệt gần giống như vua Gia Long ngày xưa đối với người miền Nam vậy.
Nói cho cùng, trong các nhân vật lịch sử Việt Nam thế kỷ 20, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn có một số phận phức tạp không hề vinh quang về chính trị nhưng rất đặc sắc đời riêng. Nó khác với cuộc đời khô cứng công thức được diễn tả trong sách vở của các nhà lãnh đạo chính trị khác, khi mở miệng ra chỉ biết hô khẩu hiệu.
Ông Bảo Đại có một khuyết điểm chết người mà một người làm chính trị không nên có, đó là ông không muốn hại ai và chẳng muốn giết chết ai. Cái đó làm ông luôn thất bại. Tổng kết suốt cuộc đời mấy chục năm làm chính trị của Bảo Đại, có bới lông tìm vết mãi cũng không thể tìm ra một nạn nhân chính trị của ông. Đối với Bảo Đại, ai cũng có thể được ông đối xử một cách thân tình, từ một anh ca sĩ quèn, một tên lính nghèo say rượu hay cho tới một giai nhân kiều diễm làm nghề cave. Kể cả những người bên này hay bên kia đã từng ruồng bỏ ông hay phản bội lại ông, tới cuối đời ông Bảo Đại vẫn rất khoan dung khi nói về họ.
Đó là một người quân tử. Dù không phải là một người có công với lịch sử nước nhà, thậm chí theo nhiều người đôi lúc là có hại, nhưng xét về mặt nhân cách, ông Bảo Đại là một nhân vật “thiện”.
Số phận của những nhà vua triều Nguyễn dù làm vua độc lập hay bù nhìn trong đó có ông Bảo Đại đã gắn bó với lịch sử dân tộc một cách bắt buộc dù họ đã muốn hay không hề muốn. Về ông Bảo Đại, rõ ràng điểm hay thì rất ít và những điểm rất dở thì nhiều. Nhưng nếu có viết lại những chuyện về ông, thì ráng mà diễn đạt cho trung thực, đừng vì một thiên kiến hay một quan điểm chính trị cứng nhắc nào đó mà bóp méo lịch sử, biến ông thành một nhân vật “ác”.
Lên ngôi vua từ năm 1926, tuy nhiên những việc ông Bảo Đại làm cho lịch sử nên tính từ năm 1945 khi người Nhật hứa cam kết trao trả độc lập cho Việt Nam. Lúc đó ông Bảo Đại mới thật sự hết đóng vai trò làm vua bù nhìn cho người Pháp.
Ngày 10/3/1945 quân phiệt Nhật tuyên bố lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương, hứa giúp Việt Nam và các nước Đông Dương thực hiện nền độc lập. Ngày 11/3/1945 Viện Cơ Mật của Triều đình Huế tuyên bố Hiệp ước bảo hộ 1884 ký với Pháp bị bãi bỏ, Việt Nam khôi phục chủ quyền. Ngày 17/3/1945 vua Bảo Đại tuyên chiếu từ nay ông sẽ đích thân cầm quyền để chỉnh đốn lại quốc gia.
Ngày 17/4/1945 vua Bảo Đại ủy thác học giả Trần Trọng Kim làm Tổng lý Nội các (thủ tướng), Phan Kế Toại làm Khâm sai Bắc bộ, Nguyễn văn Sâm làm Khâm sai Nam bộ, Trần văn Lai làm Đốc lý Hà Nội. Nhưng làm thủ tướng chưa bao lâu, vào ngày 7/8/1945 ông Trần Trọng Kim xin từ chức sau vài tháng không làm được việc gì nhiều. Lưu ý phạm vi quản lý hành chính thực tế của chính phủ Trần Trọng Kim lúc ấy rất bé nhỏ, họ thực sự quản lý trên giấy tờ được vùng Thuận Hóa mà thôi.
Lúc ấy lực lượng Việt Minh được dân chúng ủng hộ nhiều hơn cả. Phạm vi hoạt động của Việt Minh chỉ mạnh ở miền Bắc và vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Nam Bộ đang bị chia xẻ quyền hành bởi nhiều lực lượng Quốc gia lẫn Cộng sản, kể cả những phe nhóm thân Nhật hay thân Pháp.
Ngày 23/8/1945 ông Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Lâm thời tại Hà Nội. Ông Bảo Đại tìm cách liên lạc với chính quyền Việt Minh tại Hà Nội và tự động xin thoái vị. Ngày 24/8/1945 vua Bảo Đại làm lễ thoái vị trước cửa Ngọ Môn kinh thành Huế. Vua giao kiếm vàng cùng ấn ngọc cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu.
Ông Hồ Chí Minh mời ông Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn cho chính phủ Việt Minh. Từ đây ông vua cuối cùng được gọi là Cố vấn Vĩnh Thụy. Tình hình ngoài Bắc phức tạp nhưng chiến tranh giữa người Pháp và người Việt lại diễn ra trước hết tại Nam Bộ, ngay vào cuối năm 1945.
Ngày 25/8/1945 ông Trần văn Giàu tuyên bố thành lập Lâm ủy Hành chánh tại Sài Gòn. Chính quyền của ông Trần văn Giàu không tập trung được hết các lực lượng yêu nước kháng Pháp tại Nam Bộ mà còn gây ra nhiều xáo trộn chính trị tôn giáo không đáng có qua nhiều vụ thanh trừng đẫm máu. Chẳng bao lâu, Việt Minh Hà Nội phái người vào Sài Gòn để tìm cách đưa ông Giàu ra Bắc tránh phân rẽ nội bộ thêm.
Ngày 06/9/1945 phái bộ quân sự Anh tới Sài Gòn để giải giới quân Nhật. Ngày 09/9/1945 quân đội Trung Hoa kéo đến Hà Nội giải giáp quân Nhật, tính tới ngày 15/9 đã có 180.000 quân Tàu vào miền Bắc. Nhiều lính bộ đội Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội cũng theo chân quân Tàu quay về Bắc. Ngày 12/09/1945 lính Anh Ấn đổ bộ Sài Gòn. Ngày 03/10/1945 một nhóm lính Pháp dưới quyền tướng Leclerc tới Sài Gòn, ngày 06/10 quân Pháp đổ bộ vào Vũng Tàu, ngày 09/10 chiếm Tây Ninh, 15/10 tiến lên Nam Vang bắt giam lãnh tụ Sơn Ngọc Thành. Quân Anh Ấn chiếm đóng Gò Vấp, Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa.
Ngày 10/11/1945 quân Pháp đánh Vĩnh Long, Gò Công. Ngày 11/11 Pháp chiếm Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, 19/11 chiếm đóng Nha Trang. Ngày 01/12/1945 Pháp chiếm lĩnh Cao nguyên Trung phần.
Ngày 06/01/1946 Việt Minh tổ chức bầu cử Quốc Hội, có 356 ghế dành 18 ghế cho Nam Bộ. Ông Hồ Chí Minh thắng cử lớn tại Hà Nội, cựu hoàng Bảo Đại (tức Cố vấn Vĩnh Thụy) cũng được trúng cử đại biểu quốc hội ở đơn vị bầu cử Thanh Hóa dù ông chẳng hề ghi tên ra tranh cử.
(Từ đây trở đi, các cuộc trưng cầu dân ý hay bầu cử tại nước ta đều diễn ra theo phương cách hình thức na ná giống như thế.)
Ngày 06/3/1946 Việt Minh ký Hiệp định sơ bộ (Accords préliminaire) với Pháp thừa nhận Việt Nam là một quốc gia tự do (Etat libre) nằm trong Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp. Theo Hiệp định, quân Pháp sẽ ra miền Bắc để thay thế cho quân Trung Hoa. Đây là nguyên nhân to lớn nhất cho mối phân rẽ giữa hai phe kháng chiến “Cộng sản” và “Quốc gia” ngay từ đầu năm 1946. Hiệp định này cũng không nhắc tới số phận của Nam Bộ.
Ngày 16/3/1946 Cố vấn Vĩnh Thụy (Bảo Đại) được chính quyền Việt Minh cử công cán sang Tàu cùng với một phái đoàn cán bộ Việt Minh đi thăm xã giao chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch. Ngày 15/4/1946 ông Bảo Đại bị đoàn công tác bỏ rơi tại sân bay Côn Minh, bắt đầu một chuyến lưu vong dài trên đất khách.
Khi sửa soạn lên máy bay tại Côn Minh để về nước thì một người đi cùng trong đoàn Việt Minh bước đến đưa cho ông Bảo Đại một lá thư, chắc đã được viết sẵn từ lâu rồi nay mới được họ đưa ra. Lệnh: Thưa Ngài, công việc ở Hà Nội đang rất tốt đẹp. Ngài có thể đi chơi tiếp nữa. Hơn nữa, Ngài sẽ có ích cho chúng tôi hơn nếu Ngài ở lại luôn bên Tàu…”
Trong túi ông Bảo Đại lúc ấy không còn một đồng bạc, quần áo tư trang cũng không có vì hành lý đã nằm hết trên máy bay rồi. May nhờ có mấy người Hoa biết ông Bảo Đại từng là Hoàng đế nước Việt và đang bị bỏ rơi ở Côn Minh nên thương tình giúp ông mấy bộ quần áo quân đội Mỹ, một ít tiền, cho chỗ tá túc vài ngày… Ông phải nhờ những người Quốc Dân Đảng giúp nữa.
Từ đó… ông Bảo Đại không thể nào đi theo con đường cũ được nữa. Bức thơ vào giờ cuối đó cũng là một mệnh lệnh riêng cho ông Bảo Đại. Sau mấy tháng bị bỏ rơi trên đất Trung Hoa, ông Bảo Đại cuối cùng chạy sang được Hongkong.
Từ đó… có rất nhiều người oán trách ông Bảo Đại. Trong lúc chiến tranh Việt Pháp hay nói đúng hơn là chiến tranh giữa Việt Minh và người Pháp đang xảy ra dữ dội với bao nhiêu cảnh khốn cùng lầm than xảy ra cho dân Việt, thì ông vua hết thời Bảo Đại vẫn ung dung sống một cuộc đời lưu vong hưởng thụ ích kỷ, ngày đêm trăng gió cùng các người đẹp tại Hongkong và sau này ở Pháp. Đó là điều lịch sử không thể chấp nhận.
Oán trách ông Bảo Đại còn có cả ông Ngô Đình Diệm, người được ông Bảo Đại nâng đỡ cưu mang. Như ông Diệm phê phán sau này: Ông Bảo Đại là một con người “phóng đãng, thụ động và nhu nhược”, không xứng đáng đứng ra làm vai trò lãnh đạo quốc gia.
Mà thực tế vào thời đó, ông Bảo Đại có muốn làm gì thì cũng chẳng làm gì được. Chính quyền Việt Minh hầu như loại bỏ ông Bảo Đại ngay từ đầu năm 1946, nếu ông Bảo Đại không chịu sống cảnh lưu vong bên Tàu mà cố quay về Hà Nội thì chắc gì ông có thể còn sống sót?
Bị Việt Minh bỏ rơi, chỗ dựa duy nhất còn lại của ông Bảo Đại chỉ có thể là người Pháp và các nhóm chính trị thân Pháp như nhóm “Nam kỳ tự trị” mà uy tín của họ trong nhân dân Việt Nam rất thấp kém. Người Pháp sau khi chiếm được các thành phố lớn tại Đông Dương cũng cần lập ra một chính quyền bản xứ để đương cự với chính quyền kháng chiến Việt Minh. Nhìn mãi cũng chẳng còn ai xuất sắc ngoài ông Bảo Đại.
Năm 1949 ông Bảo Đại quay về nước để thành lập Quốc gia Việt Nam nằm trong Liên Hiệp Pháp với vai trò Quốc trưởng. Sáu năm sau thì ông Bảo Đại bị ông Diệm hất cẳng phải sống hết cuộc đời lưu vong cho tới chết trên đất Pháp. Chuyện truất phế Bảo Đại xảy ra vào cuối tháng mười năm 1955. Tính tới tháng mười năm nay đã chẵn chòi sáu mươi ba năm rồi.
Ngày 18/10/1955… ông Quốc trưởng Bảo Đại trong hoàn cảnh tuyệt vọng khi phải đối kháng với thế lực chính trị đang quá mạnh của ông Thủ tướng Ngô Đình Diệm, từ bên Pháp đã ban hành quyết định không số của Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam gởi về Sài Gòn ra lệnh chấm dứt vai trò thủ tướng của ông Ngô Đình Diệm, đồng thời hủy bỏ sắc lệnh 43/CP do chính ông Bảo Đại ký vào ngày 06/7/1954 “giao toàn quyền chính trị và quân sự tại Việt Nam cho ông thủ tướng Ngô Đình Diệm”.
Ngày 23/10/1955 ông Diệm tổ chức cuộc Trưng cầu dân ý. Số người đi bỏ phiếu: 5.838.907 người. Số người đồng ý truất phế ông Bảo Đại và suy tôn ông Ngô Đình Diệm lên làm Quốc trưởng: 5.721.735 người. Số người phản đối: 63.017 người. 131.395 người không có ý kiến. 44.155 phiếu không hợp lệ.
(Như đã nói nhiều lần, trưng cầu dân ý hay bầu cử ở Việt Nam trước nay chỉ để hợp thức hóa những gì mà nhà cầm quyền muốn mà thôi.)
Ngày 26/10/1955 ông Ngô Đình Diệm tuyên bố Hiến ước tạm thời tại dinh Độc Lập: Việt Nam là một nước Cộng hòa, quốc trưởng lấy danh hiệu là Tổng thống VNCH tức là ông Ngô Đình Diệm.
Số phận chính trị của ông Bảo Đại kết thúc vỏn vẹn trong một tuần lễ vào cuối tháng mười năm 1955. Ông Bảo Đại đã phản ứng ra sao? Bà Nam Phương hoàng hậu kể lại: Buổi chiều khi được tin bị truất phế, ngài ngự cứ cầm cây súng săn giận dữ bước ra vườn rồi lại đi vào trong nhà chẳng biết bao nhiêu lần, mặt bừng bừng chắc là rất tức giận vì bị ông Diệm phản bội. Thức trắng một đêm buồn bực. Nhưng sáng ngày hôm sau ngài ngự đã bình tĩnh trở lại, ngồi trong phòng khách chậm rãi uống cà phê sáng như thường ngày. Dường như đã chẳng có chuyện gì quan trọng xảy ra ngày hôm qua…
Momentary Notes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét