Chỉ cần giải thích nguồn gốc từ "ủ chượp" thường nghe, chúng ta sẽ biết nước mắm bắt nguồn từ đâu.
Đó là người Chăm khi làm nước mắm sẽ rửa sạch cá, ướp muối, tùy theo ý muốn mặn hoặc lạt rồi bỏ thứ cá ướp muối vào trong những cái vại bằng đất, tiếng Chăm gọi là Chsơt Chsot Thin. Đến phần người Kinh di cư vào làng chài xưa Phan Thiết, khi học cách làm nước mắm của Chăm đọc chữ Chsơt chsot thin trại đi thành Chượp. Từ Chượp có gốc Chăm! Ngay cả khi làm số lượng cá lớn ủ trong thùng lều gỗ to, người Phan Thiết vẫn quen gọi là ủ chượp. Và thật ra ngay cả cái tên Phan Thiết cũng bắt nguồn từ Măng Thít tiếng gọi vùng đất này của người Chăm.
Sách Đại Nam Nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn cho biết: Nghề làm nước mắm của Bình Thuận hình thành từ cuối đời chúa Nguyễn với khoảng năm mươi người ở phường Đông Quang. Mỗi năm họ nộp về kinh đô nước mắm và mắm tép. Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả, cuối đời chúa Nguyễn là khoảng thời gian chúa Nguyễn Phúc Côn (1733 - 1765), như vậy, tính đến nay nước mắm Phan Thiết đã có ít nhất 285 năm tồn tại. Vào đầu thế kỷ XIX, nước mắm Phan Thiết nổi tiếng đến mức, mỗi năm vào tiết Tiểu Mãn và Đại Thử, nhà Nguyễn dùng 3 chiếc ghe bầu chở nước mắm và hải sản khô của Phan Thiết về Kinh
Muốn chở được nước mắm đi khắp Việt Nam và bán chạy nhất cả nước, từ hồi xa xưa, người Phan Thiết làm ra cái tĩn bằng đất sét trên có nắp đậy, rồi hàn lại bằng thứ keo gồm: vôi trộn nước dây tơ hồng và mật đường. Mỗi tĩn nặng 3,7 lít, bên ngoài buộc dây lá để xách, khiêng... Riêng về lịch sử ghe bầu Phan Thiết, nó nguyên gốc là ghe bầu của xứ Quảng, nhưng được cải tiến lại bởi thợ thuyền Mũi Né. Ghe bầu khi cặp bến thường không cặp sát, mà cách bờ vài thước, sau đó chủ nghe dùng một tấm ván dài bắt làm cầu lên bờ. Vì vậy, khi chuyển nước mắm lên ghe bầu, người ta dùng chiếc đòn gánh bằng tre, hai đầu đòn buộc vài chiếc dây dừa tốt, mỗi dây chừa một đoạn dài khoảng 30 - 40 cm. Đầu còn lại của dây buộc đoạn cật tre nhỏ dài chừng 20cm theo cách buộc chữ T. Để đưa tĩn lên ghe bầu, người ta móc chéo dây tĩn vào đoạn cật tre hình chữ T rồi gánh chạy lên ghe.
Không biết có bao nhiêu người ngày nay hình dung ra rằng: để gánh nước mắm lên ghe bầu, chủ các hãng nước mắm thường thuê các cô mười tám, đôi mươi, khỏe mạnh, dẻo dai để gánh một lúc từ 6 - 10 tĩn. Các cô mặc áo bà ba, quần lãnh đen, khi gánh nặng, mồ hôi làm ướt áo quần, dán vào đôi trái đào tơ hơn hởn, trên vùng ngực lúc nào cũng phập phồng… Đã vậy, mỗi khi các cô chạy lên cầu ván, cô nào cô nấy mông cũng tròn căng nôm vừa khêu gợi, vừa khỏe mạnh. Đàn ông, trừ những người “xăng pha nhớt”, ai không thích mới lạ! Ấy thế nên, không ít chàng trai luỵ tình. Lúc ghe chưa rời bến, các anh còn tìm cách giúp em xuống tĩn, chất tĩn, nói một hai câu làm quen, nhưng khi ghe rời bến Phan Thiết, buồm kéo lên rồi, căng rồi, nhìn vô bờ thấy một màu xanh biếc rồi, khối chàng trai giống như con tằm đứt bữa lá dâu, lưng tựa cột buồm, mắt thẫn thờ, tự trách mình sao mà dại mà khờ. Trách sao lúc ghe chưa rút ván, người ta còn đứng trên bờ trông ra, chiếc nón lá trên tay vẫy vẫy nói lời tạm biệt, đã không nhân cơ hội đó mà hỏi, kiểu như: “Nước mắm ngon dầm con cá liệt, em có chồng rồi nói thiệt anh hay?”.
Có chàng trai tuy phận theo ghe nhưng trước đó có vài năm chữ nghĩa, khi ghe bầu qua vịnh La Gàn rồi, không lâu nữa ra Ninh Thuận, không khỏi chạnh lòng, than: “Nước mắm ngon nằm sâu đáy hũ, thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình, mù u nhuộm thắm bông quỳnh, bao nhiêu gái đẹp anh không nhìn, dạ anh chỉ để thương mình em thôi”. Hỡi các cô gái gánh tĩn bến cá Phan Thiết, các cô có nghe tiếng lòng của các chàng trai? Hãy đáp với chàng trai nào đó rằng: Nước mắm ngon còn dầm con cá đối, em chữa có chồng nói dối làm chi! Cứ thế lòng luyến ái, sự nhớ thương của các chàng trai dâng lên, mạnh và dạt dào như con nước đang chảy dưới thân thuyền. Nhưng sự đời, gió và sóng biển cũng ghen tuông lắm và cũng chẳng thân tình lắm, đã không mang lời các chàng trai đi xa, vì vậy các chàng đành phải chờ chuyến ghe sau, trở lại Phan Thiết mà tìm em trong những người trên bến cá!
.....
Tư liệu bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa - Old Fishing Village
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét