Vào sáng sớm ngày 11/11/1960 (nhằm ngày 23 tháng 9 năm Canh Tý) xảy ra cuộc đảo chính của lính Nhảy Dù nhắm vào tổng thống Ngô Đình Diệm.
Lúc 1 giờ 30 sáng, súng bắt đầu nổ khi lính Dù bằng hai hướng vượt cầu Công Lý (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ) tiến về dinh Độc Lập và một nhóm khác vượt cầu Thị Nghè chiếm đài phát thanh Sài Gòn.
Đại tá Nguyễn Chánh Thi (người Thừa Thiên) tư lệnh Lữ đoàn Nhảy Dù cùng một số sĩ quan khác đem quân vây dinh Độc Lập, đòi ông Ngô Đình Diệm phải rút lui khỏi chức vụ tổng thống. Họ cũng chẳng nói được sau khi ông Diệm rời chức vụ thì ai sẽ lên nắm chính quyền, chỉ nói chung chung là ông Diệm phải rời đi theo ý nguyện người dân.
Nghe nói bên cạnh ông Thi còn có một số chính trị gia đối lập làm hậu thuẫn. Nhưng sau này khi ông Thi bỏ chạy qua Nam Vang, những chính trị gia này cũng khai họ không rõ mục đích cụ thể của cuộc đảo chính này là gì.
10 giờ sáng ngày 11/11 ông Diệm đọc hiệu triệu qua máy bộ đàm yêu cầu sư đoàn 7 ở Biên Hòa và sư đoàn 21 ở Mỹ Tho đem quân về Sài Gòn giải vây. Lính Dù bao vây dinh tổng thống nhưng không dám tiến vào, có lẽ ngại đụng chạm mạnh với quân phòng vệ. Hai sư đoàn 7 và 21 cũng ngần ngừ mãi tới tối mới chịu huy động xe để chuyển binh về Sài Gòn.
Sáng 12/11 sau một cuộc giao tranh nhẹ với quân phòng vệ dinh Độc Lập, quân Nhảy Dù rút lui ra xa khỏi khu vực dinh Độc Lập và khu vực đài phát thanh. Sư đoàn 7 và sư đoàn 21 tiến về phi trường Tân Sơn Nhất và vườn Tao Đàn.
Tới 16 giờ chiều thì lính Dù tự động rút lui rời khỏi khu vực trung tâm Sài Gòn quay trở về doanh trại lữ đoàn Dù (trại Hoàng Hoa Thám). Thấy việc đảo chính không xong, hai sĩ quan cầm đầu cuộc đảo chính là đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương văn Đông (người Bắc di cư) bắt ép trung tướng Thái Quang Hoàng (người Huế, tư lệnh Biệt khu Thủ đô) lên máy bay trốn sang Nam Vang vào lúc 20 giờ tối.
Cuộc đảo chánh nhỏ kéo dài vỏn vẹn hai ngày nhưng báo hiệu những điềm không lành cho chế độ. Nó xuất phát từ một binh chủng có nhiều sĩ quan chỉ huy chủ chốt người Bình Trị Thiên đồng hương với ông Diệm và người Công giáo Bắc di cư.
Và chỉ mấy tháng sau, dinh Độc Lập lại bị tấn công lần nữa bằng máy bay của Không quân, một binh chủng cũng có rất nhiều phi công chỉ huy người Bắc di cư.
Giữa Hà Nội và Sài Gòn mâu thuẫn ngày càng lớn. Cho tới năm 1960 có thể nói miền Nam không thể tránh được cuộc tiến công lớn và toàn diện từ miền Bắc dưới danh nghĩa một cuộc chiến tranh giải phóng nhân dân. Chính quyền Quốc gia Việt Nam của ông Bảo Đại không phải là một bên chính thức ký kết Hiệp định Genève, và sau này chính quyền Việt Nam Cộng hòa của ông Ngô Đình Diệm với tư cách thừa kế chính quyền của ông Bảo Đại đã từ chối việc thi hành hiệp định này.
Mấu chốt, theo Hà Nội, Hiệp định Genève qui định một cuộc tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc để chọn ra một chính quyền mới theo “ý nguyện nhân dân”. Sài Gòn không hề tin tưởng rằng người miền Bắc sẽ được tự do bầu cử công bằng chính xác khi họ đang sống dưới một chế độ toàn trị nhà nước bảo gì thì dân phải làm nấy. Hà Nội thì tin tưởng họ sẽ dễ dàng thắng cử vì họ đã có công đánh thắng giặc Pháp và đang được nhân dân ủng hộ.
Chắc cả hai bên đều suy nghĩ đúng. Cho đến hiện nay chưa có một cuộc bầu cử nào ở Việt Nam, Hà Nội hay ở Sài Gòn trước và sau năm 1975 có thể gọi là công bằng, tự do. Bầu cử ở Việt Nam trước giờ chỉ tổ tốn tiền, tổ chức dân chủ cho vui vậy mà. Bầu cử để hợp thức hóa một chuyện gì đó mà người cầm quyền đang muốn.
Lấy lý do chính quyền Sài Gòn không chịu thực hiện Hiệp định Genève 1954, vào ngày 20/12/1960 chính quyền Hà Nội cho ra đời “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” tại một vùng mật khu thuộc tỉnh Tây Ninh. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (một trí thức Sài Gòn du học ở Pháp có khuynh hướng thân Cộng) được bầu làm chủ tịch mặt trận này.
Trên danh nghĩa ông Nguyễn Hữu Thọ là chủ tịch mặt trận, tuy nhiên mọi việc của mặt trận là do Trung ương Cục miền Nam trực thuộc Bộ Chính trị Đảng tại Hà Nội điều hành trực tiếp. Họ chủ trương dùng bạo lực để giải phóng miền Nam. Cuối năm 1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức tuyên bố có lực lượng vũ trang hùng hậu với nhiều tiểu đoàn được trang bị đầy đủ.
Việc ra đời mặt trận này đánh dấu miền Nam đã thực sự bước vào chiến tranh. Từ đây trở đi vai trò chỉ đạo của ông Lê Duẩn tổng bí thư Đảng và người cộng sự đắc lực Lê Đức Thọ tại Hà Nội là quan trọng nhất cho mọi quyết định chính trị và quân sự không chỉ tại mặt trận miền Nam mà cả trên toàn quốc. Những người Cộng sản trí thức cũ từng làm việc xoay quanh ông Hồ Chí Minh từ năm 1945 như các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm văn Đồng không còn đóng vai trò chủ chốt nữa...
Chính hai nhân vật bình dân mới mẻ ít tiếng tăm, khá hiếu chiến và khá khó hiểu này đã làm chính quyền ông Diệm hoàn toàn bỡ ngỡ, vì trước giờ họ chỉ có kinh nghiệm đối phó chính trị với những nhân vật Cộng sản nổi tiếng cũ, đa phần thuộc giới trí thức do Pháp đào tạo có tư duy giống như họ.
Theo tình báo Hoa kỳ, số cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy quân sự và chiến binh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (gọi tắt là Việt Cộng) vào đầu năm 1962 đã lên tới con số 300.000 người, nếu so sánh thì đã tương đương với quân số của cả quân đội Sài Gòn lúc đó rồi. Số này gồm người địa phương mới tuyển, cán bộ hồi kết từ miền Bắc, cán bộ chi viện từ miền Bắc, cán bộ điều lắng trốn tập kết sau năm 1954...
Từ cuối năm 1960 tình hình quân sự tại miền Nam rất bất ổn. Việt Cộng tăng cường ném lựu đạn và bắn tỉa các cố vấn Mỹ, tấn công các đồn bót của quân đội Sài Gòn từ cấp đại đội trở lên, giật mìn xe lửa, phá hoại cầu cống, đắp chướng ngại vật trên các đường quốc lộ… Phía quân đội Sài Gòn phản ứng khá chậm chạp và không hiệu quả, do phía chính quyền dân sự lo lắng quân đội lợi dụng việc hành quân để làm đảo chính. Những bất ổn chính trị tại hậu phương càng ngày càng lớn do chính quyền mang tiếng độc tài gia đình trị.
Nhiều cán bộ Cộng sản xâm nhập được vào các cấp chính quyền Sài Gòn nhằm thu thập tin tức phản gián và quân sự, tổ chức chống phá ngay từ bên trong. Phong trào Phật giáo đấu tranh 1963- 1967, phong trào đấu tranh sinh viên học sinh tại đô thị, lực lượng thứ ba… được coi là những thành quả của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh trước năm 1975.
Hầu như ngày nào báo chí Sài Gòn cũng đăng tải tin chiến sự: các cuộc tấn công qui mô lớn nhỏ của Việt Cộng và các cuộc hành quân trả đũa của quân đội Sài Gòn. Dĩ nhiên số thiệt hại của Việt Cộng theo đài phát thanh Sài Gòn là rất khủng khiếp. Ngược lại, theo đài phát thanh Hà Nội và đài phát thanh Giải phóng, số thiệt hại của quân đội Sài Gòn là vô cùng khủng khiếp.
Sài Gòn liên tục bất ổn.
Ngày 27/2/1962 hai chiếc phi cơ bất ngờ ném bom bắn phá dinh tổng thống suốt mười phút từ 7 giờ 15 đến 7 giờ 25 phút. Bom rơi trúng căn lầu tư thất ông cố vấn Ngô Đình Nhu và phòng làm việc của ông bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần, hai nơi này bị cháy rụi. Một binh sĩ và một nữ tạp vụ trong dinh bị chết. Máy bay của phi công Phạm Phú Quốc bị bắn rơi tại Nhà Bè, chiếc thứ hai do phi công Nguyễn văn Cử lái bay thoát sang Nam Vang.
Khi bị an ninh quân đội thẩm vấn, phi công Phạm Phú Quốc khai do bất đồng chính kiến cá nhân với chế độ nên đã cùng Nguyễn văn Cử tự ý tổ chức ném bom chớ không do ai xúi dục cả. Sau ngày dinh tổng thống bị ném bom, tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu rời bỏ dinh Độc Lập, dời sang dinh Gia Long (nay là Bảo tàng Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh) để sống và làm việc.
Chiến sự tại miền Nam càng ngày càng ác liệt. Bất ổn chính trị lớn nhất dẫn tới sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa là cuộc đảo chính 01/11/1963. Vào tháng 5/1963 từ việc đổ máu trong đêm làm lễ Phật Đản tại Huế, các tín đồ Phật giáo miền Trung với sự giúp sức của các tướng lãnh quân đội bắt đầu tổ chức liên tục các cuộc biểu tình, tuyệt thực, tự thiêu… kéo dài cho tới cuối tháng 10/1963. Chính quyền ông Diệm không làm được việc gì hết ngoài việc đối phó với phong trào Phật giáo tranh đấu.
Tới ngày 01/11/1963 quân đội Sài Gòn làm đảo chính. Ông Diệm và ông Nhu từ bỏ dinh Gia Long vào chiều ngày 01/11/1963 theo một đường hầm kín để ra khỏi dinh và đi xe ôtô lánh vào Chợ Lớn.
Và rồi vào gần trưa ngày 02/11/1963, hai anh em họ đã vĩnh viễn ra đi tại một ngã tư của Sài Gòn. Có lẽ trước khi chết oan ức họ đã một phần mãn nguyện, vì buổi sáng hôm đó trước khi bị bắt, họ đã dự một buổi lễ sáng vô cùng hiu quạnh tại nhà thờ Cha Tam rồi.
Momentary Notes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét