Từ năm 1954, những buổi sáng chúa nhật ở Sài Gòn có nhiều người đi lễ nhà thờ. Sau năm 1975 vẫn còn rất đông đảo, theo tôi đó là điều hết sức may mắn. Nhiều người khác không đi thẳng vào nhà thờ làm lễ mà chỉ đứng bên ngoài nhìn vào, chắc có lẽ vì họ không phải là người chính thức có đạo.
May mắn là vì: Bên cạnh sự tuột dốc không phanh của đạo đức xã hội thời bây giờ, con người ít nhất nên còn có một bám víu mỏng manh vào đạo đức tôn giáo, dù lương thiện mơ hồ còn hơn là để cuộc đời trôi theo những sai trái bất lương.
Chùa chiền cũng vậy, mấy chục năm nay số người đi viếng chùa đang tăng dần, trong đó có khá nhiều cán bộ đảng viên ngày trước là vô thần. Nhiều cán bộ khá giả công khai tuyên bố mình tự đứng ra xây cất những ngôi chùa lớn hay tặng số tiền lớn để người khác xây chùa giùm mình.
Trong khi đó, có nhiều người Sài Gòn từ năm 1975 tới nay không hề lui tới những ngôi chùa giàu có to lớn dù có khi họ vẫn còn là những Phật tử thuần thành. Chắc họ mặc cảm vì nghèo hay không thích đi chùa lớn. Theo tôi đó cũng là điều may mắn. Thờ Phật tại tâm chớ không phải thờ Phật tại những chốn phù hoa.
Từ sau năm 1975 tới nay, tôi và vài bạn già thỉnh thoảng có ghé Thánh thất Cao Đài Tây Ninh hay thánh thất Bến Tre. Cũng có vài lần được tham dự lễ tưởng niệm Đức thầy Huỳnh Phú Sổ tại An Giang ngay cả trong những năm chính quyền còn rất khó khăn khe khắt với đạo Hòa Hảo… Tôi và các bạn già từ lâu có suy nghĩ riêng về đạo Hòa Hảo và đạo Cao Đài. Chúng tôi cho rằng sự hình thành và phát triển của hai tôn giáo này là đặc trưng khá riêng biệt về tâm linh, văn hóa, chính trị và đạo đức của riêng người Nam Bộ.
Lấy tư cách là một người vô thần thứ thiệt hiếm hoi còn sót lại, xin ngẫm nghĩ vài điều lẩm cẩm về con người Việt Nam sau hơn bốn mươi năm hết chiến tranh.
Giờ đây, chắc chắn trong chúng ta không có ai còn dám tự nhận mình là vô thần thứ thiệt, cũng chắc chắn không có ai còn là vô sản một trăm phần trăm nữa. Nhiều người cách mạng dù không dám nói ra nhưng bản thân, gia đình, con cái của họ từ lâu đã là tư sản hết rồi. Số đông còn lại chắc phải gọi là hộ sản. Phải là tư sản mới có tiền xây chùa hay cho tiền người khác xây chùa, xây nhà thờ. Không phải là vô thần mới chấp nhận tụng kinh, sám hối hay cầu nguyện mong chờ phép lạ.
Lúc sau này trên sách vở báo chí nhiều người theo đạo ưa nói nhờ có đạo Công giáo mà nước ta mới có được chữ Quốc ngữ do các nhà truyền giáo Châu Âu sáng tạo ra từ mấy trăm năm về trước. Nhờ có chữ Quốc ngữ nên tiếng Việt và nước Việt mới có được một bước tiến bộ khá dài như ngày hôm nay. Có nhiều người cực đoan hơn lại nói: Không có đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam thì làm gì có chữ Quốc ngữ? Mà không có chữ Quốc ngữ thì làm gì còn nước Việt Nam? Tàu hay Nga nó đã nuốt chửng chúng ta rồi. Không có đạo Công giáo thì nước ta vẫn còn sống trong mê muội của Tam Giáo...
Chữ Quốc ngữ chỉ là một trong những phương tiện viết, phương tiện phiên âm hữu hiệu cho tiếng Việt hay chính là xương sống, não bộ của ngôn ngữ dân tộc Việt? Thôi, chuyện đó là của những người có học nghiên cứu chuyên sâu.
Hôm nay vô Chợ Lớn làm việc, rồi tình cờ đi ngang nhà thờ Cha Tam thấy người ta đi lễ tấp nập mà cảm xúc viết vài dòng chữ linh tinh.
Mấy người miền ngoài vô Sài Gòn dạy chính trị năm 1975 rất ưa thích nói đi nói lại: Công giáo là kẻ thù của Cộng sản, là kẻ thù của dân tộc Việt. Họ nói những nhà truyền giáo Châu Âu là những người đi dọ đường để dẫn dắt thực dân vào xâm chiếm nước ta. Mà thôi, chuyện đó là chuyện dài giữa Cộng sản và Công giáo kéo dài gần trăm năm nay tại Việt Nam. Cũng chính vì đó mà đối kháng giữa Hà Nội và chế độ ông Ngô Đình Diệm, chế độ ông Nguyễn văn Thiệu mới đi tới đỉnh điểm.
Ông Diệm và ông Thiệu đều là tín đồ Công giáo nên bị chính quyền Hà Nội quyết tâm tiêu diệt. Người Cộng sản có đối kháng nhưng không đối kháng mạnh mẽ lắm với ông Bảo Đại, với ông Dương văn Minh, với ông Phan Khắc Sửu… chắc do ba người này không phải là tín đồ Công giáo.
Riêng ông Nguyễn Cao Kỳ là Bắc di cư nên trong thời chiến tranh bị Hà Nội không ưa thì cũng phải. Tuy nhiên chắc có lẽ vì ông Kỳ không phải là một người Công giáo nên phía Hà Nội mới nhắm tới ông này trước tiên khi muốn làm một cuộc hòa hợp hòa giải ồn ào với vài lãnh đạo Sài Gòn cũ dễ tính trên các phương tiện truyền thông sau năm 1995.
Cũng phải thấy rõ từ gần chục năm nay, đối kháng hục hặc giữa các tu sĩ Công giáo và chính quyền Hà Nội không còn nằm rải rác tại mấy tỉnh phía Nam như mấy chục năm trước đây nữa, kể cả ở các vùng người Bắc di cư nổi tiếng chống Cộng ngày xưa như Hố Nai, Biên Hòa hay Cái Sắn, Kiên Giang. Các khu vực đông người Công giáo Bắc di cư hiện nay rất yên ổn, theo kiểu nước sông không đụng nước giếng. Nay các rắc rối lớn giữa chính quyền Cộng sản và Công giáo thường xảy ra tại các giáo xứ vùng Thanh Nghệ Tĩnh đổ ra tới Hà Nội. Tức miền ngoài hay vùng phía bắc sông Bến Hải. Phía nam sông Bến Hải tới Cà Mau nếu có xích mích thì cũng không đáng kể.
Hiện nay, các bài giảng ở các nhà thờ trong miền Nam vào sáng chúa nhật thường nói về cách sống đời thường, thêm thắt các tình huống thời sự xã hội và cố gắng tránh né các vấn đề chính trị dễ gây hiểu lầm với chính quyền đương thời. Bên cạnh các bài giảng giáo lý hay lịch sử giáo hội thuần túy, các tu sĩ phía Nam hay đề cập thêm tới các vấn đề xã hội khác nhẹ nhàng cho hấp dẫn người nghe: Nào là không nên phân biệt đối xử với người bị Sida, phải tôn trọng người đồng tính, cha mẹ không nên dùng roi vọt với con cái, không nên cho con nít học thêm hay chơi facebook nhiều quá…
Cũng phải thông cảm… kẻ thua cuộc phải biết rút kinh nghiệm và phải biết tránh né. Vả lại, người Sài Gòn hay người trong Nam kể cả theo Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài biết rất rõ bây giờ mà có căng cứng chính trị cũng chẳng làm gì được đâu. Mỹ lúc đầu hăng hái mạnh mẽ thế mà chỉ qua vài năm còn chán nản bỏ chạy dài huống hồ là ta. Ta chịu đựng xìu xìu ển ển coi vậy đã được bốn mươi mấy năm rồi thì phải.
Ngược lại, các bài giảng trong các nhà thờ xứ Đàng Ngoài hiện nay đôi lúc rất nặng đối kháng chính trị. Từ việc đất đai của giáo hội ngoài Hà Nội cho tới vụ Formosa, sau này có thêm chuyện “Đặc khu”… hình như đều được đưa vào bài giảng sáng chúa nhật. Chỉ e sợ lúc đầu họ cố tình thả lỏng, sau thì cho lọt lưới hết chớ chẳng chơi. Vụ Nhân Văn giai phẩm kéo dài lê thê từ những năm năm mươi để cho tới những năm sáu mươi thế kỷ trước mới đem ra xét xử nặng nề.
Cũng giống như thái độ của dân chúng đối với công an. Trong Nam dân sợ công an thấy mẹ, ngoài Bắc dân chả thèm sợ thằng nào. Cũng phải hiểu, người thắng cuộc có cái lợi thế riêng của họ mà người thua cuộc không thể nào có được.
Nhưng mà: Rất lo lắng. Bản tính những người sống lâu năm trong Nam khá nóng nảy và cộc lốc nhưng rốt cuộc xem kỹ lại thì hiền lành, bồng bột, dễ quên, dễ bỏ qua.
Trong khi người miền ngoài tính khí khá cực đoan. Khi một người miền ngoài muốn cái gì thì họ cố mọi cách làm cho bằng được, chẳng cần biết người chung quanh hay đối thủ của họ đau khổ khốn nạn ra sao. Người miền ngoài học chính trị giỏi và làm chính trị cũng khá giỏi. Người miền trong mau quên nhưng người miền ngoài thì nhớ rất dai.
Có điều khi sống trên cuộc đời hữu hạn này, ngoài việc chăm chăm nghĩ về mình thì cũng nên nghĩ tới nỗi đau của tha nhân. Người miền trong hời hợt dễ dãi quá nên nhiều khi bị người ta chê dại. Có điều do họ bị thấm đậm đủ thứ tôn giáo đôi lúc quá nặng nề, họ dễ quên nhiều chuyện nhưng không bao giờ quên nghĩ tới nỗi đau nỗi nhục của người khác và của chính mình.
Và có phải chính cái tính mau quên, mau chán nản, ưa bỏ cuộc, hễ ghét thì ưa bỏ đi chỗ khác chơi, ít chịu rút kinh nghiệm lịch sử… của người Sài Gòn đã làm nên một lịch sử Sài Gòn đầy biến động khá lãng xẹt chẳng ai biết đường lần?
Rất lo...
MOMENTARY Notes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét