Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

NHỚ BA-

Chương 7-6
(Đoạn nầy do Cô em gái viết)      
NHỚ BA-3
          Cho đến ngày mất nước 30 tháng 4, buổi trưa hôm ấy radio loan tin việt cộng đã vào Dinh Độc Lập, ba tôi và anh hai tôi (lúc đó anh hai đang đóng quân ở Bình dương đi  công tác ghé thăm nhà, bị kẹt lại không ra đơn vị được) kêu chị em tôi đóng hết các cửa trong nhà lại rồi leo hết lên lầu trên, chỉ còn ba và anh hai ở tầng dưới. Ba đóng hết các cửa trong nhà lại rồi nói : tụi nó có vào đây thì ba cũng sống chết với lũ nó, anh hai cũng quyết tâm với ba, anh nói trong tay anh còn khẩu súng cá nhân luôn mang theo bên mình, anh cũng sẵn sàng đổi mạng với quân cộng trước khi tụi nó đụng tới vợ con và các em gái của anh. Về phần chị dâu và các chị em tôi cùng tụ một góc trên lầu, chúng tôi ngồi rầu rĩ, cứ nghĩ là thôi hết rồi, không biết số phận mình rồi sẽ ra sao !!
Biến cố lịch sữ nầy đã làm tan nát rất nhiều gia đình ở miền Nam, gia đình tôi cũng không tránh khỏi tình trạng chung đó. Anh hai đi trình diện rồi bị đưa đi tù tới gần 9 năm, ra tận miền Bắc 6,7 năm dài, tháng 4 năm 82 được đưa về Nam rồi được tha một năm sau. Chị dâu cực khổ buôn bán vừa nuôi chồng đi tù, vừa nuôi hai con gái lúc đómới 7,8 tuổi, bị mang bệnh ngặt nghèo mà thiếu tiền chạy chữa, cố gắng kéo dài cuộc sống cho tới lúc anh hai được tha về sum họp, nhưng chỉ hơn 1 năm sau thì căn bệnh phát nặng chị qua đời trong vòng tay của người chồng thương yêu và hai con gái để lại bao tiếc thương đau buồn cho chồng chưa sum họp được bao lâu đã buồn chia ly,chị mất lúc còn quá trẻ, mới 43 tuổi. Chị ba tôi là công chức chế độ cũ, chức vụ nhỏ nên chỉ học tập 3 ngày, chồng cũng là hạ sĩ quan nên cũng không phải tập trung cải tạo lâu. Ba tôi lo xa, sợ vợ chồng chị sẽ bị địa phương gây khó dễ, nên gom góp tiền bạc còn lại mua một miếng đất rẫy ở Long thành, không xa Sài gòn bao nhiêu cho vợ chồng lên đó ở làm rẫy, thế là chi ba từ gịã thành phố vui đời nương rẫy, còn ba. đi đi về về lúc ở Sài gòn, lúc ở rẫy phụ với vợ chồng chị.  Đứa em trai út nghỉ hè năm lớp 9 lên rẫy chơi với anh chị ba tôi, đi tắm suối nhảy xuống nước trợt chân té úp mặt xuống nước ngộp thở chết. Từ Sài gòn tôi lên rẫy không kịp để vuốt mặt đứa em út lần cuối, em tôi mất lúc mới 15 tuổi đời, tội nghiệp em tôi quá !! Ba tôi buồn lắm sau cái chết của đứa con trai út. Ông bỏ rẫy cho vợ chồng con gái và rễ ở lại rồi về Sai gon ở, ông không muốn ở lại rẫy để bị ray rức khi nhìn cảnh vật mà nhớ con. Về nhà mấy cha con lại hủ hỉ với nhau, lúc đó gia đình sống thật khó khăn, bữa cơm có khi chỉ với gạo độn khoai mua ở cửa hàng lương thực phường, đó là tình trạng chung của mọi gia đình miền Nam lúc đó, cái khổ của kẻ thua trận..!! Sức khoẻ của ba tôi kém hẵn đi, vì mất mát quá nhiều người thân trong gia đình. Qua năm 83, sự trở về của anh hai làm sức khoẻ của ông khả quan hơn, không khí gia đình có vẻ ấm áp hơn. Lúc nầy chị tư  đổi về làm việc gần nhà có hai cháu ngoại lui tới cũng làm ông nguôi ngoai nỗi buồn rầu.Những tưởng gia đình đoàn tụ vui vẻ với đám cưới của em gái út ; ngờ đâu sóng gió laị tiếp tục kéo đến, chị tư và hai con đi vượt biên năm 85 bị chìm tàu, ba cái chết thật thảm, tàu chưa ra được bao xa đã bị nước tràn vào, máy bơm nước ra bị hư, chỉ vì chủ tàu tham lam chở quá số người gần gấp đôi, phần lớn là đàn bà và con nít bỏ xác gần hết, trong số đó có chị và hai con gái, lúc đó hai đứa mới 7 và 8 tuổi. Cái chết của chị tôi và hai con đã là một sự mất mát vô cùng đau đớn và bi thảm đối với gia đình. Ba tôi sau ngày biết tin nầy hầu như sức khỏe vốn đã yếu lại càng thêm yếu,ông như ngọn đèn dầu leo lét chực tắt lịm đi. Chỉ sau đám cưới tôi hơn tháng rưỡi, trong một đêm khó thở phải vào bệnh viện cấp cứu, ba tôi đã mất, con cái đứng cạnh đó nhưng ông đã lịm dần.Hồi mẹ tôi mất, ba và các anh chị em tôi có đủ mặt cả. nên chắc bà cũng yên lòng ra đi thanh thản giữa vòng tay thương yêu của chồng con. Còn ba tôi. những ngày cuối đời của ông, tôi lại không có bên cạnh để chăm sóc ông, lúc đó tôi đã ở bên nhà chồng, chỉ vài ba ngày ghé về thăm ông thôi, gia đình lại vắng vẻ, ban ngày chỉ có mình ba cô đơn, bệnh hoạn, con cái đứa còn, đứa mất, đứa ở xa, anh hai và em gái tôi ở chung thì lại bận đi làm cả ngày, chiều tối mới về, tuổi già cuả ba tôi buồn bã quá, chúng tôi, những đứa con còn lại của ba. quả đã thiếu sót sự quan tâm săn sóc rất nhiều cho ba, sau nầy dù vật chất đầy đủ, có muốn trả hiếu thì ba cũng đâu còn trên đời nữa !!
            Đám tang ba tôi buồn bã và lặng lẽ lắm, lối xóm chung quanh, người thân quen cũng vắng xa hết từ sau 75, lớp người ngang hàng với ba tôi cũng mất đi nhiều. Lúc còn sinh tiền, nhiều lần ba tôi đã dặn dò con cái, sau nầy ba mất hãy đem thiêu rồi gửi vào chùa, có lẽ vì ba tôi không muốn các con phải tốn kém quá nhiều cho tang lễ  ông, nhất là sau 75, cuộc sống của gia đình tôi hoàn toàn sa sút, chưa kể đến những mất mát bi thảm của những người thân trong gia đình. Tôi còn nhớ hoài: những năm 80, nhà tôi vô cùng vắng vẻ, chỉ có ba, tôi và đứa em gái út, ba cha con ăn uống thật cực khổ, cơm độn mì sợi hay khoai mì, khoai lang, bo bo mua kèm với gạo của nhà nước cộng sản bán. Ba tôi lúc đó thật vất vã, cứ phải lo xếp hàng hết đi mua gạo tới mua khoai, hay mua bột mì rồi đem đi đổi lấy bánh mì, những năm đó cuộc sống của gia dình thật khó khăn thiếu thốn. Nhờ đi học. em tôi mới mua gạo theo tiêu chuẩn dành cho học sinh là được mỗi người 13 kg/ tháng với giá rẻ, cộng thêm ít tiền học bỗng giúp ba cha con sống qua ngày, bữa cơm của cha con tôi lúc đó thật đạm bạc, chỉ có cơm độn va dưa leo chấm chao hay nước tương. Tôi thương ba vô cùng lúc đó, những buổi chiều về sớm ngừng chiếc xe đạp trước cửa, thấy ba đang ngồi lựa từng hạt thóc lẫn trong gạo, trời nóng ba ở trần , nhìn người ba ốm nhom trơ cả xương sườn tôi thấy tim nhói đau vì thương ba, nước mắt chực tuôn ra khóe mắt,  tôi muốn ôm ba liền lúc đó mà khóc òa trong lòng ba như hồi còn nhỏ. Tôi không bao giờ tưởng tượng nỗi sự thay đỗi quá khác biệt của ba tôi sau 75, từ một người cha  nghiêm khắc, ít nói, mọi việc lớn nhỏ trong nhà trước đều do một tay mẹ tôi lo toan, ba là một người chủ gia đình đúng nghĩa, ông chỉ biết đi làm thôi. Vậy mà thế đấy! sau ngày mất nước, ba bỗng trở thành người nội trợ bất đắc dĩ: ba đi chợ, đi mua gạo, rồi nấu cơm, tự giặt lấy quần áo của mình, chị em tôi cứ nghĩ đến những điều nầy mà thấy thương ba ngập lòng và cảm thấy mình quả thật thiếu sót nhiều với ba quá, không tròn bổn phận làm con đối với ba..
          Những ngày đám tang ba, tôi xin phép nhà chồng về nhà chịu tang ba. Sau ngày đưa tang, tôi còn ở lại nhà đến ba ngày sau gọi là ngày mở cửa mã. Xế trưa hôm ấy nấu mâm cơm cúng bàn thờ ba, chờ nhang tàn tôi lạy bàn thờ ba rồi về lại bên chồng, tôi vừa đi vừa khóc nức nở, khóc vì thương nhớ ba quá. Ngày mẹ mất tôi cũng khóc nhiều lắm, nhưng ba mất tôi còn có nỗi ân hận là những ngày cuối cùng tôi đã không ở cạnh săn sóc cho những đau đớn về thể xác của ba. Tết năm ấy trưa 30 tôi cũng về nhà cúng cơm đón ông bà cùng các anh chị em, nhưng nhà buồn lắm vì vắng ba mất rồi. Mọi năm ba đốt nhang trước bàn thờ mẹ, còn bây giờ anh hai tôi đốt nhang thay ba và trên bàn thờ lung linh qua làn khói nghi ngút có thêm hình ba bên cạnh hình mẹ; chúng tôi không ai nói với ai nhưng nỗi đau đớn nghẹn ngào đang dâng cao trong lòng từng anh em tôi. Bữa cơm gia đình ngày cuối năm rồi cũng trôi qua trong lặng lẽ bùi ngùi, tôi và đứa em gái út ăn cơm trong nước mắt, hai chị em nhớ ba quá đỗi, vì sau 75 trong gia đình chỉ có hai đứa tôi là sống gần gũi với ba và cùng ba chia xẽ những nỗi đau đớn mất mát người thân trong gia đình nhiều nhất.
          Gần 4 năm sau ngày ba mất, tôi qua Mỹ cùng chồng diện HO. Ra nước ngoài thì đời sống vật chất dù không giàu có, nhưng so với ở Việt Nam thì đầy đủ hơn nhiều. Những lúc nầy tôi lại nhớ đến ba, khi tôi tương đối có khả năng có thể lo cho ba một đời sống về già thoải mái vui sống với các con các cháu thì ba đã đi theo mẹ  mất rồi. Anh hai tôi rồi em gái tôi cũng lần lượt qua Mỹ; anh em tôi ở khác tiểu bang, dù vậy mỗi năm tới ngày giỗ ba chúng tôi cũng nấu mâm cơm tưởng nhớ. Anh hai tôi gìờ đã là ông ngoại, tôi và em gái tôi cũng bận rộn cho gia đình riêng của mình. Mỗi lần giỗ ba, tôi đi làm về ghé tiệm mua mấy món ăn nấu sẵn mà ba tôi lúc còn sinh tiền thích, một mình tôi loay quay bày cúng, lần nào cũng thế đốt xong mấy nén nhang trước ảnh ba rồi tôi ngồi khóc một mình lặng lẽ, nỗi nhớ ba cùng nỗi ân hận đã không trọn phận làm con trong thời gian cuối đời của ba. Tôi và em gái út, hoặc tôi hoặc nó gọi điện thoại cho nhau cả giờ, hai chị em nhắc lại những kỹ niệm lúc chỉ có ba cha con ở nhà bên nhau sau ngày mất nước. Hai đưá tôi nhắc đi nhắc lại mãi, rồi cùng khóc trong diện thoại. Nếu có ai biết chuyện mà trách tôi sao cứ sống hoài với quá khứ đau buồn làm chi, tôi cũng không buồn vì lời trách móc đó, tạo hóa đả ban cho tôi một trí nhớ dai về những chuyện quá khứ dù vui hay buồn, nhưng phần lớn là chuyện buồn nhiều hơn. Với ba tôi có một tâm sự thật sâu kín và có lẽ chĩ có ba biết cho tôi thôi, tôi không bao giờ có thể thố lộ cùng ai được, chắc ba cũng thương đứa con gái nhỏ nầy mà không trách phiền gì con !!!
        Ba ơi, ngày giỗ ba mới vừa qua. Ở Việt Nam, chị ba và thằng sáu cũng làm giỗ ba, con có goị điện thoại về nói chuyện hôm đó. Còn ở bên nầy anh hai, rồi con, rồi con út, tụi con ba anh em ở ba nơi khác nhau cũng có làm giỗ ba. Tụi con hay nói đùa với nhau, mỗi lần giỗ, ba tha hồ đi khắp nơi, ăn cơm Việt Nam rồi qua Mỹ ăn cơm bên Mỹ; lúc sống ba không có dịp đi xa, gìờ ba mất rồi, mỗi năm tới ngày giỗ, ba sống khôn thác thiêng bay qua Mỹ thăm các con ba nhé, rồi ba ăn với con gái ba một bữa cơm gia đình ấm cúng. Ba ơi, con lại tưởng tượng nhiều quá rồi, trước mặt con là bức ảnh cả gia đình mình chụp từ năm 1960, lúc đó con mới lên 6 tuổi.Nhìn hình đúng là một gia đình hạnh phúc; bức ảnh đã lem luốc rách nát vì cơn hỏa hoạn năm xưa nhà mình bị cháy, ba đã cố len vào nhà sau khi ngọn lữa đã được dập tắt, và ba đã tìm thấy bức ảnh với khung kiến bể nát nằm trơ giữa đống gạch ngói tro than ngỗn ngang, ba đã nhặt nó lên và gói ghém cất kỹ bao nhiêu năm trong tủ giấy tờ sổ sách của ba. Sau ngày ba mất con thu dọn lại tủ thì mới thấy bức ảnh kỹ niệm, ba đã gói nhiều lớp giấy và cất cẩn thận trong tủ. Con đã khóc và lặng người thật lâu bên tấm hình, nhìn hình con thấy nhớ và thương ba quá. Con đã mang tấm hình theo qua Mỹ với hy vọng sẽ nhờ kỹ thuật tân tiến bên nầy khôi phục lại được phần nào nguyên bản của nó.
       Sắp tới ngày lễ Cha ở Hoa kỳ con viết những dòng nầy để tưỏng nhớ đến ba, và cũng để cho vơi bớt đi phần nào nỗi ray rức ấp ũ trong lòng con bao lâu nay, con chợt nhớđến hai câu hát cuối trong một bài nhạc mà  con rất thích thật đúng với tâm trạng của con mỗi lần nghĩ về ba. ba kính yêu muôn đời của con:..”Có những niềm riêng trọn đời dấu kín..nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi…!!!”
                                                                                 QUÁCH THÁI-ANH

Không có nhận xét nào: