Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, CHỐNG NGẬP VÀ … NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, nhà địa chất học hàng đầu của Việt Nam, là người có tư cách nhất khi nói về biến đổi khí hậu, về tài nguyên khoáng sản cũng như những gì diễn ra trong lòng đất. Ông vô cùng dị ứng với các hoạt động khoa học theo “bầy đàn” và là kẻ thù của giới học phiệt.

Từng là giám đốc kiêm chủ nhiệm nhiều phương án nghiên cứu đo vẽ bản đồ địa chất Đệ Tứ đồng bằng Việt Nam, ông còn là đại diện Việt Nam tham gia nghiên cứu các đề tài địa chất Đệ Tứ khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Chương trình Liên kết địa chất quốc tế (IGCP 218 và IGCP296) và đề tài Khí hậu trong quá khứ CLIP của UNESCO. Những kết quả nghiên cứu về địa chất và môi trường Đệ Tứ của ông hơn 40 năm qua đều là những vấn đề mới đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế, không những có giá trị ứng dụng đối với việc quy hoạch phát triển kinh tế, đối với việc khai khoáng mà còn có ý nghĩa đối với khoa học lịch sử, đối với văn hóa, xã hội.

Gần 10 năm trước, từ kết quả nghiên cứu của ông, tôi đã viết loạt bài “Dựng nước sau đại hồng thủy” đăng trên báo Thanh Niên. Những kết quả nghiên cứu địa chất mới nhất của ông có thể giúp chúng ta hình dung rõ hơn về diện mạo của đất nước từ thời các vua Hùng, đồng thời có cái nhìn hoàn toàn khác về vấn đề biến đổi khí hậu.

Không phải ngẫu nhiên tùy hứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi trúng cử đã vội tuyên bố Chương trình đối phó với biến đổi khí khậu của Liên Hiệp Quốc là “bịp bợm”. Là một Tổng thống Mỹ, ông Trump chắc chắn phải có đủ dữ liệu khoa học để phát ra lời tuyên bố đó. Đọc được tin này, tôi gọi ngay cho tiến sĩ Kỷ, ông vui mừng như gặp một tri âm. Bởi vì ông là người Việt Nam đầu tiên phản bác chương trình quốc tế này bằng những dữ liệu khoa học khó mà chối cãi.

Những nghiên cứu cổ địa chất mà tiến sĩ Kỷ và đồng sự tiến hành cho thấy, suốt trong thời kỳ địa chất Đệ Tứ (khoảng 2 - 2,5 triệu năm trước đến ngày nay) Việt Nam có 4 lần biển thoái và 4 lần biển tiến, hình thành 8 tầng trầm tích nguồn gốc lục địa và biển đan xen chuyển tiếp với nhau.

Trong 4 lần biển tiến thì lần thứ ba là biển tiến đột biến có niên đại 4.115 năm (sai số ± 50 năm), mực nước biển dâng lên tới 5,5 mét so với giai đoạn cuối của thời kỳ biển thoái (âm 2 mét so với mực nước biển hiện nay), tức là cao 3,5 mét so với mực nước biển hiện tại. Mực nước biển cao này “ở lì” tại đó trong một khoảng thời gian là 1.015 năm, đến cách đây 3.100 năm mới bắt đầu thoái và hạ xuống mức cực tiểu âm 6 mét so với mực nước biển hiện nay vào khoảng thời gian cách đây 2.300 năm. Từ thời điểm đó biển bắt đầu tiến, tiến từ từ cho đến ngày nay.

Nhìn ngọn núi đá lớn trên vịnh Hạ Long, bạn sẽ thấy một vệt lõm thắt lại như một cai eo, vệt lõm đó chính là do sóng biển vỗ vào lâu ngày mà thành, vì có một thời mực nước biển ở ngang mức đó. Thời biển tiến đột biến, gần hết đồng bằng Bắc bộ là biển, và thời biển thoái có lúc cả Đông Nam Á nối thành đất liền. Biển thoái và biến tiến gắn liền với lịch sử dân tộc : biển tiến thì dựng nước và biển thoái phải giữ nước.

Thực tế đó cho thấy, biển dâng không phải là do “hiệu ứng nhà kính” gì đó khiến cho băng tan mà do những tai biến địa cầu ngoài khả năng hiểu biết của con người. Giới học phiệt của Liên hiệp quốc hoàn toàn bỏ qua những dữ liệu về cổ địa chất, nhưng chắc chắn bộ tham mưu của ông Trump thì không.

Hai năm trước, khi ông Đinh La Thăng còn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, tiến sĩ Kỷ có gửi cho tôi một tài liệu. Đó là kết quả nghiên cứu mới nhất của ông và các nhà khoa học già cộng sự của ông về tình trạng triều cường, về vấn đề bất thường của lũ lụt, về tình trạng sạt lở ở ĐBSCL và tình trạng ngập ở TP.HCM. Công trình là một giải pháp kép sử dụng đập mở chặn thủy triều để giữ nước sông ở ĐBSCL và chống ngập ở TP.HCM cũng như các đô thị khác trong khu vực. Trong đó chi phí cho công trình chống ngập tại TP.HCM chỉ bằng hơn 1/10 chi phí của dự án chống ngập mà chính quyền TP.HCM đang triển khai. Tôi tin vào tài năng và cách làm việc nghiêm cẩn của tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, nhưng tôi không phải là nhà chuyên môn nên không đủ trình độ để đánh giá công trình có khả thi hay không. Tôi hỏi ông sao không gửi cho thành phố, ông bảo có gửi và người ta có tổ chức hội thảo, nhưng không một vị lãnh đạo nào đến dự, mặc dù các nhà khoa học đánh giá là khả thi và Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nói rằng vì công trình của ông “chưa có số liệu tính toán cụ thể về Tiêu chuẩn kỹ thuật đơn giá định mức và chưa áp dụng rộng rãi”, nên đề nghị ông liên hệ với Sở Khoa học công nghệ “đăng ký thực hiện đề tài”. Coi như người ta đã lịch sự xếp xó.

Tôi đề nghị ông gửi lên Thủ tướng. Ông đã gửi, và Thủ tướng đã chuyển công trình của ông cho 3 Bộ xem xét. Trong khi đó, thành phố đã triển khai dự án chống ngập 10 ngàn tỷ mà không hề có một động tác nào “giúp đỡ” tiến sĩ Kỷ hoàn thiện thiết kế theo đề tài này.

Tôi có đến thăm tiến sĩ Kỷ, nay đã 83 tuổi, hôm đó có mặt các nhà khoa học cao niên đồng nghiệp của ông. Các lão nhân gia nói chuyện khoa học một cách hào sảng trong đôi mắt vô tư như con trẻ. Nhưng con trai ông đang ngồi đó, nói chen vào : “Công trình của bố ít tiền quá người ta không xem đâu, phải nhiều tiền người ta mới quan tâm”.

Mấy ngày qua, báo chí và mạng xã hội nói nhiều về dự án Nhà hát giao hưởng 1500 tỷ vừa được Hội đồng nhân dân thông qua. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc có một nhà hát như vậy ở Sài Gòn, đó là điều quá tốt. Nhưng lãnh đạo nên đồng thời động não về những vấn đề bức bách hơn. Bức bách ở đây không phải là chi ra một núi tiền như cái dự án 10 ngàn tỷ đang ỳ ạch, không phải là dùng cái trạm bơm khổng lồ gì đó để hút nước nhưng nước vẫn hoàn nước.

Lãnh đạo TP.HCM đang tuyên bố thu hút nhân tài. Một nhân tài như tiến sĩ Kỷ đem sức tàn của mình muốn hiến dâng giải pháp ít tốn kém nhất cho thành phố, nhưng một câu hỏi han ông cũng không nhận được từ lãnh đạo, chỉ vì giải pháp của ông tiêu tốn quá ít tiền cho ngân sách để cho thành phố có thể dùng tiền tiết kiệm này mà làm nhà hát giao hưởng và những công trình văn hóa có tầm. Đất nước này không biết sẽ đi về đâu ?

HOÀNG HẢI VÂN

Ghi chú : TG Hoàng Hải Vân có thể là một nhà báo dù bài này được trích trên FB


Không có nhận xét nào: