Hơn tuần nay, gần như cả xã hội lên cơn sốt và lên cơn “sốc” thật sự về sự kiện clip sex VA, nhân vật chính của bộ phim truyền hình Nhật ký Vàng Anh đang hút khách, do cô bé H.T.L hoá thân, bị phát tán lên mạng với những “pha” mà theo bình luận của nhiều bạn trẻ, còn hơn cả “sex”. Những bàn cãi đa chiều trên báo chí, trong xã hội còn chưa dứt thì tối 15-10, Đài Truyền hình VTV3 phát sóng buổi ghi hình NKVA chia tay khán giả với thời lượng khá dài, 15 phút.
Dù trước đó, bộ phim này đã gây tranh cãi gay gắt, bị nhiều lời phê phán, chỉ trích khá ầm ĩ nhưng phải đến khi những pha “sex” của VA- HTL như đổ dầu vào lửa thì bộ phim mới tắt ngóm(!).
Tuy nhiên, khi chương trình chia tay đã khép lại thì kết cục mở ra lại là hiệu ứng “ngược”, khiến người xem rất phản ứng, cho là “phản cảm”, thậm chí có tờ báo dùng bốn chữ “chương trình tôn vinh”.
Vàng Anh buổi chia tay |
Còn một người đồng nghiệp lớn tuổi thì thốt lên phẫn nộ: “Thật là nhục cho cha mẹ nó. Vừa thương, vừa giận, vừa nhục!”. Và mới đây, buổi sáng 16-10 thôi, ngay sau khi chương trình chia tay VA-HTL với rất nhiều cảm thông, thương xót, thân ái vỗ về… vừa khép lại thì như một dụng ý cười cợt xúc phạm, cả xã hội lại phải tiếp tục xôn xao về clip sex mới tung ra của một kẻ giấu mặt nhưng rất trắng trợn khi thực hiện hành vi thực chất là cố tình truyền bá băng hình "sex" dài tới 16 phút, và còn "nặng đô" hơn nữa, của VA-HTL cùng nhân vật cũ, thì sự bẽ bàng, xấu hổ và đau, có lẽ bây giờ không phải là của cá nhân VA-HTL mà là của cả nhóm những người trong cuộc tối 15-10, cho dù họ làm với đầy thiện chí.
Xét cho cùng, chuyện phát sóng tối 15-10 (đã lỡ rồi), dù chẳng hay ho gì cũng vẫn là một chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn, từ câu chuyện xì-căng-đan VA-HTL mới là chuyện của người lớn chúng ta, chuyện lối sống thế hệ trẻ và chuyện văn hoá một đất nước thời toàn cầu hoá và hội nhập. Trước đó, khi clip sex (lần 1) mới phát tán, vẫn có rất nhiều lời bênh vực cho hành vi của VA-HTL, rằng đó là cách sống cá nhân của cô ấy, cô ấy đủ tuổi chịu trách nhiệm về hành vi, lối sống của chính mình. Đáng phê phán là kẻ “giấu mặt” đê tiện.
Điều đó cũng đúng. Nhưng lại có một lý lẽ nữa không kém phần thuyết phục, đó là một khi trở thành người của công chúng, thì lối sống cá nhân bồng bột, nông nổi hay nhẹ dạ buông thả của người nghệ sĩ, người diễn viên đôi khi lại phải trả đắt đến khắc nghiệt. Đó không còn là chuyện cá biệt. Trên thế giới hay ở VN ta cũng vậy, đã có nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng phải trả giá không rẻ cho cách sống hay những sơ sểnh của chính mình
Bởi tình yêu công chúng dành cho các nghệ sĩ, diễn viên càng nhiều thì sự nổi giận hay nỗi thất vọng ở họ cũng càng lớn. VA-HTL chưa phải là một diễn viên người lớn, nhưng chính vì là một diễn viên trẻ, lại là nhân vật chính đóng vai ngoan hiền của bộ phim giáo dục tuổi teen ăn khách, hấp dẫn không ít các em nhỏ nên cú “sốc”, nỗi thất vọng và sự chê trách, đặc biệt ở các bậc cha mẹ còn lớn và loang rộng hơn. Không ít các bậc cha mẹ bối rối, lo lắng vì những lời bàn tán của con em mình trước "thần tượng" của chúng bị sụp đổ.
Nhưng câu chuyện VA-HTL cũng khá điển hình phản ánh một hiện tượng xã hội phổ biến về lối sống của giới trẻ lâu nay. Đứa cháu gái tôi bảo : “Con tưởng gì, cô không biết à? Bây giờ ở Bệnh viện C, hàng ngày có những đứa con gái 15-16 tuổi đã đi nạo thai, không chỉ một lần cô nhé, mà nhiều lần!”. Còn nhiều người lớn tuổi chép miệng đầy bất lực: “Xã hội bây giờ nó thế!”.
Nghe câu nói đầy “bó tay.com”, tôi bỗng nhớ đã đọc ở đâu đó một bài báo về hội nhập, trong đó có một câu rất đáng suy ngẫm: “Mặt trái của toàn cầu hoá, của hội nhập là gì? Không phải là nỗi lo, sự thách thức tụt hậu về kinh tế, mà chính là sự “xâm lăng” về văn hoá”. Mở Từ điển Tiếng Việt thông dụng, thấy định nghĩa: “Văn hoá là những giá trị vật chất, tinh thần được con người tái tạo ra trong lịch sử… Văn hoá là đời sống tinh thần của con người…Văn hoá là lối sống, cách ứng xử…”.
Nếu đối chiếu giữa định nghĩa mang tính lý thuyết màu xám, đầy bình yên trong từ điển với thực tiễn đời sống văn hoá vô cùng sinh động, phức tạp, đầy biến động trong xã hội ta thời kinh tế thị trường thì qủa thật, đất nước ta đã và đang đứng trước một sự “xâm lăng” văn hoá lặng lẽ, ngấm ngầm đầy hiểm hoạ, hiểm hóc trong “thế giới phẳng” của thời đại toàn cầu hoá và hội nhập. Cần hiểu đầy đủ cả hai mặt tốt xấu, hay dở của quy luật tất yếu này.
Sự hội nhập không chỉ đem tới cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc những thành quả chung của trí tuệ loài người về kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá xã hội, có giao lưu tự nhiên, có cho và nhận nhưng cùng đó, không thể tránh khỏi những rác rưởi tanh tưởi cũng của chính con người tạo ra. Vấn đề là cơ chế quản lý chặt chẽ hay sơ hở, là quản lý “cao tay” hay “kém cỏi” của mỗi quốc gia mà thôi.
Mặt trái của toàn cầu hoá và hội nhập càng trở thành thách thức, thành sự “xâm lăng” văn hoá tự nhiên rất nhanh chóng bởi thời đại này là thời đại kết nối toàn cầu, thời đại của Internet, của những phương tiện kỹ thuật công nghệ cao. Thời đại mà khoảng cách không gian quá xa xôi giữa bên này hay bên kia bán cầu trở thành không còn ý nghĩa.
Mặt trái của toàn cầu hoá hay hội nhập càng trở nên đe doạ nền tảng văn hóa, bản sắc và những giá trị truyền thống, vừa là tinh hoa vừa là hồn cốt và đạo lý sống của mỗi đất nước, trong đó có đất nước ta nếu chúng ta không đủ mạnh, không đủ tâm và tầm để hướng đạo cho tuổi trẻ vừa biết cách thích ứng và tiếp nhận cái mới, cái văn minh, vừa biết “dị ứng” với cái xấu, cái độc hại. Cái gốc của nền tảng văn hoá ấy vẫn là giáo dục, trong đó đặc biệt giáo dục gia đình. Gia đình vốn là một môi trường giáo dục, một tế bào vừa non trẻ, vừa cỗi rễ của xã hội nhưng từ quá lâu rồi đã bị coi nhẹ, và bị lung lay nhiều nhất, rõ nhất trong thời kinh tế thị trường hiện nay.
Nền giáo dục của đất nước ta đã trải qua ba, bốn cuộc cải cách, đổi mới. Cho dù mục tiêu dạy chữ- dạy người được xây dựng rất kỹ cho từng cấp học, trong thực tế, chúng ta mới “chạm” được đến sự đổi mới về hệ thống, mới loanh quanh tranh cãi đi tranh cãi lại về xây dựng chương trình, sách giáo khoa, mô hình giáo dục, mới “chạm” được một cách gian nan chuyện dạy chữ, mà ít “chạm” được tới dạy người, với căn cốt cơ bản của khái niệm này.
Mặt khác, quan niệm dạy người cứng nhắc, hình thức, hô khẩu hiệu quá nhiều mà ít đi được vào tâm hồn tình cảm thực của tuổi trẻ, vô tình người lớn chúng ta dường như dạy cho học sinh phép “phân thân, dối trá” nhiều hơn. Hãy cứ xem các em học sinh đối phó với việc cấm đi xe máy tới trường học. Hãy cứ xem sự “phân thân” của học sinh từ tiểu học, trung học cơ sở, ở trường gặp thầy cô giáo rất ngoan, lễ phép, nhưng ra khỏi cổng trường, nói tục chửi bậy rất ghê.
Và hãy cứ xem cô bé VA-HTL. Khi cô bé “hoá thân” rất giỏi vào nhân vật VA ngoan hiền trên màn ảnh truyền hình, hướng đạo cho các em bé tuổi teen, thì phải chăng cũng chính là cô bé “phân thân” rất giỏi trong cuộc đời, khi cô ấy trả lời phỏng vấn trơn tuột về sự không quan tâm gì đến yêu đương, chỉ lo chuyện học hành. Biết đâu, sau câu trả lời đầy chất nữ sinh ấy, cô bé cười thầm với chính mình, cười những người lớn sau những câu trả lời ngoan hiền.
Có một thực tế không thể phủ nhận, khi so sánh cuộc sống của nhiều gia đình trong cơ chế thị trường hiện nay. Mức sống, vật chất có thể tương đương nhau, nhưng lối sống giữa các gia đình có thể văn minh cao thấp khác nhau, căn cứ vào nền tảng giáo dục, văn hoá của mỗi gia đình được dung dưỡng, được bồi đắp, được quan tâm coi trọng hoặc bị coi nhẹ ra sao. Bởi lối sống mới là quan trọng, là thể hiện phẩm cách, khí chất và tâm hồn con người. Nhìn vào các quốc gia cũng vậy. Cách đầu tư, quan tâm chăm sóc đến giáo dục và văn hoá đúng hướng của quốc gia nào trong thời hiện tại sẽ hiểu được sự phát triền trường tồn của quốc gia ấy trong tương lai.
Không thể phủ nhận chất lượng cuộc sống của số đông nhân dân đất nước ta, nhất là vùng đô thị trung tâm cao hơn trước rất nhiều. Đời sống con người mỗi ngày thêm phong phú với các phương tiện kỹ thuật công nghệ thông tin cao. Nhưng sự hiện đại và phát triển cũng dường như đang đi kèm với ngày một mất đi những giá trị văn hoá truyền thống của người Việt, đặc biệt trong lối sống của lớp trẻ. Chúng ta hay nói đến xây dựng và bảo vệ một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, hay nói đến xây dựng gia đình văn hoá. Nhưng quản lý văn hoá có lẽ là một trong những sự quản lý khó nhất, đầy thách thức nhất và cũng lỏng lẻo, hời hợt, trôi nổi nhất.
Ở ngay Hà Nội thôi, đâu đâu cũng có thể thấy nhà hàng khách sạn sang trọng, nhà nghỉ thư giãn, vũ trường gắn liền với tệ nạn thuốc lắc, ma túy, gái gọi... nhan nhản như nấm sau mưa, nhưng trường học luôn thiếu đất. Trẻ em, thanh niên luôn thiếu những nơi vui chơi, sinh hoạt lành mạnh. Trong cái “thế giới phẳng” này, mọi thông tin, hình ảnh, lối sống đa chiều đều có thể được thẩm thấu qua những bộ lọc - đầu óc với nhận thức non nớt, không được giáo dục và định hướng kỹ lưỡng, trong khi mức sống hưởng thụ của nhiều gia đình khá cao, thì scăngđan VA-HTL quả là cũng không quá khó hiểu.
Ngày nay, sự “nuốt chửng” một quốc gia, một dân tộc bằng súng đạn, bằng chiến tranh giữa nước này với nước khác không mấy dễ dàng, trong mối quan hệ chằng chịt giữa lợi ích các quốc gia, các dân tộc. Nhưng sự “xâm lăng” văn hoá một cách từ từ, hoặc ngấm ngầm, hoặc công khai lại là một cách “nuốt chửng” bản sắc và hồn cốt một dân tộc, được bắt đầu bằng sự tấn công vào cách hưởng thụ và lối sống của lớp người trẻ tuổi, thế hệ vừa thích học đòi cái mới cái lạ, vừa đầy biến động trong nhận thức, tâm lý phát triển và cũng dễ đổ vỡ niềm tin. Trong hành trình hội nhập để phát triển, xin hãy tỉnh táo và chớ coi nhẹ sự quản lý văn hóa - lĩnh vực đa dạng, đa chiều đầy biến ảo...
Xì-căng-đan VA-HTL là câu chuyện vấp ngã đau đớn, bẽ bàng của một cô bé diễn viên trong đời sống xã hội thị trường tiêu dùng và thực dụng đầy phức tạp, nhưng lại đặt ra những vấn đề lớn hơn, rộng hơn và cũng đau hơn, sâu sắc hơn cho mọi người lớn, cho giáo dục mỗi gia đình, cho các nhà quản lý giáo dục, văn hoá và quản lý đất nước.
- Kim Dung
Ho ten: Nguyễn Tử Siêm
Dia chi: Hà Nội
Email: siiemnguyentu@...
Tieu de: Có 3 cô bé Vàng Anh
Noi dung: Tôi đồng tình với phân tích có tính khái quát của tác giả Kim Dung.Có 3 cô bé Vàng Anh: một là thần tượng tuổi teen đã được tạo dựng, hai là cô bé vô cùng sex theo đánh giá của các bạn trẻ, và ba là cô bé giả dối trơn tuột mà VTV3 dành cho 15 phút lên hình (tốn cỡ 450 triệu). Cuộc "xâm lăng văn hoá" tạo nên một "hiệp sĩ" trẻ mà chỉ mới ra quân trận đầu đã đánh bại hoại nhiều "chiến sĩ trên mặt trận văn hoá" dày dặn trận mạc. Vấn đề phải được xem xét rộng hơn nhiều so với bản thân sự cố.
Ho ten: Đỗ Ngọc Dương
Dia chi: TP.HCM
Email: vothingocduyen@...
Tieu de: Thật ý nghĩa và sâu sắc
Noi dung: Trong những ngày qua, thế giới ảo xôn xao bàn tán rất nhiều về việc này. Thứ nhất là về HTL , thứ hai là về VTV3 và đến hôm nay, sau khi xem hết bài viết này tôi thấy bài viết thật ý nghĩa.
Ho ten: Tuấn
Email: xy_vuitinh_didom86ht
Noi dung: Tôi nghĩ không cần thiết có một chương trình chia tay VA-HTL như vậy. Bạn thử nghĩ coi một người đóng phim giáo dục mà như vậy thì giáo dục được ai? Vả lại có rất nhiều người có thể là nghệ sĩ, là doanh nhân, là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tại sao không xây dựng một chương trình về họ? VA-HTL chỉ là một người nhỏ bé trong xã hội có lối sống không xứng đáng được lên truyền hình như vậy. Rồi sau này không biết bạn bè, người thân,...sẽ nghĩ gì?
Ho ten: Nguyễn Tuấn Anh
Dia chi: 75 Hồ Hảo Hớn, Quận 1, tp.HCM
Email: duonghieuxao@...
Noi dung: Kinh phí mà VTV bỏ ra làm chuơng trình chia tay NKVA thì nên dùng để làm các chương trình từ thiện, như thế tốt gấp trăm lần. Bao nhiêu người không có cái ăn, không có nhà ở, không có cả quần áo. Tôi không trách Thuỳ Linh, nhưng thật buồn cho cái tuổi đôi mươi ấy lại quá sành sỏi trong chuyện người lớn. Mong Linh sớm sửa đổi, và mong đài truyền hình hãy làm nhiều việc có ích cho người dân. Xin cảm ơn.
Ho ten: Vũ Thị Hồng Nhựt
Email: hongnhut305@...
Noi dung: Qua đây cho thấy, đường lối giáo dục đang bị suy thoái trầm trọng! Thời gian dài gần đấy, nền giáo dục nước ta chỉ luôn chú trọng đẩy nhanh chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng cho nhu cầu xã hội, mà quên hẳn đi trách nhiệm giáo dục một con người. Những thuần phong mỹ tục ngày càng không được chú trọng. Chính vấn đề này đã đẩy nhiều thế hệ chạy theo lối sống thực dụng, không hoài bão, không có ước mơ cống hiến ở tầm vĩ mô mà chỉ chạy theo lối sống vị kỉ, hưởng thụ. Cho dù một đất nước có phát triển nền kinh tế đến đâu, nhưng con người không hoàn thiện về nhân cách, sống không bản lĩnh thì cũng giống như một người ngu dốt có của cải vậy, thử hỏi như thế có phải là một đất nước phát triển hay không? Tôi mong rằng, các nhà lãnh đạo sẽ nhận ra trách nhiệm của mình sớm hơn. Nền giáo dục Việt Nam nên chú trọng phát triển nhân cách con người trước tiên, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, hơn chú trọng phát triển một nền tri thức chạy đua, đáp ứng nhu cầu xã hội. Có câu : "Tiên học lễ, hậu học văn", nhưng dường như câu này đã bị lãng quên, không chú trọng.
Ho ten: Ngoc Anh
Dia chi: Ha Noi
Noi dung: Là người theo dõi sự kiện này từ khi bắt đầu, tôi rất đồng tình với những đánh giá khách quan của tác giả Kim Dung. Không thể phủ nhận rằng xã hội Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Giới trẻ có cơ hội dễ dàng và nhanh chóng tiếp xúc với nhiều luồng văn hoá khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng mua hoặc thuê một cuốn phim sex tại rất nhiều cửa hàng băng đĩa, thậm chí từ những người bán đĩa rong trên hè phố. Sự kiện phim sex của Thuỳ Linh được tung lên mạng đã cho thấy những góc tối trong tâm hồn đang lớn của giới trẻ. Theo tôi, giới trẻ ngày nay có nhiều bạn có lối sống như Thuỳ Linh, nhưng cũng có rất nhiều bạn trẻ bản lĩnh để xây dựng cho mình một nhân cách tốt và thành đạt. Tôi thấy lối sống suy đồi như vậy là không chấp nhận được và tệ hại hơn nữa, được che đậy dưới một vỏ bọc giả dối đáng sợ. Bên cạnh đó, việc đài truyền hình VN làm chương trình chia tay VA là một hành động thiếu thận trọng đáng ngạc nhiên. Nó khiến những thông điệp tốt đẹp mà bộ phim muốn chuyển tải tới khán giả trở nên lố bịch. Qua sự kiện này, mong các bạn trẻ hãy đón nhận cuộc sống sáng suốt hơn. Hãy dành nhiều thời gian cho việc học tập, tìm hiểu những nét đẹp văn hoá để có một bản lĩnh vững vàng khi bước vào đời.
Ho ten: Lâm Thái Học
Dia chi: Châu Thành-Trà Vinh
Email: lamthaihoc0208@...
Tieu de: Bài học kinh nghiệm cho giới trẻ
Noi dung: Thật đáng thương và cũng đáng trách cho một cô bé, một diễn viên đầy triển vọng trong làng phim ảnh Việt Nam. Tôi rất đồng tình với những đánh giả của tác giả Kim Dung. Xã hội Việt Nam đang trang thời kì phát triển và hội nhập, đặc biệt là về văn hoá. Mong các bạn trẻ từ sự việc VA-HTL hãy rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, tập trung cho việc học tập, tìm hiểu và học hỏi văn hoá tốt đẹp, tự rèn luyện bản thân trở thành người văn hoá, phát huy truyền thống tốt đẹp của nước nhà.
Ho ten: Thanh Hoà
Dia chi: Hà Nội
Tieu de: Một chút suy ngẫm
Noi dung: Tôi đã được nghe rất nhiều ý kiến về chuyện VA -HTL. Đúng là khó có thể thông cảm cho một người có những hành vi như vậy. Nói gì đi nữa thì người chịu trách nhiệm chính vẫn là HTL và chính gia đình của HTL. Buổi chia tay HTL được phát sóng là một sai lầm, trong khi đó HTL ko hề có một lời xin lỗi hay nhận sai về bản thân mình. Khi mà HTL thật sự hối hận, biết làm lại cuộc đời để rửa sạch những vết nhơ, tôi mong và tin rằng lúc ấy HTL sẽ nhận được sự cảm thông. Nhưng làm thế nào thì lại phụ thuộc vào bản thân Linh và gia đình của cô.
Blogged with Flock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét