Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2007

Những câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư


Thứ Bảy, 06/10/2007, 10:32

TP - PV Tiền phong có bản hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu cũng như với tư vấn thiết kế và giám sát thi công. Những điều khoản trong các hợp đồng này đang đặt ra các câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi xảy ra thảm họa sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ.

Tập trung mọi nỗ lực tìm kiếm nạn nhân còn bị vùi lấp dưới đống đổ nát gần trụ 13 vào ngày 5/10. Ảnh: Tiến Hưng

Theo hợp đồng, Điều 3.1 quy định về chuyển nhượng hợp đồng đã ràng buộc trách nhiệm các bên liên quan rất chặt chẽ. Nếu không có sự đồng ý trước của Chủ đầu tư thì nhà thầu không được chuyển nhượng hợp đồng hoặc bất kỳ bộ phận nào của hợp đồng hoặc bất kỳ quyền lợi hoặc lợi ích nào trong hay theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, Điều 4.1 qui định về giao thầu phụ: Nhà thầu không được cho thầu phụ toàn bộ công trình. Nhà thầu không được giao cho thầu phụ bất cứ phần nào của công trình mà không có sự đồng ý trước của kỹ sư.

Sự đồng ý này của kỹ sư sẽ không miễn cho nhà thầu khỏi bất kỳ trách nhiệm pháp lý hoặc nghĩa vụ nào theo hợp đồng và nhà thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hợp đồng, sai lỗi và thiếu sót của bất kỳ nhà thầu phụ nào, của người đại diện, người phục vụ hoặc công nhân của nhà thầu phụ và hoàn toàn coi đây là các hoạt động lỗi và thiếu sót của nhà thầu, của người đại diện, người phục vụ hoặc công nhân của nhà thầu.

Nhưng theo lãnh đạo các Cty Vĩnh Thịnh, Thăng Long trả lời phỏng vấn báo Tiền phong thì họ đã được Nhà thầu chính TKN hoặc Nhà thầu phụ VSL giao cho nhiều phần việc của công trình như: Làm móng trụ tạm, lắp giàn giáo và đổ bê tông toàn bộ dầm hộp ở 2 nhịp dẫn cầu vừa sụp đổ. Vậy chủ đầu tư có biết hoặc có đồng ý về hoạt động giao các phần việc cho 2 công ty như vừa nêu?

Cũng theo hợp đồng, Điều 24.2 qui định về bảo hiểm tai nạn cho công nhân: Nhà thầu phải bảo hiểm trách nhiệm pháp lý này và phải tiếp tục bảo hiểm đó trong toàn bộ thời gian mà bất kỳ người nào đó được nhà thầu tuyển dụng làm việc cho công trình.

Cũng có thể công nhân do nhà thầu phụ tuyển dụng và thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm nhưng khi được yêu cầu, nhà thầu phụ đó phải cung cấp cho chủ đầu tư điều lệ bảo hiểm và hóa đơn thanh toán bảo hiểm hiện tại đó cho chủ đầu tư.

Quy định chặt chẽ như thế đặt ra câu hỏi là sau khi tai nạn xảy ra, tại sao phát hiện nhiều công nhân làm việc tại công trường (mặc áo bảo hộ của Cty Vĩnh Thịnh và Thăng Long) không được mua bảo hiểm? Chủ đầu tư phát hiện được sự vi phạm này không, nếu không phát hiện được thì tại sao? Và thực tế có bao nhiêu công nhân của Cty Vĩnh Thịnh và Thăng Long cũng như nhiều công ty khác đã được mua bảo hiểm, và bao nhiêu công nhân làm việc trên công trường không được mua bảo hiểm?

Tuy nhiên, nếu nhà thầu không đóng bảo hiểm cho công nhân thì Điều 25.3 qui định biện pháp đối với nhà thầu như sau: Chủ đầu tư có thể thực hiện và duy trì mọi khoản bảo hiểm đó và trả tiền bảo hiểm cần thiết cho mục đích đó và từng thời điểm sẽ khấu trừ khoản đã trả này vào khoản tiền được thanh toán hoặc sẽ thanh toán cho nhà thầu hoặc thu hồi khoản này như là một khoản nhà thầu nợ chủ đầu tư.

Chủ đầu tư đã thực hiện biện pháp này với Nhà thầu về những công nhân chưa được Nhà thầu đóng bảo hiểm hay chưa? Đặc biệt, với những công nhân làm việc trên công trường xây dựng cầu Cần Thơ chưa được đóng bảo hiểm mà bây giờ gặp nạn thì ai chịu trách nhiệm bồi thường, chủ đầu tư hay nhà thầu? Nếu không buộc được Nhà thầu chịu trách nhiệm thì trách nhiệm đó thuộc chủ đầu tư.

 Ngọc Duyên

Blogged with Flock

Không có nhận xét nào: