Thứ Hai, 1 tháng 10, 2007

Dàn giáo của nhịp cầu sập đã được sửa đổi theo cảnh báo

Theo xác minh của Bộ Giao thông Vận tải, liên danh nhà thầu TKN (Taisei - Kajima - Nippon Steel) đã nhận được thư cảnh báo của ông Hiroshi Kudo, kỹ sư kết cấu thép của tư vấn giám sát. Và các công trình tạm của hai nhịp cầu bị sập đã được chỉnh sửa trước khi thảm họa xảy ra.
> Thảm họa cầu Cần Thơ từng được cảnh báo /Một nạn nhân tử vong tại bệnh viên /Truy điệu các nạn nhân /Nhà thầu Nhật xin lỗi /Toàn cảnh thảm họa 

Theo thông cáo hôm nay của Bộ GTVT, ngày 12/2, nhà thầu TKN có công văn gửi tư vấn giám sát (liên danh Nippon Koei - ChoDai) đề nghị giám sát phương án về các công trình tạm (đà giáo, ván khuôn) cho nhịp dầm hộp đổ tại chỗ của cầu chính.

Ngày 7/3, tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu phải thử tĩnh kết cấu công trình tạm; có bộ phận giám sát riêng về kết cấu dàn bộ phận của công trình tạm để tránh phá hoại và khuyết tật mối hàn; nhà thầu phải quản lý chặt việc giám sát chất lượng móng trụ tạm.

Sau đó, nhà thầu TKN có công văn gửi tư vấn giám sát để báo cáo thiết kế chỉnh sửa về công trình tạm (đà giáo, ván khuôn) cho nhịp dầm hộp đổ tại chỗ của cầu chính.

ảnh
Hiện tượng thiếu an toàn đã xuất hiện trước khi thi công. Ảnh: PV

Ông Hiroshi Kudo, kỹ sư kết cấu thép của tư vấn giám sát, được ông Akiyama, kỹ sư thường trú của gói thầu số 2 - gói cầu chính, giao nhiệm vụ xem xét, thẩm tra nội dung báo cáo này của nhà thầu TKN. Theo kết quả thẩm tra, ông Hiroshi Kudo đã có “báo cáo nội bộ” gửi cho ông Akiyama (bức thư đã được đăng tải). Ông Akiyama đã mời nhà thầu TKN đến trao đổi, yêu cầu nhà thầu kiểm tra lại nội dung thiết kế.

Tại cuộc họp báo ngày 29/9, đại diện nhà thầu Taisei đã khẳng định không hề hay biết thông tin, ngày 29/6, một kỹ sư Nhật đã báo dàn giáo chỉ đảm bảo 15% độ an toàn.

Theo đó, có thể ông Hiroshi Kudo chỉ báo cáo với ông Akiyama, kỹ sư thường trú của gói thầu số 2.

Nhà thầu TKN cũng đã khẳng định, dàn giáo xây dựng, lắp ráp đúng thiết kế, đã thử tải theo quy định và có khả năng chịu tải.

Ngày 30/6, nhà thầu TKN báo cáo kết quả nghiên cứu ý kiến thẩm tra của kỹ sư Hiroshi Kudo và một số nội dung chỉnh sửa, gia cường công trình phụ tạm và phương án chỉnh sửa các công trình tạm (ván khuôn, đà giáo) và đề nghị tư vấn giám sát xem xét, chấp thuận.

Sau đó, tư vấn giám sát đã trả lời thư của nhà thầu. Trong đó xác nhận tài liệu của nhà thầu đã phản ánh được các yêu cầu của tư vấn giám sát. Do vậy, tư vấn giám sát chấp thuận các công trình tạm cho nhịp dầm hộp đổ tại chỗ phía trụ tháp bờ Bắc và nhấn mạnh chỉ áp dụng cho phía bờ Bắc (phía đường dẫn đã xảy ra sự cố).

Theo Bộ GTVT, nhà thầu TKN đã chỉnh sửa, bổ sung sau thẩm tra và đệ trình lại tư vấn giám sát để xem xét; tư vấn giám sát đã kiểm tra và xác nhận hồ sơ này đã thỏa mãn yêu cầu.

Nhiều công nhân bỏ công trường

Theo Bộ GTVT, trong 2 ngày qua, nhiều công nhân đã rời bỏ hiện trường gây thiếu hụt nhân lực. Nhà thầu chính đã phải huy động cán bộ và kỹ sư ra công trường, mặt khác thuê tạm công nhân của nhà thầu khác nhưng chỉ được rất ít. Nguyên nhân có thể do người thợ đã thấm mệt cả về thể chất và tinh thần sau mấy ngày liên tục tham gia cứu hộ cứu nạn, đặc biệt là phải chứng kiến những cảnh tang thương.
Nhà thầu TKN đã đề nghị Bộ GTVT giúp đỡ về nhân lực và việc phá dỡ 2 tấm bê tông lớn dính liền với trụ 14 và 15 (do phải sử dụng vật liệu nổ) sau khi công tác tìm kiếm người mất tích kết thúc.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã chỉ đạo tiếp tục tìm kiếm người mất tích, nhằm vào các vị trí phía dưới điểm gẫy của hai tấm bê tông cốt thép (nhịp thuộc trụ 13, 14) nằm sâu dưới lòng đất và dưới đống sắt thép còn lại.

Ngoài ra, Bộ đề nghị lãnh đạo huyện Bình Minh hỗ trợ tìm hiểu nguyên nhân đồng thời vận động công nhân quay trở lại làm việc. Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long điều các công nhân kỹ thuật đến hỗ trợ.

Bộ GTVT cũng đã thành lập tổ công tác bao gồm các chuyên gia kỹ thuật cao cấp để thu thập số liệu, lập đề cương nghiên cứu và đánh giá nguyên nhân sự cố. Ngoài ra, Bộ cũng lựa chọn công ty tư vấn độc lập ngoài Bộ GTVT thực hiện công tác đánh giá nguyên nhân sự cố. 

Bộ GTVT cũng yêu cầu nhà thầu TKN, tư vấn giám sát tự đánh giá nguyên nhân của sự cố.

Biết rõ sàn cầu dẫn bị lún nhưng TKN vẫn yêu cầu thi công

Ông Bùi Văn Thịnh - Phó Giám đốc Cty TNHH Cơ khí và Xây dựng Vĩnh Thịnh, đơn vị cung cấp công nhân thi công dầm cầu bị sập - cho hay, lúc đổ bê tông sàn cầu, qua quan trắc, đo đạc, đơn vị này đã phát hiện sàn cầu dẫn bị lún, có nơi lên tới gần 7 cm. Độ lún bình quân theo tính toán là 3,5 cm. Tuy nhiên, đơn vị này không rõ độ lún có nằm trong giới hạn cho phép hay không. "Nếu biết, chúng tôi đã cương quyết ngừng thi công", ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cũng khẳng định, nhà thầu biết rõ việc này bởi có bộ phận theo dõi, lấy số liệu quan trắc mỗi ngày; lúc kiểm tra có rất nhiều chuyên gia, kỹ sư của các bên nên không cần phải báo họ cũng biết bởi hàng ngày, các kỹ sư của họ đều có mặt.

(Theo Tiền Phong)

Blogged with Flock

Không có nhận xét nào: