Thứ Hai, 1 tháng 10, 2007

Nạn nhân sập cầu Cần Thơ trong hồi ức công nhân Philippines

VietNamNet) - 4 ngày sau tai nạn kinh hoàng, Buzon Jaime Escalona (đội trưởng đội thi công phần trụ tháp cầu Cần Thơ)  vẫn nhớ như in những tiếng thét hãi hùng, tiếng kêu cứu, những cánh tay yếu ớt vẫy vẫy trong tuyệt vọng của các đồng nghiệp Việt Nam…

Ám ảnh kinh hoàng

25 năm làm công nhân, sống trong lán trại dã chiến cạnh các công trường châu Á, Buzon Jaime Escalona (42 tuổi, người Philippines, đội trưởng đội thi công phần trụ tháp cầu Cần Thơ) chưa bao giờ bị ám ảnh ghê gớm bởi cảnh tượng kinh hoàng vừa qua.

Đến giờ phút này, Buzon vẫn nhớ như in những tiếng thét hãi hùng, tiếng kêu cứu, những cánh tay yếu ớt vẫy vẫy trong tuyệt vọng sáng ngày 26/9…

Lúc ấy, Buzon cùng 67 công nhân trong nhóm của mình, gồm người 32 Việt và 35 người Philippines đang làm việc ở phần trụ tháp cầu phía bờ Vĩnh Long, gần với trụ P15. Bỗng Buzon nghe tiếng ầm ầm rất lớn chấn động cả mặt đất. Phần sàn cầu giữa hai nhịp dẫn P15 và P14 đổ sụp xuống. Anh quay sang nói với đồng nghiệp người Việt bằng giọng lắp bắp, vụng về được diễn đạt bằng vốn từ nghèo nàn: “Công nhân VN bó tay!”.

ff
Đứng bên trụ tháp cầu Cần Thơ (phía Vĩnh Long), Buzon đã chứng kiến thảm nạn khủng khiếp. (Ảnh: Trần Duy).

Với tư cách đội trưởng, Buzon ra lệnh cho các công nhân rời khỏi vị trí thi công và dáo dác tìm kiếm các thành viên trong  nhóm. “Tôi cuống cuồng lên vì thiếu mất 10 đồng hương” - hai bàn tay Buzon nắm chặt, kể lại tâm trạng lúc ấy. “Nhưng sau đó tôi cũng tìm thấy họ, lành lặn, không hề hấn gì”.  

Buzon và nhiều công nhân chạy lại gần hiện trường, phóng mắt xung quanh xem hy vọng có thể cứu được ai chăng từ đống đổ nát khổng lồ. Gần đấy, một số công nhân may mắn thoát chết đang nằm quằn quại trên mặt đất. Nhóm công nhân của Buzon tiến tới dìu, khiêng họ ra ngoài và dành chỗ cho đội cứu hộ chuyên nghiệp tiếp tục công việc. 

“Tôi chắp tay cầu nguyện cám ơn trời vì tôi vẫn còn sống sót rồi bấm ngay điện thoại gọi điện về cho vợ” - Noep Luklukan Villamar (37 tuổi) nói. “Anh sống sót rồi mình à… Một vụ tai nạn rất nghiêm trọng, rất nhiều người chết” - Noep kể. 

Như người đồng hương của mình, Tabrica Jerito Pocot (34 tuổi) cũng là công nhân “quốc tế”. Anh đã từng lặn lội trên các công trình xây dựng ở Thái Lan, Nhật, Đài Loan… Tabrica cho biết năm ngoái, tại Thái Lan cũng đã xảy ra tai nạn tương tự vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ làm 2 công nhân thiệt mạng. 

Nhưng tai nạn khủng khiếp và đau lòng như ở công trình cầu Cần Thơ thì Tabrica chưa từng chứng kiến bao giờ. “Khủng khiếp!” - Tabrica đã gọi về và báo cho cô vợ ở Philippines như vậy. 

Nghe xong, vợ Tabrica buộc anh phải bỏ công trình và về nhà ngay lập tức. “Tôi đã làm ở đây gần một năm rưỡi rồi. Tôi hiểu công trình này như lòng bàn tay mình. Tôi cũng đã cùng với những công nhân người Việt trải qua những giờ phút khó khăn và chúng tôi muốn cùng những người còn lại hoàn thành công trình. Anh nghĩ hộ, tôi có đành trở về ngay lúc này không?...”- Tabrica hỏi chúng tôi. 

"Xây xong cầu, chúng tôi mới về nhà"

Nhìn người vợ trẻ bần thần, người mẹ già móm mém, đứa con nhỏ của những công nhân người Việt ngất lên ngất xuống ngay cạnh khu vực đào bới tìm xác, rồi vồ vập chạy đến khi có thêm một thi thể được khiêng ra từ đống đổ nát, Noep cũng chạnh lòng nghĩ đến hai đứa con gái và người vợ ở quê nhà. 6 tháng một lần, anh mới được nghỉ phép về Philippines thăm vợ con. 

Có mặt ở công trình cầu Cần Thơ gần 2 năm, Noep quen biết với nhiều công nhân người Việt. Trong số công nhân thiệt mạng, Noep từng biết đến khá nhiều tên như: Điền, Mãi, Phúc, Đùng... 

Tuy làm khác tổ nhưng sau giờ tan ca anh cũng khề khà quanh bàn nhậu đạm bạc với công nhân chủ yếu là công nhân ở cồn Mỹ Hòa. Anh học nói tiếng Việt nhưng thú thật với chúng tôi là: “Only bó tay” (Chỉ biết nói từ bó tay). Ngôn ngữ tuy cách biệt, nhưng với cây guitar và ngón đàn sành sỏi, Noep cất lên những bài dân ca Philppines về tình yêu, quê hương và cuộc sống tặng những người bạn đồng nghiệp. Đáp lại, công nhân người Việt hát tặng những câu giọng cổ, cải lương mà Noep nói rất lạ lẫm và “thần bí”.

ff
Những người công nhân Philippines trên công trường xây dựng cầu Cần Thơ. (Ảnh: Cung Tuy)
 
“Họ là những người thợ siêng năng, cần mẫn, chịu khó học hỏi, cuộc sống giản dị và lo nghĩ rất nhiều về gia đình”- Buzon nói về những người đồng nghiệp người Việt đã khuất. 

Buzon và đồng hương của mình khá kín kẽ và dè dặt khi phải trả lời những câu hỏi phỏng vấn của PV VietNamNet về biện pháp an toàn trên công trường thi công cầu Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo Buzon, các công trình ở VN đa phần là nhỏ hơn một số nước mà anh đã từng tham gia thi công. Công trình ở những nước khác, tính chuyên nghiệp thể hiện rất cao. Biện pháp thi công hiện đại và đặc biệt chỉ dẫn thi công trên công trường được công bố rất rõ ràng, chi tiết. Buzon cho biết làm việc ở trên công trường ở những nước khác, anh được chính người tổ trưởng quản lý huấn luyện cho những kỹ năng an toàn trong lúc làm việc và khả năng ứng cứu khi xảy ra sự cố. 

Trở lại vụ tai nạn gây ra cái chết cho nhiều đồng nghiệp người Việt của mình, Buzon liên tục lặp lại từ “khủng khiếp” và nói vụ tai nạn đó là trải nghiệm lớn nhất trong cuộc đời. “Nó khiến tôi nghĩ nhiều hơn về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và nhắc nhở tôi phải luôn cẩn trọng trong công việc” - Buzon nói. 

Chia tay chúng tôi, Buzon chỉ tay về hướng cồn Mỹ Hòa, nơi có những vườn bưởi Năm Roi trĩu quả và nói: “Quê họ ở ngay đây thôi. Họ mong muốn sẽ xây xong cầy cầu bắc qua sông, loại bỏ cách trở đi lại bằng đường sông tự bao đời. Ước nguyện của họ chưa đạt thì họ đã phải ra đi mãi mãi…”. 

  • Trần Duy - Thái Thiện (Cồn Mỹ Hòa - Vĩnh Long)

Blogged with Flock

Không có nhận xét nào: