Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2007

VietNamNet - Sập cầu Cần Thơ là do trụ tạm không được thử tải

                                Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Tiền Phong

Sáng 30/9, tại một khách sạn nhỏ ở TP Cần Thơ, phóng viên Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Thịnh - Phó Giám đốc Cty TNHH Cơ khí và Xây dựng Vĩnh Thịnh để làm rõ về vai trò và trách nhiệm của Cty này trong vụ sập cầu Cần Thơ.

Cuộc trao đổi đã hé mở nhiều điều xung quanh việc triển khai dự án dẫn đến thảm họa đau thương này.

Cty Vĩnh Thịnh đóng vai trò như thế nào?

Trong những ngày qua, nhân thân của Cty Vĩnh Thịnh luôn là “ẩn số” đối với dư luận trong khi Cty có liên quan trực tiếp đến sự cố thảm khốc vừa qua. Thực chất, Cty này là “của ai”?

Suốt từ hôm xảy ra sự cố, tôi muốn nói hết tất cả sự thật để dư luận có cách đánh giá chính xác, khách quan.

Cty Vĩnh Thịnh gồm 4 thành viên thành lập vào đầu năm 2006, trụ sở đặt tại nhà anh Đặng Hữu Vị  - Giám đốc Cty trên đường Đặng Văn Bi và sau này thuê văn phòng giao dịch đặt tại số 5A Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh, TPHCM). Cty có nhiều chức năng nhưng chủ yếu là thi công các công trình.

Trong dự án cầu Cần Thơ, Cty tham gia với vai trò  nào, thưa ông ?

Chúng tôi cung cấp nhân công và vật tư phụ (gió, gas, kẽm buộc, que hàn, nhiên liệu và những thiết bị cầm tay, máy cắt gạch...).

Cty Vĩnh Thịnh bắt đầu tham gia dự án cầu Cần Thơ từ cuối năm 2006 trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà thầu VSL về cung cấp nhân công và vật tư phụ.

Tôi là Phó Giám đốc Cty trực tiếp chỉ đạo tại công trường nên được tham gia ngay từ giai đoạn đầu.

Ban đầu Cty thi công cầu dẫn ở trụ tháp (phía bên bờ Vĩnh Long) sau đó chuyển sang làm cầu dẫn đúc trên giàn giáo ở trụ 13, 14 và 15 cho đến lúc bị sập.

Trên cơ sở hợp đồng thì Cty chịu trách nhiệm cung cấp nhân công, không ký bất kỳ văn bản kỹ thuật nào. Các văn bản nghiệm thu khối lượng công trình hầu hết do được nhà thầu TKN và đơn vị tư vấn giám sát ký với nhau.

Cty chỉ nghiệm thu khối lượng công việc để lãnh tiền hàng tháng. Chẳng hạn chúng tôi đúc được 3 đốt, mỗi đốt giá bao nhiêu, lắp ráp giàn giáo đó lấy bao nhiêu tiền, chi phí gia công cốt thép giá bao nhiêu trên mỗi ki lô gam (kg),... thì cứ thế quy ra tiền.

Tóm lại, nhà thầu VSL (nhà thầu phụ) chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật, Cty Vĩnh Thịnh lo nhân công và trực tiếp thi công. Tại công trường thường có khoảng 170 - 180 công nhân của Cty Vĩnh Thịnh làm việc.

Công nhân Cty Vĩnh Thịnh có được ký hợp đồng lao động và hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định hay không?

Công nhân Cty Vĩnh Thịnh thực hiện lắp ráp sàn, giàn giáo, cốt thép, sau khi được nghiệm thu thì tiếp tục tiến hành đổ bê tông. Cty ký hợp đồng lao động với toàn bộ công nhân. Tuy nhiên, có một số người mới vào làm chưa được bao lâu thì bị nạn, Cty không làm kịp.

Vừa qua có 2 trường hợp xin vào làm được khoảng 1 giờ thì trở thành nạn nhân, trong đó 1 người đã chết, 1 người bị thương rất nặng. Sáng 26/9, họ xin việc và được tổ trưởng thi công nhận vào làm ngay nên tôi còn chưa biết mặt.

Cty Vĩnh Thịnh mua bảo hiểm xã hội cho hơn 100 công nhân và chưa kịp mua cho những trường hợp vừa xin việc. Mà, cũng xui cho chúng tôi là số lao động không được mua bảo hiểm lại tập trung thi công ở vị trí cầu bị sập.

Có nghĩa là trên thực tế Cty Vĩnh Thịnh thực hiện việc thi công khoán cho nhà thầu chứ không đơn thuần cung cấp nhân công?

Vâng. Chúng tôi thi công theo chỉ định, hướng dẫn về mặt kỹ thuật của VSL và giám sát của 2 nhà thầu TKN và VSL.

Nhà thầu chính TKN có biết bản hợp đồng giữa Cty Vĩnh Thịnh và VSL?

Tôi không rõ nhưng chắc chắn là Ban quản lý Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận thuộc Bộ GTVT - chủ đầu tư) có biết vì trước đây chúng tôi thi công rất nhiều hạng mục, sau đó PMU Mỹ Thuận có ý kiến giao bớt một số việc cho Cty MCC1 (Cty Thi công cơ giới thuộc Tổng Cty số 1 thuộc Bộ GTVT).

Hầu hết công nhân của Cty Vĩnh Thịnh đều là nông dân ở địa phương và không có tay nghề, trình độ. Vậy họ có đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về biện pháp thi công, nhất là công trình đó lại là cầu Cần Thơ - cây cầu dài nhất Đông Nam Á được xây dựng theo công nghệ dây văng còn rất mới mẻ tại Việt Nam?

Đúng là tuyển dụng công nhân hầu hết là lao động tại chỗ, ký hợp đồng thời vụ nhưng Cty có bộ phận kỹ thuật bao gồm 10 kỹ sư (gồm cả giám đốc, phó giám đốc) và hàng chục công nhân có tay nghề cao rải khắp công trường chịu trách nhiệm hướng dẫn giám sát thi công liên tục, thường xuyên.

Tất cả các bước kỹ thuật về thi công đều được chuyên gia của VSL hỗ trợ. Do thường xuyên bám công trường nên có 2 kỹ sư của Cty bị thiệt mạng trong vụ tai nạn này là anh Trần Quang Bình và anh Lê Hiến Chương.

Một kỹ sư khác là anh Dương Quốc Hùng bị thương rất nặng, hiện chưa thể chuyển viện về TPHCM. Cả ba người đều mới 25 tuổi. Bình và Hùng mới ra trường, đi làm gần 1 năm thì gặp nạn.

Còn Lê Hiến Chương là em họ tôi. Hôm xảy ra thảm họa, lẽ ra tôi đã làm việc tại công trường và có thể bây giờ đã nằm trong danh sách các nạn nhân nhưng vì trùng dịp Trung thu, tôi nhớ con và về quê nên thoát nạn.

Có bao nhiêu “lính đánh thuê” tại dự án cầu Cần Thơ?

Ngoài Cty Vĩnh Thịnh và Cty Thăng Long, có trường hợp nào khác cũng tham gia “đánh thuê” trong dự án cầu Cần Thơ?

Tôi chỉ biết có một đơn vị nữa là Cty Chiến Thắng ở ngoài Bắc, trước kia có tham gia thi công trụ tháp. Cty này cũng cung cấp nhân công, vật tư phụ còn toàn bộ thiết bị vật tư chính (sắt, thép, bê tông) là của nhà thầu TKN.

Mức độ tham gia của Cty Chiến Thắng còn nguy hiểm hơn Cty Vĩnh Thịnh vì hầu hết phần việc đều thực hiện ở trên cao.

Tôi không rõ nhà thầu TKN thuê Cty Thăng Long theo kiểu gì nhưng có nhiều biểu hiện cho thấy Cty Thăng Long chính là “con ruột” của nhà thầu TKN.

Tại vị trí nhịp cầu dẫn bị sập, Cty Thăng Long được giao thi công đúc một đoạn cầu dẫn dài khoảng 8m sát trụ 14 mặc dù việc này nhà thầu VSL trước đó không đồng ý và không ký hợp đồng vì sợ hai Cty Thăng Long và Vĩnh Thịnh thông đồng với nhau.

Cty Thăng Long đã hoàn tất phần việc của mình, nhảy vào làm cùng Cty Vĩnh Thịnh và chỉ đúc khoảng 100 m3 bê tông thì chả giống ai. Tuy nhiên, sau đó dưới áp lực của TKN, Cty Thăng Long vẫn được VSL bố trí thi công. Mới làm hôm trước thì hôm sau sự cố xảy ra.     

Tham gia vào một công trình quan trọng như cầu Cần Thơ không hề dễ dàng. Ông cho là Cty Thăng Long  là “con ruột” của TKN còn Cty Vĩnh Thịnh có phải là sân sau của Tổng Cty Công trình giao thông 6 như dư luận đặt ra?

Giám đốc Cty và tôi xuất thân từ Cienco 6 nhưng Cty Vĩnh Thịnh tham gia dự án cầu Cần Thơ nhờ một đơn vị trước đây cùng làm đường dẫn sân bay Tân Sơn Nhất giới thiệu.

Trước đây, Cty Vĩnh Thịnh cũng có tham gia vào một số dự án ở TP Cần Thơ nên tạo được uy tín. Nói thật, việc Cty Vĩnh Thịnh “lâm nạn” nhiều người rất hả hê, kể cả một số cán bộ thuộc Cienco 6.

Biết rõ sàn cầu dẫn bị lún nhưng TKN vẫn yêu cầu thi công

Giàn giáo Cty của ông lắp đặt sau đó bị sập khiến hai nhịp cầu sập theo, phải chăng nguyên nhân của thảm hoạ là do Cty Vĩnh Thịnh thi công cẩu thả, kém chất lượng?

Việc sập giàn giáo không phải do lắp đặt không đúng. Giàn giáo chúng tôi sử dụng gồm 2 cột (trụ đỡ) có 3 đốt trước kia đã dùng để thi công trụ tháp.

Phía trên trụ đỡ lại có tress (giá đỡ) do Nhật thiết kế bằng sắt H, I được đưa từ Thái Lan về. Toàn bộ số vật tư  đều là của nhà thầu TKN và VSL. Cty Vĩnh Thịnh thay mặt VSL để thi công.

Do khối lượng bê tông quá lớn, không thể đúc trong 1 lần nên Cty phải chia mặt cầu dẫn giữa 3 trụ 13, 14, 15 làm 5 phần và đúc lần lượt từng phần một.

v
Ông Bùi Văn Thịnh (áo xanh) trả lời phỏng vấn.
Nhịp cầu dẫn bị sập khi Cty Vĩnh Thịnh đã đổ được khoảng 1.700 m3 bê tông mặt cầu, chỉ còn 3 đoạn ngắn chưa làm kịp.

Sở dĩ giàn giáo bị sập là do trụ tạm phía dưới bị lún. Hai trụ tạm này kích thước 35 x 35cm được đóng giữa hai nhịp cầu dẫn và được nhà thầu TKN giao cho Cty Thăng Long  (trụ sở tại TP Cần Thơ) thi công.

Nhưng, việc sử dụng lại giàn giáo đã dùng để đúc trụ tháp cầu Cần Thơ thì liệu có đảm bảo các thông số kỹ thuật?

Không hề gì. Vấn đề nằm ở chỗ các trụ tạm bị lún và một trong những sai lầm nghiêm trọng của nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát là đã không cho thử tải trụ tạm trước khi lắp giàn giáo và đúc sàn 2 nhịp cầu dẫn.

Điều đáng trách sau khi phát hiện lún, nhà thầu càng muốn đẩy nhanh tiến độ thi công đúc mặt cầu. Theo kế hoạch trước đây, tiến độ thi công không gấp gáp đến như vậy.

Ông khẳng định việc lún trụ tạm đã được các bên phát hiện  trước khi sự cố xảy ra?

Đúng vậy. Chính xác là lúc chúng tôi đổ bê tông sàn cầu. Qua quan trắc, đo đạc, chúng tôi phát hiện sàn cầu dẫn bị lún có nơi lên tới gần 7cm. Độ lún bình quân theo tính toán là 3,5 cm.

Còn chính xác lún bao nhiêu ngay tại thời điểm cầu s ập thì chúng tôi không nắm được.

"Tôi cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm của nhà thầu vì đã biết rất rõ tình trạng lún rất nguy hiểm và được chính chuyên gia của nhà thầu này khuyến cáo nhưng vẫn phớt lờ những cảnh báo trên."

Ông Bùi Văn Thịnh – Phó Giám đốc Cty TNHH Cơ khí và xây dựng Vĩnh Thịnh

Ông có cảnh báo việc này với nhà thầu VSL?

 

Nhà thầu đều biết rất rõ việc này bởi có bộ phận theo dõi, lấy số liệu quan trắc mỗi ngày; lúc kiểm tra có rất nhiều chuyên gia, kỹ sư của các bên nên không cần phải báo họ cũng biết bởi hàng ngày, các kỹ sư của họ đều có mặt.

Nếu sự cố xảy ra chậm khoảng 30 phút thôi  - khi các kỹ sư, chuyên gia họp giao ban xong và có mặt trên cầu để kiểm tra giám sát thì con số thiệt hại về nhân mạng có thể sẽ còn khủng khiếp hơn.

Và khi phát hiện tình trạng nguy hiểm nói trên, Cty Vĩnh Thịnh vẫn cho công nhân thi công?

Vì không ai báo mình ngưng. Hơn nữa, chúng tôi cũng không rõ độ lún có nằm trong giới hạn cho phép hay không. Nếu biết, chúng tôi đã cương quyết ngừng thi công.

Ngoài ra, tôi rất ngạc nhiên khi nhà thầu bắt buộc chúng tôi thi công ào ạt trong trong tình hình đó mặc dù Cty Vĩnh Thịnh đảm bảo, thậm chí đã thi công vượt tiến độ.

Theo kế hoạch, phần việc của Cty Vĩnh Thịnh phải hoàn tất phần việc vào tháng 8/2008, trong khi nếu giữ vững tiến độ, chúng tôi có thể hoàn thành vào cuối tháng 5/2008.

Có lẽ nhà thầu muốn hoàn tất sớm việc đúc sàn cầu dẫn để căng cáp, cố định và ngăn cầu dẫn không tiếp tục bị lún. Việc căng cáp sẽ do nhà thầu VSL đảm trách.

Ông muốn nói vì thi công ồ ạt trong khi trụ tạm bị lún đã dẫn đến thảm họa?

Chắc chắn một trong những nguyên nhân gây ra sự cố sập cầu là bởi trụ tạm không được thử tải, không chịu nổi tải trọng của hàng nghìn mét khối bê tông phía trên nên bị lún và kéo đổ giàn giáo.

Tôi cho rằng nguyên nhân gây ra sự cố là lỗi kỹ thuật và biện pháp thi công chứ không phải do vật tư nhà thầu cung cấp kém chất lượng.

Sau khi giải quyết sự cố, Cty Vĩnh Thịnh sẽ tiếp tục thực hiện công việc còn dở dang tại công trình cầu Cần Thơ ?

Trước những thiệt hại quá lớn về nhân mạng và tài sản, có lẽ sắp tới chúng tôi sẽ bàn đến việc giải thể Cty. Của cải có thể tạo ra chứ còn bao nhiêu người vợ mất chồng, bao nhiều đứa con mất cha,... làm sao chúng tôi có thể bù đắp nổi.

Nói thật, từ cán bộ đến nhân viên, công nhân của Cty không ai còn tinh thần để làm việc ngoài chuyện khắc phục hậu quả. Chính bản thân tôi hiện còn không dám đến khu vực xảy ra tai nạn để làm việc.

Theo Huy Thịnh - Hồng Lĩnh (Tiền Phong)



Blogged with Flock

Không có nhận xét nào: