Có một luật bất thành văn là hễ vay được vốn ODA của nước nào thì thường sau đó ta sẽ giao công trình cho đơn vị thi công và đơn vị giám sát thi công đến từ nước ấy. Và tập quán này tiềm tàng trong nó một nguy cơ mất an toàn, như mọi người trong nghề đều biết rõ. Cầu Cần Thơ sử dụng vốn ODA Nhật Bản thì các nhà thầu là Taisei - Kajima - Nippon Steel còn tư vấn giám sát là Nippon Koei - Chodai, toàn là những cái tên Nhật Bản cả. Những đơn vị liên danh thi công và giám sát thi công này đều rất quen thuộc nhau, mà trong cặp công việc thi công - giám sát thi công, hai chủ thể càng ít hữu hảo với nhau công việc sẽ càng hoàn hảo. Một yêu cầu cần đặt ra là từ nay khi đàm phán vay vốn ODA, dù có nhân nhượng đến đâu, chúng ta cũng cần giành cho được quyền chủ động chọn tư vấn giám sát, và không bao giờ nên chọn tư vấn giám sát từ nước cho vay vốn. Cũng như một người học viên dù có nổi tiếng giỏi giang và đức hạnh đến đâu, khi anh ta đi thi cũng vẫn cần phải nhờ những giáo viên lạ từ trường khác tới làm giám khảo để tránh cho anh khỏi những phút ngã lòng vậy.
Chúng ta biết Nhật Bản là một cường quốc về công nghệ, không riêng gì công nghệ xây cầu. Nếu những nhà thầu Nhật Bản đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thi công và quy trình giám sát thi công thì việc xây dựng an toàn một công trình cỡ cầu Cần Thơ đối với họ chỉ là chuyện nhỏ. Song tuân thủ nghiêm ngặt quy trình không phải là chuyện bao giờ cũng diễn ra, nếu những nguyên tắc giám sát không được bảo đảm chặt chẽ.
Trong việc xây cầu Cần Thơ ví thử chúng ta chọn tư vấn giám sát từ một nước Bắc Mỹ hay Tây Âu chẳng hạn, thì khả năng xuê xoa trong công tác kiểm tra do quen biết hay do hữu hảo với nhau, hẳn sẽ thấp hơn nhiều. Mà trong thi công, đôi khi đơn vị giám sát chỉ cương quyết một chuyện nhỏ cũng có thể tránh được thảm họa cho cả một công trình lớn. Lâu nay ở ta công trình sử dụng vốn ODA nước nào thì khi đấu thầu thi công những đơn vị tham dự cũng chủ yếu chỉ gồm những tên tuổi đến từ nước ấy mà thôi. Vì nhiều lý do khác nhau, chỉ có những nhà thầu ở quốc gia cho vay mới có khả năng trúng thầu. Ta khó có thể thay đổi cái tập quán mạnh như một thứ luật quốc tế này trong một sớm một chiều. Tức là trước mắt vẫn phải chấp nhận đơn vị thi công sẽ được chọn trong số những nhà thầu từ quốc gia cho vay tới. Song điều hoàn toàn có thể thay đổi được, nhất là kể từ sự kiện cầu Cần Thơ, là ta phải thỏa thuận với bên cho vay rằng dứt khoát phía Việt Nam sẽ toàn quyền chọn đơn vị tư vấn giám sát, và nhất định sẽ chọn tư vấn giám sát từ một quốc gia khác chứ không dùng giám sát của quốc gia cho vay.
Chi phí tư vấn giám sát theo các chuyên gia chỉ chiếm một vài phần trăm tổng chi phí công trình. Bên cho vay không thể nào vì mất một vài phần trăm doanh số vào tay doanh nghiệp nước khác mà lại đàm phán căng thẳng với bên đi vay được, và nếu họ có căng thẳng chuyện này ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi liệu bên cho vay đòi thế có phải để giúp cho thi công và giám sát sau này dễ bề nương nhẹ nhau chăng.
Mấy ngày nay một số người bạn Nhật Bản ngoài ngành xây dựng đang sống ở Việt Nam tâm sự rằng thảm họa cầu Cần Thơ làm cho họ rất xấu hổ, rằng nhân dân Nhật cũng cảm thấy uy tín công nghệ của đất nước mình trước thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự kiện này. Hôm 29.9 khi họp báo cùng Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Kanji Hayama Chủ tịch Taisei, đại diện liên doanh nhà thầu cũng tỏ ra xấu hổ và vô cùng ân hận khi rập đầu tạ lỗi theo đúng truyền thống Nhật Bản.
Còn các nhà đàm phán ODA Việt Nam thì nhân dân mong đợi sẽ mở ra được một bước ngoặt mới trong đàm phán vay vốn ODA, kể từ nay. Và cần nhớ, vốn ODA cho đầu tư phát triển, dù có ưu đãi và có ân hạn, nhưng là vốn vay, chúng ta và con cháu chúng ta vẫn phải trả nợ đàng hoàng.
Hải Văn
Nếu bỏ qua lời cảnh báo, chủ đầu tư phạm tội gì ?
Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, trước khi thảm họa cầu Cần Thơ xảy ra, kỹ sư Hiroshi Kudo, người Nhật Bản (làm tư vấn giám sát cho Nippon Koei) đã gửi thư cho người có trách nhiệm phụ trách dự án xây dựng cầu Cần Thơ, cảnh báo hệ thống đà giáo chỉ đạt 15% của hệ số an toàn, yêu cầu thiết kế lại trụ tạm cho dầm nhịp chính, tuy nhiên lời cảnh báo trên đã bị bỏ qua. Chưa có xác nhận về bức thư này. Tuy nhiên, nếu bức thư đã được gửi và người nhận đã nhận được bức thư, thì trách nhiệm của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là đại diện) về việc này như thế nào? Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Lâm, Phó chủ tịch (phụ trách khoa học công nghệ) Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường Việt Nam.
* Trong trường hợp kỹ sư làm tư vấn phát hiện thấy sai sót trong thiết kế, thi công và phản ánh với chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải làm gì?
- Khi người ta phản ánh bằng văn bản thì phải xem xét. Nếu đúng thì phải chấp nhận, còn thấy không đúng thì phải có văn bản trả lời, trong đó phải nói rõ lý do vì sao tôi không chấp nhận. Người chịu trách nhiệm cuối cùng là chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải xem xét ý kiến của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và cả ý kiến của nhà thầu để ký duyệt. Nếu đã báo cáo mà anh không xem xét, giải quyết thì sau này có chuyện gì xảy ra, anh phải chịu trách nhiệm.
* Kỹ sư làm tư vấn đưa ra hệ số an toàn của hệ thống đà giáo chỉ đạt 15%, như vậy là quá thấp?
- Hệ số an toàn chưa đến 1 (15% là 0,15) là quá thấp. Trước kia, khi thiết kế cầu chính, hệ số an toàn phải là 2,5; gần đây theo thông lệ quốc tế thì hệ số này là 3,5. Cầu tạm, hệ số an toàn ít nhất phải là 1,5 hoặc 2.
* Trường hợp nếu đã cảnh báo nhưng BQL dự án Mỹ Thuận bỏ qua thì sao?
- Thì đi tù chứ còn gì nữa, cái đó thì rõ rồi. Tùy theo mức độ thiệt hại thì xử lý như thế nào, và chết người thì càng khác. Tất cả đã quy định trong luật.
* Hệ số an toàn quá thấp như thế, với đội ngũ kỹ sư của mình, trong trường hợp kỹ sư Nhật Bản không phản ánh, liệu BQL dự án Mỹ Thuận có biết được điều này ?
- Nếu chủ đầu tư giỏi thì tư vấn không báo cáo, người ta cũng biết. Nhưng chủ đầu tư của ta bây giờ, nhiều người nếu không báo cáo thì chẳng biết được.
* Có ý kiến cho rằng sự cố sập cầu có nguyên nhân từ việc bỏ qua khâu thử tải. Thử tải có tốn kém?
- Mình tính là một chuyện, còn dưới đất nó là mênh mông lắm. Hai cọc cạnh nhau, một cái chịu rất tốt, một cái lại không chịu được. Vì thế nên phải thử tải. Thử tải thì có quy định chuẩn rồi. Thử tải bao giờ cũng tốn kém nhưng khi anh đưa lên thì chủ đầu tư phải duyệt. Còn nếu anh nào quyết định không thử tải thì anh đó chịu trách nhiệm.
Xuân Toàn (thực hiện)
Blogged with Flock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét