Theo những tư liệu ban đầu thì Cty TNHH Cơ khí Xây dựng Vĩnh Thịnh có giấy phép đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT TP.HCM và đặt văn phòng giao dịch tại phường Trường Thọ (Thủ Đức, TPHCM).
Tuy nhiên, khi chúng tôi đến phường Trường Thọ hỏi thì hầu như không có người dân nào ở đây biết đến Cty Vĩnh Thịnh. Ngay cả người ở một số Cty xây dựng, cơ khí trên địa bàn phường cũng lắc đầu khi hỏi về Cty này. Thậm chí, một số cán bộ phường cũng không hề biết gì.
Hơn 2 tiếng đồng hồ lang thang, chúng tôi đã tình cờ hỏi chuyện một anh xe ôm ở cổng chùa Một Cột. Anh ta cho biết trong hẻm nhà mình có một căn nhà có biển đề là Cty Vĩnh Thịnh và nhận lời chở chúng tôi đi.
Đứng trước căn nhà 2 tầng trong một con hẻm cụt thuộc tổ 5, chúng tôi không thể tin được đây chính là văn phòng giao dịch của một Cty đang tham gia xây dựng một trong những công trình thế kỷ của Việt Nam.
Căn nhà xây dựng trên khu đất ruộng mới giải tỏa được vài năm với cánh cổng đóng im ỉm. Duy nhất một tấm bảng đồng nhỏ treo ở cổng đề tên “Cty cơ khí xây dựng Vĩnh Thịnh” thì chúng tôi mới tin mình đã đến đúng địa chỉ.
Gọi cửa mãi, chúng tôi mới thấy có một phụ nữ trẻ chạy ra. “Đây là nhà riêng của anh Đặng Hữu Vị - Giám đốc Cty Vĩnh Thịnh. Nhưng anh Vị không có nhà đâu, các anh muốn tìm thì phải xuống Cần Thơ mới gặp”-Người phụ nữ nói. Gặng hỏi mãi, người phụ nữ mới nhận mình là vợ của anh Vị, nhưng chị ta cho mọi việc kinh doanh là của chồng, chị ta không biết gì hết.
Phải thuyết phục mãi, chị ta mới chịu gọi người ra tiếp chúng tôi. Ông Đặng Ngọc Hữu - Bố đẻ của anh Đặng Hữu Vị cho biết: “Con tôi cùng với mấy người bạn thành lập Cty Vĩnh Thịnh từ năm 2006 và đăng ký địa chỉ tại nhà. Nhưng Cty Vĩnh Thịnh cũng có văn phòng trong Sài Gòn nên thực chất căn nhà này chỉ để ở”.
Bà Dương Thị Dung - Mẹ của Giám đốc Đặng Hữu Vị cũng cho biết thêm: Vị sinh năm 1974, và là con út trong gia đình 4 người con. Tốt nghiệp kỹ sư cầu đường tại Đại học Bách khoa TPHCM, Vị về làm việc tại Cty Cienco 6 và đã tham gia xây dựng một số công trình như các cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang), Câu Lâu (Quảng Nam), Thuận Phước (Đà Nẵng)…
Năm 2006, do Cienco 6 chuyển đổi cổ phần hoá và cũng do muốn làm kinh tế độc lập nên Vị xin nghỉ việc, ra làm ăn riêng. Từ ngày tham gia làm cầu Cần Thơ, Vị chỉ về nhà vào cuối tuần. Trước hôm xảy ra vụ tai nạn sập cầu Cần Thơ, Vị có tranh thủ về nhà chơi Trung thu với con.
Bà Dung nghẹn ngào: “Hơn 8 giờ sáng ngày 26/9, nó đột ngột bảo xuống Cần Thơ gấp. Đến xế trưa thì tôi nghe có người bảo sập cầu Cần Thơ, chết người nhiều lắm. Tôi mới tìm hiểu thì biết đó là công nhân của Cty con mình. Từ hôm đó tới giờ, tôi không ăn không uống gì được. Đau buồn lắm!”.
Ông Hữu cho biết thêm: “Vị có gọi về nhà, tâm thần bất loạn. Chúng tôi chỉ biết khuyên con hãy gắng làm tốt vai trò giám đốc, gắng lo hết sức cho công nhân của mình. Họ mất mát quá lớn, không thể gì bù đắp”.
Theo Trọng ThịnhTiền phong online
Blogged with Flock
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét