Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2017

THỐNG NHẤT TRONG CHIA RẺ

29.04.2017

Một đêm quá dài với quá nhiều suy nghĩ miên man trong những ngày cuối cùng của tháng tư…Cơn mưa rất lớn cuối đêm đầu sáng đã làm cho tôi chợt bừng tỉnh và kéo tôi ra khỏi những dòng suy tư tưởng như không có sự kết thúc ấy. Mùa mưa tại Sài Gòn năm nay đã đến quá sớm so với bình thường ngay từ tháng hai và tháng ba dương lịch. Có lẽ ông trời đã không còn có thể che giấu cảm xúc để mà đợi đến mùa mưa được nữa. Có lẽ cũng như đâu đó trong chúng ta, khi phải kiềm chế và bị đè nén cảm xúc quá nhiều, chúng ta chỉ mong muốn đi đến một nơi thật xa, để được sống, được đắm chìm trong nỗi đau riêng mình và để có thể hét lên thật to mà trút hết nỗi giận hờn buồn phiền chất chứa ở trong lòng. Có lẽ cũng vì thế mà càng gần đến ngày này, những cơn mưa xé rào tựa như những giọt nước mắt thịnh nộ, buồn đau mà đất Mẹ đang khóc thương cho dân tộc này càng làm cho tôi cảm thấy u uất…

Tôi thuộc thế hệ 8X sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tôi biết về lịch sử của dân tộc phần lớn qua những trang sách, qua truyền thông mở, qua nhiều nguồn nghiên cứu đa chiều và qua những chia sẻ của những chứng nhân mà tôi đã may mắn gặp được trên con đường đi tìm lại sự thật cho chính mình và cho quê hương mình. Ngày 30 tháng 4 cũng là một trong những chuỗi sự kiện quan trọng ghi dấu ấn lịch sử buồn nhiều hơn vui của dân tộc Việt Nam.

Cũng là những con người, cũng là một đất nước có chủ quyền, đáng lẽ sau 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước thì dân tộc của chúng ta đã phải được hưởng những giá trị tốt đẹp như bất cứ những dân tộc nào khác trên thế giới, ấy vậy mà chúng ta vẫn còn đang trong giai đoạn đi kiếm tìm ! Dù phải sống 1000 năm trong kiếp nô lệ của lũ giặc phương bắc nhưng cha ông của chúng ta đã luôn nung nấu ý chí, tìm cách đứng lên để lấy lại non sông bờ cõi, lấy lại danh dự cho dân tộc và đòi lại quyền làm người của chúng ta. Vậy mà sau 72 năm ở miền Bắc và sau 42 năm ở miền Nam, dân tộc tính của chúng ta đã bị đánh mất ! Chúng ta đâu có thua kém ai về trí tuệ ? Chúng ta đã từng là một dân tộc bất khuất, kiên trung quyết sống và chiến đấu cho đạo lý, chính nghĩa và danh dự của Tổ Quốc. Chúng ta đã từng là những con người có nhân cách, giàu lòng nhân ái, đoàn kết, đề cao lòng tự trọng và biết tôn trọng sự tự trọng của người khác.

Nhưng thay vì đấu tranh, chúng ta lại im lặng đớn hèn để rồi vô tình thỏa hiệp, tiếp tay cho cái xấu, cái ác, cái bất công phát triển và ngự trị trong xã hội. Chúng ta mặc nhiên coi đó là mặt trái hiển nhiên của sự phát triển. Không, đó chỉ là sự ngụy biện ! Tại sao các nước phương tây phát triển hơn chúng ta cả trăm năm mà họ lại dân chủ và nhân bản hơn chúng ta ? Tại sao các nước phương tây luôn đề cao chủ nghĩa cá nhân nhưng họ vẫn có ý thức cộng đồng lớn mạnh hơn chúng ta ? Trên thực tế, sự phát triển luôn mang trong nó một ý nghĩa của sự đổi thay tích cực. Thời buổi truyền thông mở và kỹ thuật số lên ngôi nên mọi thông tin diễn ra trên thế giới hàng ngày đều được truyền tải đến chúng ta chỉ sau vài cú nhấp chuột. Là những con người có nhận thức và trách nhiệm, thay vì đổ lỗi cho sự phát triển và mặc nhiên công nhận mặt trái của nó, chúng ta phải biết phê phán, chỉ trích, thậm chí đấu tranh cho đến cùng để loại bỏ những quan điểm ngộ nhận về phát triển, những hành động theo trào lưu hiện đại sai trái với văn hóa và đạo lý làm người. Không phải vô tình mà Martin Luther King đã nói “Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng”. Cuộc sống là luôn luôn phải gắn liền với đấu tranh, dù ở thời chiến hay thời bình !

Hậu quả để lại cho đất nước của chúng ta hiện nay là mỗi ngày trên quê hương đều là một ngày 30 tháng 4 : thống nhất trong chia rẽ. Chế độ này đã thành công trong việc thống nhất lãnh thổ nhưng đã hoàn toàn thất bại trong việc thống nhất lòng người ! Khủng hoảng niềm tin đã khiến cho chúng ta phần lớn luôn phải sống trong đề phòng, ngờ vực và cảnh giác lẫn nhau. Vì không còn biết tin ai như thế đã khiến cho mọi cảm xúc của chúng ta đối với đồng bào mình, nhân loại mình trở nên bão hòa và dẫn đến sự thờ ơ, lãnh đạm. Thượng bất chính, hạ tất loạn. Trên thì mạnh ai người đó vơ vét khi còn tại vị. Dưới thì mạnh ai người đó sống vì sợ gặp rắc rối. Chúng ta cứ mãi mê đuổi theo những lợi ích cá nhân trong vòng tròn an toàn tự tạo ra của mình mà bỏ mặc đất nước, bỏ mặc xã hội theo thuyết tự điều chỉnh một cách sai lầm. Chúng ta sẽ làm gì khi vòng tròn vô trùng mà chúng ta tạo ra đã trở nên ngày càng nhỏ hẹp ? Phá vỡ nó và chấp nhận đương đầu với sóng gió ngoài kia hay là tự mình sẽ chết trong cái vòng an toàn đã trở nên quá ngột ngạt ?

Không ai có thể sống trong cô lập mãi được. Một quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa không thể phát triển khi đóng cửa với thế giới và tự đưa ra luật chơi của riêng mình. Khi xu hướng lấy quyền và những giá trị phổ quát của nhân loại là cơ sở cho hợp tác và hội nhập chung thì mọi sự thống trị dựa trên độc tôn quyền lực, độc tài chính trị và độc quyền kinh tế chỉ khiến cho đất nước đó bị đẩy ra khỏi quỹ đạo phát triển của sân chơi quốc tế. Và khi bị thế giới quay lưng thì việc tìm đồng minh lớn hơn bảo vệ trong thế bị động, bị cô lập chỉ khiến cho chúng ta mất đi sự độc lập và chủ quyền cần phải có của một quốc gia.

Tất cả những gì đang diễn ra hàng ngày được thể hiện đúng như kịch bản bi thương mà trong đó Tổ Quốc đóng vai nhân vật chính và nhân dân thì rất tận tình đóng vai quần chúng cổ súy cho cái bi thương đó một cách rất vô tình …Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại nhận thức, nhìn lại sự nhu nhược, sự yếu hèn trong con người của mỗi chúng ta. Là người con của nước Việt, chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm đạo đức với đất Mẹ đã sinh ra mình cũng như biết lên tiếng trước áp bức, bất công và gian trá.

Không bỏ công xây dựng sao có thành quả ? Chúng ta có thể có sự khác biệt nhưng chúng ta đừng để sự khác biệt đó chia rẽ chúng ta cũng như mục tiêu chung của chúng ta. “Bóng tối không thể xua đi bóng tối, chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không thể xua đi hận thù, chỉ có tình yêu mới có thể làm được điều đó”. Mọi sự thay đổi không bao giờ đến một cách tự nhiên, mà nó là kết quả của sự mong muốn, một quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng nghỉ. Nếu chúng ta không thay đổi, nếu chúng ta không đứng lên đòi lại danh dự cho Tổ Quốc và những quyền phổ quát của con người thì chúng ta đã tự biến chúng ta thành những kẻ bị trị và sự im lặng cam chịu của chúng ta chỉ khiến cho nhà cầm quyền duy trì và củng cố sự cai trị của họ lên chúng ta một cách bền vững mà thôi.

Cuối cùng, xin mượn ý của Martin Luther King để nói rằng một đất nước hay một nền văn minh sinh ra những con người nhu nhược, đớn hèn thì đang tự tạo ra cho mình một cái chết tinh thần trong tương lai. Ngay từ bây giờ, điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải gây dựng lại niềm tin trong chúng ta vì “Niềm tin là bước chân đầu tiên, cho dù bạn không thể nhìn thấy hết cả cầu thang” nhưng nếu không có những bước chân đầu tiên ấy thì chúng ta sẽ không thể về đến đích. Sau tất cả, tôi vẫn tin rằng tinh thần dân tộc mạnh mẽ vốn có của chúng ta vẫn chưa chết. Tôi vẫn hy vọng những gì mà tôi vừa nói, dù có vẻ bi quan, nhưng dứt khoát không phải là bản chất thực tế tiềm ẩn sau sự lãnh đạm đến từ sự sợ hãi của chúng ta nữa.

Sau cơn mưa ban nãy, trời đã sáng trở lại và cỏ cây nhờ nước mưa gột rửa giờ lại được khoác lên mình một lớp áo mới tươi xanh hơn, không vướng bận bụi trần và nhờ vậy mà chúng ta chợt thấy những búp non đang hiện ra lung linh khoe sắc dưới ánh mặt trời …!

FB VÕ HỒNG LY

Không có nhận xét nào: